Khang Hy Đại Đế - TẬP 1 - Chương 14

14

Sử Long Bưu hối hận quy phụ triều Thanh

Ban học sĩ lật ngửa bài ở phủ Ngao

Bọn Ngụy Đông Đình đi gấp nửa canh giờ mới dừng lại, xuống ngựa mở trói cho Hà Quế Trụ, cởi tháo miếng giẻ lau bàn trong mồm Hà Quế Trụ ra: “Ông chủ, lần này chùi sạch miệng rồi, mười năm không cần súc miệng...”

Hà Quế Trụ thở dài một tiếng, dậm chân trách móc: “Hay cho Ngụy gia, anh làm tôi sắp nghẹt thở, sao không tháo sớm cho tôi một chút?” Ngụy Đông Đình nói: “Anh mà kêu ra tên tôi thì chẳng là phiền phức lắm sao!” Nói xong cười ha hả.

Mục Tử Húc kinh ngạc hỏi: “Đại ca, đây là...?” Ngụy Đông Đình nói: “Đây là ông chủ quán Duyệt Bằng, họ Hà tên Quế Trụ, vốn định tới ăn quán ông ta, không ngờ đêm nay lại ăn của ta! Thôi, đi đến chỗ ta, chúng ta ăn cho thoải mái!”

Trở về nhà Ngụy Đông Đình ở cầu Hổ phường đã là canh tư. Hai người Sử Long Bưu và Minh Châu ai cũng có nỗi niềm riêng, cứ trằn trọc day trở trên giường không sao ngủ được. Ông lão gác cửa đã có tuổi, buồn ngủ quá sức, ngồi ngủ gục trên chiếc ghế dài. Đầy tớ trong nhà mở cửa cho Ngụy Đông Đình vào, không gây tiếng động lớn, cả đoàn người im lặng đi qua phòng khách vào sân sau, Minh Châu, Sử Long Bưu đã dậy đón. Ngụy Đông Đình dặn dò Mục Tử Húc: “Mấy anh em này ở nhà phía đông, chúng ta qua bên này, đêm nay không ngủ được rồi, mọi người uống rượu chơi nhé!” Và dẫn họ vào nhà phía tây.

Minh Châu thấy Ngụy Đông Đình mặc sắc phục võ quan Tam phẩm mới toanh, dưới ánh đèn sáng chói, liền nói một cách hâm mộ: “Ca ca một đêm thăng liền ba bậc, tiểu đệ xin chúc mừng.” Lúc đó mọi người mới nhìn thấy Ngụy Đông Đình đêm nay quân phục chỉnh tề rực rỡ – mũ to đính san hô đỏ, áo dài phía dưới thêu kim tuyến có sóng màu nước biển, phía sau áo khoác ngoài đeo một thanh kiếm dài tua bạc khảm ngọc, cả người trên dưới đều mới toanh, thật là oai vệ.

Ngụy Đông Đình để mọi người ngắm thấy xấu hổ bèn hai tay cởi kiếm ra nói: “Đây là Thánh thượng tự tay ban cho tiểu đệ, không dám hưởng một mình, các vị hãy xem đây.” “Lừa bướng” tính nóng liền bước lên định rút kiếm ra xem. Ngụy Đông Đình trịnh trọng nâng kiếm qua đầu, sau đó để lên bàn, lùi lại một bước, rồi cúi xuống vái một vái. Mọi người thấy chàng cung kính như vậy, cảm thấy rất kính phục.

Minh Châu bước lên nâng bảo kiếm ngắm nghía, rồi rút ra, vừa tuốt ra khỏi vỏ cảm thấy lạnh người, lắc một cái, chói sáng rực khắp cả phòng. Minh Châu thất kinh nói: “Đây chính là kiếm Thái Tổ đã mang, sao mà có duyên rơi vào tay ca ca? Quả thật là ngộ ơn đặc biệt!” Ngụy Đông Đình cố ghìm cơn xúc động, đem chuyện vua Khang Hy ban kiếm ở điện Văn Hoa kể tỉ mỉ cho mọi người nghe. Nói đến cuối, nước mắt trào ra: “Nay Thánh thượng ban kiếm cho ta, là mong ta lập công lao lớn. Thánh thượng xem ta như sĩ phu, ta phải báo đáp như sĩ phu. Ngụy Đông Đình dù tan xương nát thịt, thây phân trăm mảnh cũng phải báo đáp ơn tri ngộ!”

“Một tướng nên công, xương khô chất đống.” Sử Long Bưu thở dài nói có nhiều ẩn ý: “Những người cầu công danh các anh trong lòng xem ra không giống gì bá tánh.”

Mọi người đang chìm đắm trong tâm trạng thành khẩn, nghiêm trang, nghe được lời này vô cùng kinh ngạc. Ngụy Đông Đình nghĩ đây là dịp tốt nhất để dò xét Sử Long Bưu, liền cười nói: “Lão bá, ngài xem tôi là loại người thấy lợi quên nghĩa tình chăng?”

Tâm tình Sử Long Bưu cực kỳ phức tạp, ông bật lửa châm thuốc hút một hơi, hồi lâu than rằng: “Không thể nói như vậy. Người Mãn Châu vào Quan Trung hơn hai mươi năm rồi, cuộc sống bá tánh chưa thấy khá lên chút nào. Ở đây anh nói cảnh ngộ phi phàm của đại trượng phu, nhưng ở phía tây thành đầu người bêu giữa chợ, không ít kẻ bán vợ đợ con! Thật là thảm!”

“Điều lão bá nói là có thật,” lòng Ngụy Đông Đình nặng nề, nói: “Nhưng ai làm cho họ bỏ nhà xa quê lưu lạc tới bước này? Hoàng thượng năm nay còn chưa đầy mười lăm tuổi!”

Sử Long Bưu im tiếng. Ngụy Đông Đình biết mình đã điểm trúng huyệt, nói tiếp: “Từ năm Thuận Trị thứ tư khoanh đất đến Khang Hy mấy năm nay lại khoanh lại đổi, dân đen thiên hạ chết vì lạnh, đói không biết bao nhiêu, lão bá không nói tôi cũng biết. Năm ngoái tôi theo Hoàng thượng đi săn ở Mộc Lan, trên đường đi đã nhặt mấy chục xác người chết đói, Hoàng thượng buồn đến rơi lệ, lệnh cho nhặt chôn, nói: “Đều là do ta sai lầm gây nên...” Chàng liếc nhìn Sử Long Bưu nói tiếp: “Chúng tôi còn nhìn thấy một người cha và một bé gái, đứa bé đói đến nỗi mặt tái ngắt, trên đầu cắm cọng cỏ, thấy chúng tôi đến gần tưởng là chủ mua, vừa kinh vừa sợ, người run bắn rúc đầu vào lòng ông già khóc rưng rức “Cha ơi đừng bán con, con biết đan chiếu cỏ, biết nấu cơm, con xin cơm, làm cô dâu bé... đều được... cha ơi... cha không thương con sao?” Vừa khóc vừa kéo đánh ông già... Hoàng thượng lập tức lấy hai mươi lạng bạc thưởng cho họ, mà không dám nhìn họ... Đó còn nói Hoàng thượng không thương dân, không có tấm lòng nhân sao?”

Nghe tới đây, Sử Long Bưu nét mặt vẫn bình thản, một hồi sau mới hỏi: “Một mặt hạ chiếu cấm chỉ khoảnh đất đổi đất, một mặt triều thần lại khoanh nhiều, đổi nhiều, đó là nghĩa làm sao?”

“Đúng là như vậy.” Ngụy Đông Đình nói: “Đây chính là ý chỉ thực sự mà Hoàng thượng triệu tôi đêm nay, Hoàng thượng nói cứ nói, quan cứ làm theo lệ cũ, thiên hạ làm sao thái bình?”

Ngụy Đông Đình nhận ra đúng bản tính ngoài cứng trong mềm của Sử Long Bưu nên châm biếm không chút thương tình: “Lão bá nghĩa hiệp hơn người, ngang dọc giang hồ mấy chục năm, mang tên “La Hán sắt”, là hảo hớn tột bậc, xin tha lỗi cho thằng cháu mạo muội, không biết rốt cuộc lão bá đã cứu được mấy vạn người?”

Lời này nói ra quá nặng, mọi người đang lo Sử Long Bưu không chịu nổi, Ngụy Đông Đình lại cao giọng: “Đây không phải là chuyện giết mấy tên tham quan, cũng không phải là việc khôi phục lại nhà Minh. Hiện nay Hoàng thượng quyết chí đổi mới chính trị, vực dậy dân sinh mà trong thì có gian thần, ngoài thì phiên trấn hết sức cản trở, ngôi vua ngồi không vững, tính mạng cũng không bảo đảm...” Nói tới đây, Ngụy Đông Đình bỗng quay về phía Sử Long Bưu vái lạy, lên giọng hỏi: “Cứ như hoàn cảnh hiện nay của cháu đây mà xét, dám xin hỏi lão bá nên làm thế nào? Nên giúp Hoàng thượng? Hay là Ngao Bái? Ngô Tam Quế? Hoặc người nào khác?”

Sử Long Bưu thấy xấu hổ và cùng đường, vội hai tay đỡ Ngụy Đông Đình dậy: “Hiền điệt không cần nói nữa. Ta đã sống uổng phí năm mươi năm rồi, mà cũng không hiểu lẽ!” Ông đỏ mặt ngồi xuống thở dài: “Thực tình không dám giấu, ta và Giám Mai vào kinh tìm anh, vốn định gây dựng sự nghiệp khôi phục nhà Minh, bây giờ thì người và việc đều không nên. Giám Mai vào phủ Ngao làm nô tỳ, cũng thường gặp mặt ta... có điều...”

“Hả!” Minh Châu bỗng buột mồm kêu lên: “Tôi hiểu rồi, lão bá vào kinh chính là vì Vĩnh Lịch Nam Minh...”

“Im ngay!” Ngụy Động Đình quát nhỏ, “Đâu có, Vĩnh Lịch đã chết từ lâu rồi!” “Minh Châu nói không sai, anh cũng không nên che giấu.” Sử Long Bưu cười nói: “Nói khó nghe một tí, ông ta như một tên do thám, đêm nay nghe anh thuyết lý, ta mới hiểu ra, Vĩnh Lịch so với Khang Hy quả không bằng một con giun!”

“Chúng ta không nói chuyện ấy nữa.” Ngụy Đông Đình nói: “Lão bá phong độ hơn người, nếu gặp được minh chủ thì sự nghiệp còn dài!”

Mục Tử Húc, Tư Hách, “Lừa bướng” và Sử Long Bưu, mấy người xúm lại dưới ánh đèn ngắm kiếm, Minh Châu lòng vẫn rất kích động, bưng chén rượu lên, ngước đầu uống cạn, đi mấy bước, ngâm trong miệng:

Suối rồng một hội gió mây

Có thanh kiếm báu trong tay sáng ngời

Kiếm này chặt nước sông Trời

Đem dòng nước ngọt cho người trần gian.

Ngụy Đông Đình bất giác cười nói: “Người anh em chí khí lớn biết bao!”

Minh Châu đã ngà say, cười lớn nói: “Nếu nói về tài năng, tuy không bằng anh, nhưng cũng tạm được, chỉ phải trống không tấm lòng báo quốc. Thời chăng, mệnh chăng?” Cũng có hơi ngông, nước mắt tự nhiên chảy ra. Sử Long Bưu, Mục Tử Húc, Tư Hách cũng xúc động trước tâm tình này, họ lặng im không nói; “Lừa bướng” chỉ biết thừa gió bẻ măng, giết người đêm tối, chứ không hiểu được điều này, chỉ biết ngồi uống từng chén rượu to.

“Cần chi phải than bò trắng răng!” Ngụy Đông Đình bước lên vỗ nhẹ vai Minh Châu, cười nói: “Chú em, anh hùng tạo thời thế, sự việc do người làm mà!” Mọi người bỗng cảm thấy lời anh có khác, đều quay mặt nhìn anh, Ngụy Đông Đình ánh mắt sáng ngời mỉm cười không nói, Minh Châu ngơ ngác hỏi: “Thời thế nào?”

“Chư vị,” Ngụy Đông Đình thôi cười, vẻ mặt trang nghiêm nói: “Có muốn cùng Ngụy Đông Đình tôi lập công danh không?”

Mục Tử Húc cười nói: “Chạy về kinh chính là để nhờ vả đại ca, sao lại không chịu?”

“Như vậy thì được!” Ngụy Đông Đình nói: “Hoàng thượng lệnh cho tôi chọn những trang thanh niên có chí, cùng với Hoàng thượng luyện tập võ nghệ để ứng phó với chuyện bất trắc, các vị ngồi đây hôm nay nếu đồng lòng cùng làm việc này, chẳng sợ sau này không có dịp lập công!”

Ba người Mục Tử Húc lập tức vui vẻ nói: “Chúng tôi xin làm theo đại ca vậy!” Sử Long Bưu cũng nói: “Nếu dùng được thì tôi cũng xin góp một tay.” Riêng Minh Châu ngần ngừ nói: “Anh đây trói gà không nổi, làm sao theo được các em?”

“Việc của anh càng hay!” Ngụy Đông Đình nói: “Cùng Hoàng thượng học với Ngũ tiên sinh, tôi đi làm chuyện võ nghệ.” Minh Châu bỗng vui vẻ ra mặt, nói: “Sau này anh có chút tiến bộ nào cũng đều nhờ ơn tiến cử của người anh em!”

“Ông chủ,” thấy Hà Quế Trụ ngồi im lặng ở góc phòng, Ngụy Đông Đình cười nói: “Anh đang nghĩ gì vậy?”

Hà Quế Trụ buồn rầu đáp: “Chó cụp đuôi rồi, còn gì mà suy nghĩ?”

Ngụy Đông Đình cười nói: “Khẩu khí to thật, Khổng Phu Tử cũng đã từng làm chó nhà tang! Tôi chuẩn bị vốn cho ông chủ, anh và Sử lão bá mở lại việc buôn bán ở phía ngoài cửa Tây tiện không? Chỉ cần mọi việc phải nghe bác Sử và tôi điều khiển, đương nhiên cũng tạo dịp cho anh làm ăn kết quả!”

“Bạch Vân Quan?” Sử Long Bưu ngạc nhiên hỏi: “Chỗ đó đã bị Lý Tự Thành đốt phá tan tành rồi, mở quán ở đâu, trừ phi miếu hội có chuyện buôn bán gì phải làm?”

Ngụy Đông Đình cười: “Chúng ta chủ yếu buôn bán lớn, buôn bán nhỏ chỉ là tấm chắn thôi!”

Sắp xếp một hồi, mọi người đều vui cười hồ hởi, Hà Quế Trụ nói: “Tiếc là tiệc đã tàn rồi, chứ phía sau quán tôi có chôn mấy vò rượu đã hai mươi năm nay, nếu không thì đêm nay gặp may rồi.” Ngụy Đông Đình cười nói: “Anh cứ tưởng chỉ một mình anh có rượu ngon sao? Mời mọi người uống thử rượu lâu năm tôi chôn ở sân sau nhé!” Ông gác cửa đã bị mọi người ồn ào đánh thức, bước vào đứng hầu, Ngụy Đông Đình bảo: “Ông già, ông đưa mấy người này đi đào hai vò rượu, ở hai nhà đông tây mỗi nhà một vò!”

Lưu Kim Tiêu được cõng về phủ Ban, gặp lúc Ban Bố Nhĩ Thiện đưa tiễn Thái Tất Đồ, thấy hắn máu me đầm đìa, hoảng kinh muốn tỉnh rượu, liền hỏi: “Làm sao vậy?”

Nghe mấy tên thân binh tranh nhau kể chuyện Tuần phòng nha môn cướp người vô lý, hắn đâm ra ngần ngại. Tuần phòng nha môn chính do hắn hết sức lôi kéo kết nạp mấy ngày gần đây, làm sao không nể mặt? Thấy Lưu Kim Tiêu hình dạng thảm thương cũng không nỡ quở trách, bèn nói cho qua chuyện: “Cũng không trách được bọn bay. Kim Tiêu bị thương, xuống nhà sau nghỉ ngơi, đợi tìm ra thằng nhóc đó ta sẽ trị cho.”

Hắn suốt đêm không ngủ được, cứ day qua trở lại trên giường, cô vợ bé ngày thường cưng chiều nhất rỉ tai khuyên can: “Việc Ngao Trung đường, ông lo lắng nhiều như vậy có đáng không?” Hắn rối trí nói: “Những chuyện này, đàn bà đừng có xen vào!”

Không dè việc này đâm ra rắc rối. Hắn chỉ muốn bắt Hà Quế Trụ tra hỏi xong mới cùng Ngao Bái bàn phương cách. Ai ngờ ra quân đã bất lợi, buổi chiều chặn được tên tiến sĩ thối, bị một ông già cặn bã ngăn cản làm hỏng việc, buổi tối đi bắt Hà Quế Trụ, lại gặp chính bọn Tuần phòng nha môn cướp đi, coi như xúi quẩy tới cùng.

Tịch thu nhà Tô Khắc Tát Cáp, bất ngờ lấy được bài sách của Ngũ Thứ Hữu, theo địa chỉ tìm ra quán Duyệt Bằng. Ban Bố Nhĩ Thiện không tin một cử tử dám bạo gan như vậy, dám viết bài Bàn về khoanh đất loạn nước ngay ở giữa trường thi phủ Thuận Thiên! Không có ô dù mạnh làm sao hắn dám! Hơn nữa, Tô Khắc Tát Cáp chọn lấy về, càng chứng tỏ sự việc không đơn giản. Cho nên mấy ngày nay không ra tay bắt Ngũ Thứ Hữu, chỉ sai mật thám tới uống rượu thăm dò, theo dõi quán Duyệt Bằng. Chẳng bao lâu phát hiện ra Ngụy Đông Đình cũng là khách thường xuyên của quán. Hắn mừng thầm trong bụng xem ra cá lớn sắp cắn câu rồi. Ai hay chỉ trong mấy ngày chẳng những Ngụy Đông Đình không đến, ngay cả Ngũ Thứ Hữu cũng hạc vàng biệt tăm. Quả là kỳ quặc. Hắn có nước cờ của hắn. Hắn tự cho mình sáng suốt hơn Ngao Bái nhiều! Việc không kể to nhỏ, nhưng liên can tới cả bàn cờ, không làm sáng tỏ không được. Vào thế bí mới quyết định bắt Minh Châu, Hà Quế Trụ, mong tìm ra đầu mối. Nhưng hai việc liên tiếp xảy ra, làm hắn cảm thấy như có người khác đang cùng đánh cờ với hắn nhưng nước cờ nào cũng xuống tay trước. Thử hỏi làm sao lòng hắn không kinh hoàng?

Thực ra nghe cảnh ngộ của Lưu Kim Tiêu, bụng hắn không nghĩ là Tuần phòng nha môn cướp người, tên thị vệ trẻ tuổi như Ngụy Đông Đình, chỉ không đoán ra bọn lính gác tuần đêm này là người thế nào – quả là một mớ bòng bong, nhưng đã không nắm được chứng cứ thì làm gì được vị cận vệ cưng chiều của Hoàng thượng?

Trằn trọc suốt đêm, mãi mới đến trời sáng. Ban Bố Nhĩ Thiện thức dậy vội sai bảo: “Chuẩn bị kiệu, đến Tuần phòng nha môn!”

Đi tới giữa đường, Ban Bố Nhĩ Thiện suy đi tính lại, tốt hơn là không đi, chuyện lộ ra ngoài, ai ai cũng biết thì lập tức tin nhảm đồn ra khắp nơi, quả là không tốt chút nào trong tình hình hiện tại. Thế rồi, đằng hắng một tiếng, lại bảo: “Quay kiệu đến phủ Ngao!”

Ngao Bái ban đêm uống nhiều rượu vẫn còn ngủ say. Quản gia thấy Ban Bố Nhĩ Thiện là khách quen thường lui tới nên không bẩm báo Ngao Bái, mà trực tiếp dẫn khách đến Hạc Thọ đường, thư phòng của Ngao Bái ở sân sau, để khách ngồi uống trà, nói: “Đại nhân tạm ngồi, để nô tài đi bẩm với Ngao Trung đường đại nhân!”

Ban Bố Nhĩ Thiện tiện tay thưởng cho hắn một tờ ngân phiếu năm lạng bạc: “Thôi khỏi, ta cũng không có việc gì hệ trọng, để ta ngồi đây một lát chẳng sao.” Tên quản gia cảm ơn, dạ vâng lia lịa rồi lui ra.

Ngồi một lát, hút hết hai điếu thuốc cảm thấy chẳng ý vị gì, Ban Bố Nhĩ Thiện chậm rãi bước ra ngoài sân. Tòa Hạc Thọ đường nằm ở phía đông sảnh hoa, có nước có gió, một cái cầu hành lang quanh co uốn khúc bắc trên hồ nước chạy thẳng đến nhà thủy tạ bên kia bờ. Đang trong mùa nóng nực, trời không mưa, mặt trời như đổ lửa, lá sen xanh biếc, một cây liễu bờ bên rủ cành xuống nước. Đứng dưới cây nhìn mặt nước, lòng người thanh thản nhẹ nhõm. Đang muốn nghĩ câu thơ hay, bỗng nghe tiếng gì rả rích trong rặng liễu um tùm, nghe như tiếng hai tên a hoàn đang kháo chuyện.

“Chị biết không?” Một đứa nói: “Hôm qua chị Tố Thu khóc suốt đêm, sáng nay dậy mắt đỏ hoe. Nói chuyện với chị ấy câu được câu chăng, như người mất hồn vậy.”

Một đứa nói: “Thế có gì lạ đâu, Đức ông hà hiếp chị luôn, hôm qua lại uống rượu say... Chị Tố Thu hôm qua ngủ ở phòng Thái thái – lần trước nếu không có Thái thái bắt gặp ....”

“Đức ông cũng thật là... không phải tôi là nô tỳ nói vụng chủ sau lưng – quá háo sắc, tuổi cao như vậy rồi, tính tình gì lạ!”

“Chà?” Một đứa nói: “Mi là con nhóc, mới tí tuổi đầu, lo chuyện đó làm gì. Ôi, mi giữ cho chắc cọng cỏ của mi đi!”

Nguyên là hai đứa a hoàn đang chơi đấu cỏ gà. Ban Bố Nhĩ Thiện cười, đang định bước đi thì nghe đứa nói trước lại nói: “Em nói cho chị biết, hôm qua chắc là chị Tố Thu khóc vì chuyện khác, Đức ông mấy ngày nay đâu còn nghĩ tới chuyện đó, mấy vị đại nhân cả ngày cả đêm nhậu say mềm, nghe nói đâu như bàn bạc cái gì đại sự phải “tốn sức” đấy?”

Đứa kia cười ha ha nói: “Mặc họ tốn sức hay không tốn sức, việc gì đến bọn nô tỳ chúng mình – con nhóc hay trêu đùa như mi, dám giấu đi những con gà cỏ của ta!”

Ban Bố Nhĩ Thiện thấy ù ù trong đầu việc “phế lập” đã truyền đi từ miệng những tên nô tỳ! Ông ta bỗng rợn người “Hỏng! Ở đây lớn nhỏ ba bốn trăm người, truyền vào những mồm miệng này thì nguy hiểm biết bao!” Đang định rời bụi cây vào nhà hỏi cho ra nhẽ, hai đứa a hoàn nghe có tiếng người vội quăng các thứ gà cỏ chuồn đi mất tăm.

Ban Bố Nhĩ Thiện kinh ngạc, phía sau có tiếng cười: “Ngài Ban, hoa rơi nước chảy xuân đi mất! Bây giờ mặt trời như đổ lửa, lẽ nào ngài còn lòng nghĩ đến xuân!” Quay đầu nhìn lại thì ra Ngao Bái, phía sau có một a hoàn cầm dù che mát. Ban Bố Nhĩ Thiện cười nói: “Tuổi tác ngập đầu rồi còn nghĩ gì đến xuân nữa!”

Ngao Bái cười nói: “Cũng chưa chắc, già mà còn khỏe, huống chi ngài vẫn còn là tráng niên!” Rồi thuận tay dắt Ban Bố Nhĩ Thiện đi vào Hạc Thọ đường.

Hai người phân ngôi chủ khách ngồi xuống, Ngao Bái chau mày nói: “Hôm qua để các anh diễn màn binh hiến cầu cũ, đến bây giờ bụng vẫn phập phồng, bình tĩnh mà xét, quả là đáng sợ, cả đêm không ngủ được, trời sáng mới chợp mắt một lúc.”

Ban Bố Nhĩ Thiện nói nghiêm trang: “Trung đường! Đáng quyết mà không quyết, bị họa là cái chắc; trời cho mà không nhận, tội cũng phải gánh. Đều là những lời nói phải đổi bằng mạng sống! Tiến hay lui, ngài phải suy nghĩ kỹ lưỡng.” Ngao Bái cười khan một tiếng: “Việc đã đến bước này, coi như đã cưỡi trên lưng cọp rồi, có điều cũng không phải với Tiên đế. Họ Ái Tân Giác La đối với tôi không có điều gì xấu.”

“Trung đường vẫn là người có lòng nhân.” Nghe giọng điệu Ngao Bái dường như có ý nghi ngờ thiện chí của mình, Ban Bố Nhĩ Thiện cười nhạt, “Tôi cũng là Tôn thất! Theo lời Trung đường, cũng phải kiếm chút ân thưởng – việc thành rồi, mong Trung đường đừng đi tu, học theo các vua trước nay mà phải theo Tôn thất Ái Tân Giác La tới cùng, nếu không tất sinh nội loạn trong tộc Mãn, đưa đến bước cả hai đều thất bại. Bây giờ việc quan trọng trước tiên là cắt trừ vây cánh, giữ kín cơ mật chờ thời mà hành động.”

Ngao Bái cười ranh mãnh: “Hắn còn có vây cánh gì! Tô Khắc Tát Cáp mất đi, quyền quyết định ở trong tay tôi, còn gì phải lo lắng nữa?”

“Công khai thì không.” Ban Bố Nhĩ Thiện nói lạnh lùng. “Nhưng ngấm ngầm thì khó nói.”

Ngao Bái hơi nhỏm người lên, hỏi: “Ai?”

Ban Bố Nhĩ Thiện lắc đầu nói: “Hiện nay chưa biết nhưng có mấy việc làm người sinh nghi, ngu ý cho rằng ba người Mục Lý Mã nói thật đáng ngại.” Rồi kể lại đầu đuôi mấy việc mình sắp đặt đều thất bại cho Ngao Bái nghe.

Ngao Bái chăm chú lắng nghe, đối với những việc Ban Bố Nhĩ Thiện tự sắp đặt, trước kia ông cho là nhiều chuyện, bây giờ ông gật đầu khen hay: “Quả là ngài chu đáo quá! Xem ra trong ba người, họ Sách là chủ mưu. Hùng Tứ Lý chắc cũng có góp ý, mong mỏi ở Ngụy Đông Đình bảo giá cũng coi là tâm ý bọn giặc đó! Nhưng ngài nói ra, tôi cảm thấy có chỗ còn lưỡng lự, Lão Tam gần đây ăn nói hễ mở mồm ra là Khổng Mạnh, trích dẫn kinh điển, ngoài việc Hùng Tứ Lý thỉnh thoảng giảng cho chút đỉnh, Lão Tam thì không học ở trong cung. Kỳ quái là ở đó, lẽ nào người ta tự thông hiểu mà không cần thầy?”

Ban Bố Nhĩ Thiện không trả lời ngay, chỉ hơi nhắm mắt chìm vào suy tư sâu lắng, rất lâu mới nói: “Lẽ ra phải nghĩ tới sớm hơn, nhất định là như vậy!” Ngao Bái hút một hơi thuốc nói: “Xin nói rõ cho.” Ban Bố Nhĩ Thiện đang định trả lời thì thấy Tố Thu bưng vào một mâm đầy dưa hấu đã cắt thành miếng.

Ngao Bái nhìn Tố Thu cười nói: “Coi kiểu này đêm qua lại khóc rồi, ngươi yên tâm, ta đã sai người đi tìm cha ngươi rồi, để cho cha con ngươi đoàn viên là được chứ gì?” Tố Thu khoan thai đặt mâm dưa lên bàn nói: “Cảm ơn lão gia. Dưa này đã cho làm mát theo lời Thái thái dạy, Ban lão gia, xin mời.”

Giám Mai vừa đi khỏi. Ngao Bái liền hỏi: “Hồi nãy nói sao rồi nhỉ?” Ban Bố Nhĩ Thiện chú ý nhìn xung quanh không thấy ai, mới nói: “Ngu ý đoán mười phần chắc chắn là họ Ngũ vẫn chưa rời kinh thành.”

“Chắc là quá đa nghi thôi!” Ngao Bái cười nói: “Tên Ngũ Thứ Hữu này có mấy cái đầu mà dám ràng buộc với nơi này?”

Ban Bố Nhĩ Thiện nói: “Không phải vậy, trong người Hán có nhiều người cừ khôi, không như kiểu Ngô Tam Quế đâu.” Ngao Bái suy nghĩ một chút rồi hỏi: “Túc hạ cho rằng hắn bây giờ ở đâu?”

Đây chính là vấn đề Ban Bố Nhĩ Thiện vừa suy tư, ông liếc Ngao Bái một cái, nói rành rẽ từng chữ một: “Nhất định trốn trong phủ nhà đại thần nào đó, liên hệ với học thức lão Tam gần đây tiến bộ nhiều mà suy đoán, việc đó thật có ý nghĩa!”

Ngao Bái lắc đầu: “Không thể nói vậy được, lẽ nào đường đường Thiên tử lại chịu quỳ gối tôn một tên cử nhân làm thầy?” Ban Bố Nhĩ Thiện cười không ra tiếng, nói: “Cũng đành để đợi xem. Theo ngu ý, người có học vấn trong triều tuy nhiều, nhưng không phải người Trung đường coi không được thì lại lão Tam cũng không tin, nếu để ngài đóng cái đinh bên cạnh, thì chi bằng không cần sự phụ.”

Ngao Bái đập bàn nói: “Ta muốn cho hắn một sư phụ, hắn không dùng cũng phải dùng! Làm cái kiểu yêu này có ích lợi chó gì!”

“Không chỉ có lợi,” Ban Bố Nhĩ Thiện nói, “mà là tuyệt diệu! Hiện nay các đại thần Mãn Hán, không ít người cứ chống mắt mà nhìn trông chờ lão Tam, cho là vua thông minh đĩnh đạc, không học mà biết! Cho là vua thánh minh một thời, Trung đường chẳng trở thành gian thần lộng quyền, ngài nói việc này làm được hay không làm được?”

Để che giấu tâm trạng rối bời. Ngao Bái cầm miếng dưa cắn một miếng hỏi: “Theo ý ngài bây giờ làm thế nào?” Ban Bố Nhĩ Thiện nói: “Bây giờ thế lực lão Tam chưa có, chưa làm gì được Trung đường. Trung đường có thể giả vờ tôn vương, ngầm sắm sanh binh giáp, chờ thời hành động.” Ngao Bái lắc đầu nói: “Ngài biết chứ, việc này phải tốc quyết, sợ nhất là chậm, trì hoãn là có biến ngay!”

Ban Bố Nhĩ Thiện cười nói: “Thế địch ta bằng nhau hoặc địch mạnh ta yếu thì nên tốc quyết. Nay ta mạnh hơn mười lần, chỉ cần phòng bị một chút, không để mất thời cơ, hễ làm là thành, thì không sợ chậm. Trung đường nghĩ xem, nếu như lão Tam thực theo học Ngũ Thứ Hữu ở nhà một vị đại thần nào đó, tự cho là đắc sách, kỳ thực là thất bại to bằng trời! Vua mặc thường phục vi hành, áo long ngư trắng, có giết chết cũng dễ phi tang. Vua chết ở nhà kẻ thù ta, thì đó là cơ hội ngàn năm khó có!”

Ngao Bái vứt miếng dưa mới cắn một tí xuống đất, nói: “Hay, đúng là nhờ ngài!” Hắn mừng rỡ đứng dậy, tự nhiên cho tay nắm chuôi dao bên hông, mới nhớ ra là mình đang mặc thường phục, “Việc này thì ngài điều tra cho rõ ràng, đây là việc tốt, nhất cử lưỡng tiện.”

Ban Bố Nhĩ Thiện vội đứng dậy cười nói: “Kẻ bất tài này đã thọ ơn dưới trướng Trung đường các hạ, sao dám không tận lực?”

“Làm nên việc này.” Ngao Bái cười nói, “ngài có công khai quốc! Ngao Bái sao dám tiếc chức tước mà không báo đáp người có công!”