[Truyện ngắn] Cuộc đời không tin vào những giọt nước mắt

Hôm nay, bỗng nhiên ngồi xem lại bộ phim “Mối tình đầu” của những năm 90. Bộ phim đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả Việt Nam. Nó cũng mở đầu cho cuộc tấn công ngọt ngào của văn hóa Hàn Quốc. Và bây giờ thì chuyện gì xảy ra chắc mọi người cũng biết. Văn hóa Hàn Quốc đã nhắc nhở chúng ta về một quan điểm của Hồ chủ tịch “Văn hóa soi sáng con đường quốc dân đi”. Bộ phim chiếu cũng đã hơn mười năm. Mười năm mọi thứ giờ đây đã không còn nguyên vẹn. Mười năm những người bạn trong tuổi thơ tôi đã đi đâu ?

****

Cát. Người ta vắt qua cái đồi cát một con đường bê tông như là con kênh. Họ hoàn thành nó vào đầu mùa mưa, đem them những chiếc xe ủi, máy xúc, san bằng cả một vùng cỏ dại. Họ đổ đất, bê tông và giờ đây nó đã trở thành một con đường. Vào ngày họ cắt băng cho thông xe, bố tôi gọi điện hồ hởi, người ta đã làm xong con đường rồi. Tôi nửa mừng nửa vui, họ cũng san bằng cả một vùng tuổi thơ rồi còn gì. Nhưng cuộc sống đôi khi là thế, người ta không thể sống mãi với những kí ức. Đi trên con đường và nhìn những ngôi nhà mới mái ngói đỏ tươi, lòng tôi cảm thấy dạt dào về một sự thay đổi. Quê hương đang lớn lên từng ngày. Có lẽ cái đồi cát ấy là sự thay đổi lớn nhất.

Chân trời lúc ấy chỉ toàn là cát. Từ khi sinh ra tôi đã thấy đồi cát với đầy vẻ huyền bí như khu rừng của mụ phù thuỷ. Cái đồi cát là cả một thế giới đối với lũ trẻ chúng tôi. Cát nóng bỏng của mặt trời. Cát dưới đôi chân trần xót xa. Để giải thích về sự tồn tại của cái đồi cát ấy, người lớn đều bảo rằng trước kia nó đã từng là đồi núi bị mưa lũ bào mòn. Nếu thế thì khủng khiếp quá, tất nhiên là có cả bàn tay của con người. Cát trắng xóa, mang bao nỗi niềm. Xõa xuống như tóc bà ngoại.

Bà ngoại có Dì Ba lớn nhất, cậu Hai thì đã chết trong chiến tranh bom rơi đạn lạc, mẹ tôi là con gái út. Chi với tôi sinh cùng năm. Chi sinh vào mùa xuân, tôi ra đời vào mùa hè. Nghe thầy bói bảo đều tốt số cả, sau này được hưởng phú quý. Chi với tôi học chung lớp trong suốt những năm tiểu học. Ngôi trường giờ đã bị dỡ bỏ và thay vào đó là một ngôi trường mới khang trang hơn rất nhiều. Nhưng lúc chúng tôi học, nó có thảy năm phòng học mốc meo, ở giữa là cái cột cờ. Thầy Thạch chủ nhiệm, mái tóc đã ngã màu, đi đứng từ tốn và có cái nhìn phúc hậu. Hàng ngày, thầy vẫn đạp chiếc xe đạp cũ đến trường, trên đường nếu gặp chú bé nào phải lội bộ, thầy đều chở đi. Đứng từ xa bạn có thể nhìn thấy dòng chữ “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Cái đầu của một đứa trẻ làm tôi không thể nào hiểu được tại sao là trồng người, mặc dù trước sân có hai cây phượng to tướng, tán lá dày và xanh. Những chú ve kêu ra rả suốt cả mùa hè không nghỉ và những chùm hoa đỏ rực. Ở cái tuổi ấy, không thể nào tôi gọi được là chị.

“Chi ơi, đi dắt bò.” Dì tôi có ba người con, Nam, Bộ, Chi. Mọi người vẫn hay đùa bảo rằng ở cái đất cát này sống cũng tốt, không cần phải đi Nam Bộ làm chi hết. Những lúc tôi gọi như thế, thế nào Dì cũng vươn cái cổ dài khi đang cho bầy lợn ăn trong chuồng, tay dính đầy rau muống và cám gạo, với cái giọng sang sảng :

“Cái thằng này, sao có thể gọi trống không được như thế. Phải gọi bằng chị nghe chưa?”

Chi cười, gọi bằng chị đi em, dần dần tôi gọi cũng quen và chẳng thấy ngượng ngùng nữa. Cũng khó chấp nhận gọi một đứa con gái cùng tuổi bằng chị. Người lớn thật lắm điều, vướng bận hết sức.

Người bạn thân thiết của chúng tôi trong suốt những năm tháng đó là con bò. Học một buổi, dắt bò một buổi, mẹ bảo thế. Con bò nhà tôi là con bò lai da trắng mốc. Nuôi bò lai dễ kiếm lời, bán được nhiều tiền. Chỉ có điều nó hơi kén ăn, rơm chỉ nhai vài cọng thật khổ sở, bản tính lại nhút nhát khó gần. Con bò nhà Chi là bò cỏ, da vàng, ăn ngồm ngoạm, bụng như cái trống. Nó hơi đáng sợ với đôi sừng dữ tợn, nhưng thật ra cũng rất hiền. Chi vuốt nhẹ cái đầu của nó, rồi cột sợi dây. Nó vừa đẻ được một con bê đáng yêu, chốc chốc chú dừng lại hoặc nhảy cẩng lên ra điều thích thú. Chi lúc này thật bé nhỏ với cái áo rộng thùng, lững thững đi theo đàn bò của lũ trẻ trong xóm.

Đàn bò biết được đâu là nơi cần đến. Cái đồi cát cũng là vùng trời của chúng. Hoặc giả sử những chiếc móng guốc trong chân làm chúng không cảm thấy bỏng rát và đàn bò đem lòng yêu cái đồi cát ấy cũng nên. Con đường đi ngang qua những bụi gai xương rồng và những chùm hoa dẻ quả vàng bé xíu. Chúng sẽ nhìn thấy đồi cát rộng và sạch nhất, có một cây dừa ốm tong teo, hiu quạnh. Chúng tôi đặt vào đấy hai cái khung gỗ làm sân bóng cho những buổi chiều bụi tung trời. Bên cạnh, ở rìa người ta sẽ trồng khoai lang hay củ sắn, thích hợp sống ở nơi đất đai cằn cỗi và bạc màu. Xa hơn chút nữa là cánh rừng bạch đàn và keo tai tượng. Chúng tôi thường hay lùa lũ bò vào đó, có những bụi cỏ lông heo mọc từng nhúm. Và nhặt những cành củi khô mang về chứa đầy dầu để nấu cơm. Qua cánh rừng, chúng tôi sẽ gặp một con suối và thường tắm ở đó trước khi lùa chúng về chuồng.

Chúng tôi hiểu rằng ở đồi cát chỉ tồn tại một thứ cát. Không kết dính và đã bị rửa sạch bởi những cơn mưa. Thằng Dương luôn nhìn lũ trẻ chăn bò với đôi mắt thèm như con thuồng luồng. Giá như đôi chân của nó không bị bại liệt, nó sẽ vứt cái xe lăn tội nghiệp mà hòa cùng với chúng tôi với một sự say mê và háo hức. Nhưng xe lăn thì khó mà có thể đi qua cái đồi cát ấy vì rất dễ bị lún, chúng tôi chỉ men theo những con đường mòn. Cái đồi cát tưởng chừng như là chân trời, có khi nó đi cả đời không qua được. Chúng tôi chỉ sợ nếu không qua được cái đồi cát, Dương cũng không thể nào đi xa hơn. Dù nó cố gắng học thật giỏi. Mỗi buổi chiều, nhìn đàn bò cùng với chúng tôi trở về, sau cái thèm thuồng đó là sự buồn bã. Chi thường ghé vào đưa cho nó những quả dẻ, hay những bông hoa sim tím hái được trên đường. Nó cảm ơn ríu rít như chú chim non được mẹ mớm mồi.

Duy chỉ có một lần vì mải chơi. Con bò nhà Chi thả rông, nó trốn mình trong đám mì với những đọt lá xanh non không cao quá đầu người. Cái đồi cát khô cằn có gì mà ăn chứ, chỉ có bãi mì là đẹp mắt, nó ăn như bị bỏ đói lâu ngày. Nó ăn cho đến lúc cái bụng phình ra trương ình, đôi mắt lừ đừ như người say rượu. Chi cuống cuồng vì không thấy con bò đâu. Con bò ngày ấy cũng quý giá lắm đấy, nó là thứ tài sản đắt tiền hàng thứ hai. Chúng tôi lùng xục khắp chỗ và tìm thấy nó đang nằm ngữa giữa bãi mì, cái miệng há hốc xùi bọt mép, đôi mắt trợn ngược còn in một mảng trời xanh. Chúng tôi chưa từng thấy con bò nào sống sót vì ăn phải mỳ nhiều như thế. Chi vuốt nhẹ cái mình nó, khóc lo lắng. Chi đang nghĩ đến trận đòn. Những đứa trẻ chúng tôi đều đã nếm mùi những trận đòn, nghĩ đến thôi cũng đã thấy sợ. Tôi chạy một mạch về nhà, băng qua đồi cát với đôi chân trần.

“Con bò nó say mì rồi dì ba !”

Trong lúc tôi nói thì dì đang cào lúa trước sân phơi. Dì tặc lưỡi một cái rồi quát ầm lên, chăn bò như thế đấy. Biết cứu nó thế nào bây giờ, chỉ còn cách đổ nước dừa vào trong miệng nó như người say giải rượu. Bao nhiêu nước đổ vào miệng nó trào ra bấy nhiêu. Nó chết. Người lớn xúm lại cột bốn cái chân, rồi xỏ cái cây khiêng về, phải sáu người mới xuể. Xẻ thịt, lột da, mỗi người một ít. Cả buổi tối, Chi như người ăn năn hối lỗi chẳng nói chẳng rằng, lăn xăn xúm xít nấu nước, bắc nồi cháo. Khi dì hỏi, Chi khóc và hứa sẽ không như thế nữa. Phải mất cả tuần Chi mới cười trở lại. Nói thật là tôi chẳng thấy buồn mấy.

“Trời, có con bò mà làm gì ghê vậy.”

****

Tuổi mười lăm em trở thành thiếu nữ. Tuổi mười tám của Chi cũng với mái tóc dài như gió mùa thu. Đôi mắt mơ màng và cái nhìn hút hồn những đứa con trai. Chi đẹp, dĩ nhiên rồi. Hồn nhiên và vô tư như lá cỏ. Cái đẹp nhẹ nhàng như mùa thu, không quá rực rỡ, không quá nóng bỏng, mà cũng chẳng buồn bã như mùa đông. Mùa thu chết trong lòng một ít. Mùa thu khi cái nóng bắt đầu dịu nhẹ, bầu trời như trong hơn với những đám mây trắng như bông. Có khi là cơn gió nồm nam phe phẩy trên ngọn dừa mang những đám mây đen hù dọa. Nhưng biết rồi, cơn đằng nam vừa làm vừa chơi. Nhưng đó là chuyện của mùa thu. Chuyện của những ngày đầu tiên đi học. Tôi cảm thấy cái nóng đang đến từng ngày.

Chi thi vào trường Sư phạm Quy Nhơn. Chi muốn làm cô giáo dạy Văn. Nhiều bạn bè của tôi thì thi đua vào kinh tế, kỹ thuật. Cô giáo, tôi nhếch mép cười. Thời nay làm cô giáo phải dữ dằn lắm, học sinh nó mới sợ, không hiền như Chi đâu. Chi đâu có hiền, Chi cũng dữ lắm chứ bộ, chỉ là chưa tới lúc thôi. Hay là vào Sài Gòn đi, cho thỏa chí bình sinh. Sài Gòn, chưa đi đã thấy xa. Chưa xa đã thấy nhớ nhà. Chi không muốn vào Sài Gòn, đất khách quê người. Sài Gòn đôi khi nó làm cho con người ta trở nên tàn nhẫn. Chi không muốn trở thành một người như thế. Quy Nhơn thì quá đẹp và hiền hòa, lại có sóng biển ru êm. Anh Nam, anh Bộ cũng học ở Quy Nhơn. Với lại, Chi muốn thành cô giáo, học ở Quy Nhơn cũng được, không cần phải đi xa.

Tôi chọn cho mình trường Đại học kinh tế trong Sài Gòn theo đúng ý nguyện của bố mẹ. Thời buổi này là phải tiền bạc. Tôi thấy mình đưa ra quyết định chẳng khó khăn cho lắm. Lớp của tôi là lớp tuyển của trường, toàn những đứa xuất sắc cả. Tương lai chúng nó có khi được hoạch định từ lúc bé. Tôi cá rằng trong đám bạn bè của tôi phần nhiều cũng chỉ chọn theo bố mẹ. Bố mẹ đã chọn như thế thì chẳng còn lựa chọn nào khác. Nó làm nảy sinh ra một thế hệ chỉ biết đi theo những lối mòn, chức quyền và địa vị mà chẳng dám ước mơ, hoài bão. Một thế hệ con ông cháu cha.

Thế là mỗi đứa mỗi nơi. Bây giờ hoặc sẽ không bao giờ. Chúng tôi cảm thấy được lớn lên, đi xa và chọn cho mình những chân trời riêng để thực ước mơ. Sài Gòn nó khắc nghiệt lắm, không bỏng rát như cái đồi cát ấy đâu. Chi nói. Ôi chao, chuyện nhỏ, đời trai sợ chi mưa nắng thấm vai, đã lăn lội trên cái đồi cát ấy thì chẳng sợ chi nữa. Cuộc đời lớn hơn rất nhiều, chúng tôi chỉ bước ở ngưỡng cửa, còn nhiều thứ đang chờ đón chúng tôi lắm. Chia tay cái xóm nhỏ, những tưởng chúng tôi sẽ buồn. Không. Chúng tôi háo hức và say mê như chú chim lần đầu biết bay là như thế nào. Cảm giác lo lắng gạt bỏ sang một bên thay vào đó là sự hồi hộp khi nhìn thấy bầu trời trải ra trước mắt. Ngày đi, lũ trẻ trong cái xóm nhỏ nhảy nhót, vui mừng. Thôi, mấy đứa về chăn bò hết đi, rồi cũng có ngày đi xa như anh thôi.

Điều bất ngờ là Dương, nó cũng thi vào Quy Nhơn khoa công nghệ thông tin, nhưng nó không học. Nó chỉ muốn thử sức như chưa một lần. Nhà nó không kham nổi nếu nó theo học ở Quy Nhơn. Vậy mà, Chi ngậm ngùi, suốt bao nhiêu năm, nó không hề nản chí trên chiếc xe lăn ấy. Nó vẫn sẽ tiếp tục dù không được theo chúng tôi đến những thành phố lớn. Hội khuyến học xã tặng nó một chiếc máy tính xách tay. Nó bảo, trong đó cũng có một bầu trời. Nó sẽ học trên mạng dù biết là khó khăn lắm. Nhưng nhiều người cũng đã làm được như nó. Thế nên, Dương hãy cố lên. Chi bắt tay nó chào tam biệt. Đôi mắt nó vẫn thế, buồn xa xăm.

Chi vào Quy Nhơn, cách nhà chỉ độ hai tiếng tàu xe, khoảng tầm chín mươi cây số. Thỉnh thoảng thấy nhớ nhà, hết tiền hay đói lòng, chỉ ngần ấy tiếng là được trở về với gốc rạ. Những ai sống xa nhà trong đời sinh viên mới thấy điều này thú vị, nhất là những lúc cảm giác xung quanh mình chẳng còn một ai để có thể sẻ chia. Tôi học trong Sài Gòn, chi phí đắt đỏ nên chi tiêu tiết kiệm, chỉ lo cho bố mẹ ở quê phải chịu khổ cực. Tôi vẫn giữ thói quen liên lạc với Chi như thời còn bé nhưng không gian làm hai đứa cảm thấy xa cách và nhiều khi mải chơi quên quê hương tôi đã để Chi đâu đó.

Nghỉ hè, tôi mới về quê. Chắc cái lối sống của người thành thị đã bắt đầu ăn dần trong người tôi. Thấy nhà mình toàn màng nhện bám đầy trên trần. Ở thành phố sao chẳng thấy chút bụi, nói thế thôi chứ ra đường thì tha hồ mà hít thở. Cái nồi cơm điện đã quá cũ thì bảo bố mẹ sao không mua cái mới mà xài. Mấy bộ đồ quê của tôi, mẹ vẫn còn giữ tôi đem vứt hết đi. Thấy thế mẹ mới cản, không mặc nữa thì để đó bố mày mặc, vứt đi phí phạm.

Chi bảo tôi thay đổi nhiều quá, lúc trước có như thế này đâu. Đầu tóc chải chuốt, quần này áo nọ. Trời, Sài Gòn người ta ăn mặc thế chứ có riêng mình tôi đâu mà lo. Mà cái gì cũng có một thời thôi, cũng chẳng thể chạy theo vẻ hào nhoáng bề ngoài mãi đâu. Chi thì vẫn vậy, dịu dàng, đằm thắm, nhưng có vẻ chín chắn hơn tôi nhiều. Chi đi kiến tập ở Tây Sơn trong một trường tiểu học. Tây Sơn theo đèo An Khê lên Gia Lai núi rừng trùng điệp. Lên đó toàn đất đỏ, không khí trong lành mát lạnh. Chi nói gặp Hùng và yêu Hùng. Hùng cũng quê ở Tây Sơn, mảnh đất của vị anh hùng Quang Trung thuở nào. Dựa vào núi rừng Gia Lai mà nuôi quân, luyện voi, làm quân Xiêm e sợ, quân Thanh bạt vía. Hai đứa đều học ở Quy Nhơn, Hùng theo học giáo viên thể dục. Trường Sư Phạm lớn đến nỗi hai đứa chẳng nhận ra nhau. Vậy mà, ở cái trường tiểu học nhỏ bé này, hai đứa bắt gặp ánh mắt của nhau và đem lòng yêu. Cuối tuần, Hùng thường hay dẫn Chi về nhà. Quy Nhơn với Tây Sơn thì gần thôi.

Chi tranh thủ ở quê được ít ngày rồi mang ba lô lên thành phố. Chi dạy thêm cho một bé gái, rồi lắc đầu ngán ngẩm, ở thành phố, mấy đứa trẻ nó học thêm ghê quá, sáng học, chiều học, tối cũng học. Chắc mấy đứa nó chỉ còn biết học, rửa chén cũng không biết.

Ở trường kinh tế, sau hai năm học chung các môn cơ bản như Chủ nghĩa Mác- Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Toán Cao Cấp. Những môn học gây những cơn buồn ngủ kéo dài và làm cho nhiều sinh viên ngã gục trước khi được lựa chọn vào chuyên ngành. Năm thứ ba tôi bắt đầu học nhiều hơn trước, không phải lơ tơ mơ, vì lúc ấy thời gian không còn cho phép nhiều nữa. Tôi dành thời gian nghỉ hè để đi học thêm các chứng chỉ tiếng anh và tin học. Hy vọng sau khi rời khỏi ghế giảng đường sẽ có một công việc như ý và không phụ lòng bố mẹ. Thời gian ấy tôi không còn về quê nhiều như trước nữa, chỉ khi mỗi độ Tết đến xuân về, mới cảm thấy lòng quê dập dìu theo con sóng. Xách ba lô ra bến xe mà lòng vui khôn tả.

Về nhà, gặp bà cụ hàng xóm. Thấy cái dáng lưng còng, tóc bạc trắng, đôi mắt trắng dã gần như không nhìn thấy gì. Bà hỏi tôi vài câu mà tiếng nói đứt quãng bởi còn chút hơi tàn. Nhiều năm về trước, chỉ có hai ông bà già sống với nhau, con cháu sống xa cách bởi cụ khó tính. Đứa ở xa thì nuôi tôm, nuôi cá nghe đâu cũng có tiền tỷ, đứa ở gần sống bám vào mấy gốc ra cũng không dư dả gì. Thành ra hai ông bà cứ như hai con dễ chũi lầm lũi bò qua tuổi thơ tôi trong căn nhà ọm ẹp mùa mưa bão. Tôi nhớ là nhà cụ có cây thị, cành lá xum xuê, tôi vẫn thường hái cho Chi vài quả đem về ủ thơm. Bây giờ bà cụ cho người chặt mất, kể ra cũng được ít tiền. Trong nhà có cái bóng điện hư cũng không sửa, tôi đành phải thay cho bà cụ.

Vẫn là Dương, nhìn vào nó tôi thấy mình may mắn nhiều quá. May mắn hơn nó vì có một đôi chân để đi, có một bầu trời xanh trong đôi mắt. Dương biết mình kém may mắn nên khi gặp chúng tôi nó vẫn có vẻ mặc cảm và thả ánh mắt buồn đâu đó. Nhưng có lẽ vì lúc còn bé, chúng tôi không thể diễn đạt ý tứ của mình một cách rõ ràng. Chúng tôi có những bầu trời của riêng mình, có những con đường của riêng mình. Dương à, Dương cũng nên tìm thấy niềm vui trong bầu trời của riêng mình. Đừng nên nhìn vào bầu trời của chúng tôi với ánh mắt như vậy. Hãy kể về thế giới của Dương với một sự say mê lớn nhất có thể. Dương hãy nói về những gì mà mình làm được, đừng nói về cái đồi cát mà Dương chưa một lần đi đến tận cùng. Nó bảo, bây giờ nó là chủ một trang web hẳn hoi, nơi chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ.

Tết này, Chi dẫn Hùng ra mắt bố mẹ. Hùng dáng người vạm vỡ con nhà võ, khuôn mặt hình chữ điền vuông vắn. Dì cũng có vẻ hài lòng với chàng rể. Hùng là mối tình đầu của Chi. Dù lúc học phổ thông, có nhiều đứa bị ánh mắt của Chi hút hồn, biết tôi là chị em nhà dì với Chi nên vẫn thường theo hỏi tôi những trò ngớ ngẩn như sở thích, hay số điện thoại. Từ khi bắt gặp ánh mắt của Hùng, Chi vẫn yêu đến bây giờ. Rồi hai đứa tính sao. Còn tính sao nữa bây giờ, sẽ ra trường, xin việc rồi làm đám cưới. Nhưng mà nhà Hùng cũng hơi xa đấy, cách độ hai tiếng xe ô tô. Xa thì có cách nhau một cái nhà cũng xa, yêu nhau mấy núi cũng trèo. Nhìn đôi bạn trẻ quấn quýt cười nói bên nhau, tưởng rằng họ đã trải qua tất cả những cung bậc tình yêu, thương nhớ, giận hờn, xa cách và chẳng gì có thể chia rẻ hai trái tim đã thề nguyền gắn bó với nhau trong cuộc đời.

Hùng bảo tôi khi nào có dịp ghé Tây Sơn xem lễ hội thắng trận Đống Đa. Tôi sẽ ghé thăm, nhưng không biết khi nào. Như một lời hẹn trước.

****

Tôi hoàn thành đợt thực tập và chuẩn bị thi tốt nghiệp. Mọi thứ ngày càng hối hả. Vì Chi học hệ cao đẳng nên ra trường sớm hơn tôi một năm. Chi nộp hồ sơ ở Sở Giáo Dục và được nhận vào dạy ở ngôi trường ngày xưa chúng tôi học. Ông thầy giáo già mà hàng ngày lọc cọc chiếc xe đạp tới trường dạy lũ trẻ chúng tôi đã xin về hưu. Tre già măng mọc có gì lạ đâu.

Hôm trở về nhà, tôi gặp thầy đi trên đường với mái đầu bạc trắng. Tay còn vác cái cuốc, chân dính bùn. Thật sự là tôi muốn dừng lại và chào thầy một tiếng, nhưng vì lẽ gì đó tôi đã lướt qua. Thầy chắc là đã quên người học trò bé nhỏ ngày nào. Cuộc đời thầy có bao nhiều người học trò sao mà nhớ hết nổi. Bây giờ thì tôi mới hiểu cái sự nghiệp trồng người của thầy. Tầng tầng lớp lớp, một cây là có rừng, rừng sẽ lên xanh, rừng phủ đất quê hương. Thời đại xói mòn bởi lòng tham và sự ích kỷ. Những cái cây như thầy thật đáng quý. Tôi không hiểu những con người của thời đại mới có thể sống được như thầy không, đầy trách nhiệm và bổn phận.

Trách nhiệm và bổn phận. Đó cũng là những từ cuối cùng mà tôi nghe được ở bà cụ hàng xóm. Bà cụ bị té khi lần ra thêm đón cái nắng của mùa xuân. Tuổi già không thể cầm cự với cú ngã. Không đi đứng gì được, chân tay tong teo, cụ nằm liệt giường. Các con cụ lo sốt vó vì Tết đã cận ngày. Hôm cụ qua đời, mấy đứa con gái cụ xúm lại khóc than cho tan nước mắt, mẹ sống cực khổ quá đến lúc chết cũng không được sung sướng. Ông thôn trưởng đọc điếu văn cho bà cụ, giọng xúc động vang xa : “Cụ có bốn người con, tất cả đều được cụ nuôi ăn khôn lớn, trưởng thành, dựng vợ gả chồng. Cuộc đời cụ đã làm tròn trách nhiệm và bổn phận của một người mẹ”. Con cháu cụ góp lại, xây cho cụ bà một ngôi mộ lát đá hoa cương, bên cạnh mộ cụ ông.

Những ngày sắp Tết, luôn để lại nhiều dư vị. Ba mươi, dì mới làm cơm tất niên. Anh Nam, anh Bộ đi làm ăn xa cũng trở về, ngôi nhà rộn ràng hơn hẳn bởi tiếng nói cười rộn rã. Dì giết thịt con heo đẹt để ăn Tết. Gọi là heo đẹt chỉ đơn giản vì nó lâu lớn, nuôi cả năm trời mà chỉ được một khúc, được cái ít thịt mỡ. Nhà Chi thì bao năm vẫn thế. Dì định xây lại nhưng vẫn chưa đủ tiền, mà nó vẫn còn ngon lắm, chưa đến nổi. Chắc cũng cùng tuổi với hai đứa chúng tôi. Năm trước dì sửa lại gian bếp bởi trận bão.

Lần này, tôi cũng bất ngờ vì ngoài Hùng, còn có Thành. Thành học cùng khoá với tôi hồi phổ thông, nhà ở thôn kề bên. Nó còn hỏi xin số điện thoại của Chi kia mà. Thành đang xẻ thịt con heo thành từng miếng thịt đùi, thịt vai, ba chỉ... Nhanh thoăn thoắt. Nhìn Thành phát tướng quá, nhưng rắn rỏi, mái tóc xoăn. Đã lâu không gặp, tôi hơi khựng lại một chút.

“Mày làm gì ở đây?”

Tôi hỏi vui, nhưng thật ra cũng lờ mờ đoán được câu chuyện. Nhà Thành có xưởng cưa, bố Thành gây dựng từ hồi tôi còn con nít tới giờ. Bao nhiêu gỗ bạch đàn và keo tai tượng trên cái đồi cát đều chở tới xưởng cưa nhà Thành. Cái xưởng cưa ăn nên làm ra, nhà Thành cũng vì thế mà khấm khá, có của ăn của để. Hai vợ chồng lo làm ăn nên chỉ mỗi Thành làm mụn con, lúc muốn đẻ thêm cho có chẳng có lẽ thì không được nữa. Họ quý nó nhưng không có nghĩa là chiều chuộng. Thành đi học thêm cơ khí rồi về nhà phụ giúp gia đình, có cái xưởng cưa cố gắng mà làm, cả đời không sợ cái nghèo nó tìm đến đâu con ạ. Cô giáo trẻ về làng, nó đem lòng yêu mến. Thành biết Chi đã có người yêu. Có người yêu thì đã sao, Thành cũng yêu cơ mà, với tất cả chân tình, cũng sẽ nguyện gắn bó suốt đời, không làm Chi phải đau khổ. Lúc đầu, Chi cũng từ chối, bảo rằng Chi sẽ lấy Hùng chứ không ai khác đâu, đó là tình yêu. Vì thế Thành hãy tìm cho mình một cô gái khác và xứng đáng hơn Chi ấy. Đôi lúc Thành cũng tin vào điều đó, và nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu từ bỏ. Nhưng nó hiểu cái câu nằm lòng từ thởu trước giờ, nhất cự ly nhì tốc độ. Nhìn Chi đi về một mình trên con đường, Thành không cầm lòng được. Cuối cùng thì Chi cũng mềm lòng trước cái vẻ quyết liệt của Thành. Thành muốn cưới Chi.

Hùng ở nhà trên, đang bê chiếc bàn tròn ra nhà giữa. Anh Bộ đi chở thùng bia ở quán tạp hóa gần nhà.

“Dạo này sao rồi ?” Tôi hỏi. Cũng một năm rồi mới gặp, Hùng không khác trước là mấy. Nụ cười rất hiền không lẫn niềm cay đắng. Tôi biết có những nụ cười mang nhiều ẩn ý, mỉa mai.

“Ừ, mình ra trường mà vẫn chưa xin được việc làm. Người ta lại bảo muốn xin được thì phải đưa tiền. Thời buổi nhà nhà tìm việc, ở đâu cũng có đủ biên chế. Chắc là phải đợi dài dài.” Giọng của Hùng lắng xuống như đang chìm vào vũng lầy. Vũng lầy của chính sách. Một vũng lầy thiếu quy hoạch và không có tầm nhìn làm mắc kẹt biết bao con người. Hùng cảm thấy mình bị mắc kẹt, ngay cả trong chuyện tình cảm với Chi. Hai người đã quyết định sẽ lấy nhau nhưng còn chuyện công ăn việc làm. Phải làm sao cho nó ổn thoả trước đã mới có thể tính chuyện lâu dài. Chi cũng đã tới tuổi, dì ba thì thúc giục.

“Thời buổi mà.” Tôi nói vẻ chua chát.

Thức ăn đã được bê lên chiếc bàn tròn, mọi người quây quần. Một năm rồi mới ngồi lại trong bữa cơm tất niên. Khi những ly bia đã được rót đều khắp lượt, mọi người nâng cốc, nói cười hỉ hả. Lúc này, dì ba mới nói với Chi giọng nhẹ nhàng khuyên nhủ :

“Trong hai người, Thành và Hùng, con phải chọn lấy một người. Không thể để hai người con trai theo đuổi như thế này được, lỡ cả việc của người ta, lại thấy mắc nợ lòng. Còn lựa chọn như thế nào thì tùy thuộc vào trái tim và lý trí của con, mẹ không ép con phải lấy người này mà bỏ người kia.”

Một lời từ chối sẽ khiến trái tim người kia phẫn uất biết dường nào. Chi không phải là người tàn nhẫn, thờ ơ đến cảm giác của người khác. Chi cảm thấy khó xử nhưng có ý ưu ái cho Hùng. Hai người yêu nhau mấy năm trời, qua lại cũng nhiều. Hùng mặc dù chưa xin được việc nhưng cũng là con người tử tế. Không thể bỏ con người ta trong những lúc khó khăn như thế này mà thành ra con người phụ bạc.

“Mọi người cứ ăn uống đi, con sẽ trả lời với hai người sau.”

Đôi mắt của Chi hướng về Hùng. Thành mời mọi người trong bàn nâng cốc.

Cơm xong, tôi nói với Chi :

“Cuộc đời cho con người ta rất nhiều lựa chọn. Có những chọn lựa sẽ đưa con người ta đến với những đỉnh cao và những chọn lựa sẽ dìm con người ta xuống bờ vực thẳm. Nhưng cuối cùng, con người ta vẫn phải dựa vào tình yêu để biết mình còn tồn tại. Trên đỉnh cao con người ta vẫn cảm thấy không có gì cả nếu như không có tình yêu. Và có thể vực dậy một con người dưới bờ vực thẳm nếu cho anh ta một tình yêu đủ lớn.”

Chi trầm ngâm một lát rồi nói :

“Chi biết mà. Chi biết đời người con gái điều gì là quan trọng nhất.”

Điều gì là quan trọng nhất đối với một người con gái, tôi cũng không hiểu. Đã bao lâu rồi chúng tôi không đi trên cái đồi cát ấy nữa. Có bao giờ, Chi nhớ đồi cát ấy và ngày xưa không. Kể từ đó, chúng ta đã đi một đoạn đường dài để tìm kiếm tình yêu và hạnh phúc. Chi đã chọn Hùng. Tiếng pháo, mấy đứa trẻ mua lậu bên nhà ai nổ đùng đùng. Đêm giao thừa, hai người ngồi lặng lẽ trước hiên nhà. Chi ngả vào lòng Hùng mà khóc. Đó là những giọt nước mắt rất thật từ sâu lắng trong trái tim cho những yêu thương hai người vừa nắm giữ được. Câu chuyện tưởng chừng như đã kết thúc. Một kết thúc có hậu. Một mối tình đẹp đến lựa chọn cuối cùng. Tôi mừng cho Chi. Người bạn từ thuở ấu thơ.

Tôi cũng không thể nào bỏ qua Dương được. Dương vẫn thế, vẫn hàng ngày trên chiếc xe lăn. Mỗi lần về quê, tôi vẫn phải ghé vào nhà Dương. Tôi muốn biết nó sống như thế nào. Dương sẽ tự yêu lấy cuộc đời này theo cách của riêng nó. Dương ít khi kể cho tôi về thế giới của Dương. Nhưng lần này lại khác, Dương đã tìm thấy bầu trời thực sự. Đó là niềm vui của sự cống hiến. Dương bảo, hàng ngày nó nhận được nhiều lời động viên từ trang web. Dương sẽ cố gắng duy trì và giúp cho những người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống bằng sự sẻ chia. Dương cảm thấy những việc làm có ích và ý nghĩa.

****

Sau đó, tôi trở lại thành phố, gồng mình lên và tiếp tục với những thứ còn dang dở. Tôi không muốn rơi vào tình trạng như Hùng. Tôi không muốn vùi đời mình trong vũng lầy. Tôi giống như một cái cây cần phải vươn lên để đón ánh nắng mặt trời.

Một cái Tết nữa lại về. Nhớ năm nào bên bữa cơm tất niên, có mùi thịt gà, những đòn bánh tét nóng hổi. Ở thành phố, toàn ăn cơm hộp đến ngán ngẩm. Khi nghe bố nói về việc xây xong con đường, tôi lại càng chờ đợi. Tôi muốn đi trên con đường vắt ngang qua cái đồi cát ấy. Có khi, tôi sẽ nói đùa với Dương rằng, nó đã có thể đi qua cái đồi cát ấy rồi cũng nên. Chuyến xe khách dừng chân ở một mảnh đất xa lạ mà cứ ngỡ đang ở quê nhà. Đường về miền Trung vách núi cheo leo. Qua đèo Cả mà cữ ngỡ đang lên chân mây. Muốn dừng chân đứng ngắm trời non nước. Đất nước nơi nào cũng đáng yêu khi mùa xuân về.

Trước Tết, một tháng, tôi nhận được điện thoại của Chi :

“Cuối năm tranh thủ về sớm ít ngày, đám cưới của chị.”

“Chúc mừng chị và Hùng trăm năm hạnh phúc. Cuối cùng hai người cũng làm đám cưới.”

“Không. Không phải Hùng. Mà là Thành.”

“Tại sao lại là Thành.”

“Đừng nói gì nữa được không. Chi cũng đau khổ nhiều rồi. Đó là cuộc đời của Chi và cũng là lựa chọn cuối cùng.”

Tôi đã không gặp Hùng thêm một lần nào nữa khi trở về nhà đón Tết. Có thể cuộc đời sẽ cho tôi cơ hội một lần nào đó. Tôi không biết Hùng đã như thế nào, đang buồn hay quen với tình yêu mới. Tôi cũng không muốn hỏi bất kỳ ai và để mọi chuyện chìm xuống. Nhưng tôi đã không còn tin vào những giọt nước mắt. Tất cả rồi sẽ qua thôi.

-- Tác giả: NgoaLong --

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3