Khang Hy Đại Đế - TẬP 1 - Chương 43

43

Ngũ Thứ Hữu quyết lòng về quê cũ

Ngụy Đông Đình cung vắng gặp ni sư

Một ngày vui vẻ biến thành số không, Ngụy Đông Đình nhanh chóng đến quán Duyệt Bằng, thấy mấy người bọn Mục Tử Húc đều ở đó, chỉ riêng Ngũ Thứ Hữu bận chỉnh lý thư tịch. Lúc này thật là mồm muốn nói nhưng nghẹn ngào, chân muốn đi mà ngập ngừng. Thấy Ngũ Thứ Hữu sắc mặt tái mét, như đang bệnh nặng, anh cho rằng do trời nóng gây nên, đang định lên tiếng hỏi, thì đã nghe Ngũ Thứ Hữu nói: “Hổ Thần, việc nàng Tô xuất gia tôi đã biết, chú khỏi cần an ủi tôi, tôi... đã nghĩ ra rồi.”

Việc này ngay cả Ngụy Đông Đình cũng chưa biết, anh nghe vô cùng kinh ngạc, vội hỏi: “Vì sao nàng xuất gia? Anh nghe Minh Châu nói phải không?”

Ngũ Thứ Hữu không trả lời, hồi lâu mới nói: “Chú cũng đừng hỏi là ai nói. Hoàng thượng cực kỳ sáng suốt, đối xử với tôi ơn sâu nghĩa nặng. Uyển Nương tình ý với tôi, trong lòng tôi cũng hiểu rất rõ. Việc đó chỉ cần tình cảm hai người một lòng, thì hà tất phải sớm chiều có nhau? Hổ Thần, tôi nghĩ thông được những việc đó, chú yên lòng!”

Hóa ra Ngụy Đông Đình được an ủi. Lúc đó anh chỉ biết giương mắt há mồm mà nhìn, chẳng biết nói sao. Ngũ Thứ Hữu mặt tái nhợt chậm rãi nói: “Uyển Nương là gái có tài một thời, xuất thân tôn quý, Ngũ Thứ Hữu tôi vốn không xứng với nàng, nhưng nàng tình nặng như núi, tôi há có thể làm người bội nghĩa!” Nói tới đây thì yên lặng.

“Tiên sinh định thế nào?” Ngụy Đông Đình không nén được, cuối cùng hỏi.

“Lui về sống ở suối rừng, phiêu bạt đó đây, lênh đênh chiếc thuyền theo nước, múa hạc ở thế giới thanh bình.”

“Hả?” Ngụy Đông Đình bỗng kinh ngạc, “Tôi biết Hoàng thượng có lòng quý trọng tiên sinh không kém thua các ông Hùng, Sách. Tiên sinh thất bại ở trường tình, lẽ nào phải ngã nhào từ đó?”

“Chú nói đúng vậy.” Ngũ Thứ Hữu gật đầu nói, “Mấy năm nay chúng ta đối với nhau nghĩa nặng tình sâu. Nhưng chú và Minh Châu hiểu ta không bằng hôm nay, ta nghĩ Hoàng thượng nhất định chuẩn y theo sở nguyện của ta.”

“Đã có sớ tâu lên rồi à?” Ngụy Đông Đình kinh ngạc hỏi.

“Ừm,” Ngũ Thứ Hữu bình tĩnh nói, “tính ta vốn tự do, không chịu được sự ồn náo của người kinh sư, càng chán chốn quan trường chìm nổi, mưu mô đấm đá, loại trừ lẫn nhau. Hổ Thần, mấy năm nay quen biết Hoàng thượng, vua tôi ngày càng nặng nghĩa, thầy trò càng thêm sâu tình. Ta vốn không vì một người con gái mà trở nên con người tầm thường. Nhưng mấy năm nay ta đã trải qua những biến cố tình người, đã hiểu được những cơn sóng gió chính trị, ta nghĩ rằng bây giờ lui ra vòng ngoài, có thể toàn thân, toàn danh, toàn tiết, nếu rơi vào chốn quan trường, e rằng tự mình không thoát ra nổi.”

Ông vẫn rủ rỉ: “Hổ Thần, mấy năm gần đây, chú cũng đọc không ít sách, một người bẩm tính như ta, xưa nay có người nào phụ tá nghiệp đế đến cuối cùng chưa?” Ông lắc đầu, “Đủ chứng tỏ sở kiến của ta không sai. Có người rất có tài chỉ biết tiến mà không biết lùi, cuối cùng hãm hại vua rơi vào bất nghĩa! Hết lớp này đến lớp khác, Hoàng thượng đến nay muốn làm hai việc đại sự: bỏ cát cứ, không cần dùng loại thư sinh nho nhã yếu đuối như ta, khuếch trương đạo Thánh, lại không cần ta nắm quyền trong triều; phiêu bạt trên sông hồ, âu ca thánh triều thanh thế, không hơn ở tại triều sao?”

Những lời sau này, Ngũ Thứ Hữu đều có viết trong tấu sớ, nặng mùi Lão Trang, Ngụy Đông Đình chưa từng nghe thấy bao giờ. Liên tưởng việc nhà của mình, anh thở dài nói: “Tiên sinh muốn học Lý Thanh Liên tặng vàng về núi, phong cách khí tiết cao vời, thật đáng ngợi ca, thán phục, nhưng vì tài năng tiên sinh như vậy, tôi vẫn cảm thấy đáng tiếc.”

“Ta đoán Hoàng thượng cũng nghĩ như vậy.” Ngũ Thứ Hữu nói như cười mà không cười, “Dong thuyền Ngũ hồ, phiêu bạt khắp thiên hạ, cũng không mất đi bộ mặt hào kiệt vốn có.” Ngũ Thứ Hữu cười nói.

“Hà tất phải như vậy? Tiên sinh không giống tôi, nghĩ kỹ thì rõ thôi. Nghe Minh Châu nói, Hoàng thượng có ý để tiên sinh đi phục dịch ở Kim Lăng. Theo tôi, suốt đời tiên sinh ở Kim Lăng cũng tốt.” Nói tới đây, anh do dự một chút, “Tôi chỉ nói lời này với bạn tốt tri âm tri kỷ, nếu có gì tiên sinh không bằng lòng thì coi như tôi chưa nói vậy!”

Ngụy Đông Đình lòng đầy buồn đau trở về nhà ở cầu Hổ Phường, thay bộ triều phục định vào cung gặp Khang Hy. Anh rất muốn trước mặt Hoàng thượng khóc một hồi, thổ lộ những bức bối trong lòng. Vừa mới vào cửa, thấy một người lạ mặt khoảng ba mươi tuổi đi vào, vái chào và nói: “Nô tài từ đây xa cách tướng quân!” Ngụy Đông Đình kinh ngạc nói: “Tôi không quen biết túc hạ, túc hạ là ai?”

Người đó cười đáp: “Đã theo đại gia năm năm, bây giờ không nhận ra nô tài sao?”

Ngụy Đông Đình sững sờ một lát, suy nghĩ rất lâu mới chợt nhớ ra: “Ông là người gác cửa... ông sao…”

“Nô tài nguyên ở nha môn mười ba.” Người đó cười, “Hùng đại nhân thấy tiểu nhân nghèo khổ, cử đến hầu hạ đại gia, nhưng sợ ngài chê tuổi nhỏ chưa trưởng thành nên mới ăn mặc kiểu này, đã giấu được đại gia năm năm! Bây giờ công việc bên này đã xong, tiểu nhân xin báo nghỉ dài hạn, và xin được tha tội!”

Ngụy Đông Đình cảm thấy chóng mặt, cơ hồ ngồi ngửa trên ghế, gắng gượng trấn tĩnh, cười nói: “Đều là phục dịch Hoàng thượng, nhưng lại oan uổng cho anh. Bữa nay cáo từ không có gì tặng làm quà, đây có hai trăm lạng bày tỏ lòng thành của tôi!”

Đưa tiễn “người gác cửa”, Ngụy Đông Đình cảm thấy toàn thân mệt mỏi, chân như mềm đi, nhưng vẫn cố gắng cưỡi ngựa đến Tử Cấm thành gặp Khang Hy. Đến trong cửa Long Tông vừa gặp Sách Ngạch Đồ đi cùng với Ngô Lục Nhất và Hùng Tứ Lý, bốn người lặng yên nhìn nhau một chặp, không nói gì, bèn ra vẻ trang trọng vái chào từ biệt.

Mới đi mấy bước, “Ăn mày sắt” bỗng quay người gọi Ngụy Đông Đình.

“Em Hổ Thần,” cơ mặt “Ăn mày sắt” hơi giật giật, “có lẽ em vẫn chưa biết, Tư Hách có chuyện rồi!”

Ngụy Đông Đình hoảng kinh hỏi: “Việc gì?”

“Việc không lớn.” “Ăn mày sắt” nói, “Đại khái cùng Ban Bố Nhĩ Thiện mưu phản, đã bắt giao ty Đại Lý rồi!”

“Sao như thế được?” Ngụy Đông Đình đổ mồ hôi lạnh, cố gượng từ giã Ngô Lục Nhất, đi thẳng tới điện Dưỡng Tâm, vẫn còn cảm thấy tim đập thình thịch.

Khang Hy lúc này lại tỏ ra như không có chuyện gì, nghe Ngụy Đông Đình báo danh, liền nói: “Vào đi, Trẫm đang sai người tìm khanh!” Xem ra lễ nghi ân sủng đối với Ngụy Đông Đình vẫn như thường ngày, hầu như chẳng quan tâm gì việc của nàng Tô.

Minh Châu và Lang Thẩm hai người đứng hầu giữa điện. Ngụy Đông Đình làm nghi lễ theo kiểu thị vệ triều kiến Hoàng đế: vái chào, thỉnh an, rồi đứng lên cười theo nói: “Hoàng đế lại thức đêm rồi, mắt có quầng đen, Thánh thượng nên bảo trọng giảm bớt lao lực mới được!”

“Tiểu Ngụy!” Khang Hy cười nói, “Khanh xem cái thiệp viết trên cột điện, ba việc lớn này chưa làm được, Trẫm còn phải mấy năm ăn không ngon, ngủ không yên!”

Ngụy Đông Đình ngước đầu nhìn, số là trên cây cột treo trở lại một bức điều, trên viết Tam phiên, Tào vận, Hà vụ. Anh đã nghe nàng Tô nói Hoàng đế đã tự tay viết sáu chữ đó, viết xong cất đi, ai dè bây giờ lại treo ra, đập vào mắt mọi người. Ngụy Đông Đình ngẫm nghĩ một hồi, rồi cười nói: “Hoàng thượng hùng tài đại lược, ai cũng kính phục! Có điều, việc lớn ở đây vừa mới xử trí xong, nguyên khí còn chưa khôi phục, e không nên dấy động can qua?”

Khang Hy cười thoải mái: “Ngày ấy Tống Thái Tổ có nói, nằm nghiêng bên cạnh sạp, đâu cho người khác ngủ yên? Chính là mấy chữ “nguyên khí còn chưa khôi phục” của khanh rất hợp ý Trẫm. Việc triệt phiên phải chậm lại, còn hai việc sau chính là cần để khôi phục nguyên khí đó!”

Ngụy Đông Đình không thể không khâm phục sự suy tính sâu xa của Khang Hy, vội cúi người nói: “Hoàng thượng minh giám, suy tính sâu xa, chúng thần không sao theo kịp.”

“Trẫm đã hạ chiếu,” Khang Hy nói, “Tô Khắc Tát Cáp chết quá oan ức, khôi phục chức vụ thế tập, còn cháu ông Bạch Nhĩ Đồ đã lập nhiều công to cũng bị Ngao Bái chà đạp... để cho con trai thừa tập. Minh Châu đã tìm được đứa con sót lại của ông, việc này phải thi hành lập tức.” Nói xong, đổi giọng nói: “Việc khoanh đất làm rối loạn bao nhiêu lâu, nay phải chấm dứt. Trẫm nghe nói có nơi vẫn còn khoanh đất, không làm nghiêm không được! Trẫm đã hạ chỉ vĩnh viễn cấm chỉ, đất đã chiếm của người ta phải trả, nếu không bá tánh còn lòng nào mà sống đời thái bình!”

“Đức Vạn tuế!” Minh Châu nghe đến đây, không nén nổi nói chen vào, “Nô tài cho rằng đối với nguyên đại học sĩ Tô Nạp Hải, Tổng đốc Chu Minh Tộ, Tuần vũ Vương Đăng Liên cũng nên giải quyết sớm đi.”

“Đương nhiên!” nói như đinh đóng cột, “Việc này Trẫm đã sai bộ Lễ đi bàn, không chỉ minh oan mà còn phải ban thụy. Chỉ còn một việc e các khanh còn chưa nghĩ tới, Tổng đốc Sơn Thiểm Mộ Lạc, Tuần vũ Thiểm Tây Bạch Thanh Ngạch, xu nịnh Ngao Bái, người khác có thể không nói tới, nhưng hai người này không xử trị không được, nếu không phía nam có việc, phía tây ứng phó đều không được! Các khanh người nào đi làm việc này?”

Ngụy Đông Đình đang định trả lời thì Minh Châu bước lên nói: “Nô tài xin đi!” Nói xong cười ha ha nhìn Ngụy Đông Đình. Khang Hy nói: “Tiểu Ngụy, mấy năm nay khanh theo Trẫm trải qua nhiều hiểm nguy to lớn, bây giờ vừa yên ổn một chút, Trẫm không nỡ để khanh lại lao đao trên yên ngựa. Công việc này nhường cho Minh Châu nhé!” Ngụy Đông Đình biết Khang Hy có ý dùng Minh Châu, nhưng giọng nói quá tha thiết, nên cũng tiêu mất tâm trạng buồn bực trước khi vào cung, anh không cầm được nước mắt. Khang Hy thì cảm thấy kinh ngạc vội hỏi: “Khanh làm sao thế?”

Ngụy Đông Đình vội quỳ tâu rằng: “Đức Vạn tuế đối với thần tình nặng ơn sâu, mừng quá trào nước mắt.”

“E không phải vậy đâu?” Khang Hy ngẫm nghĩ một lát rồi nói, “Có phải vì chuyện Hách Xuân Thành không?”

“Việc tên Hách nô tài vừa mới nghe nói, không biết phạm tội gì mà làm Trời giận.”

“Hắn tự xưng kính trời đất, tuân Hoàng đế, là “lão Tứ” thực ra là nói khoác chứ không phải vậy!” Khang Hy nói chậm rãi, rút trong một quyển sách ra một mảnh giấy đưa cho Ngụy Đông Đình, “Trẫm biết các khanh kết nghĩa nặng tình, khanh xem xem, tội của hắn có chối cãi được không?”

Ngụy Đông Đình hai tay nhận mảnh giấy đọc xong sợ quá giật thót mình! Số là trên mảnh giấy chỉ viết năm chữ nhỏ: “Vua không ở Bạch Vân” – xem kỹ lại, rõ ràng là nét chữ rất xấu của Tư Hách, bỗng dưng tim đau nhói, cơ hồ như hôn mê ngất xỉu.

Trong khoảnh khắc, cảnh quán Sơn Cô trên Bạch Vân quan bị vây hiện ra trước mắt anh. Nguyên là Tư Hách không về xin binh cứu viện, mà lại đi báo tin cho Ngao Bái và Ban Bố Nhĩ Thiện. Ngụy Đông Đình bây giờ mới rõ lý do tại sao Ngao Bái chịu đổi Minh Châu lấy Mục Lý Mã. Anh lại nghĩ lại, Ngao Bái vì sao không mở vây ngay mà phải để mãi đến trời tối mới đổi người? Đang định đề ra vấn đề này, Minh Châu như nhìn thấy mối nghi ngờ trong lòng anh, bèn nói xen vào: “Hình như đến lúc nguy cấp hắn mới chạy theo, nhưng Ngao Bái, Ban Bố Nhĩ Thiện không tin hắn!” Ngụy Đông Đình cảm thấy trong lòng trống rỗng, một lúc không nghĩ ra điều gì chỉ liên tiếp khấu đầu tâu rằng: “Nô tài quả thật không biết tên Hách đã làm việc như vậy! Nô tài là tổng chỉ huy thị vệ của Hoàng thượng, tội không điều tra không thể chối được, xin Hoàng thượng trừng trị nghiêm khắc!” Bỗng nghĩ tới chuyện tên gác cửa, lòng bỗng ớn lạnh, run lẩy bẩy.

“Đứng dậy đi!” Khang Hy thấy anh như vậy, cũng thấy không nỡ, than rằng, “Lòng người khôn dò, khanh làm sao biết hết ý ngầm của hắn? Việc này bây giờ đã rõ, hắn chạy theo không phải Ngao Bái mà là Ban Bố Nhĩ Thiện.”

“Vạn tuế!” Minh Châu đứng bên cúi đầu hỏi. “Tên Hách tuy phạm tội tày trời, nô tài cũng không thể xin tội, nhưng xin Hoàng thượng cho phép chúng nô tài đến pháp trường cùng anh ta, cho hết nghĩa tình gia hảo cũ.”

“Cũng thôi đi.” Khang Hy trầm ngâm nói, “Ty Đại Lý còn chưa hội thẩm, định tội như thế nào, phải đợi Bộ bàn.” Nói tới đây, Khang Hy bỗng có suy tư, nhìn Ngụy Đông Đình và Minh Châu nói, “Trẫm nể tình các khanh, ban cho hắn một cái chết toàn thây.” Nói xong đứng lên lại bên bàn, cầm bút son ghi một hàng chữ đưa cho Lang Thẩm, nói: “Khanh mau đến ty Đại lý đưa người tới đây, vẫn đưa trả về quán Duyệt Bằng!”

Ngụy Đông Đình khóc nói: “Lòng nhân từ của Hoàng thượng, chúng nô tài ghi vào tấc dạ, ngay cả Tư Hách ở dưới đất cũng phải cảm ơn!”

Một lát, Khang Hy lại gật đầu than với Ngụy Đông Đình: “Trẫm và khanh gặp nhau cũng không dễ, hai mẹ con khanh ở bên ta nhiều năm rồi, nói về tài năng phẩm hạnh của khanh, Trẫm cũng muốn trọng dụng khanh, nhưng Trẫm nghĩ khanh mấy năm nay tâm lực đều hao mòn, thực tình không nỡ để khanh mạo hiểm với khó khăn. Khanh ở bên Trẫm gắng làm tốt mấy năm nữa, sau này dành cho khanh một công việc tốt, đưa mẹ khanh cùng đi, khanh xem có được không?”

Những lời nói này càng là tình ý chân thành, mát ruột mát gan. Khoan nói Ngụy Đông Đình cảm động trào nước mắt, hai người Minh Châu và Lang Thẩm cũng thấy sâu sắc lòng vua nhân hậu, nhưng lặng im không nói. Khang Hy lại tiếp tục nói ung dung: “Trải qua những biến cố phi thường này, Trẫm càng tin trời có số, giang sơn Đại Thanh ta có trời phù trợ, được dân giúp mới chuyển nguy thành an. Từ nay về sau, dù cho phong ba bão táp đến mấy Trẫm cũng không sợ!” Nói đến đây, nhà vua thở dài tiếp: “Sức người có hạn, mệnh trời không thể trái. Ngay như việc Ngũ tiên sinh và nàng Tô, ta là Thiên Tử cũng không áp đặt được, há chẳng đáng phiền trách sao?”

“Việc Uyển Nương tuy không vãn hồi được,” Minh Châu nói, “Ngũ tiên sinh về ở ẩn hay không vẫn còn do Hoàng thượng định đoạt. Tư chất của Ngũ tiên sinh, nô tài cho rằng trên đời hiếm có, xin Thánh thượng lưu ý nhiều hơn!” Lang Thẩm cũng nói: “Nô tài người nhỏ bé, nói nhẹ nhàng, vốn không nên nhiều lời, nhưng ngày đêm gần gũi ông ta, nghe các đại thần nói, mọi người đều đồng thanh ca ngợi, không biết vì sao Thánh thượng lại cho phép ông treo mũ về quê?”

“Các khanh đâu có biết Ngũ tiên sinh!” Khang Hy đặt nhẹ tay lên bàn, rõ ràng là để giấu đi nỗi bất an trong lòng. “Cái học của tiên sinh không phù hợp với văn võ triều Mãn. Cây xuất sắc hơn rừng, gió sẽ bẻ gãy; hành vi cao hơn đời, chúng dân sẽ cho là sai. Trước mắt mọi người nói tiên sinh tốt là phất cờ thuận theo Trẫm, thực ra sớm đã có người ghét ông tài cao, cũng đã có lòng căm hận! Với lòng ngay thẳng của Ngũ tiên sinh, nếu không lịch lãm tình đời, sau này không tránh khỏi rơi vào cái tròng của quan lại xảo quyệt. Đến lúc đó Trẫm sẽ xử lý thế nào? Đó là một lẽ. Một lẽ nữa, Ngũ Thứ Hữu là tài tử ngày nay, danh lừng nam bắc đại giang, nếu để tiên sinh phiêu lãng giang hồ giao du trong nho sĩ người Hán, thì với tư cách này, hành vi này, không ai thay thế được tiên sinh! Đó là cái lý gọi là thiên tử có được mà thành bạn, thiên tử không có được mà thành tôi! Với Trẫm làm bạn với một người áo vải cũng rất thú vị. Đông Đình, khanh truyền những lời này của Trẫm báo cho tiên sinh biết. Mong tiên sinh nhớ đến tình nghĩa thầy trò lâu năm, người đi nhưng lòng không đi. Phàm có việc tấu thỉnh, hạch tội, thì nên như trước nay, nha môn các ty không được lấy cớ gì mà ngăn cản!”

“Dạ!” Ngụy Đông Đình vội đáp, trong lòng không biết là cay hay đắng hay ngọt, đành phải nuốt ực vào, “Mối thâm tình của Đức Vạn tuế đối Ngũ tiên sinh chúng nô tài cảm phục suốt đời!”

Khang Hy nói rông dài đến đây đã cảm thấy mệt, bèn nói: “Các khanh cứ ở đó! Tiểu Ngụy có thể đến cung Chung Túy thăm nàng Tô, các khanh đã sống với nhau bảy năm, không giống với Minh Châu.” Minh Châu vốn rất sợ nàng Tô, nghe Khang Hy nói như vậy, đương nhiên anh không nên đi rồi, dù sao cũng hợp ý anh.

Ngụy Đông Đình lãnh chỉ đi ra, đội nắng gay gắt, đến cung Chung Túy thăm nàng Tô, mấy cung nữ tóc bạc trắng trong lãnh cung báo cho anh: “Đại sư Huệ Chân đi tham thiền Thái hoàng Thái hậu, Ngụy gia hoặc trở về, có nhắn gì chúng tôi sẽ truyền lại, hoặc là đợi một lát, ăn trưa xong nhất định sẽ trở về.”

Bây giờ Ngụy Đông Đình mới biết, nàng Tô xuống tóc xong lấy pháp danh “Huệ Chân”. Anh còn liên tưởng kết cục của Oanh Oanh trong Hội Chân ký, nàng lấy pháp danh này, anh đọc chệch ra một chút mà lòng càng thấy thảm thương, liền nói ngay: “Tôi phụng Thánh chỉ đến đây, không gặp mà trở về sao được? Các bà cứ việc tự nhiên, tôi chỉ ngồi đợi ở đây.” Nói xong liền ngồi xuống trên bậc thềm đá xanh trước điện.

Ngụy Đông Đình ngồi trước điện Phật, nghe tiếng gió rung cây xào xạc, tiếng ve sầu râm ran, bất giác tâm hồn bay bổng. Anh ngẫm nghĩ những lời Khang Hy vừa nói, nhớ lại việc xưa, cảnh gặp gỡ lần đầu ở bờ Tây Hà, trò lên đồng viết chữ hâm rượu luận công danh ở quán Duyệt Bằng, rồi lại nhớ tới tình bạn với Tư Hách ngày nào. Càng nghĩ càng cảm thấy chán chường, anh quyết tâm thỉnh cầu Hoàng thượng cho phép bỏ võ theo văn. Nếu được như Ngũ tiên sinh bạn cùng gió mát, đối mặt với trăng, múa bút lông chồn, ngâm vịnh dài dài, thì anh cũng mãn nguyện lắm rồi.

Trong lúc tâm tư hoảng loạn, nghe cung nữ báo rằng: “Huệ Chân đại sư pháp giá trở về!”

Ngụy Đông Đình vội ngẩng đầu nhìn, không khỏi ngạc nhiên khi thấy nàng Tô mặc quần áo nhà sư, áo đen cổ tay trắng, mặt lạnh như tiền, từ từ đi vào. Nàng Tô thấy Ngụy Đông Đình liền chắp hai tay, nói lạnh lùng: “Cư sĩ, người từ đâu đến đây?”

Ngụy Đông Đình định cười trả lời, bỗng nghĩ lại chuyện lòng mình, liền nghiêm trang lại, chắp tay đáp lễ nói: “Vừa mới từ chỗ Hoàng thượng đến đây, phụng dụ đến thăm đại sư.”

Nàng Tô không nói gì, cứ đi thẳng vào, Ngụy Đông Đình không hiểu gì, đành chỉ bước theo. Thấy nàng Tô đã ngồi trên cái đệm hương bồ trước bàn Phật, liền cùng ngồi xuống, nói rằng: “Tại hạ thay Ngũ tiên sinh hỏi thăm đại sư, Ngũ tiên sinh mấy ngày nữa sẽ đi về nam, ngày sau có vào Kinh được hay không, còn chưa biết chừng. Đại sư có tâm nguyện gì tại hạ xin chuyển cho.”

“Ông cũng là một người thức thời, nhìn thế sự thấu đáo hơn cư sĩ.” Nàng Tô hơi đỏ mặt, “Cư sĩ là người trong trường danh lợi, đương nhiên không biết con người phải “đến từ nơi đến, đi tới nơi đi.” Một chốc nàng Tô lại nói: “Theo bần tăng, trong đám người các anh, phải nói Minh Châu thông minh hơn người, mong các anh tự lo tốt cho mình!” Nói xong gõ mõ, nhắm mắt, tụng kinh.

“Đến từ nơi đến, đi tới nơi đi” là một câu thiền nhà Phật. Nghe mấy lời nàng Tô nói, Ngụy Đông Đình thầm hổ thẹn: Tự mình sao không nghĩ đến? Anh vốn có nhiều lời muốn nói với nàng Tô, cũng muốn hỏi nàng Tô có tâm sự gì nên nói thẳng ra, cũng dễ chuyển lời cho Ngũ tiên sinh. Ai ngờ nàng Tô dứt khoát chặt đứt hết mọi trần duyên, không còn hiểu anh nữa. Anh bèn cười nói: “Đại ẩn ở triều đã được đại sư chọn rồi; tiểu ẩn ở đồng, Ngũ tiên sinh đã chiếm rồi; tôi chỉ còn trung ẩn ở chợ thôi. Mấy ngày nữa tôi sẽ đến quấy đại sư!” Nói xong cúi đầu lui ra. Nàng Tô cũng không đứng dậy đưa tiễn, tiếng mõ vẫn “cốc, cốc” đều đều, có điều bỗng nhiên trở nên cao và gấp.