Cổ tích không phép màu - Khi cuộc sống là do mình lựa chọn

Bạn có tin vào những phép màu trong câu chuyện cổ tích?

Từ bé đến giờ, tôi chưa bao giờ thích nghe những câu chuyện cổ tích. Bởi lẽ trong những câu chuyện ấy, người ta thường chỉ thấy người hiền luôn luôn là kẻ yếu thế, người hiền hay bị bắt nạt, người hiền hay chịu uất ức và sau đó y như rằng sẽ có bụt hay tiên hiện ra và ban cho phép màu. Nhưng chưa bao giờ, trong những câu chuyện ấy, một lần ta được thấy những con người yếu thế đó dám đứng dậy đấu tranh để tự bảo vệ mình, dám can đảm để giành lấy hạnh phúc chính đáng của mình. Có chăng, những tình tiết như đáp trả lại thường xuất hiện vào cuối của câu chuyện, khi kẻ yếu đó đã có đầy đủ mọi thứ trong tay, và đôi khi, hành động sau này cũng ác không kém gì những kẻ xấu xa xuất hiện ở đầu câu chuyện.

Và “Tấm Cám” là một trong những câu chuyện cổ tích luôn khiến cho tôi cảm thấy không hài lòng sau mỗi lần được nghe kể.

Cứ mỗi lần bị ức hiếp, Tấm lại ngồi khóc. Ngồi khóc rồi lại có Bụt hiện lên. Sau năm lần bảy lượt được tái sinh thì Tấm trở thành một con người còn độc địa hơn cả cô em gái: đó là lấy thịt của Cám muối làm mắm và gửi cho dì ghẻ. Hoặc giả như sau này, qua nhiều lần thay đổi, dù cái kết có bớt tàn nhẫn hơn một chút, thì ta vẫn cảm thấy không có quá nhiều bài học có thể rút ra từ những câu chuyện như thế.

Cổ tích luôn phản ánh niềm tin và khát vọng của nhân dân ta từ thuở trước. Thế nhưng cũng chính vì yếu đuối, bất lực trước hoàn cảnh và số phận mà những câu chuyện ấy hầu hết đều được thêu dệt thêm những yếu tố phép màu và huyền ảo. Nó là một phần nét văn hóa trong suy nghĩ và tư tưởng của nhân dân ta từ thuở ấy. Nhưng bây giờ, có lẽ xã hội đã đổi khác. Và cái tư tưởng “ngồi im chờ hạnh phúc đến” cũng đã được xóa bỏ trong tư tưởng của chúng ta từ lâu rồi.

Tôi ấn tượng với “Cổ tích không phép màu” ngày từ cái tên. Linh tính cho tôi biết đây sẽ là một câu chuyện khá thú vị. Và cuối cùng, nó thú vị thật. Thú vị như chính cái tên của nó.

Vẫn Tấm – Cám, vẫn dì ghẻ, vẫn Đức Vua nhưng không có ông Bụt.

Và ở đó, Cám không ác, Tấm không hiền.

Đó mới là hiện thực. Trên đời này không có ai là hoàn hảo. Ranh giới giữa thiện và ác đôi khi mong manh như một sợi chỉ.

Cũng không có ai quá hiền đến nỗi nhu nhược. Và cũng không có ai độc ác đến mức tàn nhẫn.

Đó mới là đời. Đó mới là bức tranh hiện thực của cuộc sống.

Mỗi một con người trong chính câu chuyện ấy đã tô vẽ và viết lên hiện thực chứ không phải bằng những phép màu.

Ta thấy ở đó một cô Cám tinh ranh, tháo vát; một cô Tấm ngây thơ, khờ khạo và cả một vị Vua luôn canh cánh trong lòng những trách nhiệm lớn lao cho giang sơn, đất nước.

Tất cả những chi tiết trong câu chuyện cổ tích lúc bé đều được tác giả lý giải vô cùng logic và hợp lý, không hề bỏ sót. Ta như bị cuốn theo câu chuyện của những nhân vật ấy mặc dù đã biết trước được kết quả. Những dẫn chứng, lý lẽ vô cùng thuyết phục đã lý giải hết những chi tiết mang màu sắc kì ảo ở trong cổ tích bằng những câu chuyện đời thực vô cùng sống động làm cho ta cảm thấy thỏa mãn và hài lòng.

Khép lại trang sách, ta như được tìm về với thế giới tuổi thơ qua một cuộc trải nghiệm hoàn toàn mới. Vẫn là câu chuyện cổ tích một thời nhưng không còn những phép màu. Ở đó, ta cảm nhận được một cách chân thật những khía cạnh khác của các nhân vật dưới một góc nhìn khách quan hơn, “đời” hơn và “người” hơn. Không còn theo lối tư duy sáo mòn, ta như thông cảm và thấu hiểu được cho cuộc đời của mỗi một nhân vật. Và chắc hẳn chúng ta sẽ nhận được những bài học gần gũi, giản dị và thân thuộc hơn so với câu chuyện chỉ có bà Tiên, ông Bụt với những phép màu chỉ có trong Cổ Tích!