Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất: Hỏa Lò, Côn Lôn, Guy An - Phần 09: Ngục Thất Ăng-ghi

IX. Ngục-thất Ăng-ghi

Dù ở trong hoàn-cảnh đau-thương tột bậc, chúng tôi vẫn phải luôn-luôn tỏ ra cho người ngoài không thể khinh-khi, vì mang danh là cách-mạng của một quốc-gia có trên bốn ngàn năm lịch-sử vẻ-vang. Hàng ngày mỗi buổi tối anh em đều tổ-chức cuộc nói chuyện, tranh-luận và các vấn-đề chính-trị, học tập thêm văn-hóa, tu-dưỡng đạo-đức, giữ vững tinh-thần, mọi sinh-hoạt trong nhà giam đều được phân công trách-nhiệm rõ-rệt ; nên dần dần bọn thống-trị ở đây bắt đầu kính-nể, thổ-dân cũng tỏ tình thiện-cảm, không còn có sự hiểu lầm chúng tôi là bọn sát-nhân trộm cướp như khi mới đến đất này.

Số phạm-nhân từ các thuộc-địa, từ chính-quốc phát vãng đến Guy-An mỗi ngày mỗi nhiều. Toàn-quyền Guy-An liền ra lệnh di chuyển hết thẩy những phạm-nhân 2 gồm cả chính-trị-phạm đến Ngục-thất Ăng-ghi, ngục-thất dành riêng cho phạm-nhân Thuộc-địa Đông-Dương.

Ăng-ghi, vị-trí thuộc phía bắc phần đất I-ni-ni,cách Thủ-đô Cay-En gần một trăm cây số, nơi đây là khu rừng thiêng nước độc, nơi đây chưa hề có dấu chân người.

Sao lại có cái tên Ăng-ghi (Crique d’anguilles). Là vì vùng này có loài cá lạch, thân dài mà mỏ cũng dài, mình tròn như con lươn. Đặc-biệt giống lươn này có chất điện trong thịt, nếu ai đụng phải nó, tức khắc bị điện giật. Giống lươn điện này sống trong một cái đầm rộng mênh-mông, lăn lác mọc đầy, thông ra một cái rạch tiếp với sông Sin-na-ma-ri, cửa rạch trở ngang mặt thị-trấn nhỏ Ru-A (Roua).

Ngục-thất giam chúng tôi được thiết-lập trên bờ rạch có giống lươn điện này, nên mệnh danh là « Ngục-thất Ăng-ghi ».

Ngục-thất ở giữa, ngoài căng giây thép gai chằng-chịt, truyền điện, xung quanh là nhà Chúa-ngục, tư-thất các sĩ-quan và trại lính bao vây. 3

Thủ-đô Cay-En cũng gọi ngục-thất Ăng-Ghi là ngục-thất đặc-biệt, vì vị-trí của nó ở quá cách biệt, chỉ tiếp-xúc được với thị-trấn Ru-A và Cay-En bằng xuồng máy mà thôi.

Phân khu Ăng-Ghi đặc dưới quyền cai-trị của một viên Đại-úy Pháp chỉ-huy một đại-đội lính Lê-Dương nắm trọn quyền sinh sát trong tay, muốn giết một phạm-nhân nào, y chỉ sai viên Thư-ký thảo một bức công-văn báo cáo với viên Toàn-quyền ở Cay-En với hai chữ : « CHẾT BỆNH », thế là xong đời !

Việc làm ở nơi đây cũng vẫn như công việc làm ở ngục-thất I-ni-ni, cũng vẫn tốp vào rừng kiếm cây hường, gỗ quý, tốp làm rẫy trồng rau, tốp đi tìm vàng. Hàng tuần có xuồng máy tải về Cay-En, rồi chở lương-thực và thuốc-men trở lại. Nhưng sự thực, lương-thực và thuốc-men phạm-nhân được hưởng thụ bao nhiêu ? Ăn vẫn thiếu, ốm chết người mà chúng chỉ thí cho viên ký-ninh vàng đã mốc, mà hình-phạt thời đặc-biệt khủng-khiếp vô cùng.

Anh nào lười hay ương-bướng là bị chúng đánh cho đến kỳ ốm đòn, rồi trói chặt vào một cây cột dài đem ra đầm cắm cột xuống cho lươn điện giật cắn đến chết ; mà đã xong đâu ! chúng còn kéo xác lên làm mồi để câu cá sấu đầy dẫy ở khắp các sông ngòi. Thường thường một xác người câu được hai con cá sấu, hay ít nhất cũng được một con. Đem về lột lấy da, bán cho các lái buôn Trung-Hoa, mỗi tấm da giá trung-bình là 70 quan, nếu được hai tấm da, chúng thu được 140 quan, với số 140 quan chúng sẽ mua được một gờ-ram VÀNG. 1) CON ĐƯỜNG XƯƠNG MÁU

Tiếng súng Lư-Cầu-Kiều nổ, báo hiệu một cuộc xâm-lăng của Đế-quốc Nhật-bản vào lãnh-thổ Trung-Hoa. Thực-dân Pháp bắt đầu lo đến số-phận tồn vong của các thuộc-địa mình, liền ra lệnh cho các Chính-phủ cai-trị Thuộc-địa phải chuẩn bị đề-phòng các dân-tộc bị-trị nổi lên chống đế-quốc.

Tại Guy-An, Pháp dự định làm một con đường xuyên I-ni-ni nối liền khu La-Phô với khu Ăng-Ghi xuyên qua Sanh-Ti (Saint Tigre) thẳng về Cay-En, con đường chiến-lược của Pháp. Con đường mới này dài khoảng ba trăm cây số ngàn, và sẽ là con đường đá lớn thứ nhì của Guy-An, vì từ trước đến nay Guy-An chỉ có độc một con đường đá ven biển mà chỉ hạng xe du-lịch mới chạy qua được mà thôi.

Vậy con đường mới Pháp bắt đầu làm đây, việc khai-thác miền rừng I-ni-ni sẽ được dễ-dàng, các lâm-sản được chuyển vận ra tầu bể mau lẹ. Nhưng điều quan-trọng hơn hết là nhờ con đường mới này, lực-lượng võ-trang của Pháp sẽ khỏi lo bị bắt sống trọn ổ, một khi có chiến-tranh lan tràn tới.

Bởi vậy chính-quyền Pháp tại Guy-An đã huy-động tất cả các sắc phạm-nhân : Đen, trắng, đỏ, vàng trong bốn ngục-thất, gồm cả số phạm-nhân bị phạt nhốt trong « hầm-đá, hầm-gạch » để thực-hiện chương-trình trên.

Riêng số phạm-nhân ngục Ăng-Ghi được chia làm 12 kíp, mỗi kíp 50 người, sáu kíp từ La-Phô đi qua hướng đông-bắc, còn sáu kíp thời từ bờ sông Sin-Na-Ma-Ri đi lại, và sẽ gặp nhau trên bờ sông Ma-Na để cùng kiến-thiết cầu cuối cùng của chương-trình. Ngục Ăng-Ghi được làm trụ-sở trung-ương của cấp chỉ-huy, tiếp-tế lương-thực và dụng-cụ.

Công-tác bắt đầu là phải dọn con đường thông suốt từ La-Phô qua Sanh-Ty. Phạm-nhân mỗi người được phát đủ dụng-cụ cần-thiết tùy công-tác từng kíp. Một kíp đi trước rẫy cỏ, chặt những dây gai chằng-chịt như tấm lưới thép, tiếp một kíp đi sau lôi những thứ ấy vứt bỏ sang hai bên lề đường, kíp thứ ba tiến tới hạ những cây to, kíp thứ tư cưa thân cây ra thành khúc dài hai thước, hai kíp chót thì cuốc, rẫy làm cho sạch-sẽ con đường.

Vì gai góc nhiều quá, nên quần áo phạm-nhân đều bị rách mướt, họ phải ở trần-truồng như con nhộng để làm việc ; quần áo dành để tối mặc cho sạch sẽ và đỡ lạnh.

Khí-hậu ẩm-thấp oi-bức lạ-lùng, bị cây-cối um-tùm làm cho ánh mặt trời không làm sao lọt xuống được. Khát ư ! xuống suối mà uống, nước suối thời đầy dẫy rễ cây, lá cây rừng già rụng xuống, lạnh như băng tuyết và độc chết người.

Bữa ăn thời dùng cơm khô hoặc cơm nắm, nếu ai muốn gia-vị thời cứ việc đi ngắt lá-chua, trái-đắng ở rừng chấm với muối ớt, với khô mà xơi.

Bắt đầu có vài ba người ngã gục, bụng sình lên như cái trống, xác vất xuống sông, lạch làm mồi cho cá sấu.

Phạm-nhân da trắng con dân của Mẫu-quốc, quần áo có đủ nên không bị cởi trần truồng, khác với phạm-nhân thuộc-địa, mỗi tên có một sợi giây chuyền bằng đồng đeo cổ, ghi rõ tên tuổi và quốc-tịch, bọn lính da đen cũng vì nể họ hơn, nhưng rắn độc và thú dữ thời chúng không phân biệt mầu da, gặp cơ-hội là chúng xơi tuốt. Ban đầu, mỗi tuần xẩy ra vài mạng bị rắn độc, cọp, sư-tử vồ, làm cho mọi người sợ hãi, dần về sau, người ta quen vì cực-khổ quá, nên không còn ai để ý đến những tin kinh-khủng ấy nữa ! Để khủng-bố tinh-thần, bọn lính da đen dùng lưỡi-lê xiên qua bụng một vài phạm-nhân bị ốm đau mà không làm việc được một cách tận lực, đem dìm xuống suối cho lươn-điện rỉa.

Công việc đương tiến-hành thời đột-nhiên phát-sinh một bệnh dịch kỳ-quái, trước hết người bệnh bị nóng hầm, mắt đỏ ngầu, rồi đi tiểu nước đỏ như máu. Không cứ phạm-nhân, cả lính da trắng da đen đều bị. Ngày nào ca-nô máy cũng phải chở xác phạm-nhân và lính về Cay-En.

Một Bác-sĩ Pháp được phái đến, nhưng ông ta cũng chẳng rõ là bệnh gì, vội-vã về Cay-En để mổ khám tử-thi nghiên-cứu tìm thuốc ngăn-ngừa, nhưng kết-quả vẫn vô hiệu.

Thời gian trôi qua, thuốc chẳng thấy người vẫn cứ chết, cho mãi đến năm 1938 khi viên Toàn-Quyền mới của Guy-An là ông Masson de Saint Félix nhân thấy số phạm-nhân Guy-An bị sút mất đi nhiều quá, nhất là số lính coi phạm-nhân cũng bị hao hụt rất nhiều, nên ông ra lệnh đình chỉ việc phá rừng làm con đường này.

Tính ra con đường ấy mới làm xong được 7, 8 cây số, mà số phạm-nhân phải bỏ mình gần năm trăm người, tính bổ đồng mỗi cây số phải hy-sinh bẩy mươi mạng người.

Tôi còn nhớ một tên lính da đen rạch mặt đã nói trắng-trợn với chúng tôi rằng : « Khẩu-hiệu của Ngục-thất Guy-An là phải làm cho phạm-nhân biết làm việc bằng chân tay, làm việc cho mệt nhừ, cho ê-ẩm thân xác ; có như thế, chúng mới im cái mồm nói chính-trị, xúi giục dân chúng làm loạn… CON ĐƯỜNG XƯƠNG MÁU ! » 2) MỘT CUỘC TRẢ THÙ ĐẪM MÁU

Năm giờ sáng một ngày cuối năm 1939, sương mù còn phủ kín cả khu rừng già Ăng-Ghi, bỗng phát lên một hồi còi báo động.

Cửa ngục bị kiểm-soát khóa cẩn-thận, súng lớn súng nhỏ lô-nhô chĩa nòng vào các trại giam, phạm-nhân đều rùng-rợn cho là mình sẽ bị hóa kiếp hết.

Một lát sau, giám-thị và lính đến ập vào các trại giam khám xét rất kỹ-lưỡng, chúng không quên đập lên đầu lên mặt phạm-nhân mỗi người mười hèo. Rồi bắt đầu một cuộc điểm danh, kết cục khiếm diện một phạm-nhân là « NĂM ĐẮC ».

Sở dĩ có cuộc khám-xét này là vì lính tuần tìm thấy phía sau trại giam C, một xác chết là một tên ách Pháp, một bộ-hạ đắc-lực nhất của viên Đại-Úy Chúa-ngục Ăng-Ghi. Tử-thi tên Ách, mắt bị móc mắt, ruột bị lòi ra, máu đã khô xám lại, cây súng lục cũng biến mất chỉ còn lại cái bao da.

Tên Ách Pháp bị giết, Năm Đắc đã vượt ngục, tin ấy không có gì làm ngạc-nhiên cho lắm đối với anh em phạm-nhân ngục-thất Ăng-Ghi.

Năm Đắc đã giết tên Ách Pháp, Năm Đắc đã vượt ngục, nguyên-nhân vụ ấy xẩy ra như sau này :

Nguyên từ sau khi bãi việc làm con đường mới, phạm-nhân ngục nào được trả về ngục ấy, phạm-nhân ngục-thất Ăng-Ghi lại tiếp-tục công-tác cũ, và lại cắt đặt thêm một kíp chuyên-môn đi đánh cá ở sông để cống hiến cho chúa-ngục. Các sông quanh vùng Ăng-Ghi có nhiều loại cá nước ngọt như cá mè, cá gáy, cá rô như ở bên ta, đặc-biệt là tôm thời rất lớn.

Trưởng ê-kíp lưới cá là Năm Đắc, nguyên là một tay anh chị can-đảm có tiếng ở Sài-gòn, được cử hướng dẫn một số phạm-nhân cứ đến đêm đi lưới cá, phải lưới thâu đêm để lấy tôm, cá tươi cho Chúa-ngục nhắm rượu, và gia-đình hắn xơi, phần còn dư thời Chúa-ngục làm nước mắm hoặc cao cá như loại « bouillon viande », vì Chúa-ngục đã sống nhiều năm ở Đông-Dương, y đã lấy đến ba lần vợ Việt và Miên, nên y rất thích dùng nước mắm.

Mỗi buổi sáng cá lưới về đều phải đệ-trình tên Ách Pháp (tên Ách bị Năm Đắc giết), một thủ-túc rất thân-tín của Chúa-ngục, để tên ấy kiểm-điểm trước rồi mới dâng lên Chúa-ngục. nhưng mỗi lần kiểm-soát như vậy, Năm Đắc phải vi-thiềng trước cho y vài con cá tươi thật ngon, nếu không thời đầu y lắc-lư, môi y sìa ra, tay y thời luôn-luôn ve-vẩy cái đuôi cá sấu, Năm Đắc sẽ lập tức bị ăn đòn túi-bụi.

Một buổi sáng lưới cá về, theo như thường lệ, Năm Đắc bưng rổ cá lên trình tên Ách Pháp, tên Ách ấy lấy gậy tre khuấy lộn trong rổ cá, rồi y moi lên một con cá gáy rất to, con cá nay chết, hai bên mang nó đã sẫm lại, mà Anh Năm đã sơ ý không biết. Tên Ách liền rang chân đạp thật mạnh trúng giữa bụng anh Năm, Năm Đắc nằm chết giấc ngaybên cạnh bàn giấy của tên Ách.

Tên Ách liền bưng rổ cá hất ra ngoài sân, rồi truyền lệnh cho tên gác bắt trọn ê-kíp lưới cá về ngục xiềng chân lại đợi lệnh của y. Còn Năm Đắc, tên Ách dẫn vào lớp nhà sau của y chói chặt chân tay lại, rồi rút ngược lên sà nhà, y đánh anh Năm đến nỗi không còn biết đau, rồi hạ xuống sai bồi da đen lấy nước mắm đổ vào hai lỗ mũi anh Năm làm cho Năm nghẹt thở, chết đi sống lại đến hai mươi lần ; thế mà y còn chưa tha, lại còn truyền cho em trai của y tiểu tiện vào hai lỗ mũi anh Năm nữa.

Tên Đại-úy Chúa-ngục thời ngồi uống rượu mạnh cười hả-hê nói với bồi bếp : « Chúng nó dám khinh tao, cá đã chết như vậy mà còn dám đem về cho Sếp nó ăn, nó khinh tao là mọi à ! đánh cho chết cái quân ngu-xuẩn nầy ! »

Năm Đắc được trở về trại giam, mặt anh sưng vù lên và toàn thân mọng lên như trái bồ-quân, nằm mê-man bất tỉnh ; anh em đồng-hội đồng-thuyền phải lấy nước muối thoa bóp, tìm ngải băng bó những vết thương. Ngót một tháng trời Năm Đắc mới tập-tễnh đi lại được.

Từ đó, không còn thấy Năm Đắc vui-vẻ đùa-nghịch như trước nữa, nét mặt lúc nào cũng đăm-chiêu, gần như pho tượng đá. Chúng tôi ai nấy đều nghi-ngờ Năm Đắc, con người ngang-tàng gan-dạ này tất đang trù tính một mưu-toan kế-hoạch ghê-gớm phi-thường gì đây !

Một ngày kia tấn kịch ghê-gớm đẫm máu ấy đã xẩy ra, tên Ách tây bị giết. Năm Đắc vượt ngục, lính tráng bổ vây tìm kiếm khắp nơi không thấy tung-tích. Chúng tôi đã mừng cho Đắc trả được thù, không những là thù riêng của anh, mà còn là thù chung cho tất cả anh em đồng số-phận, đồng cảnh-ngộ như anh.

Cách tuần-lễ sau, chúng tôi lại bắt đầu đi làm việc như thường lệ, khi tiến sâu vào rừng rậm, nhận thấy chiếc áo xanh rách nát, với nhiều vết máu loang dưới đất, và trên các ngành cây bị gẫy, nơi ấy cách xa ngục-thất Ăng-Ghi độ 15 cây số.

Năm Đắc đã bị thú rừng hại rồi ! không còn nghi-ngờ gì nữa ! Tin ấy được loan truyền, toàn-thể anh em phạm-nhân ngục-thất Ăng-Ghi đều nhỏ lệ cảm-thương mến-tiếc Năm-Đắc, và đều nhịn một bữa cơm trưa để chia buồn và tưởng-niệm một người anh-hùng trong giới giang-hồ hảo-hớn, một người cùng chung một giòng máu Lạc-Hồng.