Trọng Tử - Hai nửa cực đoan của nhân tính

Nhất niệm thành tiên nhất niệm thành ma.

Có những thứ gọi là chấp niệm

Có những thứ gọi là định kiến

Có những thứ gọi là ích kỷ

Có những thứ gọi là ghen tỵ

Lại có thứ được gọi là đố kỵ

..

Những thứ này là tâm ma, là ác niệm có phải không? 

Nếu nói như vậy tâm ma, ác niệm thực sự rất gần với mỗi chúng ta, nó không hề tồn tại cố định nhưng luôn luôn hiện diện khắp mọi nơi.

Ở bên cạnh, trước mặt, sau lưng 

Trong quá khứ, hiện tại, tương lai.

Nhưng nơi đâu mới là đáng sợ nhất??? Ma niệm trong tâm hồn – thứ tồn tại vô hình nhưng lại có sức tàn phá và hủy hoại con người triệt để nhất bởi vì không ai nhìn ra nó, nhận thấy nó, bởi nó luôn được che đậy, bao biện bằng những bề mặt đẹp đẽ và hoàn mỹ nhất. 

Con người ta luôn luôn hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ nhưng lại quên đi mất quy luật của sự hoàn hảo – trên đời này không bao giờ tồn tại những thứ quá hoàn mỹ.

 

Hoàn mỹ chẳng qua là một cụm từ để tự hài lòng với chính mình nhưng trước sau gì nó vẫn là một sự ngụy trang để đánh lừa cảm nhận của bản thân, tự thuyết phục mình bằng lòng chấp nhận hiện thực, chấp nhận sự thừa nhận giới hạn của bản thân. Một khi đã như vậy liệu nó có còn là “chân” nữa hay không? Chỉ cần một điều nhỏ nhặt như vậy cũng đủ minh chứng cho mọi chuyện rồi.

 

Tiên môn, biểu tượng cho cái thiện.

Ma giới, đại diện cho cái ác.

 

Tiên – Ma, Thiện – Ác luôn luôn đối đầu nhưng vĩnh viễn không bao giờ kết thúc. Lớp trước ngã xuống lập tức lớp sau sẽ xô lên, hệt như vòng tròn luân hoàn của con người, sẽ luôn tiếp nối không ngừng, cũng hệt như bản chất của con người luôn luôn tồn tại nhiều mặt đối lập nhau, bởi vì con người là tổng thể của sự mâu thuẫn.

 

Nói Ma giới dơ bẩn, chẳng lẽ Tiên môn lại sạch sẽ hay sao?

Một câu hỏi của Trọng Tử lại khắc họa biết bao nhiêu điều.

Vì định kiến, một chưởng môn danh tiếng, một đốc giáo nghiêm khắc của Nam Hoa và những kẻ quyền cao chức trọng, danh môn chính phái thẳng tay vùi lấp, bóp chết ước mơ, nhiệt huyết lẫn chặt đứt mọi hy vọng của một cô bé, chỉ vì cô bé ấy “trời sinh sát khí”, “trải qua ba kiếp nhất định sẽ nhập ma.” 

Vì định kiến, những kẻ gắn trên người cái mác “đại diện cho cái Thiện” sẵn sàng quy chụp những tội danh tày trời lên người một cô gái thiện lương bất chấp tất cả, miễn sao có được một lý do chính đáng và hợp thời để xuống tay diệt trừ “mối họa lớn của Lục giới”.

Cũng vì định kiến mà bản thân một người làm sư phụ không dám dạy cho đồ đệ của mình học phép thuật chỉ vì lo sợ: “lỡ như đến một lúc nào đó…”, nỗi trăn trở trong lòng người cũng chẳng khác gì đám người trong tiên môn cả. Lúc nào cũng dè chừng, đề phòng và nghi ngờ cô bé vì cô bé lỡ mang trên người “sát khí trời sinh” kia.

Định kiến đã thế còn những thứ khác thì sao?

Là chấp niệm, thứ gọi là chấp niệm cũng đáng sợ không kém. Không cần biết Trọng Tử của tôi thiện lương đến mức nào, nhẫn nhịn ra làm sao, cắn răng chịu oan khuất, ấm ức vì tất cả, hy sinh thân mình vì ai, chỉ cần một câu nói của Tiên môn: “Ngươi nhất định sẽ nhập ma” đã trở thành kiếp số đeo bám nàng, cái danh “ma” được gán lên người nàng cũng xuất phát từ miệng của đám người trong tiên môn, từ những suy nghĩ lẫn ý niệm cố chấp của bọn họ. Dù nàng cúi đầu chấp nhận hay giãy giụa phản kháng, đến cuối cùng nàng vẫn là ma. Thật nực cười, cả một đám người dương danh khắp chốn “diệt trừ cái ác” lại truy cùng giết tận một cô gái chưa từng xuống tay giết một người, ép nàng đi tới đường cùng bước chân nhập ma, rồi phán một câu: “đó là ý trời, là vận mệnh của nàng”. Thực sự tôi muốn hỏi là ý trời thật sao? Hay chỉ là cái cớ để bọn họ bao biện cho hành động xấu xa được che phủ bằng mục đích cao đẹp của mình? Cái này được gọi là tiên nhân ư?

Còn gì nữa? Vì ích kỷ mà một kẻ được gọi là tiên tử sẵn sàng mượn đao giết người, diệt trừ đi cái gai trong mắt mình, vu oan giá họa ném tội lỗi lên đầu kẻ khác để đoạt cho bằng được cái gọi là tình yêu của mình. Đến khi bị vuột mất bởi chính tay mình lại quay ra oán hận, lại lập mưu ám hại người khác, thủ đoạn đê tiện chẳng thua kém một ma nữ nào. Rốt cuộc kẻ đó là tiên nưa hay là ma nữ? Có lẽ không cần trả lời nữa. Cũng vì ích kỷ, người thân là sư phụ thà rằng chấp nhận làm tổn thương nàng sâu sắc, bẻ gãy chân tay ném nàng vào băng lao chịu tra tấn, tù đày, biến dạng xấu xí còn ma quỷ chứ nhất quyết không để cho nàng chết nhẹ nhàng chỉ bởi vì người sợ hãi bóng đen ám ảnh trong lòng, sợ nàng lại biến mất trên cõi đời để lại người với nỗi đau không lý giải được. Cuối cùng, vì tình yêu của mình người lại ích kỷ giữ chặt lấy nàng, thà rằng “đồng quy vu tận” cùng nàng chứ không cho bất cứ kẻ nào mang nàng đi. Như vậy, trong những kẻ được gọi là thần tiên này, liệu không có tâm ma sao? Hay lại được che kín đi mất rồi.

Rồi cũng là tiên môn đó nhưng lại vì ghen ghét, đố kỵ mà rắp tâm lập mưu hãm hại nàng. Tiên môn có thể dung chứa, bao che cho những kẻ lòng lang dạ sói như Tư Mã Diệu Nguyên, mặt người dạ thú như Nguyệt Kiều, vong ân bội nghĩa như tên đệ tử của Trường Sinh cung… nhưng lại không dung một người thiện lương như nàng. Vậy rốt cuộc là tiên môn có thực sự thần thánh, sạch sẽ như trong suy nghĩ của người ta hay không?

Tiên giới “sạch sẽ” như vậy đó, còn Ma giới thì lại quá “dơ bẩn” chăng? Thật sự là như vậy sao?

Chẳng lẽ, một ma tôn Vạn Kiếp thà rằng Vạn Kiếp bất phục, lấy thân tuẫn kiếm chỉ để cứu sư muội  và sư môn, dù thành ma tôn cũng hết lòng bảo vệ sư muội vì di huấn của sư phụ, vì tình yêu chân thành của mình, cuối cùng lại lựa chọn từ bỏ linh hồn của mình để thanh lọc ma kiếm, dùng tàn hồn của mình để cứu mạng “Tiểu Trùng nhi” đáng thương lại là sai trái, là ác niệm là ma đạo hay sao?

Chẳng lẽ, một Yến Thực Châu dùng thân mình và nỗ lực cuối cùng để cứu nàng ra khỏi băng lao, đem lại tự do cho nàng lại không đánh để trân trọng sao?

Và đỉnh điểm là nàng, kẻ trong tiên môn nói nàng sẽ phá hủy lục giới, làm cho chúng sinh lầm than, nàng là kẻ gây ra đọa kiếp nhân gian. Vậy mà cuối cùng thì sao chứ? Nàng tu thành Thiên ma dưới sự “giúp sức” của tiên môn, nhờ sự nâng đỡ của Vong Nguyệt, trở thành người nắm giữ vận mệnh lục giới trong tay, một mệnh lệnh của nàng lập tức lục giới nhập ma, chúng sinh đồ thán và đọa kiếp thực sự bắt đầu chứ không còn là tiên đoán nữa. Nhưng nàng đã làm gì? Cuối cùng lại trở thành người cứu vớt lục giới, nàng vẫn luôn luôn là Trọng Tử thiện lương nhất quán từ đầu cho đến cuối. Nàng thân là Thiên ma nhưng tâm lại là tiên nhân. Những chuyện nàng làm không chỉ làm cho bọn người tiên môn sáng mắt ra mà còn chỉ ra cho bọn họ thấy ma niệm luôn ẩn hiện trong suy nghĩ của bọn họ

Nhưng không vì như thế mà phủ nhận hết mọi giá trị tốt đẹp của Tiên môn.

Vẫn còn đó một vị tiên nhân thực sự, lúc nào cũng ấp ủ ước vọng cứu lấy thế giới vừa tươi đẹp, đáng yêu lại vừa chất chứa biết bao đau thương này, trong lòng biết rõ không thể thay đổi được điều này nhưng cũng không chịu buông xuôi, bỏ mặc cho mọi thứ trôi đi, chỉ vì không đành lòng nhìn thấy chúng sinh phải chịu khổ, phải sống trong cảnh lầm than cũng như không đành lòng nhìn thấy hàng vạn tính mạng con người bị hủy diệt trong nháy mắt, đây chính là con người tâm luôn hướng về chúng sinh, đau cùng với nỗi đau của chúng sinh, lúc nào cũng động lòng trắc ẩn, xót thương cho chúng sinh trong thiên hạ, người chính là một vị thần tiên chân chính.

Vẫn còn đó một thanh niên trầm ổn hết lòng tin tưởng, chẳng tiếc thân mình thà chết cũng không làm tổn thương nàng, còn một công tử phong lưu phóng khoáng lúc nào cũng che chở bảo vệ nàng.

Và chắc chắn còn rất nhiều những con người thầm lặng giữ vững sự bình yên, tươi đẹp cho thế giới này.

Vậy rốt cuộc Tiên là gì còn ma là gì? Thiện và ác nên phân như thế nào cho vừa?

Không thể phủ nhận mục đích cũng như trách nhiệm của Tiên môn vô cùng cao cả và cũng rất cao thượng, cũng không thể không thừa nhận ma giới thực sự tồn tại những điều vô cùng tồi tệ, xấu xa, dơ bẩn. Đó là những thứ không thể xóa bỏ được dù với bất cứ lý do gì.

Xuyên suốt Trọng Tử cũng không hề thừa nhận hay phủ nhận bất cứ điều gì cả, nó chỉ làm rõ hơn những cái được gọi là chuẩn mực, đạo lý cũng như bản chất của con người. Cho dù là thần tiên là ma quỷ hay là phàm nhân cũng đều xuất phát từ một điểm giống nhau mà thôi. Tiên – ma, Thiện – Ác không thể dựa vào danh xưng mà làm nên tất cả. Không tiên, không ma hay có tiên, có ma đều có sẵn trong tâm của mỗi người. Vì đó mới thực sự là con người.

 

Bởi vì: Tiên và ma vốn là hai nửa cực đoan của nhân tính. Tiên quá hoàn mỹ nên bị trói buộc quá nhiều làm mất đi những hạnh phúc ngỡ như đơn giản nhất, còn Ma thì lại quá phóng túng, bị những ý nghĩ âm u ám ảnh nên cũng không thể hạnh phúc. Vừa có tiên tính vừa có ma tính, vậy mới đúng là con người. Trong cuộc sống của chúng ta, thật sự không cần phải quá nghiêm khắc lẫn hoàn mỹ, nhưng phải khống chế thích hợp lẫn tu chỉnh sự không hoàn mỹ đó.

 

Đối với tôi, Trọng Tử đã vượt xa một tiểu thuyết tình yêu bình thường, càng đọc càng cảm nhận lại càng thấm đẫm bởi trong đó thứ được làm nổi bật nhất chính là giá trị nhân văn sâu sắc và cao đẹp. Có thể không mới, không lạ nhưng lại hoàn toàn khác biệt bởi Trọng Tử đã làm dấy lên trong tôi những cảm xúc thật sự, dù đó là khi tôi khóc, tôi cười, tôi buồn hay tôi xúc động thì Trọng Tử cũng đã làm được điều này.

 

 BW_mylove_SG (nhóm MDH)

Đọc trực tuyến tại:  http://alobooks.vn/forum/12420/trong-tu-full-thuc-khach.html

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay