[Tản văn] [Cuộc thi viết - Số 1/2015] Nước mày, nước tao

BÀI DỰ THI: MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
Người viết: Trịnh Vương HQ
Tiêu đề bài viết: Nước mày, nước tao

NT: Góp vui với cả nhà một tí, mấy hôm nữa em thi cử nên không viết được. Em đi thi với tinh thần cọ xát là chính thôi. :D

NƯỚC MÀY, NƯỚC TAO

Viết cho thời sinh viên...
Varna những ngày chuẩn bị xa.

Tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi vừa dứt cũng là lúc đầu tôi gục xuống bàn, chả là dạo này cuối khoá, phải thi cử nhiều, rồi tự nhiên ham hố viết lách nên tôi có phần hơi thiếu ngủ.

- Bao giờ mày về? - Một cánh tay đập mạnh vào vai tôi từ phía sau.

Tôi giật mình đau điếng. Hai hàm răng của tôi đột ngột khép lại đã tranh thủ ghé qua mà cắn luôn vào cái môi của tôi. Thằng bạn thân, cũng may là thằng bạn thân chứ thằng khác thì kiểu gì tôi cũng sửng cồ chửi loạn xạ lên.

- Dự xong tốt nghiệp của bọn mày thì tao về. – Tôi đưa tay lau vội dòng nước dãi rồi khó chịu nói.

Thằng bạn tôi đứng cười sặc sụa trước vẻ mặt cau có và bộ dạng hơi luộm thuộm của tôi.

- Mày sẽ quay lại chứ?

“ Quay lại á?”, tôi tự hỏi. Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ đến vấn đề này nhưng nghĩ một cách nghiêm túc như cái mặt nó đang cười rồi đăm chiêu hỏi tôi thì chưa.

- Tao không biết. – Tôi trả lời chiếu lệ rồi gục xuống, tranh thủ làm thêm giấc nữa mà không cần quan tâm nó đang nghĩ gì.

Thằng bạn tôi là vậy, thích hỏi, cái gì cũng hỏi, chẳng phải riêng chuyện này mà nhiều chuyện khác. Nhiều câu nó hỏi do tò mò về cuộc sống nơi mảnh đất hình chữ S, hỏi với mục đích chỉ để hỏi và tất nhiên có những câu, hỏi với mục đích để trọc tức.

“Nước mày người ta ăn thịt chó thật hả?”, đấy, mắt nó luôn tròn xoe tỏ vẻ hứng thú khi hỏi tôi câu này. Ở đây người ta quý chó, trường tôi lúc nào cũng có cả gần chục con chạy long nhong, đa phần là chó vô chủ, không có người nuôi, chó vạ vật ngoài đường thì nhiều vô sổ kể. Họ không ăn thịt chó nên chúng mới đông như thế, mà rồi không ăn thì làm gì có ai trộm. Tôi thương cho bọn chó nước tôi và thương cả thằng bạn tôi, thương nó chưa một lần được ăn thịt chó. Đúng thật! Trên đời thứ gì người ta chưa được nếm thì người ta luôn muốn biết cảm giác khi được thưởng thức thứ đó là như thế nào. Nó hỏi tôi tất tật những thứ liên quan đến chó, từ cách chế biến, những món có thể nấu chung, hình dáng của con chó Việt… Nó tỏ ra thèm thuồng khi tôi nói thịt chó rất ngon.

Nó hỏi về chó nhiều đến mức khiến tôi bực mình. Nước Việt tôi oai hùng là thế, đẹp đẽ là thế, bao nhiêu cái để hỏi sao nó không hỏi, lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm hỏi về chó. Hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế ngoài những năm tháng chiến tranh ác liệt chỉ là hay ăn thịt chó thôi sao? Tôi đã phải nói với nó rằng thịt chó cũng như thịt lợn và thịt gà. Nước Ấn Độ người ta tôn bò làm thần nhưng sao nước mày lại ăn? Đừng nói với tao là chó thông minh, là bạn bè thân thiết của con người vì có con thông minh hơn con chó,thân thiết không kém nhưng vẫn bị giết lấy thịt chỉ vì cái tội nó lớn nhanh quá, nó là con lợn đấy.

Chắc chẳng bao giờ nó hiểu được những điều tôi nói. Cứ ai ăn chó là xấu, là dã man! Nó và những thằng bạn lớp tôi, người ở đây đều nghĩ như vậy, nhưng giả sử họ đã trải qua nạn đói năm bốn năm thì con chó của họ tất nhiên sẽ nằm trong danh sách những con có thể cứu sống được con người. Tôi từng đọc người dân nước tôi ăn những thứ kinh khủng và bẩn thỉu hơn để sống chứ thịt chó thì quá bình thường. Phải chăng đó cũng là lý do mà ẩm thực nước tôi thuộc hạng cực kỳ phong phú?

Sau con chó nó hỏi tôi về con gái Việt Nam. Cái này tôi phải khẳng định tôi tự hào hơn rất nhiều khi được hỏi so với những câu về chó. Những cô thôn nữ dịu dàng, e ấp bên đầm sen; những cô nàng đẹp tinh khôi trong tà áo dài trắng; hoa hậu, á hậu, những em sexy mới nổi… tôi google cho nó xem tất. Nước nó và nước tôi làm gì mà toàn người xinh như thế, nhưng chả mấy khi có cơ hội nên tôi phải tranh thủ khoe để gỡ gạc lại chút thể diện cho mình. Nó và tôi ngắm hình xong thì đem so sánh, bình phẩm vẻ đẹp con gái hai nước. “Đẹp, xinh, quyến rũ” là những từ hai thằng tôi dùng để miêu tả chung cho con gái hai bên. Nó quyết tranh phần thắng cho vẻ đẹp con gái nước nó bằng những lý lẽ này kia nhưng đều bị tôi kịch liệt bác bỏ. Lý do duy nhất tôi chịu thua là con gái nước nó “to” hơn con gái nước tôi. Tính kiếm cho nó xem tiếp những em to như con gái nước nó nhưng tôi đành thôi. Con gái nước tôi cũng có cô to nhưng to do muốn to chứ hiếm cô to tự nhiên như con gái nước nó. Tôi chợt phát hiện ra một điều: “Đồ Tây thường to!”

Đất nước của nó, tức là đất nước tôi đang sống và học tập, đã đổi thay rất nhiều so với những năm tám mươi của thế kỷ trước: nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển. “Nghèo thế, lạc hậu thế sao người ta còn gửi tôi sang đây học?”, nó luôn thắc mắc hỏi tôi, cái thắc mắc này khác hẳn sự tò mò khi hỏi về chó và sự ham của lạ khi hỏi về gái của nó.

Một lời giải thích thoả đáng cho thắc mắc đó của nó đối với tôi có vẻ hơi khó. Tôi thường cười và nói đùa với nó rằng: Tôi sang đây để gặp nó, để gặp cái thằng suốt ngày oang oác, không bao giờ chịu để cho mồm ăn da non nhưng thật thà, tốt bụng, luôn hết lòng giúp đỡ bạn bè như nó, rồi do tôi quá yêu đất nước hoa hồng của nó nên tôi đã quyết định mà chẳng cần đắn đo suy nghĩ khi các thủ trưởng cấp trên hỏi tôi có muốn sang đây học không.

Nền giáo dục già nua của nước nó sẽ chẳng có gì cho tôi tiếp thu, học hỏi. Tiếng nước nó, thứ ngoại ngữ ít người biết đến cũng vậy, chắc chắn không giúp ích được cho tôi trong công việc sau này - nó luôn cho rằng như vậy, nó cho rằng số tôi không may khi mang tiếng đi học nước ngoài nhưng lại học ở nước nó. Tôi khác nó, tôi nghĩ mình là một người may mắn, rất rất may. Nước nó đã từng là bệ phóng cho nhiều vị quan chức cấp cao nước tôi, và tôi tin rằng nó cũng sẽ là một bệ phóng cho tôi. Học ở đâu cũng vậy, yếu tố quyết định vẫn là con người nhưng người ta cứ đi để tầm mắt mình được mở rộng, đi để ngắm nhìn và quan sát cuộc sống xung quanh, đi để biết rằng ta đang ở đâu trong thế giới này. Thằng bạn tôi, nó đang quay lưng với nền giáo dục nước nhà giống như những bạn trẻ nước tôi, trong số đó tất nhiên có cả tôi đã từng. Cơ hội chỉ đến một lần, tôi có cơ hội đến nước nó và tôi đã ngay lập tức nắm bắt lấy cơ hội đó. Chính vì thế giờ đây tôi yêu đất nước của nó và thêm yêu đất nước của tôi. Nó, tôi, những người trẻ như chúng tôi nên đi!.

Nếu đem những thứ tôi được và mất khi học ở đây lên bàn cân mà cân thử, tôi nghĩ mình được nhiều hơn. Ở nước nó, lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến tuyết rơi, tuyết đẹp nhưng bẩn. Tôi cầu cho tuyết rơi thật nhiều, sau đó thì cầu đừng rơi nữa, vì tôi và nó sẽ phải vác xẻng đi dọn tuyết giữa cái rét âm độ, lạnh tê tái. Ở nước nó, tôi được nếm trải cảm giác của những cái tết xa nhà, xa người thân. Tôi học được cách nói cảm ơn và xin lỗi, học được cách sống khi xung quanh mình toàn người lạ, học cách vượt qua những rào cản ngôn ngữ, văn hoá và học được cách tự lập. Chính nơi đây tôi được dạy một thứ ngôn ngữ giàu đẹp là cha đẻ của những ngôn ngữ sla-vơ khác, ít người biết đâu có nghĩa là tầm thường và vô dụng như nó vẫn nghĩ, cái gì càng hiếm thì càng đáng quý trọng và nâng niu! Và rồi nếu để chuyển dịch những tác phẩm văn học đặc sắc nước nó sang tiếng Việt thì phải là những người biết tiếng nước nó như tôi chứ chả nhẽ lại là một ai khác? Tôi tự hào khi biết tiếng nước nó, tiếng nước tôi nó cũng biết nhưng chỉ bập bẹ vài từ.

Ngoài những câu chào hỏi thông thường nó hay hỏi tôi những câu nói yêu thương bằng tiếng Việt để nói cho người yêu nó nghe. Cái giọng tiếng Việt lơ lớ của nó làm tôi phì cười nhưng chắc chắn cô người yêu của nó khi nghe nó nói sẽ ngập tràn hạnh phúc. Được nghe người mình yêu thổ lộ tình yêu bằng tiếng mẹ đẻ cảm xúc đã trào dâng, đằng này bằng một thứ ngôn ngữ khác thì thử hỏi sao không hạnh phúc được cơ chứ? Ngoại ngữ đơn giản là chiếc cầu nối để những con người xa lạ, khác chủng tộc, khác địa lý hiểu nhau và đôi khi là làm cho nhau hạnh phúc. Tiếng nước nó chắc tôi cũng chỉ nói lơ lớ như nó nói tiếng Việt thế nhưng nó vẫn hiểu, còn tự nhận là phiên dịch viên cho tôi khi những điều tôi nói ra những người khác chưa kịp hiểu. Nó chưa bao giờ cười tôi như tôi cười nó. Nó kiên trì, tỉ mỉ sửa từng lỗi chính tả, từng câu cú một cho tôi, bảo tôi âm này thì phải đặt lưỡi ở đâu, phát âm ra sao… Tôi nhiều lần bực mình bảo lại nó: Tao nói bọn mày hiểu là được rồi, tiếng Việt tao còn ngọng nói gì tiếng nước mày. Nhưng trong sâu thẳm trái tim tôi vẫn luôn rất biết ơn nó, tôi cần cố gắng nhiều hơn để không phụ tấm lòng của nó.

Thời gian trôi nhanh chẳng chờ đợi ai. Tôi cứ ngỡ mình vừa mới đặt chân xuống mảnh đất này, tôi ngồi trên chiếc xe ô tô chở tôi về trường, đưa mắt nhìn ra ngoài, không phải là những thung lũng toàn hoa hồng như tôi vẫn tưởng tượng mà là những ngọn núi, những mảnh đất hoang sơ, những ngôi nhà lụp xụp. Nước nó cũng giống nước tôi, có người giàu, người nghèo, có những người nông dân lao động như bố mẹ tôi. Sáu năm rồi, sáu năm kể từ cái ngày đầu tiên bỡ ngỡ ấy. Sáu năm không phải là khoảng thời gian dài nhưng với tôi đó là quãng đời sinh viên tươi đẹp, là tuổi trẻ, là thời thanh niên sổi nổi, tràn đầy nhiệt huyết.

Đất nước nó không phải là nơi tôi sinh ra nhưng là nơi chứng kiến sự trưởng thành của tôi. “Nước mày” và “nước tao”, từ lâu tôi đã chẳng còn phân biệt hai cái khái niệm ấy. Chẳng riêng tôi mà bất cứ ai sống ở đâu lâu đều trở nên bịn rịn, quyến luyến mảnh đất đó, chẳng thế mà một ông nhà thơ nước tôi đã viết rằng: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”.

Nước nó có một người tôi gọi là mẹ, có những ông giáo già tận tình truyền dạy kiến thức cho tôi, rồi bực mình lấy tay đập xuống bàn cái thịch quát tôi vì tội lười học, bắt tôi thi lại lần thứ ba mới cho qua.

Nước nó có những thằng như nó, tranh nhau giải thích cho tôi mỗi khi tôi không hiểu cái gì đó, mà càng giải thích thì tôi lại càng không hiểu.

Nước nó có những món ăn mà tới bây giờ tôi vẫn chưa tài nào ăn được.

Nước nó có sữa chua, có hoa hồng.

Nước nó là một thời để nhớ, là nơi cất dấu những tháng ngày tươi đẹp, những kỷ niệm vui buồn thời sinh viên, những tình bạn thắm thiết của tôi.

“Mày sẽ quay lại chứ?”, nó đã hỏi tôi câu đó. Tao muốn, tao hi vọng và tao nghĩ tao sẽ quay lại nước mày vào một ngày không xa để gặp lại mày, gặp lại những thằng bạn của tao, để ngắm nhìn mảnh đất nơi tao từng sống, để làm gì nữa? Tất nhiên là để lại được tiếp tục nghe những câu hỏi ngô nghê của mày.

-- o0o --

Tác giả: Trịnh Vương HQ

P/S: Bài dự thi chưa qua chỉnh sửa.