Khang Hy Đại Đế - TẬP 1 - Chương 23

23

Bạch Vân Quan, Ngũ Thứ Hưu dời đến ở

Phòng sau nhà, Sử Giám Mai chịu khảo tra

Nghe Ngụy Đông Đình kể một lượt, Ngũ Thứ Hữu vừa sợ vừa giận, trong dạ rối bời bao mùi vị cay chua mặn đắng. Một hồi lâu mới cười nhạt nói: “Không thể hiểu được, một thư sinh như Ngũ Thứ Hữu tôi, tay không sức buộc ngựa, một bài văn lại làm cho Ngao đại nhân sáng mắt lên!” Anh xúc động, nắm chặt tay, đấm mạnh xuống bàn một cái “rầm”, thức ăn trên bàn nhảy bắn lên, “Tôi sẽ ra tự thú xem thử là tội gì, một mình tôi chịu thôi!”

Nói xong đứng lên định đi, bị Ngụy Đông Đình nắm tay kéo lại, nàng Tô nôn nóng kêu lên: “Tiên sinh đi không được!” Ngũ Thứ Hữu vùng mạnh nhưng không ra được.

Thấy nàng Tô lo lắng mặt tái nhợt, nửa tức giận nửa tình cảm, lại bị Ngụy Đông Đình nắm chặt không vùng ra được, Ngũ Thứ Hữu đành thở dài, bất lực cúi đầu lặng im ngồi xuống. Ngụy Đông Đình cười nói: “Ngũ tiên sinh, anh vội gì! Chẳng phải Ngao Bái đã uổng công toi một keo sao? Nước cờ này đã tới điểm nút rồi, thì cần gì phải nôn nóng?”

“Tôi không ra tự thú,” Ngũ Thứ Hữu thở dài nói, “thì Ngao Bái chẳng chịu thôi, sau này có việc sẽ liên lụy các người!” Vừa nói vừa ngước đầu nhìn Uyển Nương.

Nàng Tô trong lòng nóng ran, tròng mắt đỏ hoe, cố không để rơi nước mắt, ôn tồn khuyên giải: “Lần trước tiên sinh giảng cho Long Nhi Thuyết lưu hầu, trong đó có thiên hạ, có người đại dũng – bỗng nhiên gặp mà không kinh sợ, vô cớ gán cho mà không tức giận. Lúc đó chúng tôi nghe mà rõ hết ý, bây giờ gặp việc rồi, nhớ ra cảm thấy như nói cho mình nghe. Bây giờ tiên sinh làm việc theo tình cảm nhất thời thì được việc gì?” Ngụy Đông Đình cũng nói: “Ngao Bái khám phủ, nói công khai là tìm bắt hai người, vì lẽ gì một mình anh đầu thú? Nếu người ta đòi anh chỉ ra một người nữa, thì anh tìm ở đâu?”

“Người đó là ai?”

“Chúng tôi đâu có biết, anh hỏi mới hay chứ!” Nàng Tô cười nói: “Anh tạm yên trí ở đây, Long Nhi hàng ngày đến đây học tập như cũ, đợi gió yên sóng lặng sẽ về thành, thế chẳng tốt sao?”

“Cũng đành như vậy thôi.” Ngũ Thứ Hữu rầu rĩ nói: “Nhưng cái quán này kẻ đi người tới làm sao học được?”

“Cậu hai coi thường tiểu nhân này quá đấy.” Hà Quế Trụ vội nói: “Cậu hai nếu dạy học ở đây, thì tôi còn mở quán làm gì? – Cậu nói chỗ này không tốt, xin cậu hai quá bước cùng con ra phía sau xem sao.”

Ngũ Thứ Hữu nửa tin nửa ngờ cùng Hà Quế Trụ đi ra sân sau. Nàng Tô, Minh Châu và Ngụy Đông Đình cũng nối đuôi theo sau. Mới đầu không thấy gì khác lạ, quẹo qua gian phòng gỗ và hai gian nhà nhỏ, vượt qua cái cửa hẹp, thì, ôi chao! bên trong quả là nơi lý tưởng!

Đây là mảnh đất lõm, ở giữa có cái hồ rộng khoảng năm mẫu, một cầu lát bằng những tấm đá thông đến một đảo nhỏ giữa hồ. Nước hồ trong vắt, không thả các loại như cá vàng chẳng hạn mà chỉ thả rặt một thứ cá mè dài hơn một thước, lúc nào cũng nhảy lên đớp bóng phầm phập. Bờ hồ bốn bên vách đứng trồng dày đặc cây dương liễu rủ, liễu cổ rồng, mỗi cơn gió nhẹ thổi qua cành lá múa may uốn lượn. Trên mặt hồ, sóng nước lăn tăn, như sao sa lấp lánh. Men theo cầu băng qua hồ, bờ bên kia là bảy tám gian nhà lá trồi sụt không đều. Ở giữa có ba gian nhà lá dụm vào nhau, có tấm biển đen dát vàng trên đề ba chữ “Sơn Cô trại”. Trong nhà bày toàn những đồ tre gỗ đơn sơ mà không thô. Quán Sơn Cô này nhìn bên ngoài quả là thô thiển, không có gì hấp dẫn, ai hay đây là tác phẩm đẹp của người cao thủ tài ba, thanh tú ẩn giấu bên trong. So ra, người ta cảm thấy vườn hoa phủ Sách kém thua về mặt đẽo gọt trau chuốt. Ngũ Thứ Hữu buột mồm kêu lên: “Chỗ đẹp thật!” rồi quay đầu cười nói với Hà Quế Trụ: “Không đọc Trang Tử, không thể lĩnh hội cái kỳ diệu của ngôi nhà này.”

“Đúng vậy!” Chú Trụ cười theo nói: “Tiểu nhân cảm thấy nhị gia nhất định là thích. Cái đảo giữa hồ có hòn non bộ chưa làm xong, đá thái hồ chất ở đó khi xây xong mới đẹp!”

“Tôi ở đây.” Ngũ Thứ Hữu nói: “Non bộ thì không nên xây. Làm dàn mướp dàn đậu, trồng thêm nho, làm cho một vùng xanh tươi là được, cần gì phải dùng tay người để trau chuốt thêm.”

Mọi người đang trò chuyện thì thấy một ông già râu dài tới ngực, dẫn theo mấy chú nhỏ, từ trong ngôi nhà tranh đi ra, tuy là áo nâu giày vải, nhưng người nào cũng mạnh khỏe vô cùng. Ngũ Thứ Hữu nghĩ là người làm trong quán nên không để ý. Minh Châu thì biết đó là Sử Long Bưu dẫn ba anh em Mục Tử Húc, còn mười mấy con em thân hào quyền quý được tuyển chọn kỹ trong đại nội làm nhiệm vụ thị vệ ở đây, lại sắp xếp hai mươi thân binh vào Bạch Vân Quan giả làm đạo sĩ, ngầm bảo vệ cái quán nhỏ này. Đây là một biệt thự nữa do Hùng Tứ Lý sắp đặt cho Khang Hy, là nơi chuyên để vua đọc sách. “Sơn Cô” đọc trại âm gần giống tiếng “ba lỗ” trong “thỏ khôn ba lỗ” ý chỉ một nơi ẩn náu của Khang Hy – Ngũ Thứ Hữu tuy thông kim bác cổ nhưng làm sao nghĩ ra điều này!

Ngũ Thứ Hữu lưỡng tự giây lát trước nhà Sơn Cô, một cơn gió thu xào xạc, nước hồ gợn sóng, nhớ lại cảnh ngộ nhà mình, nỗi buồn chợt đến. Anh nhìn những người phía trước thấy như xa lạ đi nhiều. Ngay với cả Uyển Nương, anh cảm thấy mọi người như có một việc quan trọng đang giấu mình, nhưng không nghĩ ra là việc gì cũng không tiện mở miệng hỏi. Liền cười nói: “Chỗ này tốt thì có tốt, e rằng mỗi ngày Long Nhi phải xuôi ngược thêm bao nhiêu dặm đường nữa!”

Uyển Nương cười nói: “Tiên sinh chỉ nên lo việc dạy, cậu ấy tới anh giảng bài, cậu không tới thì ra bờ hồ câu cá cũng là việc hay.” Ngũ Thứ Hữu cười gật đầu. Đúng lúc đó, chú Trụ bỗng quay đầu lại nói: “Cậu hai, cậu xem, chẳng phải Long Nhi tới rồi đó sao?”

Ngao Bái vồ trượt, tiu nghỉu trở về, vừa tức vừa rầu, trên đường bảo Hổ Vẹo rằng: “Hãy khoan về phủ, mi phi ngựa đi báo Ban đại nhân, nói ta sắp đến thăm.” Hổ Vẹo dạ một tiếng ra roi phóng đi. Khi Ngao Bái tới phủ Đệ họ Ban, cửa nách bên tả đã mở sẵn, Lưu Kim Tiêu đang đứng đón hầu. Kiệu lớn, đi thẳng đến nhà sau mới dừng lại. Ngao Bái vào ngồi trên ghế Trung đường Thái sư, không đợi Ban Bố Nhĩ Thiện mở miệng đã cười nói: “Tại sao như vậy, ngay cả một dấu vết nhỏ cũng không khám ra, uổng công ngài “Ngôi sao mưu trí” phải đi thăm dò trước.”

Ban Bố Nhĩ Thiện mặc áo bào thêu nhung tím, lưng không thắt đai, một tay vuốt bím tóc sau lưng, một tay xoa đầu phía trước đã cạo láng bóng, ông đang ngồi trầm tư. Việc khám phủ không thành, ông đã nghe Hổ Vẹo bẩm qua, trong lòng không khỏi nghi sợ. Chỉ vì lòng dạ ông sâu xa, tăm hơi không lộ ra bên ngoài. Lâu lắm ông mới lên tiếng: “Ngao công, không biết ngài có nghĩ tới hay không? Trước đây là ngài còn có thể về hưu ở ẩn. Nước cờ đã tới bước này, quả là không còn con đường lui rồi.”

“Con đường lui nào?” Ngao Bái bỗng bật cười to. “Tào Tháo cũng là anh hùng! Mà nay không có Lưu Huyền Đức, Tôn Trọng Mưu thì còn sợ cái gì?” Ban Bố Nhĩ Thiện cũng cười nói: “Tuy không có Tôn, Lưu, nhưng cũng không có Hán Hiến Đế, ngài không được khinh suất.”

Quả đúng như vậy. Ngao Bái liền đổi sắc mặt nói: “Ngài nói có lý, theo ý ngài, lão Tam hôm nay ở đâu?” Ban Bố Nhĩ Thiện nói: “Việc này không cần tra khảo nữa. Rõ ràng là lão Tam ngày nào cũng tới phủ Sách, bữa nay có người thấy tận mắt chiếc kiệu nhỏ đi vào, nhưng lại vồ trượt, xem ra nhất định lộ tin rồi! Quan trọng nhất là tin lộ thế nào, do ai làm lộ. Hôm qua tới giờ này không đến mười hai tiếng, mà nhanh như vậy? Điều này quả là đáng sợ nhất.

“Trong phủ nhất định có gian tế, tên gian tế này là ai?” Ngao Bái trầm tư khoảnh khắc mới nói: “Có cần mời Tế Thế lại cùng nhau bàn bạc?”

“Tế Thế học vấn khá đấy.” Ban Bố Nhĩ Thiện nói: “Tầm chương trích cú, dẫn kinh sách, tra điển cứ thì tìm ông ta, nhưng sự việc này thì lý luận viển vông của ông ta làm được gì? – Thực ra cũng không cần phải tìm đâu xa, chỉ tra hỏi mấy người chung quanh Trung đường là được.”

“Có phải ngài nói Tố Thu?” Người Ngao Bái nghi đầu tiên chính là nàng. Nhưng việc không có manh mối, sợ không trúng. Nên lắc đầu tự nói: “Cô ta đến cửa thứ hai cũng ít khi ra tới.”

Ban Bố Nhĩ Thiện cười lạnh lùng: “E là Ngao công yêu người đẹp mà không biết người gian! Tôi tuy không biết chút xíu võ nghệ nào nhưng vẫn còn nhớ Ngao công đã có nói, nàng đi không nghe tiếng động, dường như khinh công rất khá. Nếu cô nàng là nữ kiệt võ lâm, thì làm sao biết chắc là không ra được đến cửa thứ hai?”

Ngày thường một câu nói bất chợt nào Ban Bố Nhĩ Thiện cũng nhớ kỹ lưỡng đến như vậy, Ngao Bái không thể không khâm phục tài ghi nhớ sâu sắc của ông, liền gật đầu nói: “Yên tâm, không kể cô ta đẹp thật hay đẹp giả, cũng phải làm cho rõ ràng phải trái!” Ban Bố Nhĩ Thiện nói: “Vừa rồi Ngao công hỏi lão Tam đi đâu, tuy không phải là việc quan trọng nhất, nhưng cũng không thể coi thường. Người ta nói thỏ khôn ba lỗ ẩn nấp, ai dám chắc hắn chỉ có một phủ Sách?”

“Nói đến việc lao tâm đấu trí,” Ngao Bái nói, “chung quanh ta không có ai bằng ngài, việc này xin nhờ cậy nơi ngài.” Nói xong bèn lên kiệu về phủ.

Lúc đó là đầu tháng mười, thời tiết Bắc Kinh đã lạnh. Ăn tối xong, Ngao Bái đang ở trong phòng ngủ nhà sau nói chuyện phiếm với phu nhân Vinh Thị. Mấy ngày nay, Ngao Bái vất vả mệt mỏi, bèn nằm trên ghế xích đu, uể oải duỗi thẳng chân để Cúc Tú và Tài Bình đấm bóp, nói với Giám Mai: “Tố Thu, mi đến Hạc Thọ Đường lấy cái hộp bìa vàng để trên nóc tủ phía sau bình phong đem về đây.”

Giám Mai bỗng thấy hồi hộp, thấy Ngao Bái hơi trừng mắt, vội “dạ” một tiếng, quay người đi ra. Vinh Thị cười nói: “Lấy những thứ ấy làm gì bây giờ?” Ngao Bái hỏi: “Đó là thứ bột bánh sâm thượng hạng, bổ khí huyết chống mệt mỏi. Bây giờ đều là người trong nhà, đem đến mọi người thưởng thức!”

Đang nói, thì Giám Mai bưng hộp bước vào, tay bưng nhưng tim đập thình thịch, dường như có trò ma quái gì trong đó. Không hiểu vì sao Ngao Bái lại nhớ đến nó, vì sao lại sai đúng mình đi lấy. Cô hết sức tự trấn tĩnh, sắc mặt thản nhiên nói: “Lão gia, đặt ở đây nhé?”

“Mở ra.” Ngao Bái mắt không hề động đậy.

Giám Mai bưng hộp lên tay, sờ soạng bốn bên giả vờ như không mở được chìa khóa, lật qua lật lại một hồi lâu, mới ấn nhẹ một cái đinh đồng phía đáy hộp, cái hộp bật kêu lên một tiếng tưng, cô giật mình suýt đánh rơi cái hộp xuống đất. Ngao Bái cười ha hả, nói với Vinh Thị, Tài Bình và mấy tên a hoàn: “Tài năng như vậy, bọn bay bao giờ mới theo kịp cô nương Tố Thu này?”

Ông đỡ chiếc hộp, “tưng” một tiếng rồi đậy lại, đưa cho Vinh Thị. Phu nhân Vinh Thị đưa ống điếu nước cho Cúc Tú cầm, nhận lấy chiếc hộp xem xét kỹ lưỡng, mò mẫm hồi lâu, rồi học cách Giám Mai, ấn mạnh cái nút vàng, cái hộp vẫn không động đậy. Mấy tên a hoàn xúm lại, tên nào cũng đỏ mặt lên nhưng chẳng ai mở được hộp. Ngao Bái cười nói: “Bọn bay được việc gì, đây phải có võ nghệ! Không có nội công dù có biết được chỗ cũng không mở ra được!”

“Con vốn là giang hồ mại võ,” Giám Mai hối hận đã mạo muội, ngập ngừng nói, “tuy nói chẳng có nội công gì nhưng cũng tập mấy miếng để kiếm cơm ăn, một chút này không làm được sao?”

Ngao Bái như không nghe thấy, lại mở hộp, mở cái bao giấy lấy ra một gói thuốc đổ hết vào trong ấm trà, nói: “Tố Thu, mi mời Thái thái và mọi người đều uống một chén, cái chén của ta cũng thay trà mới vào.”

Giám Mai sợ điếng người, trong lòng nghĩ gì nàng cũng không rõ, chỉ nghe tim đập loạn xạ. Hai tay run rẩy đang cho mỗi người một chén. Vì quá căng thẳng, khi đổ nước còn trong chén Ngao Bái, suýt nữa hắt luôn cả cái chén. Ngao Bái liếc thấy, nghĩ thầm Ban Bố Nhĩ Thiện nhìn hay thật, con tiện tỳ này quả có cái trò quỷ quái gì trong lòng!”

Ông bưng chén một hơi uống cạn, cười nói với Vinh Thị: “Các ngươi cũng nên thưởng thức xem, mùi vị cũng được đấy chứ.” Rồi quay sang nói với a hoàn: “Mọi người đều uống thử xem!”. Vinh Thị cười uống cạn, mấy tên a hoàn khác cũng uống cạn. Chỉ riêng Giám Mai bưng chén trà ngơ ngác nhìn mọi người.

“Giám Mai,” Ngao Bái bỗng nhiên không gọi “Tố Thu” nữa, tình cảnh giống con chuột bị bắt trước con mèo gian manh, đang vờn giỡn trước sự lúng túng của con mồi, sau cùng mới giơ vuốt ra xé chết. “Sắc mặt mi không tốt rồi! Ừ, làm cái gì đi chứ? Mi nên giả vờ đánh rơi chén trà mới phải chứ! – Không nín nhịn được, suýt nữa thì lộ ra quá sớm chăng?” Ngao Bái cười hi hi. “Mọi người chúng tao đều không sống nổi, mi nên vui mừng thỏa nguyện mới phải chứ, làm sao lại mất hồn thất sắc thế?”

Câu nói không chỉ làm cả nhà kinh hồn, cả Vinh Thị cũng sửng sốt, nhìn “Tố Thu” đang bối rối. Giám Mai đến nước này lại trở nên bình tĩnh, nói: “Lão gia nói cái gì vậy, nô tài không hiểu gì cả.”

“Không hiểu?” Ngao Bái nói lạnh lùng, “Mi định ăn cắp thuốc của ta không thành công, không nghĩ là ta đã đổi thuốc rồi, đúng không?”

Câu nói này lại mở đường cho Giám Mai. Cô quỳ ngay xuống, nói: “Lão gia là nhất phẩm đương triều, muốn giết một tên nô tỳ thì không còn gì dễ bằng! Cần gì phải bày ra cái bẫy như vậy?” Vừa nói vừa khóc hu hu.

Vinh Thị trước nay thương tình Tố Thu gia đình thê thảm, đối xử với nàng rất hậu. Hôm nay thấy nàng khác thường, cũng thấy kinh ngạc, sắc mặt tái đi nói: “Con nhỏ đáng chết, làm cái gì bậy bạ sao không nói mau, bây giờ làm điệu làm bộ kêu khóc nỗi gì!”

“Nô tài có gì không phải đâu?” Giám Mai vừa khóc vừa nói: “Lão gia lấy thuốc độc uống, còn bắt cả nhà đều uống, còn không cho nô tỳ hoảng sợ!”

Mọi người càng nghe càng lạ lùng. Vinh Thị gạn hỏi: “Thuốc độc nào, mi thật đáng chết!” Giám Mai chỉ bưng mặt khóc không nói năng gì, Vinh Thị không biết làm sao.

Chưa biết nói sao thì Ngao Bái lạnh lùng hỏi: “Làm sao mi biết trong hộp đựng thuốc độc?”

“Con nghe người ta nói.”

“Ai?”

“Ban lão gia!”

Vinh Thị nghe tới đây, bỗng hỏi xen vào: “Quả là kỳ quặc, Ban đại nhân đưa thuốc độc cho Lão gia để làm gì?”

“Con cũng không biết,” Giám Mai nghẹn ngào nói. “Hôm đó Ban lão gia đến, mang cho lão gia một bọc giấy, nói là Truy hồn đoạt mệnh đơn, con bưng trà lên nghe được, còn nói là...”

“Câm mồm!” Ngao Bái nghĩ tới cảnh tượng hôm đó, quả là như vậy, sợ miệng hắn tiếp tục nói tới “lão Tam” nữa nên vội quát im. Một hồi lâu mới ngượng ngùng cười nói: “Lẽ nào mi không nghe rõ sao! Thuốc của Ban đại nhân vốn dùng để săn chồn, lại làm mi một nô tỳ phải lo lắng!”

Khang Hy tới cung Từ Ninh vấn an Thái hoàng Thái hậu và Hoàng Thái hậu trở về thì đã đến giờ lên đèn. Thấy nàng Tô ngồi nghiêng trên bậc thềm cúi đầu đọc một tờ giấy, không biết có người tới, bèn đi vòng qua sau lưng, mới hay là thơ trên bức tường đổ mà Ngũ Thứ Hữu và Minh Châu “nhặt” được, liền cười nói: “Thơ này viết tuy hay, nhưng không phải là điềm phước tường, tốt nhất là ngươi không nên đọc nhiều.”

Nàng Tô vốn chăm chú đọc, nghe tiếng người nói chợt giật mình, ngước nhìn thấy Khang Hy vội bỏ bài thơ xuống, cười nói: “Đức Vạn tuế tới hồi nào, sao nô tài chẳng nghe thấy tiếng động? – Nói tới bài thơ này, nhờ hồng phúc đức Vạn tuế, Tô Tiểu Tiểu của Lý Trường Cát cũng không dám đến quấy nô tài!”

“Bài thơ này Trẫm cũng có đọc,” Khang Hy ngồi xuống uống một ngụm nước trà nói: “Không hiểu vì sao càng đọc càng thấy nổi da gà.”

Nàng Tô cười nói: “Đa tâm kinh nói: Theo Bát nhã ba la mật đa thì lòng không vướng bận; lòng không vướng bận thì không có gì phải sợ; tránh xa mộng tưởng đảo điên... Đây chẳng qua là do đức Vạn Tuế quá ưu lo trong lòng.”

“Được rồi!” Khang Hy cười, “Thái hậu tin Thiên chúa, sinh thời khi trước ngày nào cũng tụng “Chúa tha tội chúng con”, “Chúa tha tội chúng con”; Ngươi tin Phật, hễ mở miệng là kinh Đa tâm, Lăng nghiêm, Pháp Hoa, lại như Ngũ Thứ Hữu thì nói ra là Khổng Mạnh, còn gì Cung kính với dân sót của mình không bằng vẩy đuôi xuống bùn. Ba kiểu giáp công, chỉ thiếu anh đạo sĩ. Ngay cả nhà Nho cũng không giống nhau cả, Hùng Tứ Lý và Ngũ Thứ Hữu cũng khó hợp nhau, Trẫm nên nghe ai đây?” Nói xong cười ha hả. Nàng Tô cười nói: “Nô tài thấy Tiểu Ngụy có vẻ tin đạo. Kỳ thực, Thánh nhân, Phật tổ, Thiên chúa chỉ khuyên người hướng thiện, giúp nước yên dân, người ta mới tin họ, nếu không người ta ăn no rỗi việc mới đi nghe họ nói suông lừa người!”

Khang Hy nói tiếp: “Thực ra Ngũ tiên sinh đã giảng rõ việc đó rồi. Nho lấy tu thân mình làm gốc, dùng để trị người; Đạo lấy tu tịnh làm gốc, lấy nhu mà dùng; Phật lấy định tịch làm gốc, lấy từ mà dùng. Tôn chỉ có khác nhau nhưng đều dạy người làm thiện, lý lẽ cũng như nhau. Ví như nói, Nho giống như ngũ cốc, người không ăn là bị đói, mấy ngày không ăn có thể chết; Đạo Phật giống như thuốc uống dùng để xóa bỏ tội lỗi, giải nỗi u uất, có hiệu lực hơn cả nhà nho, lý do là thuyết nhân quả họa phước dễ xúc động lỗ tai người dân! Hồi trước Hùng Tứ Lý khuyên Trẫm cấm Thiên chúa, cho là “tà đạo”, Trẫm không nghe ông ta, đó không phải chỉ vì Thái hậu tin Thiên chúa, đã gọi là có ba đạo chín phái chung sống với nhau thì sao lại không thể có bốn đạo mười phái? Trẫm cho rằng chỉ cần có lợi cho giáo hóa chúng dân, thì các phái đạo có ngại gì nhiều thêm một vài thứ!”

Khang Hy ung dung nói ra kiểu trường thiên đại luận này làm nàng Tô vừa sợ vừa mừng: “Cũng không uổng công thầy dạy bao lâu nay, quả là ông chủ này học đã thành tài.”

Hai người hào hứng trò chuyện, lại chuyển sang mấy bài thơ Ngũ Thứ Hữu chép lại lúc ban ngày. Khang Hy hỏi: “Mấy bài thơ này, Ngũ tiên sinh có ý kiến thế nào?”

Nàng Tô thấy Khang Hy có vẻ trịnh trọng, nên cũng nói nghiêm trang: “Ngũ tiên sinh cho rằng mấy bài thơ này đều là sáng tác của di lão nhà Minh trước, những người này có khí chất, tài năng khỏi phải nói, chỉ đáng tiếc không hiểu đại cuộc, không biết thời thế, không thuận tình dân, không rõ lẽ trời, cũng không biết cơ huyền tạo hóa làm ra, bây giờ cũng không nói được khuyên dạy thế nào.”

Khang Hy nghe xong lặng yên. Lời này đã đánh trúng tâm bệnh của vua: “Đức Thuận Trị được ngay thiên hạ, Trẫm thì không được trị vì ngay. Những nhà túc nho nhà Minh trước không chịu để Trẫm dùng, cũng không thể giết hết từng ấy người, để cho họ tản lạc các nơi, ngâm phong vịnh nguyệt, chỉ trích chính sự, đáng tiếc là nhân tài còn ở tận đâu, làm nhiễu loạn lòng người là không được.” Nghĩ tới đó, vua quay người hỏi: “Ngũ tiên sinh có nói là đối với những người này có chính sách gì hay?”

“Không nói,” nàng Tô trả lời, “bản thân tiên sinh không tán thành những người này, nhưng mỗi người có chí khác nhau, bọn họ không có mấy người, Đức Vạn tuế cần gì phải lo lắng cho họ! Thêm nữa, bây giờ không phải lúc nghĩ tới những việc đó!”

“Phải nghĩ xa một chút,” Khang Hy lại nói, “ngươi phải nên biết, ở đây nhân tài có ích dụng nhiều lắm, bỏ đi sông núi lòng Trẫm không nỡ, còn con đường chính không đi, tất phải đi con đường tà.” Thấy nàng Tô chăm chú lắng nghe, Khang Hy nói tiếp: “Mạn Thư, ngươi có nghe chuyện Hồng Thừa Trù đãi tiệc ở Giang Nam không?”

Nàng Tô lắc đầu.

“Việc đó vào năm Thuận Trị thứ 7,” Khang Hy nói, “Đa Nhĩ Cổn chiếm Giang Ninh, Giang Nam đều quy phục triều ta, non sông đại cuộc đã yên, ông ta liền vào kinh nhậm chức. Cũng đáng trách Hồng Thừa Trù nhiều chuyện, mở yến tiệc ba ngày ở Kim Lăng, khao quân ban thưởng, cúng tế tướng sĩ trận vong trong cuộc Nam chinh.” Vua ngừng lại một lát, rồi nghĩ ngợi nói: “Tiệc tới ngày thứ ba, bỗng ngoài cửa vào bẩm báo, có một môn sinh họ Ngô là bạn cũ tới chúc rượu, liền cho mời vào.”

“Con người này không ý tứ gì cả,” nàng Tô cười nói, “cũng coi như là xông vào xin rượu?”

“Không phải,” Khang Hy nói tiếp, không phải là kể chuyện, mà là tường thuật hiện trường lúc đó, “Đi vào gặp nhau rồi, người đó lại không uống rượu mà nói: “Thầy giáo yên cương vất vả, học trò chạy giặc liên miên, văn chương bỏ vắng, có một bài văn chép ra muốn cùng thầy thưởng thức!” Hồng Thừa Trù đánh giặc lâu ngày, chán nghe văn chương, bèn cười từ chối: “Mấy năm nay mắt đau thật khổ, không xem được văn chương.” Người đó cười nói: “Không lo, thầy cứ ngồi yên, nghe trò đọc là được!” Nói xong lấy trong tay áo ra một cuộn văn thư, trước mặt văn võ bá quan, cao giọng ngâm nga đọc. Ngươi nói đó là bài văn gì nào?”

Nàng Tô lắc đầu nói: “Nô tài không biết.”

“Văn tế điếu Kinh lược họ Hồng do vua Sùng Trinh ngự chế!”

“Hả?” nàng Tô kinh ngạc buột mồm khẽ kêu lên, “Người này to gan!”

“Có khí phách!” Khang Hy xúc động cải chính, “Nếu là việc ngày nay, Trẫm không cho phép giết tên họ Ngô!” Ánh mắt vua sáng lên ra vẻ hăng hái.

Nàng Tô ban đầu kinh ngạc, tuy đã biết rõ tâm tính Khang Hy, mãi một hồi lâu nàng mới than: “Vạn tuế quá lo lắng. Đây là việc lớn, nô tài không dám lạm bình, nhưng đức Vạn tuế thân giữ vững ngai vàng là việc quan trọng đầu tiên hiện giờ. Việc này làm được mới nghĩ đến các việc khác.”