Ám Dục - Cái gì khắc cốt ghi tâm?

Không phải là tự tìm đến tác giả Thánh Yêu nhưng vì vô tình đọc được một câu comment “Hay tuyệt” bên cột giới thiệu sách, ngoài ra không thêm một chữ nào để nói lên cảm nghĩ của người đã đọc qua “nó” đã làm mình tò mò, bản thân cái tựa đề ÁM DỤC đã rất mờ ám. Hôm đọc được tổng kết con số phần trăm của người VN truy cập trang web đen được xếp hạng đứng thứ nhất thế giới tôi đã giật mình hồi lâu, vì thế tôi rất ác cảm với cái tựa Dục dục này. Tuần trước theo đường link của một câu trích hay trong truyện của Thánh Yêu trên FB, tôi vô tình đọc được một đoạn văn triết lý đơn giản của cuộc sống nhưng rất sâu xa, thế là quyết định nhảy cái hố này của Thánh Yêu.

Mất hơn mười ngày mới đọc xong tác phẩm này của tác giả Thánh Yêu, nếu bỏ qua không viết đôi dòng cảm nghĩ của riêng mình thì thật tiếc, vì rất nhiều điều cần ghi chú, tạm thời nó sẽ là như thế này:

a/ Đây là một cuốn tiểu thuyết không hơn, đương nhiên tiểu thuyết thì ngập tràn những sự tưởng tượng, nhưng đây lại là một cuốn tiểu thuyết mà giới trẻ cho ra một câu giới thiệu NGÔN TÌNH Hắc đạo. Nếu thật sự chỉ đọc mà bỏ qua tác giả thì ai đó nói đây là truyện văn học hiện thực của Mỹ, tôi sẽ tin ngay tắp lự.

b/ Lối viết của tác giả TY mạch lạc, tình tiết trải đều móc xích với nhau rất hợp lý, tạo cho người đọc lúc căng thẳng, lúc thương tâm, lúc đồng cảm với nhân vật nói chung cảm xúc luôn căng tràn theo nhịp truyện.

c/ Đọc nhưng có cảm giác đang coi ciné trên màn ảnh rộng, từng chương sách đều rất sống động, tôi cho đây là một thành công lớn của tác giả TY. Nếu lượt bỏ một số tình tiết lập đi lập lại, hoặc dịch giả chú ý đến cách dịch thật sắc một chút, tả thực cảnh nóng bớt đi một chút, loại sa đọa của xã hội bớt đi một chút, tôi tin tác phẩm này sẽ rất được hoan nghênh.

Ngoài những cái abc ở trên, câu chuyện trong ngôn tình này phần nào làm tôi thích, các nhân vật đã sống, yêu, hận, thật hết mình, trong đó tôi thương nhân vật Dung Ân, tốt nghiệp đại học xong vì một sự nghi ngờ không căn cứ mà cô bị chặn mọi cơ hội xin việc làm, vì cuộc mưu sinh cô không quản ngại bất cứ công việc gì để kiếm miếng cơm manh áo, trong lúc tìm việc thích hợp với ngành nghề thiết kế cô nộp đơn xin việc khắp nơi nhưng chẳng được công ty nào nhận, rốt cuộc đẩy đưa cô vào làm người rót rượu trong một hộp đêm, tại đây cô gặp duyên phận của mình, duyên phận này được bắt đầu đầy toan tính đầy đau khổ và sau cùng cũng là hạnh phúc nhất.

Theo diễn biến của câu chuyện có lúc tôi cũng ghét Dung Ân, ghét cô vì quá cực đoan trong nếp nghĩ của mình, ghét cô vì cô quá trung thành với những tự do mà trước đó tự tay mình đưa cho người khác trói, ghét cô vì đã không phân biệt được đâu là điểm dừng trong cái thế giới về đêm ấy. Nhưng suy cho cùng trong cuộc đời của mỗi con người, ai mà không phải trải qua bể khổ của trần gian, có người thì nhẹ nhàng có người thì mãnh liệt người ta gọi đó là số mệnh riêng của mỗi người, mọi chuyện đều phải va vấp mới nhận ra, mới cho mình cơ hội nhìn lại chính con người mình, nếu Dung Ân không quay đầu lại liệu số mệnh có tiếp tục ưu đãi cô ấy nữa hay không?

Nhân vật chính thứ hai là Nam Dạ Tước, nhân vật này tác giả xây dựng một hình tượng mạnh mẽ, một hắc đạo đẹp trai quyến rũ và đặc biệt quyền lực, tính tình ngang ngược được nhiều phụ nữ quyến luyến, từ tính chuyên quyền đặc thù của một hắc ma, nhân vật này gây không biết bao nhiêu sóng gió cho đối phương. Hình ảnh này được ví như ánh lửa của mặt trời, màu tóc đỏ như màu rượu, khoen tai kim cương chói sáng, khóe mắt dài đuôi phượng, tự điển của anh không có nhiều chữ yêu thương, không có ân đền nghĩa trả, chỉ đơn giản ai bắn tôi một viên đạn tôi sẽ đáp trả lại viên đạn, cái gì tôi chán thì tôi sẽ đá văng, trong anh không có từ thương xót. Nhân vật này được tính cách của một cô gái bình thường, cá tính và nhân ái mài giũa mà trở nên ôn nhu rất mực.

Tôi cũng rất thích nhân vật phụ Diêm Việt, anh được ví như một bóng trăng thanh, sau một giấc ngủ dài hai năm, anh tỉnh lại giữa những vật đổi sao dời, nhưng với Dung Ân anh vẫn in sâu mối tình đầu khắc cốt ghi tâm, cách anh trao hạnh phúc cho Dung Ân thật đáng khâm phục thật cảm động, dù nhân vật này không chiếm nhiều chương nhưng thật sự từ lúc xuất hiện đến lúc kết thúc vẫn là một người con trai trong sáng, một trượng phu đúng nghĩa. Tôi cũng rất thích nhân vật Tư Cần, cô cũng là một đại diện cho những tâm hồn các thiếu nữ thiện lương ít học trong xã hội hiện đại hôm nay, ngoài ra vai phản diện là Hạ Phi Vũ một cô gái có ăn có học trong xã hội trung lưu cũng được tác giả bỏ công mổ xẻ tâm ý một cách triệt để, các nhân vật trong truyện được tác giả TY thỏa sức tạo hình một cách logic và nhân bản đến không ngờ.

Tuy cả câu chuyện được viết trên nền xã hội đậm chất Bố già, nhưng cũng từ bối cảnh này tác giả đã tạo được biết bao khoảng lặng cho người đọc, nhưng kết lại Ám dục cũng chỉ là một câu chuyện tình yêu có nước mắt, có phẩn nộ, có nhắc nhở người đọc về mọi góc cạnh trong cuộc sống, nói chung đây là một cuốn sách cũng đáng được giới thiệu với bạn bè tìm đọc.

Trích câu hay trong tác phẩm: Xã hội này lúc người ta gặp rủi ro, có thể bị kéo xuống vực thẳm thì giậu đổ bìm leo nơi nào cũng có. Đó là câu các bạn trích rất nhiều riêng tôi, tôi còn thích nhiều câu trong đó hơn, nhưng vì đọc trực tuyến nên lười chép lại, hình minh họa là lấy trên gu gồ không phải bìa sách, Thêm câu này nữa: Cái gì cũng có thể trì trệ không tiến, chỉ có thời gian là chạy nhanh, chớp mắt vật còn người mất.

Cái gì khắc cốt ghi tâm? Nếu không là yêu sâu đậm hay là hận đến tận cùng.

K. 12-4-2014 Đọc xong và viết.