Chặng Đường Mười Nghìn Ngày - Chương 07

Chương 7

Vào trận.

Ấy là vào lúc quá nửa đêm ngày 10/1/1965, có tiếng gõ cửa và tiếng gọi quen thuộc của đồng chí cảnh vệ.

Tôi dậy mở cửa thì có cả người thứ hai cùng đồng chí cảnh vệ bước vào. Đồng chí thiếu tá trang phục gọn gàng mang theo cả súng ngắn K59, dáng vẻ khẩn trương vừa giới thiệu mình là người của Cục Cán bộ vừa đưa cho tôi phong thư của anh Vịnh gửi và nói rất gọn với giọng nhấn mạnh:

- Anh Vịnh(1) cho tôi đưa xe lên đón anh về Hà Nội trước bốn giờ sáng.

(1) Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Trưởng ban Thống nhất Trung ương Đảng.

Đọc thư anh Vịnh được biết các anh trong Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ định tôi đi B. Giờ giấc có mặt ở Hà Nội như đồng chí thiếu tá đã báo.

- Không phải chuẩn bị gì? - Tôi hỏi đồng chí thiếu tá.

- Báo cáo anh, mọi thứ Bộ Tổng Tham mưu đã chuẩn bị đầy đủ.

Nhìn đồng hồ lúc này chứa đến hai giờ, tôi gọi vợ dậy báo tin, thì nhận được phản ứng tưởng tôi nói đùa.

- Bao nhiêu ngày chuẩn bị đều không đến lần, nay nửa đêm lại đi có mà hâm. - Rồi vợ tôi như đắc thắng hỏi dồn. - Ai gọi anh?

Tôi ôn tồn nói:

- Đi thật mà, có lệnh đây - thư anh Vịnh cho người mang lên.

Đọc xong thư, đột ngột và xúc động vợ tôi khóc hơi to, phá cái yên tĩnh trong căn nhà, khiến chị gái tôi từ quê vừa lên thăm cháu khi chiều ngủ ở phòng bên thức giấc hỏi:

- Có gì mà cậu mợ to tiếng thế?

Cả cháu gái Hà cũng thức dậy chạy đến bên tôi, hỏi:

- Bố mẹ đánh nhau hay sao mà khóc.

Rồi cháu tung tăng chạy ra ngoài xem, vội vào ngay, ngây thơ reo lên:

- Không phải xe của đơn vị bố đâu. Xe này đẹp lắm, bố đi công tác nước ngoài hả bố?

Yên tĩnh đã trở lại, tôi nói với vợ:

- Gấp rồi, em có gì chuẩn bị cho anh lên đường không?

Vợ tôi bối rối và lúng túng, rồi chợt nghĩ nhanh:

- À, có cái này. - Vợ tôi vừa nói vừa đến bàn mở lồng bàn reo lên. - Có chân giò luộc sẵn, anh mang đi ăn đường.

Vừa nói vợ tôi vừa lấy giấy gói chân giò bỏ vào túi xách của tôi. (Khi vào Nam thuật lại chuyện này, anh em tặng cho cái tên Năm Giò heo sau đổi thành Năm Thạch - Thạch là tên con trai đầu của tôi.)

- Ăn sao được, mà có đói đâu!

Vợ tôi buồn, thất vọng lại càng lúng túng, bất lực.

- Có tiền cho vài đồng xuống Hà Nội ăn quà sáng vậy. - Tôi gỡ bí cho vợ.

Rút ngăn kéo, vợ tôi reo lên, như đáp ứng đúng yêu cầu của tôi:

- Còn năm đồng anh ạ!

Tôi nhận cho vợ vui, xuống đến Hà Nội tặng luôn cho đồng chí lái xe.

Đã chuẩn bị trước một tổ tâm giao gồm có Chú trinh sát, Đắc thư ký cùng đi với nhau khi có lệnh, nhưng lệnh đi gấp thế này sao mà chuẩn bị kịp. Vả lại lúc này Đắc sắp cưới vợ, Chú ốm đi viện. Trước khi đi tôi tranh thủ ghi vài dòng để lại động viên, chuẩn bị sẵn sàng, khi có điện của tôi từ trong đó ra yêu cầu là lên đường được ngay.

Xem đồng hồ còn năm phút, tôi tranh thủ nhắn nhủ vợ con:

- Vào trong đó thư từ liên lạc ra khó, ở nhà mọi việc đã có tổ chức lo, nhưng mình tự lực vẫn là hơn. Em nên thu xếp về thị xã Vĩnh Yên, có điều kiện gần ông bà ngoại lúc sớm tối, vì chị đã già yếu không ở lâu giúp đỡ vợ chồng mình được.

Vợ tôi khóc, không nói, cứ ấn cái chân giò vào túi xách của tôi (chân giò mua hồi chiều, luộc sẵn chuẩn bị bữa ăn trưa ngày mai, chủ nhật). Tôi cũng thực sự xúc động về tình cảm dồn nén của vợ đã dành cho tôi bằng sự im lặng, không muốn tôi phải bận tâm một điều gì trong giờ phút cần phải thanh thản và cứng rắn này. Phút yên lặng tiếp tục trôi nhanh, vợ tôi cố nén tiếng sụt sùi nhưng nước mắt cứ trào ra, chỉ hỏi: “Đã đến giờ chưa anh?”

Tôi trả lời “chưa” - đúng là thời gian còn cho phép tôi ngồi lại với vợ chỉ còn năm phút, để nói với nhau những điều cần nói.

Nhưng chẳng ai nói được điều gì. Lần đầu tiên được nghe vợ khóc không phải vì xô xát, đổ vỡ mà là tiếng khóc thương cảm, lưu luyến của đạo vợ chồng, của lo toan và trách nhiệm, vì một mình với năm con nhỏ sẽ chống đỡ thế nào với cuộc sống, công tác (vợ tôi lúc này là nhân viên của phòng tài chính huyện Phổ Yên), với cả tình hình đất nước đang rất căng thẳng: không quân Mỹ đã bắt đầu đánh phá miền Bắc, cuộc sống thời chiến đang đến gõ cửa từng nhà, ở bất cứ đâu. (Sau này được biết những ngày vất vả lo toan ấy vợ tôi đã sút tám cân).

Giờ lên đường đã đến. Thế là chưa đầy một tiếng, mọi chuyện chung riêng đã xong.

Tạm biệt vợ con, tạm biệt các anh trong Bộ tư lệnh sư đoàn.

Tạm biệt phố Phổ Yên còn nghèo về vật chất mà giàu tình nghĩa, đã để lại trong tôi những kỷ niệm không quên về những ngày hòa bình ngắn ngủi, đã giúp đỡ gia đình tôi thật nhiều trong những ngày tôi đi xa.

Đường vắng, xe chạy nhanh đến Hà Nội trước 4 giờ sáng.

Thực hiện quy ước, tôi tranh thủ ghé thăm anh Tô Ký - như đã hứa đi hay không cũng đến báo tin.

Được biết tôi lên đường ngay sáng nay, anh rất vui, lúc chia tay anh rơm rớm nước mắt. Lấy khăn tay lau vội, anh nói:

- Lời hứa hai nay được một. Đến nơi nhớ kêu tôi cùng vô nghe!

Tôi bắt tay tạm biệt. Anh bước theo giúi vào tay tôi chiếc đồng hồ:

- Kỷ niệm, vào trong đó làm phương tiện tính toán hiệp đồng.

Tôi xúc động muốn khóc:

- Cám ơn anh!

Năm 1960 - 1961 tôi và anh Tô Ký cùng học một lớp quân sự cao cấp ở nước ngoài. Anh đinh ninh nếu cuộc chiến đấu ở miền Nam nổ ra, anh sẽ là người lên đường trước, vì quê anh ở vùng Hóc Môn, Gò Vấp. Trong kháng chiến chín năm anh chiến đấu nhiều ngày ở quanh vùng Sài Gòn và Đông Nam Bộ. Hai chúng tôi hiểu nhau, thân nhau, hẹn khi lớp học bế giảng, anh vào trước thế nào cũng điện ra xin tôi vào cùng nhau cộng tác.

Nhưng khi khóa học chuyển sang khoa nghệ thuật chiến dịch thì anh bị đau dạ dày nặng, thuộc loại vĩnh viễn không đi được.

Tạm biệt anh Tô Ký, xe đưa tôi về nhà anh Vịnh.

Như đã chờ sẵn, thấy tôi vừa ra khỏi xe, anh Vịnh đến, cầm tay lắc mạnh và biểu dương:

- Rất đúng giờ.

Anh Vịnh mời tôi ăn sáng và tranh thủ phổ biến công việc.

- Theo yêu cầu đích danh của anh Nguyễn Chí Thanh điện ra, trên quyết định anh vào chiến trường Đông Nam Bộ. Cụ thể thế nào vào trong đó sẽ rõ. Cùng vào với anh còn có một người nữa cũng tập trung ở đây sau đó đi luôn. Thời gian không còn nhiều.

Chờ đến 6 giờ thì có tiếng còi ô tô ở ngoài cổng. Nhìn ra đã thấy anh Trần Độ từ xe bước xuống với tư thế gọn gàng, không có hành lý mang theo. Tôi ngầm phán đoán - người cùng đi chắc là anh Trần Độ.

Tôi ra cửa đón anh với tình cảm ấm áp:

- A! Thế ra chúng ta cùng đi?

Anh Trần Độ nét mặt rạng rỡ, nắm chặt tay tôi:

- Mình chỉ được báo cùng đi với một đồng chí quan trọng, té ra là ông! Đúng là quả đất tròn.

- Anh Tấn đã vào trước. - Tôi đế vào.

- Đúng, cả Bộ chỉ huy Sư đoàn 312 cũ lại có mặt đầy đủ!

Hai chúng tôi sang gặp anh Văn. Thời gian còn lại rất ít, anh chỉ dặn, cần giữ gìn sức khỏe, đoàn kết, khiêm tốn. Làm nhiệm vụ gì, làm như thế nào, đã có anh Nguyễn Chí Thanh.

Sau cùng anh nắm chặt tay chúng tôi, chúc lên đường thắng lợi.

Xe đưa chúng tôi ra sân bay Gia Lâm. Chiếc máy bay AN-26 trực sẵn, khi chúng tôi ngồi vào hàng ghế, thắt đai bảo hiểm xong thì cũng là lúc máy bay cất cánh, hơn một giờ sau hạ cánh xuống sân bay Quảng Châu. Tại đây cái hăm hở đi tiếp phải tạm hoãn vì có trục trặc “kỹ thuật”. Sang đến ngày thứ năm vẫn im ắng, chúng tôi định điện về báo cáo cụ thể, sau nghĩ lại như vậy sẽ lộ bí mật. Đốt thời gian, chúng tôi đi tham quan thành phố. Đi mãi cũng chán, tiền không có càng chán, đành nằm khàn, kiên nhẫn chờ.

Sang đêm thứ chín mới có lệnh chuẩn bị. Sáng sớm hôm sau, chưa rõ mặt người hai chúng tôi được phổ biến kế hoạch hành quân chính thức: đường đi sẽ qua Hoàng Sa, Trường Sa, cần phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó. Anh Trần Độ đóng vai công nhân thợ máy, tôi công nhân đốt lò trên chiếc tàu buôn Trung Quốc chở thiết bị đường sắt xuất khẩu sang Campuchia.

Gần một tuần lễ lênh đênh trên biển cả, cảnh vật đơn điệu chỉ có nước và mây, không khí căng thẳng nhiều hơn là thanh bình, vì tàu của hạm đội 7 Mỹ giăng ra sục sạo nhiều, chúng tự đặt cho mình cái quyền tự do khám xét, bắt giữ các tàu lạ, kể cả tàu của các hãng vận tải biển quốc tế. Trước khi về đích, tàu của chúng tôi phải vòng sát Singapore rồi mới quặt lại hướng đông bắc, chắc là đề phòng địch theo dõi.

Sang ngày thứ tám, tàu cập cảng Công-pông-xom (trước gọi là Xi-ha-núc-vin).

Mọi thứ nhất nhất chúng tôi đều làm theo sự chỉ đạo vô hình nào đó nhưng rất chặt chẽ, cụ thể và khoa học.

Như thường lệ chúng tôi ăn sáng, nhưng bữa nay ngon hơn, ăn được nhiều hơn, có lẽ vì đã được hưởng không khí của đất liền, quan trọng hơn là sắp được gặp bạn bè đồng chí, được gặp cấp trên giao nhiệm vụ cụ thể.

Khoảng 9 giờ sáng, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, đúng hẹn đi chiếc xe du lịch màu lam xuống cảng, đã chờ sẵn ngay lối lên xuống cầu tàu. Theo sự chỉ dẫn của bạn, hai chúng tôi khẩn trương lên bờ vào xe ngay, chưa kịp đóng cửa, xe đã lăn bánh, tư trang hành lý đành bỏ lại dưới tàu.

Xe đi bốn người, để lại hai người, thay bằng hai chúng tôi để khi hải quan bến cảng kiểm soát lúc xe vào bốn, khi trở ra vẫn đủ bốn, thế là được.

Qua khỏi bến cảng xe phóng với tốc độ nhanh, chủ khách đều im lặng không chuyện trò, vì vẫn phải cảnh giác. Vả lại chúng tôi không biết nói gì lúc này. Bình cảnh vật trên đường ư, đây là lần đầu mới qua. Hỏi chuyện chủ ư, biết thế nào mà hỏi vì ngôn ngữ bất đồng.

Không khí yên lặng. Chỉ còn tiếng động cơ và tiếng bánh xe lăn. Tất cả đều nhìn về phía trước một cách chăm chú và cảnh giác. Ai nấy đều thầm mong tới đích an toàn càng sớm càng tốt.

Cảnh vật cứ xuất hiện, lùi nhanh về phía sau. Độ khoảng hai trăm ki-lô-mét có một lối rẽ theo mũi tên chỉ dẫn - đường đi Phnôm Pênh, chợt thấy có một xe ô tô chờ sẵn. Trong xe có hai người lớn và hai cháu nhỏ.

Chúng tôi được lệnh chuyển xe. Vừa ra khỏi xe này thì có tiếng từ xe chờ sẵn:

- Mời hai bác lên xe.

Để chúng tôi yên tâm và khẩn trương thực hiện, người đàn ông ghé sát tai tôi nói nhỏ:

- Tôi là cơ sở được lệnh đến đón các anh, mời hai anh lên xe ta đi ngay.

Người đón chúng tôi là vợ chồng đồng chí Ba Dâu và hai con nhỏ, làm như gia đình thương gia giàu có đi vãn cảnh đẹp.

Tôi bế một cháu nhỏ vào lòng. Từ đây chủ khách hiểu nhau, chuyện trò thoải mái. Ba Dâu cho biết trên đường đi phải cảnh giác, khi về đến Phnôm Pênh là các anh được sống tự do thoải mái nhưng không được ra ngoài.

- Đã tự do thoải mái lại không được ra ngoài, sao mâu thuẫn vậy? - Anh Trần Độ hỏi.

- Sợ các anh lạc, khi có lệnh chuyển chỗ biết đâu mà tìm.

- Các anh đã đón đoàn nào từ miền Bắc vào chưa? - Tôi hỏi tiếp.

- Nhiều rồi, - tỏ vẻ tự hào, Ba Dâu kể tiếp. - Có cả đoàn anh Sáu Di.

- Sáu Di nào?

- Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đó.

Đúng là về đến đây cuộc sống có dễ chịu hơn. Chúng tôi mở đài nghe tin tức phát đi từ Hà Nội vì đã gần tháng xa miền Bắc, xa Thủ đô.

Ba Dâu đến can:

- Đề nghị các anh không nên mở ra-đi-ô, vì đây là cái kho chứa hàng của chủ một hãng buôn người Hoa ngay trung tâm thủ đô, tụi tôi đang danh nghĩa là người làm thuê, sợ tụi chúng ở trên lầu để ý.

Chúng tôi nghiêm chỉnh thực hiện ngay, chỉ trách nhẹ Ba Dâu:

- Sao anh không nhắc trước.

- Xin lỗi tôi có sơ suất mong hai anh thông cảm. - Ba Dâu nói.

Nghỉ hôm trước, hôm sau chủ nhật hai xe ô tô du lịch sang trọng màu sữa đến đón chúng tôi xuôi theo đường 7 về Công Pông Chàm. Đến điểm hẹn quá sớm, mặt trời mới xế chiều. Nhưng đồng chí lái xe hình như đã quen với tình huống này, liền tự động cởi quần áo ngoài, xoay trần người chui vào gầm xe hết vặn lại gõ như người chăm chú, cần mẫn chữa xe hỏng thật. Còn hai chúng tôi trong bộ áo quần thương gia trong khi chờ đợi xe đi ngoạn cảnh đẹp đồng quê, không phải giả mà thích thú thật vì lần đầu được tận mắt nhìn thấy rừng cao su, thấy cây tiêu và cây thốt nốt.

Rồi xem cả thanh niên địa phương đấu bóng.

Nhưng màn kịch đóng quá lâu mà vẫn không thấy tín hiệu gì trời lại sắp tối. Đã nghĩ đến chuyện quay lại nơi xuất phát, song đêm tối thế này sao đảm bảo được an toàn. Đang lúc tính tính tới lui như thế thì nhận được tín hiệu người của ta đang từ xa tới. Tất cả còn trẻ, nhưng lanh lợi, hoạt bát, rất tinh thông với nhiệm vụ dẫn đường.

Đến gần chúng tôi, ngay từ phút đầu các đồng chí không tỏ ra cởi mở, không cả thăm hỏi xã giao, chỉ cộc lốc một câu: “Đi thôi các chú.” Nói xong các đồng chí khoác tay hai chúng tôi lôi đi rất nhanh. Tất cả đều trong im lặng (chạy thì đúng hơn) khoảng năm trăm mét, bỗng các đồng chí reo lên:

- Đất ta, an toàn rồi các chú!

Nói xong, các đồng chí rời tay chúng tôi, tất cả đi bình thường.

Chúng tôi được đưa vào trạm đón tiếp đầu tiên của Trung ương Cục đặt ở khu vực Cà Tum - Tân Biên.

Người đón chúng tôi ở đây là anh Huỳnh Khánh Minh, thư ký của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ngay từ phút đầu đã tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả, cười nói hết cỡ, chẳng còn phải đắn đo như những ngày đi đường. Các anh ở trong này muốn biết đủ thứ chuyện miền Bắc, chúng tôi cứ thay nhau trả lời như là trả lời phỏng vấn, mệt nhưng vui.

Đến lượt chúng tôi, câu đầu tiên hỏi:

- Đời sống trong này thế nào? - Ý muốn hỏi đời sống nhân dân nói chung.

Các đồng chí trong này lại muốn đi vào cụ thể, ngay ở cái trạm đón khách này. Các đồng chí giới thiệu tình hình đơn vị mình không đến nỗi nào.

Anh Huỳnh Khánh Minh trả lời:

- Khác xa ngoài đó, nhưng không sao. - Anh Minh nói tiếp. - Cứ yên tâm đi, chút xíu nữa sẽ biết khác.

- Khác cụ thể là thế nào? - Tôi hỏi lại.

Một đồng chí giao liên chen vào:

- Khác xa là khác.

Rồi anh ngâm:

“Tối buồn làm bát cháo gà

Sáng dậy được uống chén trà Thái Nguyên.”

Anh Minh tiếp lời:

- Bây giờ trời đã tối, xin mời các anh làm bát cháo gà để lấy lại sức khỏe khi đi đường.

Ngay tối hôm đó chúng tôi được cấp phát quần áo bà ba đen thay cho bộ âu phục thương gia, dép râu thay cho giày da. Và mỗi người còn được trang bị một xe đạp cải tiến, không phanh, không gác-đờ-bu là phương tiện hành quân ngày mai.

Hôm sau ăn sáng và được chiêu đãi chè Thái Nguyên xong, chúng tôi tiếp tục lên đường về hướng trụ sở Trung ương Cục.

Mới qua mười ki-lô-mét chúng tôi đành quay ra cuốc bộ, giã từ xe đạp vì không quen điều khiển, nếu đi nữa càng xe đập vào mắt cá chân gây đau thêm.

Lần đầu tiên đi trên đất Đông Nam Bộ, cảnh quan lạ nhiều hơn là quen. Rừng rậm mà bằng tưởng như vườn rậm ngoài Bắc, khi qua trảng tưởng như sân vận động bỏ hoang, qua bàu (hồ nhỏ) tưởng như đang ra cửa rừng, không khí bỗng thoáng mát dễ chịu. Những cây gỗ to, cao, thẳng, tán rộng, lạ cả về hình thù và tên gọi, như sao, dầu, săng lẻ, dền dền (như xà cừ), gõ (như gụ), bõ, bằng lăng, cầy. Qua các làng mang tên chữ số như làng Tám, làng Mười chưa nghe qua bao giờ (sau mới biết đó là nơi ở của đồng bào miền Bắc vào làm phu cao su cho bọn chủ đồn điền người Pháp, bị chúng dồn đẩy vào từng khu vực, có đánh số thứ tự để tiện theo dõi, đốc thúc, đàn áp nếu ai có hành động phản kháng).

Xế chiều chúng tôi tới Trung ương Cục. Tại đây được gặp đông đủ các anh Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà, Phan Văn Đáng, Lê Trọng Tấn, Văn Phác.

Hai chúng tôi lại gặp may, được các anh trong Trung ương Cục chiêu đãi một bữa thật đã, thịt bò tái.

Vào bữa anh Thanh hỏi vui:

- Các cậu có thích thưởng thức món thịt tái không?

- Dạ, có. - Tôi trả lời.

- Nhưng trong này chỉ có tái nhúng.

- Tái nhúng là gì, xin anh giải thích.

- Là bò nhúng nước sôi.

- Sao ở đây giữa rừng hoang lại có bò.

- Bò rừng.

Tôi cứ đinh ninh đây là thịt bò chính hiệu, nhưng sau các anh giải thích “bò rừng” tức là chú “nai vàng ngơ ngác” khi chiều không biết từ đâu tới lọt đúng vào đường ngắm của tổ cảnh vệ.

Anh Thanh còn nói vui: số các cậu may đấy. Tại Sài Gòn có tiền cũng không được đã đời như thế này.

Những năm tháng chiến đấu ở mặt trận Tây Bắc năm xưa, chúng tôi thường hay được cải thiện bằng các loại đặc sản hươu, nai, hoẵng, lợn rừng, có khi cả hổ, gấu. Nhưng thời gian đã lùi xa, không còn cảm giác. Vả lại lần đầu ăn theo kiểu tái nhúng(2) khó mà phân biệt được bò rừng hay bò nhà.

(2) Thịt bò loại ngon được thái miếng mông dài khoảng bốn đến năm xăng-ti-mét bày lên đĩa.

Người ăn gắp thịt bỏ vào canh chua được nấu sôi bằng bếp lò, sau ba đến năm phút gắp ra dùng bánh tráng kèm theo rau thơm cuốn tròn như chả nem chưa rán, chấm với mắm nêm.

Đây là một kỷ niệm nhỏ khó quên khi lần đầu tôi đặt chân lên mảnh đất miền Đông Nam Bộ.