Con Vẹt Xanh

1

Mẹ tôi bảo ngày anh tôi mất, trong nhà chị dâu tương lai của tôi có một con vẹt xanh bay vào, cứ luẩn quẩn mãi không chịu đi. Con vẹt có vệt loang ở cổ rất lạ. Ngày đưa anh đi mãi, chị như phát điên phát dại, chỉ còn một tuần nữa là chị sẽ về làm dâu nhà tôi. Nhưng cái buổi chiều định mệnh ấy anh tôi đi mãi. Nào đâu có bệnh tật gì, anh đi đá bóng về, đi tắm, kêu đau đầu rồi bỏ bữa cơm chiều. Anh đi nằm, mẹ không nỡ thức anh dậy. Sáng không thấy anh dậy, mẹ vào phòng anh rồi hét lên và ngất xỉu. Anh tôi mất, mẹ thì vào bệnh viện…

Cả mấy tháng trời mẹ không thể bình tâm. Còn chị cứ ở riết ngoài mộ anh mà không chịu về. Con vẹt xanh cổ loang về từ độ ấy. Chị câm lặng không nói năng gì. Thi thoảng hát và cười vu vơ, thảng chị lại bỏ nhà lang thang đâu đó làm cả nhà nháo nhác đi tìm. Mọi người đem nhốt con vẹt vào một cái lồng tre. Chị chỉ nói cười cùng con vẹt. Rồi chị đi đâu mất khỏi cái thị trấn miền núi bé nhỏ và hiu hắt nơi chúng tôi đang sống. Chẳng ai tìm thấy chị, không ai biết tin chị. Bố tôi có ông bạn làm báo tỉnh nên nhờ đăng cả tin và ảnh của chị nhưng vẫn chẳng một dòng hồi âm. Thêm một nỗi xa xót, chả ai buồn để ý đến con vẹt, cái lồng tre vẫn vậy, vẫn chắn một thanh chốt bé tẹo bên ngoài, chỉ có điều không còn con vẹt ở đó, chắc ai đã thả nó đi rồi…

Bẵng đi một thời gian dài, tôi học hết cấp ba và thi vào đại học. Mẹ cũng đã bình tâm, chỉ ngày giỗ anh là mẹ khóc, khóc cạn lòng.Thương anh đã đành, thương chị không biết đi đâu, về đâu, còn sống hay đã chết. Bao năm trời hai gia đình vẫn cất công tìm kiếm nhưng vẫn chẳng có tin tức của chị. Hai nhà xem nhau như đã là thông gia…

2

Ra trường, tôi nhận công tác ở bảo tàng tỉnh cách nhà gần 200 cây số. Công việc của tôi là nghiên cứu văn hóa giân dan của các tộc người thiểu số để làm công tác bảo tồn. Công việc làm tôi suốt ngày lăn lóc đến những nơi xa xôi khỉ ho cò gáy và ít thấy dấu hiệu của văn minh. Lần ấy tôi được cử đi công tác ở một xã miền núi cũng cách trung tâm tỉnh lỵ gần 200 cây số. Bản tôi đến cách đường quốc lộ gần 50 cây số, vào tận bản phải đi xe ôm và cuốc bộ cả ngày. Đường toàn dốc với cái thứ đất đỏ mưa thì nhớp nháp mà nắng thì bụi mờ bụi mịt. Ở thị trấn của tôi ngày xưa cực khổ và heo hút một phần nhưng nó là thiên đường so với cái bản mà tôi vừa đặt chân đến. Không gì cả, từ báo đến đài chứ chưa nói đến ti vi.Sóng Radio có nhưng chắc chả ai quan tâm mà mua một cái đài về mà nghe cho đỡ buồn. Khái niềm buồn và cô đơn hình như không tồn tại ở nơi này.

Càng lớn, tôi càng giống người anh xấu số của tôi, nhất là dáng người lòng khòng và hàng ria mép, mẹ tôi bảo vậy. Cũng tại cái dáng vẻ ấy là tôi tìm được chị như một định mệnh.

Lần ấy đi vào bản, có một phụ nữ dân tộc cứ bám theo tôi chập chờn. Chốc chốc lại cười vô hồn, lấm lét và thất thần. Tôi chẳng thể nào nhận ra chị, bất chợt người phụ nữ ấy gọi bằng tiếng Kinh, một chất giọng rất chuẩn:

- Đại ơi!

Tôi bàng hoàng vì ai đó đã gọi tên anh mình. Người phụ nữ ấy chợt chạy vụt đến bên tôi như một tia điện xẹt, cứ vậy vừa chạy vừa kéo tôi đi vừa cười như điên dại. Tôi cứ bị kéo đi với một sức mạnh mà mình không thể nào chống trả. Ai đó kêu lên:

- Mế Đăm ơi, con gái mế bắt mất cán bộ rồi mế à

Ra đến bờ suối, tôi nhìn kỹ và khuôn mặt ấy hiện lên có nét gì quen thuộc lắm và rồi tôi như vỡ òa khi chắc đấy là người chị dâu mà cả hai nhà đã tìm kiếm cả gần chục năn trời. Chị nhìn tôi trân trối, nửa như muốn khóc, nữa như muốn cười, ánh mắt vẫn hoang hoải một màu hoang dại…

Hôm đó về nhà, mế Đăm kể rời rạc:

- Tao gọi nó là Miêng, Miêng của núi của rừng cho mế. Lần ấy mế có việc đi ra huyện, đi bộ về thấy nó nằm bên đường, nó bị con ma rừng bắt mất hồn, mế thương mế mang về nuôi. Mế cúng giàng xin con ma thả hồn cho Miêng, cái bụng con ma nó ác không trả hồn Miêng cho mế…

Tôi kể cho mế nghe về đời chị và mối quan hệ giữa chị và tôi. Tôi kết thúc chuyến công tác sớm và xin mế đưa chị về xuôi chữa bệnh.Tiễn chị, mế khóc:

- Miêng ơi, giàng ơi…

Tôi hứa là sẽ đưa Miêng về thăm mế. Tôi dắt chị theo, chị vật vờ và câm lặng, trong ánh mắt vô hốn ấy, thảng nhìn tôi có chút gì da diết lắm.


3

Về nhà, suốt ngày chị theo tôi, chỉ trò chuyện với tôi những câu chuyện không đầu không cuối. Cứ thấy con chim nào là chị líu la líu lo và vỗ hai tay như cánh chim bay lên…bay lên…Tôi xin nghỉ không lương ở bảo tàng một thời gian dài để đưa chị ra Hà Nội chữa bệnh. Nhập viện tâm thần,ai cũng ngây ngô và hoang dại như chị. Người ta bảo có rất nhiều người…điên tình. Sau khi khám, bác sỹ bảo bệnh chí khá nặng vì bao năm trời không được chăm sóc và chữa bệnh. Người ta xếp vào khu A5. Bác sỹ bảo may ra thì còn vớt vát được ít nhiều…

Bác sỹ hỏi về lịch sử bệnh lý, tôi kể hết mọi sự. “Có một chút hy vọng, có điều là cậu có giám hy sinh không?”- bác sỹ ẫm ờ nhưng tôi hiểu là vì tôi giống anh nên tôi phải vào vai anh để kéo chị lại với trạng thái tâm lý bình thường cộng với những phương pháp tâm lý và dược lý của bệnh viện. Tất nhiên ai ở vào vị trí của tôi lúc này thì cũng vào vai sao cho thật…ngọt.

Quá trình này dài đằng đẵng, hơn hai năm trời chị đã đỡ được nhiều.

Ngày xưa, chị xinh như một bông hoa rừng, cái vẻ hoang dại và tiều tụy không làm chị xấu đi là mấy. Chỉ là già thêm thôi nhưng chị vẫn còn thanh sắc. Chị bắt đầu hoài niệm và có ý thức về quá khứ lẫn hiện tại. Những thước phim buồn chầm chậm chạy ngắt quãng trong trí não gầy mòn của chị. Chị xuất viện. Vẫn trên mây trên mưa nhưng đã khá hơn nhiều so với ngày nào. Chị biết hát trọn một bài, biết buồn vui của một con người có trái tim đã rạn đi vì đau khổ. Hơn 10 năm để lắng lại đôi phút bình tâm. Hôm ấy chị mở cái hòm gỗ cất những kỷ niềm mà bao năm trời chị không sờ đến. Mấy thứ đã mốc meo, úa vàng. Không đụng đến những đồ dùng của chị. Bức ảnh anh trai tôi, những chiếc áo mới mặc một đôi lần…Chị bước qua tuổi 34


4

Bình minh trên rẻo cao xanh mướt lá rừng hoang dại. Mẹ chị dậy sớm gom mấy cọnh rơm nhen lửa. Chị theo mẹ vào bếp. Trong tâm khảm của bà, bà muốn chị quên hẳn anh tôi đi để có một tấm chồng. 10 năm rồi còn gì, có ai mãi sống với quá khứ buồn đau đâu. Khi chị dần thoát ra khỏi thế giới điên thì cũng có đôi ba đám lân la. Tôi thì mừng và thầm mong chị có được một cuộc sống bình thường, dưới suối vàng, chắc anh tôi cũng mong như vậy. Đằng đẵng trong khổ đau, chị cần có một chút hạnh phúc nhỏ nhoi để đời vơi đi cô quạnh.

Đêm trăng sương lạnh, tôi lẩn thẩn ra nghĩa trang nơi anh tôi ngàn thu an giấc. Một đám lửa đỏ rực bùng cháy làm tôi sợ, một bóng trắng chập chờn dưới trăng càng làm tôi thót tim vì nghĩ mình gặp ma. Bất chợt tôi nghe tiếng chị gọi:

- Tâm à, chị đây

Thì ra chị ra thắp hương cho anh trai tôi và đã kịp nhận ra tôi khi tôi bước thẩn tha dưới nghĩa trang lúp xúp bóng mộ. Nghĩa trang có tôi, chị, linh hồn anh tôi, chị bảo:

- Chị tính kỹ rồi, chị sẽ lên chùa, như vậy chị sẽ thanh thản hơn, chị không thể phản bội anh của em dù chưa làm vợ được một ngày

Có lẽ đây là những lời ràng rẽ và đủ ý nhất từ ngày chị ở bệnh viện tâm thần quay về. Và cũng vậy nên tôi tin những gì chị nói sẽ là một quyết định không gì có thể lay chuyển nổi. Và chị đi thật, nước mắt của hai gia đình không cản nổi chị ra đi với chiếc hòm cũ kỹ có hình anh tôi trong đó. Chị nói với ba mẹ tôi, thật rành rẽ:

- Ba mẹ hãy xem con như một đứa con dâu bất hiếu!

Hè vừa rồi, tôi lặn lội lên chùa thăm chị. Một ngôi chùa nhỏ khiêm nhường tít tắp ở miền đông Quảng Trị. Chị Thương của tôi và cô Miêng của núi rừng giờ là Thích Nữ Diệu Liên. Chị vui khi gặp tôi, và tôi thì chết lặng khi thấy một con vẹt màu xanh nơi cửa sổ trai phòng. Con vẹt nghiêng đầu như nhìn tôi, đôi mắt hấp háy như biết cười. Con vẹt xanh có vệt loang nơi cổ…

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3