Khang Hy Đại Đế - TẬP 1 - Chương 19

19

Vua quan cùng đi thăm Bạch Vân Quan

Chủ tớ thi hành lệnh phá nhà mát

Khang Hy dẫn Ngụy Đông Đình và Ban Bố Nhĩ Thiện cưỡi ngựa đến phía ngoài cửa Tây Tiện, đã nhìn thấy Bạch Vân Quan ở phía xa xa, Ban Bố Nhĩ Thiện cười nói: “Vạn tuế, mới tới cuối giờ Dần, lại không gặp ngày hội hè gì, chủ tớ ba người chúng ta cùng phi ngựa nơi đồng không mông quạnh, người biết thì nói là đi du ngoạn, người không biết còn cho chúng ta là kẻ cướp đường đó!” Khang Hy gò cương ngựa, nhìn quanh bốn bên, quả thật hoang vu vắng lặng, vua cười nói: “Cướp đường với Thiên tử chỉ khác nhau gang tấc. Kiên trì vương đạo là Thiên tử, vào đường tà đạo thì là kẻ ngang ngược, bước vào đường làm giặc thì thành cướp đường.”

Ban Bố Nhĩ Thiện nghe nói ban đầu sững ra, sau đó cười ha hả: “Đường học vấn của Vạn tuế tinh thông, ý Thánh thượng minh mẫn nhạy bén, nô tài quả thật không dám so bì.”

Ngụy Đông Đình không chú ý lắng nghe hai câu nói vừa rồi của hắn, chỉ để ý động tĩnh chung quanh, nhìn thấy bọn Tư Hách, “Lừa bướng” ở xa xa đóng giả người nghèo cắt cỏ hái củi, tản mát trong các bụi lùm, biết là mọi việc sắp xếp ổn thỏa, liền cười theo nói: “Thưa Vạn tuế, phía trước kia là Bạch Vân Quan rồi.”

Khang Hy che mắt nhìn, đã thấy cửa quan đứng ẩn trong giữa đám cây. Anh nghiêng mình xuống ngựa nói: “Chúng ta không làm cướp đường, chỉ làm du khách thôi. Cưỡi ngựa vào miếu, xem ra không được cung kính.” Lúc đó mười mấy thị vệ giả trang đầy tớ theo hầu mang theo đồ ăn thức nhắm và dụng cụ mới đến kịp, ba người bèn giao dây cương cho thị vệ, bước vào cửa núi.

Bạch Vân Quan nằm phía ngoài cách cửa Tây Tiện ba bốn dặm hơn, vốn là “Cung tiên” do Khâu Xử Cơ, lãnh tụ phái toàn chân Đạo giáo lập ra để thờ tự giữa thời Kim Nguyên, là phủ Đệ một bên cung Trường Xuân thời Nguyên. Sau khi Khâu Xử Cơ viên tịch, đệ tử Y Chí Bình dẫn đầu các vị mũ vàng sửa phủ Đệ này thành cảnh quan, đặt tên “Bạch Vân” lấy ý đạo gia cưỡi hạc vàng bay lên mây trắng.

Đầu nhà Thanh đánh chiếm Bắc Kinh, gây đám cháy lớn ngoài cửa Tây Tiện, hàng trăm cung điện, sảnh đường và mấy nghìn nhà ở của dân bị lửa thiêu trụi. Trong viện, hàng đống gạch ngói ngổn ngang, từng đám cỏ dại cao đến sáu bảy thước hiện ra vẻ hoang tàn vắng lặng. Chỉ còn lại điện thờ trơ trụi và tượng đất ở hành lang phía đông gây cho người cảm giác thần bí cao siêu khó lường, theo câu chuyện Tây sương ký những tượng đất đã hấp dẫn du khách và khách hành hương.

Ban Bố Nhĩ Thiện nhìn ra bốn bên, dân cư thưa thớt, trong lòng tự nghĩ: Ngoài thành Bắc Kinh có khoảng chục đền miếu, chùa chiền danh tiếng thì cảnh quan Bạch Vân này đổ nát hư hỏng nhiều nhất, chọn một nơi như thế này để du ngoạn thật là đầu óc không bình thường. Hôm qua, Ngụy Đông Đình tới truyền chỉ, ông đã đoán đúng suy tư của Khang Hy, ông còn muốn biết, tên vua trẻ con này đối đãi với mình thế nào – đang nghĩ sững sờ, thấy Khang Hy đã vào trong cửa núi, đứng bên chiếc đỉnh hương quan sát, liền vội tới đó, nói: “Câu đối trên cửa vào núi rất hay: Kính trời yêu dân nhằm trị nước, Kiệm cần trong sạch để tu thân. Nét bút của Chính Đức, Hoàng đế Tiền Minh tỏ ra cốt cách tuyệt vời.”

Khang Hy không trả lời, mà chỉ hứng thú quan sát cẩn thận chiếc đỉnh cao hơn sáu thước.

Cũng có một đoạn truyền thuyết về chiếc đỉnh trầm này. Tương truyền những năm hương lửa còn thịnh, mỗi ngày chỉ cần đạo đồng sáng dậy đốt hương nhóm lửa, không cần dùng sức người, chỉ trong khoảnh khắc cửa núi liền tự mở ra. Đến đêm, tưới nước vào trong đỉnh, cửa núi liền tự đóng lại. Thực ra, ngay cả tiểu đạo sĩ cũng không biết đỉnh hương với cửa núi có liên quan thế nào. Người ta đồn đại mãi tin nhảm, rồi tin là đạo sĩ Bạch Vân nắm được tín hiệu trời đất, những miếu đình này do thần sai làm. Do vậy miếu tuy hoang phế, cái đỉnh dát vàng này ngay cả người tham lam cũng không dám mảy may động đến.

Khang Hy lấy tay gõ vào đỉnh cười nói: “Đáng tiếc không mời Ngao Trung đường cùng tới, ông ta có sức bạt núi dời đỉnh. Khanh nói thử xem, ông ta dời được cái đỉnh này không?” Nói xong liếc nhìn Ban Bố Nhĩ Thiện.

Câu hỏi này quá lộ liễu. Số là từ khi ông Vũ chế cho chín châu mỗi châu một cái đỉnh tới nay, hỏi đỉnh là ý nói muốn đoạt nước. Châu Tuyên Vương năm thứ ba, Sở Tử giúp Thiên tử đánh Lục Hỗn, sau khi đánh thắng, duyệt binh gần thành Lạc Dương, Sở Tử bèn nhân dịp gạn hỏi Vương Tử Mãn cửu đỉnh trong Thái miếu to nhỏ nặng nhẹ ra sao, ý muốn xâm chiếm. Giờ đây, Khang Hy dẫn ra điển tích này với ý định rung cây dọa khỉ, Ban Bố Nhĩ Thiện không sách nào không đọc, làm sao không biết điển tích này? Chỉ vì thấy khó ứng đối nên ngần ngừ một lúc, rồi gượng cười đáp: “Cái đỉnh này e có đến hai ngàn cân, Ngao Trung đường đến chưa chắc động tới nó được.”

“Vô lượng thọ Phật!” Lúc ba người đang xem đỉnh, một đạo sĩ già hơn năm mươi tuổi từ sau một phòng xếp phía đông điện Thái cực bước ra, chắp tay nói: “Các cư sĩ từ xa tới: Hiếm có những lòng thành như vậy, lại đến sớm thế này, quang cảnh phía trước đã hoang tàn, nhưng phía sau vẫn còn sạch sẽ, xin mời vào dùng trà!” Ba người vội quay lại đáp lễ, Ngụy Đông Đình nói: “Đạo trưởng xin cứ tự nhiên. Chúng tôi chiêm ngưỡng ở phía trước một lát, chốc nữa sẽ ra phía sau!”

“Đó là đòi hóa duyên với chúng ta đấy.” Ngụy Đông Đình thấy ông già đi rồi, cười nói: “Trừ ngày rằm, mồng một hàng tháng lễ chùa, có thu được chút ít tiền hương khói, chứ ngày thường hiếm khi có khách hành hương. Thấy mấy người chúng ta tới, các vị lại ăn mặc có vẻ giàu sang, các ông ấy làm sao dễ dàng bỏ qua được!”

Khang Hy vỗ tay vào người, cười nói: “Không may rồi, hôm nay đúng lúc không mang tiền theo!” Ban Bố Nhĩ Thiện vội rút trong tay áo ra một đĩnh bạc năm mươi lạng, cười nói: “Nô tài không dám so với đức Vạn tuế, đi tới đâu cũng phải mang theo một ít bạc.”

“Đáng tiếc là nhiều quá.” Ngụy Đông Đình nói, “Một lạng bạc có thể mua một trăm ba mươi cân gạo cực trắng, cho nhiều quá, lại làm người ta nghi ngờ.” Nói xong nhận bạc cầm trong tay, hai nắm tay chập lại, nghe tiếng “rắc”, miếng bạc vỡ làm đôi, trả mảnh to lại cho Ban Bố Nhĩ Thiện, cầm nhấc thử mảnh nhỏ nói: “E có đến hai mươi lạng, vậy cũng đáng là khách hành hương sộp lắm rồi,” Ban Bố Nhĩ Thiện thấy công phu anh đến mức đó, trong bụng bỗng cảm thấy sợ, bèn tăng thêm mấy phần đồ cúng thiền, miệng cười nói: “Chiêu này của Hổ Thần, nếu không có sức ngàn cân, thì không làm nổi, có điều đây không phải so đọ giàu sang, cần gì phải làm như vậy.”

Bữa nay, Khang Hy mời Ban Bố Nhĩ Thiện tới đây là để xem xét ông ta, – ông ta rốt cuộc là huynh trưởng của mình, mong ông ta biết hối cải. Ở cái nơi không người đặt chân tới này, nếu không thể tình anh em, cùng nhau hòa hợp thì thôi. Ai ngờ tên Ban Bố Nhĩ Thiện này chỉ giả ngây giả điếc, thì cảm thấy vấn đề không đơn giản, bất giác trong lòng có chút phiền muộn, liền nói: “Cái đỉnh ở đây xem rồi, ở dưới hành lang bên kia có những tượng đất nặn chuyện chín chín tám mốt tai nạn trong chuyến đi thỉnh kinh, hơn một nửa hỏng rồi, số còn lại không biết thế nào, chi bằng đi coi xem sao.”

Ban Bố Nhĩ Thiện xem mặt bắt lời, đã biết ý đồ của Khang Hy, cười thầm trong bụng. Vừa định nói thì thấy một tiểu đạo sĩ đi tới, tay bưng một khay trà có vải vàng đậy lên trên, ba chén trên đang còn bốc hơi, liền cười nói: “Hổ Thần, ứng với lời anh nói rồi, mau đưa bạc ra đi!” Rồi cùng Khang Hy đi tới hành lang phía đông xem công chuyện.

Còn Ngụy Đông Đình ở đó, đặt bạc trên khay trà, cười nói: “Tiểu Tiên trưởng, trà chúng tôi không uống, thầy mang lấy số bạc này đi!” Nói xong định đi tới chỗ Khang Hy, thì thấy Ngũ Thứ Hữu vén vạt trước áo dài hào hứng bước lên bậc thềm, đi qua đi lại trước cái đỉnh dát vàng nhìn ngắm kỹ lưỡng. Nàng Tô theo sát phía sau, thần sắc có vẻ bất thường, nhìn ra bốn phía. Ngụy Đông Đình giật mình, quay đầu nhìn thấy Khang Hy và Ban Bố Nhĩ Thiện đang bình phẩm từng pho tượng đất, liền lẳng lặng lui ra. Nàng Tô cũng đã sớm nhìn thấy anh, bỏ Ngũ Thứ Hữu ở đó làm ra vẻ như tình cờ xáp lại gần.

“Bà cô của tôi ơi!” Hai người rẽ ra sau bức tường đổ hành lang phía tây, Ngụy Đông Đình trách nhỏ, nói: “Làm việc gì ở đây vậy? Chúng tôi đang phải ứng phó với một tay hỗn thế ma vương, chị lại đưa tới một Thái Bạch Kim tinh nữa. Làm sao bây giờ?”

“Anh còn nói vậy sao?” Nàng Tô nói: “Người phủ Sách đều điều hết ra quan phòng gần đây, sắp hết người rồi. Ông ta mà đến, tôi biết nói với tư cách gì, để ngăn chặn họ? Hãy mau tìm cách gì, chứ đừng trách móc nữa!”

Ngụy Đông Đình nhíu đôi mày, một lúc mới nói: “Đã đến rồi, thì yên vị, trốn tránh mãi không phải là cách hay, cứ dứt khoát gặp ông ta cũng chẳng sao.” Nàng Tô nói: “Chỉ sợ ông ngốc đó mở miệng nói “Long Nhi” thì làm sao?” Ngụy Đông Đình cười nói: “Có nói ra cũng không sao, chị đừng nói gì, lanh trí một chút, nhìn ánh mắt tôi mà hành sự.”

Nói xong Ngụy Đông Đình liền bỏ đi, từ xa đã nghe Khang Hy vừa nói vừa cười: “Ông Khâu Xử Cơ này vô sự sinh buồn, Đạo nhân mũi bò khoác lác là Hòa thượng, viết ra quyển Lấy kinh trời tây, người đời sau cứ thế làm ra một câu chuyện, không đâu ra đâu đưa vào Tam thanh Đạo trường.” Ban Bố Nhĩ Thiện cười nói: “Đúng vậy, cảnh quan này sau có trùng tu thì tốt nhất đừng đưa vào những câu chuyện này.” Nghe tới đây, Ngụy Đông Đình liền chêm vào: “Nói tới Tây du, thần còn nghe một câu chuyện buồn cười – Hồi triều ta vào Quan Trung, binh lính đến phủ Hà Gian, bá tánh trong thành lánh nạn, đi hết sạch. Có một ông già sắp ra cửa, nhìn lại Thần canh cửa, than thở: “Uất Trì Kính Đức, có một người như Tần Thúc Bảo thì thiên hạ không còn loạn tới mức này. Đúng lúc nhà bên cạnh, là một thầy đồ già cổ hủ nghe thấy, liền vén râu lên nói: “Thần giữ cửa là Thần trà thơm nức! Còn bọn Tần Thúc Bảo là do ông già Khâu Xử Cơ tùy tiện sáng tạo ra, mà ông cứ tin là thật!” Ông già không phục, dẫn ra Tây du ký, thầy đồ lại đem Phong thần ra tranh luận với nhau, tranh cãi mãi tới khi trời tối, cửa thành đóng rồi. Ngày hôm sau, đại binh phá thành, hai vị đều chết trong loạn binh.”

Ban Bố Nhĩ Thiện nghe cười ha hả, Khang Hy thấy Ngũ Thứ Hữu và nàng Tô từ xa đi về phía này, rất sốt ruột, không ngừng đưa mắt liếc Ngụy Đông Đình, Ngụy Đông Đình đang nói rất hào hứng, liếc thấy Ngũ Thứ Hữu đã tới gần, vội làm bộ kinh ngạc, nói: “Ôi! Quả là khéo, đây chẳng phải là ông anh Chu sao, hạnh ngộ hạnh ngộ!”

Ngũ Thứ Hữu ngạc nhiên, định nói, Ngụy Đông Đình quay người kéo Khang Hy lại giới thiệu: “Hai vị này phục dịch trong phủ Ngao Trung đường, còn vị này là thế huynh Chân Long Ô, vị này là Gia Tử Tài, bạn bè lâu ngày không gặp, hiếm có dịp may mắn thế này, mừng mọi điều tốt đẹp.” Đã nói tới đây, một khúc gỗ như Ngũ Thứ Hữu cũng thấy linh hoạt lên. Nghe Ngụy Đông Đình bịa ngay ra hai cái tên mới, nàng Tô tức cười nhưng không dám, thì Ngũ Thứ Hữu đã giúp, đỡ cho nàng: “Uyển Nương, còn chưa ra mắt ba vị lão gia?” Nàng Tô liền tiến lên cười hớn hở nói ba tiếng vạn phúc.

Ban Bố Nhĩ Thiện không thấy có gì lạ, chỉ cảm thấy anh bịa ra hai cái tên có vẻ châm chọc, để ý nhìn Uyển Nương, cảm thấy hơi nóng mặt, nhưng không nghĩ ra điều gì, chỉ đành như cười như không, nói: “Ngưỡng mộ đã lâu, ngưỡng mộ đã lâu! Chúng ta cùng đi được không?” Ngũ Thứ Hữu cười nói: “Đã là bạn của ông anh, thì chúng ta cùng đi vậy.” Nhưng bụng đầy nghi ngờ.

Một cơn nguy hiểm để lộ chân tướng coi như tạm qua, Khang Hy tạm yên bớt nỗi lo, lấy lại vẻ tự nhiên thoải mái, rồi cười hỏi Ngũ Thứ Hữu: “Chu tiên sinh, cả câu chuyện này tiên sinh xem sáng tạo có tốt không?”

“Khoan hãy nói Tây du ký người sau gán cho là sáng tác của Khâu Trường Xuân.” Ngũ Thứ Hữu nói, “Cho dù là thật đi, mà trong am đạo sĩ nói là Hòa thượng, thì có hay ho gì?”

Tây du ký là sáng tác người sau mượn tên, quả là điều trước nay chưa nghe thấy. Khang Hy vội hỏi: “Tiên sinh nói những điều chưa hề nghe nói, làm sao biết được Tây du ký không phải là sáng tác của Khâu Trường Xuân?”

Ngũ Thứ Hữu cười nói: “Việc này không cần xem xét ở đâu khác, chỉ cần xem văn chương của Tây du ký thì rõ, – vệ sĩ áo gấm trong Tế Trại quốc, tư lễ giám trong Chu Tử quốc, ty Đông Thành binh mã trong Diệt Pháp quốc, còn nữa, đại học sĩ trong triều Đường Thái Tông, thư viện trong Hàn Lâm, đều tới thời Minh trước mới đặt ra, Khâu Xử Cơ lấy đâu bịa đặt ra những thứ đó?”

Ngụy Đông Đình thấy Ngũ Thứ Hữu phát biểu đầy hào hứng, sợ nói mãi không xong, bèn tìm dịp chen vào: “Ông anh Chu, sao lại đứng đây mà nói, chi bằng chúng ta tới chỗ đình mát, có sẵn rượu và thức nhắm, ở đó chúng ta nói cười thơ phú thoải mái, được không?” Khang Hy đã nói nhiều với Ban Bố Nhĩ Thiện rồi, tuy cảm thấy thất vọng, nhưng vẫn còn muốn dò thêm nữa, liền cười nói: “Hay, làm như Hổ Thần đi!” Mấy thị vệ gánh rượu thịt không đợi sai bảo đã đi qua trước sắp đặt xong rồi.

Xem một chặp câu chuyện Tây du ký, nghe một tràng đàm luận của Ngũ Thứ Hữu, lại bày chuyện quỷ thần hàng nửa ngày trong điện thờ, thì đã trưa rồi. Gió thu cuốn từng lớp mây đen che phủ, mặt trời vàng nhạt mờ tối dưới lớp mây bay tới. Mấy du khách chí hướng khác nhau, nỗi niềm cách biệt do định mệnh và ngẫu nhiên gặp nhau trong gian đình rách uống rượu ngâm thơ, đều lặng lẽ nhìn bóng mây thay đổi in xuống làn nước trong thấu đáy, trầm tư mặc tưởng tìm câu ý hay.

Một con cá chép phóng lên mặt nước rơi tõm một tiếng rồi lặn sâu xuống đáy, Khang Hy ngâm nhỏ câu thơ mở đầu:

Kiếm ao váy gấm ánh mây lồng

Ngũ Thứ Hữu khen “hay” và ngâm tiếp:

Đầm toạc thu không lộ dáng hình

Ngụy Đông Đình nói: “Tôi nối chắc là vụng về”, rồi ngâm tiếp:

Nhằm hỏi cung trời quyền tạo hóa

Ban Bố Nhĩ Thiện trầm ngâm rất lâu mới đọc tiếp:

Dẹp yên sóng gió hiện rồng vàng!

Khang Hy vỗ tay khen hay, Ngũ Thứ Hữu thì nói: “Thơ thì cũng được, chỉ có câu cuối rơi vào ca ngợi khuôn sáo. Đây không phải đối sách ở điện vàng, làm gì có rồng vàng?”

Nàng Tô nghe Ngũ Thứ Hữu nói như vậy, nhìn Khang Hy lo lắng, Khang Hy thì không chú ý gì. Ban Bố Nhĩ Thiện vốn nghi ngờ lai lịch Ngũ Thứ Hữu, lúc này rất ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Quả là mình đa nghi, tên họ Chu này nếu có biết Thánh thượng thì làm sao dám nói những lời như vậy?” Rồi cười nói: “Chu tiên sinh dạy rất phải, chỉ vì học trò việc gì cũng quy cái tốt đẹp về cho vua chúa mình, chẳng phải đời tôi dám nói ngoa.” Ngũ Thứ Hữu cười nói: “Lời này rất đúng, nhưng cứ trước sao sau vậy, bao nhiêu thơ văn bài nào cũng ca ngợi vẻ đẹp của vua chúa thì còn đọc làm sao? Điều quan trọng là tình cảm tự trong đáy lòng, chí phát thành lời, hoặc gửi vào sông núi, hoặc ngụ ở gió trăng, đạo thánh hiền lớn như vậy, há chỉ quy vào một kiểu?”

Những lời nói đĩnh đạc này, cùng với lĩnh giáo ban đầu, Ban Bố Nhĩ Thiện tự biết mình không phải là đối thủ, liền cười hòa. Ngũ Thứ Hữu vẫn rất hào hứng, hớp một ngụm rượu, dựa song mà ngâm rằng:

Lên núi ra sông tiễn khách về. Ai rằng Tống Ngọc khác buồn thu.

Ngồi ngắm Bạch vân nghe gió rít. Đứng nhìn lá đỏ khẽ tỉ tê

Núi xuân quyên khóc đi đi mãi. Sông lạnh mưa buồn buông thả câu.

Mỏi mệt khách văn nghe tiếng gáy. Than dài một tiếng nhạn về đâu.

Vừa dứt câu, Khang Hy liên tiếp ngợi khen: “Thế mới là thơ, không uổng công đi chơi Bạch Vân hôm nay!” Nàng Tô nghe xong không nói gì, lệ chảy tràn trên mi, sợ người ta thấy vội lén gạt đi.

Ngụy Đông Đình thấy Ban Bố Nhĩ Thiện nhìn sững Ngũ Thứ Hữu, biết ông ta có nghi ngờ bèn cười nói: “Anh Chu lại phát biểu tình cảm hào hùng. Nhưng chúng ta hôm nay đi chơi thôi, mang một bầu gió lớn Bạch Vân về, dượng ở nhà không trách tôi sao được?”

Khang Hy nghe cười ha hả: “Hổ Thần cũng có lúc biết nói chuyện tiếu lâm – theo khanh thì sao?” Ngụy Đông Đình cười nói: “Chi bằng nói chuyện cười, ai nói không hay thì phạt rượu!”

“Được!” Ban Bố Nhĩ Thiện cười hi hi, “Tôi nói trước – Một anh tú tài chết, đi gặp Diêm vương. Diêm vương tình cờ đánh cái rắm. Anh tú tài liền dâng lên một bài Phú rắm, rằng: “Phục duy đại vương, cung kính mông vàng, truyền rộng khí báu, i hi hô tiếng tơ tiếng trúc, phảng phất như mùi xạ mùi hương. Thần đứng dưới gió, nghe mùi thơm lừng!” Diêm vương mừng lắm, cho thọ thêm một kỷ, trả về dương gian. Mười hai năm sau, đến kỳ lại gặp Diêm vương, vị tú tài này kiêu căng tự mãn, đi nghênh ngang đi vào điện Diêm La, Diêm vương quên mất anh ta, liền hỏi là người nào, tiểu quỷ trả lời: “Chính là vị tú tài làm bài văn đánh rắm năm nọ!”

Lời vừa dứt, Ngũ Thứ Hữu cười ha hả: “Vị tiên sinh Giả Tử Tài này quả là một danh sĩ thực sự, một lời đã chửi cả bọn a dua trong thiên hạ!” Khang Hy cũng không nhịn được cười, suy nghĩ kỹ lại bỗng nổi lôi đình, nghĩ bụng: “Nô tài vô lễ!” Nhưng nét mặt vẫn thản nhiên, chỉ nói: “Hổ Thần, đến lượt khanh rồi đó.”

Ngụy Đông Đình trầm ngâm rất lâu mới nói: “Tôi cũng xin kể một chuyện tiếp theo chuyện đánh rắm – Thời Minh trước có một người tên Trần Toàn, là một trang phong lưu công tử. Một hôm đi ra ngoài, đi nhầm vào vườn ngự để săn bắn, bị một Thái giám bắt được. Viên Thái giám nói: “Mi là Trần Toàn, nghe nói mi nói chuyện tiếu lâm hay lắm, mi hãy nói một chữ làm ta cười thì ta thả mi.” Trần Toàn liền trả lời: “Rắm!” Thái giám ngạc nhiên hỏi: “Là nghĩa làm sao?” Trần Toàn nói: “Thả cũng do công công, không thả cũng do công công.”

Mọi người nghe xong đều vỗ tay cười. Ngũ Thứ Hữu bò lăn ra cười, nói: “Tôi cũng có một chuyện – Có một nhà giàu, xuất thân hát rong, mẹ chết, nhờ người viết bài vị, vừa phải đường hoàng, có hai chữ “khâm phụng”, lại phải hợp tình hợp cảnh. Bỏ ra một ngàn lượng bạc không ai viết được. Một vị tú tài – chính là vị Giả tiên sinh vừa nói, quá nghèo nên chịu làm việc này, bước lên cầm bút viết to: “Khâm phụng nội các đại học sĩ, tổng đốc Lưỡng Quảng, gia hàm Thượng thư bộ Lại, lãnh thị vệ nội đại thần Thái tử Thiếu Bảo Vương phụ tướng gia bộc cách bích chi Lưu Ma Ma linh vị.”

Mọi người nghe xong cười nổ trời; cả nàng Tô đứng hầu một bên cũng òa lên tiếng cười. Khang Hy liền nói: “Ta cũng có một chuyện – Có một người muốn có nhà ở tốt, bèn mua đất và trữ lương thực, rồi vay tiền, khó khăn lắm mới cất lên được, nhưng lúc đó ngay cả cơm cũng không có mà ăn. Một người bạn tới vênh mặt nhìn rồi nói: “Cái nhà này xây tốt, nhưng thiếu mất hai con lương.” Hỏi là thế nào, người bạn cười nói: một là không suy lường, hai là không lượng sức!”3

Câu chuyện này nói ra, trừ Ngụy Đông Đình hơi cười ra, những người khác đều không cười. Ngũ Thứ Hữu cười nói: “Câu chuyện này khuyên nhiều hơn châm. Công tử Chân phải phạt một ly!” Khang Hy đành cười mà uống. Ban Bố Nhĩ Thiện nghe những câu chuyện này câu nào như cũng châm chọc nhưng không nói ra được, thầm chửi Ngụy Đông Đình: “Không biết từ đâu lôi tới vị tú tài vườn này.” Ngoài miệng vẫn cười nói: “Tôi cũng còn kể câu chuyện học trò: Có một ông quan hưu trí về quê, tự làm một tấm biển, trên viết bốn chữ “Văn hiến thế gia”. Có một tên vô lại dán lắp mất cái chấm trên đầu chữ “văn”, hiện thành “Hựu hiến thế gia”. Nhà này giận lắm, xé nó ra, không ngờ, cách một đêm, cả hai dấu chấm trên chữ “văn”, chữ “gia” cũng biến mất, biến thành “Hựu hiến thế chủng” (lại hiến mộ đời). Nhà này bèn hạ tấm biển xuống, chùi rửa sạch sẽ rồi treo lên. Ngày hôm sau, chữ “văn” và chữ “gia” bị xóa mờ, chỉ còn lại hai chữ “hiến thế” (hiến đời)...”

Câu chuyện chưa nói xong, mọi người đã cười bò ra. Ngụy Đông Đình liền nói: “Câu chuyện này của Giả tiên sinh thật là hay, phải thưởng một ly rượu!”

Ban Bố Nhĩ Thiện vừa cười vừa uống, hỏi: “Hổ Thần còn có chuyện hay nữa không?”

Ngụy Đông Đình cười nói: “Tôi tuy dốt nát kém cỏi, nhưng chuyện cười nhiều lắm. – Nói một người cận thị, năm mới qua đường nhặt được quả pháo tre, không biết là cái gì, bèn đưa lại gần đèn coi cho rõ, không hay lửa bắt cháy tim pháo, “đoành” một phát nổ ngay trên tay, một chàng điếc đứng gần đó nhìn thấy khoái quá, liền hỏi: “Vừa rồi, túc hạ cầm cái gì trong tay, đang đường hoàng tự nhiên tan mất?”

Mọi người đang nghiền ngẫm câu chuyện, Ngũ Thứ Hữu đã cười to, đứng lên nói: “Hổ Thần, anh tài thật! Đã đi lâu lắm rồi, tôi còn có việc, chi bằng để anh mù đốt pháo cho anh điếc, bữa nay xin về trước!” Quay người gọi một tiếng: “Uyển Nương!”, rồi cùng nàng Tô bước ra.