[Cảm nhận] Bài giảng cuối cùng - The Last lecture
Bài giảng cuối cùng - The Last lecture
Tác giả: Randy Pausch
Dịch giả: Vũ Duy Mẫn
“Chúng ta không đổi được quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó”
Randy Pausch.
Tôi tha thiết giới thiệu đến các bạn cuốn sách này. Mặc dù tra Gu gồ tôi biết "Bài giảng cuối cùng” của tiến sĩ Randy Pausch, giáo sư đại học Carnegie Mellon và đại học Virginia, Hoa Kỳ; đã nổi như cồn trên các báo mạng và các diễn đàn của độc giả Việt từ tháng 10 năm 2009, chưa đến 1 năm sau khi tác giả mất vì căn bệnh ung thư tụy (5-7-2008). “Bài giảng cuối cùng” như tác giả nói, là nỗ lực cuối cùng của ông với cuộc sống trước khi vác bị gậy theo thần chết, mà chuyến xe tử thần ấy đang kiên nhẫn chờ đợi ông.
Từ khi tôi đọc xong, tôi khẳng định “Bài giảng cuối cùng” là cuốn sách tôi sẽ để bên cạnh mình, không phải để làm kim chỉ nam cuộc sống, mà nhận ra đây chính là người bạn an ủi tôi trong lúc cuộc sống quá nhiều lo lắng và bộn bề, tôi giữ nó bên mình còn vì sự động viên lạc quan của một bệnh nhân hơn là vì nó được viết bởi một tiến sĩ. Tôi đã thấy màu sắc của cuộc sống đầy màu hồng từ khi tôi đọc hết quyển sách. Nó không ảo tưởng như khi tôi đắm chìm trong tiểu thuyết, đắm chìm trong sự yêu ghét phi thực tế. Tôi hạnh phúc khi được nghe những tâm sự của một người con, một người cha, một người thầy, một người chồng. Và tôi tự tin, yêu cuộc sống hơn khi được nghe tâm sự của chính người bị bệnh ung thư giãi bày.
Nếu ai đó quy định cho bạn chỉ được tắm trong 3’ bạn sẽ thực hiện cách nào? Nếu biết trong một tháng nữa bạn sẽ chết, bạn có hốt hoảng không? Và sẽ đón nhận cái chết như thế nào? Tôi nghĩ tôi sẽ rất lúng túng, đau khổ, suy sụp… Thế nhưng trong “Bài giảng cuối cùng” tiến sĩ Randy Pausch đã đem lại một bầu khí can đảm đầy trí thức, từng chữ từng câu nói đều chất chứa biết bao yêu thương gởi gắm cho cuộc đời. Tình yêu và tấm lòng ấy rất đáng khâm phục. Cảm xúc của tôi đã không kìm nén được khi đọc những lời này: “Nhiều bệnh nhân ung thư nói bệnh tật đã cho họ một đánh giá mới và sâu sắc hơn về cuộc đời. Một số người còn nói họ biết ơn bệnh tật của họ. Tôi không có sự biết ơn đó cho căn bệnh ung thư của mình, tuy nhiên tôi rất biết ơn đã được thông báo trước về cái chết. Ngoài việc cho phép tôi chuẩn bị cho tương lai của gia đình, nó còn cho phép tôi có cơ hội đến Carnegie Mellon và thực hiện bài giảng cuối cùng. Theo một nghĩa nào đó, nó đã cho phép tôi 'rời sân theo cách thức riêng của tôi' ". Can đảm đối diện không phải ai cũng làm được, cái cách đi xa này quả thật nó là hình ảnh lạ lùng nhất mà tôi biết.
Bạn ơi, lòng chân thành với cuộc sống mà tiến sĩ Randy Pausch đã gieo vào trong lòng tôi là những hạt mầm yêu thương. Trong bài giảng cuối cùng này, ông không giảng về ngành chuyên môn của mình là khoa học máy tính, là tương tác giữa con người và máy móc. Ông đơn thuần chỉ kể về việc mình đã theo đuổi và đã đạt được những ước mơ tuổi thơ như thế nào. Thấm đẫm trong từng con chữ, từng lời giảng là niềm lạc quan trong sáng của ông, kể từ khi chào đời đến lúc vội vàng gói ghém hành trang để bước lên chiếc xe của Thần Chết. Ông là một tài năng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong chuyên môn của mình, nhưng trên hết, ông là một người yêu mến những người xung quanh. Đó là bố mẹ, chị và các cháu bé con chị, vợ cùng các con nhỏ, những người thầy, đồng nghiệp và đặc biệt sau này là các sinh viên của mình. Ông đã biến những bài giảng hàn lâm thành những câu chuyện kể lại niềm vui của cuộc sống và cái cách ông yêu cuộc sống như thế nào?
Ông đem tất cả ý muốn gởi gắm, những lời nhắn nhủ cuối cùng, vào bài giảng bằng cách thử tự đưa mình vào chiếc lọ, để một ngày nào đó, chiếc lọ sẽ trôi dạt trở về bãi biển đến với các con của ông, hoặc nếu là họa sĩ ông sẽ vẽ tranh cho các con. Nếu là nhạc sĩ ông sẽ sáng tác nhạc. Nhưng vì là thầy giáo nên ông chọn giảng bài và quả thật “Bài giảng cuối cùng” này đã làm tôi xúc động chân thành. Khi biết mình bị ung thư ông lại nói một cách rất can đảm: “Tôi có một chút vấn đề ‘kỷ thuật’”. Tôi đã tự thử đặt mình vào hoàn cảnh có “vấn đề”, thế nhưng cái cách tôi đối diện thật đáng ngại ngùng. Tôi cảm thấy mình quá vinh hạnh khi hiểu được tiến sĩ Randy Pausch nói về niềm vui của cuộc sống như thế nào, ngay cả khi cuộc sống của chính ông còn rất ngắn. Cái cách ông thắp lên ngọn nến cháy cho cuộc đời quả là một thứ ánh sáng vĩnh cữu chói lòa của tình yêu thương.
Sẽ quá dài dòng với “Bài giảng cuối cùng” trong khi cuốn sách đang chứa đựng biết bao nhiêu là những lời tuyệt vời, chờ đợi bạn. Từng câu nói, từng chữ, từng ý, đều đem lại cho tôi những điều tươi đẹp trong sáng, cách chấp nhận cái chết đã không tạo bi thương mà chính là niềm vui cho người đang sống và còn sống để đối xử với nhau, với cuộc đời tử tế và vui vẻ hơn: “Chúng ta kết nối với người khác, chúng ta sẽ trở thành những người tốt hơn”(tr: 232). Với sự kết hợp hài hước, những hiểu biết của tác giả được truyền tải trong “Bài giảng cuối cùng” đã thu hút tôi và chắc chắn tôi sẽ nhớ mãi những điều ông đã nói. Bạn ơi, nếu có những phút giây bạn ngã lòng, mất niềm tin, mất đi niềm an ủi bạn hãy nghe Randy Pausch nói, trong từng trang sách là những lời động viên bạn, những đúc kết trong cuộc sống ấy sẽ là liều thuốc giúp bạn vượt qua những lúc đau khổ một cách rất tuyệt vời.
Tôi sẽ là con sư tử bị thương vẫn muốn gầm, tôi không phải là người sắp chết mà là con voi trước bốn trăm người, câu trả lời của tôi: “Hãy đợi xem”. Cái cách ông nói về cha mẹ bằng một cái tựa: xổ số cha mẹ. và cha mẹ ông là số độc đắc mà ông đã trúng. Ô, ô tôi cũng thích đặt trạng thái không trọng lượng như ông vào các vấn đề, cái trạng thái ấy rất bồng bềnh… bồng bềnh vì hạnh phúc lâng lâng.
Không ai chối bỏ tình yêu của mình với cuộc đời khi đứng trước lằn ranh sinh tử, không ai cảm nhận điều gì là được là mất khi cuộc sống tới điểm dừng. Thế nhưng trong hội trường của bài giảng cuối, tiến sĩ Randy Pausch đã làm tôi bật khóc nức nở, khóc vì cái cách ông nói: “Những ước mơ sẽ đến với bạn” khóc vì ông nói bài giảng không chỉ dành cho những người ở hội trường mà là: “Dành cho các con của tôi”. Khóc vì cái cách ông dũng cảm bước lên ngồi sau xe thần chết. Cám ơn ông đã dạy:“ Chúng ta không đổi được quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó”, cám ơn ông đã dạy tôi biết tình yêu nên là thế nào với cuộc đời mà tôi cũng vì trúng độc đắc mà hiện diện. Tôi yêu ông và nơi xa kia tôi hằng cầu nguyện cho ông với cách thức như ông đã đem lại cho tôi. Yêu với một trái tim chân thật, đáng giá và hết mình.
Đây là những câu tôi tự trích ra trong rất nhiều câu hay của Bài giảng cuối cùng.
- Hãy là con chim cánh cụt đầu tiên.(tr:189)
- Kinh nghiệm là thứ bạn thu được khi bạn không đạt được điều mà bạn hằng mong muốn.
- Vậy là tôi đã lên được chiếc máy bay để trải nghiệm trạng thái không trọng lượng – Gần bốn mươi năm sau khi ước mơ được trôi nổi bồng bềnh trở thành một trong những mục tiêu sống của tôi. Nó cũng chứng tỏ rằng, nếu tìm được một kẻ hở, bạn rất có thể tìm được một cách để lọt qua.(tr:50)
- Tất cả những gì bạn có là những thứ bạn mang theo.
Và còn nhiều và nhiều nữa những gia tài ông để lại cho những người thương mến ông trong "Bài giảng cuối cùng".