Khang Hy Đại Đế - TẬP 1 - Chương 32

32

Tại điện vàng, Khang Hy tiếp nghịch thần

Nơi phủ Ngụy, Uyển Nương thăm tiên sinh

Một việc không ngờ tới: Hôm sau mới sáng sớm, Khang Hy đã sai Trương Vạn Cường truyền chỉ, triệu gặp Ngao Bái, mà chỉ gặp riêng một mình. Trương Vạn Cường phụng chỉ khi đến phủ Ngao Bái nhằm lúc ông ta dùng điểm tâm. Vì là “nghỉ ốm” tại nhà, Trương Vạn Cường truyền chỉ cho miễn các thủ tục tiếp chỉ, chỉ đứng nói chầm chậm: “Đức Vạn tuế triệu ngài lên điện.”

Việc không ngờ tới, quá đột ngột, Ngao Bái giật mình, một chặp trấn tĩnh lại, đặt đũa xuống nói: “Hoàng thượng không nói là việc gì sao?”

“Bẩm Trung đường.” Trương Vạn Cường ung dung cười nói, “tiểu nhân không biết. Trước nay nội thần không hỏi chuyện ngoài, đó chẳng phải chuyện chơi.”

“Bay đâu! Lấy năm mươi lượng bạc thưởng ông ta!” Ngao Bái biết rõ Khang Hy rất bí mật, không hỏi ra chuyện gì, bèn nói: “Ngài đi trước, tôi sẽ tới ngay!” Đợi Trương Vạn Cường ra khỏi cửa, Ngao Bái quay đầu gọi: “Bay đâu, đi mời Ban đại nhân tới đây ngay!”

Đêm qua ở đây cũng bí mật bàn bạc thâu đêm, đến khi trời sáng rõ, mọi người mới đi nghỉ. Mấy người: Ban Bố Nhĩ Thiện, Tế Thế, Nap Mô, Cát Chư Cáp được sắp xếp nghỉ ở phòng lối sảnh hoa phía sau, cho nên chưa tàn nửa điếu thuốc, Ban Bố Nhĩ Thiện đã tới. Vừa vào cửa đã hỏi: “Trung đường, việc gì vậy?” Ngao Bái cười nói: “Đêm hôm qua tính sai rồi, lão Tam gọi tôi vào chầu!”

“Thật à?” Ban Bố Nhĩ Thiện nghi ngờ, đứng ngẩn ra một lúc, hốt hoảng nói: “Hắn bất quá cũng chỉ tỏ ra vững vàng chút thôi. Trung đường cứ yên tâm, không thể nói gì khó khăn cho Trung đường đâu!” Thấy Ngao Bái trù trừ, Ban Bố Nhĩ Thiện nói thêm một câu: “Hắn không muốn lộ mặt với chúng ta, chúng ta tạm thời cũng không thể lộ mặt đối với hắn, chẳng phải là hai lần tốt nhập một hay sao” Coi như đã nói rõ sự việc, Ngao Bái nói “được”, rồi mặc lễ phục, cẩn thận đeo vào cổ một chuỗi ngọc hương, bước ra trước thềm gọi to: “Chuẩn bị kiệu!”

Cuộc tiếp kiến này tại cung Càn Thanh. Ngao Bái đến trước thềm thấy Cát Chư Cáp, A Tư Cáp đứng gác, chỉ liếc qua rồi vạch rèm đi vào, quỳ mọp xuống đất. Bên cạnh Khang Hy chỉ một mình Trương Vạn Cường nâng khăn lược đứng hầu, thấy hắn đi vào, Khang Hy gập một tờ giấy vàng đang cầm trong tay, nói bình tĩnh: “Mời đứng lên!” Rồi gọi to: “Mang ghế!”

Hai tên lính gác bên ngoài nghe gọi vội chạy vào, phủ lên chiếc ghế Thái sư một tấm đệm cỏ râu rồng màu vàng, rồi khom người lui ra. Ngao Bái ung dung ngồi xuống rồi ngước đầu nhìn Khang Hy.

Hai người gần bốn tháng không gặp nhau. Khang Hy cao lớn hơn trước, sắc mặt hồng hào, đầu đội mũ lụa vàng nhạt tua tơ sống, chân đi ủng đen vóc xanh bên trong, áo bông vóc xanh bên ngoài là áo khoác kép lụa Thạch thanh giang thêu rồng vàng, chiếc thắt lưng da nạm ngọc hơi ló ra ngoài áo khoác, tay cầm một chuỗi ngọc châu, ăn mặc chỉnh tề, tỏ ra có khí thế.

Đang chú ý nhìn, Khang Hy lên tiếng: “Khanh gần đây sức khỏe có tốt không?”

“Đội ơn Hoàng thượng chiếu cố,” Ngao Bái hơi nghiêng mình trên ghế đáp, “lão thần trước nay mắc bệnh đau đầu, gần đây đau thường xuyên, xem ra càng ngày càng tệ.”

“Khanh phải bảo trọng, hiện nay việc quốc gia đại sự quá nhiều đều phải nhờ vào khanh.” Quay đầu bảo Trương Vạn Cường. “Hồi trước Đạt Lai Lạt Ma về triều thăm có cống vị thuốc thiên ma, còn củ sơn sâm già cùng mang đến tặng cho ông.”

Cái này đã chuẩn bị sẵn, Trương Vạn Cường “dạ” một tiếng, lấy từ trên bàn xuống hai cái tráp bọc vóc vàng nhạt, quay người hai tay dâng lên. Ngao Bái tạ ơn, nhận quà và đặt lên bàn trà trước mặt, hỏi: “Hoàng thượng triệu thần, không biết có tuyên dụ gì?”

“Không có việc gì quan trọng.” Khang Hy lạnh nhạt nói, “Đây là sớ tấu của Tuần vũ Triết Giang, đưa lên hôm qua, thấy khanh không có lời phê, muốn gặp khanh bàn một chút, phải có cái tôn chỉ làm việc mới được.”

Té ra là việc này, lòng Ngao Bái bỗng thấy thư thái, không còn cái thần sắc cẩn thận cảnh giác. Tờ sớ này nói chuyện mấy người di lão triều Minh cũ: Hoàng Tông Hán, Lý Triết, Ngũ Trĩ Tốn... làm đại hội danh sĩ gì ở Hàng Châu, có phụ kèm theo sau thơ ca họ viết. Thơ ca này không ngoài loại gió tuyết trăng hoa, nhưng ẩn dụ bên trong có chỗ phạm húy. Cho dù không có, thì việc những người đó thường tụ tập một chỗ cũng đủ gây lo ngại. Ngao Bái không có lời phê, không phải là thấy không quan trọng, nhưng không biết viết sao, lại không muốn vì chuyện này mà đi bàn bạc với Ban Bố Nhĩ Thiện, nên giữ lại mấy ngày rồi cuối cùng để nguyên tờ sớ vào tráp vàng đưa lên. Bây giờ Hoàng đế đã hỏi, cảm thấy chi bằng để Hoàng đế tự tay làm mới tốt. Nghĩ thế, Ngao Bái đằng hắng một tiếng rồi nói: “Những người này rất khó xử lý, nói là sĩ diện, kỳ thực là xem chiều gió, nô tài cũng không có cách gì hay. Triều ta vào Trung Nguyên ổn định cơ nghiệp đến nay, di lão tiền Minh được dân chúng tin phục duy chỉ có một người Hồng Thừa Trù mà thôi.”

“Còn có Tiền Khiêm Ích, nhưng danh tiếng của họ không tốt. Hồng Thừa Trù chết còn thối lâu. Năm nay người Nam Kinh ăn Tết, có dán ở cửa nhà một câu đối, vế trên là: Một hai ba bốn năm sáu bảy, vế dưới là: Hiếu đễ trung tín lễ nghĩa liêm, đủ thấy danh vọng của ông là thế nào.”

Ngao Bái ban đầu không hiểu, sau mới chợt hiểu ra, cầm lòng không được cười ha hả nói: “Thật là chửi mắng ông ta tới nơi, vế trên mắng là “vương (vong) bát”, vế dưới là “vô sỉ”4. Bỗng nhớ lại mình “đang bệnh”, vội cúi đầu nói: “Việc này trọng đại, chắc Hoàng thượng đã có sách hay?”

“Trẫm còn chưa có sách hay, mới nghĩ chuyện tìm khanh để hỏi chứ!”

Ngao Bái suy nghĩ một hồi mới nói: “Những người này vốn là di lão tiền Minh, đã chịu ơn nặng, nếu họ thẳng thắn quy thuận bản triều, thì cũng khó vì sĩ diện. Ví như hai người kình nhau, kẻ thắng cần hòa hảo, mời người bại uống rượu, bên người bại lại kênh kiệu kéo anh ta ngồi vào bàn, đối xử rất lễ phép là xong.”

“Kéo lại bằng cách nào?” Khang Hy lặng lẽ suy nghĩ, thì nghe Ngao Bái nói tiếp: “Để cho họ cùng đi thi với lũ trẻ con người quy thuận thì không được vì họ đã là danh sĩ tiền Minh, hoặc đã là cử nhân, tiến sĩ, bây giờ sao chịu hạ mình thi lại cùng với số tú tài? Còn cứ ở đồng nội núi non làm bạn với gió trăng, thì khó tránh khỏi chê bai mai mỉa chính sự triều đình.”

Nghe tới đây, Khang Hy chồm tới trước nói: “Đó chính là điều Trẫm lo – những người đến đều không có khí phách, không đáng giá, người có khí phách, hơi nặng ký thì không chịu đến, vậy thì làm sao?”

“Cho nên phải bá vương mời khách!” Ngao Bái hờ hững vén tay áo móng ngựa lên nói, “Phải mở khoa đặc ân, chuyên lấy túc nho danh sĩ, di lão có phẩm trật tiền Minh, dùng xe đưa đón hoan nghênh họ về kinh, Hoàng đế tự mình xem xét, làm cho họ được nở mày nở mặt.”

Nghe tới đây, Khang Hy hoàn toàn quên mất người ngồi trước mặt là kẻ thù lâu nay của mình, nhìn con đường phía bắc cung Càn Thanh, trầm tư nói: “Chỉ sợ khó chinh phục hết.”

“Hiện nay quyền bính trong tay ta, đến cũng hay mà không đến cũng hay!” Ngao Bái khảng khái nói, “Thi đỗ thì là trụ cột quốc gia, nếu thi không đỗ, thì sẽ rời kinh, không còn tư cách chửi sau lưng người nữa!”

“Được!” Khang Hy hào hứng vỗ mạnh lên long án, bỗng nhiên sắc mặt xìu xuống, than rằng: “Nhưng hiện thời nay chưa thể làm được.”

Ngao Bái trừng mắt nhìn Khang Hy, bỗng ân hận mình nói quá nhiều. Lại nghe Khang Hy cười lạnh nhạt: “Đài Loan chưa yên, nước Phiên chưa thuần phục, mối lo ngoài chưa xong, nỗi lo trong còn đó. Những người này thời bình đi tu, còn thời loạn thì khó nói.”

Từ lý tưởng quay về hiện thực, hai người đều yên lặng, hồi lâu, Khang Hy mới nói: “Khanh cũng mệt rồi, lại thêm người không khỏe, bữa sau thong dong sẽ bàn!”

Ngao Bái cười thầm trong bụng, ngồi trên ghế vái một cái nói: “Như vậy, lão thần cáo lui!” Rồi đứng lên bước đi.

Khang Hy vịn ghế đứng lên, nhìn sau lưng Ngao Bái, tự nhiên thấy buồn man mác: “Cũng là một nhân tài! Đáng tiếc...”

Khang Hy đi chiếc kiệu mềm bốn người khênh vừa tới cửa Thùy Hoa trước điện Dưỡng Tâm từ xa đã nghe nàng Tô kêu to: “Hoàng đế hồi giá rồi!”. Nhà vua kinh ngạc không hiểu tại làm sao kêu như vậy, thì thấy Tôn thị cười ha ha ra đón, mới hay Thái hoàng Thái hậu đang đợi ở trong. Từ ngày nàng Tô phụng chỉ đến hầu hạ Khang Hy, Khang Hy sợ Thái hoàng Thái hậu buồn nên lệnh cho Tôn thị thay thế hầu hạ bà. Đó cũng hợp với tính nết Thái hoàng Thái hậu, ngày dài không có việc gì bèn sai Tôn thị sưu tầm những câu chuyện hồ ly quỷ quái kể cho bà nghe.

Khang Hy vội vàng bước vào định vấn an Thái hoàng Thái hậu. Bà già vội cười nói: “Con của ta, khỏi! Ta đến quấy con chứ chẳng có việc gì, nghe chị Mạn nói con đi gặp ông ta, có hơi không yên tâm, đến đây nghe tin thôi. ...Trời rét đậm thế này mà ăn mặc phong phanh thế không sợ chết cóng sao?”

Nàng Tô nghe thế vội đưa ra chiếc mũ cỏ bọc nhung đỉnh đính ngọc trân châu dây đeo xanh. Do lớn tuổi, tay chân Tôn thị đã kém linh hoạt, chỉ đứng ngoài giúp Khang Hy cởi áo ngoài, mặc thêm một chiếc áo vóc xanh, ngoài khoác chiếc áo rét không tay. Bận rộn một hồi, bà cháu mới ngồi nói chuyện với nhau. Thái hoàng Thái hậu thấy Khang Hy vững vàng đứng bên cạnh như một người lớn, trong lòng vừa vui, vừa cảm kích, quay mặt nói với Tôn thị: “Dáng vẻ Hoàng đế thế này, ngươi xem giống ai?”

Mắt Tôn thị đã mờ, nghe Thái hoàng Thái hậu hỏi mình, nheo mắt nhìn hồi lâu, cười nói: “Con xem dáng giống Đức Thái Tông!”

Thái hoàng Thái hậu than rằng: “Ông cháu ba người đều giống nhau, đứa cháu này có vẻ lịch lãm, Hoàng đế Đại Hành vào tuổi này, e không cao bằng Hoàng đế!” Nghĩ tới nỗi khổ cực trước không ngăn nổi gạt nước mắt. Nàng Tô vội nói chen vào: “Đức Vạn tuế ăn mặc thế này, mới nhìn giống như một cử nhân vào kinh ứng thí!”

Câu nói động tới nỗi lòng Khang Hy, nghĩ lại cuộc nói chuyện vừa rồi với Ngao Bái, vua ngẩn ngơ một hồi rồi cười nói: “Ngươi đừng tưởng Trẫm kém cỏi, nếu thật làm một cử nhân chưa chắc là thi không đỗ!”

Chuyện phiếm một hồi, Thái hoàng Thái hậu thấy Khang Hy tinh thần rất tốt, không có vẻ gì như qua cơn sợ sệt, bèn đứng dậy nói: “Hiện nay bên ngoài không yên, Hoàng đế gặp gỡ người ta phải cẩn thận, như chị Mạn nói đó “con trai vàng ngọc không ngồi nhà sau”, câu nói này không sai, con là Hoàng đế, quý trọng như vàng. ... Ngày mai bảo Tiểu Ngụy đem cái đồng hồ chuông tự kêu người ta cống hồi trước thưởng cho Ngô Lục Nhất; Còn chánh thất Sách Ngạch Đồ qua đời, con là chủ cũng phải quan tâm một chút!” Khang Hy nghe gật đầu vâng dạ: “Đã đưa cho Sách Ngạch Đồ năm trăm lạng vàng.” Thái hoàng Thái hậu đứng dậy nói: “Ta đi đây, ăn sáng khỏi bảo làm nữa, chị Mạn sai người đến bên ta lấy, ráng khuyên chủ ngươi ăn thêm một bát cơm!”

Thái hoàng Thái hậu vừa đi, Khang Hy cười mắng nàng Tô: “Có chuyện gì quan trọng đâu mà ngươi chạy đi mời Thái hoàng Thái hậu tới quở trách Trẫm.” Nàng Tô thấy trong điện không có người, cũng không câu nệ hình thức, cười nói: “Đức Vạn tuế miệng vàng lời ngọc, nhưng nói mà không nghĩ lại, số là hôm nay không thấy ai cả, sáng tinh mơ đã đi gặp ông thần chết, nghĩ xem làm sao mà không sợ?”

Mặt Khang Hy lộ vẻ đắc chí, cười nói: “Hôm qua ngươi nói tuy có lý, nhưng ta là Thiên tử, mà sợ không dám gặp tôi con của mình, há chẳng phải giúp thêm khí thế cho hắn sao?” “Vậy thì cũng phải nói một tiếng chứ!” Nàng Tô nói, “Cũng phải có đề phòng tốt. Tiểu Ngụy không có ở đây, bên mình cũng không có một người dùng được... Hoàng thượng thật là quá mạo hiểm!”

Hai người đang nói, Tiểu Mao mang khay trà bước vào. Khang Hy bưng lên hớp một ngụm, bỗng nhớ tới nàng Tô đã kể câu chuyện người này đấu với Nạp Mô trong kho trà, liền hỏi: “Ngươi tên gì? Không phải trước hầu hạ ở kho trà hả?”

Tiểu Mao đang định lui ra, nghe Hoàng đế hỏi mình, vội cắp khay trà vào nách, lùi một bước rồi quỳ xuống nói: “Nô tài tên Tiền Khởi Tín, nhưng người ta đều kêu tên hồi nhỏ là “Mèo”. – nguyên trước làm ở kho trà, nhờ phước Đức Vạn tuế, chị cả Tô cất nhắc lên, hiện làm ở đây.”

“Ngươi cứ lấy tên “Tiểu Mao” thôi.” Khang Hy nói. “tên này hay hơn tên trước kia nhiều!”

“Dạ!” Tiểu Mao vội khấu đầu, nói to, “Nô tài từ bây giờ tên là Tiểu Mao, họ Tiểu tên Mao”

Việc vốn rất bình thường, Tiểu Mao trả lời như vậy, nàng Tô không nhịn được bỗng bật cười, nhưng vội nín ngay. Khang Hy lại hỏi: “Mẹ ngươi bệnh đỡ chưa? Nghe nói ngươi rất có hiếu, ráng làm việc tốt, sáng mai báo cho phủ Nội vụ, bảo họ tìm đổi cho ngươi công việc tốt hơn, những thiếu sót nho nhỏ chữa được ngay.”

“Đức Vạn Tuế vui thưởng nhiều cho Tiểu Mao là được. Ở đây hàng ngày được gặp Đức Vạn tuế, chẳng có việc làm nào tốt hơn ở đây!” Tiểu Mao nói mắt rực sáng, “Nhờ trời đất thánh thần phật phù hộ. Đức Vạn tuế đại phúc đại thọ, bốn biển hưng thịnh, muôn đời thái bình, muôn dân ca tụng!”

Những lời này, có cái do Tiểu Mao đọc được trên thiệp năm mới nhà dân, có cái nghe được từ ông lão hát rong ở quán trà, có cái góp nhặt linh tinh qua các tấu chương các quan rồi cố ghép lại, nghe không ra đầu ra đũa, nhưng anh ta nói rất lưu loát. Khang Hy nhịn không nổi, phun ra một ngụm trà, nàng Tô lấy khăn che miệng, cũng bật người nghiêng ngả không tự chủ được.

Tiểu Mao thì ngẩn tò te: “Đức Vạn tuế, nô tài nói không đúng sao?”

“Không sai, không sai!” Khang Hy rất vui. “Ngươi nói rất đúng, Uyển Nương lấy năm mươi lạng bạc thưởng hắn!”

Đợi Tiểu Mao tạ ơn lui ra. Khang Hy nói với nàng Tô: “Anh chàng này rất hay, cũng rất có ích, người nên chiếu cố hắn nhiều hơn!” Nàng Tô vội cúi xuống đáp: “Vâng ạ.”

“Còn nữa,” Khang Hy do dự một chốc mới nói, “mấy hôm nữa tìm giờ rảnh ngươi nên đi thăm cô Thúy, hỏi xem thân thế cô ta, sao mà không đội trời chung với Hồng Thừa Trù, trở về báo Trẫm hay.”

Sau khi quán Sơn Cô Bạch Vân quan bị đốt trụi, quan hệ vua tôi giữa Khang Hy và Ngao Bái bên ngoài có hòa dịu đi nhiều. Ngao Bái vẫn cáo bệnh như cũ, nên cách năm ba ngày, Khang Hy sai Trương Vạn Cường đem một số thuốc quý như sâm nhung kỳ quế ban cho Ngao Bái, bên lề các tấu chương đưa sang trong tráp vàng, Ngao Bái đều phê một câu “có nên hay không xin theo ý Bệ hạ”, tỏ ra lịch sự.

Nhưng trong lòng hai người đều biết cái duyên quan hệ vua tôi đã hết, đều gấp rút chuẩn bị. Sau khi triệu kiến Ngao Bái nửa tháng, Ngao Bái dâng lên một tờ sớ tâu, kể tội Phùng Minh Quân, Ngũ thành tuần phòng nha môn bê trễ công việc, làm cho đình Tây Hải bị cháy, phải giáng xuống hai bậc, tạm giữ chức đề đốc quân vụ Cửu môn, đề đốc Cửu môn Ngô Lục Nhất đi làm việc khác.

“Đến lúc rồi!” Khang Hy đọc tờ sớ tại cung Càn Thanh, trong lòng vừa sợ vừa mừng, mặt lạnh như tiền, đút tờ sớ vào tay áo về điện Dưỡng Tâm tìm nàng Tô bàn bạc.

“Trước hết phải bác đã,” Khang Hy nói, “Phùng Minh Quân hiển nhiên là người của hắn, giao chức Cấm vệ Cửu môn cho hắn, làm sao được?”

“Tiểu Ngụy nói đúng, việc này Sách Ngạch Đồ và Hùng Tứ Lý đã bàn rồi, sao không đi tìm họ hỏi đã?” Nàng Tô nhìn tờ sớ, chau mày cười nói, “Hay là giao tên họ Phùng này cho Bộ bàn định!” Vì quá gần, Khang Hy kinh ngạc phát hiện trên trán nàng Tô đã có nếp nhăn rất nhỏ.

“Không được!” Khang Hy nói quả quyết, “Hai vị Sách, Hùng quá lộ rồi, hễ triệu vào cung mọi người đều thấy, không thỏa đáng mấy. Giao Bộ càng không được, bộ Lại thì Tế Thế ở đó, bàn cũng vậy mà không bàn cũng vậy!”

“Vậy thì lưu lại!” Nàng Tô suy nghĩ kỹ, thấy cũng có lý, nhưng Ngao Bái ra đề quỷ quyệt, một lúc nàng không nghĩ được ý gì hay, “Để mấy ngày hãy hay.”

“Không quá ba ngày.” Khang Hy bồi hồi đứng lên đi quanh phòng, “Ngao Bái nhất định truy hỏi để lại có ý gì, Trẫm trả lời sao?”

“Nô tài đi tìm Tiểu Ngụy, xem họ bàn thế nào, rồi nhân tiện thăm cô Thúy.” Nàng Tô nói xong liền tới gác Tây thay quần áo. Khi đi ra, nói với Khang Hy: “Ngũ tiên sinh dạy: “Thái sơn đổ trước mặt mà không biến sắc, nguyên nhân là lòng không động.” Sớ vừa mới đưa tới, Đức Vạn tuế cũng đừng sốt ruột, cứ để lại đã, nói hôm nay trai giới, ngày mai theo Thái hoàng Thái hậu dâng hương, chưa xem sớ. Đây không phải quân báo nôn cái gì? Nô tài đi xem người bên ngoài nói thế nào.” Nói xong kêu người tới chuẩn bị xe. Khang Hy vội nói: “Trời lạnh lắm, đem theo cái áo lông chồn trắng, bảo Tiểu Ngụy chuyển cho Ngũ tiên sinh!”

Ra khỏi cung từ cửa góc Tây, đi vòng qua chợ rau náo nhiệt, nàng Tô thấy người đi đường không nhiều lắm. Thời tiết cuối năm, trời khô, lạnh nhưng chưa rơi tuyết. Những cành cây ven đường thỉnh thoảng còn treo vài chiếc lá khô run rẩy trong cơn gió bấc vù vù, càng tăng thêm cảnh tượng tiêu điều. Nhưng trong Tử Cấm thành không có cây, ngày nào cũng thấy toàn ngói lưu ly và gạch xanh, nhìn phát chán. Bỗng nhiên đi ra ngoài Tử Cấm thành, nàng Tô cảm thấy một sự khoáng đạt, vui thích không nói nên lời. Tiểu thái giám mặc thường phục cũng thích thú giơ roi quát tháo. Chiếc xe nhẹ bốn ngựa thuộc đường chạy nước kiệu, tiếng người, tiếng xe, tiếng quát ngựa đan quyện vào nhau rất hài hòa, nàng Tô cảm thấy yên lòng. Bỗng một chiếc lá khô bị cơn gió rét thổi vào trong xe, nàng nhặt lấy mân mê lật qua lật lại, bỗng nhớ lại bài từ Thiếp bạc mệnh, miệng khe khẽ đọc:

Lá thu rơi, hồng nhan khô héo cuốn theo bụi trần.

Giống như chiếu nệm, thân phận thiếp khôn dung!

Bùn đất trong mưa, lênh đênh trôi theo sông rạch, sao chịu nổi?

Chau đôi mày ngài, ngọc xanh ở đâu. Giọt mưa vô tình, gió cũng vô tình!>

Nàng là con gái Mãn Châu, dù là việc lớn hôn nhân cũng thẳng thắn trong sáng làm cho con trai người Hán cũng theo không bén gót. Mấy năm nay, nàng cùng Khang Hy theo học được ở Ngũ Thứ Hữu rất nhiều sách, học văn tăng lên khá nhiều, cũng không biết từ lúc nào, tư chất thay đổi. Bỗng nhiên cảm thấy mình thật là ngốc... không giống với các cô gái khác. Bây giờ nếu có lễ mời thầy nữa, dù thế nào nàng cũng không thể xuất đầu lộ diện đi “đối đáp học vấn” với một người đàn ông xa lạ. Nghĩ tới đó nàng cười thầm, lấy tay che miệng như sợ có người lén nhìn. Chiếc xe thắng dừng lại, đã tới cửa nhà Ngụy Đông Đình.

Ngụy Đông Đình vắng nhà, người quản gia mới – “Lừa bướng” – vì không nhận ra tiểu thái giám đánh xe, nhất định đòi để khách ngoài cửa, hai người đỏ mặt, hầu như to tiếng với nhau. Nàng Tô trong xe khó chịu, vén màn xe, thò đầu ra nói: “Anh quản gia, té ra là anh! Không nhận ra sao?”

“Lừa bướng” ngớ ra, cười ha hả nói: “Hắn nói sớm là Uyển Nương tới thì đỡ phải nói nhiều. Cứ nói nàng Tô gì đó ai biết được!” Nàng Tô bèn xuống xe, vừa cười nói: “Cũng không trách được hắn, chỉ vì tôi không nói rõ!” Nói xong cùng “Lừa bướng” đi vào bên trong.

Bên trong, Hà Quế Trụ đã sớm ra nghênh đón, vừa mời ngồi, rót trà vừa nói: “Chị không may rồi. Bữa nay Ngụy gia và mấy người phụ việc ăn sáng xong đi rồi. Một là đưa Minh Châu tới ông thầy chuyên trị gãy xương để khám, hai là đi gặp một người Ngô đại nhân gì đó.” Nói xong cũng cười, “Tiểu nhân đầu óc bã đậu, còn nhiều việc không nhớ được.”

“Còn Ngũ tiên sinh?” Nàng Tô bưng cốc trà hớp một ngụm, lạnh nhạt hỏi.

“Ngũ tiên sinh không được khỏe, nằm ở phía sau!”

“Tôi chưa đến đó, anh đưa tôi đi thăm đi.” Nàng Tô vừa nói vừa đứng lên.