Mộng cảnh - Cảnh trong mơ

Có người sau một giấc ngủ trong đêm bỗng nhớ đến giấc mơ của mình, thường thì những cảnh ấy không rõ ràng, không cụ thể, sau đó thì quên rất nhanh. Đôi lúc chính mình cũng thường ngồi nhớ đến giấc mơ mà cảnh chân thật như vừa xảy ra trước mắt, nhưng giấc mơ ấy trở nên mơ hồ không nắm bắt được. Những vui vẻ, đau khổ, hạnh phúc những hoài niệm, ước mơ, hy vọng đều có thể đến trong giấc ngủ, sau khi tỉnh thức thì mọi thứ ấy biến mất người ta nói đó là “giấc mộng”.

Tôi tự hỏi, phải chăng những ước mơ thầm kín, những tự ti đối kháng, những nhớ nhung người mình yêu thương, những hy vọng mà đời thực không đem lại, tất cả sẽ được diễn ra trong giấc mơ, do đó có thể nói giấc mơ là một phần của bản ngã con người. Ở đây tôi không chứng minh điều gì, bàn luận điều gì, lý giải điều gì, đơn giản là tôi viết đôi dòng cho “Cảnh trong mơ” mà tôi vừa đọc.

Nếu nói rằng “Cảnh trong mơ” là tiểu thuyết kinh dị thì rõ ràng chẳng có gì kinh dị, nếu nói là viễn tưởng chắc chắn nó không viễn tưởng, nếu là tình yêu có lẽ điều này thích hợp nhất, tình yêu được kể lại dưới một hình thức rất mới, rất chất người, trong đó tác giả đã lột tả nội tâm nhân vật dưới hai nhân cách đối xứng nghiệt ngã. Con người là thiện hay ác phía sau nó có rất nhiều bất ngờ, ý đồ của tác giả trong “Cảnh mơ” rất rõ ràng, từ nội tâm của hai nhân vật chính đã khéo léo đưa người đọc thấy được giá trị của cuộc sống là cái đẹp, là điều thiện tâm, là yêu thương, cách truyền tải điều chân thiện mỹ ấy tác giả đã làm nên một món ăn rất lạ, mọi mặn ngọt đắng cay đều được nêm từ lọ gia vị tiểu thuyết.

Khi mở cánh cửa bước vào căn phòng “Cảnh trong mơ” tôi mơ hồ có cảm giác đứng giữa những góc tối sáng, tại nơi đó có người chờ đợi để kể cho tôi nghe tâm sự trong tiềm thức của họ, đương nhiên họ muốn phô diễn ra là mặt tích cực nhất của tính cách cá nhân mình. Tính cách của con người rất kì lạ, nó là một tổ hợp phức tạp, tôi ngạc nhiên khi tác giả dùng “Mộng kính” để ẩn dụ. Đương nhiên chỉ có con mắt của chính mình mới thấy được mặt khác của mình trong gương và nội tâm của chính mình có nhận ra bề trái đó hay không? Cách nhận ra và sửa đổi như thế nào? Hãy theo tôi bước vào căn phòng “Cảnh trong mơ”. Hai nhân vật hai tính cách trái ngược cùng tồn tại trong thể xác, đừng nói là hư ảo nó có tồn tại và tồn tại rất chân thực trong mỗi con người chúng ta.

Bạn có bao giờ nghe bài hát có tựa: Giết người trong mộng chưa? Bạn có biết câu thơ này của thi sĩ Hàn Mặc Tử: Gió mưa có sẵn làm sao ăn/ làm sao giết được người trong mộng/ Để trả thù duyên kiếp bẽ bàng… Tôi thấy sự tương đồng giữa tác giả “Cảnh trong mơ” và các thi nhân Việt Nam, giấc mơ lại có một loại diễn tả bản ngã không lộ liễu mà như lộ liễu.

Chương gần cuối của “Cảnh mơ” tôi phát hiện một tình tiết trong: “ Công chúa ngủ trong rừng”, cổ tích thì hoàng tử đã vượt băng sơn cùng cốc đem tình yêu chân thật đến đánh thức công chúa, giải thoát lời nguyền cho một vương quốc. Còn ở đây tình yêu chân thành trái tim nhân hậu của một con người có thể hóa giải được những ác tâm, đánh thức được góc dịu dàng nhất của ý thức trong bản ngã vốn tồn tại ngoài ý muốn của con người.

“Cảnh trong mơ” dù không giật gân, không nhiều tình tiết làm cho người đọc nổi da gà, nó là kiểu diễn tả lý trí, cảm xúc và bản năng con người rất lạ. “Cảnh trong mơ” không dài lê thê, không tạo nhiều màu sắc hư huyễn nhưng nó thành công khi mượn cảnh mơ để dẫn người đọc hiểu ra giá trị cuộc sống không phải là hư vinh mà giá trị chính là cách sống của mình, đây là một cuốn sách rất đáng để đọc.

Mộng cảnh/ Bồng Vũ
K. 5-8-2014