Những cuốn sách sẽ làm bạn khóc - phần 1

Gác Sách: Có những cuốn sách khiến bạn phải khóc bằng những câu chuyện tình yêu cảm động, những tình cảm gia đình đầm ấm, hay số phận đau khổ của những mảnh đời bất hạnh. Cùng với Gác Sách, chúng ta cùng điểm qua một vài tác phẩm sẽ làm bạn khóc nào.

1. Mẹ! Thơm một cái - Cửu Bả Đao

2.jpg (ảnh: Sâu)

“Anh nằm dư một tuần trong bụng mẹ, bởi không chịu rời khỏi mẹ,
tôi nằm thiếu một tuần trong bụng mẹ, bởi muốn sớm nhìn thấy mẹ
Thằng út nằm trong bụng mẹ không thiếu ngày nào bèn nhảy ra, bởi đã hẹn với mẹ.
Ba anh em, từ trong bụng mẹ, đã yêu thương mẹ theo cách của riêng mình.”

Không cần nhiều lời hoa mỹ, lòng yêu thương mẹ của Cửu Bả Đao đầy ắp những trang anh viết trong giai đoạn bên giường bệnh người mẹ. Tình cảm thiêng liêng đó vốn chẳng riêng ai, thật dễ lan truyền tới mỗi chúng ta, nên mỗi khi mở cuốn sách này ra, tim ta lại rung lên những nhịp xốn xang về Mẹ.

Cảm nhận của bạn Sâu :
Một cuốn sách không làm tôi bật khóc lớn, không làm tôi phải khóc lặng lẽ, không khiến tôi phải khóc ngay khi đang đọc. Nó làm tôi càng đọc càng thấm, thấm xong rồi mới khóc.
Tôi thấy mẹ tôi trong sách, thấy mẹ vất vả cả đời, thấy mẹ "đau để được ngủ một giấc trọn vẹn".
Tôi thấy tôi trong đó, thấy tôi đã lớn nhưng chưa làm gì được cho mẹ, vẫn để mẹ gánh gồng nhiều nỗi lo toan...
"Mẹ, thơm một cái" nào.

2. Một lít nước mắt - Kito Aya

IMG_0973.png (ảnh: Gấu Tắm Mưa)

"Hãy sống! Mình muốn hít thở thật sâu dưới trời xanh."
Một tâm hồn nhạy cảm.
Một gia đình ấm áp.
Một căn bệnh hiểm nghèo.
Một cơ thể tật nguyền.

Đó là những gì Kito Aya có trong hơn 20 năm cuộc đời. Với Aya, tương lai của cô là một con đường hẹp, và càng ngày nó càng trở nên hẹp hơn. Căn bệnh ngăn trở Aya khỏi tất cả những ước mơ và dự định, thậm chí việc tự mình bước ra ngoài phố để đi tới hiệu sách cũng trở thành một khao khát cháy bỏng. Hơn 6 năm kiên trì viết nhật ký, cô kể về những cảm nhận và suy tư của bản thân trong suốt quãng thời gian chứng kiến cơ thể mình từng bước từng bước gánh lấy một số phận đau đớn . Nhưng từ trong nước mắt và tật nguyền, cuộc tìm kiếm giá trị bản thân của cô đã làm rúng động cả Nhật Bản.

"Có những người mà sự tồn tại của họ giống như không khí, êm dịu, nhẹ nhàng, chỉ khi họ mất đi người ta mới nhận ra họ quan trọng nhường nào. Mình muốn trở thành một sự tồn tại như thế.''

Cảm nhận của bạn Gấu Tắm Mưa:
Tình cảm gia đình, cộng đồng, và nghị lực sống, tất cả đều được gói gọn trong cuốn sách này qua lời kể của Aya, mẹ cô - bà Kito Shioka và bác sĩ Yamamoto Hiroko.

"Mẹ ơi, con không đi được nữa."
"Bác sĩ, cháu có thể... kết hôn được chứ?"

(Trích trong "Một lít nước mắt" - Kito Aya)

Và, chính câu chuyện của Aya đã khiến mình bật khóc và suy nghĩ rất nhiều.

3. Ngàn mặt trời rực rỡ - Kholed Hosseni

2014-12-09 16.20.25.png (ảnh: )
Cảm nhận của bạn :
Mình là người hay khóc (dân miền nam gọi là "Mít ướt" á), nên trước giờ mình vẫn thường rươm rướm nước mắt, cay cay khóe mi, tim se thắt đập thình thịch vì xúc động và thỉnh thoảng cũng khóc ào ào ngon ơ mỗi khi chẳng may đọc phải một cuốn sách/truyện có nội dung hoặc hoàn cảnh cảm động.:( Nhớ hồi mớichập chững bước vào con đường đọc sách, mình toàn đọc ngôn tình, đã từng khóc đến sưng cả mắt khi đọc Thương Ly nè, Đức Phật và nàng nè, Hoa Sen Xanh nè. Có một chuyện tếu lâm là trong một đêm đọc Thương Ly, mình bi thương quá độ, khóc hơi quá liều hay sao á nên sáng thức dậy mắt sưng húp. Vào công ty, nhiều đồng nghiệp vừa đùa vừa thật hỏi: "Bị chồng 'quánh' hay sao mà khóc dữ thần vậy? :">(Quê ghê chưa?)

Sau, trải qua nhiều vụ nhiều việc, cũng đã khóc nhiều kiểu nhiều loại: khóc do đau, khóc vì buồn, khóc bởi giận, khóc để giải tỏa tâm trạng bí bách trong cuộc sống và công việc nên mình ít khóc hơn khi đọc sách. Điều này chắc phần nào bắt nguồn từ bản thân có sự chuyển biến trong việc đánh giá mọi vật, mọi việc theo góc nhìn đa chiều hơn và do đó dễ chấp nhận hiện thực trần trụi trơ tráo đầy tranh chấp hơn.

Do đó, nếu phải chọn một cuốn sách khiến mình khóc mình đã phải suy nghĩ mãi để mà tham gia cái thử thách này ủng hộ mấy cô gái mình quen. :PVì sao vậy? Vì thật ra mà nói, có những quyển sách, đọc đó, khóc đó rồi cũng xong rồi đó. Qua một thời gian là quên nó mất tiêu cứ như nó chỉ là một người quen nào đó mà mình đã từng gặp qua trên đường. Nhớ mặt đấy, quen đấy nhưng chả có gì để mà nói với nhau cả đấy. Nhưng mà, cũng có những khi, cũng có những lúc gặp được người bạn khiến ta nhớ nhiều và ấn tượng sâu sắc ví như cuốn Ngàn mặt trời rực rỡ của tác giả Khaled Hosseni chẳng hạn.

Cuốn sách này không có khả năng khiến mình khóc bi thương thống thiết như ngày xưa xét về chủ quan lẫn khách quan. Tuy nhiên, mình đã khóc một cách rất lạ lùng kể từ khi bắt đầu đọc nó. Có cảm giác như cơn xúc động đó cứ từ từ, từng chút len lỏi vào cảm xúc của mình, ẩn nhẫn đâu đó rồi theo diễn biến câu chuyện nó cứ lớn dần lớn dần cho đến lúc căng phồng ra và vỡ tan tành khi cô gái Laila quay trở về kolba nơi ngày xưa Mariam đã ở. Và trong một buổi chiều tịch mịch tại bãi đất hoang, dường như Laila đã thấy lại cô bé Mariam của năm 14 tuổi đang ngồi khâu một con búp bê vải, đôi mắt sáng long lanh ngước nhìn cô và khẽ gọi "Laila yêu dấu".

Nhưng một điều lạ là không có giọt nước mắt nào trào ra khỏi khóe mắt của mình cả. Khi đọc đến đoạn đó, bất chợt lòng mình quặn thắt, rồi một cơn xúc động bỗng trào dâng, chạy qua tim rồi xông thẳng lên não, sau đó tràn ra khóe mắt. Lúc đó, mình đã cảm thấy mắt mình cay lên rồi, khóe mắt cũng đã nóng lên rồi và ươn ướt rồi, một khoảng mờ mờ do hơi nước cũng hình thành rồi vậy mà nước mắt lại chả rơi. Có cái gì đó như tắc nghẹn lại khiến nước mắt chẳng thể rơi xuống trong khi cơn xúc động cứ dâng tràn mãnh liệt trong lòng. Hậu quả của việc đó là cổ họng mình bỗng như cứng lại rồi như có gì đó chặn ngang khiến mình cảm thấy tức ngực và khó thở.

Lần đầu tiên trong ba năm đọc sách của mình, Ngàn mặt trời rực rỡ lại khiến mình rơi vào một kiểu khóc hơi bất bình thường với bản thân mình như vậy. :(Cho nên, mình có ấn tượng sâu sắc với nó, và cho đến hiện tại nếu phải lựa chọn một cuốn sách để tham gia thử thách số 2 này, mình sẽ chọn nó.

4. Cô gái trong nắng - Koshigaya Osamu
10888602_1523536417895665_9091955447411808683_n.jpg (ảnh: Haiiro)

Nếu bạn gặp lại người bạn khác giới mình từng thương thầm trộm nhớ hồi cấp II? Nếu người đó giờ lớn lên bỗng xinh đẹp muôn phần? Và nếu người đó lại hâm mộ bạn? Chắc chắn khi đó bạn không thể không nghĩ đó là người tình định mệnh.

Nhưng...Kết hôn với người trong mộng, chưa bao giờ là đủ để khép lại một câu chuyện. Với Cô gái trong nắng, người đọc sẽ được dẫn dắt theo đủ mọi cung bậc cảm xúc. Từ thú vị, hào hứng dõi theo tình yêu của Mao và Kousuke, đến hồi hộp, tò mò về bí mật mà Mao che giấu, thấp thỏm đón nhận kết-cục-tưởng-chừng-xấu-nhất, cho đến hân hoan trước sáng tỏ cuối cùng. Vì sau tất cả, câu chuyện này vẫn trong sáng như một giọt nắng mai.

Cảm nhận của bạn Fuju :
Tôi thường khóc khi xem một bộ phim hơn là khi đọc một cuốn sách dù cho cả hai đều cảm động chăng nữa. Vậy mà lúc đọc đến đoạn Mao quay lại hôn tạm biệt Kousuke và nói "Em đi nhé!", tự nhiên lại có mấy giọt nước mắt lăn ra.
Chỉ riêng điều đó đã làm tôi cảm thấy muốn nâng niu cuốn sách này rồi!

5. Tắt đèn - Ngô Tất Tố

Tatdenban-in-1939.jpg
(ảnh: internet)

Tắt đèn là một trong những tác phẩm văn học tiêu biểu nhất của nhà văn Ngô Tất Tố (tiểu thuyết, in trên báo Việt nữ năm 1937). Đây là một tác phẩm văn học hiện thực phê phán với nội dung nói về cuộc sống khốn khổ của tầng lớp nông dân Việt Nam đầu thế kỉ 20 dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.

Tác phẩm xoay quanh nhân vật chính là chị Dậu và gia đình đang trong mùa sưu thuế; một điển hình của cuộc sống bần cùng hóa do sưu cao thuế nặng mà chế độ thực dân áp đặt lên xã hội Việt Nam. Tác phẩm Tắt đèn không chỉ phản ánh được sự hống hách, bất nhân, tàn nhẫn của bộ máy quan lại đương thời, mà còn cho thấy những phẩm chất cao quý của người nông dân, được coi là những kẻ ở dưới đáy xã hội qua hình ảnh chị Dậu. Dù họ có bị tần lớp thống trị lấn át, và dù cuộc sống của họ có tăm tối, cùng quẫn đến mức nào cũng không thể khiến họ đánh mất những đức tính cao đẹp vốn có, nhưng đồng thời cũng thể hiện sức phản kháng tiềm tàng mạnh mẽ của những người nông dân nghèo. Và dù khi câu chuyện kết thúc, chị Dậu vẫn không thoát khỏi cuộc đời tăm tối của mình, nhưng qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ, Ngô Tất Tố đã nêu lên một quy luật tự nhiên rằng: ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh, và có lẽ đoạn trích trên chính là dấu hiệu báo trước cho cuộc cách mạng năm 1945.

Tắt đèn đã được đưa vào chương trình giáo dục văn học Việt Nam trong sách Ngữ văn 8, tập một (đoạn trích Tức nước vỡ bờ) và đã được điện ảnh Việt Nam chuyển thể thành một bộ phim. Tắt đèn là một tác phẩm mang tính chất của một luận ngữ phê phán chế độ thực dân nửa phong kiến đương thời của thế kỉ 20, tắt đèn là luận văn mang tính nghệ thuật cao góp phần thúc đẩy quá trình nhận thức của xã hội đương đại, nó đúng là tác phẩm hay nhất đương thời làm cho giới nghệ sĩ luôn khó khăn trong việc đả kích chế độ “tư nhân sở hữu”. Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng: “Ngô Tất Tố đã xui người nông dân nổi loạn”

Cảm nhận của bạn Song Nhân:
''U nhất định bán con đấy ư? U không cho con ở nhà nữa ư? Khốn nạn thân con thế này. Trời ơi! Ngày mai con chơi với ai? Con ngủ với ai?'' Khi đọc đến đoạn này tôi đã khóc.

Nhật Hy - Thống kê từ độc giả Gác Sách


>>> Phần 2

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay