Phần 8

    Gió cứ thổi, trăng cứ sáng lung linh, dế vẫn kêu rỉ rích, còn tôi và Hoài cứ đứng nhìn nhau, im lặng. Nếu ba năm trước có người nói với tôi, sau này sẽ có ngày tôi và Hoài đứng dưới vầng trăng tròn giữa tháng âm lịch, trong cơn gió đêm dịu dàng, tiếng dế kêu rỉ rích, và chỉ im lìm nhìn nhau thì chắc tôi sẽ cười thẳng vào mặt người đó. Tôi vẫn luôn nghĩ những cảnh ấy chỉ có trên phim thôi, chứ ở ngoài đời thật mò đâu ra, càng không bao giờ xảy ra giữa tôi với Hoài. Nhưng đêm nay khi hai đứa tôi là diễn viên chính trong cảnh phim ấy tôi lại chẳng thấy có gì bất ngờ, có gì không hợp lý. Thậm chí tôi còn thấy chuyện này là một lẽ dĩ nhiên, không thể khác được. Bao nhiêu năm qua chỉ để chuẩn bị cho thời khắc này thôi. Sau này nghĩ lại tôi cũng thấy buồn cười vì suy nghĩ đó của mình. Khi một cơn gió đêm lại thổi tung mái tóc của Hoài làm nó phải đưa tay vén ra sau tai, tôi chợt nhận ra mình rất muốn đưa tay nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn kia. Nhưng tất nhiên có cho tiền tôi cũng chẳng dám, nên lưỡng lự một lát, tôi vẫn chỉ đành đứng im. Mà kể cũng lạ, từ lúc tôi và Hoài đứng đây không có cái ô tô, xe máy hay xe đạp nào đi qua, làm không gian càng thêm phần yên tĩnh. Phải chăng ông trời cũng muốn tạo không gian riêng cho hai đứa chúng tôi?

Đang suy nghĩ linh tinh, tôi chợt nghe Hoài hỏi:

-      Mai mày và bố bắt xe xuống à?

Tôi đáp:

-      Ừ, tao với bố bắt xe xuống bến xe rồi đi ta-xi vào nhà dì tao.

-      Mấy giờ đi?

-      Vẫn như lần trước, chắc gần sáu giờ.

Hoài cười:

-      Sao không bảo chị Quyên ở nhà đưa đi, chị còn lạ gì Hà Nội, nhờ đến bố làm gì cho bố vất vả? Có mấy dịp được đưa em trai nhập trường.

Tôi cất giọng bực mình:

-      Ừ, phát chán mấy bà chị, lúc em cần thì chẳng ai ở nhà, suốt ngày chỉ mải tình nguyện này nọ.

Đây là tôi đang nói cả chị của Hoài đấy. Hoài vẫn cười nhìn tôi hỏi:

-      À, cho tao số di động của mày đi.

Tôi ngớ người, nhớ ra mình chưa cho Hoài số điện thoại di động. Khốn nỗi di động mẹ cũng vừa mua cho tôi mấy hôm, tôi chưa dùng lần nào, nên cũng chưa nhớ số, bèn gãi đầu bảo Hoài:

-      Để mai xuống đến nơi tao gọi về cho mày là mày biết ngay chứ gì. Giờ tao chưa nhớ.

Hoài gật đầu, nhìn lên bầu trời đêm chi chít sao, rồi nhìn tôi nói:

-      Ừ, vậy cũng được. Thôi, mày vào nghỉ đi, mai còn đi sớm, tao về đây.

Dừng lại nhìn vào tay tôi, Hoài nói tiếp:

-      Phải nhớ đeo dây chuyền tao tặng, đeo ở đâu cũng được nhưng không được bỏ, cũng không được quên. Nhất định... nhất định... không được quên tao đâu đấy.

Lần này, nói xong Hoài nhìn vào cổ tay chứ không nhìn vào mắt tôi. Còn tôi, tôi không muốn Hoài về chút nào, tôi muốn nó cứ đứng đây, chẳng để làm gì, chỉ để hai đứa nhìn nhau thêm chút nữa. Nhưng tôi không dám nói vì tôi cũng nhận ra ý muốn ấy thật buồn cười. Với lại chú thím tôi sắp về, để chú thím ra nhìn thấy cảnh trong đêm hai đứa đứng với nhau cũng không hay lắm, nhất là khi mối tình “thanh mai trúc mã” của hai đứa đã được cả xã biết tới từ lâu. Tôi chỉ gật đầu cười, lưu luyến nhìn nó xuống quay đầu xe. Hoài cũng cười, quay xe, đạp về. Nhưng đi được vài mét, nó bất ngờ chống chân, quay lại nhìn thẳng vào mắt tôi nói:

-      Việt không được quên Hoài đâu đấy.

Từ bao giờ nhỉ? Có lẽ là từ những ngày bập bẹ tập nói đến bây giờ, tôi và Hoài luôn xưng hô “mày, tao”; người lớn nhắc cũng chẳng sửa được. Nhưng đêm nay, khi nghe Hoài không xưng hô như vậy, mà gọi thẳng tên hai đứa ra, tôi không mảy may thấy có gì gượng ép hay buồn cười; cũng chẳng ngạc nhiên. Thậm chí, giống như lúc nãy, tôi thấy lẽ ra hai đứa phải gọi nhau như thế từ lâu rồi mới phải. Trong đêm thu tháng chín, ánh mắt Hoài dịu dàng như chứa đựng tất cả ánh trăng đêm nay. Khoảnh khắc này, những cảm xúc chộn rộn trong lòng tôi nãy giờ, như lửa gặp gió lớn, bỗng chốc bùng lên dữ dội. Nếu Hoài đứng ngay sát tôi như lúc nãy, chắc tôi sẽ nắm chặt tay nó rồi đặt lên ngực mình, thậm chí còn làm điều gì lớn gan hơn thế không biết chừng. Để rồi cả tháng sau không dám liên lạc với nhau vì... ngại. Nên chẳng biết may hay không may khi bây giờ, hai đứa đứng cách nhau gần chục mét.

Tôi định nói mấy câu thật mùi mẫn, sặc vị ngôn tình, theo kiểu “tớ có thể quên cả thế giới nhưng sẽ chẳng bao giờ quên Hoài”, thậm chí “một buổi sáng nào đó, nếu Hoài thức dậy mà không thấy mặt trời mọc nữa, thì khi ấy tớ đã quên Hoài rồi đấy”. Nhưng ra đến miệng lại thành:

-      Ừ.

Một tiếng gọn lỏn như vậy làm chính tôi cũng thấy không ổn, vội nói thêm:

-      Chỉ đợi một năm thôi, nên năm sau nhất định phải đỗ đấy.

Xong nháy mắt với Hoài, giọng bông đùa. Tôi chưa quen với kiểu xưng hô mới mẻ kia, nên dù không gọi “mày, tao” cũng vẫn chẳng dám xưng tên, chỉ nói trống không vậy nhưng chắc Hoài hiểu ý tôi. Nó gật đầu, không nói thêm gì, chỉ mỉm cười, rồi quay người đạp xe đi, từ đấy không còn quay đầu lại thêm lần nào.

Tôi đi ra tận mép đường nhựa, nhìn theo bóng lưng Hoài, dưới ánh trăng trong vắt, cứ nhỏ dần, nhỏ dần, rồi biến mất ở chỗ rẽ. Một con đom đóm từ bóng đèn đường gần đấy bay xuống đậu trên vai tôi, không muốn làm nó bị thương, tôi chỉ khẽ hất vai để nó bay đi. Gió vẫn từ sông mang theo hương hoa sữa thổi vào càng lúc càng mạnh. Tôi căng người hít một hơi thật sâu để không khí mát lạnh đêm thu tràn căng tới mọi tế bào trong cơ thể. Bao nhiêu khó chịu, nặng nề mấy hôm nay bay sạch, ngập tràn lòng tôi là sự ấm áp, ngọt ngào, cứ như ở đó có một viên kẹo đường đang từ từ tan chảy. Và một cảm giác nữa, khác lạ nhưng không hề kỳ lạ ngập tràn cõi lòng tôi. Là gì nhỉ? Hạnh phúc à? Chắc vậy. Không, không phải chắc mà là chắc chắn. Trong một tích tắc tôi muốn hét hai tiếng “Hoài ơi” thật to, nhưng không dám. Giờ mà hét, cả xã nghe thấy mất, lúc ấy biết giải thích thế nào với mọi người, giải thích thế nào với bố mẹ tôi. Tôi không hét mà lại một lần nữa vươn vai căng người hít sâu. Tôi nhận ra mình rất thích làm thế này. Nơi lồng ngực, trái tim tôi vẫn đập rộn ràng, chẳng có dấu hiệu gì sắp bình ổn. Tiếng nói chuyện trong phòng khách nhà tôi bất chợt vọng ra rõ hơn, cả tiếng bàn ghế xô đẩy lịch kịch, hình như các chú thím đang chào bố, mẹ tôi để ra về. Tôi mỉm cười, quay người đi vào nhà. Trăng đã lên cao, bóng tôi chỉ đổ một khoảng ngắn trên đường bê tông chứ không dài như lúc nãy. Giữa cơn gió đêm ngập tràn hương hoa sữa, tôi tự hỏi một tuần nữa về thăm nhà liệu có phải là quá nhanh không nhỉ? Ừm, đúng là hơi nhanh thật. Thôi, để... hai tuần nữa vậy.