Khang Hy Đại Đế - TẬP 1 - Chương 03

3

Ngụy Đông Đình phong trần gặp hiệp nữ

Ngũ Thứ Hữu hâm rượu luận công danh

Vua già thoát tục, vua mới lên ngôi, đại xá thiên hạ, mở khoa thi chọn hiền tài, là thông lệ mấy triều truyền lại. Thực ra, chẳng đợi công bố Thánh chiếu, sĩ tử các tỉnh đã sớm xe ngựa rộn ràng, hành lý lên đường rồi. Sau tết, Bắc Kinh liên tiếp có mấy ngày đẹp trời, người ta vui vẻ nghịch băng trên Bắc Hải, như sợ băng sắp tan, thuyền con bằng gỗ trẻ nhỏ nô đùa không dám đặt xuống. Gió xuân nhẹ nhàng lướt qua, tuy vẫn lạnh, nhưng không còn buốt thịt buốt xương. Mười mấy gian phòng khách ở quán Duyệt Bằng dần dần đã chật kín người. Chỉ ba gian phòng trên vẫn một mình Ngũ Thứ Hữu ở. Về sau, người thuê phòng nhiều lên, Ngũ Thứ Hữu cảm thấy áy náy, bèn bảo Minh Châu cùng dọn đến ở nhà phía tây. Hai anh em ngày nào cũng giảng thơ, bình văn, cốt đợi ân chiếu công bố.

Hôm nay “mồng hai tháng hai”, ngày rồng ngẩng đầu. Tuy không phải là lễ tết gì lớn, chỉ cần trong lòng vui vẻ là người ta tìm cớ đi ra ngoài. Ngũ Thứ Hữu đã hẹn với Minh Châu cùng đi chơi Tây Sơn.

Đúng là tiết “Dương xuân sớm”, mới chợt ấm hãy còn lạnh, tơ liễu nhuốm vàng. Hai người sóng đôi dạo bước, tình cờ đến bờ Tây Hà. Nơi đây là bến thuyền lớn thời Minh trước, chợ búa chen chúc, cửa hàng ken kín, đồ chơi đồ dùng không thiếu thứ gì, hàng bày bán trên nền đất này là nghiên Tống, sứ Minh, đũa vàng chén ngọc tiên triều, bình phong bát bửu chạm vàng, bình ngọc bích Hòa Điền, còn có hàng thuyền nước ngoài đến, đèn thủy tinh pha lê tử đàn, đồng hồ báo giờ, Phật đồng Di Lặc, tẩu thuốc, tranh chữ của danh nhân... thật là lung linh ngập mắt, thứ gì cũng có. Hai người vốn định tìm nơi thanh tịnh, không ngờ lạc đến chốn này, so với trong cửa Tây Trực càng tạp nham hơn nhiều. Minh Châu thấy Ngũ Thứ Hữu trong lòng không vui, bèn nói: “Bên kia sông phong cảnh đẹp, chúng ta qua bên đó đi.” Ngũ Thứ Hữu gật đầu: “Cũng được.”

Đang nói thì nghe bên cạnh một đám đông người reo hò huyên náo, Minh Châu lấn tới xem, thì ra là một đôi giang hồ một trai một gái đang múa võ. Người nam khoảng bốn năm, bốn sáu tay trần đang biểu diễn. Ông ta đẩy dạt vòng người ra, quấn đuôi sam lên đầu vấn thành búi tóc, nhặt dưới đất lên hai viên gạch gãy đôi, mỗi tay nắm một mẩu, năm ngón tay vận khí lấy sức bóp lại, nghe tiếng “rắc” mẩu gạch trong hai bàn tay tức thì vỡ vụn ra. Mọi người đồng thanh khen “hay”!

Người đàn ông lên tiếng: “Chúng tôi lần đầu đến quý địa phương, là người lạ đất, tất cả nhờ bà con chiếu cố, tại hạ tuy có biểu diễn mấy trò vặt, song không dám múa rìu qua mắt thợ, có thất thố gì mong các vị rộng lòng tha thứ!” Nói xong bèn chỉ cô gái đứng bên cạnh: “Đây là tiểu nữ Sử Giám Mai, năm nay mười bảy tuổi, còn chưa nhận sính lễ của ai. Không phải tiểu lão đây ba hoa dối trá, bây giờ để cháu ngồi trên mấy cái bánh dầu vừng này, vị nào kéo cháu lên được, thì xin phụng tặng quân tử về làm con sen hầu hạ, quyết không hối tiếc!”

Minh Châu bất giác xem say sưa. Chàng tựa như đã nhìn thấy cô gái này ở đâu rồi, nhưng không nghĩ ra, quay lại vẫy tay ngoắc Ngũ Thứ Hữu: “Anh cả, lại đây xem, rất thú vị.”

Ngũ Thứ Hữu nhìn cô gái, trong nét kiều diễm có chút gì cang cường mạnh mẽ, tuy không thật đẹp nhưng cũng quyến rũ. Chỉ thấy nàng đứng một bên tay vê bím tóc, nhếch miệng mỉm cười, không có chút gì e thẹn. Nghe ông bố nói xong, bèn đi một thế quyền mời gọi, lưng eo nhẹ bước như gió đùa cành liễu, tiến thoái nhịp nhàng như thuyền lướt sóng, người có nghề thoạt nhìn đã biết, quả là khinh công phi phàm. Nàng trở lại tư thế của môn phái, rồi dạng chân ngồi trên một chồng gồm bảy tám chiếc bánh dầu vừng.

Người đến xem vui mỗi lúc một đông. Mọi người chen lấn nhau, nhưng không có ai dám đứng ra làm thử. Một chặp lâu, một chàng trai mạnh khỏe nhảy vào trong vòng, đỏ mặt nói: “Tôi muốn thử xem!”, vừa nói vừa bước lên trước nắm bả vai cô gái, lấy hết sức kéo, không ngờ cô gái xoay vai một cái, chàng trai bật té văng ra năm sáu thước hơn. Chàng ta bò dậy, phủi đất trên mình nói: “Không tính lần này, cô ta chỉ gặp may thôi!” ông già cười nói: “Thì cứ thử lần nữa xem.”

Chàng trai nọ bèn bước tới kéo cô gái, ai dè dù gắng sức đến mấy, cô gái tuy có xoay qua xoay lại nhưng thân hình như dính chặt xuống mấy chiếc bánh dầu. Chàng trai đỏ mày đỏ mặt, còn cô gái thì cười bướng bỉnh. Chàng ta định thả tay chịu thua, ông già lại nói: “Túc hạ nếu có bạn, có thể mấy người hợp sức lại kéo.” Chàng trai nghe vậy, vẫy tay gọi vào đám đông: “Anh Năm, anh Tư, cháu, các người vào giúp tôi một tay!”

Lời vừa dứt, mấy người trong đám đông lên tiếng chạy ra. Có hai người khoảng hơn ba mươi, người trẻ hơn cũng khoảng hăm nhăm hăm sáu, ai ai cũng lưng dài vai rộng, sức khỏe như hổ cùng bước tới trước. Ngũ Thứ Hữu và Minh Châu bất giác toát mồ hôi thầm lo cho cô gái. Cô gái rút trong túi ra hai sợi dây màu, mỗi tay nắm một dây, chìa bốn đầu dây ra ngoài, thế là hai người ra sức kéo một tay cô gái. Đang sắp kéo thì chàng trai trẻ nói: “Thế này không được, cô nàng mà buông tay ra thì bọn tôi ngã chỏng gọng.” Ông già cười khà khà: “Buông tay là thua!”

Một cuộc đọ sức lại bắt đầu, bốn chàng trai trẻ mỗi người nắm một đầu dây, dùng hết sức kéo theo một hướng, sức kéo có đến ngàn cân. Nhưng cô gái ngồi trên đống bánh dầu không hề nhúc nhích, mặc cho bốn người đông kéo tây trì. Kéo lâu quá, mấy chiếc bánh dầu chịu không nổi, kêu răng rắc, bị đè nát thành mấy mảnh. Có hơn ngàn người xem chung quanh thấy màn biểu diễn tuyệt chiêu, liền hò reo tán thưởng.

Ngũ Thứ Hữu cũng quên mất mình là thư sinh, cùng mọi người lớn tiếng hò reo: “Hay quá!” Mấy người đứng lặng một hồi, cô gái mới từ từ thu lại hai sợi dây màu, rồi giật mạnh một cái, bốn người không giữ nổi, đành buông tay, ngã chỏng gọng.

Mọi người lại được một trận hò reo khen hay, ông già liền lật cái đồng la lên thu tiền. Đúng lúc đó, bên ngoài vòng bỗng hỗn loạn, mấy tên lực lưỡng như hổ, vừa đẩy người vừa dùng gậy đẩy đám người mua vui. “Tránh ra tránh ra! Đại nhân Mục Lý Mã tới!” Nghe nói “Mục Lý Mã”, Minh Châu bát giác tim đập loạn xạ, lấy tay bấm nhẹ, nói nhỏ với Ngũ Thứ Hữu: “Đại ca, đây chẳng có gì hay, chúng ta đi thôi.” Ngũ Thứ Hữu đang xem say sưa, đâu muốn bỏ đi, lắc đầu nói: “Để xem một chốc nữa rồi hẵng đi.” Minh Châu đành phải đứng lại. Ngay lúc đó, mọi người đã giạt ra chừa một lối đi. Tên Mục Lý Mã xuống ngựa, ném chiếc roi cho tùy tùng, xắn tay áo lên bước tới trước: “Ông già, đây là con gái của ông hả?”

Ông lão nhìn thấy một vị quan quyền quý, liền chắp tay nói: “Thưa Ngài, đây là nghĩa nữ của tiểu nhân tên Sử Giám Mai.”

“Được đấy!” Mục Lý Mã ha ha cười nhạt, nói: “Nghe nói bốn tên trai tráng kéo không nổi cô ta, công phu cũng khá đấy!” Ông lão vội thưa: “Cảm ơn Đức ngài khen ngợi, cháu chẳng qua mới luyện nội công mấy ngày, thực chỉ đáng làm trò cười cho người qua đường thôi,” Mục Lý Mã quan sát kỹ lưỡng Giám Mai từ trên xuống dưới một hồi rồi quay đầu nói với tên tùy tùng: “Cô gái này khá xinh đẹp, ta lại muốn lĩnh giáo nội công của cô ta!” Nói rồi bèn tiến lên phía trước.

Hai người vừa mới đập tay nhau, chỉ thấy Giám Mai bỗng rút tay lại, ném ra một sợi dây tơ. Mục Lý Mã cười ngạo mạn và lấy tay kéo, nàng hết đường nhường nhịn, nghiêng mình lăn qua một bên, bật đứng thẳng dậy nói: “Đừng có giở trò bậy bạ gian tà, hãy cho thấy công phu đích thực!” Mọi người nghe thấy lập tức cười rộ lên. Ông lão bước lên một bước, xá Mục Lý Mã một cái, và nói: “Ngài thủ đoạn cao cường, chúng tôi chịu thua rồi, mong ngài nhẹ tay thông cảm!”

“Nhẹ tay thông cảm?” Mục Lý Mã cười ha hả, khoát tay. “Lời ông vừa nói không được rồi, ta đã kéo được cô nàng, thì cô nàng phải thuộc về ta! Thế nào? Ta không xứng với cô nàng sao?” Ông lão một tay đỡ nhẹ Giám Mai, còn một tay nắm tay áo Mục Lý Mã nói: “Thưa ngài, nếu ngài đường hoàng kéo cháu lên thì tiểu nhân này không có gì nói nữa, nhưng ngày lại dùng ám khí nhẫn có chất độc thì...” Lời chưa kịp nói xong, Mục Lý Mã sốt ruột phất tay nói: “Không có thì giờ nghe mi kể lể. Đi!” Hai tên thân binh xông lên, bắt được Sử Giám Mai.

“Khoan đã!” Ngũ Thứ Hữu đứng một bên hết chịu đựng nổi, bước ra trước đám người, chắp hai tay nói đĩnh đạc: “Mục Lý Mã đại nhân! Tại hạ tuy không biết võ công, nhưng cô gái này tự mình đứng dậy, chứ ngài có kéo được cô ta đâu! Đây còn chưa nói, việc gả chồng rước dâu cũng phải chọn ngày lành tháng tốt, ngài làm như vậy có khác gì đi cướp vợ?” Mục Lý Mã nhìn xoi mói Ngũ Thứ Hữu từ trên xuống dưới, rồi cười ha hả: “Mi là tên học trò quèn, không bằng một tên nô tài hạng ba của ta, đây là chỗ cho mi nói hả?”

Ngũ Thứ Hữu thấy hắn vô lễ như vậy, bừng bừng nổi giận, không còn sợ gì nữa. Minh Châu đứng sau kéo tay chàng, chàng lại vùng ra, tiến lên một bước nói: “Đường đường hoàng thành, dưới chân Thiên tử, chính là chỗ nói phải trái. Ông tiều, nhà buôn đều được quyền nói, cớ sao tôi không được nói? Tôi cứ phải nói!”

Lời chưa dứt, chỉ nghe đau nhói trên vai, bị Mục Lý Mã cho một roi: “Đù má, chán sống rồi hả? Con bé làm trò này là chị mày hay em mày mà mày che chở cho nó?” Ngũ Thứ Hữu nhịn đau phẫn nộ quát rằng: “Giữa đường thấy chuyện bất bằng, người nào cũng phải lên tiếng, cần chi phải là chị hay em mới được!” Minh Châu lúc đó đã ngớ người vội chen lên kéo chàng lại. “Huynh trưởng, thôi đừng nói nữa anh!”

Đúng lúc đó, bỗng thấy một chàng trai trẻ từ trong đám người bước ra đi đến trước mặt Giám Mai, kéo tay lên xem, quay lại vái Mục Lý Mã một cái nói: “Mục Lý Mã đại nhân, ngài dùng ám khí hại người bị thương, có thể xem là quang minh chính đại sao?”

Mục Lý Mã thấy người này lưng dắt bảo đao, rất mực trâm anh, cảm thấy người này khó chơi, nhưng không muốn đấu dịu, bèn nghênh mặt hỏi: “Nhà ngươi làm cái gì vậy? Ngươi dám can thiệp vào chuyện của ta sao?” Minh Châu nhìn thấy, biết ngay người này đúng là em họ Ngụy Đông Đình của mình. Đang lúc người đông, lại có việc rắc rối, không tiện gặp riêng, bèn nói với Ngũ Thứ Hữu “Đấy là em họ em, tên Ngụy Đông Đình.” Ngũ Thứ Hữu gật đầu tán thưởng.

Ngụy Đông Đình hai tay chống nạnh, cũng nghênh mặt đáp lại: “Thật là đúng lúc! Tại hạ họ Quản tên Đắc Khoan, cần phải quản những việc như thế này!” Mục Lý Mã vỗ ngực nói: “Ta đường đường Tịnh Tây tướng quân, còn ngươi có công danh gì?” Ngụy Đông Đình lại mỉm cười: “Đừng nói là Tịnh Tây tướng quân, dù là Tây Sở Bá Vương đến đây cũng phải biết phân rõ phải trái!”

Tên Mục Lý Mã này vốn là em ruột của Thái sư đương triều Ngao Bái, thường ngày ngang ngược, coi thường pháp luật, quen thói ức hiếp người. Lần này vào kinh kiếm chức, vốn là do Ngao Bái viết thư gọi lên, nghe nói, định cho hắn làm một việc gì khá lắm. Nhưng hắn trước nay sợ anh một phép, thấy Giám Mai xinh đẹp tài ba, có ý tiện tay cướp về dâng cho anh để lấy lòng, không ngờ gặp phải hai cây gai nhọn Ngũ Thứ Hữu, Ngụy Đông Đình, trong lòng hắn lửa giận bốc lên hừng hực. Nhưng suy đi nghĩ lại: “Chốn kinh sư trọng địa, không nên làm to chuyện, cầm đuốc đứng trước ngọn gió. Ở chỗ người việc đều lộn xộn bốn bề này, cũng dễ sa bẫy lắm, chi bằng đi cho rồi.” Nhìn ngắm một hồi, hắn cười nhạt nói: “Ông lớn có chuyện cần, không lằng nhằng với bọn tép nhép chúng bay, đi!”

“Đi à, được thôi, có điều, phải để người lại!” Ngụy Đông Đình ngẩng đầu quát. Tên Mục Lý Mã chỉ cười cười, nhảy phóc lên ngựa, hô “đi”, hai tên thân binh vác Giám Mai bỏ chạy. Ngụy Đông Đình cười nhạt, rút phắt bảo đao ra, nhảy phóc lên trước, một tay đấm vào vai tên thân binh đang vác Giám Mai, thuận chân đá ngã tên thứ hai, chỉ nghe một tiếng “mẹ ơi”, trong nháy mắt hai tên thân binh ngã sóng soài trên đất. Sử Giám Mai vùng quay người, phi thân đá một cái, tên thân binh phía trước ngã vập xuống miệng đầy bùn. Người đến xem trò sớm đã tản đi nhiều.

Mục Lý Mã càng giận dữ, vung roi quất xuống đầu Ngụy Đông Đình. Ngụy Đông Đình né ra, thuận tay bắt được ngọn roi kéo một phát, Mục Lý Mã mất đà rơi xuống! Mấy tên thân binh hoảng hốt, một mặt xông lên đỡ chủ mình, một mặt rút dao áp sát Ngụy Đông Đình. Đám đông còn lại thấy chuyện trở nên nghiêm trọng, rần rần kiếm đường tứ tản. Ngũ Thứ Hữu vội vàng thét lão diễn trò: “Chạy nhanh lên!”

Ông lão già vốn không muốn ra tay, bây giờ thấy không còn chỗ thụt lùi, bèn quát lớn “Ăn côn này!” Chỉ thấy ông nhặt dưới đất lên một cái côn ba đốt, múa lên kêu vù vù. Ngọn côn rít lên một hồi, lập tức đánh ngã ba bốn tên đồ đệ của Mục Lý Mã chỉ còn nằm mà rên. Ngụy Đông Đình vốn tưởng lão diễn trò nhát gan, bây giờ thấy ông ra tay quyết liệt, trong lòng tràn đầy khâm phục, Mục Lý Mã thấy sự việc tồi tệ, một mặt rút đao tự vệ, một mặt thét to: “Còn không nhanh đi gọi đội ngựa!” Một tên đầy tớ nhỏ lui ra từ trước, nhảy phóc lên ngựa, ra roi chạy như bay.

Minh Châu một tay kéo Ngũ Thứ Hữu biến vào trong đám đông, vừa thét to với Ngụy Đông Đình: “Thập tam lang, đừng say đánh nữa, chạy mau đi!” Lão già nghe thấy biết là người mình nhắc nhở, vội dùng côn ba đốt tự bảo vệ, vừa đánh vừa lui. Ngụy Đông Đình múa đao loang loáng theo sát phía sau. Minh Châu kéo Ngũ Thứ Hữu nói: “Huynh trưởng, tên này cầu cứu binh mã sẽ tới ngay, chúng ta chạy mau!” Ngũ Thứ Hữu vùng tay ra lại tiến tới mấy bước, đứng dưới gốc cây già nhìn ra xa. Minh Châu ngớ người, cũng vội chạy lên.

Mắt thấy Ngụy Đông Đình che chở cha con lão già chạy qua một cái cầu nhỏ, còn chàng đứng lại đầu cầu, mười mấy tên thân binh cầm đao từ từ tiến sát về phía chàng. Ngụy Đông Đình bỗng đứng thẳng lên, ung dung cho đao vào bao, từ từ lấy trong túi ra một vật, thuận tay huơ lên, bốn tên thân binh đứng trước “ối” lên một tiếng, ôm mặt ngã xuống, lăn lộn rên rỉ một cách đau đớn, mấy tên phía sau không biết chuyện gì liền chạy lên đỡ dậy, thấy tên nào trên mặt cũng có mười mấy cây kim bạc cực nhỏ, có hai tên bị đâm vào mắt. Bọn chúng vừa la hét, vừa luýnh quýnh nhổ kim ra. Còn lại mấy tên nhìn nhau, trân trân nhìn ba người qua cầu, đi vào trong rừng cây bên kia bờ. Ngũ Thứ Hữu nhìn thấy bọn chúng không đuổi theo nữa mới kéo Minh Châu nói: “Chúng ta về thôi.”

Ngụy Đông Đình đánh bại bọn thân binh liền đi ngay vào rừng, tìm thấy cha con Giám Mai dưới gốc một cây liễu già ở sâu trong rừng. Ông lão thấy Ngụy Đông Đình đi tới, vội đứng lên vái chào nói: “Tráng sĩ, hôm nay không có ngài ra tay cứu giúp, thì cha con già khó mà thoát khỏi bàn tay độc ác của chúng. Cảm ơn đại ân của tráng sĩ, xin trước hết nhận của già một lễ!” nói xong quỳ xuống lạy một lạy. Rồi tiếp: “Giám Mai, mau lạy tạ ân nhân!” Cô gái khom lưng định lạy, Ngụy Đông Đình hoảng hồn bước lên hai tay đỡ dậy. Lúc đó chàng mới nhìn kỹ, bỗng thất thanh kêu lên kinh ngạc: “A, có phải là em Mai!”

Nghe nói tên mình, Giám Mai cũng kinh ngạc, xem kỹ lại. Cũng thất thanh kêu lên: “Anh Đình, bây giờ mới gặp được anh.” Nói xong hai dòng nước mắt lăn xuống gò má. Đông Đình thấy nàng khóc, tay chân luống cuống, vội đưa cho nàng chiếc khăn tay vuông, nói rằng: “Vừa rồi chỉ lo đánh nhau, không kịp nhận ra em!”

Giám Mai thấy ông lão kinh ngạc, vội cười nói: “Nghĩa phụ, đây là anh Đông Đình mà con thường nói với cha đó, anh phục dịch ở hoàng trang Nhiệt Hà, chúng con là đồng hương....” Rồi quay lại nói với Đông Đình: “Đây là cha nuôi của em, Sử Long Bưu, cha con em cùng vào kinh...” Giám Mai đang nói, liếc thấy Sử Long Bưu đưa mắt làm hiệu, bèn chuyển câu chuyện “chính là để tìm anh đây.”

“Sử Long Bưu?” Ngụy Đông Đình chau mày suy nghĩ, bỗng kêu lên: “Có phải là Sử đại hiệp mà giới giang hồ gọi là La hán sắt?” Ông lão mỉm cười: “Đúng là kẻ bất tài này, thực ra không xứng với danh tiếng.” Ngụy Đông Đình vội nói: “Vậy sao hai người có duyên nhận nhau làm cha con?” Ông lão thở dài nói: “Nói ra thì dài dòng, đã đến nương nhờ anh, chúng ta hãy về nhà trước đã, rồi hẵng kể sau, anh đang trú ở đâu?”

Một lời làm Ngụy Đông Đình bừng tỉnh, chàng trả lời: “Cháu đang ở nhà số ba phía đông cầu Hổ Phường”, vừa đứng dậy nhìn bốn phía rồi nói: “Sử lão bá, bác hãy ở đây đừng đi đâu, cháu đi thuê cái kiệu rồi chúng ta hãy đi.” Nói xong một mình rời rừng cây chạy thẳng ra ngoài.

Không ngờ hội miếu bên bờ Tây Hà xảy ra sự việc nên tan hội lâu rồi, xung quanh không có kiệu. Ngụy Đông Đình tìm cả nửa canh giờ, khá vất vả mới nhìn thấy một chiếc xe kiệu, bèn bảo phu xe đợi ở bên đường còn mình quay lại tìm Giám Mai và Sử Long Bưu. Chưa kịp đến gần cây liễu già, đã thấy cỏ cây nhàu nát, nghĩ bụng “không xong rồi”, vội chạy mấy bước đến chỗ cây liễu già chỉ thấy rừng trống không, đâu còn bóng dáng hai cha con Giám Mai!

Ngụy Đông Đình dò tìm kỹ, chỉ thấy một chiếc ngọc bội rơi trong đám cỏ nát, nhặt lên thấy là vật tùy thân của Giám Mai, một chốc, mồ hôi vã ra, nhìn thấy dấu chân, chàng nói: “Ta tính sai rồi, sớm biết thế này, cùng đi với nhau thì có sao!” Không một chút chậm trễ, chàng chạy ra khỏi rừng, chạy ra đường lên xe, bảo: “Nhanh lên, đến Cấm Thành!”

Ngụy Đông Đình vào kinh, phục vụ ở phủ Nội Vụ, tính đi tính lại mới có hai tháng, người quen biết chưa nhiều. Lần này nóng muốn gặp mẹ ở trong cung, muốn nhờ người nhắn tin, hỏi đến mấy người đều nói “chịu thôi”, chàng cũng phải đành thôi mơ ước, nhanh nhanh trở về.

Chàng vừa ra khỏi cửa phủ Nội Vụ, đụng ngay Tiểu Mao lắc lư đi tới, vụt nhớ ra, chú ta phục vụ ở phòng ngự trà nội cung. Anh họ chú là Văn Thốn Sinh cũng ở phủ Nội Vụ, đã có gặp chú đôi lần. Chú nhóc nhất định là thua bạc hết nhẵn tiền, đến tìm anh họ kêu cứu, bèn với tay kéo chú lại, cười rằng: “Tiểu Mao, đi tìm anh họ phải không?”

Tiểu Mao đáp “ừ” ngẩng đầu nhìn thấy là Ngụy Đông Đình vội hỏi: “Anh họ tôi có trong đó chứ?” Ngụy Đông Đình nói: “Anh chú đang làm việc với các quan, đâu có thì giờ gặp chú?” Tiểu Mao thấy mất hứng, quay gót định đi. Ngụy Đông Đình vội nói: “Anh chú và ta đối với nhau rất tốt, chú có gì khó khăn hãy nói với ta, cái gì làm được, ta giúp cho, cái gì không làm được, ta sẽ nhắn giúp cho chú.” Tiểu Mao nhíu mày: “Nói ra xấu hổ chết được! Hôm qua trở về, mẹ em bệnh nặng lắm, nhưng chưa có tiền mua thuốc, đi tìm anh họ mượn chút đỉnh.”

Ngụy Đông Đình nghĩ rằng hắn nói dối, trong lòng cười thầm, đập vào vai hắn một cái: “Người anh em thật là tận hiếu, chuyện chút đỉnh đó anh giúp được, chú cần bao nhiêu?” Tiểu Mao thẹn thùng nói: “Đâu có dám làm phiền anh. Thực ra cũng không nhiều, một chuỗi rưỡi là đủ.” Ngụy Đông Đình cười ha hả: “Một chuỗi thì làm được chuyện gì? Đây năm lượng, chú mang về thuốc cho bá mẫu, mua thêm tí thuốc bổ thì mau khỏi bệnh thôi.” Tiểu Mao cảm thấy bất ngờ, trừng trừng nhìn Ngụy Đông Đình: “Anh lĩnh mỗi tháng chưa được năm lượng, làm sao em dám lấy bấy nhiêu?” Ngụy Đông Đình nói: “Anh em mình cả mà, nói vậy người ta cười cho.”

“Vậy thì em xin cảm ơn anh.” Tiểu Mao hai tay nhận lấy bạc, lui bộ quỳ một chân chào rất thành thạo: “Anh Ngụy thật là tốt!” Ngụy Đông Đình thấy hắn định đi, làm ra vẻ lơ đễnh hỏi: “Bây giờ chú đi đâu đây?” “Trở về bên ấy, hôm nay phiên em phục dịch, đến sáng sớm hôm sau mới hết phiên!”

“Bên ấy” là đại nội. Đúng là buồn ngủ mà gặp chiếu manh, nhưng không thể vồ vập quá. Ngụy Đông Đình làm như không để ý “hả” một tiếng rồi hỏi: “Em có biết bà Tôn thị ở bên cạnh Hoàng thượng không?” Tiểu Mao nghe nói liền cười: “Đừng nói Tôn ma ma, ngay đến chị cả Tô Ma Lạt Cô, ai không đến phòng ngự trà? Đó là thuộc hàng tâm phúc số một của Hoàng thượng! Anh có việc gì không?” Ngụy Đông Đình cười nói: “Đó là mẹ anh.”

“Ôi chao!” Tiểu Mao vừa nghe vội quỳ chào lần nữa: “Em nói anh làm việc lanh lẹ vui vẻ, không dè Đức ông Ngụy, ngài là quý nhân!” Ngụy Đông Đình cười ôm lấy chú, nói: “Đừng ba hoa, em lần này trở về tiện thể nhắn giùm anh, gặp Tôn ma ma, nói là anh chờ bà cụ ở bên ngoài cửa góc Tây, có chút việc cần.” Tiểu Mao cười nói: “Có sá gì bấy nhiêu, về sau còn nhiều dịp còn phải nhờ vả bà cụ anh nữa kia.” Nói xong, đã biến mất tăm.

Ngụy Đông Đình đợi ở cửa góc Tây có đến nửa canh giờ, trời sắp đứng bóng Tôn thị mới ra được. Nhũ mẫu Hoàng đế theo phép không được ra ngoài gặp người nhà, sợ rằng gặp người nhà, nói lên những khó khăn phiền não, trong lòng buồn bã, có ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Bắt đầu từ thời Thế Tổ Thuận Trị, quy định này mới nới lỏng đôi chút.

Tôn thị vừa ra khỏi cửa góc đã ngẩn mặt hỏi: “Cần gặp ta gấp, có việc gì vậy? Ta đang hầu hạ ông chủ. Nếu chỉ vì những việc lặt vặt, con phải cẩn thận đấy!” Ngụy Đông Đình nghe mẹ mắng, cứ cười trừ trả lời: “Con mà không có việc gì thì đâu dám kinh động đến mẹ. Em Mai đã bị người ta cướp đi rồi!”

Tôn thị mới nghe đã nóng ruột, vội hỏi liền một dây: “Con gặp em ở đâu? Em nó làm sao lại đến đây? Ai cướp nó đi?” Ngụy Đông Đình “hầy” một tiếng, vỗ đùi nói: “Thật là xúi quẩy!” Rồi kể tỉ mỉ đầu đuôi câu chuyện cho mẹ nghe. Tôn thị ngớ người một lúc lâu rồi nói: “Con bé số khổ làm sao! Mẹ em trước lúc chết còn kéo tay mẹ, gửi gắm mẹ chăm sóc nuôi em trưởng thành, đâu có ngờ là mẹ vừa tiến cung thì hai gia đình gặp chuyện đau lòng. Bây giờ biết làm sao đây?” Ngụy Đông Đình cũng than rằng: “Chưa kịp hỏi cái gì, vì sao cô rời gia đình, làm sao cô gặp Sử đại hiệp và học được võ nghệ, thật chẳng hiểu ra sao cả!” Tôn thị xỉ mũi, lấy cái khăn lụa trắng tinh lau nước mắt nói: “Việc đã như thế này có sốt ruột cũng không được gì, con hãy dò hỏi xem họ ở đâu, rồi chúng ta sẽ tìm cách. Cô bé này thông minh gấp mười con, mẹ nghĩ chắc sẽ không xảy ra việc gì lớn đâu. Khi tiện dịp, mẹ sẽ cầu Đức ông nghĩ cách giúp, công việc chắc gỡ cũng ra thôi.”

Ngụy Đông Đình vốn muốn tìm mẹ để xin mẹ lời khuyên. Mẹ vào kinh nhiều năm, hiện đang là nhũ mẫu, nhất định sẽ biết cách, nào ngờ mẹ cũng không nắm được gì hơn, chỉ đành trả lời “Vâng ạ.” Quay lại mới đi mấy bước, Tôn thị gọi giật lại: “Đức ông nói sẽ gọi con vào phục dịch ở nội đình, không biết chừng nắm được cái Ngự tiền hành tẩu! Tuy cũng là người của phủ Nội Vụ nhưng danh phận khác hơn nhiều, con phải cẩn trọng, nếu để người ta xì xào, mẹ không chịu đâu! Con phải tìm cho ra em Mai, trước tiên hãy đưa về chỗ con, rồi nhắn tin cho mẹ!” Nói xong, bèn đi vào trong cửa.

Vốn muốn ra ngoài thành, đi “đạp thanh” thưởng xuân nhưng lại gặp chuyện không vui, bốn năm ngày liền, Ngũ Thứ Hữu không ra khỏi cửa, mỗi lần nghĩ lại việc đó nỗi giận khó nguôi. Minh Châu thấy anh nằm trên giường, phiền muộn không yên, biết là anh lại đang tức giận vì hành động ngang ngược của Mục Lý Mã. Hồi lâu, mới hỏi ngập ngừng: “Anh cả, kỳ thi mùa xuân sắp mở rồi nhỉ!”

Ngũ Thứ Hữu đang định trả lời, thì nghe tiếng khua rèm trúc, Hà Quế Trụ bước vào phòng, tay trái cấp một hộp tứ hỉ, tay phải ôm một cái hũ to bằng cái đấu. Ông đặt cái hộp lên bàn, từ từ để cái hũ dưới chân bàn, theo thế đó chào Ngũ Thứ Hữu và nói: “Cậu hai, kỳ thi mùa xuân năm nay không mở, có điều vua mới lên ngôi, nhất định gia khoa tuyển sĩ, cậu hai khoa này nhất định toại nguyện thôi?” Vừa nói, ông vừa cười hì hì mở cái hộp ra: trên cái vỉ còn bốc hơi nghi ngút đặt một tầng bánh ngọt, một tầng bánh chưng, một tầng ba ba chưng nhừ, còn có một cây bút, thỏi mực và một cây như ý, sắp xếp ngay ngắn trông thật đẹp mắt. Hà Quế Trụ đặt từng món từng món đồ lên bàn, lại giở ra cái vỉ dưới, thì là sáu đĩa thức ăn. Trong khoảnh khắc, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt khắp phòng. Hà Quế Trụ vừa sắp xếp vừa nói: “Đây là chút lòng thành kính, mời cậu hai thưởng thức. Tôi biết nhà cậu hai đời đời đại Nho không tin thứ này, nhưng chỉ cốt mong được cái cát lợi!”

Không khí đang nặng nề, từ lúc Hà Quế Trụ đến đã trở nên linh hoạt. Ngũ Thứ Hữu bật dậy xỏ chân vào dép, cười nói: “Thật làm khổ cho ông, dù có cát lợi hay không cát lợi, trước hết phải hưởng lộc đã. Em Minh Châu, ông Trụ, đây không có người ngoài nào, chúng ta ba người dứt khoát ngồi vào.” Hà Quế Trụ thấy công tử hoan hỉ, cũng cảm thấy vui vẻ, lại nghe mời mình cùng ngồi uống rượu, cái kiểu lộ mặt ngang vai này, đời ông đời cha chắc chưa từng có. Miệng nói “không dám”, trong lòng lại rất muốn. Vội gọi hầu bàn: “Đem cái lò than dùng hôm Tết quạt lên mang vào đây hâm rượu. Bé Ba, mày đừng tới phía trước nữa, mà đến lầu Gia Hưng mời cô Thúy lặng lẽ đến đây...”

Ngũ Thứ Hữu tưởng ông ta định gọi ca kỹ, vội nói: “Đừng, tôi sợ nhất món này, hơn nữa bây giờ đang có quốc tang!” Hà Quế Trụ cười: “Không sao, cô Thúy không phải người lầu xanh, chẳng qua chỉ giúp mấy người bên viện Thu Hương chép nhạc, chép lời ca, cũng kể là người có danh giá. Cậu hai chú ý tự nhiên là được, vả lại tuy quốc tang, nhưng cũng là ngày vui mừng vua mới lên ngôi, nhà đại gia đều không kỵ húy huống gì chúng ta! Em Bảy viện Thu Hương hôm qua còn đến nhà Trung đường Ngao Bái hát hội. Nhà chúng ta nhỏ, cậu hai cần đạt công danh, cô đến hát khúc nhạc giúp vui có gì quá đáng đâu!” Bé Ba thấy Ngũ Công tử không ngăn nữa, vội vàng chạy đi.

Ba ly rượu nóng vào bụng, bộ mặt ủ rũ của Ngũ Thứ Hữu đã nở ra, đặt mạnh ly rượu xuống bàn, anh cười nói: “Nói đến hai tiếng công danh, nghĩ ra là ngũ vị đều có đủ, có ý nghĩa đến đỉnh cao, mà không ý nghĩa cũng đến cùng cực.” Minh Châu tợp một ngụm rượu, gắp một đũa hải sâm chưng, vừa nhai vừa cười hỏi: “Xin hỏi anh cả, có ý nghĩa như thế nào?” Ngũ Thứ Hữu cười nói: “Hiền đệ, ta không biết chứ ông Trụ thì hiểu rõ – ông nói cho chú ấy biết đi!” Quý Trụ uống mấy ly có hơi ngà ngà, nghe công tử nói đến mình, bèn nâng ly cười nói: “Là cái đức quân tử vì xã tắc, đó là câu nói mà cụ tổ thường hay nói. Tôi là con trong nhà nên nghe mãi rồi. Nhà công tử bảy đời đã có bốn Trạng nguyên, 30 Tiến sĩ, tiếng tăm trùm khắp đất Dương Châu! Người ta nhìn nhà họ Ngũ như đứng dưới đất nhìn lên trời. Nói như lời cụ tổ “Sáng tổ vinh thân rợp cháu con. Việc tốt như thế này dĩ nhiên là có ý nghĩa!” Nói xong bưng cốc to lên, “chụt” một cái nuốt luôn. Ngũ Thứ Hữu vỗ tay cười lớn: “Nói đúng, giải sát ý là: “Ra thì xe ngựa, vào thì nhà cao, trên nhà cao nhất hô, ở dưới thềm bá ứng ….” Đây là câu nói của Bồ Lưu Tiên tiên sinh, ông Trụ có thể giải hay đấy!” Đây là lần đầu tiên Minh Châu nghe việc đời trước của nhà họ Ngũ, trong lòng cảm thấy rất vui, vội nhấp một ngụm rượu nói: “Còn nói “không ý nghĩa” là thế nào?”

Quế Trụ không dám trả lời, nhìn ly rượu lặng yên một chập rồi nói: “Cái này tôi không được rõ. Nghĩ là làm quan tuy tốt, nhưng phải nhọc lòng; đọc sách tuy tốt nhưng là chuyện khổ, nhưng cái này thì...” Ngũ Thứ Hữu đang định nói thì ngoài cửa sổ tiếng bé Ba vọng tới: “Chị Thúy, ở đây rồi, nhà chủ đang đợi chị đấy!” Hà Quế Trụ nghe nói cô Thúy đến, vội đứng dậy vén rèm vừa cười nói: “Chào chị Thúy! Mau lại đây gặp cậu hai!”

Thúy Hoàn Nhĩ cười bước vào phòng đường hoàng chào Ngũ Thứ Hữu và Minh Châu nói hai lần vạn phúc. Ngũ Thứ Hữu, Minh Châu nhìn kỹ cô Thúy suýt nữa bật cười. Vốn chỉ là cô gái mười tám, mười chín tuổi, trên đầu không có trang sức gì, thân trên mặc chiếc áo ngoài cộc tay màu trắng, phía dưới là chiếc váy xếp màu xanh, trán hơi cao một chút, trên mặt thoa phấn mỏng, mày ngài thanh mảnh, đuôi mày hơi nhăn, dáng điệu đĩnh đạc. Nàng ngước đầu nhìn thấy một lượt, cười nói: “Đây là để cho công tử thêm sức vào trường thi rồi.”

Ngũ Thứ Hữu vốn hơi lúng túng, thấy cô nàng tự nhiên thoải mái, tự cảm thấy tức cười, liền nói: “Tôi vốn không quan tâm việc này lắm, nhưng đã bày ra rồi mọi người tiện thể vui một chốc – không nên câu thúc. Mọi người cùng ngồi xuống.” Nói xong đứng dậy bưng cốc rượu đưa mời.

Cô Thúy vội đứng lên đưa hai tay đón, lấy khăn tay che miệng uống một hơi, cảm ơn rồi ghé người ngồi xuống bên cạnh Ngũ Thứ Hữu, cúi đầu bụm miệng cười. Mãi sau mới nói: “Đa tạ hậu ý công tử, nhưng đã mời em tới, thì công tử nên uống nhiều, phận gái em xin giúp vui mới phải.” Nói xong lấy cái ống tiêu từ trong túi lụa, “Các vị cứ uống rượu, em xin thổi tiêu giúp vui!”

Minh Châu vốn giỏi thổi tiêu, nhìn thấy ống tiêu chạm vàng khảm bạc, nổi máu lên, bèn nói: “Bà chị không chê, chi bằng để em thổi tiêu, bà chị hát có phải hay không?” Quế Trụ vỗ tay cười nói: “Phải đấy!” Ngũ Thứ Hữu cũng cười: “Chúng tôi được thơm lây rồi.”

Minh Châu đưa ống tiêu lên môi cười hỏi: “Chị hát bài gì?” Cô Thúy suy nghĩ rồi nói: “Hát một đoạn Tơ khéo đài trang của Thang học sĩ nhé.” Minh Châu nói: “Được. Thổi điệu Ngũ cung dưỡng” Ngũ Thứ Hữu không hiểu việc này, chỉ ngồi nghe. Minh Châu năm đầu ngón tay mềm mại, tiếng sáo bay bổng xa vời. Cô Thúy liếc nhìn tán thưởng: “Thổi hay quá!” rồi vỗ nhịp hát rằng:

Gặp được nhau, một khắc ngày xuân, dặn dò ai đó?

Chàng là khách say xuân, trong đêm trăng vắng rượu.

Người xa rồi, mênh mang tình này ai biết?

Người đi hết, đèn hoa cũng tắt, người mong hoa ngày sau.

Nghĩ tới chàng, càng trách người lạnh nhạt biệt tăm!

Hát xong, mọi người vỗ tay tán thưởng, Minh Châu trêu: “Người như chị thì ai dám “lạnh nhạt biệt tăm”?” Hà Quế Trụ nói: “Lời này quá văn hoa. Tôi thì nghĩ hôm trước anh hát cái gì “lời hoang đường” không sai.” Minh Châu cười khì khì: “Chắc là “bói quẻ ma” rồi!” Nói xong lại thổi tiêu, cô Thúy lại hát:

Chiều xuống khi không còn son phấn,

Nghe tiếng lá xạc xào từng cơn mưa ớn lạnh.

Phải chăng là ai đó gõ nhịp răng?

Xa nhìn dòng nước chảy xuôi, không thấy người trở lại, nước mắt tuôn lã chã.

Lòng tưởng nhớ chàng nhưng lại giận,

Tay mân mê chiếc giày thêu, thầm gieo quẻ rủi may!

Cô Thúy hát xong, Minh Châu liền kêu “hay”, Ngũ Thứ Hữu cũng cười nói: “Được lắm, sang hèn đều nghe được – nhưng “chiếc giày thêu gieo quẻ rủi may” là thế nào xin được thỉnh giáo?” Cô Thúy ngập ngừng một lát, chưa kịp mở miệng thì Quế Trụ đã nói: “Cô bé này biết rằng – chồng đi xa nhà, vợ ở nhà sốt ruột ngóng ngày về, nhưng xấu hổ bèn bày chuyện rủi may, lấy chiếc giày thêu chỉ đỏ ném xuống đất, nếu giày lật ngửa thì chồng sắp trở về, nếu giày lật úp chưa về ngay được – Có phải vậy không nào?” Cách giải thích rất thô sơ này lại rất chính xác, không ai là không cười. Minh Châu chợt nhớ ra, hỏi: “Anh cả, hồi nãy nói công danh có ý nghĩa, không có ý nghĩa, không biết như thế này có phải là không có ý nghĩa?” Ngũ Thứ Hữu nói: “Em ơi, anh sẽ nói cho em hay.” Vừa dứt lời, ngoài cửa có tiếng người nói: “Các huynh đệ vui vẻ thế này, sao lại không nhớ tới người anh em này?”