Lụa - Chương 16 -> 29

16

Hervé Joncour còn nói lâu lắm. Anh chỉ ngừng khi Nguyên Mộc đưa mắt nhìn chỗ khác và hơi nghiêng người chào anh.

Im lặng.

Bằng tiếng Pháp, hơi kéo lê những nguyên âm, giọng khàn khàn, thật sự của mình. Nguyên Mộc lên tiếng:

- Nếu ông muốn trở lại đây lần nữa, tôi rất vui đón tiếp ông.

Lần đầu tiên, ông ta mỉm cười.

- Trứng ông mua được chẳng có giá trị gì hết. Toàn trứng cá.

Hervé Joncour hạ ánh mắt. Trước mặt anh, tách trà của anh. Anh cầm lên, xoay tròn, xem xét nó như thể anh muốn tìm cái gì đó trên cái đường chỉ viền màu ở mép tách. Khi anh tìm được, anh ấn môi mình lên đó, và uống cạn chén. Rồi anh đặt tách trà xuống trước mặt và nói:

- Tôi biết.

Nguyên Mộc bật cười, tỏ vẻ khoái trá.

- Vì thế mà ông trả bằng vàng giả, phải không?

- Tôi trả đúng những gì tôi mua.

Nguyên Mộc tỏ vẻ nghiêm nghị trở lại.

- Khi ông rời đây, ông sẽ nhận được những gì ông muốn.

- Khi tôi ra khỏi cái đảo này, toàn mạng, ông sẽ nhận đúng số vàng thuộc phần ông. Tôi hứa danh dự.

Hervé Joncour không chờ câu trả lời. Anh đứng lên, đi lùi vài bước, rồi cúi người chào.

Đôi mắt cô gái cứ nhìn theo mắt anh, hoàn toàn câm nín. Đó là điều cuối cùng anh thấy trước khi ra khỏi gian phòng.

17

Sáu ngày sau, ở Cao Cương, Hervé Joncour lên một chiếc tàu của bọn buôn lậu Hà Lan đưa anh về lại Sabirk. Từ đó anh đi ngược lên, dọc theo biên giới Tàu cho tới hồ Baikal, băng qua bốn ngàn cây số vùng đất Sibérie, vượt rặng núi Oural, đến lại thành Kieve rồi lên tàu lửa đi suốt châu Âu, từ đông sang tây, và như thế sau một cuộc hành trình về nước dài ba tháng, cuối cùng anh đến Pháp. Ngày chủ nhật đầu tiên của tháng tư - vừa kịp giờ dự lễ cả - anh về đến cửa ngõ vào Lavilledieu. Anh dừng chân, tạ ơn Thượng Đế và đi bộ vào thị trấn, đếm từng bước chân để mỗi bước có một tên gọi, để mà không bao giờ quên được bước chân mình.

- Nó ra sao, cái xứ sở ở chân mây cuối trời đó? - Baldabiou hỏi anh.

- Vô hình, vô ảnh.

Người vợ Hélène, anh tặng cho nàng một áo dài bằng lụa nhưng nàng chẳng bao giờ mặc cả, nàng ngượng. Nếu nắm chặt tấm áo đó trong lòng bàn tay, ta có cảm tưởng chẳng nắm gì cả giữa những ngón tay.

18

Những trứng tằm Hervé Joncour mang từ Nhật về - cả hàng trăm trứng bám trên những phiến vỏ cây dâu - đều tỏ ra hoàn toàn lành mạnh. Năm đó, sự sản xuất tơ lụa trong vùng Lavilledieu đạt kết quả đặc biệt, về số lượng cũng như chất lượng. Hai nhà máy sợi khác được mở thêm, và Baldabiou cho xây một tu viện sát với ngôi nhà thờ nhỏ Sainte - Agnès. Ông muốn xây nó hình tròn, chẳng ai hiểu rõ tại sao, và giao phó dự án này cho một kiến trúc sư người Tây Ban Nha tên là Juan Benitez, khá có tiếng trong lĩnh vực xây quảng trường đấu bò mộng hình tròn.

- Tất nhiên, không đổ cát ở trung tâm tu viện, nhưng một cái vườn. Và nếu có thể được, treo đầu cá heo thay vì đầu bò ong, ở lối ra vào.

- Dạ thưa ông, cá heo?

- Một loài cái, Benitez, hiểu không?

Hervé Joncour tính toán sổ sách và biết ra là anh bây giờ giàu có. Anh mua ba chục mẫu tây đất nằm ở phía nam nhà anh, và cặm cụi suốt mấy tháng hè ngồi vẽ kiểu một công viên mà sau này ai đi dạo ở đây sẽ thấy lòng mình tĩnh lặng và thanh thản. Anh tưởng tượng nó sẽ vô hình, vô ảnh như một cõi tận cùng cuối trời cuối đất. Mỗi buổi sáng anh đi bộ đến tận quán Verdun, ngồi nghe những câu chuyện đầu hè cuối ngõ xây ra trong cái thành phố nhỏ này, hay liếc qua những tờ báo đến từ Paris. Buổi tối, anh ngồi rất lâu dưới hiên cổng, bên cạnh người vợ Hélène. Nàng đọc một quyển sách, nghe to và rõ, và anh cảm thấy sung sướng vì anh tự nhủ thầm trên đời này chẳng có được một cái giọng hay hơn giọng nàng.

Anh được ba mươi tuổi vào ngày 4 tháng chín 1862.

Đời đổ mưa, đời anh, trước mắt anh, cảnh tượng lặng lẽ.

19

- Em đừng lo sợ gì cả.

Vì Baldabiou đã quyết định như thế, Hervé Joncour lại lên đường đi Nhật vào ngày đầu tiên tháng mười. Anh qua biên giới Pháp gần thành Metz, đi xuyên qua vùng Wurtemberg và vùng Bavière, vào nước Áo, lên thành Vienne rồi thành Budapest bằng tàu lửa, tiếp tục đi đến thành Kiev. Anh cưỡi ngựa băng qua hai ngàn cây số vùng theo cao nguyên Nga, vượt rặng núi Oural, tiến vào Sibérie, mất hết bốn chục ngày nữa anh mới đến được hồ Baikal mà người dân địa phương gọi là: con quỷ. Anh xuôi dòng sông Amour, đi dọc theo biên giới Tàu cho đến bờ Đại Dương, và khi tới đó anh nằm dài mười một ngày ở hải cảng Sabirk chờ đợi một con tàu của bọn buôn lậu Hà Lan đưa anh đến Capo Teraya ở bờ biển phía tây nước Nhật. Đi bộ trên những con đường phụ, anh xuyên qua các tỉnh Thạch Xuyên, Hộ Sơn, Tân Tích, vào sâu trong tỉnh Phúc Đạo và khi đến gần thành phố Bạch Xuyên thì anh tránh nó bằng cách đi vòng về phía đông, rồi chờ suốt hai ngày một người đàn ông mặc đồ đen bịt mắt anh lại và dẫn anh đến ngôi làng của Nguyên Mộc. Khi anh được mở mắt ra, anh thấy mình đứng trước hai người đầy tớ, họ khiêng hành lý cho anh và dẫn anh tới một bìa rừng, chỉ cho anh thấy một con đường mòn rồi bỏ đi. Hervé Joncour bắt đầu bước đi dưới bóng râm của những tàng cây xung quanh anh, cắt thành từng mảnh dưới ánh sáng ban ngày. Anh chỉ ngừng bước khi cây cối bên đường thình lình mở rộng ra, trong một giây phút ngắn ngủi, như một cánh cửa sổ. Một cái hồ hiện ra, chừng ba mươi thước phía dưới. Và bên bờ hồ, anh thấy Nguyên Mộc ngồi xổm trên đất, lưng quay về phía rừng, bên cạnh một người đàn bà mặc áo dài màu cam, tóc dài thả lỏng ngang vai. Ngay lúc Hervé Joncour trông thấy nàng, nàng quay người lại, chậm rãi, trong một khoảnh khắc bắt được ánh mắt của anh.

Đôi mắt nàng không có dáng phương đông, và khuôn mặt nàng là khuôn mặt của một cô gái trẻ.

Hervé Joncour lại bước đi trong những lùm cây dày đặc rồi khi anh ra khỏi đó, anh thấy mình đã đến bên họ. Cách anh vài bước, Nguyên Mộc, một mình, lưng quay về phía rừng, ngồi bất động, mặc đồ đen. Bên cạnh ông, chiếc áo dài màu cam bỏ rơi xuống đất, và hai chiếc dép rơm. Hervé Joncour bước lại gần.Những làn sóng đồng tâm nhỏ xíu đùa nước hồ lên bờ như thể được gởi đến từ một nơi nào xa xăm.

- Ông bạn Pháp của tôi - Nguyên Mộc thầm thì, không quay người lại

Hai người ngồi bên nhau hàng giờ, khi nói chuyện, khi im miệng. Rồi Nguyên Mộc đứng dậy, và Hervé Joncour đứng lêntheo. Bằng một cử chỉ không ai nhận thấy được, trước khi đặt chân lên con đường mòn, anh để rơi một chiếc găng tay xuống bên cạnh chiếc áo dài màu cam bỏ lại bên bờ hồ. Họ về đến ngôi làng thì trời đã tối.

20

Hervé Joncour là thượng khách của Nguyên Mộc trong bốn ngày. Như thể sống trong cung điện một ông vua. Cả ngôi làng sống cho ông, và không có một hành động nào, trong vũng đời này, mà không có mục đích để bảo vệ ông hay mang lại niềm vui cho ông.Cuộc sống rì rầm, vẫn đọng chậm chạp một cách cố tình, mưu mẹo, giống như một con thú bị vây đón trong hang. Thế giới hình như xa đây hàng thế kỷ.

Hervé Joncour được dành riêng một ngôi nhà và năm người đầy tớ lúc nào cũng đi theo anh, bất cứ nơi nào. Anh ăn uống một mình, dưới bóng mát một cây nở những sắc hoa anh chưa từng thấy bao giờ. Một ngày hai lần, anh được dâng trà nước một cách trịnh trọng. Buổi tối, anh được đưa vào căn phòng lớn nhất nhà, nền lót đá, và anh thuận lòng làm theo nghi thức tắm rửa. Ba người đàn bà có tuổi, mặt đánh một loại phấn trắng nào đó, cho nước chảy trên thân thể anh và kỳ cọ, lau rửa bằng những tấm khăn lụa ấm. Bàn taycác bà rập nhúng nhẹ nhàng.

Buổi sáng ngày thứ hai, Hervé Joncour trông thấy một người đàn ông da trắng đến làng: theo sau là hai xe kéo bốn bánh chất đầy những thùng gỗ lớn. Anh ta người Anh. Đến đây không phải để mua.Đến đây để bán.

- Vũ khí đó ông. Còn ông?

- Tôi à, tôi mua. Những con tằm.

Họ ăn tối với nhau. Tên người Anh có rất nhiều chuyện để kể: từ tám năm nay anh ta đi đi về về giữa châu Âu và Nhật Bản. Hervé Joncour chỉ nghe và chỉ vào phút chót mới lên tiếng hỏi.

- Ông có biết một người đàn bà, trẻ, người châu Âu, tôi nghĩ thế, da trắng, sống ở đấy?

Tên Anh tiếp tục ăn, tỉnh queo.

- Không có đàn bà da trắng ở Nhật. Không có lấy được một người đàn bà da trắng nào trong khắp nước Nhật.

Tên Anh ra đi ngày hôm sau, túi nặng vàng.

21

Hervé Joncour chỉ gặp lại Nguyên Mộc vào sáng ngày thứ ba. Anh chợt nhận ra là năm người đầy tớ bỗng dưng biến đâu mất, tưởng như bị hóa phép, và một lát sau anh thấy ông đến nhà. Con người mà tất cả người, việc trong làng này sinh tồn xung quanh, lúc nào cũng di chuyển trong một cái bong bóng trống rỗng. Làm như có một mệnh lệnh ngầm nào đó bắt mọi người phải để ông sống một mình.

Họ cùng nhau trèo lên sườn đồi, đến một quãng rừng trống mà bầu trời trên đầu bị hàng chục con chim bay với những đôi cánh lớn màu xanh nước biển vạch ngang, vạch dọc.

- Dân ở đây nhìn chim bay, và đoán được tương lai, hậu vận theo đường bay của chim.

Nguyên Mộc nói.

- Khi tôi còn là đứa trẻ, cha tôi dẫn tôi đến một chỗ giống như chỗ này, ấn vào tay tôi cái cung và ra lệnh cho tôi bắn một con trong đám chim như thế này. Tôi bắn, và một con chim lớn có đôi cánh xanh màu nước biển rớt xuống đất như một cục đá. Hãy đọc đường tên bay, nếu con muốn biết tương lai mình ra sao, cha tôi nói với tôi lúc đó.

Những con chim bay chậm chạp, bay lên trời cao rồi bay xuống lại như thể chúng muốn xóa đi, một cách tỉ mỉ, bầu trời bằng đôi cánh.

Họ trở về làng, bước đi trong ánh sáng lạ thường của một buổi chiều lại giống như buổi tối. Đến trước ngôi nhà dành riêng cho Hervé Joncour, họ chào chia tay. Nguyên Mộc quay lưng và bắt đầu bước, chậm rãi, đi xuống trên con đường chạy dọc theo bờ sông. Hervé Joncour vẫn đứng yên, trước ngưỡng cửa, nhìn theo ông: anh chờ ông đi chừng hai chục bước chân mới lên tiếng.

- Khi nào thì ông nói cho tôi biết cô gái đó là ai?

Nguyên Mộc vẫn bước tiếp, chậm chạp nhưng không phải vì mệt mỏi. Chung quanh ông, chỉ có sự im lặng tuyệt đối, và sự trống không. Như thể tuân một mệnh lệnh đặc biệt, đi bất cứ đâu, ông luôn đi trong một nỗi cô đơn vô điều kiện, và hoàn hảo.

22

Buổi sáng ngày cuối cùng, Hervé Joncour ra khỏi nhà và bắt đầu đi lang thang trong làng. Anh gặp những người đàn ông cúi gập người khi anh đi qua và những người đàn bà vừa hạ mặt xuống đất vừa mỉm cười chào anh. Anh biết là mình đã đến gần nơi cư ngụ của Nguyên Mộc khi thấy một cái chuồng chim to quá có chứa một số lượng chim nhiều không thể tin được, đủ các loại: một cảnh tượng. Nguyên Mộc có lần kể cho anh nghe là chim ông mua đến từ khắp nơi trên thế giới. Một vài con trong đám chim đó có giá trị cao hơn tất cả tơ lụa Lavilledieu sản xuất ra trong một năm. Hervé Joncour dừng chân để ngắm nghía sự chơi ngông tuyệt diệu này.Anh nhớ lại đã đọc trong một sách nào đó người phương đông thường không có tập tục tặng nữ trang để vinh danh sự chung thuỷ của các nàng tình nhân, mà tặng chim, những con chim quý hiếm, và tuyệt đẹp.

Ngôi nhà của Nguyên Mộc dường như đắm chìm trong một cái hồ tĩnh lặng. Hervé Joncour tiến lại gần và dừng lại chừng vài thước cách lối ra vào, không có cửa và trên những tấm vách bằng giấy hiện lên rồi biến mất nhưng bóng người không gây ra một tiếng động, một âm thanh nào. Cuộc sống đâu phải như thế: nếu có một cái tên cho tất cả cảnh này, đó là: sân khấu. Hervé Joncour cứ đứng đó chờ, không biết chờ gì. Đứng im lặng, cách ngôi nhà chừng vài thước. Trong suốt quãng thời gian anh đứng đó để mặc cho số phận định đoạt, nhưng cái bóng và sự lặng lẽ là tất cả những gì chắt lọc được từ cảnh tượng đặc biệt này. Thế thì anh đành quay lưng và bước đi, những bước chân vội vã, hướng về nhà. Đầu cúi xuống, anh nhìn bước chân mình để giúp anh khỏi phải nghĩ ngợi gì nữa.

23

Tối đó, Hervé Joncour sửa soạn hành trang. Rồi anh được dẫn tới căn phòng lớn có sàn lát đá sẵn sàng theo nghi thức tắm rửa như mấy ngày qua. Anh nằm xuống, khép mắt lại, và nghĩ đến cái chuồng chim to ngoài kho, bằng chứng ngông cuồng của tình yêu.Có ai đặt lên mặt anh cái khăn ướt. Hơi lạ, vì những lần tắm trước có ai làm vậy đâu. Theo bản năng, anh muốn gỡ nó ra, nhưng một bàn tay nắm lấy bàn tay anh, giữ chặt, giữ yên. Đây không phải bàn tay già nua của một người đàn bà già nua.

Hervé Joncour cảm thấy nước chảy trên thân thể mình, trên hai chân đầu tiên, rồi dọc theo hai cánh tay, rồi trên ngực. Nước như dầu. Và một sự im lặng lạ thường bao quanh. Anh cảm thấy một tấm khăn phủ bằng lụa, ôi nhẹ biết bao, đặt lên người mình. Và hai bàn tay của một người đàn bà - của một người đàn bà - lau thân anh, vuốt ve da thịt anh, cùng khắp: hai bàn tay và mảnh lụa nhẹ như không. Anh nằm im không nhúc nhích chút nào, ngay cả khi anh cảm thấy hai bàn tay lần từ vai lên cổ, và những ngón tay - lụa, ngón tay tiến dần lên tay mời anh, vuốt nhẹ qua đôi môi anh, một lần, rất chậm, rồi thôi, rồi biến mất.

Hervé Joncour còn cảm thấy được tấm khăn lụa kéo lên cao và rời khỏi anh. Cảm giác cuối cùng là một bàn tay mở bàn tay anh ra và đặt vào lòng bàn tay cái gì đó.

Anh chờ đợi rất lâu, bất động, trong im lặng. Rồi, chậm rãi, anh gỡ tấm khăn ướt ra khỏi mặt. Chẳng còn chút sáng nào trong phòng. Chẳng còn ai xung quanh anh. Anh đứng lên, cúi nhặt tấm áo choàng xếp gọn nằm dưới đất, vắt lên vai, ra khỏi phòng, đi xuyên qua căn nhà, đến trước tấm chiếu của mình, ngả người xuống. Anh bắt đầu quan sát ngọn lửa run rẩy bé xíu bên trong cái đèn lồng. Và, một cách chuyên chú, anh bắt Thời Gian dừng lại, đứng lại trong suốt quãng thời gian anh mong muốn.

Sau đó, anh mở bàn tay ra, đâu khó gì, và thấy miếng giấy. Vài chữ Nhật viết thảo chữ này nằm dưới chữ kia. Mực đen.

24

Ngày hôm sau, sớm, buổi sáng, Hervé Joncour lên đường. Anh mang theo anh, giấu trong hành lý, hàng ngàn trứng tằm, nói cách khác, anh mang tương lai của thị trấn Lavilledieu, công ăn việc làm cho hằng trăm người và sự giàu có cho chục người khác. Khi con lộ quẹo về phía trái và ngôi làng bị che khuất mãi mãi sau lưng đồi, anh ngừng lại, chẳng bận tâm đến hai người đàn ông tháp tùng anh.Anh xuống ngựa và dừng một lúc ở ven đường, đưa mắt nhìn đăm đăm những ngôi nhà nằm rải rác lưng chừng đồi.

Sáu ngày sau, ở Cao Cương, Hervé Joncour lên chiếc tàu của bọn buôn lậu Hà Lan đưa anh trở lại Sabirk. Từ đó, anh đi ngược lên, dọc theo biên giới Tàu cho tới hồ Baikal, băng qua bốn ngàn cây số trên đất Sibérie, vượt rặng núi Oural, đến lại thành Kiev, và xuyên qua châu Âu bằng tàu lửa, từ đông sang tây, như thể sau một cuộc hành trình về nước dài ba tháng trời, anh đến Pháp. Ngày chủ nhật đầu tiên của tháng tư - vừa kịp giờ dự lễ ca - anh về đến cửa ngõ vào thị trấn Lavilledieu. Anh thấy người vợ Hélène chạy ra đón anh, và ngửi được mùi thơm da thịt khi ôm sát nàng trong vòng tay, và cảm được cái mượt mà như nhung trong giọng nói khi nàng lên tiếng.

- Anh đã về.

Âu yếm, dịu ngọt.

- Anh đã về.

25

Cuộc sống ở thị trấn Lavilledieu trôi đều, giản dị, bình thường, điều chỉnh bằng trật tự và phương pháp. Hervé Joncour để cuộc sống đi lướt qua mình trong bốn mươi mốt ngày. Ngày thứ bốn hai, anh đầu hàng, mở ngăn kéo trong chiếc rương hành lý, rút ra một tấm bản đồ Nhật Bản, mở ra, và cầm lên mảnh giấy nhỏ anh đã giấu trong đó từ mấy tháng nay. Vài chữ Nhật viết thảo chữ này nằm dưới chữ kia. Mực đen. Anh ngồi vào bàn, và nhìn mảnh giấy ấy, rất lâu.

Anh tìm được Baldabiou ở quán Verdun, đang đánh bi da.Ông bao giờ cũng chơi một mình, chống lại chính mình. Những ván bi da kỳ quặc. Tên lành lặn chống tên cụt tay, ông gọi thế. Ông đánh một cú bình thường, và cú tiếp theo, chỉ dùng một tay. Ngày nào tên cụt tay thắng - Ông tuyên bố - ngày đó ông sẽ bỏ thị trấn này ra đi. Từ bao nhiêu năm nay, tên cụt tay thua hoài.

- Ông Baldabiou, tôi phải tìm cho ra người nào, ở đây, biết đọc tiếng Nhật.

Tên cụt tay phóng ra một cú "hai băng" với "ếp phê lùi".

- Thì hỏi Hervé Joncour, hắn cái gì cũng biết hết.

- Tôi à? Tôi chẳng hiểu mô tê gì cái thứ tiếng đó.

- Nhưng ở đây, cậu là một người Nhật.

- Có lẽ thế, nhưng tôi chẳng biết gì cái tiếng đó cả.

Tên lành lặn khom người trên bàn bi da và thọc một cú "ngọn đèn trần" tính sáu điểm.

- Như vậy thì chỉ còn Bà Bạch nương. Bả có một tiệm bán vải ở thành phố Nimes. Trên lầu tiệm bán vải là nhà thờ. Bả cũng làm chủ luôn. Giàu. Người Nhật.

- Người Nhật à? Và làm sao bà ta sang tận đây được?

- Đừng hỏi bả gì cả, nếu cậu muốn nhờ bà chuyện gì. Chó đẻ!

Tên cụt tay vừa mới đánh hông một cú "ba băng", mất tới mười bốn điểm.

26

Hervé Joncour nói với người vợ Hélène anh phải đi Nimes, vì công việc làm ăn. Và anh sẽ quay về nhà cùng ngày.

Anh leo lên tầng thứ nhất ở trên tiệm vải, số 12 đường Moscat, và tỏ ý muốn gặp Bạch nương. Họ bắt anh đợi rất lâu.Phòng khách được bày biện như thể cho một cuộc truy hoan bắt đầu từ nhiều năm trước và không bao giờ chấm dứt. Các chị em ta đều trẻ và đều là người Pháp. Một tên nhạc công dương cầm đang chơi, một cách nhỏ nhẹ, nhưng điệu nhạc mang hương vị Nga. Mỗi khi chấm dứt một bài nhạc, anh ta đưa bàn tay mặt lên vuốt tóc và nói thầm thì.

- Thế đấy.

27

Hervé Joncour ngồi chờ gần hai tiếng đồng hồ. Rồi anh được dẫn đi dọc theo một hành lang cho tới cánh cửa cuối cùng. Anh mở và bước vào.

Bạch nương đang ngồi trong một chiếc ghế bành lớn, không xa cửa sổ. Nàng mặc một áo kimono bằng vải mỏng, nhẹ: toàn một màu trắng. Nàng đeo ở những ngón tay, như thể đeo nhẫn, những nụ hoa nhỏ màu xanh nước biển rất đậm. Tóc đen nhánh, nét mặt phương đông, tuyệt đẹp.

- Cái gì khiến ông nghĩ rằng ông đủ giàu để ngủ với tôi ?

Hervé Joncour vẫn đứng, trước mặt nàng, mũ còn trên tay.

- Tôi muốn nhờ bà một việc. Bất kể giá cả.

Rồi anh móc từ túi trong của áo vét mảnh giấy nhỏ, được gấp làm tư, đưa ra trước mặt nàng:

- Tôi phải biết cái gì viết trong đó.

Bạch nương không để một bắp thịt nào trên mặt động đậy. Vẫn giữ đôi môi hé nở, tưởng như thời tiền sử của một nụ cười.

- Thưa bà, tôi xin nhờ bà.

Nàng chẳng có lý do gì trên đời để làm chuyện này. Vậy mà nàng cầm lấy tờ giấy, mở ra, nhìn vào. Nàng nhướng mắt nhìn Hervé Joncour rồi hạ ánh mắt xuống. Nàng gấp miếng giấy lại, chậm rãi. Khi nàng nghiêng người về phía trước, để trả lại tờ giấy cho anh, chiếc áo kimônô mở hé ra trước ngực nàng. Hervé Joncour thấy rõ nàng chẳng mặc gì bên trong, da thịt nàng tươi và trắng ngần.

- Trở lại, không tôi chết mất.

Hervé Joncour bỏ mảnh giấy vào lại túi trong áo vét.

- Cám ơn bà.

Anh gật đầu chào, quay người, bước về phía cửa và sắp sửa đặt vài tờ giấy bạc lên bàn.

- Bỏ qua đi.

Hervé Joncour lưỡng lự một lát.

- Tôi không nói chuyện tiền bạc. Tôi nói chuyện người đàn bà đó. Bỏ qua đi. Cô ta sẽ không chết đâu và ông cũng biết vậy.

Không quay người lại, Hervé Joncour đặt những tờ giấy bạc xuống bàn, mở cửa và ra về.

28

Baldabiou kể rằng đôi khi có những người đàn ông đến từ Paris để làm tình với Bạch nương. Về lại kinh đô, họ đeo trên ve áo đuôi tôm một vài nụ hoa xanh nhỏ xíu, giống như những nụ hoa nàng lúc nào cũng đeo trên những ngón tay như đeo từng ấy chiếc nhẫn.

29

Mùa hè năm đó, lần đầu tiên trong đời Hervé Joncour đưa vợ đến vùng biển nghỉ mát Riviera. Họ ngụ hai tuần lễ trong một khách sạn ở thành phố Nice mà phần lớn khách là người Anh; khách sạn cũng có tiếng nhờ những đêm hòa nhạc dành riêng cho khách mình. Hélène tin rằng trong một khung cảnh, một nơi chốn đẹp đẽ như thế này, vợ chồng nàng sẽ thụ thai được một đứa con mà hai người hoài công chờ đợi từ bao năm nay. Cả hai đồng tình nghĩ rằng đứa con đó sẽ là con trai. Và nó sẽ mang tên Philippe. Họ tham dự một cách kín đáo vào sinh hoạt vui chơi nơi thành phố biển, rồi sau đó trong những phòng riêng, vui đùa với nhau bằng cách cười cợt những nhân vật kỳ quặc mà họ gặp. Một buổi tối, nơi hòa nhạc, họ làm quen một người Ba Lan làm nghề buôn bán áo choàng da lông: ông ta nói ông có đi Nhật.

Đêm trước ngày họ ra về, Hervé Joncour tự nhiên tỉnh giấc dù trời còn tối, ngồi dậy, rồi lại gần giường Hélène. Ngay chính lúc nàng mở mắt, anh nghe giọng nói của chính mình thì thầm dịu dàng:

- Anh sẽ yêu em mãi mãi.