[Tản văn] [Hộp cảm xúc 4] Xuân qua ngõ trúc
Xuân qua ngõ trúc thầm thì,
Người qua ngõ trúc nhớ gì hay không…?
Ngõ trúc ấy là cả tuổi thơ tôi xa xưa, là thăm thẳm lắng dịu của ký ức tôi sau này. Ngõ trúc ấy quanh co, trúc mọc thành một lối đi dài sâu hun hút, xanh non bóng lá, lốm đốm giọt vàng. Ngõ trúc ấy luôn có tiếng chim se sẻ, chim chào mào, chim sâu lích chích trong vòm lá ken dày, xanh um mỗi sáng sớm và thoang thoảng hương hoàng lan mỗi chiều về. Ngõ trúc ấy là nơi nâng bước chân tuổi thơ tôi bước ra cuộc đời với bao yêu thương, quên nhớ, buồn vui. Ngõ trúc ấy có bóng dáng bà ngoại tôi đứng lặng bên cửa sổ nâu trầm chờ đợi.
Gần trăm năm trước, ông bà tôi bỏ lại xứ Huế loạn lạc, đầu trần chân đất, gồng gánh đi theo dòng người di dân ròng rã hơn tháng trời để đến miền đất hoàng triều cương thổ lập nghiệp. Trong tay nải chạy nạn chiến tranh và nghèo đói của ông có ba thứ ông thà chết chứ nhất quyết không chịu buông: cuốn sách chữ nho viết trên giấy dó thếp vàng, cây đờn cò và một bó trúc xanh… Khó khăn, cơ cực dần qua đi, làng ấp được dựng nên, cuộc sống mới được tạo thành. Theo tháng năm có thêm nhiều ngôi đình mái ngói mang lối kiến trúc chạm Rồng Phượng , nhiều Từ Đường của con dân người Huế ở Đà Lạt được dựng nên để mong con cháu nhớ về nguồn cội, mong sức sống văn hóa Huế được lưu truyền trên vùng quê mới. Thế cho nên dù người ta hay trồng thiên lý, trồng hồng leo, râm bụt làm hàng rào nhưng sinh thời ông ngoại tôi chỉ dùng một loại trúc xanh, thân thẳng tắp mang theo từ ngày đi khai hoang vùng đất mới làm giậu ngõ. Ông nâng niu, yêu thương, chăm tỉa tót nên hàng trúc xanh um, cành lá đan vào nhau, ngay hàng thẳng lối. Cuối ngõ, ông kéo trúc đan xoắn thành một vòng cung tạo lối vào nhà rất riêng – rất Huế! Lâu ngày, trúc sinh sôi, kéo dài từ ngõ ra vườn rồi bao quanh cả khu đồi vắng sau nhà, tràn xuống cả bãi Giếng thành một con đường dài xanh mát, uốn lượn hữu tình, bà con xóm giềng đi lại ngõ trúc lấy luôn tên ông đặt làm tên cho ngõ. Vì thế dù có đi chơi đâu xa chỉ cần về đến ngõ trúc ông Tú Đ là tôi biết chân mình đã chạm ngõ nhà mình, lòng đã thấy bình yên...
Tôi vẫn nhớ như in những buổi sáng sớm lạnh căm căm, đất trời còn mờ mịt sương giăng, mẹ đánh thức tôi dậy, độn cho ba bốn lượt áo ấm, choàng thêm một chiếc chăn bông rồi tay bồng tay bế đưa sang nhà ngoại gửi vội để kịp đi làm. Trong trí nhớ của đứa trẻ 3 tuổi là tôi ngày ấy, ngõ trúc không đẹp như bây giờ – ngõ trúc lúc ấy đáng sợ lắm. Nó sâu, đen, nhập nhoạng, và lần nào đi qua cũng luôn để lại sự vang vọng của những bước chân. Những cành trúc la đà ban ngày mát xanh và đẹp là thế nhưng nhìn vào lúc tờ mờ sớm cứ đung đưa, nhún nhảy theo gió, trông như những cánh tay dài xương xẩu vẫy theo. Mà cành trúc cũng khéo đùa với trẻ con, hay lựa lúc mẹ đi vội không để ý là quệt vào mặt, níu lấy tóc lại còn để thêm một giọt sương lạnh buốt chảy trên má như vờ dọa làm tôi sợ điếng cả người.
Rồi khi tôi đã biết tung tăng, giậu trúc xanh kia thành nơi ẩn nấp cho những trò chơi tuổi thơ và cũng là nơi lấp ló trốn tránh làn roi của mẹ - ngọn roi cũng được trẩy ra từ thân trúc xanh đầu ngõ, quất một cái còn thổn thức, nức nở trong mơ. Những trưa hè theo bà ngoại ngồi đốt đèn dầu hơ từng mắt trúc uốn cần câu cá cho ông, tôi vẫn hay nghe bà kể lại tiếng đờn cò của ông rất có hồn nên ngày xưa lúc mới tới khai hoang, quanh vùng này nhiều cọp, đêm đêm cọp về ngồi sau bụi trúc nghe ông kéo đờn, nhễu cả bãi nước miếng...!? Còn tôi mỗi khi nghe ông ngoại chơi đờn, chỉ thấy sao mà buồn da diết, sao mà ảo nảo như tiếng thở dài của người con lạc mất quê xưa. Hình như trong mắt đứa trẻ đang lớn, ngõ trúc mỗi ngày một thắc thỏm, sâu hơn bởi tiếng gậy trúc khua lọc cọc, khấp khiễng...
Tôi được bà ngoại giao nhiệm vụ phải theo trông chừng ông. Bà bảo, phải trông kẻo ông đi lạc. Mà thật. Ông cứ vào ra rồi lẩm nhẩm tên làng, tên xóm xa xôi. Bà ngoại nói mấy chục năm trời vợ chồng tay đùm tay nải vô đây lập nghiệp, sinh con đẻ cái chỉ có một ước mơ là về thăm lại xóm làng xưa. Lúc còn khoẻ thì nghèo quá, đầu tắt mặt tối làm nuôi con, khi đã đủ ăn, dám ngẩng mặt nhìn về thì tuổi già ập đến, chân mỏi gối chùng, đường về quê hóa xa xôi dịu vợi. Mồ mả tổ tiên ngoài quê cứ thế mà hoang lạnh bởi cháu con ra đi mãi chưa về. Nỗi nhớ day dứt thành một thứ vết thương hay lên cơn đau đối với những người đã đi gần hết cuộc đời mà có biết bao ước nguyện thiêng liêng chưa làm được. Thế là còng cọc vào ra, mờ xa trong ánh mắt… Một ngày, tiếng bà ngoại thảng thốt “Ông mi trúc rồi, con ơi!”, vội vàng chạy ra không kịp đỡ, thấy ông nằm bên bờ trúc, tuyệt vọng đưa tay bám víu vào cõi hư không mà thều thào gọi tên đất, tên làng...!
Sách xưa cháy rồi, đờn cò theo ông, bà ngoại vài năm sau cũng mất, gia đình ngày một thưa người bởi con cháu đi làm ăn xa, tứ tán... chỉ còn ngõ trúc xanh là kiên gan đứng đó, hóa nỗi cô đơn thành màu xa xăm. Hóa nỗi đau đáu về một miền quê còn trong ký ức thành màu thăm thẳm. Trúc xanh bây giờ vẫn xanh, thân trúc bây giờ vẫn thẳng, lá trúc ngày ngày vẫn đung đưa với gió, xôn xao trong nắng vàng, mắt trúc vẫn mở ngày đêm, lung linh trong ánh sáng chiều...
Nhưng đến một ngày nào đó, biết trúc có còn đợi được những bước chân mỏi mệt lần về…?
-- o0o --
-- Tác giả: CF-S --