Khang Hy Đại Đế - TẬP 1 - Chương 09

9

Nghị Chính vương chén rượu ngã ngọn cờ

Ngũ tiên sinh bất ngờ thành thầy vua

Nghị Chính vương mang một bầu tâm sự trong lòng, đang ngồi trong thư phòng lật xem Tam quốc diễn nghĩa, muốn qua đó tìm ra một diệu kế đối phó với tình hình khó khăn hiện nay. Nhớ lại cảnh tượng Khang Hy triệu kiến bí mật buổi sáng, lòng ông phừng phừng bốc lửa, vừa nôn vừa nóng.

Giờ Tỵ sáng nay, Thái giám Trương Vạn Cường đến phủ đệ nói là truyền chỉ, nhưng không cho rêu rao, không mở cửa giữa nghênh tiếp, cũng không cho đặt bàn hương án, chỉ đứng nói một câu: “Phụng chỉ, triệu Nghị chính vương Kiệt Thư đến cung Dục Khánh bàn việc. Khâm thử!” Nói xong, cũng không kịp uống trà, đã lên ngựa đi ngay.

Trong lòng lo sợ, ông vội vàng đến cung Dục Khánh, vẫn chỉ Trương Vạn Cường tươi cười đón ông. Vừa bước vào điện bỗng giật mình, thấy Khang Hy lưng đeo bảo kiếm, ngồi quay về phía tây, đứng ở phía sau có một nam một nữ. Nam là Ngự tiền thị vệ mới thăng lên bậc sáu; Thị nữ tay chân thoải mái, nét mặt nghiêm trang, đó chính là Tô Ma Lạt Cô. Ngước lên nhìn càng hoảng kinh, ngồi xếp bằng trên sạp cao là Thái hoàng Thái hậu Bạt Nhĩ Tế Cát Đặc!

Kiệt Thư vô cùng kinh hãi vội làm đại lễ ba quỳ chín lạy, miệng nói: “Nô tài Kiệt Thư phụng chiếu xin yết kiến!” Thái hoàng Thái hậu phất tay nói: “Chú bảy, mời đứng dậy nói chuyện!” Trương Vạn Cường đã bê đến chiếc ghế thấp, Kiệt Thư ghé ngồi. Trong ngôi điện to như vậy chỉ có năm người ngồi đối mặt, tiếng nói vang lên ồm ồm, như trong cái lu.

Khang Hy phá tan bầu không khí yên tĩnh, một lời đã kinh động lòng người: “Chú bảy, Ngao Bái chuyên quyền loạn nước, đã đến mức không thể nhịn nhục, chú biết chứ?”

Kiệt Thư ngước đầu nhìn, thấy Khang Hy đang nhìn mình, thị nữ đứng bên ánh mắt sáng quắc, Ngụy Đông Đình cũng liếc nhìn, ông vội cúi đầu đáp: “Nô tài biết.”

Thái hoàng Thái hậu lên tiếng: “Khi Hoàng đế Thái Tông còn sống thường khen chú là vốn quý của Tôn thất, từ trước tới giờ trung thành vô hạn, Tiên Hoàng đế còn lập Nghị chính vương, chính là sợ có người mang ý xấu không ai xử trị được, con côi mẹ góa bị người ta ức hiếp. Mới vừa nghe nói, Sách Ni đã quy thiên. Ông ta chết, Ngao Bái càng lung lạc không kể gì phép nước. Khang Hy đã nắm quyền một năm rồi, nhưng hắn vẫn không giao trả quyền hành. Có ai đoán trước được tình cảnh hôm nay như thế này!” Nói đến đây, Thái hoàng Thái hậu hạ thấp giọng: “Hiện nay chiến sự phía nam chưa dứt, Đài Loan vẫn trong tay bọn Trịnh Thành Công, phía bắc nước La Sát cũng ức hiếp chúng ta. Trong triều đình, Ngao Bái như vậy, tôi không ra tôi, vua không ra vua còn ra cái thể thống gì!” Nói xong chớp mắt, nhìn Kiệt Thư.

Khang Hy bỗng nói xen vào: “Cho nên Trẫm mời khanh đến bàn một việc lớn. Trẫm muốn cách chức Ngao Bái, cắt hết binh quyền ông ta!” Nói đến đây đột ngột ngừng lại.

Kiệt Thư suy nghĩ một lát rồi quỳ xuống tấu: “Ngao Bái ngạo mạn không phục tùng, cả triều đều biết, cần phải xử nghiêm, nhưng nay ông ta nắm bộ Binh, làm Thị vệ nội đại thần, quản việc tuần phòng nha môn, huống chi Thị vệ lại một phần lớn là người của hắn, vạn nhất có sai sót, thì ngược lại là di hại đối với bản thân Hoàng thượng, việc này không thể không nghĩ kỹ.”

“Cho nên mới mời khanh tới!” Thái hoàng Thái hậu nói tiếp, “Ta không phải không có cách giết Ngao Bái, nhưng vì tưởng nhớ lão thần, nên không muốn tùy tiện xuống tay mà thôi!”

“Vương gia,” nàng Tô đứng phía sau Khang Hy bỗng lên tiếng: “Điều ngài nói chỉ mới là một mặt! Cái mụn nhọt đó bữa nay không nặn ra, sau này sợ càng khó khăn hơn! Ngao Trung đường trước kia là công thần, nhưng hiện nay ông ta ỷ công ngạo mạn, đã không thể chạy tội. Ngài nói ông ta có thực quyền ai cũng biết, nhưng ông ta bốn bên giáp địch, lòng người trong triều ngoài cõi đều căm ghét, hận không được phanh thây xẻ thịt! Chỉ cần có kế hoạch tốt, trừ bỏ hắn không phải là việc khó. Huống chi chủ nhân cũng không muốn gây khó dễ, chỉ cần thay đổi vị trí mà thôi.”

Kiệt Thư biết một cung nữ dám nói lên những lời lẽ đó trong trường hợp này, khẳng định là đã được Thái hoàng Thái hậu và Khang Hy cho phép. Nghe cô ta nói lý lẽ rõ ràng, trong lòng rất khâm phục: “Quả là danh bất hư truyền!” Lại nghe Thái hoàng Thái hậu ở trên nói: “Ông thấy khó là đúng, bà cháu ta đều biết. Nhưng việc nhất định phải làm, nếu không sẽ có ngày người ta bức vua thoái vị, ai sẽ làm Định quốc vương đây?”

Đó là điều ám thị rất rõ ràng: công việc mà thành thì vương vị của Kiệt Thư “đời đời không thay đổi”, đó chính là điều ông hằng mơ ước. Nghe tới đây, lòng ông bỗng nóng lên, khấu đầu nói: “Lấy lý do gì cách chức Ngao Bái, xin Thái Hoàng Thái hậu và Hoàng thượng nói rõ, nô tài xin hết sức ra công.”

Như vậy là thỏa thuận rồi. Không khí trong điện dịu đi rất nhiều. Khang Hy ra hiệu cho Ngụy Đông Đình đưa tờ sớ của Tô Khắc Tát Cáp cho Kiệt Thư. Kiệt Thư chăm chú đọc thầm một lượt từng lời châu phê, lòng thấy sáng ra, vội gấp tờ sớ lại, khấu đầu nói: “Thánh minh như gương, nô tài đã hiểu rồi. Nội trong hai ba ngày sẽ có sớ bái bẩm!”

Kiệt Thư đang trầm tư, một gia nhân đi vào đưa một danh thiếp, cung kính nói: “Vương gia, Ngao Trung đường và Ban Bố Nhĩ Thiện đại nhân đến thăm.” Ông nhìn tấm thiệp một hồi rồi đưa lại cho gia nhân và nói: “Trả lại thiệp, và báo Ngao Trung đường ta không được khỏe, xin hôm khác tới gặp.”

Lời chưa dứt, đã nghe có tiếng cười ha hả: “Vương gia mắc bệnh sao! Chắc là chứng trừ gian trừ bá, ưu quốc loạn dân đây mà! Ha ha ha....” Vừa nói, Ngao Bái vừa vén rèm bước vào, đi sát theo sau, Ban Bố Nhĩ Thiện cũng cười hì hì bước tới. Bọn họ chào Kiệt Thư: “Chúc sức khỏe Thất vương gia! Tiểu nhân cũng biết chút ít về thuốc, mong được đem phương thuốc quý hiếm giúp Vương gia trừ bệnh mà!” Hai người vừa nói vừa đi tới trước vái chào, rồi tự tiện ngồi xuống.

Kiệt Thư như đứa trẻ sợ sấm, trố mắt líu lưỡi nhìn bọn họ, mãi một lúc lâu mới định thần trở lại, đánh trống lảng cười nói: “Hôm qua buổi chầu sớm bị nhiễm lạnh, quả thật người không được khỏe. Hai vị đã tới, chú Ban lại thạo thuốc men, xin khám cho tôi xem nào.”

Ban Bố Nhĩ Thiện quả thông thạo thuốc men thật. Ông bước tới nhắm mắt nghiêm trang nắm tay Kiệt Thư xem mạch, đứng dậy cười nói: “Chú Bảy tả xích hoạt mà phù, lòng thắc thỏm suy nghĩ, giống như đi thuyền; tả quan trệ mà trầm, thể trạng mệt, bất lực, ăn uống không ngon; thốn khẩu tích tụ không phát có kinh sợ buồn lo, đêm nằm mơ mộng hung hiểm. Theo mạch tượng có một số triệu chứng đều do chú Bảy quá vất vả việc nước, lo lắng quá nhiều. Bệnh này không thuốc cũng khỏi, chỉ nên tĩnh dưỡng, ăn uống đạm bạc, để lòng yên ổn tự nhiên sẽ khỏi.” Ngao Bái bên cạnh cười nói: “Mạch này xem rất rõ, không đạm bạc không thể sáng trí, không yên lòng không thể nghĩ xa, thánh hiền xưa kia cũng không ngoại trừ. Vương gia sáng suốt, mấy lời thô thiển đó há không hiểu sao?”

Ban Bố Nhĩ Thiện bắt mạch quả không sai, những chứng đó ông đều có. Từ ngày Ngao Bái đại náo triều đường, giết chết mấy người Tô Nạp Hải..., ông thường thắc thỏm không yên, tâm can xao động, suốt đêm không hề chợp mắt. Bây giờ, Ban Bố Nhĩ Thiện nói ra chứng bệnh này với cặp mắt xảo quyệt, lại thêm những lời ám chỉ lấp lửng của Ngao Bái, lòng ông bỗng chấn động: “Chao, lộ chuyện rồi!”, mồm vẫn miễn cưỡng cười nói: “Theo ý Ngao công, nên yên lòng đạm bạc như thế nào đây?”

Ngao Bái không đáp lời ngay, ông ta đi tới trước bàn, lấy một chiếc ly bạc cao chân, chỉ vào chiếc bình ngọc hỏi: “Lão phu muốn uống rượu, rượu gì đây?” Kiệt Thư đáp: “Đây là rượu Ngọc lâu khuynh Tứ Xuyên nổi tiếng do vua ban!”

“Ngọc lâu khuynh! Tên hay!” Ngao Bái tự rót một ly nhâm nhi, khà một tiếng nói: “Ban Đại nhân, rượu ngon, ngại gì không uống một ly.” Vừa nói vừa uống cạn, rồi rót ly khác đưa cho Ban Bố Nhĩ Thiện. Ban Bố Nhĩ Thiện ngẩng đầu uống rồi cười nói: “Rượu ngon, tiếc là hơi nồng.” Rồi hai tay đưa trả ly cho Ngao Bái.

“Không nồng, lầu ngọc làm sao mà nghiêng được?” Ngao Bái như không để ý, vừa nghịch chiếc ly, vừa nói với Kiệt Thư: “Ông hỏi làm sao yên lòng đạm bạc? Tỷ như vụ án Tô Khắc Tát Cáp, ông với tôi cùng xét ngại gì nào, cùng nhau bàn bạc, cùng tâu lên, Vương gia có thể nhờ vậy mà được mấy ngày nhàn hạ, ông thấy thế nào?”

Thấy Ngao Bái đi thẳng vào vấn đề, Kiệt Thư biết mọi kế hoạch đã thành bọt nước, cười chua chát nói: “Xem ra Ngao công đã có kế hoạch kỹ càng, không biết định thẩm xét kiểu gì vậy?” Ngao Bái đặt nhẹ nhàng chiếc ly bạc trên bàn, sa sầm nét mặt nói: “Đó đương nhiên đợi hỏi xong mới định được – Ban Bố Nhĩ Thiện đại nhân, chúng ta đến đã lâu, cũng nên về rồi, để Vương gia một mình suy nghĩ cho kỹ càng.” Nói xong kéo tay Ban Bố Nhĩ Thiện từ biệt ra về.

Kiệt Thư tiễn họ ra cửa chính, trở lại thấy chân chiếc ly bạc bằng ngón tay đã bị bẻ gãy, miệng ly nằm nghiêng, rượu còn trong ly chảy ra đầy bàn. Kiệt Thư ban đầu ngạc nhiên, bỗng tỉnh ra, nghe thấy đầu ù ù ngã ngửa ra trên ghế bành.

Mấy tháng sau kỳ thi Hội, Minh Châu rất vui vẻ, đi thăm thầy gặp bạn, cả ngày không về nhà, ai ngờ, bao công phu chạy vạy chỉ nhận được một chức quèn Bác vọng đồng tri. Chàng rất buồn, Ngũ Thứ Hữu khuyên chàng không nên đi nhậm chức, mà ở Kinh chờ thời cơ xem sao. Nhưng vận động mãi vẫn không tìm được một chức quan ở Kinh. Ngũ Thứ Hữu vốn muốn đi du lịch xa, nhưng thời tiết không tốt, bị bệnh thương hàn suốt mấy tháng, đến khi bệnh khỏi hẳn người vẫn còn rất yếu. Cả mấy tháng toàn phải nhờ hai người là Hà Quế Trụ và Minh Châu thay phiên chăm sóc, cơm cháo thuốc men đầy đủ. Hà Quế Trụ vốn không ưa Minh Châu có vẻ lên mặt, nay thấy chàng hết sức chăm sóc Ngũ Thứ Hữu nên cũng dẹp đi nỗi mắc mứu trong lòng.

Hôm đó, sau bữa điểm tâm thấy trời âm u mù mịt, không có chỗ nào đi chơi được, Ngũ Thứ Hữu thấy buồn chán, bèn gọi Hà Quế Trụ tới, cười nói: “Chú Minh Châu có lẽ đi thăm ông họ Hoàng ở phủ Nội vụ rồi, đằng trước chắc không có việc gì lắm, để cho bọn em út trông coi, chú bày bàn cờ ra chúng ta cùng chơi, được không?”

Hà Quế Trụ cười đáp: “Cậu hai vui quá, có điều, tôi đánh cờ không ra gì, chỉ sợ làm cậu hai mất vui.” Mồm nói vậy nhưng lại quay đi bưng bàn cờ lên, xí trước quân đen, rồi bày quân cờ, nói: “Xin cậu hai thương tình nới tay cho một chút.” Hai người cùng cười.

Đến giữa chừng, Ngũ Thứ Hữu lấn thế. Mấy con cờ bên phải của Hà Quế Trụ bị Ngũ Thứ Hữu bao vây, nếu không chạy trốn thì sẽ bị ăn mất, nghĩ mãi một lúc lâu, cũng không tìm ra cách gì, đành phải thúc mũi nhọn lên đầu, Ngũ Thứ Hữu nói: “Chả lẽ định bỏ cả một mảng cờ sao?” Hà Quế Trụ xem lại rồi nói: “Cái góc này cậu hai không đoạt được đâu, phải chạy mấy quân này trước đã.” Bỗng nghe sau lưng có người nói: “Quế Trụ, góc này phải đi thêm một nước nữa, nếu không thì nguy rồi!”

Hai người say cờ, không biết có người đến từ bao giờ, giật mình ngước đầu nhìn, té ra Ngụy Đông Đình khoác áo dầu đứng sau lưng Quế Trụ. Quế Trụ vội đứng dậy nói: “Ngụy gia đến từ bao giờ vậy? Hai cậu mới là kỳ phùng địch thủ, tới đây, xin mời.” Ngũ Thứ Hữu cũng cười nói: “Bên ngoài trời mưa à, mau cởi áo dầu ra, ngồi xuống đây cho ấm.”

Ngụy Đông Đình cười khoát tay, cũng không cởi áo mưa, ngồi xuống một bên nói: “Bữa nay không có thời giờ chơi, người em này phụng lệnh gia chủ đến cùng Ngũ Tiên sinh bàn công việc.” Ngũ Thứ Hữu vẫn còn say cờ, cười nói: “Việc gì mà quan trọng vậy?”

Hà Quế Trụ thấy hai người có việc nghiêm trang, bèn đứng dậy, vái chào nói: “Hai vị nói chuyện, tôi đi kiếm nước trà.” Ngụy Đông Đình vội nói: “Không cần, anh cũng nên nghe đấy.”

Ngụy Đông Đình cẩn thận rút trong người ra một thệp giấy bìa xanh và nói: “Anh xem cái này!”

Ngũ Thứ Hữu liền nhận liếc đọc phía trên một hàng chữ tiểu khải Chung vương viết ngay ngắn: “Kính mời tiên sinh Ngũ Thứ Hữu đến bản phủ một lần cho thỏa lòng ngưỡng mộ.” Hàng phía dưới chữ cung khải nét nhỏ viết: “Tư thục đệ tử Sách Ngạch Đồ tang thứ”, còn có một hàng nói thêm: “Việc khác, người mang thiệp sẽ nói rõ thêm.”

Ngũ Thứ Hữu hơi bất ngờ và không hiểu ra việc gì vội hỏi: “Đây không phải là danh thiếp cũng không giống thiệp thăm hỏi, vả lại Sách Ngạch Đồ đại nhân là quan chức trọng yếu đương triều, kiểu thiệp này làm sao ta dám nhận! Xin hiền đệ nói rõ nguyên do.”

Ngụy Đông Đình nhìn bàn cờ, thong thả nói từng chữ từng câu: “Sự việc là thế này, Sách Ngạch Đồ đại nhân có người em nhỏ năm nay mười bốn tuổi. Thái phu nhân vô cùng yêu mến, muốn có một vị học rộng tài cao đến nhà dạy học.” Chàng ngẩng đầu nhìn Ngũ Thứ Hữu, nói tiếp: “Tiên sinh nhà dòng dõi thư hương nức tiếng xa gần, đại nhân đã muốn gặp mặt từ lâu. Nhưng sợ tiên sinh lượng cao chưa chắc đã hạ cố tới. Sách Ni lão Trung đường trước lúc lâm chung còn dặn tới dặn lui, nhất định phải mời thầy cao siêu cho Long Nhi, Sách Nhạch Đồ không dám trái mệnh cha, xô vải cư tang, mới sai em đến mời anh.” Nói xong bèn cúi chào “Đông Đình kính xin tiên sinh nể mặt em một lần.” Thái độ vô cùng khẩn thiết.

Ngũ Thứ Hữu nghe xong gật đầu cười nói: “Đã như vậy, cũng xem là có duyên số, không làm khó cho em.” Ngụy Đông Đình vội cười theo: “Quả là có duyên số, cậu học trò này, tiên sinh đã gặp mặt rồi đó.”

Ngũ Thứ Hữu ngước đầu suy nghĩ hồi lâu rồi lắc đầu: “Đã gặp rồi? Ta về kinh rất ít kết giao người ngoài. À, ta nhớ ra rồi, có phải Long Nhi lần trước em đưa tới đó đúng không?” Ngụy Đông Đình cười theo nói: “Đúng! Đúng là Long Nhi đó, Long Nhi gặp huynh về nhà quấy đòi Thái phu nhân sai người đến mời huynh. Nhưng lúc đó đang sắp tới kỳ thi nên không tiện mời – lần trước em nói với huynh chờ “cơ hội” chính là nói việc này đấy.”

Ngũ Thứ Hữu cười nói: “Long Nhi ta rất thích, tư chất đều tuyệt! Có anh tài mà bồi dưỡng cũng là việc đại khoái, có điều. – ông do dự một chút rồi nói tiếp – mới nhận được thư nhà, ông cụ tuổi cao, rất nhớ ta, vả lại ở kinh buồn bực quá, muốn về quê thăm.”

Không đợi Ngũ Thứ Hữu nói hết, Ngụy Đông Đình vội ngắt lời: “Lão Thái gia ở đó mọi việc đều yên ổn, em có mấy người bạn được sai việc đến quê huynh có thể nhờ họ đến thăm ông cụ trước, ông cụ nếu bằng lòng đến kinh chơi cũng hay!”

Hà Quế Trụ nghe thế xen vào nói: “Cậu hai đến phủ Phụ chính làm khách, Lão Thái gia nghe thấy cũng vui lòng. Đừng có như cậu Minh Châu bận đến nỗi không về nhà được, đừng nói cùng chúng tôi chơi cờ đánh song lục!” Ngụy Đông Đình cười nói: “Không phải anh ta coi nhẹ các anh, ngày hôm kia có gặp anh ta ở nhà Ô học sĩ, vẫn cứ than phiền xã giao quá nhiều, không có thì giờ về quán, chỉ sợ tiên sinh và ông chủ Hà trách anh ta thôi!” Nói đến đây chàng đứng dậy hỏi: “Tiên sinh, xe bên ngoài đã sẵn, nếu không có trở ngại gì chúng ta cùng đi, được không?”

Ngũ Thứ Hữu cũng đứng lên cười nói: “Nếu Sách Ngạch Đồ đại nhân có lòng yêu mến, ta có cung kính gì cũng không bằng tuân mệnh, xin mời!” Ngụy Đông Đình khoát tay: “Mời tiên sinh đi trước, bắt đầu từ bây giờ, em chỉ là người cùng học theo Long Nhi, anh là thầy học của em, đi đâu ngồi đâu không thể bằng vai bằng lứa nữa rồi.” Ngũ Thứ Hữu nghe nói vậy, bèn dừng chân nói: “Sao lại thế, nếu mà như vậy thà rằng ta và Long Nhi gọi nhau bằng anh em, khỏi phải chia danh phận thầy trò. Ta rất ghét kiểu lễ tiết phiền phức đó, trói buộc chết người, còn nói là lời dạy của Thánh nhân!”

Ngụy Đông Đình đang rầu vì lễ bái sư của Khang Hy, lo làm không tốt việc đó. Không ngờ Ngũ Thứ Hữu cởi mở rộng rãi như vậy, mừng vui khôn xiết, bèn tiếp thêm một câu: “Sách Ngạch Đồ đại nhân chưa chắc đã chịu cho đâu!” Ngũ Thứ Hữu thờ ơ nói: “Nửa thầy nửa bạn là tốt nhất. Ta sẽ tự nói với Sách đại nhân.”

Sách Ngạch Đồ ngồi đợi bên chiếc bàn tiệc linh đình mà trong lòng không yên, vừa sợ Ngụy Đông Đình làm không được việc, mời không được thầy, lại sợ thầy đến rồi thì nghi lễ thế nào, trong lòng cứ thấp thỏm.

Thái hoàng Thái hậu giao cho ông việc đó, khiến ông lo nghĩ không yên. Xưa nay, Hoàng đế ngồi trên cửu trùng, nhìn xuống trị vì thiên hạ, làm gì có chuyện Hoàng đế lén mời một anh Nho sinh áo vải làm thầy dạy? Nhưng nghe như Thái hoàng Thái hậu vô cùng kiên quyết. Bà nói: “Hoàng đế không còn nhỏ nữa rồi, không thể kéo dài việc này được, tên Tế Thế mà Ngao Bái mời dứt khoát không dùng được. Nàng Tô tuy tốt nhưng sách đọc có hạn, lại là một đứa con gái không lên mâm bát được. Đây cũng chỉ là một việc làm bất đắc dĩ mà thôi!”. – Việc này nếu lộ ra, Ngao Bái biết được, không biết sẽ ra sao? Mình mặc áo thêu rồng trắng, thuộc nhà quan quyền tôi tớ, vạn nhất có gì sai sót, thì phải tội gì đây, làm sao có thể giải thích việc này cho thiên hạ đời sau? Trước mắt có việc gai góc khó gỡ, đã là thầy trò thì phải làm lễ bái sư, mà Hoàng đế thì làm sao uốn gối quỳ được? – Việc này có làm được đi nữa thì cũng chưa chắc lưu danh hậu thế, chẳng qua chỉ yên được cái danh phận, còn như làm hỏng thì thanh danh và tính mạng cũng đi đời! Sách Ngạc Đồ nghĩ tới nghĩ lui, mặt lúc tím lúc tái. Khang Hy ngồi bên đoán biết tâm sự của ông, nên cười nói: “Chúng ta đã cùng nhau diễn màn kịch này thì phải diễn cho thật, diễn tồi Trẫm không chịu đâu. Khanh là anh, ta phải là em. Ta tuy là vua, nhưng ông ta là thầy! Đạo thầy trò tôn nghiêm, khanh nói đến cả điều này Trẫm cũng không biết sao?” Sách Ngạch Đồ cúi mình đáp: “Vâng ạ.”

Khang Hy lại hỏi: “Thư phòng ở chỗ nào?”

“Đặt trong hoa viên phía sau, rất yên tĩnh, vốn là Đức Thuận Trị tặng cho cha nô tài.” Sách Ngạch Đồ lại gập người đáp.

Khang Hy thấy ông ta không sửa được kiểu tấu bẩm, bất giác bật cười: “Trên đời này làm gì có chuyện anh xưng nô tài với em? Ta hiện nay là Long Nhi, đừng có gò bó quá, phải như lạy Phật, xem giống cái gì?” Sách Ngạch Đồ cũng cười: “Nhân vật chính chưa tới, nô tài không dám to gan hát trước.”

Vua tôi hai người đang nói chuyện, người ngoài cửa vào bẩm báo: “Chủ nhân, đại nhân, Ngụy đại nhân đã đưa Ngũ tiên sinh đến rồi.” Khang Hy vội đứng dậy cười nói: “Ta đi đón!” Sách Ngạch Đồ toát mồ hôi, chạy vội theo sau.

Ngụy Đông Đình và Ngũ Thứ Hữu dắt tay nhau cùng vào, vừa bước vào cửa trong, đã thấy Sách Ngạch Đồ và Long Nhi hai người nét mặt tươi cười chạy ra đón. Ngụy Đông Đình bước chậm lại, đi hơi chếch về phía sau Ngũ Thứ Hữu. Ngũ Thứ Hữu vội tiến lên một bước, vái dài sát đất, mồm nói: “Vãn sinh hân hạnh được Sách đại nhân để ý đến! Đã sớm nghe danh tiếng đại nhân như gió mát vào tai, nay mới được gặp, thật thỏa nỗi lòng!”

Sách đại nhân thấy Ngũ Thứ Hữu thần khí trong sáng, dáng điệu khoáng đạt, không chút phàm tục, vội bước lên nắm tay Ngũ Thứ Hữu nói: “Học sinh từ trước khi vào Quan Trung đã ngưỡng mộ tiên sinh, tài cao học rộng, may nhờ Ngụy Quân môn dẫn dắt nay được gặp, quả là cái may ba đời!” Vừa nói vừa nắm một tay Khang Hy cười nói: “Đây là xá đệ Long Nhi. Long Nhi, mau ra mắt lão sư!” Sự việc diễn ra đến lúc đó, Sách Ngạch Đồ cảm thấy nhẹ nhõm, bỗng có ý nghĩ muốn xem Khang Hy đối xử thế nào, có quỳ khúm núm trong trường hợp này.

Khang Hy lúc đó như biến thành một người khác hẳn, tỏ ra trẻ con và chân chất, nghịch ngợm đưa mắt nhìn Sách Ngạch Đồ, cười nói: “Thưa huynh, vị Ngũ tiên sinh này với chúng em đã quen biết từ lâu.” Sách Ngạch Đồ vờ tức giận mắng: “Sao không phép tắc gì thế? Tiên sinh bây giờ là thầy dạy, nên lễ phép mới phải, còn không làm lễ sao?” Khang Hy “vâng” một tiếng, bèn cúi xuống lạy, Ngũ Thứ Hữu vội kéo dậy, nói: “Ta có hẹn trước với Ngụy hiền đệ, thế huynh với ta chỉ gọi nhau là anh em, không dám nhận đại lễ, chẳng đã từng nghe Bài ca anh tôi của Tôn Hậu Chủ sao: “Trước với anh là xóm giềng, nay với anh là thần tử, xin dâng anh một ly rượu, cầu mong anh sống muôn năm!”

Nghe lời đó, Sách Ngạch Đồ, Khang Hy và cả Ngụy Đông Đình đều ngơ ngác, trở lại thực tại đều cảm thấy quá thân thiết, bất giác cùng cười ha hả. Ngụy Đông Đình trong lòng kinh dị: “Quả là chân mạng Thiên tử, quỷ khiến thần sai làm sao mà Ngũ tiên sinh nghĩ ra bài thơ đó!” Vừa cười vừa đưa Ngũ Thứ Hữu ra phòng sau.

Mọi người ngồi vào bàn tiệc, Khang Hy tự ngồi vào ghế cuối. Từ khi lên ngôi, trừ lúc ở chỗ Thái hoàng Thái hậu và Hoàng Thái hậu, vua chưa từng ngồi với ai bao giờ, hôm nay lại ngồi như vậy quả là trớ trêu. Ngũ Thứ Hữu thấy Ngụy Đông Đình một mực cung kính đứng hầu sau lưng Long Nhi, vội nhường nói: “Ngụy hiền đệ, sao lại không ngồi?” Sách Ngạch Đồ mỉm cười định trả lời, Long Nhi đã nói: “Ngũ tiên sinh đã bảo anh ngồi, thì cứ ngồi xuống đi. Chúng ta đều là bạn bè, nếu ngày nào cũng câu nệ như vậy, chẳng hóa ra phân cách lắm sao?” Ngụy Đông Đình không biết làm sao, đành chỉ nói: “Hôm nay tạm ngồi, sau này sẽ không phá lệ nữa.”

Thực ra, Thị vệ cận kề của Khang Hy, Ngụy Đông Đình tuy phẩm cấp cách biệt, nhưng thường ngày giao tiếp với Sách Ngạch Đồ chỉ phân trên dưới về chỗ ngồi, ngoài ra không có quy định gì cách biệt. Chỉ khó cho Khang Hy, không thể lâu dài gọi nhau bằng vai bằng lứa được, nên gọi tránh ra là “bạn cùng học”. Ngũ Thứ Hữu vốn xuất thân áo vải làm sao biết cái bí ẩn bên trong, nên cứ cho như vậy là phải.

Hàn huyên một hồi, Ngũ Thứ Hữu đi vào việc chính, bèn nói: “Lệnh đệ khoát đạt hơn người, khí sắc trong sáng, vốn chất người kiệt xuất, tất có thể bay cao trên đường danh vọng, cần gì tiểu đệ này phải ra tài mọn để dẫn dắt.” Sách Ngạch Đồ nói: “Xá đệ thừa hưởng âm đức tổ tiên, nhưng không có ý làm quan. Ý của Thái phu nhân là để em theo tiên sinh học kinh đọc sử, học thêm một ít thơ phú từ khúc để rèn đúc tính tình. Các thứ văn bát cổ khỏi phải học.”

Ngũ Thứ Hữu nghe đúng là mời thầy mà nói rõ không học theo thói thường, cảm thấy rất kỳ lạ, liền hỏi: “Âm đức tổ tông là một việc, tự lập công danh lại là một việc khác, đại nhân không thể không thận trọng.” Khang Hy tiếp lời: “Tôi không thích bát cổ, một bài văn nhào qua nhào lại cũng chỉ mấy điều, he nói ra là mấy trăm năm, chẳng có ích dụng gì, mà còn nói là thay thánh hiền lập ngôn!” Ngũ Thứ Hữu do dự một lát rồi đáp: “Những điều thế huynh nói đều đúng cả, có điều – Thiên tử không cùng một lòng vì người thế gian, văn bát cổ tuy không ích dụng với đời, nhưng có ích dụng lớn đối với Thiên tử đấy. Cho nên tuy là vô dụng nhưng không bỏ được.” Nghe thế, Khang Hy vội hỏi: “Vì sao vậy?” Ngũ Thư Hữu hớp một ngụm rượu, cười nói: “Thiên tử anh minh thời nào không muốn lung lạc kẻ sĩ trong thiên hạ?”

Quả là điều trước nay chưa nghe nói bao giờ! Một câu nói tùy tiện đã gây chấn động cực lớn trong lòng Khang Hy, khiến nhà vua biến sắc, bụng nghĩ: “Nàng Tô nói đúng, vị sư phụ này chỉ có thể mời kiểu này, sư phụ vào thư phòng quyết không dám giảng sách như vậy.” Sách Ngạch Đồ cũng ngạc nhiên, nhưng không lộ ra trên sắc mặt, ông cười nói: “Chúng ta hãy uống rượu, lung lạc không lung lạc, đó là việc của Thiên tử.” Khang Hy cũng cười nói: “Đúng, chúng ta quyết không học thứ văn bát cổ đó!”

Đang nói, một gái hầu mang trà đến, rót dâng từng người xong định lui xuống, Sách Ngạch Đồ gọi giật lại: “Uyển Nương, Thái phu nhân có nói từ hôm nay, ngươi cũng cùng học với Long Nhi. Mau lại đây ra mắt Ngũ tiên sinh.”

Nàng Tô đã đổi tên Uyển Nương vâng dạ, cúi sát đất vái chào rồi đứng thẳng nhìn Ngũ Thứ Hữu. Ngũ Thứ Hữu không chịu được ánh mắt nhìn thẳng của nàng bèn quay mặt mời Ngụy Đông Đình uống rượu. Uyển Nương cười rất tươi, vẫn không lui xuống mà tiến lên một bước nói: “Đã nghe Thái Lão gia và Lão gia nói từ trước Ngũ tiên sinh tài cao học rộng, tiếng nức khắp nam bắc đại giang, nô tỳ nghe người ta ra mấy câu đối, muốn thỉnh giáo tiên sinh nên đối thế nào?”

Ngũ Thứ Hữu không ngờ nàng nói đến việc đó, rất kinh ngạc, đặt đũa xuống bàn, cười nói: “Không dám nghe khen quá lời, xin mời.”

“Xin mạn phép,” Uyển Nương cười nói: “Trước tiên nói năm vị nữ giới xưa, xin đối bằng tên họ nam giới.” Thấy Ngũ Thứ Hữu mỉm cười gật đầu, Uyển Nương liền nói ngay: “Tiểu Thanh!”

“Thái Bạch.” Ngũ Thứ Hữu không cần suy nghĩ ứng khẩu cười nói ngay.

“Mạc Sầu!”

“Vô Cừu.”

“Phiếu Mẫu!”

“Quán Phu.”

“Văn Quân!”

“Võ Tử.”

“Tây Thi!

“Được! – Đông Dã”

Mọi người chưa kịp suy nghĩ, Ngũ Thứ Hữu đã xuất khẩu đối ngay khiến ai cũng phục tài lanh lẹ. Mọi người đang kinh ngạc. Uyển Nương đã chuyển đề tài, lại nói: “Vương Qua!”

Ngũ Thứ Hữu ngạc nhiên vội hỏi: “Đây là vị nữ nào?” Uyển Nương cười: “Năm vị nữ giới đã xong, bây giờ nói Vương Qua, nên đối thế nào?”

“Cái này khó đây.” Ngũ Thứ Hữu cúi đầu suy nghĩ một lát, do dự nói: “Đối thì có đấy chỉ sợ không cung kính – dùng “Hậu Tắc” được không?” Mọi người vỗ tay khen hay. Tiếng cười vừa dứt, Uyển Nương bỗng lên giọng ngâm: “Thanh thủy thanh, thủy thanh thanh, giang hà hành thổ, thanh thanh thanh thủy, thủy thanh thanh than.” Mọi người thấy vế đối ra khó đều chau mày suy nghĩ vế đối lại. Ngũ Thứ Hữu giật mình nghĩ trong bụng: “Thật ghê gớm!” rồi đứng lên bước đi hai bước, mấy lần mở mồm định nói nhưng thôi. Lúc đó mặt trời đã ngả về tây, trước nhà đã lỗ chỗ bóng râm đen, lặng yên không tiếng động.

Một hồi lâu, chàng nhíu mắt, ngẩng đầu đọc câu đối: “Minh nhật nguyệt, nhật nguyệt minh, nhật nguyệt kinh thiên, minh minh nhật nguyệt, nhật nguyệt minh minh. – Thế nào?”

Mọi người cười ồ lên. Cái khó đạt là chữ “Thanh” là tên nước, ở vế đối, chữ “Minh” đối lại cũng là tên nước, không chỉ sát đề, mà “Thanh Minh” còn ngụ ý lễ mừng Thần Thánh.

“Tiên sinh tài cao!” Uyển Nương cười nói: “Xin được hỏi, hiền tài như Mạnh Tử, vì sao các nước không dung nạp?” Mọi người thấy nàng lại hỏi, đều nín lặng chờ nghe.

Ngũ Thứ Hữu cười nói: “Mạnh Tử ở thời Chiến quốc ly loạn, vua các nước đều muốn thu lợi mà không biết ý nghĩa nên cái chí vì việc công của Phu Tử bị thui chột không vươn ra được. Đó là do thời, do mạng, do vận, do số vậy!”

Lời nói vừa dứt, Uyển Nương lại cười nói: “Tôi nghe người ta nói “Đồng tiến sĩ” là đối với đôi góa vợ có đúng không?”

Ngũ Thứ Hữu cười ha hả: “Sao lại gọi là đôi góa vợ? Đôi góa vợ xưa nay chỉ nghe nói một câu là “Khói khóa liễu bờ hồ”1 – “đồng tiến sĩ” có thể đối “như phu nhân”!” Bỗng nhớ đến Minh Châu cũng là đồng tiến sĩ, cảm thấy quá nghiệt ngã, liền ngưng lại không nói tiếp.

Nàng Tô vẫn chưa muốn thôi, lại nói: “Tiên sinh sức học uyên thâm, danh bất hư truyền! Xin dám hỏi, trong lời nói của thánh hiền thời xưa, ngài thích nhất câu nào?”

Ngũ Thứ Hữu nghĩ bụng, nếu không trêu một chút, sợ nàng ta còn đeo quấy riết, bèn cười nói: “Chỉ đàn bà và tiểu nhân khó dạy nhất vậy.”

Câu nói làm cho cả nhà cười rộ, Sách Ngạch Đồ cười sặc sụa, vừa ho vừa cười to tiếng. Khang Hy ôm bụng cười muốn đứt hơi. Ngụy Đông Đình khom lưng quỳ xuống đất mà cười. Nàng Tô mặt đỏ bừng, nói tiếng “Khâm phục”, rồi quay người lui ra, Ngũ Thứ Hữu bị nàng quây cho đổ mồ hôi hột.

Sách Ngạch Đồ vốn có chút không tự nhiên, bỗng gặp cảnh vui vẻ này, cảm thấy tấm lòng rộng mở ra nhiều, vội cười hỏi Ngũ Thứ Hữu: “Ả thị tỳ này cũng biết chút bút nghiên, Thái phu nhân rất sủng ái, chiều đến mức không còn phép tắc gì, khiến tiên sinh chê cười.”

Ngũ Thứ Hữu nhìn theo lưng nàng Tô, lắc đầu cười nói: “Tài học uyên thâm, rất là khâm phục, đâu có ý dám chê cười.” Thấy trên bàn có văn phòng tứ bảo, không ngăn nổi cảm hứng, bước lên, cầm lấy bút, chấm đẫm mực, viết lên một câu đối:

Ráng vốn linh hồn của mây

Ong là tinh thần của hoa

Nét bút chữ thảo như rồng bay phượng múa, linh hoạt phóng túng, mọi người đều không ngớt lời khen đẹp. Khang Hy bước lên trước ngắm nghía, cười nói: “Ta đem cho Thái phu nhân xem!” Nói xong, cẩn thận bóc tờ giấy lên, cùng Ngụy Đông Đình đi vào trong.