Khang Hy Đại Đế - TẬP 1 - Chương 40

40

Sử cô nương xõa tóc trùm đầu rời Ngao phủ

Ngũ tiên sinh mê mê tỉnh tỉnh lên điện vàng

Phủ Ngao Bái đột nhiên bị tịch thu làm chấn động cả kinh thành. Người của phủ Nội vụ và Nha môn tuần phòng cũng không biết đã xảy ra chuyện gì, muốn xông vào trong phủ xem tình hình suýt bị người của “Ăn mày sắt” bắt giữ lại.

Những thứ tịch thu mang về chất thành núi trước đại sảnh. “Ăn mày sắt” tự thân sai người phân loại ghi vào sổ.

Phu nhân Ngao Bái bị giữ ở phòng chái đông, trước mắt chỉ còn năm tên a hoàn Quất Dụ, Bình Quế, Tố Thu, Mặc Cúc và Thái Bình, đầy tớ trong phủ nghe nói tịch thu đã loạn lên như ong vỡ tổ. Có người xin nghỉ phép dài hạn, có người bỏ chủ đi tìm việc khác. “Ăn mày sắt” chỉ bắt giam những bộ hạ Ngao Bái trực tiếp sai khiến, còn những người khác không bó buộc. Một đại gia ba bốn trăm khẩu đã đi hết hơn hai trăm, chỉ có một số nô tỳ sinh đẻ trong nhà vẫn cứ ở lại không đi đâu được.

Trong nhà dù gặp tai họa bất trắc như vậy, Vinh thị vẫn cứ bình tĩnh như không. Liên tiếp mấy ngày, trong trong ngoài ngoài loạn lên như mớ bòng bong, tin từ các nguồn báo tới mỗi lúc một khác, bà vẫn cứ thản nhiên.

“Quất Dụ, mấy người chúng bay tới đây!” Vinh thị ngồi trên sạp trong phòng trước đây Quất Dụ ở, bỗng lên tiếng. Mấy ả a hoàn cúi đầu đứng một bên, nghe bà đĩnh đạc nói: “Lão gia gặp việc, cái nhà này không còn ra thể thống gì. Các con có người thân thì tìm về người thân, có nhà thì trở về nhà!” Nói tới đây, bà cảm thấy cay trong mắt, bà chùi nước mắt nói tiếp: “Ban lão gia bên phủ kia, ta đã sớm biết không phải là người tốt, lão gia nhà ta không nghe người ta khuyên, cứ thân cận với hắn. – Những việc họ làm tuy ta không biết rõ, nhưng nghĩ ra không phải là chuyện nhỏ!”

Giám Mai nghe những lời đó, trong lòng cảm thấy có mùi vị khó tả. Cô vào kinh vốn là vì phục thù. Mang một bầu thù hận, cô quyết chống lại người Mãn Châu, nhưng không ngờ gặp lại người bạn cũ thời thơ ấu Ngụy Đông Đình quyết sắt đá theo Khang Hy, cha nuôi Sử Long Bưu cũng quy thuận triều Thanh, bản thân cô cũng bị cuốn vào cơn lốc giành quyền lực của Khang Hy lúc nào không biết. Nhưng mấy năm nay, sống với Vinh thị, phu nhân Ngao Bái, thì ngày càng thân thiết. Bà Vinh thị coi quản trong nhà tuy rất nghiêm ngặt, nhưng với người nghèo khó đối đãi rất hậu. Giám Mai may được vị phu nhân này hết sức cứu giúp nên sống trong phủ Ngao Bái không bị thiệt thòi gì. Bây giờ xem ra ngay cả Vinh thị cũng hết thời rồi, Giám Mai lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, không biết giải quyết ra sao. Giám Mai nghe Vinh thị nói rất thương tâm, tự thấy hổ thẹn trong lòng. Thế là cô lên tiếng khuyên: “Thái thái không nên đau lòng, sự việc hôm nay tới đâu biết tới đó, tội cũng không tới vợ con đâu, nô tài xin theo cùng thái thái!”

“Không nên nói như vậy.” Vinh thị miễn cưỡng cười nói, “Phiền cho các con theo ta, chẳng những không được cái gì, mà phải rơi vào cảnh này, lòng ta rất buồn!” Bà thở dài nói tiếp: “Không giấu các con, ta còn mấy thứ trong mình...”

Vinh thị nhìn phía ngoài thấy không có ai, bèn rút trong bọc ra một tờ ngân phiếu, “mấy con cầm lấy chia nhau, ta giữ nó cũng không dùng được!” Nói xong run rẩy đưa tờ ngân phiếu cho Giám Mai. “Đây là một vạn lạng bạc, con tuy đến sau, nhưng ta thấy con làm việc biết suy nghĩ hơn, nên cho con nhiều hơn một chút. – Con cầm lấy chia cho bọn họ, đừng phụ lòng ta!”

Mấy ả a hoàn khóc ròng ròng, mặt Giám Mai lúc xanh lúc hồng, nhận tờ ngân phiếu nhìn một cái rồi chuyển cho Quất Dụ, nói: “Chị cầm lấy chia cho các chị em, thái thái ở đây cũng còn cần người, em chẳng đi đâu hết!”

“Không được!” Vinh thị hơi đổi sắc mặt, “Từ hôm qua, ta đã không ăn uống, thà chết đi cho rảnh nợ, đỡ phải ló đầu ra cho người ta làm nhục.”

Mọi người bây giờ mới hiểu, bà vốn muốn tự vẫn! Mấy người vội quỳ xuống khóc như mưa. Giám Mai nghẹn ngào, tan nát cõi lòng, còn Vinh thị chỉ mỉm cười không nói, thấy ý bà đã quyết chết, có khuyên giải cũng chẳng ích gì, bèn đứng dậy nói: “Thái thái, người chẳng qua giữ tròn tiết tháo với việc của Lão gia, điều đó vốn là phải lẽ, nô tài không dám can ngăn. Nhưng nếu Lão gia còn một chút hy vọng sống sót, thì thái thái chết chẳng uổng sao? Nô tài xin phép đi ra ngoài xem cho rõ ràng.” Nói xong, không đợi Vinh thị trả lời, quỳ hai gối lạy một cái rồi đứng lên đi.

Mấy ngày hội thẩm ra mới biết vụ án phức tạp ngoài sức tưởng tượng. Khang Hy ở điện Dưỡng Tâm ngày nào cũng triệu kiến mấy người: Kiệt Thư, Át Tất Long, Ngô Lục Nhất, Ngụy Đông Đình cũng biết rõ tình hình hội thẩm, nhớ lại phán đoán của Khang Hy năm ngoái đối với Ban Bố Nhĩ Thiện, anh càng thêm tin phục vị vua trẻ mười lăm tuổi này.

“Bọ ngựa bắt ve, không biết có chim sẻ sau lưng.” Khang Hy cười nói, “Trẫm đã biết tên Ban Bố Nhĩ Thiện này không phải là người chịu khuất phục người khác. Hai tên Ngao, Ban lúc này cũng không rõ ai là chủ mưu làm phản.”

“Đức Vạn tuế sáng suốt!” Kiệt Thư cười theo nói. “Chủ mưu vẫn là Ngao Bái, nhưng Ban Bố Nhĩ Thiện là chi gần của hoàng thất mà cổ vũ phản nghịch, tội nặng không kém gì Ngao Bái.”

“Nói có lý,” Khang Hy gật đầu, “người này gian xảo quỷ quyệt, nên Ngao Bái mắc mưu to.”

Át Tất Long nghe Khang Hy như có ý bao che cho Ngao Bái, nên muốn thử thêm cho rõ, liền chớp mắt, chen tới nói: “Theo Luật Đại Thanh luận định, tội danh này không phân chủ mưu và tòng phạm, đều phải xử chết lăng trì. Còn như định đoạt ra sao thì phải theo Thánh ý.” Mấy ngày nay lòng ông đã thư thả nhiều, bệnh như không còn, nói chuyện cũng đã có tinh thần.

“Khanh vẫn chưa chừa được cái bệnh cũ.” Khang Hy chưa nghe rõ ý tứ trong câu ông nói, cho rằng ông đùn đẩy, “Không có một ý kiến gì, mà gọi là trung thần sao? Khanh nói thử xem, tội của Ngao Bái có chỗ nào chối cãi được không?”

Át Tất Long vội nói: “Chết thì nhất định rồi, nhưng cũng có mấy loại chết. Nô tài cho rằng, Ngao Bái là trọng thần được giao phó, theo vua vào Quan Trung có công, có thể giảm nhẹ, xử đại tịch cũng đủ rồi. Đây cũng là lòng nhân từ của Thánh chủ ta.”

Cuối cùng câu nói này rất được Khang Hy đồng tình, lại cũng hợp ý Thái hoàng Thái hậu. Đang muốn khen mấy câu, bỗng nhớ tới Hùng Tứ Lý đứng một bên vẫn chưa nói câu nào, liền hỏi: “Sao khanh không nói gì?”

Hùng Tứ Lý toàn bộ tâm tư đang nghĩ về vấn đề này, thấy Khang Hy nói tới mình vội cúi người trả lời: “Hoàng thượng sáng suốt, tội của Ngao Bái không cần phải nói, dù xử lý kiểu nào cũng đáng. Nhưng thần cho rằng, việc quan trọng nhất hiện nay không phải ở chỗ bản thân Ngao Bái thế nào, mà ở chỗ có lợi cho kế lớn cầu an bình thịnh trị của nhà vua. Cho nên xử trị thế nào, quả thật không giống bình thường – Hôm qua nô tài đã bàn với Sách Ngạch Đồ tới tận canh ba, cuối cùng vẫn chưa có ý quyết định. Không dám giấu gì, xin cho phép nô tài được suy nghĩ thêm.”

“Đó mới thật là ý kiến lão thành lo việc nước!” Khang Hy rất khen ngợi, “Kiệt Thư, Át Tất Long chỉ giỏi võ, không giỏi văn, điều đó không được! Các khanh nên bàn bạc thêm, không nên nhát gan, có gì nói đấy, lấy đó làm tôn chỉ vậy.”

Sau khi Ngụy Đông Đình lui ra, thay quần áo, tới phủ Sách tìm Ngũ Thứ Hữu. – Từ khi Ngao Bái bị bắt, Sách Ngạch Đồ sai người đem xe đến đón trở về – Anh không hiểu, xử trí thế nào là “có lợi cho kế lớn cầu an bình thịnh trị của nhà vua”, muốn biết Ngũ Thứ Hữu nhìn vấn đề này thế nào.

Ngũ Thứ Hữu và Minh Châu hai người đang bàn luận sôi nổi, thấy Ngụy Đông Đình bước vào vội mời ngồi nói: “Mau ngồi xuống, trên bàn đã sẵn trà, xin tự nhiên!”

“Có việc gì mà vui vẻ vậy?” Ngụy Đông Đình vừa ngồi xuống vừa hỏi.

“Việc Ngao Bái,” Minh Châu cười nói, “đại ca cứ cho rằng triều đình chưa chắc chịu giết Ngao Bái, anh xem có buồn cười không?”

Ngụy Đông Đình cảm thấy hứng thú ngay, chồm người tới trước nói: “Tôi vừa ở quán trà Thuận Đức tới đây, người ta đều nói sợ e phải róc xương Ngao Bái!”

Minh Châu vỗ tay nói: “Thế nào? Em nói mà!”

“Róc xương là thất sách lớn!” Ngũ Thứ Hữu lạnh lùng nói, thấy Ngụy, Minh hai người chăm chú nghe, bèn nói tiếp, “Ngao Bái bây giờ đã thành thịt trên thớt, giết hay không giết có can hệ gì lắm đâu, nhưng bốn vị cố mệnh đại thần thuở ban đầu lập nghiệp đã bỏ ra nhiều sức lực. Sách Ni chết già, người khác, kẻ thì bị chém, kẻ thì bị róc, kẻ thì biến chất, không có ai kết thúc tốt lành, triều đình có thể không nghĩ tới nỗi sợ hãi rét run của bá quan?” Anh bưng chén hớp một ngụm trà, “Đó là một lẽ. Càng quan trọng hơn là, hiện nay phía nam chưa yên, chiến sự có cơ nổ ra, có khá nhiều tướng lãnh cầm quân đều là bạn bè quen biết Ngao Bái. Giết Ngao Bái đi, ai dám bảo đảm họ không có lòng nghi sợ?”

Nói tới đây, Ngụy Đông Đình và Minh Châu bỗng tỉnh ngộ, té ra nước cờ Khang Hy chưa dứt khoát nguyên do là ở đây.

“Ngũ đại ca,” Minh Châu định hỏi, Ngao Bái hai lần định mưu sát Khang Hy, tội này chẳng lẽ tha thứ được sao? Nhưng nghĩ lại Ngũ Thứ Hữu không biết chuyện bên trong, Khang Hy nhiều lần nghiêm cấm không cho tiết lộ, nên đã chuyển sang chuyện khác, hỏi, “Nghe nói Ngao Bái mấy lần mưu giết vua để tự lập, những tội này không giết, thì còn tội nào đáng giết nữa?”

“Xét thái độ thường ngày của hắn, nhất định là có ý định giết vua.” Ngũ Thứ Hữu ngẫm nghĩ rồi nói, “Đến bây giờ Thánh mệnh chưa ra, sợ đã nắm được những việc này rồi.” Nói xong, cười tiếp: “Hai vị có công danh đã đành, còn ta lo việc bao đồng này làm gì!”

Đang nói thì Sách Ngạch Đồ cũng tới, Ngụy Động Đình và Minh Châu đều đứng dậy. Ngũ Thứ Hữu vội cúi chào, mời ngồi nói: “Đông công, xin chúc mừng, không mấy chốc sẽ thăng cao!”

“Ta mừng, tiên sinh càng mừng!” Sách Ngạch Đồ cười ha hả, ngồi xuống, nói dựa theo, “Bây giờ thiên hạ thăng bình, tiên sinh với tài cao, nhất định được triều đình trọng dụng!”

“Long Nhi đâu?” Ngũ Thứ Hữu nói, “Tôi về đây lâu rồi, cậu ta đi dâng hương vẫn chưa về sao?” Sách Ngạch Đồ mỉm cười nói: “Long Nhi hả? Hôm qua có tin trở về, sau ba ngày đại tiếu, sẽ theo Thái phu nhân cùng về kinh. Lúc đó tiên sinh sẽ gặp Long Nhi thôi.”

Ngụy Đông Đình thấy không có việc gì, bèn đứng lên cáo từ: “Chú Minh Châu nói chuyện, tiếp đại nhân và tiên sinh, tôi về có tí việc rồi sẽ trở lại.”

Anh vừa trở về nơi ở tại cầu Hổ Phường, lão gác cửa đã thưa việc: “Đại gia, bên ngoài có một cô gái muốn gặp ngài!”

“Cô gái?” Ngụy Đông Đình sửng sốt, không nghĩ ra là ai, vội chạy ra xem, tới đầu ngõ gặp ngay Sử Giám Mai.

Hai người cùng sững sờ. Đây là lần thứ ba họ gặp nhau ở Bắc Kinh. Lần đầu, ở hội miếu bờ Tây Hà, cuộc gặp bất ngờ với Sử Giám Mai và cha nuôi Sử Long Bưu rồi bỗng chốc gặp nguy thất lạc; Lần thứ hai, Sử Giám Mai nửa đêm báo khẩn cấp, cứu được Khang Hy. Từ đó hai người thông tin cho nhau thông qua Lưu Hoa, Tiểu Tề. Còn nay, cách biệt đã hơn một năm, một năm trải qua bao sóng gió hiểm nguy. Hôm nay gặp lại bất ngờ, Sử Giám Mai che đầu xõa tóc, sắc mặt trắng bệch, thở hổn hển, dáng như người mất hồn, làm sao không gây nỗi đau buồn thương cảm!

Một hồi lâu, Ngụy Đông Đình mới lên tiếng: “Em Mai, không ngờ em chịu khổ như thế này! Mấy hôm nay việc công bận rộn, không kịp hỏi thăm em! Nhưng anh đã bảo “Ăn mày sắt” không gây khó dễ cho kẻ dưới, làm sao…”

“Anh đừng nói những việc đó!” Giám Mai vừa đi vào trong vừa nói, “Em có việc quan trọng cần hỏi anh.” Ngụy Đông Đình vội mời cô vào phòng riêng của mình.

Mọi cái ở đây vẫn nguyên như nửa năm trước, trên bàn có quyển sách Ngụy Động Đình đang đọc đêm qua. Cái đôn thêu Giám Mai ngồi vẫn đặt ở chỗ cũ, ngay cả chiếc gương, cái lược đêm đó Giám Mai soi sửa lại dung nhan vẫn lặng lẽ nằm nguyên chỗ cũ, chỉ phải mấy ngày không quét dọn, một lớp bụi mỏng phủ lên. Giám Mai lấy tay sửa mái tóc rối, hỏi: “Việc chúng tôi bên ấy sẽ như thế nào?”

“Em nói giọng y hệt một cô gái dưới cờ!” Ngụy Đông Đình cười nói, “Việc đó có đáng gì, em hôm nay tới đây coi như tốt rồi, mẹ anh nhớ em ghê lắm!”

“Người ta nói chuyện nghiêm túc.” Giám Mai mặt đỏ đến tận tai, khẽ nói, “mà anh lại chỉ thế!” “Đây chẳng phải là chuyện nghiêm túc sao?” Ngụy Đông Đình ngạc nhiên hỏi, “Còn có chuyện gì nữa?” Sử Giám Mai bèn đem chuyện mình vào phủ, được Vinh thị phu nhân đối xử như thế nào, còn mình bịa chuyện che giấu như thế nào, kể hết một lượt từ đầu đến đuôi. Còn nay Vinh thị đã tuyệt thực, nếu không có cách gì thì tính mạng hiểm nguy. Nói tới những đoạn khuất khúc thương tâm, nước mắt cứ chảy tràn.

Nghe xong câu chuyện của Sử Giám Mai, Ngụy Đông Đình vừa cảm kích vừa khó xử: Trong thế giới rộng lớn này có bao nhiều chuyện kỳ quái, tình cảm con người sao mà phức tạp! Người con gái trước mặt này, vốn định sống chết tro tàn khói tận cùng với phủ Ngao, chỉ vì Vinh thị đối xử nồng hậu, đã quay ngược lại xin tha mạng cho chủ! Những suy nghĩ khó tưởng tượng nổi này lại là chân thành hết mực.

“Em ơi... em quả thật, bảo anh làm sao nói được?” Ngần ngừ rất lâu Ngụy Đông Đình bước tới, nhẹ tay xoa vai Giám Mai, nói giọng nặng nề, “Em phải biết, hiện nay chỉ có Hoàng thượng mới quyết định được!”

“Em biết.” Giám Mai lạnh lùng nói, “Chẳng qua em tới nói với anh một tiếng. Người ta sống phải có lương tâm. Vinh Thái quân nếu không sống được, một mình em có làm nhất phẩm phu nhân cũng chẳng có ý nghĩa gì?” Nói xong liền đứng lên, đau khổ cười nói: “Em đi đây, – anh đừng nhìn em như vậy, em không chết đâu, chỉ đi tìm một cái am cổ trên núi sâu, cũng sống hết một đời – Ôi, coi như một đời em oan trái quá nhiều!”

Ngụy Đông Đình biết cô từ biệt lần này sẽ không còn lúc nào gặp lại nữa, bèn nhảy lên một bước chặn lại, hai tay nắm vai Giám Mai: “Đừng đi! Chúng ta sẽ ở với nhau!” Nói xong, nước mắt đầm đìa, vội lau đi, “Việc Ngao Bái còn chưa quyết định, anh đi dò hỏi thêm rồi sẽ hay!” Nói xong, xoay người bước đi, còn quay lại nói: “Em Mai yêu, em cứ đợi anh ở đây!”

Ngày hôm sau, Ngũ Thứ Hữu ngồi trên chiếc kiệu đen, bên cạnh có Sách Ngạch Đồ cưỡi con ngựa to, đi thẳng đến Tử Cấm thành. Giờ đây, Sách Ngạch Đồ đã là đại nhân vật danh tiếng khắp kinh thành. Thấy ông tự mình đi theo kiệu suốt dọc đường, người đi đường không ai không ngạc nhiên ghé mắt nhìn, không biết nhân vật trong kiệu lai lịch ra sao.

Được báo “Long Nhi” hôm nay trở về, hai người cùng ra ngoài đi dạo, nhân tiện đón tiếp lão thái thái. Ngũ Thứ Hữu không để ý lắm, mãi đến lúc tới bên ngoài cửa Chính Dương, kiệu cứ đi lên hướng bắc, Ngũ Thứ Hữu mới cảm thấy kỳ lạ, anh giậm chân xuống kiệu kêu to: “Dừng lại!”

Phu kiệu liếc nhìn nhau, thấy Sách Ngạch Đồ mỉm cười đi thẳng tới, nên không dám dừng. Ngũ Thứ Hữu kinh ngạc ngồi xuống, chăm chú nhìn cảnh trí bên ngoài, trong lòng thắc thỏm, không hiểu kiệu sẽ đưa mình tới đâu.

Đến trước cửa Ngọ Môn, nghe có tiếng người quát: “Nơi đây quan văn xuống kiệu, quan võ xuống ngựa!” Sách Ngạch Đồ còn chưa kịp trả lời, thì đã thấy một người trong cửa Ngọ Môn chạy bay ra, hỏi to: “Kiệu của Ngũ tiên sinh phải không?” Ngũ Thứ Hữu cảm thấy người thoáng qua trước mắt mình là Minh Châu.

Sách Ngạch Đồ từ từ xuống ngựa, ném dây cương cho tùy tùng, cười nói: “Là kiệu của Ngũ tiên sinh.” Minh Châu quay lại nói với người vừa ngăn kiệu: “Phụng Thánh dụ Hoàng thượng, trong Tử Cấm thành, Ngũ tiên sinh có thể ngồi kiệu!”

“Xin mời vào!” Người đó phất tay, các hiệu úy tránh đường, chiếc kiệu nhỏ từ từ tiến vào. Những phu kiệu này cũng lần đầu đi vào đại nội, thấy ba bước một vọng, năm bước một tiêu, cảnh tượng uy nghiêm, người nào cũng thận trọng nhìn nhau mà bước. Ngũ Thứ Hữu trong kiệu cũng không dám nói năng gì, chỉ ngồi sững.

Trước điện Thái Hòa cao to rộng lớn, các quan viên lớn nhỏ mũ cắm lông trĩ đang quỳ, bọn họ kinh ngạc nhìn chiếc kiệu nhỏ vải đen thường dùng ngoài phố, không hiểu sao lại có tư cách vào đây. Điều càng làm họ ngạc nhiên là sủng thần thứ nhất của đương kim thiên tử Sách Ngạch Đồ lại đi trước kiệu cung kính dẫn đường, “có việc gì thế này?”

Chiếc kiệu nhỏ khiêng đến trước thềm cửa Thái Hòa, thì dừng lại. Sách Ngạch Đồ vén rèm lên, khẽ gọi: “Ngũ tiên sinh!” Rồi thò tay vào đỡ Ngũ Thứ Hữu, con người choáng váng đầu óc, như say như mê ra khỏi kiệu. Đã thấy thị vệ đại nội Mục Tử Húc mặc áo khoác chẽn vàng, tư thế hiên ngang đi theo hàng lan can bạch ngọc, bước xuống bậc thềm, đứng trước mặt Ngũ Thứ Hữu tuyên đọc: “Mời Ngũ Thứ Hữu vào điện Bảo Hòa quan kiến. Khâm thử!” Nói xong, mặt mày hớn hở chào hỏi: “Xin chào Ngũ tiên sinh, ngài có tin vui lớn rồi!”

“Đây... là chuyện gì vậy?” Ngũ Thứ Hữu nhìn Sách Ngạch Đồ, rồi nhìn Mục Tử Húc. Định tìm Minh Châu, không hiểu đã rời đi từ lúc nào. Bây giờ hai người vừa là quen thuộc vừa là mới mẻ, vừa như thật, vừa như mộng – “Các người nói rõ hơn một chút!”

Mục Tử Húc cười nói: “Đi vào ngài sẽ biết.” Nói xong cùng Sách Ngạch Đồ, mỗi người một bên kéo tay Ngũ Thứ Hữu bước lên bậc thềm. Ngũ Thứ Hữu cảm thấy tai ù gối mỏi, chập chững muốn ngã, vừa đi vừa lẩm bẩm “Tôi chẳng hiểu, chẳng hiểu gì cả...”

Nhưng anh nhanh chóng hiểu ra. Anh đang ù ù cạc cạc cùng hai người bước vào điện Bảo Hòa. Có Sách Ngạch Đồ chỉ dẫn anh đang làm đại lễ ba quỳ chín lạy. Đến lúc ngước đầu nhìn, bất giác toàn thân tê cứng, giữa điện Thái Hòa huy hoàng tráng lệ, trên chiếc ngai dát vàng chạm rồng ngồi chễm chệ một người, chính là người học trò mấy năm nay anh sớm chiều dạy bảo, yêu mến thân thương. Bây giờ người ấy đã “biến” thành đương kim Hoàng thượng, đang cười hì hì nhìn anh. Hai hàng bối lặc bối tử (vương thần thân thích) và cửu khanh bộ viện xếp hàng thứ tự, trong điện còn có hàng mấy chục con người nghiêm trang lặng yên đứng hầu. Đứng nghiêm chỉnh sau Khang Hy là Minh Châu, Mục Tử Húc, “Lừa bướng”, Tư Hách đều là người quen. Kiệt Thư và Hùng Tứ Lý cũng là quen biết, trong chốc lát, Ngũ Thứ Hữu bừng tỉnh lại. Anh vừa định kêu “Long ... “vội vàng đổi lại “Long chủ Vạn tuế!” và sụp xuống lạy.

Nhìn thấy Ngũ Thứ Hữu thường ngày phóng khoáng tự nhiên, phong lưu thoải mái, bây giờ giống như một anh khùng bị người ta sắp đặt, Khang Hy trước tiên thấy thỏa mãn tự hào, đến khi nghe Ngũ Thứ Hữu nói “Long Nhi” sửa thành “Long chủ Vạn tuế”, nhà vua lại đột nhiên có cảm giác cô đơn lạnh lẽo: “Cái duyên thầy trò đã chấm dứt!” Rồi thở dài nói: “Ngũ tiên sinh.”

Sách Ngạch Đồ quỳ bên cạnh vội hích tay Ngũ Thứ Hữu bảo anh lên tiếng, Ngũ Thứ Hữu mơ mơ hồ hồ dập đầu xuống đất, coi như đáp lễ.

“Mấy năm dạy học, Trẫm học hỏi được không ít.” Khang Hy đau lòng nói, “Mấy năm nay, tiên sinh không biết sự thật bên trong, đó là do Trẫm muốn cầu thực học, phải qua mài dũa. Trẫm làm thế là bất đắc dĩ thôi, cầu mong tiên sinh lượng thứ.”

“Muốn cầu thực học, phải qua mài dũa”, là lời Ngũ Thứ Hữu nói khi giảng Mạnh Tử. Bây giờ do tự miệng Khang Hy nói ra, quả là dạy dỗ có công hiệu, vội liên tiếp khấu đầu nói: “Thần phận áo vải khinh nhờn quân chủ, lạm bàn chính sự, giải sai kinh nghĩa, tội không dám chối!”

“Khanh có công với Trẫm, chứ có tội gì đâu!” Khang Hy cười nói, “Nếu để tiên sinh biết nguyên do trong đó, Trẫm sẽ không thể nghe được những lời vàng ngọc của tiên sinh.”

Ngũ Thứ Hữu nghe tới đây chỉ khấu đầu không đáp lại.

“Ngũ tiên sinh, Trẫm với tiên sinh, nghĩa vua tôi đã rõ, nhưng đạo thầy trò mãi còn. Trẫm đặc biệt cho phép tiên sinh gọi Trẫm là “Long Nhi”!” Nói tới đây, Khang Hy bỗng thấy xúc động. “Người đâu, đem quyển thi của tiên sinh năm đó lại đây!”

Minh Châu nghe tiếng đó vội lấy trong tay thái giám ra một quyển văn sách trình lên. Khang Hy mở quyển thi ra, mỉm cười, lại liếc nhìn, rồi giao lại cho Kiệt Thư, nói: “Đây là quyển thi Bàn về khoanh đất loạn nước, là bài văn sách Ngũ tiên sinh đã làm ba năm về trước. Lời văn mạnh mẽ, khí thế hào hùng, trình bày sách lược trị nước trọng yếu, vô cùng sâu sắc, là tác phẩm hay hiếm có. Các khanh có thể chuyền đọc.”

Kiệt Thư cầm quyển thi trong tay, tai nghe những lời tán dương hùng hồn của Khang Hy, làm gì có lòng mà xem, chỉ hơi lướt qua một lần, rồi chuyền cho Khoa Nhĩ Tẩm Vương bên cạnh. Khoa Nhĩ Tẩm Vương đọc xong, theo thứ tự chuyền cho Thạc Cung Vương, Tần Vương và một đám bối lặc bối tử. Khi đưa đến tay Át Tất Long, rìa quyển thi đã bị mồ hôi tay làm ướt.

Át Tất Long quỳ nhận quyển thi. Quyển thi này ông nghe tiếng đã lâu, sự cố phát sinh ra từ đó ông cũng đã biết rõ ràng, nhưng chưa có dịp đọc qua. Bữa nay có dịp ông muốn đọc kỹ một lượt, vừa đọc, ông vừa cảm thấy xấu hổ, trán ướt đẫm mồ hôi. Khi ông chuyển quyển cho người sau, ông quỳ mọp xuống đất thở dài, nói to: “Văn chương nói thẳng vào tệ nạn thời sự, luận thuật căn nguyên rối loạn chính trị, quả thật xác đáng! Ngũ tiên sinh thật xứng đáng là rường cột nước nhà!”

Nghe lời khen ngợi của chư thần, Khang Hy không khỏi đắc ý, bèn đứng lên đi qua đi lại mấy bước, cười nói: “Ngũ tiên sinh, có còn nhớ lần đầu gặp nhau tại quán Duyệt Bằng, tiên sinh hâm rượu bàn công danh, làm Trẫm học được nhiều điều, bây giờ nhớ lại cảm thấy vô cùng thích thú.”

Ngũ Thứ Hữu nhớ lại chuyện lần đó mình huyên thuyên về công danh, bỗng mồ hôi vã ra, chỉ khấu đầu, yên lặng.

“Minh Châu,” Khang Hy thấy không còn sớm nữa, liền nói, “Ngũ tiên sinh không nên trở về phủ Sách Ngạch Đồ. Ngươi hãy đưa Ngũ tiên sinh về quán Duyệt Bằng đợi chỉ. Chư khanh có thể bãi chầu.”

Tiếp đến một tràng tiếng hoan hô rền vang, Khang Hy lui về.