Đất Trời- Chương 01 part 2

Khi Hoàng Phúc sai lính đến thì gia đình họ Ðỗ đã lục đục sắp chỗ ngủ qua đêm. Ðặng là thứ mười trong một gia đình có đến hai mươi mốt đứa con, hành nghề hoạn lợn, nổi tiếng là lành tay, tục gọi là Ðặng-thập vì quen mồm hứa hẹn lợn hoạn xong chỉ dăm bữa nửa tháng là to lên bằng năm bằng mười ngay. Ðặng thị vốn khéo thu vén, kéo tấm chăn bông ra trải rồi bảo đứa con trai chui vào cho đỡ lạnh. Nhìn vợ, họ Ðặng an lòng, cời lửa cho cháy lên rồi vác dao ra chặt thêm ít củi. Một lát sau, Ðặng quay về, xếp củi cạnh lán rồi ngồi xuống cạnh vợ.

- Nhà ơi, phải chi mà mang theo được cái guồng quay tơ nhỉ ? Tôi chẳng biết bên Ðại quốc có không ?
- Có chứ, Ðặng cả quyết. Với lại họ bảo mình đi là để dạy cho họ cái nghề của mình. Dạy xong thì muốn về là về, mang đi làm gì cho nặng...
- Tôi vẫn không tin, nhà ạ ! Ði rồi, về chẳng dễ thế đâu. Có lẽ là tôi chẳng có bao giờ thấy lại bu tôi nữa. Ðặng thị nghẹn ngào - ... mà bu tôi chỉ còn một mình, tuổi lại cao... Nhiều khi tôi cứ nghĩ, nhà đi một mình sang bên ấy, rồi xem sau về được thì về. Chứ dắt díu nhau thế này, muốn về cũng khó. Tôi nghe đến được Yên Kinh, đi cũng mất ba, bốn tháng, đường xá xa xôi, thổ ngơi không biết mà chữ nghĩa lại mù tịt...
Ðặng kéo chăn phủ lên vai, vùng tay :
- Mẹ mày lo xa. Nghề mình dạy cho họ xong là mình kiếm được cái vốn, chỉ mấy tháng là về thôi. Tôi đồ vào quãng này năm sau là mẹ mày về làng, có tiền tha hồ mở mày mở mặt. Xoa tay, Ðặng nói, giọng lạc quan - lắm khi lại tậu được sào ruộng thì có kém gì chuyện vinh qui bái tổ, hở !
Ðắp thêm chăn cho thằng bé con nằm co gối đã chợp mắt ngủ, Ðặng thị lắc đầu, tay quệt chìa vôi lên lá trầu têm sẵn bỏ vào mồm từ từ nhai. Ðặng với lấy bị đồ nghề, lấy ra ngắm nghía. Bộ dao kéo này Ðặng thừa hưởng từ ba đời, nhưng tất cả bí mật nghề nghiệp không phải chỉ ở cái hình thể lạ lùng của cặp kéo hay lưỡi dao. Ðặng mỉm cười đắc chí, tay mân mê chất thép lạnh tanh, thầm nhủ rằng có dạy thì cũng chẳng dạy cho hết, phải giữ một phần để phòng thân. Ðặng thị vừa nhai trầu vừa nói :
- Nhà cứ đi ngủ đi, để tôi bỏ thêm củi đốt...
Nhìn vợ, Ðặng trạnh lòng. Vừa định nói một câu an ủi thì có tiếng chân thình thịnh. Hai tên lính Minh và một người thông dịch hiện ra. Lệnh của Thượng thư gọi, Ðặng chẳng hiểu là chuyện gì, vội vã choàng tấm áo tơi lên người. Ðặng thị mặt tái xanh, lúng túng :
- Chuyện gì vậy hả nhà ?
- Cứ yên tâm, đi ngủ trước đi !
Ra đến ngoài, nghe người làm thông dịch thì thào vào tai, Ðặng lại quầy quả vào lán, tay xách bị đồ nghề. Ðêm hôm ấy, đến thật khuya Ðặng mới mò mẫm về. Mặt xanh rờn, Ðặng chẳng nói chẳng rằng rúc vào chăn. Ðặng thị vẫn chưa ngủ, bảo với chồng :
- Nhà ạ, quanh đây chắc nhiều sói. Nẫy, chúng nó hú lên rung rúc, ghê lắm. Nhà có nghe thấy không ?
Thấy chồng không đáp, Ðặng thị tiếp :
- Tôi chỉ sợ nhà đi đường rừng, sói ra thì nguy...
Quay mặt nhìn ra bìa rừng tối đen, Ðặng thở dài rồi bảo :
- Không phải sói đâu. Tiếng người hú đấy...
Bị gặng hỏi mãi, Ðặng mới thì thào kể vào tai vợ. Ðặng thị nghe xong rú một tiếng nhỏ, chui ra khỏi chăn, sợ sệt quàng chiếc áo bông lên người. Cả đêm hôm ấy, Ðặng thị ngồi bó gối, miệng lẩm nhẩm ‘‘ Giời ơi, thật là thất đức, mẹ con tôi sẽ ra sao, giời ơi là giời ! ’’.
*
Ðến cuối canh hai, gió lại bắt đầu xào xạc. Nước trên lá rừng lộp độp rơi, lẫn vào tiếng côn trùng chập chập rên rỉ trong đêm thâu. Bìa rừng, than từng đống vẫn còn heo hắt cháy trước những căn lều căng tạm nằm suốt từ cuối lên đầu dốc. Phi Khanh co ro trong chiếc áo bông đã sờn, tay vân vê râu nhìn Trãi. Góc lều, hai anh em Phi Hùng và Phi Bảo co quắp nhưng đã ngủ say, tiếng ngáy khò khè lúc lên lúc xuống. Ðêm chìm xuống như đò chìm, từng chút một, nhưng không cưỡng lại được. Phi Khanh cất tiếng :
- Thế là cha đã nói hết. Ðừng bao giờ tin danh nghĩa phù Trần mà phải tự mình cướp lại nước từ bọn giặc Ngô. Chỉ có sách đó mà thôi, ngoài ra là mê muội cả.
- Thưa cha, chúng lấy sách vở ta đem đốt. Rồi bao nhiêu sinh đồ, thợ khéo, thậm chí sư tăng có sở học, chúng cũng bắt đem về Yên Kinh. Chúng lại mang Tứ Thư, Ngũ Kinh thời Tống Triều sang nước ta rao giảng. Cứ thế, nước ta ruỗng ruột trước, rồi sau như rắn không đầu, thì con cháu nhà Trần hay ai đi nữa cũng chẳng thay đổi gì...
Im lặng, Trãi lát sau nhỏ nhẹ :
- Vả lại quyền lực xưa nay có ai cho không ai ? Ban đầu, chúng sẽ ra oai giết chóc cho ta sợ. Rồi sau, chúng sẽ ra ân mua chuộc lòng người. Nếu chúng mua chuộc được là ta mất hết và chẳng có khả năng cứu vãn gì nữa trong tương lai.
Phi Khanh cúi đầu thở dài lẩm bẩm nói một mình :
- Có sách gì khác không?
Chống cằm, Trãi nhìn vào màn đêm dày đặc, mặt đanh lại thành đá tạc. Nét đăm chiêu khiến Trãi già hẳn đi, lưỡng quyền nhô cao lên, gân máu trên thái dương nổi thành những vệt xanh chạy xuống mang tai. Nhìn Trãi, Phi Khanh thình lình nghiêm nghị bảo:
- Thôi, con về đi. Theo cha mà làm gì ! Nghẹn ngào, Phi Khanh tiếp - Làm trai thì về mà trả ơn nước, thế mới là báo hiếu cho cha, chứ theo để chỉ chôn một nắm xương tàn thì cha có chết cũng không nhắm mắt được. Nay, Hoàng Phúc sẽ lấy cái mạng cha ra để ép con hàng phục. Ðừng bao giờ ! Ngày nào cha nghe con theo giặc thì ngày ấy là ngày giỗ cha, nhớ đấy ! Chết không khó, nhưng sống cho xứng đáng mới là khó...
Giọng đanh lại, Phi Khanh chợt hỏi :
- Con có muốn ta chết ngay trước mắt con không ?
Ngạc nhiên, Trãi vội đáp :
- Ðừng, cha đừng...
- Thế thì cha sống. Nhưng đổi lại, con phải về để mưu phục cơ đồ. Sớm muộn cũng phải vào hai châu Hoan, Diễn. Ðó là chỗ dấy cờ. Dựa lưng vào đất Lão Qua làm chỗ lui, hiếu hòa với Chiêm Thành để tránh thế bị kẹp. Con nhớ chưa ?
Trãi gật đầu, nước mắt ứa ra chảy dài xuống má. Ðêm đang lặng lẽ thì thình lình có một tiếng hú, kèm theo là tiếng trẻ con khóc ré lên từng chập. Cú rừng im bặt tiếng rúc nhưng bầy ngựa hoảng vía hí vang lên, móng lộp cộp đạp vào mặt đất.
Tiếng hú sắc như thủy tinh vỡ thành mảnh văng vào không khí. Tiếng hú lanh lảnh nhọn tựa đầu ngọn chông cắm chọc lên trời, xua lũ chim nháo nhác phành phạch đập cánh bay lên quang quác kêu cứu.
Tiếng hú thê thiết tuyệt vọng vẳng lại từ vách núi, kéo dài suốt một giải rừng dọc biên giới tựa không dứt được. Có khi, nó ậm ực tiếng nghẹn của loài hổ không nuốt được mồi, hả họng đến rách toạc yết hầu rồi đau đớn tru lên một lần cuối. Sau, nó the thé tiếng mèo cái tranh đực trên mái dạ những đêm không trăng không sao trong mùa gió bấc, nghe nao lòng đến bủn rủn chân tay. Rồi đôi lúc nó lại khàn đặc, ê a than vãn, có đánh đập chửi bới cũng cứ tiếp tục xin xỏ như đám ăn mày từ châu Ái hàng năm lũ lượt rủ nhau về Kinh chìa tay đợi bố thí. Và lắm khi nó thành lời nguyền rủa rít lên giữa hai hàm răng nghiến chặt, rít như cơn gió oán thù lùa vào lòng người đã chất chồng căm hận.
Cứ thế, tiếng hú lúc âm u não nùng đến từ cõi ma thiêng chốn âm gian, khi lại hệt tiếng gào rồ dại lúc giơ tay vĩnh quyết giờ tử biệt. Nó bần bật rung trong không gian mọi thể điệu của con người. Tức tửi. Nghẹn ngào. Căm phẫn. Bi tráng. Nhưng dẫu gì thì những tiếng hú đêm ấy đều chia xẻù cùng một niềm vô vọng cứ tựa biển muôn trùng. Mỗi lúc biển một bao la, thản nhiên xoáy vào vỡ đất.
Văng vẳng suốt một vùng sơn khê, tiếng hú theo gió bay tít mù trong cõi nhân ảnh mỏng manh của những kiếp huyễn hão phù sinh. Cạnh Phi Khanh, Bảo và Hùng đang ngủ cũng giật mình chồm dậy lắng tai. Mấy cha con nhìn nhau, nhưng chẳng ai nói với ai lấy một lời. Lát sau, Bảo quay lại nói chậm rãi :
- Thưa cha, thưa anh. Phải ngủ thôi ! Ngày mai còn đi và đường trước mặt sẽ dài, dài lắm...
*
Tiếng hú vẫn văng vẳng trong đêm thâu đến từ phía đầu dốc. Trước đó không lâu, Hoàng Phúc đi theo Liễu Thăng vào căn lều nhà cha con họ Hồ. Mặt mũi xương xẩu, râu rậm rì, mắt ốc nhồi chỉ thấy lòng trắng, Liễu Thăng cao hơn người thường dễ cả cái đầu. Hắn vừa mới bước vào đã quát :
- Giỏi thật, bay giấu thằng bé đi đâu ? Ðúng là chẳng thể tin được bọn Nam di, hở một cái là chúng lươn lẹo...
Vòng tay vái, Hán Thương chậm rãi :
- Thưa ngài, mưa bão thế này có đứa trẻ đi lạc thì cũng là chuyện thường tình, xin ngài chớ mắng mỏ nặng lời. Chắc tảng sáng, thế nào cũng tìm ra.
Quay lại nói thì thầm vào tai Hoàng Phúc, Liễu Thăng không thèm nhìn ai, vẫy một người phục phịch đi theo. Run rẩy, người đó bước ra. Liễu Thăng quát :
- Tên này họ Ðặng, ở trấn Sơn Nam, nổi tiếng là hoạn lợn rất tài. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, nay bản Triều bắt hắn qua Ðại Quốc để lưu lại cái nghề đó cho thiên hạ. Bọn bay có biết tại sao ta mang hắn đến đây không ?
Cha con nhà Hồ nhìn nhau. Quí Ly cười nhạt, miệng móm mém chiêu một ngụm nước, mắt lơ đãng không nhìn một ai, nhưng lông mày giật liên hồi.
- Ta mang nó đến để nó thiến tất cả cháu chắt chúng bay. Nhìn Quí Ly, Liễu Thăng gằn - Thế là bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại. Chúng bay tuyệt diệt con cháu họ Hồ nếu như chúng bay cứ còn úp mở dối trá. Thằng bé đó đâu ? Ai mang nó trốn ?
Quí Ly thình lình bật dậy, miệng rên rỉ :
- Tướng quân không làm thế được ! Lạc một đứa trẻ, dẫu nó là con cháu họ Hồ, có can hệ gì mà phải hành xử nhẫn tâm đến vậy ? Bất quá thì để đến sáng đi tìm. Nó chỉ mười ba, mười bốn tuổi, chắc đâu đó trong rừng, có đi đâu xa được... Vả lại, cha con dòng họ tôi sang Ðại quốc đội ơn mưa móc đức Minh Thái Tông là đã thần phục, thế thì để lại trên đất này một đứa trẻ thân cô thế cô, miệng còn hôi sữa, thử hỏi là để làm gì, thưa ngài...
Hoàng Phúc bấy giờ mới xen vào, giọng mai mỉa :
- Ngài không thần phục cũng chẳng được. Sau trận Hàm Tử thì coi như việc bình định là xong, lẽ ra Tướng Quốc Nguyên Trừng nên tự xử từ lúc tướng tan binh rã. Nhưng úy tử là chuyện thường tình, tham sinh là chuyện thế nhân...
Cắt ngang, Liễu Thăng quát :
- Quân đâu, vào quây lại bọn cháu chắt mười ba đứa. Họ Ðặng, cứ thiến. Thiến một, ta vì chữ đức mà lại cho bọn chúng nó nói thật mưu đồ giấu giếm là gì. Nói thì ta ngừng. Không nói, lại thiến.
Ðám trẻ cháu chắt nhà Hồ rú lên la khóc hoảng loạn. Chúng vùng lên chạy tứ tung, đứa rúc đầu như định chui xuống đất, đứa đâm bổ vào lòng cha ông, đứa tuyệt vọng quì lạy như tế sao. Quí Ly chồm dậy lao vào Liễu Thăng, bị hắn chặn lại rồi thẳng tay đẩy cho khuỵu xuống. Nguyên Trừng định xông ra nhưng hai tên vệ sĩ nhanh tay chĩa đầu ngọn thương vào họng. Hán Thương khóc rống lên van lậy, mặt mũi nhoè nhoẹt nước mắt.
Họ Ðặng định thần rồi bỏ từ lưng xuống một bị dao kéo.
Ðặng vẫy, hai tên vệ sĩ lôi một đứa bé đè xuống. Nhìn Hoàng Phúc, Ðặng nghiến răng, mặt tái mét, bẩm :
- Hạ dân chưa từng thiến người. Nếu mệnh hệ thì sao thưa Thượng quan ?
- Chẳng sao ca û! Bớt một con rắn độc, càng tốt !
Lẳng lặng lôi một hòn đá mài ra, Ðặng chăm chú liếc một con dao dài độ hai tấc. Xong, Ðặng lại thò tay vào bị đồ nghề lấy một cái móc có khoen làm bằng giây đồng đưa lên ngắm nghía, miệng lẩm bẩm tính toán. Chặc lưỡi, Ðặng quay sang nhìn hai tên vệ sĩ, miệng chần chờ :
- Các vị lột quần của…của…công tử ra..
Có tiếng trẻ thét lên đau đớn. Quí Ly lảo đảo đứng lên há mồm ra hú thảm thiết rồi gào :
- Thôi, tuyệt rồi. Ta cũng đi thôi !
Nói xong, Quí Ly cắn lưỡi. Không răng, lợi phập vào lưỡi day đi day lại nhưng vẫn không đứt, máu miệng Quí Ly ứa ra bê bết chảy ròng ròng xuống râu xuống áo. Nguyên Trừng chạy lại. Một tên võ sĩ hộ vệ Liễu Thăng vung ngọn giáo chặn ngay yết hầu, một tên khác kề kiếm vào gáy. Nguyên Trừng la lớn :
- Thượng hoàng, xin đừng tự hủy hoại !
Cười sằng sặc, máu lại ộc ra nhuộm đỏ chùm râu bạc dưới cằm, Quí Ly tiếp tục vùng vẫy hú lên điên dại. Cứ thế, họ Ðặng thiến đứa thứ hai. Quí Ly lại cắn lưỡi. Vẫn không đứt.
Hán Thương lụp xụp quì xuống lạy Liễu Thăng. Tên tướng nhà Minh chỉ trừng trừng nhìn Quí Ly, miệng nhếch lên ngạo nghễ, chẳng thèm để ý đến Hán Thương kêu khóc van xin.
Có người kháo rằng nghe ra đúng mười ba tiếng hú nơi địa đầu đêm hôm ấy. Như vậy, Quí Ly cắn lưỡi cũng mười ba lần trong lúc Ðặng thiến con cháu họ Hồ. Sau, trong đám gia nhân tùy tùng nhà họ Hồ có một kẻ trốn được từ Yên Kinh về Ðông Ðô. Hắn kể suốt tám năm sau, nghĩa là cho đến khi chết, Quí Ly không bao giờ nói một câu nào nữa.
*
Cha con Hồ Quí Ly và gia thuộc ở toán xe đầu tiên vượt ải Phá Lũy khi trời chưa sáng rõ. Tiếng bánh xe gỗ bọc sắt xào xạo nghiến sỏi lẫn vào tiếng ê a của bọn phu ngựa, rồi tiếng quát tháo của đám lính mở đường, khiến cho lũ chim rừng nháo nhác kêu chiêm chiếp rủ nhau đập cánh bay lên. Cạnh những cỗ xe màn phủ kín, đám kỵ binh dong ngựa, tiếng lúc lắc đeo cổ reo lên như chế giễu những kẻ bại trận đi đày. Họ ngẩn ngơ, lòng trống vắng hững hụt rơi tuột vào cái vực hun hút phân vạch biên giới giữa Ðại Việt và Trung Hoa mãi cứ giằng co như chửng giỡn với lịch sử hàng ngàn năm, ú tim rượt đuổi tựa trò nghịch ngợm của hai đứa trẻ tranh giật nhau một cái bóng.
Thằng to vồ, reo lớn :
- Tao bắt được mày rồi !
Thằng nhỏ cười, giơ quả đấm :
- Mày bắt được bóng tao thôi. Còn tao, tao đánh mày !
Thằng to :
- Ừ nhỉ, nhưng sao bóng mày lại chính là tao kìa. Mày đánh tao là mày đánh cái bóng mày.
Thằng nhỏ :
- Còn mày, thế mày bắt cái bóng tao để làm gì cơ chứ ?
Thằng to :
- Tao tô lại cho đẹp. Ðàn bà phải mặc quần. Răng thì đừng nhuộm đen nữa. Và cấm ăn trầu. Cái mùi nó hăng hăng không gợi hứng phòng the...
Thằng nhỏ :
- Thế thì tao giựt lại. Dẫu thế là tao giựt chính bóng tao từ hình mày.
Trò đuổi hình bắt bóng không chỉ là trò của Vua của Chúa. Sau toán xe đầu, đến lượt bọn quan văn, quan võ nhà Hồ. Họ im lìm, đợi gọi lượt mình, nhích lên khi nghe và chìa một mảnh giấy có ghi tên những người trong gia quyến cùng đi sang Yên Kinh. Ðám võ quan vẫn cân đai nai nịt nhưng ủ rũ nhìn xuống đất. Ðám văn quan khăn đóng, áo the, nét mặt phần lớn buồn và nghiêm. Phi Khanh hướng về phương Nam, tay nắm tay Trãi, không nói gì. Khi gọi đến tên Nguyễn Cẩn, một người trung niên râu đen nháy bước đến gần Khanh, nói nhỏ ‘‘...thôi, đệ đi đây ! ’’. Ðó là bào huynh của Nguyễn Biểu, kẻ sau này ăn cỗ đầu người để thi gan với Trương Phụ và chịu chém ở bến sông Lam chứ không hàng giặc. Cẩn vái Khanh, thình lình xé áo buộc lên đầu như buộc khăn tang, vùng mình đi thẳng đến một mỏm núi. Quay mặt về Thăng Long, Cẩn lạy rồi thét ‘‘ Nước mất, kẻ sĩ không bổ gan xẻ mật báo ơn thì chỉ còn cái chết mà thôi ! ’’. Nói xong, Cẩn lao mình xuống. Khanh sững người, hai tay nắm chặt, răng nghiến kìm cơn nấc cứ ậm ực trong cổ.
Tiếng quát, tiếng roi quật, rồi tiếng chân ngựa lộp cộp. Hoàng Phúc cùng đám vệ sĩ trờ tới. Nhìn xuống vực, Phúc chẳng mảy may xúc động, lạnh lùng dặn dò bọn lính. Trãi đặt tay lên vai cha râu tóc dựng đứng lên vì bi phẫn, thầm thì :
- ... con sẽ về Hoan Châu, nhưng phải ghé lên Nhị khê đưa cả nhà cùng đi. Cha đừng bao giờ làm như Cẩn, vô ích...
Khanh mím môi, gật đầu :
- Nợ nước trước, thù nhà sau. Nhớ lấy... Cha không chết để xem con trả nợ trả thù cho cha như thế nào.
Cuối cùng, sau vua quan mới tới đám thứ dân bách tính. Họ có lẽ ít hoang tưởng hơn cả, giành giựt thì có, nhưng ít khi giành hình giựt bóng. Họ thực tế, mang theo trăm thứ mùng, mền, chăn, áo và những thồ hàng. Hàng cũng đủ loại. Nào là lụa Hà Ðông, nhãn Hưng Yên sấy khô, rồi xương hổ, cốt sấu. Nào là tượng Quan Thế Âm bằng đồng đen lấy từ tháp Bảo Thiên, chiếc áo bào của chính Hưng Ðạo Ðại Vương khi ngài đánh trận Bạch Ðằng, cái nghiên của Trương Hán Siêu dùng khi còn là anh học trò mặt trắng. Họ kháo, đem đổi thì lấy sáp Tô Châu dùng để thoa môi, nhiễu Kim Lăng vốn xưa nay được đám nhà giầu ưa chuộng, hay the Hàng Châu làm đồ lót rất thời thượng đối với những tiểu thư nơi khuê các…Trong truyền thống buôn hàng chuyến mỗi khi sao đổi vật dời, phải nói thật là hàng dân vừa mất nước trên con đường vượt biên chẳng có vẻ gì là dày vò đau khổ cho lắm, trừ một hai trường hợp đặc biệt.
Trường hợp thứ nhất là họ Ðỗ. Sáng sớm, Ðỗ tỉnh ngủ thì không thấy vợ và con đâu. Ðỗ réo gọi, rồi chạy bổ đi tìm, vừa chạy vừa kêu ‘‘ Nhà nó ơi, tôi có nén bạc đây này ! ’’. Nén bạc này do Liễu Thăng ném cho Ðỗ để trả công hoạn mười ba đứa cháu chắt họ Hồ. Bàn dân xì xào là Ðỗ thị đã mang con trốn được về xuôi. Nghe ra, Ðỗ cũng rắp tâm lẻn đi, nhưng ban ngày ban mặt, bọn lính nhà Minh bắt lại. Chúng đánh họ Ðỗ một trận thừa sống thiếu chết và giải lên ải. Mặt mũi sưng tím vì trận đòn, Ðỗ như phát điên, tay vẫn giơ nén bạc lên trời, miệng tiếp tục gọi ‘‘... nhà nó ơi ! Ra mà xem. Có tiền tậu được sào ruộng rồi ! ’’. Một tên đội trưởng cưỡi ngựa chạy ngang giật nén bạc, miệng cười hềnh hệch, tiện tay lại giáng một gậy vào đầu họ Ðỗ. Ngã mặt úp xuống đất, Ðỗ vẫn rít lên ‘‘... nhà nó ơi ! Có nén bạc đây này ! ’’.
Còn trường hợp thứ hai, không biết nên cười hay nên khóc. Chị em ca kỹ phường Nghi Xuân làm cáng cho cô nhỏ nhất bị giặc hãm hiếp đêm qua, vất vả thay nhau khênh đi. Cô em mặt tái nhợt, lên cơn sốt, mồm cứ lảm nhảm kêu ‘‘... mày là thằng Ngô, nhưng ta có là con đĩ đâu ! ’’. Ðến đâu cũng có người tò mò bu quanh, nhưng sau một thôi đường, các cô yếu sức dần, đi mỗi lúc một chậm và thành cái mồi nhử bọn lính Minh. Các cô sợ túm lại bàn nhau. Cô chị lớn kêu :
- Các anh ơi ! Nam nhi thì đỡ tay đỡ chân cho chúng em. Là phận con hát, chúng em hát cho các anh đi chân cứng đá mềm nhé.
Nói xong, cả bốn cô cùng hát :
Trèo lên núi dốc
Ngồi gốc cây rừng, (ôi) tôi ngồi gốc ( ơ à ) cây rừng
Ối a, ông trời, ối a...
Rằng tình ( ô anh ) ở lại
Rằng tình ( sao anh ) ở lại
Cho chặt hết cây rừng, (là) em còn vẫn ( ối a ) khóc thầm...
Thế là đoàn người đi đầy theo nhịp Quan họ miền Kinh Bắc. Nghe đâu trước khi tới Yên Kinh, cả bốn cô đều kết duyên với những người đã nhận cáng cô em út. Phi Bảo là người tận tụy nhất, có lẽ vì cái đêm hôm trước. Cô em út mỗi lần thấy Bảo là quay mặt khóc ấm ức. Bảo dỗ dành :
- Thôi, khóc làm gì…Cho tôi xin lỗi !
Cô em út sụt sùi :
- Rõ hay, có lỗi gì mà xin…Cái phận tôi nó thế. Ðừng đến cáng tôi nữa, tủi cho thân tôi…Trinh tiết chẳng còn, bơ vơ đất khách !
- Không, tôi chẳng để em bơ vơ được ! Tôi thề…
- Còn tôi, tôi không tin.
Khi đoàn người đến địa phận Ung Châu, quân Minh bắt tách ra từng nhóm rồi chia về những địa phận khác nhau. Bảo lạc mất cô út. Sau khi xếp đặt yên ổn nơi ăn chốn ở cho Phi Khanh và Phi Hùng, Bảo lùng xục thăm hỏi khắp nơi. Mấy năm sau nơi đất khách, Phi Bảo tìm lại được cô này và xin cha cho cưới làm vợ.