[Chia sẻ Sách hay] - Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất - Jonas Jonasson.
Được dịch từ nguyên tác “The One Hundred-Year-Old Man Who Climbed Out The Window and Disappeared”, ngay từ những từ ngữ đầu tiên đập vào mắt người đọc thì “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” – tác giả Jonas Jonasson - đã để lại ấn tượng bởi cái tựa quá dài và gây tò mò.
Cuốn sách là sự hồi tưởng lại cả cuộc đời phiêu lưu khắp năm châu của cụ ông – Allan Karlsson. Cụ đã trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới, đi khắp nơi, từ Mỹ siêu cường cho đến Liên Xô, ghé thăm cả con rồng Viễn Đông Trung Quốc. Để rồi khi tròn trăm tuổi, cụ lại cất đôi chân yếu mòn vì năm tháng lên và thực hiện chuyến phiêu lưu cuối cùng của đời mình.
Một thế kỷ, cụ đã sống và đi chừng ấy năm, bao nhiêu kinh nghiệm, bao nhiêu tích lũy đều dồn cả vào cuộc hành trình này.
Thú vị, hài hước, sâu sắc và đáng suy ngẫm đó là những gì tôi có thể nói về cuốn sách. Cuộc đời ông cụ gắn liền với một giai đoạn lịch sử thế giới. Vậy nên người ta có thể đọc, học và biết lịch sử thế giới qua chính cuộc đời cụ.
Tôi đã đọc đâu đó rằng, con người phát triển theo một vòng tuần hoàn. Sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già và chết đi.
Tuổi già và trẻ con có những sự tương đồng khó hiểu. Khi mới sinh, người ra không biết gì hết và phải học từng thứ. Đến khi về già người ta lại quên hết mọi thứ và lại học lại từ đầu. Đã trăm tuổi nên ông cụ có một cái gì đó rất “ngây thơ” nhưng mặc dù vậy, cụ vẫn sống bình yên giữa bao nhiêu âm mưu của cuộc sống hiện đại.
Ông cụ làm tôi nhớ đến ông ngoại tôi.
Ông ngoại tôi không phải là người từng trải qua chiến tranh thế giới, ông ngoại không sống đến trăm tuổi và cũng chưa từng sang Mỹ hay Trung Quốc. Ông chỉ là một người Việt Nam bình thường, điểm chung duy nhất giữa ông và cụ Allan có chăng chỉ là ông từng đi nước ngoài, từng đến đất nước Tiệp Khắc mà nay đã không còn được ghi tên trên bản đồ thế giới.
Chỉ vậy thôi nhưng đối với tôi là đã quá đủ cho một niềm tự hào chưa bao giờ lung lay. Ông ngoại trong ký ức của tôi, luôn là một nhà bác học, một giáo sư “biết tuốt” và cũng là một người ông bình dị, thân thuộc.
Tôi vẫn nhớ thời trẻ con của mình, thời trẻ con gắn chặt với ông ngoại như lịch sử gắn với cụ Allan. Tôi nhớ cảnh ông mắng chúng tôi vì nghịch ngơm, tôi nhớ cảnh ông đạp xe thể dục quanh làng, nhớ cảnh ông đeo kính đọc báo dưới hiên nhà lộng gió và nhiều điều khác nữa.
Những hình ảnh đó, những ký ức đó, chúng vẫn ở đó. Tất cả trở nên vàng vọt, mốc meo và nằm sâu dưới đáy của ngăn tủ ký ức tựa như cuốn Abum của ông tôi - cuốn abum ảnh ghi lại dấu chân của ông tại đất nước bên kia địa cầu. Cho dù tôi có làm gì thì vẫn không thể ngăn cản được thời gian đang dần phá hủy chúng khiến chúng ngày càng ố vàng hơn và phủ đầy bụi của năm tháng.
Có một sự trùng hợp khá thú vị là khi tôi viết những cảm nhận của mình về “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” tôi chợt nhớ ra ngày sinh nhật của ông tôi cũng đang hiện diện trên trang lịch treo trên tường nhà.
Tôi đã từng nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ quên ngày đặc biệt này.
Nhưng sự thật là tôi đã quên.
Thời gian không quá lâu – chỉ mới bốn năm.
Nhưng thời gian rất kỳ lạ, chỉ cần con người bất cẩn một chút, hời hợt một chút nó sẽ lập tức biến những thứ tưởng chừng như quen thuộc trở lên xa lạ.
Trước đây, tôi đã từng nghĩ như vậy nhưng giờ đây tôi nhận ra, chẳng phải riêng thời gian kỳ lạ mà chính con người cũng kỳ lạ. Chỉ cần sơ ý một chút là chính chúng ta sẽ thay đổi và chúng ta sẽ thấy lạ lẫm với chính những thứ đã từng rất quen thuộc.
Bởi vì sự sống, về cơ bản là vận động.
Chuyên mục "Chia sẻ Sách hay" chúc bạn tìm thấy những điều kỳ diệu qua từng trang sách.