Khang Hy Đại Đế - TẬP 1 - Chương 15

15

Ngụy Đông Đình vào phủ gặp Đề Đài

Tô Mạn cô khéo léo khuyên thư sinh

Ngày thứ ba sau khi Thái hoàng Thái hậu mật bàn với Khang Hy. Ngụy Đông Đình phụng đặc chỉ, qua thiên lao thả Tra Y Hoàng. Cứ tưởng vị họ Hoàng này là một trang nam nhi cao to chọc trời khuấy đất, đến khi gặp mặt, bỗng thấy thất vọng lớn – thì ra là một ông già trên sáu mươi gầy gò, hai chòm râu trắng phân chia rành rẻ, trông rất buồn cười. Lại thêm áo quần bẩn thỉu không sửa soạn, ngoài việc được Ngô Lục Nhất chăm sóc, ăn uống trong tù đầy đủ nên khí sắc vẫn còn khá, quả thực không nhìn thấy chỗ nào xuất chúng cả.

Theo ý chỉ của Khang Hy, chàng yên lặng nhận người ra, thuê kiệu đưa thẳng tới phủ Đề đốc Cửu môn, người ở cửa liếc thấy chàng, bèn nói một cách ngạo mạn: “Đề Đài đang cùng chư tướng bàn việc tại phòng ký dấu ở nhà chính, xin nhị vị tôn giá hôm sau lại đến vậy.” Rồi ngồi xuống không thèm để ý.

Đã từng nghe tiếng người phủ Đề đốc Cửu môn quan cách ngông nghênh, nay mới gặp quả đúng như vậy! Ngụy Đông Đình không mặc quân phục, chỉ khoác quần áo thường phủ Nội Vụ trước kia nhưng ra vào nhiều lần qua các cửa nha môn mà chưa hề bị ngăn trở lần nào. Chàng suy nghĩ một chặp, nét mặt tươi cười, rút trong túi một đĩnh bạc đưa ra, nói: “Cảm phiền quan bẩm cho một tiếng, nói là Ngụy Đông Đình phủ Nội Vụ xin gặp.”

“Tôi đã biết anh ở phủ Nội Vụ rồi.” Người đó không nhận tiền, chỉ nhìn chàng cười: “Anh chắc lần đầu tới đây nhỉ? Nha môn chúng tôi không khoái món này! Quan Đề Đài ban thưởng nhiều, phạt cũng rất nặng, vì chút đĩnh bạc của anh mà bị đòn thì chẳng đáng!”

“Đừng bẩm nữa!” Ngụy Đông Đình còn định nói, Tra Y Hoàng bên cạnh đã lên tiếng, “Tôi tìm họ Ngô cũng không có chuyện gì, tôi cũng không tới chỗ ngài, trong kinh tôi vẫn còn bạn bè!” Nói xong định bước đi.

“Tra tiên sinh!” Ngụy Đông Đình đuổi theo mấy bước, cười nói: “Chấp gì bọn này, vào trong chúng ta nói sẽ được thôi, bây giờ về Tệ xá nghỉ tạm mấy ngày rồi sau sẽ tính vậy!”

Không dè tên lính gác nghe ba tiếng “Tra tiên sinh” liền nhảy lên như bị điện giật, vọt mấy bước chạy lại vái chào, rồi hỏi: “Ngài họ Tra? Lão gia Tra Y Hoàng là gì với ngài?” Tra Y Hoàng không trả lời. Ngụy Đông Đình vội lên tiếng: “Vị này là tiên sinh Tra Y Hoàng, vừa được đặc xá từ thiên lao về đây!”

“Hả!” Vừa nghe hết câu nói, tên gác thất kinh biến sắc, gục xuống lạy, “Con không biết, có mắt không thấy núi Thái Sơn, xin lão gia rộng lòng bao dung!” Hắn đứng lên chào lần nữa rồi chạy như bay vào bên trong. Ngụy Đông Đình giật mình kinh ngạc, đứng ngây ngó ông lão nhìn không ra gì này.

Một chốc, nghe ba tiếng pháo nổ, cửa phủ rộng mở, mấy chục tên thân binh xếp thành hai hàng dọc chạy nhanh ra. Ngụy Đông Đình trước nay có nghe tên “Ăn mày sắt” nhưng chưa hề thấy mặt, lúc này mới để ý ngước nhìn, thấy một người ở giữa, tướng lùn thấp, râu chữ bát, đã thay quân phục, chỉ còn mặc áo dài, thắt dây lưng đen vội vàng ra nghênh đón, phía sau có năm sáu tham tướng, phó tướng, người nào cũng mặt mày rạng rỡ – đó chính là Ngô Lục Nhất, con người kỳ dị “Ăn mày sắt” chấn động khắp kinh kỳ.

Ngô Lục Nhất tiến nhanh mấy bước, cúi người quỳ xuống, khóc gào lên: “Ân nhân! Ngài được ra tù bao giờ, sao không báo cho đệ một tiếng?”

Tra Y Hoàng vội hai tay đỡ dậy, cười nói: “Không phải đệ cứu cho, ta làm sao ra tù được, chính là người anh em này đón ta ra.”

Ngô Lục Nhất quay người vái chào Ngụy Đông Đình, nói: “Dám hỏi quý tánh, ở nha phủ nào?” Ngụy Đông Đình bối rối đáp lễ, cười nói: “Không dám, tôi họ Ngụy tên Đông Đình, tiểu tự là Hổ Thần!”

“Ngưỡng mộ đã từ lâu!” Ngô Lục Nhất cười nói: “Cận thần Thiên tử!” Nói xong nhường lối để hai người vào trong. Hai hàng lính từng người một đứng nghiêm thật ngay ngắn. Ngụy Đông Đình thì thầm nghĩ bụng: “Từ lâu đã nghe ngài “Ăn mày sắt” trị quân nghiêm ngặt, quả thật không sai, trước cung Càn Thanh chẳng qua cũng chỉ nghiêm túc như thế này.”

Vừa đến nhà sau, liền nghe bên trong có tiếng cười ha hả vọng ra, một người nói: “Đề Đài đại nhân hôm nay mừng quá trời, mà không có tôi ở bên!” Nói xong vái Tra, Ngụy mỗi người một cái. Ngụy Đông Đình vừa trả lễ vừa suy nghĩ: “Chúng quân sĩ nghiêm trang như vậy, người này là ai mà ngạo nghễ thế này?”

Đang định hỏi đã nghe Ngô Lục Nhất giới thiệu: “Đây là Hà tiên sinh, khách thân tình của bản phủ, tự là Chí Minh.”

“Đề Đài hằng ngày không yên lòng về Tra tiên sinh, hôm nay chúng ta cũng được một chầu thơm lây!” Hà Chí Minh cười nói, rồi sai bảo hai tên lính bên cạnh: “Nhanh nhanh bày rượu ra!”, tự nhiên như ông chủ, Ngụy Đông Đình nhìn thấy vô cùng kinh ngạc.

Anh đâu có biết, ông Ngô Lục Nhất này hàng ngày trị quân cực nghiêm, bộ hạ hơi vi phạm quân lệnh, không kể thân sơ tình nghĩa đều kéo ra đánh đến bất tỉnh. Ông phạt nặng, mà thưởng lại cao, có khi đến cả ngàn lạng bạc, cho nên mọi người sợ ông, tôn trọng ông, mà không rời được ông. Nhưng Ngô Lục Nhất lại rất khoan dung rất hậu hĩnh đối với văn nhân mặc khách, kính lễ như khách mời. Đang nuôi mười mấy vị cao thủ bút nghiên thay ông bày mưu kế thảo tấu chương. Hà Chí Minh là người đắc dụng nhất của ông, được đãi ngộ hơn cả một số phó tướng, việc này khỏi cần nói kỹ. Lập tức yến tiệc bày ra, Ngô Lục Nhất ép Tra Y Hoàng ngồi trên nhất, Hà Chí Minh, Ngụy Đông Đình một tả, một hữu cùng ngồi, tự ông ngồi ở hàng dưới, và thân hành cầm ly chúc rượu. Mấy bàn ở dưới là phó tướng, tham tướng, và một số khác ngồi theo thứ tự, kéo dài đến tận phía sân trước ngôi nhà.

Ngô Lục Nhất sắp xếp chỗ ngồi xong, tự rót một chén to rượu, phấn khởi mặt đỏ gay, nói dõng dạc: “Chư vị! Những người cùng tôi từ Tuần Châu tới đều biết, vị này là Tra tiên sinh, xin mời cạn hết ly, chúc tiên sinh vừa được tha trở về!”

Mọi người vội đứng lên giơ tay đồng thanh nói: “Xin mời Đề Đài! Xin mời Tra tiên sinh!” Ngô Lục Nhất rất ghét chuyện nửa vời, nên uống rượu là uống rượu, không người nào đám đứng ra nói câu khen tặng nịnh bợ.

“Tướng quân “Ăn mày sắt”” Rượu qua ba tuần, Ngụy Đông Đình cười nói: “Từ lâu ngưỡng mộ tướng quân anh hào cái thế, nay được gặp mặt, quả nhiên danh bất hư truyền, hào khí ít người bì kịp!”

“Ăn mày sắt” cười nói: “Có sá gì! Hồi đó ở Hải Ninh, mới lần đầu gặp Tra tiên sinh, tuyết to như nắm tay, thèm rượu như điên, uống liền hơn ba mươi âu vẫn chưa đã thèm, tiên sinh tiếp rượu bằng ly, đã say mèm từ sớm.” Tra Y Hoàng cười hỏi: “Bây giờ còn dám như vậy không?” “Ăn mày sắt” nói: “Cũng không bằng hồi đó rồi.” Nói xong hai người nhìn nhau cười, tình cảm vô cùng thắm thiết. Ngụy Đông Đình than thầm trong bụng: “Thế mới là bạn bè chứ!”

“Hổ Thần.” “Ăn mày sắt” thấy Ngụy Đông Đình như có chiều suy tư, cầm chén hỏi: “Kẻ bất tài này đã bảy lần dâng sớ, chỉ cần cứu một mạng Tra Tiên sinh, lần ân xá này chắc có Hổ Thần bảo đảm?”

“Đâu có, đây là ý chỉ của Thánh thượng.” Ngụy Đông Đình trả lời không chút do dự. Hà Chí Minh nghe xong, toàn thân rung động, liền bỏ đũa xuống. Ngụy Đông Đình thấy Tra Y Hoàng và “Ăn mày sắt” đều kinh ngạc, vội nói tiếp: “Cũng là từ mệnh của Thái hoàng Thái hậu. Thánh thượng biết rõ tướng quân trung nghĩa. Tra tiên sinh làm việc vô ý, không muốn vì việc Tra tiên sinh mà làm tướng quân thất vọng, đã bẩm riêng với Thái hoàng Thái hậu, mới đặc chỉ tha tội.” Mấy câu này âm thanh sâu nặng, làm cho quân tướng ai nấy đều ngẩn ngơ.

“Ăn mày sắt” bỗng chốc nét mặt có vẻ nghiêm trang. Tra Y Hoàng tựa như không để ý, tự tay rót rượu uống. Ngụy Đông Đình tiếp tục nói: “Thái hoàng Thái hậu từ tâm ân cần dạy bảo, nói vụ án họ Tra xử hơi nặng, nhưng lúc đó mới vào Quan Trung chưa bao lâu, lòng người chưa ổn định, nên phải xử nghiêm. Còn nay thiên hạ đã ổn định nên coi trọng nhân tài.” Tra Y Hoàng nghe tới đây, bất giác thở dài nói: “Biết ra thì đã muộn, người già, ngọc ố, còn dùng được việc gì?”

“Ăn mày sắt” thấy Tra Y Hoàng đau buồn liền an ủi: “Thánh minh trên cao, ngày mai tấu rõ rồi, xin phục lại công danh cho tiên sinh, có ý đồ tiến thủ cũng là phải đạo.”

“Không, không, không!” không đợi nói xong, Tra Y Hoàng vội chặn ngay: “Ở tạm đây mấy ngày, tôi cũng phải về Ninh Hải, cuối đời nhớ nhà, tôi quyết không làm quan nữa. “Ăn mày sắt”, ông trước nay vẫn hiểu ý tôi, không cần gì phải khách sáo.”

“Cũng được!” “Ăn mày sắt” cười nói: “Cung kính không bằng tuân lệnh. Chúng ta hôm nay uống cho đã rồi hãy hay!” Nói xong liền nâng ly chúc rượu: “Xin mời, mời! Lý Mã, Năm Hoàng các ông sao thế này?”

Đêm đó uống mãi tới canh hai mọi người mới ra về. Từ đó Ngụy Đông Đình kết bạn với “Ăn mày sắt” và Hà Chí Minh tính tình thông cảm, hiểu nhau. Thỉnh thoảng “Ăn mày sắt” đến chỗ ngụ cầu Hổ phường, mấy tháng sau, mặc nhiên gọi nhau là anh em rồi.

Lần trước, sau khi gặp riêng Ban Bố Nhĩ Thiện, Ngao Bái vô cùng thận trọng, đã giảm bớt tính khí ngang ngược. Tuy vẫn là ở nhà phát ra hiệu lệnh, nhưng đến cung Càn Thanh, công khai quỳ lễ các thứ đều làm cẩn thận, với Khang Hy cũng hòa dịu nhiều, hình như đổi ra một người khác. Khang Hy cũng cảm thấy tự tin hơn nhiều. Ngụy Đông Đình trình lên danh sách hơn hai mươi thiếu niên đã qua chọn lọc kỹ càng, đưa Khang Hy xem duyệt để đưa vào phục dịch ở cung Dục Khánh. Vua lơ đễnh xem, bật cười lên nói: “"Lừa bướng” đặt tên rõ hay!” Ngụy Đông Đình cười nói: “Đó là người anh em kết nghĩa của nô tài hồi ở Quan Đông, vốn họ Khương, tên Lập Tử, vì tính khí ngang bướng, tính tình thô lỗ nên mọi người đặt cho cái biệt hiệu “Lừa bướng”, anh ta nhận ngay.”

“Được!” Khang Hy cười nói: “Từ ngày mai, gọi ba người họ vào trước, số còn lại cứ cách mười ngày cho vào dần dần.” Ngụy Đông Đình nhân tiện hỏi: “Đã hai ngày không đi học rồi, Ngũ tiên sinh thật tình nhớ Thánh thượng đấy, hay là hôm nay ta đi cũng hay.” Khang Hy gật đầu cười: “Cũng được.”

Vừa quá trưa, Khang Hy thay một chiếc áo ngắn lụa xanh, không đội mũ, cưỡi chiếc xe ngựa nhỏ, đưa nàng Tô đi ngang qua vườn sau phủ Sách. Ngụy Đông Đình dẫn hai ba người đi tận phía sau, không thấy có gì khác thường.

Nghe thấy tiếng người vào sân, Ngũ Thứ Hữu vén rèm bước ra, cười nói: “Thế huynh, ba ngày không tới rồi nhỉ, ta rất nhớ em!” Khang Hy cười nói: “Học trò sao không muốn tới, chỉ vì khí trời nóng bức bà Thái tổ sợ bị cảm nắng, nói là bài thà bớt đi một chút, đừng để bị bệnh,” Ngũ Thứ Hữu cười mời chủ tớ họ cùng đi vào phòng.

“Mấy ngày nay tuy không tới” Khang Hy vừa ngồi vào chỗ liền nói: “Nhưng cũng đọc mấy quyển sách, ngay cả Xuân Thu, quả thật không hiểu gì cả, vì sao triều Chu loạn lạc tới mức không còn biết giải quyết cách nào nữa?”

Ngũ Thứ Hữu cười khoái trá: “Thế huynh không học thời văn, mà lại cứ truy tìm đạo đế vương, lẽ nào không đi con đường sĩ hoạn, lại có thể trở thành khanh tướng sao?” Khang Hy vui cười ha hả. Nàng Tô lấy khăn tay che miệng, cũng không nhịn được cười.

Khang Hy cầm lên cái chung trà sứ đời Tống ngắm nghía rồi hỏi: “Ta có chí làm khanh tướng, lẽ nào tiên sinh không có sao?”

“Tôi nghĩ không thành.” Ngũ Thứ Hữu vung quạt cười nói: “Học là một chuyện, làm lại là chuyện khác. Nếu như lùi lại hai mươi nhăm năm, vào lúc thiên hạ đại loạn, những ngày gió mây vần vũ, thì có thể vì Thiên tử thảo chiếu trên lưng ngựa. Nay thiên hạ yên ổn thái bình, người học trò mong đến Hàn Lâm thì cũng không dám nghĩ tiếp tới nữa.” Khang Hy liền hỏi: “Cứ văn chương đạo đức của tiên sinh, nghĩ như vậy không phải là quá xa đâu.”

“Vừa rồi thế huynh hỏi về nguyên do loạn lạc thời Xuân Thu,” ngừng một lát, Ngũ Thứ Hữu chuyển sang luận đề, “Trước nay người ta hiểu nhân, trí, mỗi người một khác. Theo tôi, cái gốc của loạn lạc là ở chỗ: Chính lệnh không do Thiên tử phát ra, chư hầu không tôn trọng triều Chu!”

Câu này đánh thẳng vào tâm trạng Khang Hy, trong lòng vừa bình tĩnh một chút, bỗng sóng gió lại nổi lên, vua gượng cười nói: “Bây giờ chính lệnh cũng không do Thiên tử phát ra, không phải rất tốt sao?” Ngũ Thứ Hữu cười nhạt nói: “Hiện nay, bề ngoài là thái bình, thực ra ẩn chứa điều lo lắng, nước ngờ vua nhỏ, nguy cơ rình rập bốn bên, trong có gian thần nắm quyền triều chính, ngoài thì phiên trấn nắm binh tự ý, làm sao nói được là “rất tốt”?”

Nghe những lời này mặt Khang Hy bỗng biến sắc. Nàng Tô vội vàng đánh trống lảng: “Nghe nói hiện nay Ngao Trung đường tu tỉnh nhiều rồi.” Ngũ Thứ Hữu quay nhìn nàng Tô, nói: “Tu tỉnh không tu tỉnh, không phải ở lời nói. Ngụy Trung phạm tội mài vảy rồng, Thái Tông lại không cho là gian vì biết ông ta không có ý riêng; Lô Khởi cung kính khiêm nhường, đời cho là gian thần. Vậy nên nhìn thế nào? Nay Xem Ngao Bái là trung thần hay gian nịnh, chỉ cần xem ông ta có giao quyền hay không giao quyền. Hoàng thượng thân nắm quyền đã hai năm, vì sao ông ta vẫn còn bao nắm triều chính, bàn đại sự việc nước việc quân lại ở nhà riêng? Việc như vậy người trung thần nên làm ư?”

Khang Hy càng nghe càng kinh hồn, không còn ngồi nổi nữa, định thần lại, cười nói: “Ta không làm khanh tướng, ngài chẳng qua muốn cái Hàn Lâm, chúng ta lo làm gì hắn trung thần hay gian thần!” Rồi đứng dậy kéo Ngụy Đông Đình nói: “Nóng quá, Uyển Nương hãy tiếp tiên sinh, ta cùng anh đi ra ngoài một lát rồi hãy trở lại.” Nói xong hai người cùng nhau bước ra.

Trong nhà chỉ còn lại nàng Tô và Ngũ Thứ Hữu, một người đứng một người ngồi, rất lâu không ai nói gì. Nàng Tô rót một chén trà, hai tay bưng cho Ngũ Thứ Hữu, Ngũ Thứ Hữu cẩn thận tiếp lấy nói: “Đa tạ.” Lại ngừng một lát, nàng Tô mới nói: “Cuộc thi mùa thu sắp đến, Ngũ Tiên sinh không đi thi chứ?” Ngũ Thứ Hữu lịm đi một hồi nữa rồi mới lắp bắp: “Song lạnh mười năm hỏi để làm gì? Phải đi chứ!”

Nàng Tô bèn ngồi xuống trước mặt, phe phẩy quạt lụa cười nói: “Tiên sinh có chịu nghe một lời khuyên của Uyển Nương chăng?”

Ngũ Thứ Hữu thấy Long Nhi và Tiểu Ngụy đi đã khá lâu, chỉ còn lại một mình Uyển Nương, trong lòng vốn cảm thấy không ổn; rồi thấy nàng thoải mái ngồi ở trước mặt, càng cảm thấy mất tự nhiên, mồ hôi chảy ra trên mặt. Nghe Uyển Nương nói vậy, mắt nhìn ra ngoài song cửa, đặt ly nước xuống bàn, nói: “Xin cứ nói!”

Nàng Tô thấy ông ta dáng vẻ đạo mạo, cảm thấy buồn cười, bèn đứng lên lấy ra một chiếc khăn lông nói: “Tôi khuyên tiên sinh đừng tham dự kỳ thi này.”

Ngũ Thứ Hữu vốn nghĩ rằng Uyển Nương sẽ khuyên mình ra sức đoạt công danh, thúc chàng đi thi, không hề ngờ nàng lại khuyên như thế, nên cảm thấy kỳ lạ, quay mặt nhìn nàng Tô, cười hỏi: “Vì sao vậy?”

Ngồi đối mặt nói chuyện riêng rẽ với một chàng trai trẻ, cho dù nàng là một cô gái tộc Mãn hiểu nhiều biết rộng, thông minh lanh lợi, thì cũng mới là lần đầu. Nàng Tô thấy chàng nhìn mình, bất giác đỏ mặt nóng tai, lấy hết dũng khí trả lời: “Hiện nay Ngao Bái nắm quyền, cái chí của tiên sinh khó mà thi thố, con đường của tiên sinh khó đi, không thi thì thôi, điều đáng sợ là có thể bị lâm vào vòng tù tội.”

Những lời này tình sâu lý thẳng, Ngũ Thứ Hữu bỗng biến sắc, một lát rồi cười nói: “Khoa trước sau khi thi, không có hậu họa gì đó sao!” Nàng Tô tiếp lời: “Lần trước còn có Tô Trung đường, lần này thì không có, khác nhau như vậy đó! Xin báo rõ cho tiên sinh biết một chuyện. Ngao Bái đang khắp nơi tìm kiếm ngài!” Ngũ Thứ Hữu kinh ngạc nói: “Làm sao nàng biết được việc đó?”

Nàng Tô ngớ ra, không kịp suy nghĩ đã nói: “Tôi chẳng qua nghe Sách Ngạch Đồ đại nhân chuyện phiếm với phu nhân nói vậy thôi.”

Câu nói này của nàng Tô có quá nhiều khe hở, Ngũ Thứ Hữu bất giác cũng ngớ ra “Sao nàng không nói: “Lão gia Thái thái của chúng tôi” mà dám coi thân phận ngang hàng, kêu tên húy của Sách Ngạch Đồ?” May mà chàng trước nay không coi nặng đối với những việc như vậy, suy nghĩ này lóe lên rồi tắt nhanh, không nghĩ gì sâu thêm. Anh cười nói: “Theo ý nàng thì mãi mãi không dự thi chăng?” Nàng Tô cũng cười nói: “Tiên sinh ngâm thơ, trong đó có mấy câu làm người ngẫm nghĩ nhiều nhất: “May nhờ trăng sáng bên Tây Giang, thường rọi buồm đơn lướt giữa dòng!” Chỉ cần chủ nhân tôi còn, sớm muộn nhất định có thể giúp ngài nên việc.”

“Ý nàng nói…” Ngũ Thứ Hữu càng nghe càng không hiểu nổi.

“Trước mắt không cần phải nói nhiều,” Nàng Tô che mồm cười: “Tiên sinh ngay thẳng chính trực, đương nhiên không chịu uốn mình cầu công danh, chúng tôi biết rõ bên trong làm sao ép buộc người ta trước khó khăn được?” Ngũ Thứ Hữu ngẫm nghĩ lại từng chữ từng chữ trong câu nói, sau mới vỡ lẽ, cười nói: “Theo nàng, đợi tên giặc già qua đời mới đi thi chắc.”

Hai người đang nói vui vẻ, bỗng nghe ngoài song có tiếng cười: “Cô nàng Uyển Nương quả rất tài tình, một đôi lời nói đã làm tỉnh ngộ kẻ si mê!” Nàng Tô đỏ mặt, ấp úng: “Anh Tiểu Ngụy quả là tay đùa dai! Trời nóng nực thế này anh đưa Long Nhi đi đâu vậy? Tôi mách lão Thái thái cho mà xem, coi chừng đấy!” Đang nói thì Khang Hy và Ngụy Đông Đình cười bước vào, Khang Hy cười nói: “Uyển Nương đừng nóng vội, cũng như tiên sinh không vội, đều cùng một đạo lý, chính ta để Tiểu Ngụy ở đây nghe lén đó.” Nàng Tô cúi đầu im lặng.

Ngũ Thứ Hữu bỗng nảy ra ý nghĩ, vị thiếu niên này dường như toát ra thứ khí chất gì đó không rõ ràng, trong cái thẳng thắn bộc trực có cái ung dung quý phái, làm người ta gần nhưng khó với tới. Ngồi ngay ngắn rồi, Khang Hy cười nói: “Vừa rồi ra ngoài đi mấy bước, mới biết sắp đến mùa thu, lá liễu trong vườn đã bắt đầu rụng, mấy ngày nữa, ta mời tiên sinh cùng đi dạo được không?” Ngũ Thứ Hữu chắp hai tay điệu bộ nói: “Kính xin tuân lệnh thế huynh!”

Khang Hy ngẩng đầu nhìn trời, đã sắp cuối giờ Mùi rồi, bèn cười với nàng Tô: “Uyển Nương, chúng ta cũng không thể lưu luyến mãi nơi này, phải nên đi rồi, để lão Thái thái khỏi mong rồi lại sai người tới thúc.” Ngụy Đông Đình không thôi cười, nàng Tô thẹn thùng cũng cười nói: “Ai lưu luyến nơi đây? Chủ nhân không bảo đi, nô tài dám đi sao?”