[Chia sẻ sách hay] Thương nhớ Trà Long - Chắt chiu, trân trọng kỷ niệm

Tạp văn Thương nhớ Trà Long - Nguyễn Nhật Ánh - NXB Trẻ.

"Thương nhớ Trà Long" - lần đầu tiên nhìn thấy cuốn sách này, tôi đã không để ý gì đến hai chữ "tạp văn" nho nhỏ dưới tiêu đề sách, và tôi cứ ngỡ rằng mình đang nhìn thấy phần hai của cuốn truyện buồn da diết, cuốn truyện day dứt tâm khảm cả một thế hệ bạn đọc yêu thích tác giả Nguyễn Nhật Ánh: Mắt biếc. Bởi lẽ, Trà Long là tên của cô bé con trong cuốn truyện buồn.

(Học lại yêu thương)(Học lại yêu thương)

Khác với những lần đọc trước, thay vì chọn nơi yên tĩnh, hay thú hơn là vừa quấn mền, hay vừa đọc sách vừa nhâm nhi thức ăn, lần này tôi đọc sách ngay trên lớp, trong một tiết học mà thầy không có hứng thú dạy còn trò nôn nóng ra về. Tôi ngồi ở cuối lớp, lặng lẽ đọc sách và vui buồn với "Thương nhớ Trà Long".

Giống như cái tên của mình, tạp văn đầy những niềm thương nhớ, dễ dàng khơi dậy những xúc cảm của tôi, cũng khiến tôi lâm vào hoài niệm, lúc vui vẻ, lúc man mác buồn.

Truyện của chú Ánh dễ đọc, dễ hiểu, vui tươi có, sắc màu không thiếu. Còn tạp văn của chú thì lại có một sắc thái rất riêng, nó cũng dễ đọc, dễ hiểu, nhưng không phải vì nó viết cho "tuổi thơ" như những cuốn truyện mà vì nó được viết nên từ chất liệu cuộc sống, từ những điều bình dị nhất mà chắc hẳn ai cũng có thể nhìn thấy ở bên mình.

Không giống với giọng văn có khi hồn nhiên, có lúc lạc quan như trong truyện, tạp văn của chú Ánh luôn được viết bằng một chất giọng như kể, như tâm tình, như thủ thỉ, giản dị, luyến lưu nhưng đi vào lòng người một cách sâu sắc. Từng mẩu chuyện nhỏ làm nên vài tạp văn ít nhỏ hơn với đầy những triết lí nhân sinh gần gũi, có phần hiện thực và hoài niệm với thời gian đã trôi qua.

Đọc sách, tôi cứ ngỡ như mình đang ở trên một chuyến tàu, chuyến tàu thời gian, tàu đi rất chậm, đưa tôi về dần với miền đất miền Trung nắng gió, nơi tôi lớn lên với ăm ắp kỉ niệm. Quê của chú Ánh ở Quảng Nam, quê tôi ở Quảng Ngãi, hai miền đất Quảng gần như hàng xóm láng giềng. Có lẽ vì vậy mà tôi càng thấy xúc động hơn khi đọc cuốn sách nhỏ.

Con tàu thời gian dần đưa tôi trôi về dĩ vãng, đưa tôi đi ăn "bánh ú", đưa tôi về tuổi thơ với những niềm vui quây quần bên mẹ dù ngày ấy vẫn còn lắm khó nghèo. Cũng trên con tàu ấy, tôi được trải nghiệm niềm vui đọc sách từ nhỏ, hay gắn mình với chiếc xe đạp nhỏ thân thương, hoặc là vui vẻ nhặt vài bông phượng đỏ về ép trong tập sách. ​

(Từ những câu chuyện ấu thơ)

Rồi theo thời gian, tôi lớn dần lên, tôi bắt đầu ngại ngùng trong việc bày tỏ cảm xúc, nói lời yêu thương hay ôm hôn ba mẹ để bộc lộ tình cảm của mình, tôi cần phải "Học lại yêu thương". Rồi tôi "Chuyển nhà", tôi nhớ đến "Trò chơi tuổi nhỏ", tôi thấy thương ba mình hơn, thấy cuộc sống khắc nghiệt hơn, thấy những niềm vui khi xưa bỗng dưng trôi tuột vào dĩ vãng không chút xót xa...

(Chuyển nhà)

Đọc cuốn sách nhỏ, tôi như theo chân chú gom góp, chắt chiu, thận trọng cất giữ từng kỉ niệm của mình, thận trọng nâng niu và yêu quý nó hơn hẳn. Thương kỉ niệm, yêu gia đình. Thấy tuổi trẻ của mình dần có ý nghĩa hơn qua từng trang sách, thậm chí còn thấy bàn tay của mình đáng yêu hơn khi nó không chỉ biết gõ bàn phím, nó còn biết cầm bút viết chữ, để không phải khiến "Bút mực buồn thiu"...

(Bút mực buồn thiu)

Nhớ thì cứ nhớ, thương thì cứ thương, cuộc sống vẫn cứ trôi, không ai có thể sống mãi với quá khứ, người ta chỉ có thể sống với hiện tại và kỉ niệm cũng chỉ có thể chắt chiu, rồi cất giữ cẩn thận, mỗi người một cách, vậy thôi.

"Hồi bé, bọn học trò chúng tôi vẫn thích trò ép hoa vào sách để lưu giữ kỉ niệm. Bây giờ, dùng những con chữ "vẽ" nên cánh hoa phượng lên trang văn, đó là cách "ép hoa vào sách" theo kiểu của tôi - một người lúc nào cũng ao ước được sống mãi với tuổi mười lăm mà tiếc thay thời gian đã lăn bánh mất rồi!"

Link đọc tại Diễn đàn
Sâu
Tác giả trẻ - Nhóm chia sẻ Sách hay

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay