Ngày nắng
“Mới vào đầu hè mà sao nắng nóng kinh hồn thế” – Tôi tự nhủ trong lòng.
Tôi ngồi xổm trước hiên nhà, với tay lấy miếng gạch mẻ trước mặt, vẽ những đường cong ngoằn ngoèo vô định lên nền sân xi măng. Trước mắt tôi là cánh đồng lúa vàng rực. Đồng lúa đã bắt đầu trổ bông, từng hạt nặng kéo cong cả thân lúa. Khi lúa bắt đầu ngả màu vàng, chín đều thì trông cánh đồng lúa tựa như một bức tranh được dát vàng, đẹp đến lạ kỳ. Gió từ cánh đồng thổi vào nhà, mang theo cái hơi nóng ẩm ướt của ngày hè, bết lên từng thớ thịt, làm cho người ta bứt rứt khó chịu. Tôi nhìn ra xa, thấp thoáng sau những cánh đồng lúa tưởng như trải dài bất tận là hình ảnh mái nhà tạm bợ, cũ kĩ, dột nát, mỗi mùa khô đến thì chẳng khác nào cái lò gạch.
Tôi chơi chán rồi, đi vào trong nhà, gọi ngoại: “Ngoại ơi, tháng này mẹ con gửi tiền về chưa?”
Bà ngoại tôi năm nay đã ngoài bảy mươi, tóc bạc hơn quá nửa đầu, mắt kém lắm rồi, dạo gần đây bắt đầu xuất hiện thêm chứng lãng tai, thế nên khi không nghe tiếng trả lời của bà, tôi phải hét thêm lần nữa: “Ngoại… ngoại…. mẹ con gửi tiền chưa? Nhà hết gạo rồi.”
“Hả? Bây nói gì? Lên phường, ai bị tội gì mà lên phường?”
Tôi thở dài bất lực, lủi thủi đi vào trong phòng, cầm chiếc điện thoại cũ mèm ra xem, hộp thư đến vẫn trống rỗng, đầu tháng mẹ tôi thường nhắn tin đến bảo tôi ra ngân hàng rút tiền, nhưng hai tháng nay thì im bặt không một lời nào, tháng trước tôi và ngoại phải gói ghém lắm mới qua được, đến hôm nay thì tiền đã cạn sạch rồi.
Tôi để điện thoại trên bàn, trong lòng buồn bực khó chịu, tôi đi qua đi lại khắp nhà mà không buồn nhấc chân lên, tiếng dép cao su kéo xềnh xệch trên nền nhà xi măng phát ra thứ âm thanh thô ráp. Ngoại đang ngồi sửa sang mấy cái áo gối trên chiếc chõng tre, tiếng cọt kẹt từ cái chõng phát ra nghe ghê rợn, ngoại bỗng dừng tay, đưa mắt nhìn tôi, nói: “Để tao ra ngoài tìm cái gì làm, chứ đợi mẹ mày mãi cũng không xong.”
Tôi sững lại, trong lòng dâng lên cảm giác chua xót. Tôi quay đầu lại nhìn ngoại: “Làm gì bây giờ hả ngoại?”
“Phải có việc gì để mà làm chứ. Để tao đi một chuyến ra chợ xem thế nào. Mày cũng đừng hóng mẹ mày nữa, nó còn cuộc sống của nó.”
Từ bao giờ, tôi và bà ngoại trở thành một phần thừa thãi trong cuộc sống của mẹ tôi vậy?
Ngoại chậm rãi đứng lên, đi vào phòng thay cái áo nhìn tươm tất hơn cái vừa mặc, xỏ đôi dép “con cá thu”, đội thêm cái nón lá đã rách tươm, rồi đi ra chợ. Tôi đứng trong nhà nhìn theo bóng dáng gầy còm, lôi thôi của bà đang từ từ khuất sau cánh đồng lúa. Tôi lấy trong tủ ra mấy quyển truyện để đọc. Dù tôi đã đọc hàng trăm lần, thuộc đến từng lời thoại, nhưng tôi vẫn cứ đọc, giữa căn nhà tôn trống trải chả có gì cho tôi làm. Tôi đọc được vài trang thì vứt quyển truyện sang một bên, nằm lăn qua lăn lại trên chõng, thế rồi ngủ quên lúc nào không hay.
~~~
Tiếng dép kéo lê trên nền nhà khiến tôi bật tỉnh, ngoại ngồi xuống chõng, cầm vành nón quạt cho đỡ nóng. Tôi bật dậy, tíu tít hỏi: “Sao rồi ạ?”
“Để tao ra vườn hái rau mang ra chợ bán, chứ nhà mình còn gì để mà làm nữa. Người ta ngoài kia có sung sướng hơn mình đâu, muốn nhờ vả cũng không nỡ.”
Mặt tôi xị xuống, tôi nằm vật ra chõng, hai chân giơ lên khoảng không trước mặt đá mấy cái.
Tôi nhìn ngoại, tần ngần mãi mới dám nói: “Hay để con nghỉ học phụ ngoại. Dù sao con học cũng không bằng ai, có tiếp tục thì chỉ phí tiền thôi. Bằng không…”
Ngoại trừng mắt nhìn tôi, bà tức giận quát: “Bà ngoại có nghèo đói thế nào cũng để cho mày ăn học đàng hoàng. Mày không học nữa thì sẽ ngu dốt, mà ngu dốt thì lại giống mẹ mày đấy.”
Đây là lần đầu tiên tôi thấy ngoại tức giận đến thế. Tôi biết ngoại thương tôi, sợ tôi sẽ giống mẹ.
~~~
Ngày đó nhà rất nghèo, mẹ tôi học được đến lớp bảy đã phải nghỉ học, theo ông ngoại đi buôn trái cây. Mười bảy tuổi, mẹ yêu một người đàn ông, bị người ta dụ dỗ, bỏ nhà đi cả năm trời, lúc quay về đã mang thai tôi. Tôi là một đứa trẻ sinh ra “không ngôn chính danh thuận”, đó là một sai lầm đáng ra nên bị vứt bỏ! Chính vì cái tình yêu nông nổi và ích kỷ đó mà mà những đứa con như tôi ra đời không được ai chào đón, thậm chí phải gánh chịu những nỗi đau không phải do lỗi của mình. Không có niềm vui hân hoan chào đón em bé ra đời, không có tiệc chúc mừng hay một lời ngợi khen của bất kỳ ai, chỉ có sự che giấu, tủi hận và oán trách hiện hữu. Vào một ngày nắng cháy da, mẹ để tôi lại cho bà ngoại nuôi, một mình bắt xe lên thành phố tìm việc. Người dạy tôi nói là ngoại, thay tã cho tôi là ngoại, nắm tay tôi đến trường cũng là ngoại, mười hai năm qua, tôi không biết mặt mũi ba mẹ tôi ra sao, vuông tròn đẹp xấu thế nào, tôi chỉ biết có mỗi bà ngoại là người thân.
Rồi mẹ tôi đột ngột trở về trong một ngày nắng đổ lửa, ngoại đứng ở hiên nhà nhìn ra bờ đê trước mặt, gọi tôi: “Bột, mẹ mày về rồi… cùng với một đứa bé trai.”
Tôi đứng cạnh ngoại, sững sờ nhìn người phụ nữ và đứa bé đang đi về phía ngôi nhà. Ngoại cầm chặt tay tôi, chặt đến nỗi tay tôi ửng đỏ, chỉ hận không thể mang tôi giấu đi. Người mẹ mà bao năm qua tôi hằng khao khát bây giờ đã trở về, nhưng sao một chút rung động tôi cũng không có thế này?
Mẹ đứng trước mặt tôi, ngượng ngùng chìa ra một cái áo, nói như thầm thì: “Bột, mẹ mua cho con cái áo này. Thích không con?” – Người phụ nữ cao gầy, nước da trắng nhợt nhạt cố nặng ra một nụ cười.
Tôi từ nãy giờ vẫn núp sau lưng ngoại, bây giờ càng trốn sâu hơn.
“Bột, gọi mẹ đi.” – Ngoại giục tôi.
“Bột, mẹ đây mà.”
“Không thèm…” – Tôi ngang ngược trả lời.
Lúc đó trong lòng tôi vô cùng xúc động, chỉ muốn lao vào ôm lấy mẹ, nhưng lại có một sức mạnh vô hình nào đó kéo tôi lại, không cho tôi đến gần. Đến sau này tôi mới hiểu, sự tủi thân, bơ vơ và khổ sở tôi phải gánh chịu từ lâu như mảnh thủy tinh ghim chặt trong tâm can tôi, khắc lên đó những vết sẹo chồng chéo khó lòng xóa bỏ.
Mặc cho mẹ ngăn cản, ngoại đã tát mấy cái vào mông tôi. Tôi vùng ra khỏi tay ngoại, khóc thét lên: “Con không có mẹ, không có cha, bây giờ ngoại cũng không cần con nữa. Huhuhu…”
Không khí dường như đông cứng. Ngoại ôm tôi vào lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng tôi. Mẹ sững người lại, ngỡ ngàng nhìn tôi. Đứa bé đứng cạnh mẹ tôi nãy giờ vẫn lầm lì không nói, đến khi tôi khóc nó cũng khóc ré theo, mẹ nghe nó khóc thì sực tỉnh, ôm nó vào lòng vỗ về. Cả hai đứa trẻ cùng khóc lóc um sùm, căn phòng tràn ngập sự gượng gạo.
~~~
Mẹ mở một gian hàng tạp hóa cho bà ngoại bán ngoài chợ, mẹ phụ bán đến trưa thì về.
Tôi nằm đọc truyện trong phòng mãi cũng chán, thế là tôi đi ra phòng khách tìm cái gì để chơi. Thằng Minh – đứa con riêng của mẹ tôi đang ngồi nghịch đất sét. Tôi cố tình vòng qua vòng lại trước mặt nó, nhưng nó chẳng thèm để ý đến tôi, cứ tiếp tục trò vui của mình. Không chọc tức được nó, thế là tôi dùng chân đá phăng mấy con thú nó cất công nặn từ nãy giờ bay qua một góc. Nó trợn ngược mắt lên nhìn tôi, tôi cũng chẳng thèm tránh, lừ mắt nhìn lại nó. Thế rồi nó lao vào cắn tôi, nó cắn thật mạnh vào tay tôi đau điếng, tôi vật nó ra, nhảy bổ lên bụng nó ngồi, vừa tán vừa hét lên: “Cút khỏi nhà tao ngay. Ai cho thứ con hoang như mày đến sống ở nhà tao?”
Nó giơ hai tay lên bóp lấy cổ tôi, dùng sức siết chặt, không khí tắc nghẽn, cổ họng tôi nóng rang, mặt đỏ như người say rượu, tôi cố sức gỡ tay nó ra nhưng không nổi, chỉ có thể cào cấu vào tay nó. Nó cũng mạnh quá, tôi có cấu thế nào vẫn không di chuyển được tay nó.
“Chị mới là con hoang. Chị không có ba nhưng tôi có, cả mẹ cũng là của tôi. Nếu không phải ba tôi bảo mẹ và tôi về thăm chị, chị nghĩ mình sẽ được gọi mẹ sao. Đừng mơ.” – Nó cũng hét lên đáp trả.
Những lời này, một đứa trẻ bảy tuổi không thể tự nói ra, chắc chắn đã có người dạy nó, bằng không thì tâm địa nó quả thực quá tàn nhẫn.
Hai chữ “con hoang” đã rút hết sức lực tôi. Tay tôi buông thỏm xuống đất, cả người mềm nhũn, tôi không khóc, nhưng nước mắt cứ tuôn như thác đổ, không thể nào ngăn lại được. Thằng Minh thấy vậy đẩy tôi ngã khỏi người đó, lồm cồm bò dậy, khóc ré lên: “Mẹ ơi cứu con, ba ơi cứu con…”
Ở trường tôi vẫn thường bị bạn bè trêu là đứa mồ côi, mỗi lần như thế tôi sẽ lao vào đánh nhau với chúng, chúng rất mạnh, thường đánh cho tôi tơi tả, nhưng tôi vẫn nhất quyết ngậm miệng không kêu cứu, bởi tôi biết dù có kêu đến khản cổ, cũng không có ai chạy đến bảo vệ tôi.
Mẹ vừa vào đến hiên nhà thì nghe tiếng thằng Minh kêu cứu, vội vàng chạy vào bế nó dỗ dành: “Sao thế? Ai ăn hiếp con?”
“Là chị ấy đánh con.” – Thằng Minh chỉ tay về phía tôi.
Mẹ tức giận, quay sang tra hỏi tôi: “Tại sao lại đánh em? Ai dạy con mà hư hỏng như thế?
Tôi ngơ ngác nhìn mẹ, nhìn thằng Minh, rồi đứng lên ấm ức đi vào trong phòng khóa chặt cửa. Tối hôm đó tôi bị bà ngoại phạt úp mặt vào tường và đánh cho mấy cây vào mông.
~~~
Thằng Minh bé hơn tôi hai tuổi, da dẻ trắng trẻo đúng chất công tử bột, lại còn to bằng tôi, thế nên tôi gọi nó là Lợn. Khi tôi đang bị phạt, tôi nhìn thấy bà ngoại bóc quýt cho Lợn ăn, tôi đứng từ xa nhìn họ vui vẻ cười đùa với nhau, nỗi uất hận càng thêm sâu đậm.
Bà ngoại bảo tôi gọi mẹ, nhưng tôi là một đứa trẻ cứng đầu, chuyện mà tôi không muốn làm thì chẳng ai quản nổi, nhất quyết không chịu gọi. Trước mặt ngoại, tôi cố sao cho không phải giao tiếp với mẹ. Còn khi không có mặt ngoại? Mẹ có hét lên tôi cũng chẳng thèm trả lời.
Buổi trưa, mẹ làm rất nhiều món tôi thích, bày đầy một bàn, trông rất thịnh soạn. Tôi cá là bà ngoại nói nên mẹ mới biết. Tôi ngồi đối diện mẹ, còn Lợn thì quấn lấy bà ngoại, tôi phóng ánh mắt khó chịu về phía nó, nó biết điều đó, còn cố tình ra vẻ nũng nịu với bà ngoại, nói muốn bà ngoại gắp thức ăn cho nó. Tôi chăm chăm nhìn nó, dùng đũa đăm đăm vào chén cơm, vài hạt cơm bắn ra ngoài bàn, mẹ thấy vậy liền gắp một miếng trứng chiên bỏ vào chén tôi, nhẹ nhàng nói: “Bột thích ăn trứng chiên lắm mà. Đây, mẹ gắp cho Bột miếng to nhất luôn.”
Tôi đưa mắt nhìn miếng trứng chiên trong chén, không biết ma xui quỷ khiến thế nào, tôi hất cả chén cơm xuống đất, cơm vương vãi khắp sàn nhà, bắn cả vào người mẹ. Mẹ sững người, còn bà ngoại túm lấy tay tôi lôi ra khỏi bàn, quát lên: “Sao mày lại mất dạy thế hả Bột? Hỗn xược quá trời quá đất.”
Bà ngoại đẩy tôi vào tường, dùng cây chổi lông gà đánh thật mạnh vào mông tôi. Da thịt tôi như bị xé ra từng mảnh, đau đớn không thể tả. Tôi không khóc thét lên như những lần trước, tôi mím chặt môi để không phát ra tiếng nấc nghẹn, trừng mắt nhìn về phía mẹ và Lợn. Ánh mắt của tôi vẫn cay nghiệt như lần đầu tiên nhìn họ, bây giờ lại thêm vài phần uất ức và tủi hận.
Có người nói khi một đứa trẻ được sinh ra là quả ngọt của một tình yêu, vậy tại sao cuộc đời tôi lại chua chát đến thế?
Tôi lì lợm không chịu nói xin lỗi, bà ngoại tức giận, càng đánh mạnh hơn. Tôi không hé một lời, cắn chặt môi đến tóe máu, mẹ hoảng sợ, chạy đến can bà ngoại ra, van nài: “Mẹ đừng đánh nó. Con là mẹ mà không dạy được nó, là lỗi của con, mẹ đừng đánh nữa.”
Đến lúc này tôi mới hét lên: “Bà không phải mẹ tôi. Nếu bà là mẹ tôi thì ba tôi là ai? Lúc tôi bị người ra khinh rẻ, xa lánh, gọi tôi là “con hoang” thì ba mẹ tôi ở đâu? Tôi không phải là con hoang, không phải là trẻ mồ côi, trả ba mẹ cho tôi. Bà ngoại ơi, kêu người ta trả ba mẹ cho con…”
Những lời tôi vừa thốt ra như mũi dao đâm thẳng vào trái tim mẹ tôi, đồng thời bóp nát cõi lòng bà. Lợn nhìn thấy tôi như vậy, ánh mắt nó dịu hẳn đi, dường như mang theo một chút thương hại nhìn về phía tôi. Tôi vùng khỏi người mẹ, chạy biến đi. Tôi không ăn cơm, không biết lấy đâu ra sức mà chạy xa đến thế, tôi chạy qua cánh đồng lúa trước nhà, chạy lên con đê, rồi rẽ qua cái chòi tre bà ngoại dựng cho tôi chơi ở bãi đất trống. Tôi chui vào trong cái chồi, ngồi khóc tu tu. Tôi mơ về một gia đình, ba tôi có thể là công nhân ở nhà xưởng, sáng đưa tôi đến trường, trước khi rời đi sẽ hôn tạm biệt tôi, mẹ sẽ buôn bán nhỏ ngoài chợ, buổi tối gia đình sẽ ngồi quay quần ăn cơm, trò chuyện vui vẻ.
Ước mơ của tôi có quá đáng không? Nếu không, tại sao những đứa trẻ ngoài kia có ba để gọi, có mẹ yêu thương, còn tôi lại chỉ bơ vơ một mình?
Tôi khóc đến kiệt sức, ngủ quên lúc nào không hay. Lúc tỉnh dậy trời đã xế chiều, tôi hốt hoảng chạy về nhà. Bà ngoại và mẹ đang đứng ngoài hiên nhà hóng tôi về, vừa thấy tôi bà ngoại lại muốn đánh, mẹ ghì tay bà ngoại lại, lo lắng hỏi: “Con đi đâu cả buổi thế, mau vào trong tắm rửa sạch sẽ rồi ăn cơm.”
Tôi không trả lời, chạy thẳng vào trong nhà. Buổi tối tôi ăn hai chén cơm đầy, vét sạch đĩa trứng chiên. Mẹ thấy tôi ăn uống nhiệt tình thì vui lắm, cố gấp cho tôi thật nhiều, tôi đang đói nên quên mất ngại, mồm nhai tay gắp liên tục. Bà ngoại thấy bộ dạng ăn uống vội vàng của tôi bật cười, cả Lợn cũng hí hửng nhìn tôi. Tôi xấu hổ, mặt cúi gằm, cố ăn cho nhanh để tránh đi cho bớt quê.
~~~
Tôi muốn chơi cò chẹp, lấy viên gạch vẽ những ô hình chữ nhật, viết số thứ tự lên trên, tôi đứng ở ô thứ nhất thảy dép về phía trước, chiếc dép bay vào ô số sáu, hơi xa, tôi nhắm chừng khoảng cách, lùi người về phía sau một bước, cúi thấp người rồi lấy trớn nhảy về phía trước. Xui xẻo thay, tôi lấy trớn quá đà, nhảy đến ô số sáu thì giẫm phải đôi dép, mất thăng bằng, trượt dài trên nền sân xi măng. Tôi tiếp đất bằng hai đầu gối, da thịt ma sát trên nền sân xi măng nên rách một mảng lớn, máu chảy ào ào, chẳng mấy chốc ướt hết cả chân, tôi hoảng sợ, la lên: “Cứu con với, cứu con…”
Lợn đang ngồi trong nhà xem tivi, nghe tiếng la thất thanh của tôi thì chạy ào ra, nó nhìn thấy chân tôi đầy máu thì phát hoảng, mặt cắt không còn giọt máu, trợn mắt đứng nhìn tôi. Tôi phải hét lên lần nữa: “Gọi mẹ, mau gọi mẹ!”
Nó sực tỉnh, vừa chạy vừa la: “Mẹ ơi cứu chị Bột, mẹ ơi… mẹ ơi…”
Nó hét còn lớn hơn tôi. Tôi nhìn thấy cái tướng béo ục ịch chạy đi kêu cứu của nó mà tôi quên cả đau, bật cười khanh khách.
Mẹ đưa tôi đi trạm xá, bác sĩ tiêm cho tôi thuốc tê, may mười mấy mũi đau thấu trời xanh. Từ lúc đến trạm xá cho đến khi nằm yên vị trên giường bệnh, hai tay tôi nằm gọn trong tay mẹ và Lợn, nhất là Lợn, tôi đang đau rớt nước mắt mà nó nắm tay tôi chặt muốn đứt lìa vậy, đến lúc mẹ bảo nó buông ra thì cổ tay tôi đã đỏ ửng.
Mấy ngày sau tôi phát sốt, mẹ tôi được một phen sợ xanh mặt, may mà bác sĩ nói không sao, uống kháng sinh và nằm kiểm tra thêm mấy ngày là được về. Mẹ tôi nghe vậy thì thở phào nhẹ nhõm, âu yếm nhìn tôi: “Con cứ nằm đây vài ngày nhé, có bé Minh chơi con nè. Để mẹ về làm mấy món con thích mang vào.”
Sau khi mẹ rời đi, Lợn rón rén đến bên giường, nhỏ giọng nói: “Chị sợ lắm phải không? Mỗi khi Minh sợ ba sẽ mua kẹo siêu nhân cho Minh ăn, để khi nào Minh về nhà sẽ kêu ba mua thật nhiều kẹo siêu nhân cho chị, ăn vào rồi sẽ có sức mạnh như siêu nhân, như thế sẽ không sợ nữa.”
Nghe những lời Lợn nói, không hiểu sao tôi lại bật khóc. Lợn có cái tật là thấy người khác khóc sẽ khóc theo, thế là hai đứa nhóc ôm nhau khóc rống lên trong phòng bệnh. Chỗ đau thương nhất trong lòng tôi đã bị tình cảm đơn thuần của một đứa trẻ chạm đến. Đột nhiên tôi không còn ghét nó nữa, mà thấy thương nó hơn.
Tôi nhớ lại những lời nói quá đáng của mình, cảm giác tội lỗi tràn ngập trong lòng tôi. Tôi ôm Lợn vào lòng, nhỏ giọng xin lỗi nó: “Chị xin lỗi, chị xin lỗi.”
Nó ngưng khóc, mỉm cười nhìn tôi, tôi cũng bật cười theo, đây là lần đầu tiên tôi cười rạng rỡ đến thế.
~~~
Hết hè, mẹ và Lợn phải quay về thành phố, nhưng mẹ hứa sẽ thường xuyên dẫn Lợn về chơi với tôi, nếu có điều kiện sẽ đón tôi về sống cùng. Nhưng tôi từ chối, tôi đã quen sống nơi miền quê nóng bỏng da người, làm sao quen được thành thị xa hoa, vả lại ở đây còn có bà ngoại, làm sao tôi đi cho được. Lúc chiếc xe đò khuất xa, ngoại đưa cho tôi một lá thư, nhìn nét chữ xiêu vẹo biết ngay là Lợn viết:
“Em là Minh.
Em rất thích chơi với chị Bột, nhưng bây giờ em phải về rồi, hẹn gặp lại chị vào hè năm sau.
Em hứa sau này khi về thăm chị sẽ mua thật nhiều thật nhiều kẹo siêu nhân cho chị, em cũng sẽ nhờ siêu nhân bảo vệ chị, như vậy sẽ không có ai ăn hiếp chị Bột nữa.”
Tôi cười, quên mất tên thật của nó là Minh. Đứa em này đáng yêu đến thế, tại sao khi nó đi xa rồi tôi mới nhận ra? Bây giờ không có nó ở đây, ai cho tôi réo tên Lợn của nó đây. Ừ thì không sao, đợi khi nó trở lại thì tôi sẽ gọi tên nó cả ngày cho thỏa thích, sẽ làm nũng đòi mẹ làm món trứng chiên cho tôi ăn.
Có những vết thương phải dốc lòng che giấu, cố giả vờ như không có gì xảy xa, đến một ngày bị bới móc mổ xẻ tan tác, phơi ra trước nắng. Vết thương thì méo mó, va vấp và thảm thương. Nhưng chỉ cần tôi tin rằng vết thương sẽ có ngày hóa sẹo, thì nỗi đau rồi sẽ đi qua và… một ngày nắng đẹp sẽ lại đến.
--- Linh Lan ---