Khang Hy Đại Đế - TẬP 1 - Chương 25

25

Chốn thâm cung Uyển Nương răn tiểu đồng

Nơi lầu xanh cô Thúy vặn Minh Châu

Tiểu Mao mang tâm địa xấu xa cùng Trương Vạn Cường đi gặp nàng Tô. Vừa rồi, sau khi mọi người đi hết, hắn kiểm điểm lại các thứ đồ trà, thấy cái bát quân có nắp vẫn còn ở trong tủ. Hắn chỉ không biết tại sao lại xếp cùng với các thứ đồ trà khác. Chứng tỏ nàng Tô đã thấy cái bát có nắp đó. Hắn sờ vào nó, chỉ không đoán được vì sao nàng không vạch trần ra tại trận. Trước mắt Hoàng thượng và Thái hậu, nàng Tô là người tâm phúc đã nói là làm, tại sao lại bênh che cho mình?

Hắn nhớ kỹ lại mọi tình huống lúc đó, đoán rằng nàng Tô không ưa Nạp Mô. Trước khi khám xét đã kình với A Tam, sau khi khám, nếu còn tranh cãi thì chẳng làm xấu mặt mình sao. Nghĩ vậy hắn ngầm thở ra, nhìn Trương Vạn Cường vẫn mặt đực ra không có biểu hiện gì.

Nàng Tô đang đợi ở phòng xếp lầu đông điện Dưỡng Tâm. Lần đầu tiên Tiểu Mao đến nơi này, trước mắt chỉ thấy đâu đâu cũng vàng chói, sáng loáng, mấy cây đèn sáp to cao, ngọn lửa bốc cao dưới tán chụp, nàng Tô đang ngồi giữa phòng uống trà. Tiểu Mao vái chào nói: “Con có tội, xin chị hai phúc lớn, lượng rộng khoan dung cho lần này!” Nói xong cũng không đứng dậy, một chân nữa cũng quỳ xuống.

“Tha cho mi thì dễ,” nàng Tô như không hiểu lắm, vừa uống trà vừa chậm rãi hỏi: “Mi nói thật đi, mi ăn cắp cái bát đó để làm gì?”

“Em nghĩ ...” hắn ngập ngừng bỗng nhiên cười nói, “Em thấy cái bát thật đẹp, cầm lấy để xem, rồi lén cầm về, không định ăn trộm, may nhờ chị hai che cho, nếu không thì em đây cũng xấu hổ lắm!”

Nàng Tô không ngờ tên quỷ quái này dám lôi mình vào cuộc, cảm thấy vừa tức vừa buồn cười, nàng cười gằn một tiếng: “Mi quá thông minh đấy, cho rằng ta có lòng tốt không trị mi sao?”

Tiểu Mao mắt láo liên, cười ra vẻ đau khổ: “Gan em có to bằng cái đấu cũng không dám hỗn với chị! Quả là em chỉ muốn đem về xem chơi thôi, người ta cứ gán cho là ăn trộm, làm sao em dám nhận mình làm giặc...”

“Trương Vạn Cường!” Không đợi hắn nói hết, nàng Tô đã gọi. “Đưa hắn tới phòng Kính sự cho già Triệu, ta không muốn nghe hắn huyên thuyên bậy bạ!”

“Ôi, đừng đừng... em nói thật mà...” Lúc này hắn mới hoảng lên, lạy như tế sao, “Quả là em nghèo quá, túng quá hóa liều, muốn lấy cái bát đem đổi ít tiền trả nợ...” Hắn ngước đầu nhìn sắc mặt nàng Tô, thấy dường như không tin, vội nói tiếp: “... Mẹ em mù, ăn uống ngày có ngày không, cả tiền uống thuốc cũng không có. Ông anh trai lấy bà chị dâu độc ác, không lo một chút xíu gì cho gia đình, người cùng trí quẫn, ngựa gầy dài lông, bất đắc dĩ phải làm cái việc đê tiện đó.” Nói một hồi, động đến nỗi đau trong lòng, tròng mắt bỗng đỏ lên, lấy tay áo gạt nước mắt, “Chị Tô không tha cho em, em cũng nhận, ai bảo mình nghèo hèn, chỉ thương cho mẹ em...” Nói tới đây nghẹn ngào, không nói tiếp được nữa.

“Đây cũng là một chuyện, nói hết rồi chứ!” Nàng Tô là một người theo đạo Phật, thích làm việc thiện, nghe hắn nói thê thảm, cũng động lòng. Suy nghĩ một chặp, mặt tươi cười nói: “Mi có khó khăn sao không tìm Tiểu Ngụy, anh ta không giúp mi?”

“Ngụy đại nhân giúp em không ít,” Tiểu Mao nói mặt đầy nước mắt, “nhưng xin mãi, em cũng thấy không phải.”

“Cầm lấy!” Nàng Tô tiện tay rút trong hộc bàn một đĩnh bạc ném cho Tiểu Mao. “Cầm cái này đi, cũng may cho mi còn là người con hiếu thảo mà ta chưa biết! Cho số bạc này chữa bệnh cho mẹ mi, cũng mua thêm ít thức ăn đồ dùng, chắc là hơn làm giặc chứ? – Nghe nói mi là tay cờ bạc nổi tiếng, không được đem nướng vào sòng bạc đấy!”

Tiểu Mao không hề nghĩ tới kết cục như thế này, cảm thấy sửng sốt, cầm lấy bạc mà đứng đực ra, hồi lâu mới lạy tạ, khóc thưa: “Em có đánh bạc thật đấy, nhưng cũng là đường cùng, nửa tháng mấy xâu, thì dùng được việc gì? Cũng chỉ nhờ chút thông minh vặt, thắng được mấy đồng chẳng đủ thiếu gì, cái gì cũng phải tốn tiền. Chị hai thương em, còn chút lương tâm trên đầu, em còn dám làm bậy nữa sao?”

“Cũng chẳng trách mi,” nàng Tô thương người thở dài, “vốn dĩ làm người không dễ mà. Ta cũng không cần lấy lãi, mi có khó khăn cứ đến chỗ ta, ta sẽ chu toàn cho lòng hiếu thảo của mi.” Tiểu Mao họa đổi thành phúc, mừng rỡ vô cùng, lạy tạ nói: “Chị đối xử tốt như vậy, từ nay về sau, con sẽ gọi là dì nhé!”

Nàng Tô không biết nói sao, chỉ cười coi như đồng ý. Trương Vạn Cường thấy thằng nhóc ranh này biết cách lấy lòng, liền cười nói: “Anh thật có phước, nếu ta không dẫn anh tới thì anh có được vinh dự này không! Lấy gì cảm ơn ta đây?” Tiểu Mao cười, vội cúi chào nói: “Ngài không thiếu tiền, con xin lạy một lạy cảm ơn ngài!” Câu nói làm cho nàng Tô và Trương Vạn Cường đều bật cười.

Tiểu Mao chào đi ra, đến cửa Thùy Hoa đầu sân điện Dưỡng Tâm, thấy Khang Hy mặc đồ thường từ phía trước đi tới, vội tránh ra bên đường đứng xuôi tay cúi đầu. Khang Hy không biết hắn, khoát tay đi vào phòng xếp lầu phía đông tìm nàng Tô. Bấy giờ Tiểu Mao mới quay vội về phòng kho trà xử lý cái bát có nắp. Nàng Tô đã sớm rời nơi này đi tiếp giá.

Khang Hy vừa bước vào cửa đã cười nói: “Bữa nay tiếc cho ngươi, không được dự hội tiểu quần anh! Lại cũng không được nghe Ngụy Đông Đình hát!”

Nàng Tô cười theo nói: “Nô tài làm vương tướng gì mà được hầu chủ nhân tới mấy cuộc tiệc đó? Hát bài ca gì vậy?”

“Trẫm đọc lại cho người nghe!” Khang Hy dương dương đắc chí đọc lại một lần bài hát Ngụy Đông Đình vừa hát.

Nàng Tô trầm ngâm nói: “Không biết anh chàng họ Tôn đó như thế nào?”

“Đều tỏ rõ lòng trung thành,” Khang Hy phấn khởi nói, “Trẫm cũng không ngờ họ đồng lòng như vậy. Nhưng lúc đó Trẫm không muốn nói chuyện ngay với họ, nên bảo đám Sách Ngạch Đồ đi làm giấy tờ. Cho ngươi hay, có ông tên Lưu Hoa, bữa nay cũng tới, là gác cửa mà cũng là văn thư của Ngao Bái, Trẫm cũng không biết rõ, Tiểu Ngụy ở dưới làm việc cũng rất cố gắng.”

Nàng Tô nghe không nói gì, hồi lâu mới phì cười, nói: “Đức Vạn tuế tối nay đi ngâm thơ, không biết trong cung có việc đấy! Nô tài đã mạn phép giải quyết cho Đức Vạn tuế rồi!”

Khang Hy cười hỏi: “Có việc gì mà vui vẻ vậy?”

“Thái giám phòng trà Tiểu Mao là người ban nãy Đức Vạn Tuế đi và gặp ở cửa đó. – bị đại thị vệ Nạp Mô trị cho một mẻ hoảng kinh.” Nàng Tô vừa cười vừa ra bộ, đem chuyện kho trà kể lại cho Khang Hy nghe. Khang Hy cười ngặt nghẽo nói: “Những người bị Ngao Bái hại phải quan tâm một chút. Ngươi giỏi đấy, che giấu tang vật cho người ta lại được làm dì?” Hai người nói cười một hồi, nàng Tô hầu Khang Hy đi nghỉ.

Lưu Kim Tiêu phụng lệnh Ban Bố Nhĩ Thiện nghe ngóng tin tức Minh Châu ở quanh lầu Gia Hưng đã hơn một tháng rồi. Lần trước hắn trói bắt Hà Quế Trụ gặp Ngụy Đông Đình ở hẻm lau, bị “Lừa bướng” móc mất một con mắt. Từ đó, không cần lệnh chủ, ngày nào hắn cũng dẫn đàn em đi rảo quanh phố xá hòng tìm gặp Hà Quế Trụ hoặc Minh Châu, bắt được người nào cũng tốt, trước là cho hả cơn giận rồi sau sẽ hay, nhưng cả hai người như ma quỷ không còn thấy tăm hơi. Ngụy Đông Đình thì thường gặp, nhưng anh ta là cận thần Thiên tử, vào cung là quan tam phẩm, ra cung là ngồi cao trên xa mã, Lưu Kim Tiêu trừng mắt nhìn theo không dám vô cớ gây chuyện. Tự thấy võ công cũng thua một bậc, có ra tay nhất định bị thiệt nên không dám mạo hiểm.

Cũng là may, mấy bữa trước uống rượu ở nhà lão Hoàng phủ Nội vụ, nghe nói lầu Gia Hưng tuy không tiếp khách, nhưng cô Thúy ở đó gần đây làm thân với một thư sinh, còn nói có người thấy gã thư sinh này ở trong cung với Hoàng thượng, hắn rất đau lòng. Ban Bố Nhĩ Thiện còn căn dặn hắn không kể đám Ngũ Thứ Hữu hoặc Minh Châu, Hùng Tứ Lý, chỉ cần lén bắt được một người coi như lập được công, nên hắn tự mình thường quanh quẩn nghe ngóng bên lầu Gia Hưng, không dè một tháng ròng rã, không thấy tăm hơi gì.

Giờ Thân sắp qua, mặt trời sắp khuất phía tây, mây đỏ ửng cả góc trời, cũng không thấy một con cá nào sa lưới, lòng hắn buồn vô hạn, chửi thầm: “Lão Hoàng nói là thật hay là rượu vào nói ẩu hại cho lão gia ôm cây đợi thỏ!” Đang bực bội, bỗng mắt hắn sáng lên, Minh Châu tung tăng đi tới. Hắn sợ hoa mắt chăng, liền dụi dụi mắt, nhìn kỹ lại. Người đi tới mặc áo dài lụa đen, da mặt trắng trẻo, kéo theo cái đuôi sam dài đen sau gáy, “trai muốn đẹp, cả người đen” không sai chút nào, quả là một trang phong lưu tuấu tú. – Đúng là Minh Châu không sai. Lưu Kim Tiêu mừng thầm “Tốt!” nhìn theo Minh Châu vào cửa bước lên lầu, mới khoát tay bảo đàn em về gọi người.

Lại nói Minh Châu vừa lên lầu, đứng ngoài song nghe trong phòng có tiếng người. Nghe kỹ ra giống tiếng Hồ Cung Sơn làm trong viện Thái y.

“Cô Thúy, cô biết không, Cố Hoa Phong, Vưu Hối Am, Trần Kỳ Niên, mấy người này không chịu được rừng núi vắng vẻ, đã xuống kinh thành du lịch rồi!”

“Một chỉ dụ triều đình hạ xuống chín ngày. Di Tề cùng xuống núi Thủ Dương!” Trong nhà im lặng hồi lâu, mới nghe cô Thúy cười nhạt nói, “Ông muốn xuống núi, thì cứ đi, sao lại kéo người khác theo!”

“Ôi! Hễ nói ra là cô đã vặn vẹo rồi, tôi đâu có nói tôi muốn xuống núi, tôi còn muốn lên núi nữa kia!”

Minh Châu nghe nói sửng sốt. Anh không hiểu những lời không đầu không đuôi này có ý nghĩa gì, nhưng lại cảm thấy rất quan trọng. Nghe cô Thúy và ông họ Hồ thân mật tới mức này, thì hơi ghen tức. Nhưng quay lại cười mình: “Sao ta thế này, ta tuy mua sản nghiệp cho cô nhưng không phải mua cả con người cô, người họ Hồ đương nhiên cũng tới được!” Lại chú ý lắng nghe, cô Thúy nói: “Lên núi, lên núi làm gì?”

“Thấy công việc không làm được, nên định lên núi làm đạo sĩ, cô cũng đi làm đạo cô nhé!”

“Xem anh hay chưa!” cô Thúy nói: “Anh cho rằng tôi làm đạo cô dễ dàng thế sao?”

Minh Châu nghe tới đây, không kịp suy nghĩ, bụm miệng cười cao giọng nói: “Hay lắm! Một người muốn làm đạo sĩ, một người không chịu làm đạo cô, ghê gớm thật!”

Hồ Cung Sơn và cô Thúy không ngờ có người nghe lén, giật thót mình, vội mở cửa ra xem, thấy Minh Châu, không biết anh đến từ bao giờ, nghe được những gì. Minh Châu thì không thèm để ý, cười hi hi. “Lại là Di Tề xuống Thủ Dương, lại là lên núi làm đạo sĩ. – Có ai bắt buộc các vị đâu, làm gì phải đi lánh tới nơi hoang vu thế?” Vừa nói vừa bước vào nhà, đặt đít ngồi xuống, ngắm nhìn hai người.

Cô Thúy rót một chén trà bưng lên, cười nói: “Minh đại gia bao nhiêu ngày rồi không thấy tới.” Hồ Cung Sơn cũng cười nói: “Anh em chúng tôi đi làm đạo sĩ, đạo cô, quét sạch sân hè, túc hạ là quan trong triều cũng có thể tới chỗ chúng tôi tìm thú vui nhàn nhã!” Nói xong ba người nhìn nhau cười.

Một lát sau, Hồ Cung Sơn cáo từ ra về. Cô Thúy thấy anh không tự nhiên cũng không lưu khách, tiễn ra cửa rồi quay vào ngay, cười nói với Minh Châu: “Sao hôm nay anh có giờ rảnh đến chơi?”

Minh Châu không trả lời, nhăn mày hỏi: “Cô đã thân mật với anh Hồ. Sao không chịu hoàn lương?”

“Tùy anh ta! Anh ấy muốn, nhưng cũng phải hai bên đồng lòng thì mới thành chứ!” Cô Thúy nói dứt khoát, thấy Minh Châu thẫn thờ, liền thò tay ấn vào ngực anh, “Ghen rồi hả? Anh chàng ngốc, anh ta là anh nuôi của em!”

Minh Châu im lặng, nghĩ kỹ những lời họ vừa nói với nhau, rồi hỏi: “Cố Hoa Phong, Vưu Hối Am, Trần Kỳ Niên là gì? Giống như tên người, anh nghe không rõ.”

Cô Thúy ngẩn người ra một lúc lâu, bỗng cười khanh khách, ôm ngực mà cười, “Anh thông minh quá đấy, nghe cái gì vậy! Ngũ Hoa Phong có cái am sám hối, hồi nhỏ, sư phụ Trần Kỳ Niên tu đạo ở đó, anh muốn treo mũ từ quan về núi, hẹn em cùng đến nhờ cậy sư phụ của anh...” Nói đến đây cô cười muốn đứt hơi.

“Làm quan tốt rồi, sao bỗng nhiên muốn về ở ẩn?”

“Đó là viêc đàn ông các anh, em làm sao biết được?” Cô Thúy cười nói: “Chắc là trách cái mũ the đen hơi chật chăng!”

“Ông ta họ Hồ, em họ Ngô, làm sao hai người là anh em được?”

“Cái này,” cô Thúy thôi cười, nói, “nói ra câu chuyện dài, anh ta mê em, lại cứu sống em... sau mới nhận làm anh em nuôi – sau này có thời giờ em sẽ kể tỉ mỉ cho anh.”

Minh Châu thấy lòng thư thái, nghĩ lại mình đã nghe nhầm hàng loạt chữ nghĩa, cũng thấy buồn cười, cô Thúy muốn lái câu chuyện sang hướng khác, bèn vào trong lấy ra chiếc đàn ngọc, đặt trên bàn, đốt hương nói: “Anh đàn một khúc đi, em có mấy bài thơ mới, hát anh nghe được không?”

“Em chớ vội,” Minh Châu cười nói, “Bữa nay anh cũng được một bài thơ của Ngũ tiên sinh, mang cho em xem thử có hay không?”

Cô Thúy cười bước tới nói: “Nhất định là hay.” Lấy nhìn xem, là một bài thơ hồi vân:

Đứng tựa sơn đình mong cánh nhạn, xa xăm nhớ lại gửi mây trời.

Đạp thanh đầu bạc bao sầu khổ, thu lạnh quạ chiều ran tiếng ve.

Rồi cười nói: “Đang sầu quê hương lại có thơ sầu quê hương. Viết cũng không tồi.”

Minh Châu bèn rửa tay, sửa lại quần áo, ngồi ngay ngắn, cầm đàn dạo lên. Cô Thúy nghe ra điệu Dạ thâm trầm, nàng mở giọng nhìn theo thơ Ngũ Thứ Hữu mà hát. Hết một điệu, hai người nhìn nhau cười. Minh Châu bỗng gác đàn cười nói: “Phải nghe em hát đã.” Rồi chuyển điệu Lô thượng nguyệt. Cô Thúy nói “được” rồi hát khe khẽ:

Mầm xanh mới nhú tàn hồng hiếm, người đẹp lệ buồn ướt áo ai.

Bướm nọ chẳng màng xuân đến chửa. Hoa vàng hướng ấy cứ bay đi...

Minh Châu bỗng ngạc nhiên, ngừng đàn hỏi: “Em hát cái gì vậy?”

“Anh cứ đàn đi, còn bốn bài cơ!” Cô Thúy đang định hát tiếp, thấy thần sắc Minh Châu khác thường. vội hỏi: “Làm sao vậy?”

“Bài thơ này anh có thấy rồi, bốn bài sau anh cũng biết.” Minh Châu nói, “Em lấy ở đâu ra?”

“Ôi!” cô Thúy cười nói: “Ai tin anh?”

Minh Châu cười gằn: “Không tin? Em nghe đây – Lục triều chim én hàng năm tới. Tước đỏ bến cầu không nở hoa, Rầu rĩ hỏi chi Vương với Tạ. Chàng Lưu đi đó đã về chưa? – Có đúng không?”

Cô Thúy bỗng tái mặt, cảm thấy như bị ai quất mạnh, cô loạng choạng lui lại ngồi trên ghế tựa, nói: “Anh đã biết hết rồi còn hỏi gì nữa!”

“Anh biết cái gì?” Minh Châu cười nói, “Nếu anh đã biết thì còn hỏi em làm gì?”

Cô Thúy không đáp, chỉ truy hỏi: “Bài thơ này anh thấy ở đâu?”

Minh Châu ban đầu chỉ cho là chuyện đùa, thấy cô bỗng dung nhan biến sắc, ánh mắt lạ thường, nghĩ có ẩn tình sâu nặng, cảm thấy đau lòng, liền cười nói: “Em Thúy, em biết là anh làm gì rồi, việc gì anh cũng biết được!”

“Đây là thơ của ông em!” cô Thúy kêu lên. “Anh chẳng phải là thị vệ của Hoàng đế sao? Đã đưa ông em đi tới đâu rồi? Anh cho em biết, anh cho em biết đi!” Cô Thúy đã hoàn toàn không làm chủ được mình, mặt trắng bệch, người run rẩy, giọng nói cũng trở nên the thé khàn khàn, như hổ báo nhảy bổ lên nắm áo Minh Châu, nghiến răng thét: “Ta vẫn tưởng mi là người tốt! Ta đã hiến tấm thân trong trắng cho mi, mi, mi coi ta như trò tiêu khiển...”

Một thiếu nữ yêu kiều, vì mấy câu thơ mà bỗng chốc bộ mặt trở nên đáng sợ, làm Minh Châu hoảng hồn – chỉ cần anh còn sống thì anh không sao quên được cảnh tượng hãi hùng này – anh vùng vẫy, năm ngón tay cô Thúy cứng như thép, anh càng kinh hồn.

Đúng lúc đó, nghe dưới lầu có đám người la ó, bọn đầy tớ gái trai kêu khóc nhốn nháo, hai người không kịp suy nghĩ, cánh cửa lầu mở toang đánh rầm một tiếng, tên chột mắt Lưu Kim Tiêu dẫn một toán người cười độc ác hiện ra trước cửa. Tiếng chân người ồn ào rậm rật trên lầu dưới lầu, Minh Châu biết không ra được nữa rồi.

“Thế nào?” Lưu Kim Tiêu nhướng con mắt độc nhất cười hỏi, “Gái đĩ lầu xanh này đi khách cũng ít thấy nhỉ! Hê hê...”

“Mày ăn nói đường hoàng một chút, mẹ mày mới là con đĩ!” Cô Thúy chậm rãi buông tay ra, cô hơi có vẻ chậm chạp, trong lúc kinh hãi, tình cảm quá kích động được nới lỏng, cô bắt đầu trở lại rất lý trí, “Tôi ở đây có nhà có cửa, có tên có họ, trong thế giới thái bình dưới chân Thiên tử, các người muốn gì? Các người ở môn phủ nào mà ngang tàng vậy!”

“Không có gì, không liên can gì đến mày.” Lưu Kim Tiêu thấy cô ăn nói gọn ghẽ cứng cỏi không dám coi thường, nói: “Đại nhân Ban Bố Nhĩ Thiện có chút việc cần thỉnh giáo đại nhân Minh Châu, mời anh sang phủ một chuyến.” Hắn giảu mồm, hai tên lực lưỡng áo đen tiến lên kèm Minh Châu đưa đi. Cô Thúy bước lên định ngăn, bị chính tay Lưu Kim Tiêu chặn lại, đánh cho lảo đảo, vừa định thần lại, cô kêu to: “Các người không được bắt đi! – Minh Châu, con người không có lương tâm, anh nói mau, ai cứu được anh, nói mau lên!”

“Hoàng thượng!” Minh Châu đã bị kéo xuống thang lầu, nghe cô nói liền to tiếng trả lời.

“Anh nói mau, ông nội tôi…” Vừa hỏi tới đây, cô Thúy cảm thấy không tiện hỏi, bèn dừng lại. Bây giờ chỉ còn nghe Minh Châu nói mấy tiếng: “Anh không...” Tiếp tới hai bạt tai nghe “bách bách”, nghe như mồm bị nhét thứ gì vào.

Người đi hết, không gian trở lại yên tĩnh, cô Thúy ngồi đó, như vừa trải qua một cơn ác mộng. Một làn gió thổi lại, ngọn nến đỏ chớp chớp mấy cái rồi tắt phụt. Chỉ còn vầng trăng lạnh lẽo từ trên cao tĩnh lặng chiếu xuống tòa lầu Gia Hưng. Trước hiên, vó sắt lạnh lùng vang vọng “tinh tang” “tinh tang”.