Cuộc hôn nhân giả tạo

1. 

Anh là giám đốc một công ty về phát triển phần mềm máy tính, còn tôi chỉ là một nhân viên công chức bình thường. Người ngoài nhìn vào cuộc hôn nhân giữa hai chúng tôi mà cho rằng tôi thật may mắn, có thể lấy được một người chồng đẹp trai, tài giỏi lại vô cùng hiền lành, thoải mái. Trong mắt họ, tôi là một người vợ vô cùng hạnh phúc. Nhưng có ai biết được rằng, đằng sau cái vỏ ngoài ấy, tôi và anh đến với nhau chỉ là một trò lừa gạt, một giao ước ngầm giữa hai bên.

Lúc anh quyết định lấy tôi, cả gia đình anh đều vô cùng ngạc nhiên. Tôi chỉ là một cô gái bình thường, không xinh đẹp, không giỏi giang, gia đình cũng không phải thuôc tầm khá giả. Còn anh lại là con một, gia đình anh tương đối giàu có, anh vừa đẹp trai, vừa có tài, thừa tiêu chuẩn để có thể dễ dàng kiếm được một người con gái khác hơn hẳn tôi. Họ đều cho rằng anh bị tôi quyến rũ, mê hoặc. Anh kiên quyết lấy tôi bằng được, họ không còn cách nào khác cũng đành chấp nhận. Ai cũng bảo có lẽ tôi phải tu hành từ mấy kiếp trước nên mới may mắn lấy được một người chồng như anh. Nhưng họ đâu có biết được rằng, lí do thật sự đằng sau cuộc hôn nhân của hai chúng tôi chỉ là một sự dối trá, lừa gạt. Lí do anh một mực đòi cưới tôi bằng được chứ không phải là một người con gái khác, bởi vì tôi cũng giống như anh, hai chúng tôi đều là những người đồng tính. Cuộc hôn nhân của chúng tôi chỉ là một cái vỏ bọc an toàn, che giấu sự thật động trời đó, cũng như để hoàn thành nghĩa vụ với đấng sinh thành, không còn bị ai để ý, bắt ép, có thể tự do sống cuộc sống của chính mình. Đó là giao ước ngầm giữa tôi và anh.

Chúng tôi kết hôn rồi dọn ra một căn hộ ở riêng. Ngày ngày, tôi làm tròn nghĩa vụ của một người vợ, nấu cơm, giặt giũ cho anh. Còn anh, cũng hoàn thành nghĩa vụ của một người chồng đối với tôi, thỉnh thoảng đưa tôi về thăm bên ngoại, chăm lo cho bố mẹ đẻ của tôi chu đáo. Ai cũng khen tôi tốt số, vì anh rất ngoan ngoãn, lễ phép với bố mẹ tôi, lại còn chăm chỉ làm ăn, không để ai phải chê trách một lời. Còn về bên phía bố mẹ anh, tuy ban đầu, họ không thích tôi, nhưng từ lúc tôi sinh cho họ một đứa cháu đích tôn nối dõi, họ cũng bớt khắt khe với tôi hơn. Chúng tôi đạt được mục đích làm yên lòng cả hai bên nội ngoại, cũng như diễn cho thiên hạ thấy được một vở kịch về một cuộc hôn nhân vô cùng hạnh phúc.

Kể từ ngày chúng tôi có con, anh cũng ít về nhà hơn. Đó là điều anh đã giao hẹn với tôi từ trước. Tôi tất nhiên cũng đồng ý để cho anh và kể cả tôi nữa có một khoảng không gian riêng, tự do làm những điều mà chúng tôi đều muốn làm. Những lúc anh vắng nhà, tôi thường gọi điện cho Tường Lam đến chơi. Cả hai chúng tôi đều là les. Tường Lam học chung với tôi từ ngày mẫu giáo cho đến bây giờ, giữa hai chúng tôi có một sự gắn bó khăng khít. Ngày tôi đi lấy chồng, dẫu biết đó chỉ là một trò để lừa gạt mọi người, nhưng cô ấy vẫn khóc như mưa trong lễ cưới của tôi. Sau ngày hôm đó, tôi đi gặp cô ấy, cô ấy đã ôm chặt lấy tôi mà nức nở: “Phương Ngân, tớ yêu cậu, đừng bao giờ bỏ rơi tớ.” Tôi không thể quên được vẻ mặt lúc đó của cô ấy, một sự yếu đuối, đáng thương khiến cho người khác cảm thấy xót xa, đau lòng.

Còn bạn trai của anh tên Đăng Khôi. Thường thì, chồng tôi gặp gỡ anh ấy ở bên ngoài, nhưng cũng có lúc anh lại đưa Khôi về nhà tôi dùng cơm. Tất cả chúng tôi đều biết rõ về nhau, cho nên cư xử với nhau khá thân mật, thoải mái không có chút gì phải rụt rè, e ngại. Tôi cũng từng hỏi Khôi: “Bố mẹ anh có giục anh lấy vợ không?”. Anh ta gãi đầu cười. “Bố mẹ tôi thoải mái lắm, tôi cũng không phải con trưởng nên không phải nặng nề giống như Văn”. (Văn là tên chồng tôi). Cả ba chúng tôi lúc đó lại quay sang nhìn nhau. Văn rụt rè bảo tôi: “Hôm nay, Khôi ở lại đây với tôi, em với cu Tí sang chỗ Tường Lam chơi được không, lâu rồi Khôi cũng chưa đến nhà chơi”. Tôi hiểu ý anh. Thật ra từ trước khi lấy tôi, anh với Khôi đã từng sống trong ngôi nhà này, sau đó vì anh kết hôn nên Khôi mới phải chuyển đi, giờ Khôi đến chơi, có lẽ Văn muốn rủ anh ta ở lại ôn lại kỉ niệm cũ. Tôi ôm con sang ngủ nhà Tường Lam. Cuộc sống của chúng tôi cứ lặng lẽ trôi qua như vậy.

Nhưng đến năm cu Tí được năm tuổi, mọi chuyện bắt đầu trở nên phức tạp. Một ngày, Tí tò mò hỏi tôi: “Mẹ ơi, sao bố mẹ không ngủ chung phòng như những gia đình khác, tại sao bố toàn đi công tác bốn năm ngày liền không về nhà?” Tôi ngập ngừng bảo con:”Bố bận nên phải đi công tác không về nhà được, lúc nào rảnh bố về nhà thì đều rất mệt nên mẹ con mình không được quấy rầy bố, phải để bố ngủ một mình”. Rồi một ngày, khi chúng tôi đang ngồi ăn cơm, Tí lại hỏi: ”Bố mẹ ơi, bao giờ thì bố mẹ đẻ thêm em bé?” Cả anh và tôi đều giật mình nhìn nhau. Tôi phát cáu, mắng con: “Ăn đi, không được hỏi linh tinh”. Tí òa khóc, anh vội vàng ôm con dỗ dành nhỏ nhẹ: “Tí ngoan nào, bố mẹ chỉ cần một mình Tí là đủ rồi, có thêm em bé nữa sẽ không còn thời gian để quan tâm đến Tí, như thế chẳng phải Tí sẽ buồn sao?”. Tí ngừng khóc, quay sang ôm cổ bố: "Vậy sau này bố chỉ yêu quý một mình Tí thôi nhé .” Nói rồi thơm chụt vào má bố rõ to. Tôi nhìn con mà nước mắt chực trào ra nơi khóe mi. Cả tôi và anh đều có lỗi với con. Chúng tôi là những ông bố bà mẹ tồi nhất trên thế gian này.

Từ sau dạo đó, anh về nhà thường xuyên hơn. Tôi hiểu anh muốn cho cu Tí có thể cảm nhận được bầu không khí ấm áp trong gia đình. Trước đây chúng tôi chưa bao giờ thân mật với nhau, bây giờ, trong mỗi bữa ăn, anh đều cố tình gắp thức ăn cho tôi và cu Tí, đến tôi nhiều lúc cũng còn nghi hoặc mà đặt ra câu hỏi: Liệu rằng chúng tôi có thật sự chỉ là vợ chồng trên danh nghĩa? Tôi biết anh cũng đang có cảm giác giống tôi, cảm thấy có lỗi với con, nên cố gắng dành mọi thứ để bù đắp lại, không để cho thằng bé có cảm giác thiếu thốn về mặt tình cảm. Tôi với anh cũng vì thế mà vô tình sát lại gần nhau.

2.

Dạo gần đây, Đăng Khôi không còn qua nhà tôi thường xuyên như trước nữa. Tôi cũng tò mò nhưng không dám hỏi Văn, chỉ thỉnh thoảng để ý đến thái độ của anh một cách ái ngại. Văn vẫn là một ông bố rất mẫu mực, ngày ngày, tan làm anh đều tranh thủ thời gian đi đón con, cuối tuần đều đặn đưa cu Tí đi chơi công viên. Có điều, thái độ của Văn đối với tôi có gì đó khác lạ. Anh rụt rè với tôi hơn trước. Thỉnh thoảng nếu không có mặt con, Văn đều muốn tránh nói chuyện với tôi. Mặc dù vậy, tôi cũng không mấy quan tâm nhiều. Anh với tôi cho dù đã sống chung với nhau ngót năm năm, nhưng thành thật mà nói, chưa bao giờ chúng tôi có ý định tiến sâu vào thế giới của nhau. Trong cuộc hành trình của mỗi chúng tôi, người bạn đồng hành kia, chỉ là những kẻ bất đắc dĩ chung đường, có chăng chỉ là cùng nhau diễn chung một vở kịch, rồi sau đó khi trở về với thực tại, ai cũng có cuộc sống của riêng mình.

Có đôi lúc tôi hỏi Tường Lam: “Lam định sống như vậy mãi sao? Có muốn đi lấy chồng không?”. Lam hờn giận nói với tôi: “Ngân không cần mình nữa à”? Tôi dỗ dành: “Làm gì có. Chỉ là Lam cũng cần có người chăm sóc, Ngân đã có gia đình. Tuy chỉ là danh nghĩa, nhưng ít nhất sau này Ngân còn có người chăm lo”. Lam cắt ngang: “Mình không cần ai hết. Cuộc đời mình cứ như thế này là đủ rồi”.

Con người ta thật lạ. Có những lúc bao nhiêu con đường sáng sủa ở trước mắt, vẫn cứ cố chấp, ép buộc bản thân bám lấy một lối đi không hề bằng phẳng. Trong câu chuyện của bốn chúng tôi. Chẳng có ai là người đúng, và cũng chẳng có ai sai. Có chăng, là do số phận quá nghiệt ngã, dư luận quá khắt khe, khiến chúng tôi chẳng thể lựa chọn được một hướng giải thoát cho riêng mình.

Có lẽ Đăng Khôi cũng giống Tường Lam. Cố chấp đến đau lòng. Và có lẽ Văn cũng đang trăn trở về cậu ấy giống như nỗi trăn trở của tôi đối với Tường Lam.

Ngày sinh nhật của cu Tí, chúng tôi tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ. Tôi bảo Văn gọi cho Đăng Khôi, còn tôi cũng gọi cho Tường Lam. Trong lúc chuẩn bị đồ ăn, tôi vô tình đánh rơi chiếc đĩa. Vội vã cúi đầu xuống nhặt lên, mảnh vỡ vô tình cứa tay tôi chảy máu…

- Có sao không?

Văn vội vàng rút tờ khăn giấy, bịt lấy tay tôi, khuôn mặt đầy vẻ lo lắng. Tôi vô tình ngước mắt lên nhìn anh. Mắt anh cũng đang dán chặt lấy khuôn mặt của tôi. Tôi chợt thấy có một chút gì đó cồn cào trong lồng ngực.

Mắt anh… mắt tôi… chưa bao giờ gần nhau như thế.

Chúng tôi chợt giật mình trở về với thực tại. Lại là những ánh mắt ái ngại nhìn nhau, lạnh lùng, xa thẳm.

- Lấy băng dán vào đi. Anh đi đón cu Tí.

Văn đi. Tôi chợt cảm thấy có chút gì đó hụt hẫng nơi lồng ngực.

“Phương Ngân, mày điên rồi, mày chẳng phải les hay sao? Làm sao có thể được chứ…”

Bữa tiệc tối nay rất vui vẻ, đầm ấm.

Con trai của tôi không chỉ có một người ba, một người mẹ. Mà có đến hai người ba, hai người mẹ cùng quan tâm, lo lắng. Đó là điều tôi cảm thấy an ủi nhất, bớt đi mặc cảm tội lỗi nhất đối với con.

Nhiều đêm không ngủ, tôi đã từng nghĩ: Nếu có một ngày con trai tôi phát hiện ra, ba mẹ nó cưới nhau không phải vì tình yêu, mà chỉ vì muốn lừa gạt ông bà nó; nếu có một ngày, nó phát hiện ra, cả ba và mẹ nó đều là những người đồng tính, những người luôn bị xã hội kì thị, nó sẽ nghĩ gì, liệu có giống như những người khác mà xa lánh chúng tôi. Hoặc là hận ba mẹ nó đã lừa gạt cả xã hội và lừa nó.

Không… không! Đừng hận ba mẹ. Vì cả ba và mẹ yêu con!

**

Mười một giờ đêm!

Tôi sốt ruột nhìn đồng hồ.

Văn vẫn chưa về. Thật ra, trước đây, anh cũng thường về trễ, hoặc đi qua đêm không về nhà. Nhưng chẳng hiểu tại sao gần đây, chờ Văn về đối với tôi đã như một thói quen.

Lẽ nào, đó là thói quen của những người vợ bình thường. Lẽ nào, giờ tôi đã bắt đầu trở nên bình thường.

Tôi ngồi lặng người suy nghĩ mông lung. Cảm giác trống vắng đến cô quạnh.

Tiếng chuông điện thoại dồn dập làm tôi sực tỉnh. Tôi giật mình, đau nhói. Không biết tại sao tự nhiên tôi lại có cảm giác nặng trĩu đến vậy. Có một dự cảm chẳng lành.

- Alo, tôi Phương Ngân nghe ạ…

Bộp. Tôi giật mình quăng ống nghe xuống bàn, vội vã khoác thêm chiếc áo chạy bổ ra ngoài.

Đầu óc tôi thật sự rối loạn. Tôi cũng không còn nhớ, người phụ nữ vừa gọi điện cho tôi đã nói những gì, chỉ còn lờ mờ nhớ mỗi cái tên địa chỉ bệnh viện. Lồng ngực phập phồng, co thắt…

Tôi lao vào bệnh viện tìm Văn.

Anh ngồi đó, ánh mắt thất thần, hoảng loạn.

Tôi chạy lại gần, ôm lấy anh thật chặt. Văn gạt tôi ra. Đôi mắt đỏ ngầu.

- Khôi,… cứu lấy Khôi… Đăng Khôi.

Anh gầm thét. Cả căn phòng náo loạn. Mấy người bác sĩ với y tá ra hiệu bảo tôi ra ngoài. Các bác sĩ phòng trực kéo lấy anh lôi đi.

- Cô là gì của anh ta?

- Tôi là vợ anh ấy.

- Vết thương của anh ta không có gì nghiêm trọng lắm. Nhưng người bạn đi cùng thì đã mất rồi. Có lẽ anh ta bị chấn động tâm lí.

- Người bạn đi cùng? Có phải người đó tên Đăng Khôi không ạ?

- Phải, người nhà anh ta cũng đã đến rồi. Còn chồng cô giờ có thể về được rồi. Có điều, anh ta đang bị sốc, có lẽ cần vài ngày mới tỉnh táo. Cô hãy chịu khó chăm sóc.

***

Đã mấy ngày hôm nay, kể từ khi Khôi mất. Văn không ăn uống gì, cũng không nói năng một câu.

Anh cứ như người mất hồn, thỉnh thoảng lại ngẩn ngơ gọi tên Khôi.

Chưa bao giờ tôi có cảm giác như lúc này. Một cảm giác đau nhói đến cồn cào. Tôi thật sự chỉ muốn lại gần Văn, ôm lấy anh thật chặt, tôi muốn dùng vòng tay mình ủ ấm lại trái tim đang lạnh thắt của anh. Tôi hận mình không thể làm cách nào nhặt nhạnh hết được giúp anh những mảnh ghép từ trái tim vụn vỡ để lắp lại. Cảm xúc của một người đàn bà gần ba mươi năm trong tôi bắt đầu trỗi dậy. Liệu đó có phải là tình yêu? Tôi không biết. Một người đàn bà khờ khạo như tôi, giờ bắt đầu lại một mối quan hệ bình thường giống như một đứa trẻ. Nếu tôi đối với Tường Lam là tình yêu, vậy còn đối với anh là gì? Đầu óc tôi quay cuồng, không thể định hình nổi.

3. 

Đã chẵn một tuần kể từ ngày Khôi mất.
Văn vẫn lầm lì không chịu nói một câu. Cu Tí thấy ba như vậy cũng tỏ ra vô cùng lo lắng, sợ sệt, không dám lại gần, chỉ thỉnh thoảng chạy đến kéo lấy vạt áo mẹ cầu cứu. Tôi lắc đầu nhìn con, ra hiệu cho bé quay về phòng ngủ, rồi rụt rè đến gần Văn:
- Anh…
Văn vẫn thất thần. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt sâu thẳm của anh từng mảng xúc cảm đang vỡ vụn. Khuôn mặt anh tái nhợt, hốc hác, giờ đây chẳng còn một chút sinh khí.

Cái chết của Đăng Khôi đối với Văn có lẽ là cú sốc quá lớn. Đối với một người sống nội tâm như anh, nỗi đau đớn, mất mát đó thật sự không tìm ra được cách để chữa lành. Tôi nhìn anh bất lực, cảm thấy cơ thể mình nặng trĩu. Hóa ra, cảm giác của anh đối với tôi lại quan trọng đến như vậy. Hóa ra, giữa cuộc đời chúng ta, còn có thể có một người khiến cho ta có thể vì họ mà đớn đau đến vậy.
- Anh à… Đừng buồn nữa.
Tôi ôm lấy Văn. Anh gục đầu vào lòng tôi giống như một đứa trẻ. Giờ phút này, tôi chẳng biết phải nói thêm với anh điều gì nữa, chỉ biết hi vọng vòng tay này của tôi có thể làm chỗ dựa cho anh trong lúc anh cảm thấy yếu mềm nhất, tuyệt vọng nhất. Tôi và anh cứ bên nhau như vậy. Bầu không khí trong căn phòng im ắng và trầm mặc.

King koong!
Tiếng chuông cửa liên hồi khiến tôi sực tỉnh. Tôi nới vòng tay ra khỏi người Văn. Anh mệt mỏi ngồi dậy tựa đầu vào thành ghế sofa.
- Sao giờ cậu mới ra mở cửa? Mà sao cậu không trả lời điện thoại của mình?
Tường Lam dồn dập hỏi tôi khi tôi vừa mở cửa. Cô ấy sắc mặt tái nhợt, lay lay lấy cánh tay của tôi nói tiếp:
- Mình lo cho cậu lắm đấy biết không?
- Vào nhà đi Lam. Có gì vào trong nói chuyện.
Tôi đưa Tường Lam vào phòng, lướt qua chỗ Văn. Anh vẫn ngồi đó, mắt lơ đễnh, gương mắt không chút biểu cảm. Tường Lam khẽ gật đầu chào anh rồi bấu lấy tay tôi thể hiện ý nghi ngờ dò hỏi. Tôi nháy mắt với cô ấy, ra hiệu cho Lam vào phòng của tôi nói chuyện.

Tôi kể cho Tường Lam nghe chuyện của Đăng Khôi. Thời gian qua, cô ấy bận công tác nên chưa biết chuyện. Lam nghe xong giật mình, sửng sốt rồi sau đó cũng vô cùng thương tiếc, xót xa. Mọi chuyện xảy đến quá nhanh, quá đột ngột, đến tôi với Tường Lam còn không thể kiềm nổi cảm xúc của mình, huống hồ là Văn. Anh đã chứng kiến tận mắt Khôi vĩnh viễn ra đi, làm sao không đau đớn, làm sao không hoảng loạn.

Chúng tôi ngồi trong phòng một lát, linh cảm có điều bất ổn, tôi vội trở lại phòng khách. Văn đã biến mất.
Văn…Văn đi đâu mất rồi? Tôi lật tung khắp các phòng để tìm anh. Anh đã ra ngoài từ lúc nào tôi cũng không biết.
- Ngân à, chắc anh ấy ra ngoài có chút việc thôi. Ngân đừng lo.
- Lam không biết đâu. Cả tuần nay anh ấy không ra khỏi nhà. Giờ anh ấy như vậy, làm sao Ngân không lo được chứ. Ngân nhất định phải tìm được anh ấy.
Tôi kéo tay Tường Lam ra khỏi tay mình, vội vàng lao ra khỏi nhà. Trong đầu tôi lúc ấy chẳng còn suy nghĩ nào khác ngoài việc nhất định phải tìm được Văn.

**

Chị y tá bảo tôi nên về nhà nghỉ ngơi, tôi đã thức trắng hai ngày hai đêm trong bệnh viện.

Văn bị tai nạn xe. Hai ngày trước, anh rời khỏi nhà, một mình lái xe đi trong trạng thái không còn tỉnh táo. Tôi đã đi khắp nơi tìm Văn cuối cùng ngã quỵ khi nghe tin báo anh gặp tai nạn. Văn đã qua cơn nguy hiểm nhưng anh vẫn trong trạng thái hôn mê. Tôi xót xa ngắm nhìn khuôn mặt anh – người cha của con tôi, người mà suốt năm năm ròng đã trở thành chồng của tôi trên danh nghĩa. Liệu anh có biết rằng, tôi đã thực sự yêu anh? Tôi đã thực sự trở thành một người đàn bà chỉ vì anh.

Ba mẹ chồng tôi cũng đến. Mọi người đều khuyên tôi về nhà nghỉ còn cu Tí thì đã được gửi về bên ông bà nội. Nhưng tôi không thể về. Làm sao tôi có thể về khi anh còn chưa tỉnh. Tay tôi nắm chặt lấy tay Văn. Cho dù có thể nào, tôi cũng không thể buông tay anh lần nữa.

Cho dù anh có là người thế nào, tôi cũng không thể nào rời bỏ anh.

**

Văn đã tỉnh, sức khỏe cũng dần hồi phục. Thần trí anh cũng có vẻ tỉnh táo hơn lúc trước. Có một ngày anh nói với tôi. Lúc anh hôn mê bất tỉnh, anh mơ thấy Đăng Khôi. Cậu ấy nói với anh, nhất định anh phải sống thật tốt, phải làm một người cha thật tốt của cu Tí, không được phụ lòng cậu ấy.

Văn nhìn ra phía cửa sổ. Bầu trời thật xanh. Có lẽ đâu đấy trên thiên đàng, Khôi đang nhìn anh mỉm cười.

Tường Lam hẹn tôi đến quán cà phê quen thuộc. Tôi có một số chuyên cần phải nói với Lam.

Tôi nói cho Lam nghe những suy nghĩ trong lòng, về tình cảm của tôi và Văn. Cô ấy sửng sốt nhìn tôi bằng ánh mắt kinh ngạc:

- Cậu làm sao thế? Cậu và Văn… không thể. Cậu là Les, anh ta là Gay. Cậu điên rồi sao hả Ngân?

- Mình không điên. Mình rất tỉnh táo. Mình thật sự xin lỗi cậu, Tường Lam. Có lẽ, chúng ta đã quá thân thiết với nhau nên mới tự ngộ nhận tình cảm của chính mình. Cậu là người bạn thân nhất của mình. Cũng là người bạn tốt nhất của mình.

Tôi nắm lấy bàn tay run rẩy của Tường Lam. Cô ấy hất bàn tay tôi ra, hờn giận nhìn tôi:

- Còn anh ta thì sao? Anh ta đâu có yêu cậu. Anh ta chỉ là một kẻ đồng tính. Cậu điên rồi.

- Cho dù thế nào anh ấy cũng là chồng của mình, là bố của cu Tí.

Tôi nghiêm mặt nhìn Lam, giọng nói trở nên rắn rỏi. Đây là lần đầu tiên, tôi gọi Văn là chồng mà trong lòng nhẹ nhõm đến thế. Tường Lam, rồi cũng sẽ có lúc, cô ấy hiểu cho tôi.

- Cậu sẽ mãi mãi là bạn tốt của mình, Lam ạ.

Lam giận tôi bỏ đi. Đôi mắt cô ấy đỏ hoe ngấn nước. Lòng tôi cũng thắt lại. Cả hai chúng tôi có lẽ đã đi quá xa, để đến bây giờ đã để lại trong lòng đối phương những vết thương còn loang lổ. Một tình bạn đã đi quá giới hạn gây ra những vết xước khó mà hàn gắn. Chỉ có thể dựa vào lòng kiên trì và liều thuốc thời gian, may ra mới có thể chữa lành. Nước mắt tôi lăn dài trên đôi gò má.

- Tạm biệt, Tường Lam, người bạn thân nhất của tôi.