Xin hãy thứ tha
Mùa thu nhẹ nhàng khẽ bước những bước chân đầu tiên qua con phố thân thuộc rồi đổ lên bầu trời trong xanh màu vàng rực rỡ. Những hàng cây lá đã bắt đầu nhuộm màu vàng óng, heo may gõ cửa những mái ấm an yên. Ngồi bên của sổ ngắm những cơn mưa phùn lất phất bay nhẹ theo chiều gió, lòng tôi khẽ lạnh - một cái lạnh rất thơ, rất dịu nhẹ. Tôi khoác chiếc áo len màu vàng ấm áp hoà cùng màu của mùa thu thân thương rồi bắt đầu một ngày mới với biết bao hy vọng. Tôi sánh bước cùng thu vào một ngày phố đông đúc rồi cùng lặng im ngắm nhìn những dòng người qua lại như lặng im cảm nhận sự đổi thay của cuộc đời qua từng khoảnh khắc. Bỗng bước chân tôi dừng lại trước một toà nhà cao, những ô cửa kính, những tầng nhà xếp chồng lên nhau hoành tráng vươn mình giữa bầu trời rộng lớn mênh mông - đây là văn phòng công ty hôm nay tôi sẽ đến phỏng vấn xin việc.
Vừa bước đến trước cổng bác bảo vệ tươi cười hỏi và chỉ đường cho tôi vào trong gặp chị trưởng phòng nhân sự để thực hiện cuộc phỏng vấn. Đây là lần đầu tiên tôi đi xin việc sự hồi hộp, chờ mong cứ ngập tràn trong tâm trí tôi. Chị trưởng phòng là một người phụ nữ tuổi trạc chừng bốn mươi gương mặt chữ điền, làn da trắng cùng giọng nói đầm ấm. Chị trò chuyện rất vui làm hình ảnh một người sếp cau có, khó tính chợt tan biến trong tôi. Tôi bắt đầu thấy thoải mái hơn và trò chuyện cởi mở hơn. Chợt tôi chững lại trước một câu hỏi rất riêng tư. Câu hỏi không khó nhưng lòng tôi dấy lên cảm xúc khó tả, một chút chạnh lòng, một chút buồn và cả một chút có lỗi:
- Mẹ em làm nghề gì?
- Dạ, … Mẹ em là nông dân. - Tôi nhẹ cuối đầu và ngập ngừng trả lời.
Chị mỉm cười thân thiện rồi từ từ hỏi tiếp:
- Đã bao giờ em nắm lấy tay mẹ mình và cảm nhận được bất cứ điều gì từ đôi bàn tay của người đã sinh thành và dưỡng dạy em chưa?
Tôi im lặng, một không gian tĩnh mịch nhơ tờ, sự tĩnh mịch đó xuất phát từ chính tâm hồn tôi. Tôi đã đủ trưởng thành để hiểu và trả lời câu hỏi đó. Nhưng ngay giờ khắc này đây tôi đã không đủ can đảm để trả lời.
Hai tuần sau tôi đi làm. Công việc của người mới rất bận rộn: làm quen với công việc, với đồng nghiệp và phải phấn đấu để có sự tín nhiệm của sếp. Phần lớn quỹ thời gian tôi dành cho công việc, tôi hầu như không còn thời gian cho những bữa cơm gia đình, những bữa dã ngoại cuối tuần.
Hôm nay tôi lại dậy sớm đi làm như mọi khi. Đến gần trưa thì nhận được điện thoại của bố. Từ trong điện thoại tôi nghe giọng nói hoảng hốt của ông:
- Mẹ con nhập viện rồi. Mẹ con lên cơn đau tim rồi ngất xỉu.
Tôi vội vàng xin nghỉ rồi đến bệnh viện. Trên đường đi đầu óc tôi rối bời, những hình ảnh thân thương của mẹ luôn hiện ra, nụ cười hiền dịu, ánh mắt ấm áp,… tất cả hoà quyện vào nhau tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.
Khi tôi đến bệnh viện mẹ tôi đang ở trong phòng cấp cứu các bác sĩ đang chữa trị cho bà. Tôi và bố đứng đợi. Hai giờ đồng hồ sau bác sĩ đã đưa mẹ tôi ra phòng hồi sức cấp cứu để theo dõi tình trạng sức khoẻ. Lời đầu tiên tôi nghe được khi mẹ tỉnh lại:
- Sao con không đi làm mà đến đây.
Nước mắt tôi bắt đầu rưng rưng rồi từ từ lăn xuống đôi gò má non nớt ngây thơ. Mẹ tôi một người phụ nữ ngoài năm mươi đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm của cuộc đời và thời đại, một người phụ nữ từng trải với người với đời nên hiểu người hiểu đời. Chẳng có nỗi đau nào mà mẹ tôi chưa từng nếm trải, từ nỗi đau mất mát người thân bởi chiến tranh tàn khốc, nỗi vất vả của thân phận làm dâu, những tảo tần của cuộc sống mưu sinh và cả những trọng trách to lớn trên vai của một người mẹ. Tất cả những điều đó đã đi qua trong cuộc đời mẹ tôi có lúc như ác mộng, có lúc như hạnh phúc thoảng qua. Còn tôi chỉ là một đứa trẻ mới vừa kết thúc quãng đời ăn bám bố mẹ được vài tháng. Tôi có thể có trình độ học vấn cao hơn, được trang bị kiến thức nhiều hơn nhưng vốn sống vẫn còn nhỏ bé lắm. Đã có lúc tôi nghĩ rằng mẹ sẽ mạnh mẽ cả đời chẳng bao giờ gục ngã. Vậy mà giờ đây mẹ tôi đang trên giường bệnh xanh xao và hao gầy. Tôi chợt nhận ra rằng chẳng ai có thể mạnh mẽ mãi mãi chỉ là họ đã cố gắng mạnh mẽ được bao nhiêu.
Buổi tối hôm ấy tôi thức rất khuya thức cho đến khi mẹ ngủ đi rồi tôi vẫn còn thức. Bên chiếc giường bệnh của mẹ, tôi khẽ đưa bàn tay nhỏ bé của mình ướm vào đôi bàn tay to lớn, ấm áp của mẹ. Đôi bàn tay ấy đã chai sạm vì sương gió cuộc đời. Làn da ở trong lòng bàn tay và mấy đầu ngón tay đã không còn sự mịn màng vốn có của một người phụ nữ. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự vất vả, đức hy sinh và tình yêu mẹ dành cho tôi. Rồi tôi khóc nức nở bên cạnh mẹ. Tôi biết mẹ sẽ rất đau lòng khi thấy tôi khóc nhưng tôi không thể ngăn những dòng nước mắt bướng bỉnh chúng cứ rơi mãi chẳng chịu ngưng. Đây cũng chính là lúc tôi cảm nhận đầy đủ nhất vị mặn của những giọt nước mắt. Không gian xung quanh tôi lặng yên đến đáng sợ, không tiếng nói tiếng cười, không tiếng bước chân, không một lời thở than chỉ có tiếng lòng thổn thức hối lỗi của một đứa con còn non dại giữa dòng đời bao nỗi truân chuyên.
Tôi thấy mình thật ích kỉ biết bao, mẹ dù ốm đau vẫn nghĩ đến tôi. Còn tôi vì những việc rất riêng tư mà đã từ chối thẳng thừng khi mẹ nhờ tôi chờ về thăm bà ngoại một ngày cuối tuần. Trong suốt cuộc đời mình mẹ chưa từng từ chối bất cứ một lời đề nghị giúp đỡ nào của tôi. Mẹ luôn đáp ứng yêu cầu của tôi một cách chân thành nhất và vô điều kiện. Tôi còn thấy có lỗi hơn khi ít nhất đã một lần tôi xấu hổ về nghề nghiệp của mẹ. Tôi sợ nếu biết mẹ tôi là nông dân bạn bè sẽ xem thường, sẽ khinh tôi. Tôi đã không hiểu được rằng mình đã được nuôi dưỡng khôn lớn từ chính đôi bàn tay nông dân của mẹ. Tôi của hôm nay là do mẹ chắc chiu nuôi lớn từng ngày. Từng giọt máu chảy trong người tôi một phần là của mẹ, từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim tôi một thời mẹ đã từng mang theo và ấp ủ bên mình. Vậy mà chỉ đến khi suýt mất đi người mẹ yêu quý ấy tôi mới nhận ra mẹ quan trọng với tôi đến dường nào.
Ngoài trời mưa rơi rất nặng hạt như những giọt buồn đang rót vào hồn tôi. Nhìn những hạt mưa bị cơn gió xô mạnh vào cánh cửa rồi nối đuôi nhau rơi xuống, hình ảnh mẹ yêu lại hiện ra trong tôi thân thương diệu kì. Tôi ngắm nhìn mẹ ngon giấc, không biết trong những năm tháng của đời mình mẹ tôi đã bao lần ngon giấc như hôm nay?
Liệu một ngày nào đó khi thật sự trở thành một người mẹ, tôi có thể làm được cho con tôi những điều mà mẹ đã làm cho tôi hay không? Câu hỏi ấy cho đến tận bây giờ vẫn mãi đau đáu trong lòng tôi không một lời giải đáp. Tôi dù có khôn lớn hay đi đến đâu rồi cũng như cánh diều luôn cần có người giữ dây để diều mãi bay cao trên vùng trời bình yên. Ngày mai khi mẹ thức giấc tôi sẽ ôm lấy mẹ và thì thầm điều tôi đang ấp ủ: “ Con yêu mẹ nhiều lắm, xin đừng rời xa con, mẹ nhé!”