[Cảm nhận] Thời niên thiếu không thể quay lại ấy: Thanh xuân đã qua

--- o0o ---

Nhiều năm qua, tôi luôn học tập một việc, chính là không quay đầu lại, chỉ vì bản thân chưa từng làm chuyện gì phải hối hận, không hối hận vì những chuyện mình đã làm

Mỗi bước đi của cuộc sống, đều phải trả giá đắt.

Tôi có được một ít những gì mình muốn, mất đi một ít những gì mình không muốn mất.

Nhưng con người trên thế giới này, có phải ai cũng như vậy đâu?

Qua hình ảnh La Kì Kì mà Đồng Hoa xây dựng trong Thời niên thiếu không thể quay lại ấy, tôi tin không chỉ tôi mà mọi người sẽ tìm thấy phần nào bản thân mình trong đó. Trái tim và suy nghĩ của những cô cậu thanh niên thật ra phức tạp hơn mọi người vẫn nghĩ, cuộc sống ấy thường không chỉ bình lặng với cái vòng luẩn quẩn: gia đình – nhà trường. Mà nó còn chứa đựng những tâm tư, khát vọng và cả sự nổi loạn của tuổi mới lớn.

La Kì Kì trong câu chuyện chưa từng làm điều gì khiến bản thân phải hối hận. Còn tôi, chỉ vì những suy nghĩ ngây thơ, non nớt nên đã từng làm rất nhiều việc sai trái, từng hối hận nhiều lần. Chỉ là sau này tôi bỗng hiểu, hối hận chỉ làm ta mệt mỏi hơn mà thôi. Đúng, mỗi bước đi của cuộc sống, đều phải trả giá đắt, vì thế, cứ cố gắng đừng bước sai bước nào.

Xuyên suốt câu chuyện là hình ảnh cô gái nhỏ La Kì Kì trong những năm tháng học sinh, trải dài từ thời tiểu học, với bóng ma tâm lí của cô giáo Triệu và ánh sáng bình minh của cô giáo Cao. Cho đến thời cấp hai, tôi như vô tình đôi lần bắt gặp mình trong hình bóng La Kì Kì, nhưng chỉ đôi lần mà thôi. Điều làm tôi khâm phục Kì Kì là cô ấy đã dám đấu tranh với thầy “chậu châu báu”. Tôi tin rằng, nếu không có thầy ấy đi ngang cuộc đời cô, sẽ không có một La Kì Kì với tính cách ngang ngược mạnh mẽ, cao ngạo kiệt xuất của ngày hôm nay. Cuộc đời mỗi người, trong một giai đoạn nhất định nào đó, rồi sẽ gặp song song hai loại người. Một người đối tốt với mình, và một người vùi dập mình. Cũng giống như thầy “chậu châu báu” và cô Từng Hồng, họ như hai mảng sáng tối và cô gái nhỏ bé ấy lại đứng giữa làn ranh với những hy vọng và tuyệt vọng đan xen.

Ngòi bút của Đồng Hoa viết về Kì Kì của thời trung học cơ sở rất thành công, bởi Đồng Hoa đã miêu tả rất xuất sắc tâm lý quật cường, không gục ngã trước các mưu kế mà thầy “chậu châu báu” vạch ra. Mỗi trang sách, tôi như hồi hộp hơn, lòng luôn tự hỏi không biết cuộc chiến dai dẳng giữa thầy và trò này bao giờ mới kết thúc. Tôi cũng luôn thắc mắc, cô ấy đứng trên bàn đánh bóng bị cả trường nhòm ngó thì cảm giác sẽ thế nào? Suy cho cùng, những hình phạt của thầy “chậu châu báu” hay cô giáo Triệu cũng chỉ nói lên được, họ là những giáo viên trẻ, còn hiếu thắng. Liệu đến ngày hôm nay nhìn lại, họ có bật cười với những hành động chẳng khác nào “trẻ con” khi ấy của mình.

Nhưng có lẽ thành công nhất của Đồng Hoa trong truyện này là miêu tả mối tình phát triển từ câm lặng của Kì Kì và Tô Tuấn. Họ đến với nhau như một lẽ tự nhiên sau nhiều năm thầm lặng mến nhau, thầm lặng đứng bên cạnh cuộc đời nhau. Thế nhưng, đến cuối cùng, do những sai lầm tuổi trẻ, do lòng tự tôn quá cao, sự tự ti lại quá lớn, hoặc do họ không thấu hiểu nhau – họ đã buông tay nhau như thế. Tôi tự hỏi, nếu ngày ấy Trương Tuấn biết trong chiếc bình thủy tinh chứa đựng những ngôi sao may mắn, mỗi ngôi sao là một dòng tâm sự, một sự thổ lộ tình cảm của cô ấy thì Trương Tuấn liệu có bỏ lỡ Kì Kì không?

Nếu La Kì Kì của ngày ấy chịu từ bỏ kiêu ngạo, mở rộng lòng mình. Nếu, năm đó tôi hai mươi bảy tuổi, có lẽ tôi sẽ chạy xuống tầng, ôm chặt lấy anh, tự tôn, kiêu ngạo của tôi đều không quan trọng, nhưng, năm đó tôi chỉ mới mười bảy tuổi, vì thế tôi chỉ có thể nép mình sau rèm cửa sổ, vừa nghe anh hát, vừa sợ bố mẹ bị đánh thức.

Tựa như tôi bỗng nhớ mối tình đầu của mình, ngày ấy chúng tôi học cùng lớp, có lẽ tôi giống Kì Kì, không biết bỏ qua lòng tự trọng để giữ lấy tình yêu. Nhìn anh thoải mái trò chuyện, nói cười bên người con gái khác lồng ngực tôi như mắc nghẹn. Nếu như lúc ấy, tôi chịu nghe anh giải thích, nếu lúc ấy tôi chấp nhận lời xin lỗi của anh, có lẽ giờ đây con chúng tôi đã có thể đi mẫu giáo. Thế nhưng, cuộc đời này vốn dĩ không có chữ nếu, chúng tôi chỉ thoáng lướt qua cuộc đời nhau, để rồi nhớ mãi về nhau tựa Kì Kì và Trương Tuấn.

Vì đang sống trong thời niên thiếu, nên luôn cảm thấy thời gian phía trước còn rất dài, nghĩ rằng tất cả mọi thứ đều có thể nhìn lại một lần nữa, nhưng lại không biết thời gian như một dòng sông, chỉ có thể chảy về phía trước, mà chưa bao giờ chảy ngược về sau. Thế nhưng, mãi đến rất nhiều năm sau, Kì Kì mới hiểu, lúc ấy, cô không sai, Trương Tuấn cũng không sai. Họ chỉ sai vì tuổi còn quá nhỏ, chưa hiểu được tình yêu của nhau.

Mười năm sau, họ lại đứng bên cây cầu trước đây, lại là một người trên cầu, một người dưới cầu.

Nhưng, khoảng cách giữa họ không chỉ là một cây cầu, còn có cả một Thái Bình Dương, cùng với ngăn cách thời gian mười năm, hồng trần tang thương.

Trương Tuấn không thể trở lại năm anh mười chín tuổi, La Kì Kì cũng không thể trở lại năm cô mười bảy tuổi, họ đều không còn khắc sâu trong trí nhớ tình yêu đối phương, thậm chí ngay cả họ cũng không rõ lắm, rốt cuộc họ quyến luyến con người, hay là khoảng thời gian niên thiếu đơn thuần, chân thành, tha thiết đó.

Gặp lại em thì sẽ thế nào? Gặp lại em lần này, đã không phải là em nữa, giống như dung nhan năm xưa đã từng quen biết sẽ mang theo những tang thương của năm tháng.

Tôi tìm thấy được một Cát Hiểu Phỉ xinh đẹp, giỏi giang trong những năm tháng thanh xuân. Cuộc đời cô ấy có lẽ sẽ mãi tươi đẹp nếu cô ấy không đem lòng yêu mến Vương Chinh. Hoặc giả lời ong tiếng ve của xã hội ít đi một chút, có lẽ số phận đã công bằng với cô ấy hơn, cho cô ấy nhận những gì mình xứng đáng được hưởng hơn. Đau thương thay một Hiểu Phỉ - dù muốn quay đầu cỡ nào đi chăng nữa nhưng xã hội, cộng đồng dường như không cho cô cái quyền quay đầu lại.

Tôi bắt gặp hình ảnh một Quan Hà luôn sống giả tạo trong cái vỏ bọc công chúa do mình tạo ra. Một Quan Hà xinh đẹp, tài giỏi, hòa đồng nhưng lại luôn không ngừng miệt mài cố gắng, đấu tranh cho lớp vỏ bọc giả tạo ấy của mình.

Tôi mải say sưa ngắm nghía một Hứa Tiểu Ba dịu dàng, sẵn sàng giải thích cho Kì Kì hiểu, không muốn cô mắc sai lầm khờ dại của tuổi trẻ nên khuyên nhủ cô, giảng giải cho cô biết mà đề phòng, tránh đi. Anh luôn âm thầm bảo vệ cô từng ngày, dõi theo cô từng ngày. Anh quá hiền lành, anh không dám tranh đấu cho mình cũng bởi anh nghĩ cho La kỳ Kỳ nhiều quá, tự ti về bản thân nhiều quá mà không biết rằng bản thân anh hoàn toàn có thể đem lại hạnh phúc cho cô.

Tôi tìm thấy rất nhiều thứ trong “Thời niên thiếu không thể quay lại ấy”, dường như tìm thấy cả tuổi thanh xuân của mình trong những năm tháng ngồi ghế nhà trường của Kì Kì.

"Thời niên thiếu không thể quay lại ấy".

- Vì không thể quay lại nên người đọc vẫn day dứt, luyến tiếc mãi với mối tình dở dang của Tô Tuấn và Kì Kì.

- Vì không thể quay lại nên giữa Tiểu Ba và Kì Kì vẫn mãi có một hố sâu mang tên khoảng cách – vì họ không phải là người của cùng một thế giới.

Khép lại truyện, tôi tự hỏi, nếu có thể quay lại thời niên thiếu ấy, liệu Kì Kì và Tô Tuấn có để lạc mất nhau vì những cái tôi quá lớn của hai người hay không? Liệu Tiểu Ba có can đảm ở bên Kì Kì mặc những rào cản về thân phận.

Trong cuốn sách này, bạn có thể thấy được những gì bạn từng nhiệt tình yêu thương lại đang dần bị lãng quên, càng có thể nhìn thấy sự trưởng thành của bản thân.

Hiệu sách xinh đẹp ấm áp, thật giống giấc mơ của một thiếu niên. Người nằm mơ đã quên bản thân mình nghĩ tới cái gì trong chốn hồng trần xóc nảy, nhưng không thể dự đoán được, khi bỗng quay đầu lại, giấc mơ đã thành hiện thực.

Tiểu Ba, ngày mai em sẽ chờ anh ở bờ sông, không gặp không về.

Liệu Trương Tuấn có can đảm đi từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia không, liệu Tiểu Ba đến bờ sông có gặp La Kì Kì không, Kì Kì sẽ chọn ai trong hai người đàn ông ấy. Có lẽ Đồng Hoa để dành sự chọn lựa lại cho chúng ta, những độc giả của “Thời niên thiếu không thể quay lại ấy”.

_______________
Mời các bạn vào bài đăng trên diễn đàn để giao lưu với bạn Mèo Lười
- tác giả của bài viết đồng giải nhất, mảng Văn học Trung Quốc
cuộc thi Viết cảm nhận - Số 1/2014: Tuổi học trò qua trang sách.