Khang Hy Đại Đế - TẬP 1 - Chương 06

6

Khang Hy hăng say đọc sách luận

Sách Ni hôn mê dâng di ngôn

Bí mật việc Thuận Trị giá băng không còn ai nói đến nữa. Thời kỳ đầu Khang Hy lên ngôi cung đình xảy ra bao nhiêu chuyện lớn nhỏ cũng bị người ta nhanh chóng quên đi dần. Viên quan chép việc trong triều nội vẫn chiếu theo hiện tượng, ghi chép một cách nghiêm túc bằng thứ văn chương bề ngoài: “Năm thuận Trị thứ mười tám, mùa xuân, tháng Giêng Nhâm Tý. ...Thượng băng tại điện Dưỡng Tâm”; “Bọn Oa Hách... tự ý cưỡi ngự mã, bị chém bêu đầu ở chợ”; “Thượng giết Thái giám Ngô Lương Phụ tại Nguyệt Hoa môn ....” Thời đó chỉ có một số ít người để tâm ghi nhớ, suy nghĩ những điều bí mật bên trong. Kỳ thực bệnh của Sách Ni là chiếc hàn thử biểu đo triều chính thời đó. Bệnh ông ta hơi nặng một chút, trong triều liền xảy ra một số việc. Hiện thời, bệnh của Sách Ni càng ngày càng nặng, tình hình cung đình ngày càng trở nên căng thẳng.

Tên Ngao Bái thấy quyền thế của mình ngày càng lớn, gần đây lại thu phục được Át Tất Long, với Tô Khắc Tát Cáp hắn chẳng coi ra gì. Mượn cớ hai mươi năm trước trong khi khoanh đất, Đa Nhĩ Cổn thiên lệch phía cờ trắng Chính, định nhân lúc Khang Hy còn nhỏ, Sách Ni bị bệnh, sẽ đổi lại số đất tốt mà cờ trắng Chính đã cưỡng đổi trước kia, thừa thế mở rộng thêm trang viên cho mình. Thế là càng làm cho nhân tâm hoảng loạn, không được yên bình. Mới đó, đã đến năm Khang Hy thứ sáu, Khang Hy tự điều hành chính sự đã hơn một năm, do mở khoa thi chọn hiền sĩ, đã xảy ra những cơn sóng gió không lường trước.

Ngày hôm đó thi Hội đã xong. Ngũ Thứ Hữu rời phòng thi bước ra ngoài phố, quả có cảm giác như bị bệnh nặng. Ánh nắng gay gắt chiếu từng gương mặt xanh xao của sĩ tử, giống như cả đường phố đều chao đảo ngả nghiêng, làm choáng đầu hoa mắt. Người trên phố xoi mói nhìn “môn sinh của Thiên tử” từ trường thi bước ra, đoán định trong số đó vị nào sẽ trở thành trụ cột của Triều Thanh. Họ hy vọng quốc thái dân an.

Ngũ Thứ Hữu ngật ngưỡng trở về quán Duyệt Bằng, đã là giờ Mùi, Hà Quế Trụ cùng bọn đàn em đón ở cửa thấy anh, bèn bước tới vái chào: “Chúc mừng cậu Hai, lần này chắc phải độc chiếm bảng vàng rồi – sao không ngồi kiệu mà lại đi bộ về?” Vừa nói vừa kêu nhà bếp mang nước nóng lên rửa mặt mũi tay chân. Ngũ Thứ Hữu cười miễn cưỡng, dựa vào mép quầy ngồi xuống, nói: “Đa tạ lời nói tốt đẹp, bực mấy ngày rồi, là muốn có tí gió, giãn gân cốt, nên trở về đây.” Đang nói, Minh Châu cười ha hả từ phía sau vội bước tới vái chào.

Ngũ Thứ Hữu cười nói: “Chú là nhanh chân đấy – bài làm tốt không?” Minh Châu chau mày nói: “Văn em vốn bình thường, viết quấy quá một thiên sách luận nộp lên cho xong chuyện.” Ngũ Thứ Hữu cười nói: “Hai lần liền, anh em ta không được chấm. Ta lần này vẫn theo đường cũ, lại làm một bài: Bàn về khoanh đất loạn nước.”

Mọi người nghe anh nói vậy đều ngẩn người, Hà Quế Trụ vội nói: “Trời, cậu Hai, sao mà cậu cứ đi chọc vào tổ ong. Tên chủ khảo Tế Thế thân tín của Ngao Bái! Cậu cầu công danh, dính làm gì đến chuyện khoanh đất của hắn!” Minh Châu dậm chân nói: “Đại ca quả ngay thẳng, nhất định là thiệt thòi!”

Ngũ Thứ Hữu như không thèm quan tâm việc đó, vừa lấy khăn lông ấm lau mặt, vừa nói. “Nhà nước chọn hiền tài, càng phải cho nói thẳng không giấu giếm. Sợ gì, ta cũng không nói xấu triều đình!” Hà Quế Trụ nghe nói bụng thầm kêu khổ, lắc đầu nói: “Triều đình? Hiện nay Ngao Trung đường là triều đình! Có điều Tô Khắc Tát Cáp là Chánh chủ khảo. Loại bài sách đó thì chưa chắc quan giám quyển dám đưa cho Ngao Trung đường xem đâu!” Ngũ Thứ Hữu cho hai chân ngâm vào chậu nước, cười nhạt nói: “Ta lại muốn hắn đọc, loạn khoanh, loạn đổi ruộng dân như vậy bức bách bá tánh lên núi làm giặc, vào thành làm cướp, không phải là hại nước hại dân sao?”

Càng nói càng gay gắt. Ngũ Thứ Hữu sắc mặt u ám. Thực tình mà nói, sau khi ra khỏi trường thi, tự anh cũng thấy thấp thỏm không yên. Nguyên khi nháp bài, chàng viết “Tỉnh điền”, muốn nói bóng nói gió một chút việc khoanh đất, ai dè vừa phá đề, dẫn một câu trong Lã thị Xuân thu: “Trước rợ Hồ không phép tắc, có phép tắc Tiên vương”, viết một chặp lại chuyển sang việc khoanh đất, một quốc sách quan trọng bậc nhất, lúc đó không quay lại được. Đầu đề định viết Tỉnh điền không thể phục hồi, khi viết đến cuối cùng nhìn lại thì quả là văn không hợp đề. Bặm gan dứt khoát viết thành Bàn về khoanh đất loạn nước. Lúc đó trong bụng rất tâm đắc, cũng không nghĩ gì đến hậu quả. Bây giờ nghe mọi người nói mới thấy lo.

Ngẩn người một lúc, định thần trở lại, Ngũ Thứ Hữu cười nói: “Bây giờ thì còn chờ xem thời vận, mệnh số, muốn sao thì ra!”

Năm sáu ngày không nghe tin gì, Minh Châu thấp thỏm không yên trong lòng. Một đêm trằn trọc không ngủ, sáng sớm dậy rửa ráy sạch sẽ, đi gõ cửa hiệu tạp hóa cạnh nhà, mua một nén hương đem về, đốt hương lên, lấy cái gương đồng treo trong phòng xuống, rồi quỳ gối lầm rầm cầu khấn. Khấn xong lén mang theo cái gương mở cửa ra đi.

Đó gọi là “Bói gương”. Trình tự tiếp theo là, giấu mang gương ra đường, gặp người, nhớ lấy câu nói đầu tiên của họ. Đem về nhà phân tích. Đó là “Thần gương” mách bảo cho anh.

Trời vừa sáng, trên phố người thưa thớt, cũng không có ai nói gì. Chàng vừa quẹo qua một khúc quanh, gặp một người đang mặc cả với người bán rau: “Đã nói ba xu một cân sao bây giờ không chịu bán? Rau anh để cách đêm không tươi lắm đâu!”

“Chà chà! Thì bà xem giống rau đấy, bà xem nước sương này! Có một bó cắt hôm qua, ông ném lại đây cho?” “Chưa ăn thịt heo, cũng chưa biết con heo chạy! Năm xu! Anh nới tay một chút nào!” Người mua nói một tràng rồi bỏ đi. Người bán rau quảy gánh lên vai nói: “Bà yên tâm, rau này không phải cho thỏ ăn! Tôi không tin là bán không hết phải để lại ăn đâu! Bà ạ.”

Nghe mấy câu nói đó, Minh Châu như rơi xuống chín tầng mây, suy nghĩ trên đường trở về: “Rau đã cắt rồi... nhưng giống rau là của hôm qua... anh nới tay một chút... bán không hết để lại ăn – chết bậy rồi, còn ra nghĩa lý gì vậy? Câu này cũng không tốt lành, nhưng mà cũng chẳng sao. Ta không tin, hình như có ý gì, nhưng chưa chắc...” Minh Châu nghĩ đã nát óc nhưng không nắm được manh mối gì.

Về đến quán, thấy Ngụy Đông Đình, Hà Quế Trụ đều ở chỗ Ngũ Thứ Hữu. Ba người đang nói chuyện hào hứng, thấy Minh Châu vào vội đứng lên nhường chỗ. Ngụy Đông Đình cười nói: “Sáng sớm đã đi ra ngoài rồi, có việc gì gấp thế?”.

Minh Châu cười đem việc bói gương nghe được nói lại với mọi người. Hà Quế Trụ cười khà khà nói: “Bói gương là chuyện của đàn bà, làm gì có chuyện nam nhi giấu gương trong mình đi nghe lén chuyện của người khác? Tôi hiểu tâm trạng của cậu, một là muốn hỏi về công danh, hai là muốn biết cát hung, tôi thấy không bằng lên đồng viết chữ.”

Hầu bàn mang ra một chậu cát và đem các thứ giấy bao nhang, giấy vàng bạc hiện còn trong quán ra làm kệ bói, trên cây trụ đỡ như hình chữ đinh, cột một cây bút to. Minh Châu thành tâm đốt hương cầu khẩn, nói: “Tôi cầu thay cho đại ca trước!”

Ngụy Đông Đình và Hà Quế Trụ vừa cúi đầu vin vào trụ đỡ, thì cây bút gỗ đã nhanh chóng chuyển động, liên tiếp vê mấy cái vòng trên chậu cát rồi kéo một đường dài. Bức hình này lại chạm vào nỗi lòng của Ngũ Thứ Hữu, làm cho chàng chú ý theo dõi, thấy cây bút dừng lại, viết thành chữ, lại là một bài từ Ức Tần Nga:

Trăng quan san, đường thẳng khó đi, (cung) khuyết như thép, khuyết như thép, từng bước đi lên, từng bước trượt.

Lầu ngọc mời uống, mộng sao đẹp, vòng tay xưa khó nói lời từ biệt. Khó từ biệt, nhi nữ tình dài, trong sáng tuyệt!

Ngũ Thứ Hữu xem xong cười khà khà: “Thần tiên này quả là tri âm, không cần biết kiết hung, rất hạp ý ta!” Tiếp sau, xem chữ bói của Minh Châu, chỉ thấy một chữ “tróc” rồi không lên một chữ nào nữa.

Minh Châu sốt ruột quỳ xuống nói: “Xin đại tiên cho thêm mấy chữ nữa, chữ này quả khó giảng giải.” Nói xong bèn lấy tay xóa bằng mặt cát, mắt nhìn chằm chằm vào kệ bói. Cái kệ khẽ động, xem ra, vẫn chỉ là chữ “tróc” như cũ, rồi đứng yên. Minh Châu còn muốn cầu nữa, Hà Quế Trụ khuyên: “Không nên hỏi nữa, chỉ một chữ này, cả đời cậu dùng cũng không hết.”

Rồi mọi người vây quanh Ngũ Thứ Hữu, xin chàng giải nghĩa. Ngũ Thứ Hữu cười nói: “Ta trước nay không tin cái trò lừa người này, sống chết có số, giàu nghèo tại trời, lẽ nào phó thác cho quỷ thần?” Chàng trầm ngâm một lát rồi nói: “Có điều, cũng có thể đùa vui một chút, bài Ức Tần Nga của tôi, khúc sau không nói, khúc trước từng bước đi lên, từng bước trượt đã định rõ âm điệu cơ bản rồi, đã là (cung) khuyết như thép tất nhiên là đẩy không mở rồi. Khúc sau nói bậy nói bạ, như chẳng có liên can gì lắm, chẳng qua là không có công danh mà thôi. – Còn chữ “tróc” có thể đọc thành “tay chân đều dùng” hoặc là “hoa chân múa tay” (chữ tróc có nghĩa là bắt, gồm bộ thủ – tay, và chữ túc – chân), là điềm có việc tốt đáng mừng.” Minh Châu cười nói: “Tay chân đều dùng là đánh võ, lẽ nào tôi phải kiếm sống nhờ đánh võ sao?”

Ngụy Đông Đình đứng bên nói xen vào: “Cũng khó nói Ngũ tiên sinh à, người em này lại cảm thấy Lầu ngọc mời uống, trong sáng tuyệt, những chữ này rất có ý nghĩa.”

Ngũ Thứ Hữu cười: Lầu ngọc mời uống lấy tích “lầu ngọc đến mời” lúc Lý Trường Cát lâm chung, rất không cát lợi, có hay ho gì? Trong sáng tuyệt chỉ là nói “trong lòng tựa mặt trăng”, hoặc “trong tay không có gì”, lại hợp với thân phận thư sinh.” Câu nói làm mọi người cười vui hoan hỉ.

Ngụy Đông Đình cười nói: “Ngũ tiên sinh, xem ra ngài không màng đến công danh?” Ngũ Thứ Hữu cũng cười: “Siêu thoát thôi. Nếu nói không màng công danh, thì tôi đến chốn kinh sư phồn hoa này, hỏng mãi, thi mãi để làm gì? Công danh đối với người quân tử chỉ đạt được trong ngay thẳng, mà không cầu được trong quanh co!”

Ngụy Đông Đình chắp tay vái rồi nói: “Tiên sinh học thức cao xa, ai cũng kính phục. Có điều, tiên sinh cầm bút nói thẳng việc triều chính, không sợ xúc phạm kẻ quyền quý đương triều sao?” Ngũ Thứ Hữu cười: “Công danh chỉ là thứ cỏ rác! Không lớn nổi vì bị chúng cắt đi giống như câu chuyện cắt rau mà người anh em Minh Châu đi bói gương nghe lỏm được.”

Mọi người nghe câu nói rất nặng nề, tuy là khôi hài, có chêm mấy câu gây cười, nhưng vẫn mang tính nghiêm túc. Ngụy Đông Đình hỏi lại tỉnh hơ: “Tiên sinh có dự tính gì tiếp đây?”

Ngũ Thứ Hữu đang định trả lời, bỗng nghe trước cửa dồn dập tiếng chiêng báo hỷ, mấy tên nhóc trên phố cầm thiệp báo hỷ xông vào kêu to: “Vị nào là Minh Châu? Chúc mừng đỗ rồi!”

Minh Châu nghe thấy báo vội đứng lên, bỗng cảm thấy kinh hoàng bủn rủn chân tay, mắt hoa lên, ngã ngồi trên ghế. Ngũ Thứ Hữu mừng rỡ đứng dậy vẫy tay: “Đem rượu lại đây, chúc mừng người anh em Minh Châu!”

Ngụy Đông Đình bước lên trước, nắm vai Minh Châu nói: “Chú em, đáng vui đáng mừng!” Hà Quế Trụ nghĩ thầm trong bụng: “Xấu hổ! Quả là cậu Hai con mắt tinh đời, thiếu chút nữa thì quý nhân bị vùi dập trước cửa quán này rồi!” Ba bước làm một, ông ta lên trước vái chào, mồm nói: “Cậu Minh Châu, tiểu nhân xin lạy mừng cậu!”

Minh Châu lúc này mới bừng tỉnh cơn mê cơn say, vội đỡ Hà Quế Trụ dậy nói: “Mừng, mọi người đều mừng! Tôi đang mang ơn anh, không thể làm đại lễ như vậy.” Những kẻ báo tin kêu la ồn ào bên cạnh: “Xin ông thưởng cho tiền rượu!” Ngụy Đông Đình vét túi lấy ra một nắm chừng năm sáu lạng bạc lẻ nói: “Đổi ra tiền, mọi người cùng vui nhé!” Tên cầm đầu giở mũ ra đựng bạc thưởng, dẫn bọn nhóc vui mừng đi ra.

Bọn hầu bàn đã bày biện đầy đủ thức ăn, mọi người ngồi vào bàn, vẫn là Ngũ Thứ Hữu ngồi phía trên, Ngụy Đông Đình, Minh Châu ngồi ngang nhau, Hà Quế Trụ ngồi phía dưới cầm chịch rót rượu. Qua ba tuần rượu, Ngũ Thứ Hữu mặt đỏ lên, nói: “Thứ Hữu vốn định hôm nay làm một mâm rượu mời bạn bè, định mấy hôm nữa sẽ từ biệt mọi người, cùng người anh em Minh Châu đi về nam. Hôm nay em Minh Châu đã đỗ rồi, thì sẽ nán lại mấy ngày, cho mọi người vui vẻ rồi hẵng đi.” Minh Châu cười nói: “Tiểu đệ được cái may mắn ngày hôm nay, toàn nhờ vào phúc phận đại ca! Đại ca đạo đức văn chương tiếng vang thiên hạ, ngại gì đợi thêm khoa nữa, nhất định là sẽ đỗ!” Ngũ Thứ Hữu cười không trả lời, thấy Ngụy Đông Đình ngồi bên cúi đầu nhếch mép cười bèn hỏi: “Chú cười gì?”

Ngụy Đông Đình nghe hỏi vội nói: “Tôi cho rằng em tôi nói rất đúng. Ngũ tiên sinh đợi một khoa nữa ngại gì?” Ngũ Thứ Hữu cười nói: “Chú Minh Châu đã bĩ cực thái lai, ta đã đoán trước khoa này chú ấy nhất định đỗ, đợi mấy ngày nay không thấy tin gì tưởng xong rồi, không ngờ đoán đúng, cũng là xong một mối lo trong lòng tôi. Nói đến văn chương, đạo đức, ngu huynh vô cùng xấu hổ, chẳng phải đã có người vì văn chương mà mất mạng, ta cũng không còn nghĩ đến nó nữa rồi.”

Ngụy Đông Đình cười nói: “Tiên sinh nói chẳng phải là từng bước đi lên, từng bước trượt? những lời đó không chuẩn đâu.” Mọi người nghe Ngụy Đông Đình nói tới bài Ức Tần Nga vừa rồi, bất giác còn thấy cung kính, Hà Quế Trụ vừa cầm bình rót rượu, vừa nhìn Minh Châu, thấy chàng nét mặt rạng rỡ, còn Ngũ Thứ Hữu tuy cũng thản nhiên, nhưng thần sắc cũng có chút âm u, bụng nghĩ, chuyện thần phật này cấm có sai, quả nhiên một người “hoa chân múa tay” còn một người “từng bước trượt!” Nghe Ngụy Đông Đình lại nói: “Tiên sinh đợi ở đây, tôi nghĩ tất có cơ gặp may đấy.” Minh Châu cũng vội nói: “Đại ca, anh đợi thêm một khoa nữa đi!”

Ngũ Thứ Hữu từ từ nâng chén, nốc một hơi cạn, cười nói: “Ừ, đại ca nghe lời các em!”

Hôm sau đến phiên trực, Ngụy Đông Đình tới gặp Khang Hy, vừa vào điện đã cười hì hì: “Bẩm Đức Vạn tuế. Quyển của Ngũ tiên sinh, nô tài lấy được rồi!” Vừa nói, vừa rút trong tay áo ra một ống quyển, hai tay trình lên. Khang Hy vội xé niêm phong, mở ra xem. Quyển đầu, năm chữ rõ to, mực đậm nét lớn “Bàn khoanh đất loạn nước” đập vào mắt, vua nhíu mày, nói: “Được!”

“Kể ra cũng độc,” Ngụy Đông Đình vội nói. “Tô Trung đường giấu phó chủ khảo, đi tìm riêng ở từng phòng, khi quan coi phòng lui về rồi mới lấy ra...”

Khang Hy vừa nghe anh nói vừa mở quyển ra đọc. Nhà vua xem say mê, khi lấy chén uống trà, đã đưa tay mò vào cái ấm, gặp nóng mới rút tay lại, rồi cười nói: “Quả không uổng là thủ bút của danh sĩ – lại đây, ngươi đọc đoạn này Trẫm nghe thử!” Ngụy Đông Đình cẩn thận đón quyển, rồi khom người đọc nhỏ nhỏ:

Ruộng đất là cái gốc nuôi sống dân, lụa là vải vóc, bồi bổ thuốc men, đều từ đất mà ra. Dân đen bá tánh nhờ đó mà có ăn, miếu đường xã tắc nhờ đó mà giàu mạnh. Nhưng nơi nào lệnh khoanh đất đổi ruộng lan đến, ruộng màu mỡ biến thành đất hoang cho dê hoẵng, bờ ruộng biến thành bờ hoang gai lạnh. Nhân dân lưu lạc, trăm nghề điêu tàn, kẻ hung hãn không sửa đổi thì thành phỉ thành cướp, người lương thiện giữ phép nước thì đói lạnh nơi ngòi lạch. Triều đình khó trưng thu lương thực ở phủ quan, kỷ cương không mở mang; ba quân không chịu nổi cảnh khổ đói lạnh, làm sao thực hiện lệnh trên? Nỗi lo thù trong giặc ngoài làm sao yên ổn? Lòng dân thấp thỏm, gốc nước khó bền, dân oán mà thần giận, nước còn hay mất vậy?

Đọc đến đây, Ngụy Đông Đình đổi giọng, thấy Khang Hy mặt mày đỏ gay, tay chắp sau lưng đi qua đi lại tưởng vua tức giận, liền ngừng đọc. Chỉ nghe Khang Hy nghiêm giọng quát: “Bài văn hay như thế này, người ta dám viết ngươi không dám đọc sao? Đọc đi!”

Ngụy Đông Đình đành cất cao giọng, tiếp tục đọc to:

… Huống chi từ ngày Thiên tử thánh minh tại thượng, từ năm Khang Hy thứ nhất đến nay, đã nhiều lần ban chỉ đình cấm việc khoanh đất đổi ruộng. Mà nay rốt cuộc không ngưng được, đều do trong triều có gian thần loạn nước, ngoài cõi có tướng ác gian manh, trong ngoài gian dối, lang sói kết bè... Bọn chồn chuột trong thành ngoài ấp chiếm đoạt sản nghiệp của dân, hút máu mủ dân. Từ năm Thiên Phụng triều Vương Mãng đến nay, hơn một ngàn năm trăm năm, chưa từng có tình trạng kỳ quái như thế này!

Ngụy Đông Đình đọc xong vội lấy tay gạt những giọt mồ hôi trên trán.

Khang Hy nghe đọc xong lấy lại bài văn sách, tự mình đọc kỹ một lần nữa, miệng lẩm bẩm: “Câu nào cũng là những lời vàng đá! Có người nói phải tìm sư phụ cho Trẫm, đây chẳng phải là một sư phụ tốt nhất sao? Việc gì phải để người khác phí công!” Ngụy Đông Đình không hiểu vua nói vậy có ý nghĩa gì, đành đáp: “Vâng ạ. Ngay cả lão phu tử Hùng cũng không dám nói thẳng như vậy.”

“Ngươi nói đúng.” Khang Hy đưa trả quyển văn sách và nói: “Trẫm chỉ cần sư phụ như thế này, ngươi tìm cách giữ ông ta lại.” Ngụy Đông Đình vội đáp lời: “Dạ! Thánh thượng yên tâm, nô tài vừa từ quán Duyệt Bằng về, ông ta chưa đi được đâu.”

“Vậy thì tốt.” Khang Hy cười nói: “Bây giờ đưa quyển văn sách này cho Tô Khắc Tát Cáp xem, cất ở chỗ ông ấy. Nếu có tiết lộ ra, ngươi còn giữ được mạng sống?”

Vua tôi hai người đang nói ý hợp tâm đầu, bỗng thấy tiểu Thái giám Trương Vạn Cường bê lên một quyển tấu chương, quỳ xuống tâu: “Lão đại nhân Sách Ni bệnh nặng rồi!”

Khang Hy bỗng chốc biến đổi thần sắc, đứng dậy hỏi: “Thế nào?”

“Chỉ sợ không qua khỏi!”

“Ngươi đi xem xem, nếu quả không qua khỏi, đến báo cho ta ngay.”

Ngụy Đông Đình xen vào một câu: “Đức Vạn tuế sốt ruột như vậy, sao không giá lâm đến thăm?”

Khang Hy nghe nói cũng đúng, bèn gọi người chuẩn bị kiệu. Trương Vạn Cường quỳ một bên bỗng ngẩng đầu lên nói: “Đức Vạn tuế đi không được!”

“Sao vậy?”

“Đức Vạn tuế mà đi, Sách đại nhân đành phải chịu chết!”

Lời nói làm Khang Hy tỉnh ra. Quan bệnh nặng, vua ngự giá thăm bệnh, đó là “thù vinh” (vinh dự đặc biệt), không chết cũng phải chết! Điều này đã nói rõ ràng trong “Tổ tông gia pháp”, từ nhỏ Khang Hy đã nghe loại chuyện này nhiều rồi, đương nhiên là biết rõ. Nghĩ đi nghĩ lại không cách nào, đành phải ngồi xuống. Suy nghĩ: Sách Ni tuổi tuy cao, chỉ cần ông ta còn, Ngao Bái không thể hung hăng được. Khang Hy trước nay vẫn lấy vị huân thần nguyên lão này làm chỗ dựa, nếu quả có thể lành bệnh, mình đi thăm, chẳng hóa ra ngược lại làm hại ông ta? Nghĩ tới đây Khang Hy uể oải khoát tay. Trương Vạn Cường đứng dậy lui ra.

Đồng hồ đã điểm mười một tiếng, đang bắt đầu giờ Ngọ, phụ chính đại thần Tô Khắc Tát Cáp gửi thẻ bài cầu kiến. Khang Hy đang có một bầu tâm sự không có chỗ nói, bèn đứng lên nói với Ngụy Đông Đình: “Ngươi cùng Trẫm đến điện Dưỡng Tâm gặp ông ta.” Ngụy Đông Đình vội nói: “Nô tài hiện chỉ là lục phẩm thị vệ, không thể đơn độc tùy giá tiếp kiến đại thần.” Khang Hy cười nói. “Cũng còn chuyện đó! Bảo ông ta đến phòng Thượng thư (dâng thư). Trẫm sẽ gặp ông ta ở đó, ngươi không cần né tránh – Không sớm không muộn, đến vào giờ này, không biết có việc gì vậy?”

Tô Khắc Tát Cáp sắc mặt trắng bệch, rón rén bước vào phòng, quỳ xuống vái chào, tâu rằng: “Bẩm Vạn tuế! Thần xin giết Ngao Bái để tạ lỗi thiên hạ!” Câu nói làm cho những người có mặt đều biến sắc. Khang Hy cũng kinh dị muôn phần, hết sức nén niềm xúc động nói: “Ngao Bái là trọng thần triều đình, ông ta phạm tội gì? Phụ chính đại thần các khanh đã bàn việc đó chưa?”

Tô Khắc Tát Cáp không chút sợ hãi, rút trong tay áo ra một tờ giấy xem qua rồi ngẩng đầu nói thư thả: “Lệnh khoanh đất vốn là luật lệ cổ hủ của tiên triều, khi Thái Tổ mất đã định bãi bỏ, nay vào Quan Trung lập nên cơ nghiệp, vỗ yên Hoa Hạ, cũng nên giảm nhẹ đóng góp tạo ra ổn định, phù trì nông tang làm cho nước mạnh dân giàu.” Khang Hy không đợi ông nói hết, vội hỏi thẳng một câu: “Năm ngoái, lúc Trẫm chưa thân chính, Phụ chính đại thần các khanh chẳng đã bàn định cấm chỉ khoanh đất rồi đó sao?” Tô Khắc Tát Cáp dập đầu tâu: “Vạn tuế thánh minh, đúng là như vậy, Khang Hy năm thứ nhất đã hạ chiếu đình chỉ khoanh đất, năm thứ ba, mùa hè có nhắc lại. Nhưng cờ vàng Chính của Ngao Bái đến nay vẫn còn đang khoanh đất, tiếp tục bá chiếm đất đai vùng Hô Luân Bối Nhĩ về tây và Khoa Nhĩ Tẩm về nam, ngay cả Hoàng Trang ở Nhiệt Hà cũng bị ông ta khoanh một phần. Bản điều trần do Hùng Tứ Lý tham tấu lên, nô tài dám bảo đảm câu nào cũng đúng! Phụ chính đại thần như vậy phải nghiêm trị không tha!”

Lời nói chưa dứt, nghe đánh “rầm” một tiếng, Khang Hy không nén nổi cơn giận, đập bàn, rồi vụt đứng lên, đang muốn làm dữ, bỗng nhớ lời nàng Tô “vạn sự đừng nôn nóng”, bèn từ từ ngồi xuống hỏi: “Khanh nói việc đó có chứng cứ gì?”

Tô Khắc Tát Cáp vội dập đầu thưa: “Vạn tuế cứ cho một cận thần tâm phúc đi xem xét trong kinh thành, xem có bao nhiêu dân đói vì mất đất, thất nghiệp lánh nạn vào kinh! Trong phủ thần có lưu giữ một ông già hát rong, vừa mới thất nghiệp vào kinh, con gái ông lại bị Mục Lý Mã cướp đi đưa vào làm nô tỳ cho Ngao Bái. Ông ta bị đánh thương tích nặng, nếu ông ta không có chút tuyệt kỹ, e cũng trúng độc thủ rồi!”

Ngụy Đông Đình đứng một bên nghe đến đây, tim đập thình thịch. Cha con Sử Giám Mai, chàng tìm mấy năm không nghe tin tức gì, nay mới được nghe một chút xíu. Nhưng vào lúc này, dù có nôn nóng gì cũng không thể xen vào một câu, chàng đành trân người, chú ý lắng nghe tiếp.

Khang Hy “hừm” một tiếng, phòng dâng thư to như thế mà im ắng tưởng chừng một cây kim rơi cũng nghe thấy. Khang Hy đứng lên, chắp tay sau lưng đi mấy bước, rồi hỏi Tô Khắc Tát Cáp: “Có lẽ đất của khanh cũng bị khoanh rồi chứ?”

Tô Khắc Tát Cáp ngớ người, sau đó liền đáp: “So với khổ nạn mà lê dân bá tánh trong thiên hạ phải gánh chịu thì chút xíu đất của nô tài có đáng gì!”

Nghe lời nói đúng mực này. Khang Hy gật gật đầu, rồi suy nghĩ, bài tấu của Tô Khắc Tát Cáp này tuyệt đối không thể phê chuẩn, bèn lạnh lùng nói: “Việc khanh tâu lên, Trẫm sẽ tự xem xét. Khanh và Ngao Bái đều là Phụ chính trọng thần, đều cùng được Tiên đế ân sủng ủy thác, nên cùng đồng tâm đồng đức mới phải. Bây giờ khanh hãy lui về đi.”

Tô Khắc Tát Cáp vừa đi, Khang Hy bèn cho tả hữu lui ra hết, chỉ giữ một mình Ngụy Đông Đình rồi hỏi: “Ngươi thấy Tô Khắc Tát Cáp tâu như thế nào?” Ngụy Đông Đình vội cúi người đáp: “Nô tài không dám nói leo, nhưng trong ngoài kinh thành đều đầy rẫy dân đói, quả thực như vậy.” Khang Hy gật đầu nói: “Làm sao Trẫm không biết. Trẫm phạt Hùng Tứ Lý nửa năm bổng lộc cũng là bất đắc dĩ, có điều, ôi...” Nhà vua thở dài, im lặng.

Hồi lâu, Khang Hy lại nói: “Lòng trung thành của Tô Khắc Tát Cáp Trẫm biết. Nhưng hiện nay ông ta không có mấy quyền lực, có nhiều chuyện ông ta làm không nên!”

Ngụy Đông Đình thấy Khang Hy nói thật lòng, bèn nói: “Đức Vạn tuế ban thêm quyền lực cho ông ta, thì ông ta làm được chứ gì?” Khang Hy cười chua chát: “Vạn tuế như Trẫm cũng chỉ là hư danh, chỉ lệnh khó thi hành.” Ngụy Đông Đình nói không chút do dự: “Chẳng phải là trong triều đã xuất hiện một Tào Tháo sống?”

Nghe nói vậy, trong mắt Khang Hy ánh lên một niềm hưng phấn, vua nhìn ra ngoài cửa sổ, lại nhìn kỹ Ngụy Đông Đình, mắng rằng: “Nói bậy! Làm gì có Tào Tháo! Ngươi, một tên nô tài quèn sao dám nói như vậy!” Lời lẽ tuy vô cùng gay gắt, nhưng không tức giận, Ngụy Đông Đình vội vàng trả lời: “Nô tài không dám! Nô tài không dám!”

Lời nói của Ngụy Đông Đình lại hợp ý Khang Hy. Bắt đầu từ sáu tuổi, vua đã đọc Đế vương tâm giám, biết được uy quyền của đế vương, không chỉ dựa vào ý Trời, ý Thần, dựa vào nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, còn phải để cho thần tử không bao giờ hiểu được chiều sâu kế sách, tầm xa suy nghĩ của mình. Cái gì càng lường không tới, đoán không ra, càng là thần bí, cái gì càng thần bí càng là tôn quý, đó là phép tắc muôn đời không thay đổi. Vua rất hài lòng cách đối xử hôm nay với Tô Khắc Tát Cáp và Ngụy Đông Đình. Trong bụng nghĩ: Về cung nói cho nàng Tô nghe, nhất định sẽ được nàng khen ngợi. Nhất định nàng sẽ nói: “Đức Vạn tuế thánh minh!”

Đang suy nghĩ mông lung, Khang Hy chợt thấy Trương Vạn Cường xuôi tay đứng đó, bèn vội hỏi: “Ngươi đi xem thấy thế nào?”

Trương Vạn Cường thấy vua hỏi vội trả lời: “Bẩm Vạn tuế, Sách Ni lão Trung đường bệnh không nhẹ! Thái y nói nhiều lắm không qua được một đôi giờ. Tinh thần xem ra còn tỉnh táo, Thái y nói là ánh sáng lóe lên trước khi tắt, nói trước khi chết muốn gặp Vạn tuế...” Nói đến đây mắt anh ta đỏ ngầu.

Khang Hy liếc nhìn Ngụy Đông Đình nói: “Chuẩn bị kiệu, Trẫm sẽ tự đến phủ Sách thăm bệnh. Thay quần áo vi hành.”

Phủ Sách ở phố miếu Ngọc Hoàng vườn Phong Nghi, nguyên là phiên thự tại kinh sư của Đường Vương Chu Kinh nhà Minh trước, là một nơi thật yên tĩnh. Thế Tổ định nghiệp, chia thưởng cho công thần, bèn tặng tòa viện lạc này cho Sách Ni. Khang Hy ngồi chiếc kiệu bốn người khênh, Ngụy Đông Đình cưỡi ngựa đi theo, khoảng nửa canh giờ mới đến cửa phủ, Ngụy Đông Đình xuống ngựa đỡ Khang Hy xuống kiệu.

Một tên gác cửa chạy lại nói: “Sách Trung đường thân thể khiếm an, không tiếp khách!” Khang Hy ngơ ngác đang muốn hỏi thì Ngụy Đông Đình đã rút trong túi đưa ra một thanh Như ý, cười nói: “Cảm phiền chấp sự đưa cái này vào cho Sách Ngạch Đồ đại nhân xem thì khắc rõ.”

Tên gác đi vào không lâu thì cửa giữa chợt rộng mở, Sách Ngạch Đồ vừa đi vừa chạy ra, quỳ xuống dập đầu nói: “Không biết Vạn tuế giá lâm, không nghênh đón xa, nô tài tội đáng chết!”

Khang Hy đỡ Sách Ngạch Đồ đứng dậy: “Trẫm hôm nay vi hành đến thăm, truyền cho gia nhân đừng để lộ tin tức!” Nói xong đỡ tay Sách Ngạch Đồ đi vội vào hậu đường.

Sách Ni nằm trên sạp nửa tỉnh nửa mê, nghe Sách Ngạch Đồ nói: “Vạn tuế đến thăm cha đây!” liền mở trừng hai mắt nhìn quanh tìm. Khang Hy vội bước lên trước nói: “Khanh cứ nằm, Trẫm vi hành, tiện đường ghé thăm khanh.”

Sách Ni lắc đầu, rồi bất lực nhắm cả hai mắt, hai giọt nước mắt già đục ngầu lặng lẽ rơi xuống. Khang Hy thấy vậy, bất giác mủi lòng, nước mắt đầy mi, nhưng cố nhịn không để rơi xuống.

Mãi một lúc lâu, Sách Ni mới lại mở hai mắt, ngập ngừng như muốn nói gì, nhưng không nói được, run run thò ra một ngón tay, chỉ một chiếc tráp sơn đen để trên giá. Sách Ngạch Đồ hiểu ý vội lấy xuống, thấy có giấy niêm phong, hai tay bưng đưa cho Sách Ni. Sách Ni lấy hết sức gỡ niêm phong, nhưng không mở ra, chỉ yên lặng đưa mắt nhìn Ngụy Đông Đình.

Ngụy Đông Đình thấy vậy vội quỳ xuống đất, nói: “Việc hôm nay chỉ Thánh thượng, lão đại nhân, Sách đại nhân có mặt, tôi, Ngụy Đông Đình nếu có chút xíu nào sơ sót tiết lộ, thề sẽ chết trước muôn ngàn mũi tên, mãi mãi bị đọa đầy dưới địa ngục!” Nghe Ngụy Đông Đình thề độc, Sách Ni gật đầu, đưa cái tráр rа.

Ngụy Đông Đình cẩn thận mở ra, thì là một cuốn giấy vàng, một cuốn giấy trắng, anh ngước mắt nhìn Khang Hy, nói: “Bẩm Vạn tuế, ở đây có một bản di sớ, một tờ di chúc.” Khang Hy xê dịch chiếc ghế tựa, ngồi cho chinh, và nói quả đoán: “Ngươi đọc hết Trẫm nghe.”

Vì là tâu thay, Ngụy Đông Đình vội quỳ xuống. Sách Ngạch Đồ cũng phủ phục dưới đất kính cẩn nghe. Ngụy Đông Đình lấy ra cuốn giấy vàng trước, mở ra, to giọng đọc lên:

Thần đã tuổi cao, lại trong hàng Phụ chính, không thể phò tá Thánh quân đạt đến thịnh trị, chết cũng còn xấu hổ! Nay hạn to đã đến, thần chết bức bách, ngậm hờn khôn xiết, có việc không thể không bẩm với Hoàng thượng, xin được bí mật trình lên: Từ lâu thần đã biết tâm địa quan Phụ chính Ngao Bái, có lòng dạ sói lang, nhưng do tội chưa rõ ràng, khó có thể diệt trừ. Thần chỉ e sau này, có nhiều ý khác, chẳng phải là do thần trước dung dưỡng nên để họa về sau sao? Đại học sỹ Hùng Tứ Lý, Phạm Thừa Mô đều là quan trung lương, Hoàng thượng sai họ tìm kế hay để diệt trừ gian ác; con thần, Sách Ngạch Đồ, tuy ngu đần lỗ mãng, nhưng có lòng trung thành vô hạn. Biết con mình không ai bằng cha nó, thần đã nhiều lần căn dặn, phải hết sức quên mình báo đáp Thánh thượng, may ra có thể chuộc bớt tội lỗi của thần một đôi phần. Ô hô! Người sắp chết nói lời trung thực, tỏ bày hết nỗi lòng, thần biết là vậy!

Giọng đọc không to, nhưng nghe rất rõ ràng. Đọc đến đây, Sách Ngạch Đồ giàn giụa nước mắt, chỉ vì trước mặt vua đành gục xuống đất khóc thầm. Ngụy Đông Đình đọc xong di sớ, liền mở ra cuộn giấy trắng, chỉ thấy mấy hàng chữ tiểu khải to bằng đầu ruồi, bèn đọc:

Con ta Sách Ngạch Đồ: Ta ngày thường dạy bảo, con nhớ ghi rõ trong lòng. Nay sắp đi xa, để lại mấy lời cho con rõ: Sau khi ta chết, con phải thay ta tận trung, khéo bảo vệ chủ nhỏ; không được tiếc thân lo việc riêng, trái với ý ta thường ngày. Hết lòng di chúc cho con! Nếu trái với lời dạy này của ta, xuống dưới âm phủ, không được gặp ta!

Nghe tới đây, Sách Ngạch Đồ không nhịn nổi nữa, òa khóc to lên, Khang Hy đau xót trong lòng, vẫn cố giữ vẻ tươi cười, quay lại nói với Sách Ni: “Lão ái khanh một dạ chân thành. Trẫm đã biết rõ, Trẫm mong ái khanh yên tâm dưỡng bệnh, hết sức giữ gìn sức khỏe.”

Làm xong công việc này, Sách Ni như bớt được gánh nặng, thở phào một cái, hai mắt nhắm lại, bất tỉnh. Khang Hy ruột gan như lửa đốt, bước lên đỡ Sách Ngạch Đồ dậy, nói: “Đừng quá bi ai, ráng hầu hạ cha khanh, cần thuốc gì cứ tới viện thái y nhận.” Nói xong bước ra, lên kiệu về cung.