ĐẮNG và những dư vị ngọt ngào
“Không nhiều người thích cà phê, nhưng một khi đã thích sẽ trở thành nghiện. Giống như vậy, có rất nhiều người đã và đang trốn chạy nỗi buồn. Riêng tôi, tôi chọn nuôi dưỡng nỗi buồn và sống chung với nó, để có thể cảm nhận chân thật nhất những vị đắng mà kiếp người nếm trải.”
Tập thơ là nỗi lòng của tác giả Nguyễn Minh Ngọc Hà (timbuondoncoi) – người làm bạn với cô đơn. Từng câu thơ giản dị, nhẹ nhàng mà cũng vô cùng sâu lắng, như thấu hiểu, như sẻ chia cùng những tâm hồn bị tổn thương. Và có lẽ, chúng ta sẽ bắt gặp được chính mình ở đâu đó trong những dòng thơ đầy tự sự của chị, để rồi vỡ òa cảm xúc khi có người nói hộ mình những tâm tư, những nỗi niềm sâu kín nhất.
Xuyên suốt tập thơ là vị đắng của những cuộc tình dang dở, của cuộc mưu sinh đầy gian khó nơi đất khách quê người. Như dòng mô tả ngắn về mình: Một trái tim đa cảm, trái tim chị luôn nhạy cảm với tất cả mọi thứ diễn ra xung quanh. Ấy thế mà thơ chị được nhiều người nhận xét là rất thật và rất đời. Thật trong cảm xúc. Đời trong trải nghiệm.
Độc giả yêu thương và gọi chị là Tim, ngoài lý do bút danh của chị là Tim buồn đơn côi, có lẽ, ai cũng có chung một cảm nhận: Từng câu, từng chữ chị viết đều xuất phát từ trái tim. Chính vì vậy mà thơ chị dễ có được sự đồng cảm từ độc giả. Bởi “điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim”. Và bài viết này, đơn giản chỉ là sự đồng cảm với tác giả, với những vị đắng mà kiếp người đã từng nếm trải qua.
Mối tình đầu có lẽ luôn là vị đắng ngọt ngào nhất và luôn để lại trong tim mỗi người những dấu vết khó lòng bôi xóa:
“Khuấy một vòng, ngỡ đường đã hòa tan
Nhấp một ngụm vị đắng tràn ký ức
Dư vị cà phê làm nhói đau lồng ngực
Tựa vết mực loang trên giấy trắng tình đầu”
(Cà phê đắng và mưa)
Có những người sau một cuộc tình tan vỡ, vẫn hoài “lang thang trong cơn mơ” để “kiếm tìm một bóng hình quen thuộc”. Nhưng đắng cay thay, không chỉ con người biết thay lòng đổi dạ mà chính giấc mơ cũng học đòi thói phản bội, nên chủ nhân nó cứ đau đáu kiếm tìm mà chẳng thể nào bắt gặp hình bóng của người xưa:
“Đêm không anh đêm hóa cô liêu
Ngày không anh ngày biến thành tĩnh mịch
Em kiệt sức kiếm tìm nhưng phải đành bất lực
Ngay cả giấc mơ cũng phản bội em rồi…”
(Tìm anh…)
Tình yêu cũng giống như một trò chơi cút bắt và loài người cứ quẩn quanh trong vòng xoáy theo tình tình trốn, trốn tình tình theo. Đúng người, sai thời điểm hay đúng thời điểm, sai người đều là bi kịch của tình yêu:
“Cô đơn nào anh bán
Em mua hết một lần
Đau thương bao nhiêu bận
Sao người còn phân vân?”
(Bán cô đơn không anh?)
“Cõng cô đơn một mình có nặng lắm không em?
Đặt lên vai anh, anh gánh cho một nửa
Sao trái tim em vẫn im lìm không mở cửa?
Sao cứ khép hoài làm đau đớn cả hai?”
(Liệu có một ngày…)
Phụ nữ trong thơ chị lúc nào cũng dịu dàng, giàu đức hy sinh, luôn sống hết mình vì tình yêu và vì người mình yêu. Họ nhận hết về mình phần thua thiệt, chỉ cần người mình yêu thương được vẹn toàn hạnh phúc:
“ngả đầu vào vai em đây
vai dẫu có gầy nhưng đủ an yên
ngoài kia giông bão xô thuyền
thì đây bến đợi em nguyền chờ anh”
(Ru anh)
“Anh có về, xin ở lại đừng đi!
Con tim tình si đập vì anh tha thiết
Ngọn lửa tình yêu nếu không là bất diệt
Thì xin một lần, em được chết vì ai…”
(Hãy tựa vào vai em!)
Phụ nữ ấy, dẫu có nhẹ dạ, cả tin, dẫu có bị lừa dối, phản bội thì cũng chưa từng oán trách người mình thương. Họ chỉ âm thầm gặm nhấm nỗi đau ấy, một mình.
Từ những cơn đau nhẹ nhàng, âm ỉ:
“Em lại về với biển chiều nay
Vẽ nỗi nhớ nhung bằng hình hài con sóng
Gió đã lặng yên mà lòng em bão động
Nghiêng bên nào cũng chạm nỗi xót xa”
(Biển vỡ)
Đến những cơn đau mà ta có thể cảm nhận rõ ràng nước mắt đã rơi và máu tim đã chảy:
“Nửa sống vì em
nửa sống cho anh
em đạp đổ mọi tường thành đạo lý
vịn tình yêu tiếp cho mình ý chí
anh không cần
tơi tả mảnh hồn em
Nửa má hồng
nửa môi mắt lấm lem
ai vừa khóc cho cuộc tình đã chết
nghe văng vẳng lời yêu thương tha thiết
tỉnh giấc ngủ vùi...
vỡ mộng trăm năm”
(Hai nửa)
Yếu đuối là thế, dại khờ là thế, nhưng lúc cần buông tay thì phụ nữ của chị lại mạnh mẽ, quyết đoán và lý trí đến lạnh lùng:
“Em về
chẳng chút phân vân
luyến lưu gì nữa
tần ngần ích chi!
Về thôi
lau lệ trên mi
kẻo lỡ xuân thì
ai trả cho em?”
(Em về)
“Xin đừng nói với em lời xin lỗi muộn màng
Anh cứ lặng im rồi quay đi như thế
Đời quăng quật em giữa trăm ngàn dâu bể
Chắc chắn rồi em sẽ tự lớn khôn!”
(Chỉ cần lặng im)
Đắng không chỉ là những câu chuyện tình yêu được phác họa bằng thơ, mà nó còn là một bài ca hoài niệm về tuổi thơ yên ấm bên gia đình, làng quê và bè bạn. Tuổi thơ ấy dẫu cơ cực, nhưng chan chứa niềm vui. Tuổi thơ ấy là miền ký ức tươi đẹp nhất mà ai ai cũng muốn một lần quay trở về:
Chuyến tàu nào vừa lướt qua nhanh?
Xin hỏi chuyến về tuổi thơ có chăng còn vé?
Người bán vé nở nụ cười rất nhẹ
"Mai đến đi, hôm nay hết vé rồi..."
(Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ)
Nhưng vì tàu thời gian chẳng bao giờ có chuyến khứ hồi, nên tuổi thơ ấy đã mãi mãi nằm lại trong ký ức, dẫu rằng có không ít người muốn tìm lại chúng:
“Về nhặt lại những an yên
buông gánh nặng bỏ ưu phiền trôi xuôi
Tôi về tìm lại chính tôi
tìm thơ dại đã đánh rơi hôm nào...”
(Tìm lại)
Vòng xoáy mưu sinh đã khiến nhiều người rời bỏ làng quê thanh bình, dấn thân vào cuộc sống vội vã, ồn ào nơi phố thị. Chính lúc đó, họ mới thấm thía không ở đâu bằng chính quê nhà, không tình thương nào bằng tình thương xứ sở:
“Cho con được về tạ lỗi với quê hương
Khi hạt gạo làng mình vẫn còn dính kẽ răng đã làm phường phản bội
Cho con về để ăn năn sám hối
Với những vô tâm, nông nổi của chính mình”
(Cho con được về tạ lỗi với quê hương)
Không chỉ là niềm đau đáu muốn được trở về tạ lỗi với quê hương, mà còn để tạ lỗi với hai đấng sinh thành đã tuổi cao sức yếu:
“Đau đáu lắm ngày trở về đoàn tụ
Bóp vai cha, hôn lên mắt mẹ hiền
Mỏi đôi cánh của loài chim di trú
Con khát thèm mùi tổ ấm thiêng liêng”
(Ngày về)
Ở nơi đó, chiếc đòn gánh vẫn nặng oằn trên lưng mẹ mỗi phiên chợ sớm mai và vai áo cha đã bạc màu vì mưa nắng:
“Đời của mẹ qua mấy mùa lam lũ
Buồn xếp trong từng tờ bạc nhĩ nhàu
Nỗi cơm áo len sâu vào giấc ngủ
Giọng ho khan át tiếng dế đêm thâu”
(Lời ru quằn vai mẹ)
“Bàn chân con thêm cứng
Là chân cha thêm run
Bao nhiêu mùa mưa nắng
Bấy nhiêu lần hy sinh”
(Dấu chân cha)
Khép lại Đắng là những trăn trở suy tư của chị về đời người, đời thơ trong dòng chảy vội vã và vô tình của cuộc sống. Để rồi từ đó, chúng ta càng thêm yêu quý, thêm trân trọng tâm hồn đẹp đẽ và quá đỗi nhạy cảm của một người thơ:
“Sợ lắm một ngày không còn những yêu đương
trái tim không còn những tơ vương ấp ủ
Sợ lắm một ngày những vần thơ chưa cũ
mà hồn thơ trong mình đã mãi mãi ngủ yên...”
(Sợ lắm một ngày...)
Và với riêng tôi, Đắng đã đọng lại những dư vị rất ngọt ngào...
Hyung Nim