Khang Hy Đại Đế - TẬP 1 - Chương 27

27

Việc xưa việc nay khó phân khó giải

Tình cũ tình mới bối rối tâm can

Cô Thúy trằn trọc trên giường, mãi tới canh tư vẫn chưa chợp mắt.

Cha cô Ngô Đình Huấn, nguyên là Tiến sĩ năm Sùng Trinh thứ ba nhà Minh trước, quan chủ khảo là Đại học sĩ Hồng Thừa Trù. Hồng Thừa Trù con người phong độ ung dung, được sĩ tử đương thời sùng kính. Ngô Đình Huấn được nương tựa làm môn đồ là một việc danh giá, thường lấy thế làm vinh. Hồng Thừa Trù cũng đối xử đặc biệt với người học trò tài năng này. Sau khi Sấm vương, Cao Nghênh Tường khởi sự, Hồng Thừa Trù lãnh Binh bộ Thượng thư kiêm đốc quân vụ Hà Nam, Hồ Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Thiểm Tây. Ngô Đình Huấn theo vào Mạc phủ, tham tán việc quân cơ trọng yếu. Trong hoạn nạn khó khăn, hai thầy trò kết nghĩa tình sâu nặng, thường khi rảnh rỗi cùng dong ngựa, ra roi thơ phú, được người trong quân ngũ hâm mộ khôn cùng.

Cao Nghênh Tường bị đánh bại, Lý Tự Thành dẫn tàn quân chạy sang vùng Thương Lạc. Chiến sự vùng Trung Nguyên dần dần dẹp yên, không ngờ kinh sư lại truyền chiếu chỉ, lệnh cho Hồng Thừa Trù đánh vào vùng ranh giới Hà Bắc, Hà Nam. Ngô Đình Huấn cũng theo thầy giáp chiến với quân Thanh ở Tùng Sơn.

Không lâu, tiền phương truyền về tin chiến bại, Hồng Thừa Trù mất tích, Tổng binh Dư Quốc Trụ trúng tên chết tại trận. Tào Biến Giao, Vương Đình Thần, Khâu Binh Ngưỡng bị bắt, anh dũng bất khuất, mắng giặc mà chết.

Tin truyền ra trăm họ lê dân cả thành Bắc Kinh hoảng sợ náo động. Mẹ cô Thúy ôm con gái mới đầy năm, sốt ruột phát điên lên, gặp ai cũng hỏi: “Hồng Kinh lược còn sống hay chết?” Bà tin rằng số phận chồng mình gắn liền với Hồng Thừa Trù. Hồng Thừa Trù mà chết thì chồng mình cũng không sống được, cho nên hỏi được tin Hồng Thừa Trù thì biết được tung tích chồng mình.

Nhưng việc đó ai dám nói rõ ràng? Không lâu, triều đình đưa về sắc lệnh khen thưởng và ba trăm lạng bạc tiền tuất, nói chồng bà đã cùng Hồng Thừa Trù chết vì việc nước. Bà ôm con gái tới vùng ngoại ô hoang vu phía đông bắc thành, đốt người giấy, ngựa giấy, nhà cửa giấy, rồi vào một rừng tùng gần đó khóc đã đời một trận, và đốt bao nhiêu giấy vàng bạc hảo hạng – đốt cúng cho cả phần Hồng Thừa Trù. Như bao người vợ hiền thục truyền thống thường ca ngợi, làm xong các việc đó, bà cảm thấy thư thái đi nhiều, vì chồng bà cùng Hồng Thừa Trù khí tiết tập trung vì nước hy sinh, là cái chết đáng giá!

Vua Sùng Trinh vốn định làm long trọng nhân cái chết của Hồng Thừa Trù, lấy đó khích lệ tinh thần chiến đấu của tướng sĩ các đạo quân cần vương và lòng trung quân ái quốc, ra lệnh dựng đàn cúng thật cao, lập nhà thờ thờ Hồng Thừa Trù ở ngoại thành Bắc Kinh, và tự tay viết văn tế dán khắp nơi. Mẹ cô Thúy mừng vui thanh thản lại thêm lòng biết ơn – Hồng Kinh lược đã thành thần, thì chồng bà cũng nhờ đó mà được dân tình hương khói. Bà còn tự hào: Ai chẳng biết ông lão nhà tôi là bạn chí thiết của Hồng Kinh lược? Bà ôm con gái cười nói: “Con ơi, cha con tận trung vì nước, con là xương máu của cha con, có khó bao nhiêu ta cũng phải nuôi con thành người!” Vừa nói, vừa cười, giọt lệ to bằng hạt đậu âm thầm lăn trên gò má.

Nhưng sự thật lại tàn khốc, Hồng Thừa Trù đáng ra phải hy sinh vì nước lại mặt dạn mày dày còn sống ở trần gian! Triều đình tuy không có chiếu chỉ công khai cho thiên hạ, nhưng nhà thờ xây bằng đất vàng đã bị các hiệu úy đánh sập, chỗ đất làm nhà thờ cũng bị đào bới, các văn tế vua làm dán khắp nơi trong một đêm đã bị bóc sạch, cho dù là óc bằng bã đậu thì đối với việc đó cũng phải nghĩ ra là chuyện gì.

Ngô Đình Huấn đã trở về trong một đêm gió tuyết. Người ông đầy tuyết, mặt mày bẩn thỉu, râu ria lởm chởm không ai nhận ra được. Mẹ Thúy kinh hoảng suýt để rơi đứa con ôm trong lòng.

Ngô Đình Huấn đau khổ nhìn bài vị mình trên bàn thờ, rồi ngồi xuống yên lặng. Mẹ Thúy trân trân nhìn chồng, rồi bỗng bật lên một hồi khóc thét xé lòng: “Triều đình tuyên dương anh... sao anh còn sống trở về... hả?... Anh nói nghe thử nào!”

Ngô Đình Huấn không trả lời, chỉ lặng nhìn phu nhân kêu khóc. Sự trầm mặc và trấn tĩnh đáng sợ đó đã làm cho vợ ông thôi khóc, rồi kinh ngạc không biết làm gì. Ngô Đình Huấn ôm vai vợ, nói bình tĩnh: “Nhà đừng làm vậy – Hồng Kinh lược chưa chết, thì tôi làm sao chết được? Một con người không thể bị người lừa dối suốt đời, tôi phải xứng đáng với ngài!”

Thiên hạ nhà Đại Minh không ổn rồi, Ngô Đình Huấn đã thấy được điều này. Lý Tự Thành khởi binh ở Thương Lạc, vây Lạc Dương, chiếm Khai Phong, xua quân ra Bắc. Quân cờ xanh Mãn Châu thắng ở Tùng Sơn, tập trung dày đặc ở vùng Sơn Hải quan, ở khẩu Cổ Bắc, khẩu Hỷ Phong nhòm ngó Trung Nguyên. Mất nước chỉ trong sớm tối, ông đưa vợ con rời khỏi kinh thành, lưu lạc đến Tế Nam, Thái An, Sơn Đông, rồi ẩn cư Nam Kinh. May là ông không nghèo lắm, nhờ vào tích lũy thời làm quan, ông vẫn sống dư dả. Ban ngày ông du ngoạn ở thành Thạch Đầu, núi Thanh Lương, ban đêm dạy con gái ê a đọc sách ngâm thơ, không kết giao bè bạn, cũng không thăm viếng bạn cũ. Năm bài thơ đó ông viết trên bức vách nát chùa Linh Cốc, không biết do một văn nhân hiếu sự sao lại chép trong vườn Phong Thị Bắc Kinh – Minh Châu và cô Thúy đâu có biết sự vòng vo trong đó?

Cô Thúy trở mình, lấy dưới gối ra con dao nhỏ rọc giấy – cha cho cô trong một đêm tối trời vào năm Thuận Trị thứ mười. Năm đó cô mười hai tuổi, mọi việc còn rõ ràng như mới hôm qua. Cha run rẩy hai tay đưa con dao rọc giấy cho đứa con gái yêu quý, nói trong nước mắt: “Con ơi, mười một năm trước cha mang một nỗi ô nhục lớn, kẻ sĩ có thể chết, nhưng không thể nhục, mối thù này không thể không trả! Ngày mai kẻ thù tới Nam Kinh, cha phải đi gặp hắn! Cha không có gì cho con, con giữ vật này làm kỷ niệm!”

Mẹ Thúy đã khóc đến đứt hơi, nghẹn ngào: “Bây giờ hắn là người Mãn Tác-ta, khí thế còn hung ác hơn trước. Bây giờ thiên hạ đã ổn định, nhà không muốn làm việc cho chúng, thiếp sẽ theo nhà ở ẩn suốt đời trong núi, nhà cần gì...”

“Cái cần nói tôi đã nói rồi.” Ngô Đình Huấn cười điềm nhiên: “Trước kia nhà mong tôi chết để cho nhà giữ danh giá; còn bây giờ nhà mong tôi sống, nhà muốn sống những ngày thái bình, quả là nhà muốn bắt cá hai tay!” Lời nói chưa dứt, mẹ Thúy đã khóc rống lên, cô Thúy cũng khóc òa chạy đến ôm chầm cổ cha: “Cha ơi! Mẹ mới sinh em, cha đừng đi, con không muốn cha đi!”

Ngô Đình Huấn nước mắt ròng ròng, thở dài nói: “Đã không dứt được, tôi... thôi chịu nhẫn phen này!” Ông lắc đầu nói tiếp: “Hồng Thừa Trù ngày mai đãi tiệc, tế tướng sĩ quân Thanh nam chinh tử trận, tôi muốn tới xem... ôi!”

Sự việc tưởng như vậy là xong, không ngờ lại xảy ra một việc đại sự, Ngô Đình Huấn không thể không đi gặp Hồng Thừa Trù. Sáng sớm ngày thứ ba, Ngô Đình Huấn vừa ăn sáng xong, người ngoài cửa vào báo: “Kim Lượng Thái, công tử của Kim lão gia tới thăm!”

“Kim lão gia nào?” Ngô Đình Huấn ở Nam Kinh sống ẩn dật, rất ít qua lại với người ngoài, bỗng nghe có người tới thăm, một hồi nghĩ không ra.

“Lão gia Kim Chính Hy!”

“Hả? Mau mời vào!” Ngô Đình Huấn bỗng nhớ ra.

Kim Chính Hy là anh em kết nghĩa, từng cùng làm việc dưới trướng Hồng Thừa Trù, tính khí rất thẳng. Trong trận Tùng Sơn, Ngô Đình Huấn từ trong đám xác chết bò ra xin ăn về tới kinh, đã có nghe Kim Chính Hy chết rồi, bây giờ nghe nói con trai ông đến, thật là vừa sợ vừa mừng, liền dặn gọi phu nhân ra, vừa đi nhanh ra cửa. Mới ra khỏi thư phòng, đã thấy một chàng trai khoảng hai mươi tuổi loạng choạng đi vào, quỳ lạy, kêu khóc thảm thiết: “Chú Ngô...”

Thấy cháu khóc thảm thương, Ngô Đình Huấn vội kéo dậy: “Hiền điệt, không nên thế, mau đứng lên!”

“Chú không cứu cha cháu, thì cháu không đứng dậy!”

“Cha cháu?” Ngô Đình Huấn giật nẩy mình, “Ông vẫn còn sống? Hiện nay ở đâu?”

“Hiện đang bị giam ở ty Đại Lý khi trước, ngày mai...”

“Làm sao?”

“Ngày mai, trong lễ tế quân Thanh tử trận ở đấu trường Nam Giao, Hồng Thừa Trù sẽ giết cha cháu để tế cờ!”

Nghe tin như sét đánh ngang tai, Ngô Đình Huấn mồ hôi đầy người, mặt trắng bệch, giọng run run hỏi: “Hồng Hanh Cửu? Ông cũng là anh em kết nghĩa của cha cháu, sao ông ta nỡ ra tay ác độc?”

Số là Kim Chính Hy cũng trốn thoát từ trận Tùng Sơn. Vì ông là quan võ, triều đình xử lý cực nghiêm những tướng sĩ thua chạy, không dám về kinh, thay tên đổi họ trốn xuống nam đô Kim Lăng ẩn trốn trong nhà bà con. Thành Nam Kinh thất thủ, bị phó tướng Hạ Thành Đức, người đã đầu hàng quân Thanh trong trận Tùng Sơn bắt được giam vào ngục.

Bây giờ, Hồng Thừa Trù với tư cách là “Chiêu phủ nam phương Tổng đốc quân vụ Đại học sỹ” nhà Đại Thanh về trấn thủ Kim Lăng, nghe nói Kim Chính Hy đang bị giam tại đây, bèn sai Hạ Thành Đức tới thuyết phục có ý lôi kéo. Không ngờ Kim Chính Hy nghe nói ba tiếng “Hồng Thừa Trù” đã bịt tai, nhắm mắt, nói: “Ông Thành Đức, trước nay ông thích lừa người, mười năm nay không có tiến bộ gì sao? Hanh Cửu có thể vô liêm sỉ, nhận giặc làm cha, như ông sao?”

Hạ Thành Đức dở khóc dở cười, đành phải lấy đạo lý trời phải chiều người để nói với Kim.

Không biết làm sao được, Kim Chính Hy chỉ lắc đầu, “Ông có nói cho người chết sống lại tôi cũng không tin! Hồng Hanh Cửu là Tiến sĩ năm Vạn Lịch thứ bốn mươi tư, làm quan mười năm, chỉ tới chức Tham chính Bố chánh sứ Thiểm Tây. Đức Sùng Trinh lên ngôi, không bao lâu lập phủ Nha Khai, được thăng làm Binh bộ Thượng thư, Thái bảo của Thái tử, Tổng đốc Kế Liêu, địa vị cực cao! Từ nhà Minh trở lại có ai được ân sủng sâu sắc như Hanh Cửu – có ai được ân sủng sâu sắc mà phản lại vua? Ông nói Hồng Thừa Trù này có phải một người nào khác giả mạo chăng?”

Nghe nói khi Hạ Thành Đức thuật lại những lời này cho Hồng Thừa Trù nghe, Hồng như bị bò cạp đốt, nhíu đôi chân mày, cười nói: “Ông già này tính nóng không chừa, ta không thể gặp!” Không bao lâu có tin phải giết Kim Chính Hy tế vong linh lính Thanh. Nghe công tử Kim nói, Ngô Đình Huấn vừa thẹn vừa giận. So với Kim Chính Hy, ông cảm thấy mình không đáng là anh em của ông ta. Bản thân mình từ lúc được học hành đến nay, càng ngày càng hiểu sâu đạo lý: Vua lo thì tôi nhục, vua nhục thì tôi chết. Bây giờ vua thắt cổ chết ở Môi Sơn nhiều năm rồi, phần mình trước nay luôn giữ dạ trung trinh, thì lại còn sống trên cõi đời này! Lại nghĩ tới Hồng Hanh Cửu, người mà hồi đó mình rất kính phục, thương yêu, tôn thờ như thầy học, lại có bộ mặt làm người ta nôn mửa đến thế! Hơi thở ông thêm dồn dập, cảm thấy máu nóng bốc lên đầu, khắp người nóng ran khó chịu.

Ông kéo tay Kim Lượng Thái nói: “Cháu yêu, chú đi là được chứ gì!” Rồi vào thư phòng, phu nhân và cô Thúy đã đợi ở đó.

Ông lại lấy con dao rọc giấy lặng lẽ đưa cho cô Thúy, cô Thúy ngước nhìn mặt cha, Ngô Đình Huấn quay mặt đi, nói với vợ: “Mẹ con nhà trở về phủ Hà Gian đi, sống nhờ hai mươi mẫu ruộng đó... Cứu không được Kim Chính Hy, thì mẹ con nhà đừng đợi tôi nữa; Nếu cứu được thì còn có thể muối mặt sống thêm mấy năm...” Nói xong đứng lên sửa lại khăn áo ra đi, chẳng buồn quay đầu nhìn lại…

Nghĩ tới đây, cô Thúy đã nước mắt đầm đìa. Cô nhìn con dao rọc giấy, nhớ lại em trai và mẹ đã thất lạc mười lăm năm nay, nhớ lại Lượng Thái bị tàn sát trong Hắc điếm, những tia lửa giận ngời lên trong ánh mắt. Rồi lại nhớ tới Minh Châu, bỗng thấy sốt ruột, liền vùng dậy, thay bộ quần áo con trai, rời khỏi lầu Gia Hưng, đi tới hẻm Sư Tử tìm nghĩa huynh Hồ Cung Sơn. Cô muốn nhờ Hồ Cung Sơn đi cứu Minh Châu.

Do Ngao Bái đề phòng nghiêm ngặt. Đến canh năm tiểu Tề mới đưa tin “Bạch vân quan mất gió”. Ngụy Đông Đình vùng dậy ngay, hoảng hốt một mình phi ngựa tới cửa Tây Hoa, định vào cung. Có điều hôm nay không phải ngày anh trực, không đem theo thẻ bài, tên lính cửa mới đổi phiên, nói thế nào cũng không chịu cho vào, hắn cười theo nói: “Mời đức ông dừng lại! Tên tuổi ngài, chúng tôi biết, nhưng nơi đây đã thay thủ lĩnh, đức ông không có thẻ, không thể để ngài vào được. Quan lớn đang ngủ, đợi ông thức dậy, tiểu nhân bẩm lại...” Ngụy Đông Đình không có lòng nào nghe hắn uốn lưỡi, nhớ lại Khang Hy nói hôm nay đi lên Sơn Cô, bỗng toát mồ hôi hột, trợn tròn mắt, tát cho tên lính một cái “đốp”, mắng rằng: “Tên nô tài lưu manh, chút nữa lão gia trở ra sẽ tính sổ với mày!”

Vừa chửi vừa đi vào cung, thì thấy phòng bên ló ra một tên to lớn như hộ pháp đứng chặn đường, nói lạnh lùng: “Ngụy đại nhân, hơi mạnh tay rồi chăng?” Ngụy Đông Đình nghe tiếng ngẩng đầu, bất giác cảm thấy lạnh người: Tên thủ lĩnh mới thay này vốn là tay bợm già Lưu Kim Tiêu. Hắn mặc một bộ quân phục thị vệ ngũ phẩm mới toanh, hai tay trước ngực, rất có khí thế, mắt độc nhãn ngó nghiêng nói: “Tuy ngài là thị vệ cung Càn Thanh, nhưng không được đi qua phía này, lại không có thẻ, vậy xin lỗi ngài thôi!” Nói xong quay đầu quát to: “Bay đâu!” Một tay chỉ Ngụy Đông Đình nói: “Mời Ngụy đại nhân tới nghỉ ở phòng bên, đợi quan trên tới giải quyết!”

“Đồ trắng trợn!” Ngụy Đông Đình trợn mắt quát: “Ta phụng đặc chỉ Hoàng thượng, cửa nào ta cũng ra vào được!”

“Không cần biết!” Lưu Kim Tiêu rất sáng ý, nói: “Hôm nay ngài xông vào cửa cung, để ngài đi, tôi đây có tội trước. Bay đâu, đưa hắn vào!”

Ngụy Đông Đình thấy tình hình không hay, định rút đao ra thì sờ không thấy. Số là anh quá vội, quên cả đeo đao, thấy hai tên lính xông lên, tình thế khẩn cấp, hai tay phanh ra theo thế “đẩy sổ thấy trăng”, hai tên lính vừa chạm tay, cảm thấy như vồ vào chỗ không, vội vàng rút tay lại liền bị Ngụy Đông Đình thuận đà tống ra, hai người “á” lên một tiếng, ngã văng ra xa hơn một trượng. Ngụy Đông Đình cười gằn một tiếng: “Thế nào? còn dám dùng võ hả?”

“Không dùng võ cũng không thể để yên cho ông!” Lưu Kim Tiêu phất tay, ba mươi tên hiệu úy chờ sai việc ở cửa Tây Hoa rút đao ùa lên dàn hình cánh quạt xáp tới Ngụy Đông Đình.

Ngụy Đông Đình nôn nóng thoát thân không muốn đánh nhau, vội nhảy lui ra mấy bước dắt ngựa đi, lại thấy Nạp Mô dẫn mấy chục người chặn phía trước. Một phút kinh ngạc, Nạp Mô quát một tiếng: “Còn không bắt lấy.” Ba bốn người xông lên như hổ đói, nắm chặt cánh tay anh kéo mạnh ra sau. Lúc này người bản lĩnh cao cường đến mấy cũng không thoát ra được, Nạp Mô cười nói: “Ngài là người tin cẩn của Thánh thượng, ta cũng không làm khó cho ngài, chẳng qua chỉ vâng lệnh làm việc công thôi. Ngài nói đi, ai bảo ngài giờ này xông vào cung cấm?”

Ngụy Đông Đình bị mấy người đè chặt cứng, không ngóc dậy được, chỉ ngẩng mặt quát to: “Ta phụng chỉ kiến giá!”

“Phụng chỉ?” Nạp Mô cười ha hả: “Ngày nào các người cũng nói Ngao Trung đường giả mạo Thánh chỉ, té ra các người cũng làm cái trò đó! Ta về tra ra rồi, sẽ nói chuyện với ngài!” Hắn nói nhỏ: “Hoàng thượng hôm nay mặc thường phục vi hành Bạch Vân quan. Hì hì, làm gì có Thánh chỉ cho ngài? Nói cho ngài hay, Ngao Trung đường có lẽ cũng cử người đi hộ giá đó!” Nói xong phất tay, mấy người túm chặt Ngụy Đông Đình rùng rùng áp giải vào một phòng nhỏ để cho lính gác nghỉ ngơi, trói anh thật chặt vào cột nhà, mồm nhét giẻ. Nạp Mô sai dặn: “Giữ nó cho kỹ, về bẩm cho quan lớn phủ Nội Vụ giải quyết!” Nói xong nghênh ngang bước đi, lúc đó trời đã sáng rõ.

Kỳ thực Ngụy Đông Đình chỉ tới sớm mấy bước, chỉ cách trong giây lát, nếu chậm lại một chút thì có thể ngăn được xa giá Khang Hy, bởi vì hôm nay Khang Hy xuất hành ra cửa Tây Hoa. Do nàng Tô nhanh mắt phát hiện cửa Tây Hoa như đổi những gương mặt mới lạ. Khi xe kiệu qua, nàng nhìn qua cửa kính chỉ thấy thoáng qua. Có ngờ đâu giờ này, Ngụy Đông Đình đang ở trong cửa sổ nhìn trừng trừng như phát điên lên.

Khang Hy tâm trạng nặng nề ngồi yên trong xe, chằm chằm nhìn cảnh trí bên ngoài. Càng ra ngoại ô, người trên phố xa càng thưa dần. Đang là đầu mùa đông, dương liễu bên đường xanh đen, cây phong còn sót một ít lá đỏ, hiện ra một quang cảnh khác. Gió tây bắc xào xào thổi làm tung lên từng đám lá rụng màu đỏ như nhảy múa trên mặt đất. Nàng Tô nhìn cảnh vật bên ngoài, thở dài nói: “Không để ý mà đã đến mùa đông rét đậm rồi. Non nước tiêu điều, khí lạnh khắp trời. – Nô tài muốn nói chúng ta đi hơi sớm một chút, Đức Vạn tuế có lạnh không?”

“Không lạnh. Trẫm muốn ở lâu bên ngoài một chút, rồi hãy tới Sơn Cô.” Khang Hy đang trầm tư trả lời.

Hai người đang nói chuyện, xe bỗng nhảy lên, hai người chồm tới trước, vừa mới ngồi vững lại, đã nghe Trương Vạn Cường cao giọng hét: “Mày làm sao thế, không muốn sống nữa à?” Nàng Tô nhìn qua rèm thấy một người ra vẻ nô bộc đang cười nói: “Đi đường xa mệt rồi, muốn quá giang ông một đoạn đường.”

Nàng Tô vén rèm thò đầu ra nói to: “Ông thật ít thấy! Xe chúng tôi chật rồi, huống hồ, ông là đàn ông...” Nói xong bèn bảo Trương Vạn Cường: “Còn đợi gì? Chúng ta đi thôi!”

Người nô bộc giơ tay ra ngăn: “Chị hai, người dù có chật, thêm ta một người thì can hệ gì!” Nói xong nhìn thẳng vào nàng Tô, “Còn nói ta là đàn ông thì trong xe cũng có một người không phải là đàn ông sao?”

Nàng Tô tuy cũng là con nhà nghèo, nhưng từ nhỏ đã vào cung cấm, được nhiều ân sủng, thấy ông ta nói năng ngạo mạn, đôi mắt đỏ quạch nhìn trừng trừng vào mình, bất giác cảm thấy vừa tức vừa thẹn, liền thả rèm xuống, không thèm để ý ông ta, Khang Hy đã ghé mắt nhìn ra quan sát, tuy thấy người này quen mặt, nhưng không nghĩ ra là đã gặp ở đâu.

Người đó vẫn chặn xe không cho đi, và nói có việc gấp cần lên Bạch Vân quan.