[Cảm nhận] Thằng quỷ nhỏ - Tình bạn thuở học trò
--- o0o ---
Tôi đọc Thằng quỷ nhỏ năm học cấp hai, lúc ấy mười mấy tuổi, không nhớ nữa. Nhưng vẫn nhớ như in ấn tượng của mình về Quỳnh, người bạn đặc biệt ấy. Nhớ tại sao cậu có biệt danh là “thằng quỷ nhỏ”, vì cậu có đôi tai kì lạ có thể cử động vẫy vẫy như tai voi không thể kiểm soát và chiếc mũi lúc nào cũng đỏ. Cậu sẽ mãi bị bạn bè cùng lớp trêu chọc, bắt đem ra làm trò vui, chịu đủ mọi ức hiếp mà chỉ có thể im lặng, một mình một chiến tuyến nếu như không có Nga – cô bạn mới chuyển tới.
Nga dịu dàng, tinh tế và hiền lành, là người duy nhất không những không chọc Quỳnh, làm khó Quỳnh mà còn bênh vực Quỳnh khi Quỳnh bị bắt nạt. Nga là người duy nhất lên tiếng bảo vệ Quỳnh. Nga thông cảm với ngoại hình của Quỳnh. Điều đó đã làm Quỳnh ngạc nhiên, và tất nhiên, sung sướng.
Tình bạn của Nga và Quỳnh sẽ không trở nên đặc biệt nếu như không có hai nhân vật khác: Luận và Khải.
Ngày đầu tiên tới lớp, nghe biệt danh thằng quỷ nhỏ, nhìn cái vẻ nghịch ngợm của Luận, Nga đã tưởng Luận là “thằng quỷ nhỏ” nhưng không phải. Luận ngang ngạch, thích bày trò nghịch phá, càng làm cho người ta ngượng ngùng, Luận càng khoái, thích ra vẻ ta đây. Cũng chính ngày đầu tiên đó Luận đã “mang thù” với Nga, vì Nga làm Luận bị quê khi Luận muốn làm quen. Cả những ngày sau này khi Luận trêu chọc Quỳnh, Nga đều lên tiếng bênh vực, Luận càng sôi máu.
Nhà Quỳnh nghèo khó chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau. Cha Quỳnh mất sớm, mẹ Quỳnh bán thuốc lá ngồi ở trước nhà. Quỳnh theo chú đi đẩy xe ba gác kiếm thêm tiền đỡ đần mẹ, để có tiền đi học.
Khải hơn Nga hai tuổi, lại là hàng xóm nhà Nga, Khải mến Nga, mến cô bạn dịu dàng hiền lành mới chuyển tới. Nhưng tình cảm ấy thật xa xôi khi mà Nga chẳng hề cảm kích trước những cuốn sách, băng nhạc, vé xem ca nhạc Khải mang tới.
Quỳnh lại tặng Nga những thứ Nga thích, nhờ có “tay trong” là Ngạn – em trai của Nga, vì Ngạn thích chơi với Quỳnh nên vô tình tiết lộ.
Cùng là yêu thầm nhưng một bên tặng những thứ Nga không thích và một bên tặng những thứ Nga thích làm Nga càng không ưa Khải và càng thân với Quỳnh.
Đọc Thằng quỷ nhỏ, đọc giả có thể cảm nhận được sự hồn hậu, trong sáng, chân thành của tình bạn tuổi học trò. Cái tuổi 15, 16 dại khờ, ăn chưa no, lo chưa tới, cái tuổi lần đầu biết đến những rung động đầu đời. Đọc Thằng quỷ nhỏ để thấy tuổi học trò của ta trong đó, thấy những Luận, Quỳnh, Khải, Nga cũng giống bạn bè của ta thuở nào.
Để cảm thông cho một Quỳnh lớn lên trong nghèo khó nhưng nhân hậu, giỏi giang, là người bạn đặc biệt của trẻ con, người anh lớn của lũ trẻ trong xóm.
Để lắc đầu trách móc một Luận hiếu thắng, thích bày trò bắt nạt bạn bè nhưng sau đó ta sẽ gật gù hài lòng khi cậu biết xin lỗi và giúp đỡ, gần gũi Quỳnh.
Để phì cười với anh chàng Khải ngây thơ thích Nga mà không biết đường bày tỏ, sau đó lại bị nhắc đến như là “bạn của chị Ngàn”, chị của Nga.
Chuyện làm tôi nhớ tới Thằng quỷ nhỏ không chỉ vì câu chuyện về tình bạn, tình yêu mới lớn của tuổi học trò mà còn bởi ấn tượng về Quỳnh – thằng quỷ nhỏ. Hẳn bạn và tôi đều biết, trong mỗi lớp sẽ luôn có một đối tượng kì lạ luôn bị người ta trêu chọc, như Quỳnh, như tôi, kẻ lập dị sau này.
Năm lớp 3 tôi chuyển về trường mà tôi học sau này, trước đó tôi học ở nơi khác. Trong lớp chỉ có 2 đứa bé nhỏ nhất nên được xếp ngay bàn đầu là tôi và một người bạn nữa, là Mẫn. Hồi ấy mới vào lớp nhưng vì tôi biết mình học giỏi, luôn đứng đầu ở trường cũ và bạn trong lớp đều là người làng tôi, chơi với tôi từ bé nên tôi rất kiêu ngạo, đặc biệt rất ghét người ngồi bên cạnh mình. Mẫn bằng tuổi tôi nhưng còn thấp bé hơn tôi, làn da trắng nhợt, tóc hung hung đỏ như râu ngô, mắt nhạt màu, sau này tôi mới biết đến bạch tạng chứ lúc ấy chưa biết.
Mẫn nhỏ con nhất trong đám con trai nên hay bị bọn họ sai vặt đi lấy cái này cái kia, mua quà vặt, xách cặp, giặt giẻ lau bảng. Cậu không thể chống lại, chỉ có thể im lặng làm theo. Còn tôi và những người khác cũng chẳng lấy làm lạ, thản nhiên coi là chuyện bình thường.
Tôi không còn nhớ hồi ấy bàn bốn người chúng tôi còn những ai, chỉ nhớ ngồi bên cạnh tôi là Mẫn. Cậu ta hay kể đủ thứ chuyện kì bí cho chúng tôi nghe, nhưng sau khi nghe xong chúng tôi lại quăng cậu sang một bên, coi cậu như kẻ vô hình. Lúc làm bài kiểm tra, cậu luôn có cách để chép được bài của tôi, tôi ghét. Khi chúng tôi dùng vạch phấn để phân chia lãnh thổ, vì hậu đậu, đồ đạc của tôi luôn bị quá cảnh sang lãnh địa của cậu và bị tịch thu, về nhà thế nào cũng bị mẹ mắng, tôi càng ghét.
Tôi luôn nhớ đến những lỗi lầm của cậu gây ra cho tôi nhưng không bao giờ nhớ được những câu chuyện thú vị mà cậu kể, những viên bi đẹp nhất mà cậu cho tôi sau khi cậu chơi thắng của tụi con trai.
Tôi cũng luôn cười nhạo cậu vì cậu là đứa con trai duy nhất không chơi trò “cưỡi ngựa” và tôi là đứa con gái duy nhất chơi trò này. Để chơi trò cưỡi ngựa thì phải bắt cặp với nhau, một người cõng người kia trên lưng, các cặp sẽ “chiến” với nhau bằng cách người cưỡi sẽ đá người cưỡi bên đối thủ, dùng chân hay tay đều được, sao cho người kia bị ngã xuống, ai ngã trước thì cặp đó thua. Đội của tôi luôn thắng vì tôi là con gái, lại là đứa còi cọc nên cõng tôi dễ nhất. Những lúc chúng tôi chơi trò này, Mẫn thường lủi đi đâu không rõ..
Tôi cũng không bao giờ để ý khi chúng tôi rộ lên trò câu kiến kim (loại kiến rất to, răng sắc, cắn rất đau) trong hốc tường cũ, tôi sợ bị kiến cắn nên thường vênh mặt bắt Mẫn câu giúp tôi, sau đó sẽ quên mất việc trả cho cậu vài trái đào mà tôi đã hứa.
Tôi chỉ luôn nhớ cậu chơi oẳn tù tì luôn ăn gian, chỉ nhớ cậu thu đồ dùng học tập của tôi mà không bao giờ trả, nhớ cậu hay xin mực, nhớ cậu hay xin phấn, nhớ đậu hay nhìn bài.
Tôi luôn ghét cậu ấy suốt 2 năm khi chúng tôi học lớp 3 và lớp 4. Tôi đã cao lên không ít, Mẫn vẫn nhỏ như vậy.
Hết học kì 2 lớp 4, chúng tôi được nghỉ hè. Đó là một mùa hè khó quên với tất cả lớp tôi. Một ngày mưa mùa hạ dai dẳng, chúng tôi biết tin Mẫn chết. Cậu ấy đi mò ốc kiếm tiền, trời mưa rất to mà cậu vẫn thui thủi mò ốc một mình ở bờ ao. Lúc người nhà hốt hoảng đi tìm thì cậu đã lạnh ngắt.
Lúc đưa tang tôi thấy cậu ấy. Tôi hoảng hốt tưởng mình gặp ma. Mẹ cậu ấy mới cho chúng tôi biết đó là anh trai của cậu hơn chúng tôi 2 tuổi, hai anh em giống y hệt nhau. Vì cha của họ từng tham gia chiến trường miền nam nên bị nhiễm chất độc màu da cam. Từ khi sinh ra, hai anh em họ đều bị bạch tạng, sức khỏe yếu, tuổi thọ cùng lắm đến năm 12 tuổi, cơ thể vĩnh viễn dừng phát triển vào lúc 8 tuổi.
Chúng tôi nhìn nhau, những đứa trẻ lần đầu tiên biết đến cái chết, biết đến mất mát của cái chết đem lại, biết đến sự hối hận.
Cho đến mấy năm sau tôi mới biết đến Nguyễn Nhật Ánh và đọc Thằng quỷ nhỏ. Đọc xong, tôi đã hiểu được thế nào là vô tâm, là day dứt, là tội lỗi, dù một cách vô tình, chúng tôi đã bắt nạt và tổn thương người khác. Nhưng chúng tôi biết được điều đó quá muộn để nói lời xin lỗi.
Luận đã biết được hoàn cảnh khó khăn của Quỳnh và kịp thời xin lỗi, kịp thời sửa sai. Nga cũng không như tôi, mà luôn an ủi, động viên Quỳnh, dù cô chẳng thể đáp lại tình cảm thầm lặng của cậu. Nhưng họ đã trao cho nhau tình bạn quý báu kịp thời.
Họ sẽ không bao giờ như chúng tôi, khi nhắc về người bạn kia, chỉ là cái cúi đầu lảng tránh ngượng ngùng hay hổ thẹn.
____________
Bài đăng trên diễn đàn
Người viết: Ktmb