Sự may rủi của trái tim - A hazard of hearts
Có một đoạn tứ tuyệt của Xuân Diệu viết như thế này:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.
Tình yêu là tiếng nói của trái tim và trái tim thường phải đấu tranh với lý trí. Lẽ thường tình hình như Trái tim thắng lý trí nhiều hơn, có lẽ vì vậy nên Xuân Diệu định nghĩa, tình yêu nó bàng bạc nhẹ nhàng mà chiếm cứ trái tim con người rất mãnh liệt. Trong tất cả các tiểu thuyết viết về tình yêu thì Barbara Cartland (1904 – 2000) được mệnh danh là nữ hoàng của dòng tiểu thuyết lãng mạn, đạt kỉ lục về đầu sách xuất bản trong một năm. Trong đó có tác phẩm “Sự may rủi của trái tim”.
Tôi đã thắc mắc: “Trái tim mà cũng có sự may rủi?” Cái tựa sách phần nào làm chất xúc tác cho quyết định đọc tác phẩm này của tôi. Sự may rủi chỉ có trong các trò đánh cược, ăn hay thua trong một ván bài đều chất chứa nhiều bi kịch cuộc đời. Thế nhưng trên bàn cá cược ấy còn có thể đặt lên đó một trái tim một số phận dành cược cho hạnh phúc một đời người. Cái ý nghĩ đó quá điên rồ, không ai đem yêu thương, hạnh phúc, cuộc đời của chính mình đặt lên canh bạc may rủi. Chỉ có người mất hết lý trí mới làm như thế, chỉ có con nghiện mới mù quáng như thế. Nhưng nhân vật của Barbara Cartland như Xuân Diệu nói: “Nó chiếm hồn ta…”. Vì thế mà người ta mạnh dạn đánh cược, và với sự may rủi liệu trái tim có số phận thế nào, trong tác phẩm của Barbara?
Đầu tiên là điểm kết thúc cuộc đời của một người đàn ông có địa vị xã hội mắc cơn nghiện cờ bạc, khi tình phụ tử bị cơn thắng thua làm mờ mắt, ông Giles đem cả cô con gái yêu quý làm món tiền đánh cược, rồi sau đó chọn cho mình một cái chết trong danh dự. Tôi có lúc nghĩ chắc đó là cách sắp xếp cho tương lai của cô con gái mà ông vô cùng yêu thương, khi ông biết vì cờ bạc mà ông đã khánh kiệt đến đồng xu cuối cùng. Nhưng quả thật cái cách ông gán con đó cuối cùng cũng vì cơn bí bách tiền cược của một con bạc, không hề thấy bóng dáng tình phụ tử trong con bài ông xòe trên tay. Tôi đã nhận ra được ý đồ của tác giả chỉ với đôi lời kể về ông Giles mà đã cho ta thấy được tâm tính, nhân cách của một người đam mê cờ bạc. Không nói nhiều, tả nhiều, kể nhiều. Nhưng người đọc vẫn thấy, những hệ lụy khi người cờ bạc bị tán gia bại sản là thế nào. Mà trong “Sự may rủi của trái tim” người trực tiếp liên quan lại là đứa con gái bé bỏng của ông Giles.
Serena Staverley mồ côi mẹ từ sớm, cô bé có một bà bảo mẫu Eudora và sống tại điền trang Staverley. Người cha thường xuyên vắng mặt của cô mỗi khi xuất hiện thường làm cho những món đồ, những bức tường, những căn phòng, những kỷ vật càng ngày càng biến mất và trống trải. Cô bé thường cầu nguyện cho những chuyến đi London của người cha, vui mừng khi thấy bóng dáng cha trở về, lo lắng và sợ hãi khi thấy cha đi lâu. Thế rồi một ngày nọ nhận được tin dữ, cha cô đã tự sát sau khi thua toàn bộ gia sản và đem gả gán cả Serena trong một ván bài. Anh họ cô, Nicolas đã chứng kiến cái chết của cha cô và cả số phận trớ trêu khi những gì cha cô vừa thua về tay Ngài Wortham, lại lập tức rơi vào tay một kẻ thắng cuộc mới là Ngài Justin Vulcan đầy tai tiếng. Lo lắng cho tương lai của Serena, Nicolas đã cầu hôn và đề nghị đưa cô bỏ trốn.
Nhưng Serena hiểu rằng chạy trốn đồng nghĩa với việc bôi nhọ thanh danh gia đình, vì vậy cô lựa chọn sắn sàng đối mặt với những gì sắp xảy đến với mình. Sau cái chết của cha, Serena đã trải qua nhiều biến cố lạ lùng và cũng từ cuộc đặt cược may rủi ấy mà Serena gặp gỡ tình yêu của mình và từ đây đến lượt Serena đặt cược tương lai hạnh phúc của mình vào sự may rủi của số phận và của trái tim.
Con bạc thứ hai trong “Sự may rủi của trái tim” là một quý bà Hầu tước, dưới ngòi bút của Barbara, giai cấp thượng lưu được mô tả như một đám người đàn ông giàu có, hào nhoáng, thích ve vãn, tán tỉnh trong khi đàn bà thì trang sức lóng lánh, bộ mặt tô vẽ, điệu bộ thì màu mè đúng mốt. Một đám người trọng hình thức và cung cách đầy giả dối. Dù là tầng lớp quý tộc thì con bạc vẫn là con bạc và cấp độ cá cược còn vô sĩ và táo bạo hơn rất nhiều. Khi tự nhận trò may rủi là người tình qua nhân vật điển hình là quý bà Hầu tước Harrie, Barbara đã không khoan nhượng khi bà viết về Harriet một con người đầy mưu mô, tham lam, sống trên đống vàng vẫn thấy thiếu thốn và đặc biệt mê tín đến mù quáng. Từ một xã hội thu nhỏ ở tòa lâu đài Mandrake và những tâm lý biến báo không ngừng của bà Hầu tước, những tham lam vô luận của một người đàn bà thượng lưu đã vẽ ra một bức tranh hiện thực xấu xa đến không thể có cái ác nào hơn thế nữa.
Ở nhân vật Serena bị người cha đặt lên bàn cá cược trong một ván bài, thì nhân vật Justin lại là một công cụ cho bà mẹ lợi dụng. Sống trong hoàn cảnh liên miên các cuộc hội hè bù khú, đối diện thường xuyên với sự giả dối, Justin mang cảm giác không tin ai anh sống cô độc trong chính ngôi nhà của mình. Trong một canh bạc Justin Vulcan không ngờ cô gái đáng thương mà anh có được lại là một tiểu thư xinh đẹp và khiến anh chú ý ngay từ cái nhìn đầu tiên khi Justin bước chân vào điền trang Staverley.
Có lẽ nhân vật để lại ấn tượng sâu nhất với mình là Justin Vulcan, trong truyện nhân vật này chỉ xuất hiện trong lời kể lại của người khác. Cái cách nhân vật chính xuất hiện trong truyện rất lạ, nó không được mô tả một cách tỉ mỉ, không được nhắc đến thường xuyên như các kết cấu của những tiểu thuyết khác, thế nhưng tác giả đã tài tình khi xây dựng một nhân vật nam chính đầy hình tượng cho độc giả. Chàng trai rất nam tính, cao ráo, ngạo đời với tình yêu sâu sắc thầm kín dành cho Serena luôn đứng giữa cuộc tranh đấu, lòng tin vào phụ nữ và nét trong sáng của tình yêu. Mọi thứ được nhìn qua hình ảnh của bà mẹ mà Justin đâm nghi ngờ đến chính nét ngây thơ, thánh thiện mà Serena đã ghi dấu nơi anh. Những biểu lộ tình cảm của Justin được thể hiện rất đắt. Chỉ một thoáng biến đổi rồi lại khoác một bộ mặt lạnh lùng. Chỉ một tia sáng lóe lên trong mắt rồi vụt biến mất. Một nụ cười phớt mà khi giật mình nhìn lại đã chỉ còn hai vành môi mím chặt. Chính cái mặt nạ đó mà chẳng riêng người đọc, cả Serena cũng tưởng lầm cho đến khi cô một mình một ngựa đi tìm anh ở Luân Đôn, mới nhớ lại những hành động hết sức quân tử của anh, những hành động ra vẻ không quan tâm nhưng lại rất quan tâm chân thành.
Trong thế giới hiện thực hay lãng mạn, thì “Sự may rủi của trái tim” là một cuốn sách tinh tế và lôi cuốn. Tình yêu trong truyện như một ngọn lửa nằm sâu trong lòng đất. Nó mãnh liệt nhưng vẫn nhẹ nhàng thanh thoát. Tình yêu xuất phát từ một cuộc hứa hôn bất đắc dĩ, từ hai người có hai thân phận éo le, một người là chủ nợ và một người là một món hàng mà người bố đem ra để cá cược. Nhưng tình yêu nó vẫn nảy nở giữa hai người vì nó xuất phát từ tình cảm chân thành và hòa nhịp với nhau bởi hai trái tim cô đơn. Người đọc sẽ bị cuốn theo lối viết nhẹ nhàng nhưng đầy lôi cuốn của tác giả. Đây là cuốn tiểu thuyết lãng mạn mà tôi thích nhất của Barbara Cartland.
A Hazard of Hearts của Barbara Cartland, đã được làm thành phim từ năm 1987 và chiếu trên truyền hình Việt Nam năm 1995 tên phim cũng giữ nguyên như tên sách “Sự may rủi của trái tim”, với Helena Bonham Carter đóng vai Serena, còn Justin Vulcan thì do Marcus Gilbert thủ vai chính, và nó cũng là một trong những bộ phim kinh điển mà mình thích, đây là một chuyện tình lãng mạn cổ điển, nếu ai là người hay đọc sách, hay đọc những dòng văn học lãng mạn không nên bỏ qua tác phẩm này, nhận xét riêng đây là một cuốn sách lôi cuốn và hấp dẫn một cách rất ngôn tình nhưng không hề ngôn tình, nó đầy tính chân thực và không thiếu sự ngọt ngào, hãy tự thưởng cho mình giây phút lãng đãng bằng “Sự may rủi của trái tim” nhé, và với một bài thơ của Xuân Diệu ngày nghỉ sẽ trở nên hạnh phúc vô cùng.
K.10-10-2014