Khang Hy Đại Đế - TẬP 1 - Chương 10

10

Tô Trung đường tắm máu chợ Tây Thái

Ngũ Thứ Hữu nói chuyện động tới trời

Sắp tới hạ chí, trống mới điểm năm tiếng, Tử Cấm thành đã lờ mờ sáng. Tiểu Thái giám cầm đèn lần lượt đi thổi tắt các đèn lồng treo trước cung và trong ngõ Vĩnh Hạng. Thái giám gác đêm cũng nhân dịp vươn vai, ngáp dài trở về phòng đi ngủ. Hôm qua mở tiệc đãi Ngũ Thứ Hữu ở phủ Sách Ngạch Đồ, lòng Khang Hy rất sảng khoái, mới sáng sớm đã thức dậy đến ngự hoa viên luyện tập. Vua mặc áo bó thân dẫn theo Trương Vạn Cường, vừa ngoặt qua cửa đông điện Dưỡng Tâm, đã thấy nàng Tô từ phía trước đi lại, liền cười nói: “Khanh cũng có lúc bị đo ván nhỉ? Có còn dám coi thường kẻ sĩ trong thiên hạ không?” Nàng Tô vừa làm lễ chào, vừa cười nói: “Nô tài không phụng ý chỉ đâu dám tự tiện, thất bại cũng vui! Nô tì là nữ lưu, đương nhiên tu không thành phật, làm một Bồ tát cũng được rồi.” Khang Hy cười quay lại nói với Trương Vạn Cường: “Ngươi đi lấy ra đây cuộn giấy Ngũ tiên sinh viết hôm qua.”

Trương Vạn Cường “dạ” một tiếng, đã có tiểu Thái giám chạy đi lấy rồi. Nàng Tô không hiểu ý vua, khi mở cuộn giấy ra xem, thì là một câu đối, bỗng giật mình, chỉ yên lặng ngắm nhìn. Khang Hy đã dẫn người đi ra phía sau.

Nàng Tô đi qua ngõ Vĩnh Hạng, vừa ra khỏi cửa, thấy hai tiểu Thái giám đứng dựa vào chiếc vạc đồng vàng mười, thì thầm riêng tư. Lắng nghe, một tên nói: “Anh nhờ lão Triệu cầu xin Thất vương gia mở lượng khoan dung, bảo đảm cho em anh đến, là được rồi.”

“Chà!” một tên lắc mạnh cổ nói: “Thất vương gia kể chi, không ích gì!”

“Vậy việc này ai quản?” Tên này gõ nhẹ lên cái vạc: “Lão Triệu nói rồi, bảo tôi tìm Thị vệ Nạp Mô nói một tiếng...” Đang nói, ngước đầu nhìn thấy nàng Tô trước mặt, giật thót mình: “Ôi! Không thấy chị Tô ở đây, định hầu Hoàng thượng đi ra ngoài chăng?”

Nàng Tô cười nhạt nói: “Đừng hòng che mắt ta, tưởng ta không nghe thấy sao? Hãy thực tình nói hết ra thì tốt hơn đó.” Tiểu Thái giám biết nàng đã nghe thấy, vội cười theo nói “Thực ra thì chắc chị Tô đã biết rồi, Tô Trung đường làm hỏng việc, người anh của Hoàng Tứ Thôn cũng bị người ta bắt đi rồi, muốn nhờ Thị vệ Nạp Mô nói giúp xin cho.”

Nàng Tô giật mình, nhưng nét mặt vẫn bình thản, cười nói: “Ta tưởng là chuyện gì! Tô Khắc Tát Cáp đại nhân còn chưa bị cách chức, mắc vào tội gì vậy?”

Tiểu Thái giám vội nói: “Thế nào? Chị còn chưa biết sao, người ở bộ Hình, phủ Thuận Thiên đã đến tịch thu nhà Tô Khắc Tát Cáp đại nhân, nói là ông ta mưu phản...” Nói tới đây, thấy Hoàng Tứ Thôn đứng bên ra hiệu, bèn nín thinh không nói tiếp.

Nàng Tô mặt trắng bệch, cố gắng tự trấn tĩnh, miễn cưỡng cười nói: “Đó cũng là một việc lớn! Chốc nữa Thất vương gia đến tâu chuyện, xin nói giúp là được chứ gì.” Hoàng Tứ Thôn cười nói: “Bắt Tô Trung đường là theo lệnh Thất vương gia, ông còn chịu nói giúp sao?” Nàng Tô càng kinh hoàng, cũng không hơi nào hỏi nữa, bèn nói: “A Tam ở nhà bếp lớn không phải là con nuôi của Thị vệ Nạp Mô sao? Đi tìm ông ta nhờ xin giùm, chắc là được, các ngươi đi đi!” Rồi quay người chạy gấp đến Ngự Hoa viên.

Khang Hy không còn ở Ngự Hoa viên. Thái giám Trương Vạn Cường đang chỉ huy bọn tiểu Thái giám thu dọn các thứ đao kiếm và các hòn đá dùng luyện tập. Nàng Tô thở hổn hển hỏi: “Hoàng thượng đâu?” Trương Vạn Cường đáp: “Chị không biết sao? Vừa rồi người đưa tin tới nói Thất vương gia xin bàn công chuyện, Hoàng thượng bảo ông đến đợi ở cung Dục Khánh, rồi khởi giá đi ngay.”

Nghe nói đến cung Dục Khánh, nàng Tô cảm thấy bớt lo. Chỗ đó trước kia Oa Hách làm việc, nay Oa Hách không còn, nhưng vẫn nguyên bộ sậu người ngựa do Thị vệ Lang Thẩm cầm đầu; tạm thời điều Tôn Điện Thần phòng Kính sự đến tổng quản. Người này chỉ hơi nhát gan, nhưng rất trung thành, suy nghĩ một chập rồi hỏi “Thị vệ ai đi cùng?”

Trương Vạn Cường lắc đầu: “Đương nhiên là có trực ban, làm sao...”

Không đợi hắn nói hết, nàng Tô đã hoảng lên: “Đừng nói nữa! Mau sai người đi tìm Tiểu Ngụy bảo đến cung Dục Khánh ngay, ngươi cũng đừng chần chừ ở đây, mau – nói là phụng ý chỉ đến hầu giá, ta đến ngay cung Từ Ninh, đừng để sai sót nhé!”

Trương Vạn Cường chưa từng thấy nàng Tô nôn nóng như vậy nên cũng hoảng, vừa sai người đi tìm Ngụy Đông Đình, vừa nói: “Các ngươi thu dọn nhanh lên rồi đến đó.” Quay người hối hả chạy đến cung Dục Khánh.

Khang Hy múa một hiệp đao, đã thư giãn một chút, khoác lên mình chiếc áo dài the màu nâu đậm, liền khởi giá đến cung Dục Khánh. Mấy vị đại thần bộ Viện: Sách Ngạch Đồ, Hùng Tứ Lý, Thái Tất Đồ ... đứng thẳng ngoài điện đợi kiến giá, thấy vua đi tới liền quỳ cả xuống.

Khang Hy thoải mái bước lên bậc thềm, cười nhìn Sách Ngạch Đồ nhưng thấy Sách Ngạch Đồ nhìn mình khác thường, vua cảm thấy kinh ngạc, nhanh chân bước vào điện. Thấy Ngao Bái và Kiệt Thư cùng quỳ ngang hàng, có điều đáng ngờ, vua trù trừ chậm bước, định thần lại, coi như không có việc gì, ngồi vào chiếc ghế ngự ở giữa, cười nhạt hỏi: “Hai khanh bình thân đứng lên nói đi, chú bảy xin gặp có việc gì cần tâu?”

Kiệt Thư ngước đầu thấy ánh mắt sắc bén của Khang Hy, sợ quá lảng tránh, quỳ xuống cúi đầu tâu: “Vụ án Tô Khắc Tát Cáp xin giữ lăng tẩm, chúng nô tài đã xét qua, tấu xin Thánh thượng giáng chỉ.” Khang Hy liếc nhìn Ngao Bái, thấy hắn vẫn trang trọng đứng đó, miệng hơi nhếch cười, lòng thấy lạ, chậm rãi nói: “Sao lại “chúng nô tài”? Chẳng phải Trẫm chỉ giao cho khanh sao? Nhưng các khanh đã xét qua rồi, thì hãy đọc tấu chương cho Trẫm nghe.”

Kiệt Thư run run mở tờ tấu đọc lắp ba lắp bắp: “Nay phụng chỉ...” mới đọc nửa câu, Khang Hy khoát tay ngắt lời ông: “Lời Trẫm phê, không cần khanh đọc nữa, các khanh định xử lý Tô Khắc Tát Cáp thế nào?”

“Là ...” Kiệt Thư khấu đầu thưa: “Chúng nô tài suy đi nghĩ lại, Tô Khắc Tát Cáp vốn là Phụ chính đại thần, được Tiên đế ủy thác, không biết... báo đáp ơn trời, lại nói năng bừa bãi, khi miệt Thánh thượng ...”

“Chậm đã!” Khang Hy quát giọng run run, “Trẫm chưa nghe rõ, đọc to lên!” Vua vừa hoảng vừa giận, nghiến răng nói: “Tội to như vậy thì xử thế nào?”

Kiệt Thư thấy Khang Hy biến sắc, càng kinh hãi, quay nhìn Ngao Bái, thấy Ngao Bái cũng cười hì hì nhìn ông, mắt lóe lên ánh hung hãn, bất giác nghĩ lại việc chiếc ly bạc cao chân bị bẻ gãy, bèn gân cổ lên đọc tiếp: “Khi... khi miệt Thánh thượng, theo lý phải luận tội mưu phản, xử chết lăng... lăng trì, cả nhà chém hết...”

Trong khoảnh khắc, cung Dục Khánh to như vậy mà yên lặng như trong ngôi mộ cổ, chỉ nghe tiếng tích tắc đều đều phát ra từ chiếc đồng hồ Tây nạm vàng ở góc phòng. Đại thần các bộ Viên quỳ bên ngoài điện ngẩng mặt nhìn nhau, Sách Ngạch Đồ cố nén tình cảm, cẩn thận liếc nhìn nghe ngóng động tĩnh.

Khang Hy hai tay nắm lấy thành ghế, đổ mồ hôi hột, cố kìm không đập bàn quát mắng, chỉ lắp bắp hỏi: “Tô... Tô Khắc Tát Cáp xin đi giữ miếu Tiên đế, có điều lời lẽ hơi gay gắt, làm sao lại tính đến việc mưu phản? Hơn nữa, Trẫm giáng chỉ bảo khanh hỏi lại, làm sao lại định luôn tội danh?”

Kiệt Thư ở dưới liên tiếp khấu đầu, chỉ nói “Đó...”, không trả lời được.

Ngao Bái thấy vẻ khiếp nhược của vị Vương gia này, trong lòng thầm tức cười, cảm thấy đã đến lúc mình phải nói, thế là vung mạnh ống tay áo, kéo áo dài quỳ xuống, ngẩng đầu tâu: “Tô Khắc Tát Cáp phụ ơn ủy thác của Tiên đế, không tuân ý Hoàng thượng hiện thời, không khác gì mưu phản, xử phạt như vậy không có gì không thỏa đáng. Nô tài cho rằng những điều Nghị chính vương tâu lên đều là công minh chính trực!”

Hôm qua mở lớp, thiên đầu tiên Ngũ Thứ Hữu giảng là thiên Trung dung. Lúc này Khang Hy cười nhạt nói: “Xử người bằng cực hình, còn nói “công minh chính trực”. Khanh đọc sách của thánh hiền nào vậy? Trẫm rất muốn biết, Tô Khắc Tát Cáp với khanh có mối thù hận gì mà khanh quyết diệt trừ ông ta!”

Ngao Bái suy nghĩ một lát rồi lớn tiếng đáp: “Thần không có thù hận gì với Tô Khắc Tát Cáp, chỉ là xử lý theo phép công!”

“Quả là một tấm lòng trung!” Khang Hy cười nhạt nói. Ngao Bái cũng không khấu đầu, quỳ thẳng lưng chắp tay nói: “Hạng gian thần như Tô Khắc Tát Cáp nếu không xử nặng, sau này các quan đều có thể khi quân phạm thượng!”

Lời nói chưa dứt, nghe “bụp” một tiếng. Khang Hy đập tay lên long án, mắt như nẩy lửa: “Kẻ khi quân phạm thượng trước mắt không có hả? Trẫm thấy Tô Khắc Tát Cáp vẫn còn chút ngay thẳng thật thà!”

Ngao Bái cũng nổi giận, bụng nghĩ, hôm nay dù có nói cho đến khi trời tối cũng phải giết chết Tô Khắc Tát Cáp, nếu không cuộc lộn nhào này phải đeo đuổi đến cùng. Đang quỳ, hắn vùng đứng dậy, vén tay áo giơ nắm tay nói: “Có phải Hoàng thượng muốn nói thần khi quân?” Vừa nói vừa hung hăng áp sát chỗ vua ngồi.

Khang Hy bất giác ớn lạnh, Thị vệ Tôn Điện Thần cũng giật mình toát mồ hôi lạnh, bước lên một bước chặn ngang giữa Ngao Bái và Khang Hy. Hầu như cùng lúc này, Lang Thẩm cũng nhảy vọt ra.

Thị vệ Mục Lý Mã, Nạp Mô đứng hầu ngoài điện đã nghe hết đầu đuôi, hai người đưa mắt nhìn nhau, dao dắt thắt lưng nhảy vào cửa điện. Kiệt Thư quỳ dưới đất không nhận biết chúng bèn quát lên “Làm gì vậy? Lui ra!” Mục Lý Mã cười đáp: “Thị vệ cung Càn Thanh Mục Lý Mã, Nạp Mô vào hầu giá!” Vừa nói vừa nhảy ngay đến chỗ Khang Hy.

Khang Hy thấy hai Thị vệ nhảy vào, ban đầu thấy mừng, nhưng nghe nói là Mục Lý Mã, Nạp Mô, bỗng cảm thấy tình hình nghiêm trọng, mồ hôi lạnh toát ra trên trán, liền quát to: “Không cần chúng bay hầu giá, lui ra!” Kiệt Thư cũng đứng lên, mặt không còn chút máu, quát lên: “Bọn bay ở cung Càn Thanh, đây không có việc cho bọn bay, đi ra!”

Vua và Nghị chính vương đều lên tiếng, Mục Lý Mã, Nạp Mô trù trừ đành phải dừng bước, chờ xem ý của Ngao Bái. Đúng lúc đó, nghe tiếng Hùng Tứ Lý từ bên ngoài cao giọng tâu: “Khải tấu Hoàng thượng, Thị vệ Ngụy Đông Đình thỉnh kiến!”

Khang Hy bỗng phấn chấn tinh thần, nghiêm giọng ra lệnh: “Cho vào!” Lời chưa dứt, Ngụy Đông Đình mặt đầy mồ hôi, nhảy vào trong điện. Mục Lý Mã vừa thấy Ngụy Đông Đình, mắt liền bốc lửa, xoay người ngáng chặn, không biết Ngụy Đông Đình bằng cách nào đã nhanh chóng nhảy qua. Ngao Bái quay mặt lại nhìn, cười khanh khách hỏi: “Gặp Hoàng thượng có việc gì?”

Ngụy Đông Đình vờ như không nghe thấy, quỳ xuống nói với Khang Hy: “Muộn thế này không bãi triều, Thái hoàng Thái hậu, Hoàng Thái hậu sai nô tài đến xem có việc gì.” Khang Hy khoát tay nói: “Đã đến rồi thì đứng hầu đây, đợi lát nữa cùng về cung.”

Ngụy Đông Đình “dạ” một tiếng, rồi đứng lên, lúc đó mới nói với Ngao Bái: “Thưa Trung đường, phụng ý chỉ hai cung, tôi đến hầu Đức Vạn tuế.” Nói xong, đường hoàng bước qua cạnh Ngao Bái đi thẳng đến đứng bên trái Khang Hy, hai mắt long lanh nhìn khắp trong điện.

Khang Hy an tâm hơn, vốn muốn nhân cơ hội này giết chết Ngao Bái, nhưng thấy Mục Lý Mã, Nạp Mô lui ra hai bên rồi ỳ ra đó không chịu đi, mà còn mang dao bên hông, vua suy nghĩ rất lâu, cuối cùng cảm thấy thế lực quá mỏng, nếu thật sự ra tay thì được thua khó lường. Nhìn Ngao Bái, vẫn là khuôn mặt hung hãn, vua thở dài: “Đành phải lùi một bước!” Lòng nguội lạnh trở lại, lời nói cũng lưu loát hơn: “Không nên nông nổi như vậy, ý Trẫm muốn nói nếu Tô Khắc Tát Cáp có tội thì cũng không đến nỗi phải xử lăng trì!”

Lúc này, Ngao Bái cũng nhanh chóng đánh giá tình hình, trước mặt nếu ra tay giáo mác ở đây, không chắc giết được Khang Hy. Khoan nói Ngụy Đông Đình, chỉ mười mấy Thị vệ thân binh dưới quyền Tôn Điện Thần ở hiên trước bên ngoài, làm sao đối phó nổi? Huống hồ bên ngoài còn có Sách Ngạch Đồ, một trang võ tướng, bọn họ đâu chịu bó tay đứng nhìn? Đắn đo hồi lâu, ông nhìn tả hữu rồi trả lời: “Theo luật, Tô Khắc Tát Cáp bị tội lăng trì, nhưng Hoàng thượng đã thương tình thì giảm xuống, đổi thành chết chém!”

Khang Hy thấy lời Ngao Bái đã có ý hòa hoãn, ngầm thở phào: không có vấn đề gì lắm về an toàn bản thân. Nhưng nghĩ phải giết chết Tô Khắc Tát Cáp thì lòng không nỡ, chỉ ngồi thừ lặng im. Kiệt Thư quỳ bên cạnh biết rõ ngọn ngành nhất, biết rằng nếu không giết Tô Khắc Tát Cáp, tiếp tục dùng dằng không biết chừng sinh ra đại loạn, bèn khấu đầu thưa: “Theo ngu ý của thần, thì... cho thắt cổ vậy!”

Khang Hy giật mình, nghiến chặt hai hàm răng vẫn lặng im. Ngao Bái cười gằn: “Nể mặt Hoàng thượng và Điện hạ, cho ông ta được toàn thây!” Nói xong cũng không quỳ lạy, chỉ vái dài và nói: “Thần đi giám hình ngay!” Quay lại quát Mục Lý Mã, Nạp Mô: “Đồ khốn nhãi nhép! Đứng ở đây làm gì, không mau đi theo ta?” Liền quay gót dắt Mục Lý Mã nghênh ngang bước ra.

Nhìn bóng dáng Ngao Bái ngạo mạn đi xa, Khang Hy tức điên người, định đứng dậy đi ra, thấy Kiệt Thư quỳ mọp không dám động đậy, bèn bước chậm qua, lạnh lùng nói: “Thân vương Kiệt Thư, khanh ngước đầu lên!” Kiệt Thư hoảng sợ, ngước đầu lên, tránh ánh mắt nhìn thẳng của Khang Hy, mồm lắp bắp định nói gì nhưng không nói ra được. Lúc đó Khang Hy tức muốn đá chết tươi ông ta, nhưng nghĩ lại, thở dài, khoát tay nói: “Khanh ... quỳ yên!”

Năm Khang Hy thứ sáu, một ngày mùa hè trời oi bức. Mây sà sát mặt đất. Cành lá liễu bên bờ biển im lìm rủ xuống không động đậy. Người bán bánh kẹo trên đường phố cũng không còn rao với giọng thư thái kéo dài như mọi ngày mà uể oải gào “bánh nướng đây... kẹo vừng đây... ai mua quẩy mua bánh vừng không...”

Ngủ trưa dậy, thỉnh an Thái hậu xong, Khang Hy theo lệ cũ dẫn hai người là nàng Tô và Ngụy Đông Đình qua cầu nhỏ từ cửa Thần võ đi ra, lặng lẽ theo cửa Tây Trực sang bên phủ Sách đi học.

Người chuyên đón Khang Hy ở cánh cửa nhỏ nhà sau phủ Sách là gia nô hai đời ở nhà Sách Ngạch Đồ. Họ đã nghỉ hưu từ lâu, nhưng được sử dụng lại nhằm làm công việc đặc biệt này. Mấy người thị vệ mặc thường phục sống ở đây cũng lo việc, không kinh động đến những người khác trong phủ, vẫn có thể vào thẳng sân trong nhà sau.

Đây là vườn hoa sau rất to, có đến mười mấy mẫu đất. Mấy tòa nhà mát cao thấp khác nhau nằm khắp bốn bên hồ nước xen nhau chằng chịt, trong đó có chiếc cầu cong sát nước dẫn đến giữa hồ. Vòng qua các hòn non bộ tinh xảo khéo léo, lại qua một cầu đá khúc khuỷu thì đến thư phòng – Ngũ Thứ Hữu sống ở đây để dạy Khang Hy học.

Ba người đi tới cầu đã nghe tiếng đàn tình tang từ thư phòng vọng ra. Từng làn hương thoang thoảng bay ra từ cảnh non nước hữu tình này làm cho người ta có cảm giác như lạc vào cảnh tiên. Khang Hy dừng bước, ba người đứng trên cầu vịn vào lan can đá lắng nghe tiếng đàn.

Tiếng đàn khi nhanh khi chậm thôi thúc lòng người, không thể nói rõ ý vị gì trong đó. Có lúc làm người phiêu diêu lơ lửng, như bay vào tầng mây; có lúc canh cánh nỗi u buồn trĩu nặng lòng người; có lúc làm ta thanh thản như trút đi gánh nặng ưu sầu; dư vị ngâm vịnh triền miên, quét sạch khí đục trong lòng.

Ngụy Đông Đình nghe một hồi, bỗng chạm nhẹ tay áo Khang Hy, Khang Hy quay lại thấy anh đang nhìn nàng Tô mà cười. Thấy nàng Tô đờ đẫn như đang suy tư, Khang Hy hỏi nhỏ: “Uyển Nương, nàng đang nghĩ gì vậy?”

Nàng Tô bất chợt không biết trả lời sao cho phải, bèn chậm rãi cười mặt đỏ lên: “Nghe đàn thôi, có nghĩ gì đâu!”

Chưa bao giờ thấy nàng Tô như vậy, Khang Hy cảm thấy ngạc nhiên. Ngụy Đông Đình bên cạnh cười nói: “Long Nhi không nên hỏi, việc này có nói trong Kinh Thi, có cước chú hẳn hoi, nói là “Từng qua biển xanh khó thành nước, che khuất Vu Sơn không phải mây”. Chị nói có đúng không?” Nàng Tô đỏ mặt xì một tiếng: “Ngươi không phải là người tốt! Bày cho chủ nhân giễu cợt người, xem ta về không mách Tôn ma ma!”

Ngũ Thứ Hữu nghe có tiếng người xì xào ngoài cửa, liền ngưng đàn tắt hương, đứng dậy mở cửa sổ cười nói: “Hèn chi tiếng đàn khác lạ, dây chùng âm méo, té ra có người nghe lén, xin mời mau vào nhà!”

Khang Hy một chân bước vào nhà đã hỏi: “Tiên sinh vừa gảy khúc nhạc gì, em chưa được nghe tiếng đàn hay như vậy!” Ngũ Thứ Hữu cười đáp: “Có hay gì đâu, âm không buồn vui, người nghe có lòng, người gảy đâu có ý gì!” Nghe câu nói, ba người cùng cười, nhưng mỗi người bụng nghĩ khác nhau. Nhìn Long Nhi, Ngụy Đông Đình ngồi ngơ ngác lặng yên, Ngũ Thứ Hữu lại cảm thấy buồn cười, thu dọn đồ đạc trên bàn, rồi nói: “Tiếp theo, hôm nay giảng Hậu Hán thư. Bắt đầu từ Đế kỷ.”

Vậy là đã chính thức vào giờ học. Khang Hy ngồi ngay ngắn, nàng Tô lấy trên giá ra cuốn Hậu Hán thư mở ra trước mặt vua, và lấy cho Ngũ Thứ Hữu và Khang Hy mỗi người một ly trà lạnh, rồi cùng Ngụy Đông Đình, mỗi người ngồi chếch một bên Khang Hy.

Ngũ Thứ Hữu phân tích tóm tắt nguyên nhân suy vong của Tây Hán, cười nói: “Hán thư của họ Ban có thể dùng nhắm rượu, nhưng theo ngu ý, Hậu Hán thư của Phạm Hoa có không ít thiên, chương, lời hay tuyệt diệu, có thể lưu truyền mãi mãi. Chỉ đáng tiếc một điều, tổn hại nhiều đến thanh danh bản thân ông.” Khang Hy vội hỏi: “Văn chương thay đổi theo người theo việc hay sao?”

“Có đấy!” Ngũ Thứ Hữu đáp, “Đây là một chứng minh rõ ràng, họ Phạm thiệt thòi vì một chữ “kiêu”. Trên thư tín viết từ trong ngục gửi cho các cháu, ông ta khoe khoang Hậu Hán thư của mình là “tác phẩm kỳ diệu trong thiên hạ”, còn cao minh hơn cả Hán thư, nói văn chương hạng trung bình trong Hậu Hán thư cũng không kém Luận sang Tần của Giả Nghị, ngay cả bản thân ông cũng không tìm được từ ngữ thích hợp để hình dung quyển sách kỳ diệu của mình, sách sử từ xưa không có một bộ nào bì kịp Hậu Hán thư.”

“Các em nghe đây, ông ta khoác tác quá chừng!” Ngũ Thứ Hữu ngừng một lát rồi nói tiếp “Văn nhân thanh cao tự trọng vốn là tính tốt, nhưng nếu xem mình quá cao, thì trái lại trở thành tự cao tự đại, không biết điều, thì không tránh khỏi bị người đời sau chê cười, trong Hậu Hán thư không ít bài, chương rất nên đọc, nhưng bị người ta coi thường, cái gốc là ở đây, đây cũng chính là chỗ Phạm Hoa tự xóa bỏ mình.”

Giảng xong đoạn này coi như đã giới thiệu xong tác giả, tiếp đến kể qua các thế hệ đế kỷ, từng đời một đánh giá theo tiến trình lịch sử đều có xen vào cách nhìn riêng của mình. Giảng đến chỗ Chất Đế tám tuổi lên ngôi, trong mắt Khang Hy bỗng lóe lên ánh cười, hai tay chống gối, người chồm lên trước, hỏi: “Đó chẳng phải giống kiểu như Thánh thượng hiện nay sao?”

Ngụy Đông Đình biết được chuyện cũ này, rất muốn né tránh, liên tục đưa mắt ra hiệu Ngũ Thứ Hữu nói qua loa cho qua chuyện. Ngũ Thứ Hữu đâu có biết ý đó, nhắp giọng một hớp trà, nói tiếp: “Vị tiểu Hoàng đế này thông minh đĩnh ngộ hơn người, nếu trưởng thành lên, tất sẽ trở thành một đời Lãnh chúa …” Ngụy Đông Đình bước lại rót thêm trà cho thầy, cười nói: “Ngũ tiên sinh, có phải sau khi nói qua một lượt thì sẽ nói lại từng người từ đầu?” Nàng Tô đã sớm hiểu ra sự việc vội nói: “Tiểu Ngụy làm gì mờ ám vậy. Ngũ tiên sinh giảng sách sao dám nói leo vào, há chẳng nghe nói đi vào văn chương không kỵ húy đó sao?” Khang Hy cũng cười nói: “Đúng, đúng! Có sao đâu, Chất Đế là Chất Đế, đương kim Thánh thượng là đương kim Thánh thượng!” Ngụy Đông Đình chỉ biết đỏ mặt cười trừ, ngồi xuống nghe giảng.

Ngũ Thứ Hữu nói tiếp: “Đáng tiếc, vị Hoàng đế con này tài năng quá lộ liễu, chỉ mặt đại tướng quân Lương Ký mắng là “tướng quân ngang ngược” bị họ Lương căm hận tới xương tủy, ngầm bỏ thuốc độc vào bánh, cho ăn, chết không ở trong điện ...” Ông thở dài nói tiếp: “Quả thật là đáng tiếc!” Khang Hy nghe vậy, tim đập thình thịch, nhớ lại cảnh đối địch với Ngao Bái vừa rồi, cảm thấy hơi sợ.

Ngũ Thứ Hữu thấy chàng đực mặt không nói một lời, giống như người mất hồn, liền cười nói: “Chúng ta không nói chuyện này nữa, tiếp theo, nói chuyện Hoàn đế thôi.” Khang Hy vội nói: “Em còn muốn hỏi tiên sinh, tên Lương Ký ngang ngược như vậy, đã sát hại Chất Đế, vì sao không chiếm ngôi, tự mình làm vua?”

“Bởi vì lúc đó dư luận mới nổi lên.” Ngũ Thứ Hữu cười nói: “Miệng lưỡi thiên hạ lợi hại lắm. Lại thêm vận số Đông Hán chưa hết, tấm gương tày liếp của Vương Mãng còn đó, Lương Ký không thể không tính đến.”

Khang Hy không hiểu hai chữ “dư luận” liền hỏi: “Dư luận như thế nào?” Ngũ Thứ Hữu cười nói: “Hùng Đông Viên2 vạch tội Ngao Bái “Chính sự hỗn loạn, pháp chế chưa định”, bài Bàn về khoanh đất loạn nước của tôi là “dư luận” thời nay. Dư luận Hậu Hán đi theo tà đạo gọi là nói suông. Nhưng thời Chất Đế trong bá quan có rất nhiều kẻ sĩ không sợ chết, dám mạnh dạn trách cứ triều chính.”

Ngưng một lát, Khang Hy lại hỏi: “Luận về Chất Đế, muốn trừ Lương Ký, thượng sách là gì?”

Ngũ Thứ Hữu cũng ngạc nhiên nhìn Khang Hy, thấy kỳ lạ vì sao cậu ta đeo riết vấn đề này không buông tha. Suy nghĩ một hồi mới đáp: “Xét tình thế lúc đó, với cái ác của Lương Ký, bốn bên gặp địch, đã làm chúng dân căm giận, đánh mất nhân tâm. Nếu giấu tài đợi thời cơ, bên ngoài làm như ngu đần, bên trong chiêu tập dũng sĩ cảm tử, kết nạp hiền tài, gây dựng dư luận, một khi thời cơ đến, giết một Lương Ký, chỉ cần mấy dũng sĩ là được.” Khang Hy nghe nói, bất giác mỉm cười gật đầu.