[Cảm nhận] Biên niên ký chim vặn dây cót: Liệu tình yêu có làm được nhiều thứ?

Bạn nghĩ gì khi một hôm được cô bạn thân hỏi như thế này:

Nếu cậu là một người đàn ông, trong khi nàng - vợ cậu - đi làm chưa về, cậu giặt quần áo bẩn, dọn giường, rửa bát, hút bụi sàn nhà, lúi húi sửa soạn bữa tối rồi nằm xuống ghế sofa đọc sách chờ nàng về. Đói lả vì chờ đợi, cậu phải ăn tạm một cái bánh quy nhão nhoét và liếc nhìn kim đồng hồ nhích qua chầm chậm. Rồi nàng cũng về, rất muộn mà không gọi điện báo trước như mọi khi, rồi nàng uể oải chống cằm nhìn cậu, buông câu hỏi: Anh mua cái thứ này làm gì? Em ghét khăn màu xanh và giấy vệ sinh in hoa. Em ghét cay ghét đắng món thịt bò với ớt xanh. Tại sao anh ở với em lâu đến thế mà không biết em yêu gì, thích gì? Tất nhiên, mọi thứ sẽ nghẹn lại trong cổ cậu. Cậu sẽ đứng lên và trút bữa ăn tối vào thùng rác. Tất nhiên là như thế, nhưng xong rồi thì cậu sẽ cảm thấy như thế nào?

Nếu cậu là một người đàn ông, đột ngột một hôm, nàng - vợ cậu - rời bỏ cậu, không lý do, không mang theo bất cứ thứ gì, ngoài mùi nước hoa quà tặng cuả ai đó cậu không hề hay biết, nàng bỏ mặc cậu đắm chìm trong hốt hoảng, lo âu, dằn vặt, trông ngóng, kiếm tìm… Sau đó, nàng gửi về cho cậu một lá thư viết tay, mô tả tỉ mỉ nàng đã làm tình cuồng loạn và cực kỳ thỏa mãn với một gã đàn ông trung niên xa lạ trong nhiều tháng, rồi nàng kết thư rằng: “Hãy quên em đi mà bắt đầu một cuộc đời mới…. Vĩnh biệt!” Cậu sẽ làm sao?

Trời ơi, tôi sẽ làm sao được nữa? Tôi sẽ điên cuồng giận dữ, tôi sẽ lồng lên như con thú bị thương rồi khi qua cơn đau bùng phát đó tôi nhất định sẽ “quên em đi mà bắt đầu một cuộc sống mới” đúng như nàng mong muốn. Nhưng, bạn ơi, câu hỏi mà cô bạn thân đặt ra chính là những câu hỏi mà Haruki Murakami bắt Toru Okada phải dùng toàn bộ sức mạnh nội tại, cả vật chất lẫn tinh thần, đi tìm câu trả lời. Okada là nhân vật. Còn tôi, tôi ở ngoài đời. Vì thế, tôi đã vất vả lần theo hơn 700 trang sách Biên niên ký chim vặn dây cót hầu mong biết được cái cách mà Toru Okada trả lời cho câu hỏi “Tôi phải làm sao?”

Và, cũng chính vì kết luận của cô bạn thân sau khi đọc Biên niên ký chim vặn dây cót: “Dù tác phẩm của Haruki Murakami có chứa đầy những ẩn dụ biến hoá kỳ ảo đến đâu, thì có một thứ hiện thực không thể chối bỏ vẫn luôn hiển hiện, nó không chỉ là tư tưởng chủ đạo cốt lõi trong văn chương của ông mà còn là một sự thật giản dị và đẹp đẽ ta vẫn nhìn thấy hàng ngày trong cuộc sống: Tình yêu chân thành có sức mạnh làm được nhiều thứ, cả những thứ tưởng chừng… bất khả thi!” mà cứ đọc vài chục trang sách tôi lại tự hỏi: Bao giờ thì Toru Okada sẽ biết những thái độ bất thường của Kumiko? Bao giờ thì Kumiko đột nhiên biến mất? Bao giờ thì cái ác có danh và vô danh tính hoành hành? Bao giờ thì Okada đi tìm những câu trả lời cho chính bản thân anh, và cả cho tôi?

Tôi không tin tưởng Murakami lắm với cái kết luận “tình yêu làm được nhiều thứ”!

Gần 15 năm trước, trong những ngày tuyệt vọng và buồn nản nhất của cuộc đời mình, tôi đã nằm lì trong căn nhà nhỏ ọp ẹp với các chấn song cũ nát, bên ngoài cửa sổ chỉ có lá, gió, và mênh mang bất tật một kiểu nắng vàng hờ hững tháng Năm chiếu xiên xiên lên góc phòng vôi ve nham nhở. Ở đó, tôi nghiến ngấu tất cả những gì vớ được để cố lãng quên chính thực tại của mình. “Bảo bối Thượng hải” “Thiền trong tôi” của Vệ Tuệ, “Người tình xa xứ” của Hồng Ảnh, “Thiếu nữ đánh cờ vây”của Sơn Táp, “Kitchen”“Vĩnh biệt Tsugumi” của Banana, “Rừng Na uy” của Murakami...

Đến giờ, tôi vẫn không hiểu mình đã lấy sức mạnh ở đâu để có thể chịu đựng được tất cả những bế tắc, ảm đạm, tuyệt vọng của chính mình và của các nhân vật đang đọc kia? Cả tôi, cả họ, tất cả đều rất trẻ. Chúng tôi có học thức, có danh dự và hơn hết là có thời gian làm lại, nếu muốn. Vậy cái gì đã làm cho chúng tôi trở nên tách biệt mình ra ngoài xã hội? Cái gì đã làm cho chúng tôi muốn quay lưng với cuộc đời? Cái gì đã làm cho chúng tôi thậm chí đã muốn thử tìm cái chết? Có lẽ, đó là sự thất vọng đến tột cùng và mất mát niềm tin vượt quá ngưỡng chịu đựng của những người trẻ đang đi tìm giá trị của chính mình. Cũng may, sau khi đọc “Rừng Na Uy” tôi đã quyết định thôi không đọc bất kỳ cái gì có khả năng làm mình hoang hoải thêm nữa. Thay vì để tinh thần tuột dốc, thậm chí chết chìm cũng những ám ảnh như các nhân vật trong Rừng Na Uy, tôi phải làm “cái gì đó” để đổi thay hoàn cảnh của mình.

“Cái gì đó” mơ hồ từ 15 năm trước trong căn nhà nhỏ đã lấy đi của tôi gần hết thời tuổi trẻ. Bù lại, giờ đây tôi có thể tự hào rằng mình đã sống cho ra một con người, dù bầm dập tổn thương không ít. Vì vậy, tôi không tin Murakami. Tôi không tin “tình yêu làm được nhiều thứ” như bạn tôi nói. Tình yêu trong các tác phẩm của Murakami mỏng manh quá – dù nó có mang nhiều tầng ý nghĩa, dù nó rất đáng trân trọng hay dù nó có nóng bóng, mê hoặc và dẫn dụ bao nhiêu đi chăng nữa thì các tình yêu ấy cũng gần như trong suốt, khó nắm bắt, luôn biến mất như ảo ảnh và sẵn sàng làm con người ta vỡ tan vì tuyệt vọng một khi người ta có ý định nắm giữ, hay thậm chí, nó sẽ vỡ ngay cả khi người ta mới bắt đầu mon men lại gần đưa nhẹ ngón tay út chạm vào. Sự yếu ớt ấy làm sao có thể “làm được nhiều thứ”?

Nhưng – lại nhưng – có gì đó thầm thì từ sâu thẳm bắt tôi tìm lại Murakami và hiểu lại những tình yêu và các giá trị tinh thần ông đã viết. Thêm một năm chần chừ từ lúc bạn đặt câu hỏi “cậu sẽ làm gì, nếu có một ngày người cậu thương yêu nhất bỏ cậu ra đi?”, cuối cùng tôi đặt tay lên “Biên niên ký chim vặn dây cót” như một cách tìm lại câu trả lời.

Có điều, càng đặt câu hỏi, càng sốt ruột với câu trả lời, càng đọc miệt mài, tôi càng sa vào một mê cung chằng chịt những dấu mốc thời gian của quá khứ và hiện tại đan xen, những vết tích đổ nát và biểu tượng vô hình trùng lập, những nhân vật cứ lần lượt hiện lên rồi biến mất như ảo ảnh. Tất cả những tình tiết, nhân vật, âm thanh, ánh sáng, sự chuyển động giữa ngày và đêm, lối độc thoại và đối thoại đa chiều được Murakami vung tay vẽ lên 700 trang giấy thành những khối màu đậm nhạt, rời rạc, vương vãi, chồng chéo, hòa vào nhau nơi này, tách biệt nhau nơi khác cơ hồ không ăn nhập gì với nhau.

Những lời thì thào quyến dụ đầy nhục dục vang lên bất thường trong điện thoại xoắn quyện lấy những câu đoán định tương lai thần bí.

Cái chót đuôi cong lên của con mèo già Wataya cố tình móc vào bức tượng con chim đá giang cánh như muốn vẫy vùng bức ra khỏi khu nhà hoang hắc ám.

Những giấc mơ nhập thần vừa hư vừa thực, lẫn lộn các khuôn mặt người thường đến bằng cách xuyên qua lòng giếng cạn tối đen, sâu hút hút không biết đã có từ giữa sa mạc Nội Mông ở thế chiến thứ II hay có sau khu vườn hoang vắng.

Những người nữ mang danh tính và năng lực khác nhau. Một bà đồng Kano Malta có khả năng đoán định tương lại nhưng lại bị yếu tố mềm mại và mạnh mẽ nhất của tự nhiên là NƯỚC chi phối. Một cô điếm Kano Creta rối loạn cảm giác đau thể xác và đau tinh thần, đến mức phải tìm đến cái tôi thứ 3 để tồn tại và tự đi vào giấc mơ ẩm ướt chất đàn ông của Toru Okada để rửa sạch tinh thần. Một nhà ngoại cảm từng là nữ thiết kế thời trang lừng danh giờ dùng cái tên Nhục Đậu Khấu để tạo một bức màn mới phủ lên danh tính và quá khứ xa xưa. Một cô gái 16 tuổi đa nhân cách Kasahara May vừa tốt bụng thơ ngây như thiên thần, vừa mang mầm mống quỷ dữ tiềm tàng trong các hành động bộc phát.

Những người nam có số phận và cuộc đời kỳ dị. Một cậu bé 5 tuổi giữa đêm hè chứng kiến được bí mật kinh hoàng chôn dưới gốc cây trong vườn nhà và một chàng trai thiên tài 25 tuổi câm lặng, chối bỏ quyền được nói. Một viên trung úy cựu binh Nhật đi qua sự tàn khốc của thế chiến thứ II và một ông già hơn 70 tuổi mang trên lưng lời nguyền nặng nề “Sẽ sống, sống mãi nhưng sẽ không thể yêu ai và cũng không được ai yêu” như mang thập tự giá. Một chính khách tài năng, lỗi lạc, thành công có dáng vóc điển hình của một giảng viên đại học và khả năng ảnh hưởng quần chúng cuồng nhiệt đến mức bất kỳ lúc nào người ta mở tivi lên cũng có thấy anh ta đang ở đó, được bao quanh quanh bởi hào quang mà những người nghe anh ta diễn thuyết mang lại và một khối hình hài không rõ ràng mang mặt nạ da người sống trong bóng tối; hắc ám, dữ dội đến mức mỗi lần xuất hiện đều khiến người khác ngay lập tức thấy bồn chồn, bất an hoặc khiếp hãi vì tâm lý bị khuấy đảo đến mức buồn nôn như thể “có một khối vật chất lạ đang lên men chua loét trong dạ dày”...

Tất cả những chủ thể đó xuất hiện cùng lúc, hoặc lần lượt, hoặc lặp đi lặp lại theo tiếng chim vặn dây cót rồi từ từ, từng chút một biến thành các xúc tu của con bạch tuộc khổng lồ vươn dài về phía Toru Okada để bao vây và bóp nghẹt anh, để nâng anh lên hoặc vùi anh xuống, để cuốn anh vào hoặc đẩy anh ra, để buộc anh phải dốc toàn bộ sinh mệnh vào một ván bài sinh tử, phải đốt toàn bộ tế bào trên cơ thể và khối óc của mình để vượt qua con đường hầm u tối trên hành trình tìm lại người vợ yêu dấu Kumiko.

Tôi không đồng ý lắm với nhận xét “trên góc độ sinh học, Toru Okada là một con đực hấp dẫn. Anh có thể kéo vào lòng bất kỳ người phụ nữ gợi cảm nào nếu anh muốn, có thể ngoại tình bất cứ lúc nào và hoàn toàn có thể tìm thấy một người tình tốt hơn Kumiko nếu anh muốn” của cô bạn thân; nhưng tôi đồng ý với cô, Toru Okada là một người đàn ông tử tế. Mà thật ra, nếu đã đọc Murakami kha khá, bạn sẽ thấy các nhân vật nam của ông đều tử tế cả. Watanabe tử tế với Midori. Thầy giáo K. tử tế với Sumire. Hajime tử tế với cả Shimamoto-San và cả Yukiko, vợ mình. Tsukuru tử tế với Kimoto Sara. Nhưng Toru Okada là một người đàn ông tử tế đặc biệt. Anh tử tế không chỉ với bản thân anh, với Kumiko vợ anh, với con mèo vợ chồng anh nuôi hay với nghề nghiệp mà anh lựa chọn; Toru tử tế với tất cả những gì xảy ra quanh anh: gia đình, bè bạn, đồng nghiệp, hàng xóm… Thậm chí với người lạ Toru cũng có lối cư xử tử tế vô cùng. Ngay cả khi anh rơi vào những hoàn cảnh rất nhạy cảm như lúc đưa một đồng nghiệp nữ về nhà và được nàng chủ động quyến rũ, dâng hiến; như lúc vợ đi vắng phải một mình ở nhà và nghe những mơn trớn nóng bỏng của người đàn bà xa lạ qua điện thoại hay như khi được Kano Creta ngỏ lời mời anh đến đảo Crete sống một cuộc đời mới, tránh xa những tai ương đang rình rập thì Toru cũng vẫn tử tế chối từ. Hơn hết thảy, khi vợ anh đã phản bội hoàn toàn, từ thể xác, tinh thần đến ý thức Toru cũng vẫn đủ tử tế để dẹp qua cái tôi đàn ông đang bị tổn thương, lăng mạ và quyết định “bằng đôi tay mình, anh phải lôi nàng trở lại thế giới này, bởi nếu không làm vậy, đó sẽ là chung cục của chính anh, con người anh, cái kẻ mà anh xem là “tôi”, kẻ đó sẽ mất đi vĩnh viễn”

Song, chỉ tử tế thôi liệu có đủ để giúp Toru Okada dấn thân vào một hành trình kiếm tìm lại “bản lai diện mục” hầu như vô vọng, đồng thời chiến đấu chống lại cái ác không hình hài nhưng “luôn tồn tại, chầm chậm dịch chuyển qua một bóng tối dày đặc” và có khả năng hồi sinh như chính Kumiko cảnh báo “anh có làm gì đi chăng nữa thì cái ác ấy cũng sẽ không chết và tiếp tục lang thang trong bóng tối, nhưng đó là loại bóng tối nào thì không ai biết”? Liệu thông điệp “tình yêu có thể làm được nhiều thứ” của Murakami có thể giúp Toru đưa Kumiko trở về, rửa sạch tất cả các vết nhơ dính vào chiếc lưng trần mảnh dẻ tinh tế của cô, trả lại cho cô sự trong sạch tinh khiết và những nụ cười “với ánh sáng dịu dàng thầm lặng” ngày nào?

Dõi theo Toru Okada từ khi anh bước vào trang sách đầu tiên cho đến khi gấp lại hơn 700 trang sách “Biên niên ký chim vặn dây cót”, tôi chợt hiểu dù mình có mở thêm 700 trang “Biên niên ký chim vặn dây cót” khác thì Murakami cũng chẳng bao giờ cho tôi hay cho bạn một câu trả lời rõ ràng. Cái RÕ RÀNG duy nhất mà Murakami để lại trong mỗi người đọc chính là hình ảnh một lòng giếng cạn. Một lòng giếng cạn sinh ra ở Nội Mông để chôn vùi thân phận. Một lòng giếng cạn sinh ra sau vườn hoang để cứu rỗi linh hồn. Một lòng giếng cạn có thể sinh ra trong bất kỳ thời khắc nào đó ở cuộc đời vốn dĩ chứa nhiều bất toàn của mỗi con người. Và để đi xuyên qua lòng giếng tìm ra chân lý, người ta phải có một sự lựa chọn đầy trách nhiệm với những gì mình theo đuổi, đồng thời phải có một ý chí mãnh liệt muốn được xác tín bản thân và biết phủ nhận toàn diện với cái ác ẩn trong giòng chảy cuộc đời. Chỉ có như thế mới người ta mới hầu mong thấy được tia sáng mặc khải và sự đốn ngộ tinh thần.

Thế nên, thay vì hỏi Murakami liệu “tình yêu có làm được nhiều thứ?”, tôi nghĩ bạn có thể hoàn toàn tin rằng đâu đó trên sân ga lấy phất mưa bay sẽ có một Toru cao lớn, mạnh mẽ cầm dù đứng đón Kumiko nhỏ bé, ôm cô vào lòng rồi đưa cô trở về thế giới bình yên của cả hai người. Nơi ấy, có ngôi nhà ngập tràn giai điệu Sonate dẹp đẽ và chiếc đồng hồ báo thức lanh canh. Nơi ấy có mảnh vườn xanh nho nhỏ và mỗi khi mặt trời mọc, họ sẽ “cố dành thời gian đủ để làm một bữa sáng đâu ra đó và thư thả ngồi ăn cùng nhau…” như bạn tôi. Bạn cũng có thể như tôi, lặng lẽ đánh dấu vào những dòng đối thoại sau cùng, khi Toru Okada nói chuyện với May, thay cho một lời nguyện cầu tái sinh lần nữa.

- Anh Chim vặn dây cót, anh lại sẽ đợi chị Kumiko chứ? Tôi gật đầu.

- Thế cũng tốt nhỉ… có tốt không? Tôi thở một cụm mây trắng lớn vào bầu không khí lạnh. Đàng xa, trong khu rừng bao quanh hồ, một con chim cất tiếng kêu. Tôi ngẩng lên nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng còn nghe thấy gì nữa. Chỉ có âm thanh khô khốc, rỗng không của một con gõ kiến đang khoan lỗ vào thân cây.

- Nếu Kumiko và anh có con, anh chắc sẽ đặt tên nó là Corsica, tôi trả lời.

- Tên hay quá, Kasahara May nói…”

Hoặc, đơn giản hơn, bạn hãy thành thật với lòng mình và nhìn sâu vào mắt người mình yêu dấu. Nhất định bạn sẽ có câu trả lời trọn vẹn.

Tác giả: CF-S