Rồi anh sẽ hết cô đơn

Tôi xa nhà đã chục năm có lẻ, cũng là chừng ấy năm làm bạn với nỗi cô đơn, thuốc lá và radio.

Tôi cất cô đơn của mình rất kĩ, chỉ lúc một mình mới lôi ra gặm nhấm, trái tim tôi lặng lẽ bên những cuộc vui thâu đêm với bạn bè hay những cuộc say xỉn với đối tác.

Tôi yêu gia đình hơn công việc nhưng không cho phép mình xao nhãng công việc để cuốn vào nỗi nhớ gia đình, bởi tôi biết còn một gia đình trong “thì tương lai” đang chờ đợi tôi.

Những buổi tăng ca tối muộn với những bữa ăn vội vàng khiến tôi thèm khát bữa cơm gia đình đầm ấm. Những bữa cơm vui vẻ với sự nhiệt tình của gia đình hàng xóm lại làm cô đơn chồng chất trong mắt tôi, khiến đôi mắt tôi càng thêm sâu thẳm.

Những tháng 12 tất bật xô bồ, thỉnh thoảng liếc mắt những quảng cáo Omo, Sunlight hay Coca đầy màu đỏ và ắp không khí gia đình trên ti vi cũng khiến cô đơn in sâu vào mắt rồi biến thành ẩm ướt, thật nhanh.

Những tối tan làm, một mình trên con đường đầy ánh sáng, tấp nập xe và những cặp đôi ôm nhau lướt qua thật nhanh khiến tôi khao khát được che chở cho một cô gái để cất bớt cô đơn vào đáy lòng mà ấm áp hơn.

Tôi cũng từng yêu, vài cô gái, họ đến và đi như một cơn gió, tim chưa kịp ấm thì vội chia xa.

Sài Gòn rộng lắm cho những trái tim cô đơn đang tìm một bờ hạnh phúc…


Radio, chuyên mục duy nhất tôi nghe được phát vào lúc 11 giờ tối – kể chuyện đêm khuya. Đối với tôi đây là một thói quen xa xỉ, xa xỉ đến độ tôi sẽ mất ngủ nếu không nghe được chất giọng dịu ngọt của phát thanh viên, và xa xỉ hơn khi một CEO lại chọn một chiếc Nokia bình thường chứ không phải một smartphone đời mới, đơn giản vì chiếc Nokia có thể cắm phone để nghe radio.

Tôi đoán cô phát thanh viên chắc còn rất trẻ, dưới 25 tuổi, giọng nói của em không ngọt chất miền Nam hay chuẩn miền Bắc mà pha trộn một cách nhẹ bẫng, ngọt, ấm và có chút hơi hướm của miền Trung chân chất. Đây là giọng nói tôi được nghe từ 1 năm nay, cảm giác quen thuộc và bình thản hơn hẳn, giống như em đang bên cạnh tôi, dịu dàng chạm vào nỗi cô đơn chứ không phải cách tôi cả một khoảng không khó tưởng tượng.

“Những người lớn thường giấu nỗi cô đơn sâu trong đáy mắt, nơi nỗi buồn không bao giờ chạm đến và cất kĩ chúng trong khóe miệng cười thật tươi, nơi hạnh phúc xẹt qua thật khẽ

Họ thèm cảm giác ấm áp từ người thân, thèm một bàn tay đan vào của người họ yêu, nhưng họ giấu chúng kĩ đến độ cô đơn trở thành một người bạn. Một người bạn luôn luôn có mặt bên cạnh họ bất kể ở đâu và thân thiết nhất khi họ lạc giữa một đám đông không quen biết.

Cô đơn trong một thành phố nhộn nhịp rất đáng sợ. Nhưng cô đơn không phải cô độc, cô độc đồng nghĩa với việc không có cả người để nhớ đến…”

Tôi nhấp ngụm cà phê nóng, gạt bớt tàn điếu thuốc trên tay và chăm chú lắng nghe chất giọng yêu thích vang vọng khắp căn hộ, từng lời của em lọt thỏm vào tim, cái cười thật khẽ của em làm tim tôi run rẩy.

Tôi nhếch môi tự giễu cho thứ tình cảm mông lung mà mình đang có dành cho một giọng nói qua một kênh radio. Đã qua rồi tuổi dậy thì còn tin vào một tình yêu ảo, thế nhưng tôi vẫn đều đặn lắng nghe chương trình của em, mỉm cười trước những câu chuyện em kể hay những lá thư của bạn nghe đài trước khi bắt đầu chương trình.

Giọng nói của em hệt như thuốc phiện khiến tôi nghiện ngập trong hạnh phúc.

Tôi thừa nhận cô đơn trong tim bớt đi thật khẽ.


Một buổi sáng nắng ấm, tôi tham gia vào buổi phỏng vấn tìm trợ lí cho chính mình, bổ sung chỗ khuyết do người trợ lí trước xin nghỉ để sinh con, và ngẩng đầu thẳng lưng khi một cô gái bước vào phòng.

Em chừng 25 tuổi, đôi mắt trong trẻo, làn da trắng hồng, vóc người nhỏ nhắn cùng nụ cười ngọt ngào ở miệng và quan trọng hơn là giọng nói quen thuộc của em. Giọng nói không ngọt chất miền Nam hay chuẩn miền Bắc mà pha trộn một cách nhẹ bẫng, ngọt, ấm và có chút hơi hướm của miền Trung chân chất.

Giây phút ấy, tôi nghe tim mình hẫng đi một nhịp. Thứ tình cảm bén nhọn trong tim dễ dàng điều khiển lí trí, tôi nhận em như một điều hiển nhiên.

Em là cô gái hạnh phúc, hạnh phúc của em hiển hiện trong đôi mắt ấm áp và nụ cười ngọt ngào làm sáng bừng cả văn phòng làm việc lạnh lẽo của tôi.

Em sinh ra ở miền Bắc, lớn lên ở miền Trung và trưởng thành ở Sài Gòn, thế nhưng chất Sài Gòn không thấm vào em, từ làn da, mái tóc hay tính cách nhiệt tình đến ồn ào. Em ấm áp một cách lặng lẽ và dịu dàng một cách an yên.

Ngày đầu tiên đi làm, em ngượng ngùng mời tôi một ly sữa đậu nành nóng.

Sau một tuần đi làm, em mang cho tôi gói xôi xéo đậm vị miền Bắc: “mẹ em nấu đấy, tại thấy sếp ít khi ăn sáng”. Tôi cười và ăn hết nó mặc dù trước đó đã ăn một tô bún to do một cô bạn cũ mời.

Sau lần đó, một người nề nếp như tôi thường mang đồ ăn sáng đến văn phòng làm việc, thi thoảng mời em và giả vờ như mình thường quên bữa sáng để em được dịp mời tôi món gì đó được em đem từ nhà. Biết em, cô đơn thỉnh thoảng trở thành ngốc nghếch.

Tôi mang theo em trong những lần gặp đối tác, không phải bằng ô tô của công ty mà bằng chiếc mô tô của mình, để em có thể ngồi sau trong những lần bon bon trên đường cao tốc hay những chiều Sài Gòn đổ mưa bất chợt, em có thể níu áo tôi, cái níu áo thật khẽ để tăng độ an toàn hoặc là ôm tôi thật cẩn thận khi chung một chiếc áo mưa. Biết em, cô đơn thỉnh thoảng trở thành ích kỉ.

Có lúc tôi dùng cái quyền là sếp của mình bắt em mời tôi ly cà phê, bữa cơm, hoặc sai khéo em chạy từ tầng 5 xuống tầng trệt để mua cho tôi tờ giấy A4 và nói “có rồi” khi em trở về... Những lúc như thế em như con nhím xù lông khả ái muốn lao vào cắn tôi một phát cho hả giận nhưng lại nhanh chóng ỉu xìu vì nhận ra tôi là sếp. Biết em, cô đơn thỉnh thoảng trở nên xấu tính.

Sau một dự án lớn của công ty, tôi kiệt sức và ngã bệnh, tôi ngủ một ngày ở nhà và kiên quyết bắt em mua thuốc rồi đến nhà chăm sóc tôi với lí do tôi không có người thân. Cứ như vậy, em cũng nghỉ việc và bên tôi một ngày tròn trĩnh. Biết em, cô đơn biến tôi thành kẻ mặt dày.

Một gã đàn ông cô đơn có một ngày trở nên ngốc nghếch, ích kỉ, xấu tính và mặt dày đối với một cô gái tức là gã đã yêu.


Sài Gòn tháng 12 trời trở lạnh, lạnh đủ để một sáng em nhắc tôi mặc thêm áo, lạnh đủ để một tối tôi khoác thêm lên người em chiếc veston của mình.

Mẹ gọi điện nhắc tôi Tết về, kể cho tôi nghe chuyện vài người bạn của mẹ đã có cháu để bế, giọng của bà đầy ghen tỵ và hâm mộ, ba “sẵn dịp” nhắc tôi trở về nhớ mang theo bạn gái. Cô đơn bỗng thật tê tái.

Sài Gòn tháng 12 mưa thật khẽ, 11 giờ đêm, tôi một mình lái xe đi công tác ở tỉnh bên cạnh, không mang em theo bởi tôi biết em phải đi làm. Cần gạt mưa ở đầu ô tô nhịp thật đều trước mặt, đèn đường yếu ớt soi những bóng nhà tối đèn đang ngon giấc, tiếng em thật khẽ vang lên qua radio, tôi bật cười khi em kể về một ông sếp trẻ xấu tính nơi em đang làm việc vào ban ngày…

Những ngày cuối năm đầy bận bịu, tôi từ chối cuộc hẹn với đám bạn cấp 3 để đến nhà em ăn bữa cơm tất niên, em bảo: “dù sao sếp cũng một mình, coi như em mời bữa tối để cảm ơn sếp luôn giúp đỡ em trong tháng qua”. Tôi cười đồng ý và giấu hạnh phúc thật sâu vào mắt, tôi sợ em biết…

Tôi mua một giỏ trái cây, một chai rượu và một bó hoa để đến nhà em, tôi luôn có cảm giác mình như chàng rể chuẩn bị ra mắt ba mẹ vợ trong khi em nhìn những thứ tôi mua mà cười rất tươi.

Ba em người miền Bắc, mẹ em gốc Trung, bà yêu thích cầm lấy tay tôi khi biết tôi cùng quê với bà, thân thiết đến độ ba em phải ho khẽ vài tiếng để nhắc nhở.

Đứa em trai 16 tuổi của em, câu đầu tiên khi nhìn thấy tôi là nói: “bạn trai của chị hai được đấy”, lúc đó hai chị em nói chuyện rất khẽ nhưng bởi vì luôn để ý đến em mà tôi không hề bỏ sót hình ảnh em thẹn đến giơ tay đánh em trai mình. Tim tôi đập thật nhanh trong lồng ngực.

Thằng bạn chí cốt mắng tôi xa xả qua điện thoại: “Mày điên quá, có đứa con gái nào mà mời con trai về nhà nếu nó không thương thằng đó… mày phải con trai không vậy… thời buổi này thích nhau thì phải mạnh dạn, được thì cưới không mất á con, con gái tao được 4 tuổi rồi đấy… bà già mày mỗi lần gọi điện cho tao là thiếu nước khóc nữa thôi… Lo mà lấy vợ đi cho thiên hạ được nhờ…”


Tôi mân mê sự cô đơn của mình vài ngày rồi gửi cho em một lá thư thông qua chương trình radio của em. Lá thư của tôi thật dài, tôi kể cho em nghe về “người bạn” cô đơn của mình, về giọng nói của em và về em. Tôi ngỏ lời một cách không thẳng thắn và thiếu mạnh dạn của một gã trai từng trải bởi tôi biết em là một cô gái kín đáo và e thẹn, em sẽ sợ nếu tôi quá trực tiếp.

Đêm phát chương trình, tôi nghe em đọc hết lá thư của mình bằng giọng nói dần nghẹn ngào rồi trở nên bình tĩnh, tôi nhắm mắt để chặn dòng nước đang vỡ dần trong mắt khi nghe em nói: “…cô gái trong lá thư này ắt hẳn là một người rất hạnh phúc khi được yêu bởi một chàng trai như thế, tôi nghĩ cô ấy là một người đủ thông minh để không buông tay cho hạnh phúc đang ở cạnh mình. Hi vọng bạn nam trong thư sẽ thôi bị cô đơn giày vò…”

Giữa đêm, tôi phóng xe thật nhanh đến đài phát thanh để nhìn thấy em bật khóc. Em khóc khi nhìn thấy tôi, em đi thật chậm đến bên tôi, lặng lẽ lau khô nước mắt và mỉm cười thật tươi, em ôm tôi thật dịu dàng như muốn dùng tất cả sự ấm áp của mình để làm mềm trái tim cô đơn của tôi, như muốn lấp đầy khoảng trống mênh mông trong tâm hồn tôi một cách đầy đủ nhất.

Giọng em giữa đêm nhẹ bẫng: “Rồi anh sẽ hết cô đơn”.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay