Khang Hy Đại Đế - TẬP 1 - Chương 04

4

Vua Khang Hy đêm đến quán Duyệt Bằng

Ngô Lương Phụ tự ý bắt thị vệ

Câu nói chưa dứt, Ngụy Đông Đình đã vén rèm bước vào, “À, em Minh Châu, đã định kiếm em từ lâu nhưng mãi đến nay mới rảnh.” Mọi người vội đứng lên vái chào, Ngũ Thứ Hữu càng vui hơn khi thấy đúng là chàng trai trẻ đã ra tay cứu người ở bờ Tây Hà mấy hôm trước, bèn vội vàng: “Mời ngồi mời ngồi, hôm nay thật tốt ngày. Đi chơi bờ Tây Hà được biết Ngụy hiền đệ, vô cũng ngưỡng mộ, không ngờ lại được gặp nhau nhanh như vậy. Đúng là ngọn gió tốt đưa chú đến, cùng ta chuốc rượu!”. Nói xong kéo Ngụy Đông Đình ngồi xuống. Cô Thúy chăm chú nhìn chàng thiếu niên đằng sau Ngụy Đông Đình, đâu khoảng trên dưới mười tuổi, đứng yên lặng bên cánh cửa, vội hỏi: “Vị công tử này có phải cùng đến một lượt với ngài Ngụy không ạ?” Ngụy Đông Đình nghe hỏi vội nói: “Đây là Công tử Long nhà tôi, cùng tôi đi dạo, không ngờ lại tới đây – Chúng ta xem một tí rồi đi vậy!”

Chàng thiếu niên vội vòng tay vái chào mọi người và nói: “Đã tới thì ngồi, chúng ta ngồi lại một chốc không hề gì.” Mọi người thấy chàng tuy tuổi nhỏ nhưng cử chỉ đường hoàng, tự nhiên thoải mái, lại thấy Ngụy Đông Đình một mực tôn trọng chàng, nên cũng không dám coi thường. Ngũ Thứ Hữu vội nói: “Mời chúng ta cùng nhập cuộc.” Ngụy Đông Đình muốn nhường chàng thiếu niên ngồi lên trên bèn nói: “Xét về ngôi thứ thì công tử đây cao nhất, cần phải ngồi lên phía trên.” Chàng thiếu niên xua tay nói: “Đây không phải trong nhà, câu thúc lễ nghi làm gì!”. Nói xong bèn ngồi xuống bên cạnh nàng Thúy. “Chúng tôi đến đây lâu rồi, vừa nãy nghe Ngũ tiên sinh bàn luận về công danh, rất thú vị, xin mời tiếp tục.”

Mọi người về chỗ ngồi, đổi chén rượu mới. Ngũ Thứ Hữu lên tiếng: “Nói không ý nghĩa, không phải như Quế Trụ nói đâu. Liễu Hà Đông nói: “phàm người làm quan từ sĩ mà ra, đều phục dịch cho dân”, đã gọi làm quan, tức là làm đầy tớ cho bá tánh, thì không nên sợ lao tâm, sợ khổ.” Công tử Long nghe rồi cười hỏi: “Tôi lại nghe nói, bá quan đều là đầy tớ của Hoàng thượng, sao tiên sinh lại nói là đầy tớ của bá tánh?”

Ngũ Thứ Hữu cười: “Mệnh của Thiên tử đều gắn với mệnh dân, so ra thì mệnh dân quan trọng hơn. Được lòng dân, thì giang sơn bền vững; mất lòng dân thì dù Thiên tử, Hoàng thượng cũng đi đời nhà ma!” Ngụy Đông Đình nghe thấy, nét mặt bỗng trắng bệch. Chàng quay mặt nhìn Công tử Long, thấy chàng ta một mực chú ý lắng nghe, không có vẻ gì là chán, mới yên lòng.

Ngũ Thứ Hữu lại cười: “Chúng ta đang nói chuyện công danh. Từ xưa tới nay, cách chọn hiền sĩ đã bao lần thay đổi. Từ chế độ hương tuyển đổi sang phép cửu phẩm quan nhân, rồi cửu phẩm quan nhân đổi sang chế độ khoa cử như ngày nay. Thời xưa sĩ tử còn có thể coi thường công khanh, ngao du các nước, thuyết phục chư hầu, tìm chủ mà theo. Từ nhà Đường mở khoa thi, thói tục khác hẳn, chuộng nói suông, nhẹ việc thực, văn phong phù phiếm, nhân cách kẻ sĩ ngày càng xuống dốc, đã không có chí an dân, lại không có tài trị nước, những kẻ mưu hư danh, cầu bổng lộc ngày càng nhiều. Triều đình dựa vào đó chọn hiền sĩ mong cầu nước mạnh dân giàu thì làm sao được!”

Ngũ Thứ Hữu nâng ly rượu nóng Hà Quế Trụ vừa hâm xong, mặt đỏ bừng, cười nói: “Cứ lấy việc sĩ tử vào trường thi đã có bảy cái giống.”

Công tử Long nghe rất hào hứng, cũng hớp một ngụm rượu hỏi: “Bảy cái giống là gì?”

Ngũ Thứ Hữu bẻ đốt ngón tay nói: “Tiên sinh Mai Ngẫu Trường ở thành Tuyên đã từng nói với tôi, tú tài vào thi, chân trần đeo giỏ, giống ăn mày: xướng danh vào thi, quan trên quát chửi, sai dịch bắt bẻ, giống ở tù; vào phòng thi, từng cửa ló đầu, từng phòng lòi chân, giống như ong cuối thu gặp lạnh; thi xong ra ngoài, tinh thần hỗn loạn, đất trời đổi sắc, giống như chim bệnh sổ lồng.”

Nghe đến đây Minh Châu bật cười, chàng là người từng trải, nên hiểu được ý vị bên trong. Ngũ Thứ Hữu lại gập ngón tay trỏ nói: “Trở về chỗ trọ, đợi chờ tin tức, như ngồi trên thảm gai bồn chồn lo lắng, giống như khỉ con đeo xích; nếu mà trên bảng không có tên, bỗng biến đổi thần sắc, giống như có tang cha mẹ; một thời gian sau, bình tĩnh lại thấy ngứa nghề, lại tha rác làm tổ, giống như chim cu ấp trứng. Bảy cái giống là như vậy đó.”

Mọi người chăm chú lắng nghe, đầu tiên cảm thấy buồn cười, sau không hiểu sao không cười được. Một hồi lâu, Ngụy Đông Đình mới cười nói: “Tiên sinh phác họa chân dung những người đó sao mà giống y như đúc, không sai một ly!” Công tử Long cũng cười nói: “Nghe tiên sinh nói vậy mọi người thấy thất vọng to, từ trong “bảy cái giống” đó tìm cho ra Chu Công, Y Doãn, chẳng phải là trò khôi hài lớn hay sao?” Mọi người nghe đều bật cười. Minh Châu vừa cười vừa nói với Ngũ Thứ Hữu: “Vị tiểu ca này chỉ mới mười tuổi, mà sao nhanh nhẹn thế! Quả thật là mặt mày tươi vui lời khôn khéo, coi như đã chú giải cho lời nói của đại ca rồi đó!” Nhưng Ngũ Thứ Hữu lại không cười, chỉ nhìn thẳng vào Công tử Long, gật gật đầu trầm ngâm.

Quế Trụ thấy Ngụy Đông Đình uống rượu rất ít, mỗi lần nâng ly, rượu mới thấm ướt môi đã đặt xuống, bèn cười nói: “Minh Châu đại gia đã từng khoe là Ngụy gia trước nay tửu lượng tày sông bể, nhưng hôm nay chẳng có hứng thú, phải chăng là rượu dở?” Ngụy Đông Đình vội nói: “Người em này có bệnh, đã bỏ rượu từ lâu nhưng hôm nay thấy mọi người vui vẻ, cũng vui lây nên làm mấy ly.” Công tử Long cười ngắt lời: “Chi phải như vậy! Hôm nay anh phải so tài cùng với các anh đây xem cao ai thấp!” Minh Châu cười rót ra một ly đầy đưa tới, nói: “Được rồi! Làm gì có bệnh! Công tử Long nói anh uống được, còn trốn tránh nữa sao?” Ngụy Đông Đình thẹn thùng liếc nhìn Công tử Long, cười nói “Vậy tôi xin xả thân theo quân tử thôi!”

Hà Quế Tru đi ra ngoài. Một lát sau cười hì hì bê lại ống rút thăm và nói: “Đây là ống thăm uống rượu để các hiếu liêm giải sầu, chúng ta cũng rút thăm uống rượu cho vui có được không?” Ngũ Thứ Hữu đứng lên cười nói: “Cũng được, không bàn công danh, bàn tửu vận. Coi như tôi lớn tuổi nhất, tôi xin bắt đầu!” Nói xong bèn rút trong ống ra một chiếc thẻ, nắm chặt trong tay, không nói gì. Nàng Thúy liền hỏi: “Thăm thế nào?” Ngũ Thứ Hữu gắp thức ăn không nói năng. Ngụy Đông Đình đứng dậy định lấy cái thẻ lên xem, Ngũ Thứ Hữu lại xua tay. Ngụy Đông Đình cười hỏi: “Chẳng lẽ không cho ai xem sao?” Ngũ Thứ Hữu nuốt miếng thức ăn, chỉ gật đầu cười mỉm, vẫn không lên tiếng. Hà Quế Trụ hết chịu nổi, bèn nói: “Cậu hai chơi trò đố câm sao? Cậu cứ nói phải ai uống thì người đó uống thôi!” Ngũ Thứ Hữu vẫn không lên tiếng, chỉ cắm cúi gắp thức ăn cho vào mồm. Minh Châu nói: “Tôi đoán là cái thẻ này không nhã nên đại ca không chịu nói ra.” Ngũ Thứ Hữu cười, lắc đầu. Công tử Long không hiểu việc này, nên chỉ lặng lẽ nhìn xem.

Một lúc lâu, Ngũ Thứ Hữu mới đưa thẻ lại cho Minh Châu, Minh Châu đọc lên là: “Đào lý không nói, sau tự mở lối – không nói không uống, người nói phạt ba chén.” Xem ra trong bàn tiệc chỉ có Ngũ Thứ Hữu và Công tử Long không mở miệng nói, cô Thúy cười nói: “Cái thăm này xem ra quá ác, em uống không nổi đâu! Chúng ta uống xong, tìm trò chơi khác thôi!”

Mọi người uống được ba chén, Ngũ Thứ Hữu, Minh Châu, Hà Quý Trụ đã hơi ngà ngà say. Cô Thúy mặt cũng đã đỏ, nói: “Em say rồi, chịu không nổi nữa rồi!” Ngũ Thứ Hữu kêu to: “Chưa say đâu! Mới uống tí tẹo làm sao mà ngã được? Hồi ở Dương Châu, tôi với anh cả, hai người vừa uống vừa trò chuyện, luận bàn thời sự, uống hơn nửa ngày, thế mới gọi là uống rượu chứ!” Nói xong vô cùng cảm khái. Minh Châu bỗng đập bàn thét to: “Đừng nói thời sự! Tên giặc già chưa chết, thì nước chưa yên, dân chưa yên!”

“Tên giặc già là ai?” Công tử Long giật mình thấy anh ta đập bàn đứng lên. Những lời sau đó chàng nghe không rõ, bèn hỏi lại: “Tên giặc già có can hệ gì với chuyện thời sự?”

Ngụy Đông Đình thấy Minh Châu nổi điên, biết là đã say, vội nói: “Chú em, chú nói cái gì vậy? Hôm nay sao thế này?” Ngũ Thứ Hữu suy nghĩ, tiếp lời: “Nói thật! Ngao Bái chính là tên giặc nước hiện nay đó, Ngao Bái không chết thì triều đình Thanh khó có được thái bình!”

Công tử Long thấy Ngụy Đông Đình đứng lên định dìu Ngũ Thứ Hữu đi nghỉ, vội xua tay ngăn lại hỏi: “Ngao Bái cũng vào Quan Trung từ những ngày đầu, công lao hiển hách, sao tiên sinh lại cho ông ta là giặc nước?” Ngũ Thứ Hữu đã mắt say lờ đờ, thấy cậu bé này cật vấn đến cùng như một ông cụ non, cảm thấy thích thú, bèn cười nói: “Các quyền thần xưa nay, người nào không có công lao? Quan làm loạn nước không phải là giặc nước hay sao? tàn sát dân mưu lợi cho riêng mình không phải là giặc dân hay sao?” Nói xong chỉ tay vào Minh Châu, nói với Ngụy Đông Đình: “Nói ngay người anh em họ của anh đây, đường đường là con nhà gia thế, bây giờ bị đẩy đến cảnh nhà tan người mất, mẹ con chia lìa. Cái phép khoanh đất quả thực hại dân vô cùng. Bắc Kinh, trong thành ăn xin thành đàn, còn ngoài thành, bạt ngàn đất đai phì nhiêu đã biến thành bãi hoang cho bầy cáo thỏ! Hãy đợi xem, kỳ thi sách vấn lần này, tôi phải đau lòng nói lên cái lệ khoanh đất.” Nói xong với ly rượu ngửa cổ uống cạn. Lúc đó Minh Châu không còn nén nổi, nhắm mắt lặng yên, những giọt nước mắt nóng hổi trào ra.

Cảnh tượng này không thể kéo dài, nếu cứ tiếp tục uống nữa, không biết còn nói ra những gì nữa đây. Ngụy Đông Đình thừa dịp đứng lên nói: “Khuya quá rồi, Công tử Long ngày mai còn học bài, sợ Thái phu nhân nóng ruột, chúng tôi xin cáo từ.” Nói xong, kéo tay Công tử Long từ biệt mọi người, bước ra ngoài.

Ra khỏi quán Duyệt Bằng, trời đã tối đen. Ngụy Đông Đình xốc lại bao kiếm, thấy xung quanh không một bóng người, mới quay lại cười nói với Khang Hy ở phía sau: “Bẩm ông, hôm nay may mà không say, nếu không nô tài nhất định phải bị mẹ mắng cho một trận. Đại nhân Sách Ngạch Đồ tiến cử nô tài phục vụ cho Đức ông, làm hỏng việc, ngay cả với lão Trung đường Sách Ni cũng không dám nhìn mặt nữa!” Khang Hy cười đáp: “Mấy ông bạn của ngươi rất hay, ngươi phải gần gũi với họ nhiều hơn nữa, ông Ngũ Thứ Hữu xem ra rất có kiến thức.” Ngụy Đông Đình cúi người đáp lời: “Đúng vậy. Ngũ tiên sinh học vấn không tồi, có điều hơi khùng.” Khang Hy gật đầu: “Khùng mà không nịnh, Trẫm lại thích kiểu đó. Ông ta tính ngay thẳng, trong lòng có chuyện bất bình, không để ông ta nói thì sao được!”

Một hồi lâu, Khang Hy lại hỏi: “Trước kia ngươi đã quen biết Ngũ Thứ Hữu?” Ngụy Đông Đình bèn đem chuyện cứu Giám Mai ở bờ Tây Hà kể cho Khang Hy nghe. Khang Hy nghe rất hào hứng, thấy nói cha con Giám Mai biến mất, cảm thấy bất ngờ, bèn dừng lại hỏi: “Vậy cha con họ về sau thế nào?” Ngụy Đông Đình thở dài nói: “Chỉ sợ rơi vào tay Ngao Bái. Ông chủ muốn biết tung tích họ thì hãy để nô tài dần dần tìm hỏi.” Khang Hy gật đầu, muốn nói gì nhưng chỉ lắc đầu làm thinh.

Vua tôi hai người vừa đi vừa nói chuyện, đã đến cửa Chính Dương. Những người hộ tống còn ngồi cả đấy, ai cũng sốt ruột, thấy họ trở về đều tươi tỉnh lên, liền khênh Khang Hy lên cầu lớn. Nhân lúc chưa khởi giá, Tôn thị vội khoác cho Khang Hy chiếc áo lông chồn màu vàng rực, và trách mắng Ngụy Đông Đình: “Mi quả là to gan! Ra đi là không muốn trở về, Đức Vạn tuế mà bị lạnh, ta sẽ róc da mi ra đó!” Ngụy Đông Đình cúi đầu chỉ cười, không trả lời, Khang Hy hơi chột dạ, vội nói: “Chính Trẫm không muốn trở về.” Tôn thị đành không nói nữa.

Đi tới cửa bên tả lầu Ngũ Phụng, Khang Hy nói: “Đã tới đại nội, Trẫm muốn xuống đi bộ.” Tôn thị đứng bên khuyên giải: “Bẩm Vạn tuế, xin đừng thế! Trời đã tối rồi, gió thổi lạnh lắm, nếu bị cảm lạnh, hai vị Phật gia bắt tội thì nô tài già này phải lãnh đủ” Khang Hy cười gật đầu, ngồi kiệu tiến vào đại nội, nàng Tô đã đợi ở hẻm Vĩnh Hạng từ sớm.

Nàng Tô dìu Khang Hy xuống kiệu, đưa vào cung Khôn Ninh, trên đường đi không nói một lời. Khang Hy thấy nàng Tô nét mặt âu sầu, tưởng rằng mình về muộn nàng không bằng lòng, vội nói: “Ngươi thường nói làm vua là phải gần dân, làm sao ta mới đi có một chút đã làm ngươi âu sầu làm vậy?” Nàng Tô rót trà rồi nói: “Không phải như vậy đâu.”

Khang Hy ngồi xuống hỏi riết tới: “Lạ thật, vậy là việc gì?” Nàng Tô lắc đầu: “Tôi cũng không biết nữa, hồi xế này, Ngô Lương Phụ dẫn một tốp người bên ngoài vào bắt Oa Hách, Tây Trú, Chiết Khắc Đồ, Giác La Trại Nhĩ Bật đưa cả đến phòng Kính sự, không biết có tội lệ gì, cũng không nghe tin tức gì!”

Mới rời cung có nửa ngày mà đã có việc như vậy, Khang Hy hốt hoảng đến nỗi trà nóng bắn ra, vội hỏi: “Bắt người phải có tội gì chứ, tên Oa Hách này Trẫm biết rất rõ, lại là người Tiên đế đã tin dùng, lấy lý gì mà bắt ông ta?” Nàng Tô nói: “Lý do gì thì nô tài không biết, nghe Tứ Hỷ nói đâu như là ý kiến của mấy vị Phụ chính.”

Khang Hy nghe cứ thấy như lửa đốt trong tim, bỗng bật dậy đi quanh phòng hai vòng, đập bàn hỏi: “Còn Kiệt Thư, ông ta là Nghị chính Vương, lẽ nào ông cũng câm? Còn Tô Khắc Tát Cáp, ông ta làm gì?”

Nàng Tô lạnh lùng nói: “Đại nhân Tô Khắc Tát Cáp đương nhiên không tranh được với mọi người, Sách Ni nói là bị bệnh. Kiệt Thư sợ đến nỗi hai đầu gối mềm ra, đại nhân Át Tất Long còn trơn hơn dầu! Bệ hạ còn chưa thấy được điệu bộ của Nạp Mô lúc đó, đi sau Ngao Bái đến cửa Càn Thanh, vừa phẩy tay một cái, mười bảy, mười tám con người xông lên, bắt người trói lại dắt đi, y như trong sân riêng nhà họ!”

Khang Hy thấy nàng Tô càng nói càng lên giọng, như không kiềm nén nổi, biết rằng sự việc nghiêm trọng hơn mình tưởng. Không kể Oa Hách có tội hay không có tội, như vậy là quan Phụ chính đã coi thường mình quá đáng, dám tự quyền vào đại nội bắt người, việc này tuyệt đối không được phép. Liền nói ngay: “Ngươi đi! Truyền người coi việc ở phòng Kính sự đến đây, ta cần hỏi!”

Nàng Tô thấy Khang Hy nôn nóng, thì bình tĩnh trở lại, hết sức khuyên giải: “Hôm nay muộn rồi, thêm nữa, phòng Kính sự chắc gì đã biết căn nguyên. Ngày mai nghị triều, Bệ hạ hỏi xem họ trả lời ra sao.”