[Tự sáng tác] Ông ơi

Nhà lão Lung nhuộm một màu trắng tang tóc. Lão Lung chết. Ừ, lão chết.

Nghe tin lão chết dân làng thật bất ngờ, cái bất ngờ mà những người không biết lão sẽ thấy bất ngờ. Bởi lão đã 90. Bảo một kẻ 90 tuổi chết là bất ngờ, thì chẳng phải cái suy nghĩ đó mới thật là bất ngờ sao? Nhưng những người quen biết lão đều biết, sinh tiền, lão rất khỏe, lão có thể cuốc đất hùng hục trong mảnh vườn rộng nửa mẫu của lão, có thể xách tai thằng Ngố khi nó biếng ăn, có thể đuổi vòng vòng quanh vườn để túm nó đi tắm. Thằng Ngố là cháu nội lão. Ông cháu nó giống nhau ở chỗ mồ côi vào cùng một ngày. Nói dễ hiểu, cách đây 15 năm, ba mẹ lão và ba mẹ thằng Ngố dẫn nhau "đi" cùng một lượt vì lũ lụt, để lại thằng Ngố cho lão. Đấy, cách đây 15 năm lão vẫn còn cha mẹ. Dân làng bảo cái mả nhà lão thọ khiếp. Bởi vậy, nếu lão thọ hơn trăm chả ai thấy lạ, nhất là khi lão khỏe đến thế.

Vậy mà đùng, lão chết, lão chết thật, chết âm thầm không ai hay.

Chiều tối thằng Ngố mếu máo ra đầu ngõ mách với bất kỳ ai ngang qua rằng ông nội ham ngủ không cho nó ăn cơm, đến tận người thứ mười nghe nó bù lu bù loa vào cái lúc 9 giờ tối thì dân làng mới phát hiện ra, lão chết. Lập tức, họ thông báo cho con cháu lão.

Đừng thấy lão lúc sống luôn lủi thủi với thằng Ngố mà nghĩ lão chết sẽ chẳng có ma nào đưa. Lầm. Lúc sống, có lão, có thằng Ngố. Lúc lão chết, cả nhà đầy người. Lão sinh tàng tàng một tá, sa mất năm mạng, vợ chồng ông Cả "đi" với cha mẹ lão, còn sáu. Lão mất hôm trước thì sáng hôm sau lũ con cháu chắt của lão từ tỉnh lũ lượt kéo về: sáu con, tám cháu; bảy chắt và một chút. Dân làng bảo lão thật phúc, chẳng mấy nhà có tang đội tới chế đỏ như lão.

Mà lão phúc thật. Đám tang lão nhộn nhịp, người đầy sân, xe đầy ngõ. Con cháu lão tuy cả năm không về thăm lão được mấy lần, nhưng lão chết họ hoàn thành trách nhiệm của một tang gia đình đám.

Lúc liệm lão, thằng Ngố trốn trong góc phòng của lão Lung nhìn ra qua khe cửa, một phần vì nó sợ người lạ, phần khác, các cô chú nó hăm nó, không được ra ngoài, mất mặt lắm có biết không. Thế là nó trốn. Nó nhìn thấy ông nội nó nằm co nằm quắp ở trên giường, phía đầu giường là một đám đông toàn người là người, những người mà nó không biết và những người mà nó biết. Nó nghe thấy tiếng bàn tán:

- Phải tắm cụ. - Giọng ai đó lè nhè vang lên như vừa sực tỉnh.

- Tất nhiên phải tắm, nhưng, tắm thế nào? - Giọng chú Hai nó vang lên đầy vẻ học hỏi.

- Dùng nước đun sôi để nguội, ông cụ nhà tôi làm thế. - Một giọng trẻ trẻ vang lên.

- Không được, phải dùng nước trà, vậy mới kính lễ. - Giọng ồm ồm đáp lại.

- Sai, dùng nước cúng trên bàn Phật mới được. - Giọng trầm trầm không chịu thua kém xen vào.

Họ cãi nhau. Tiếng ì xèo vang lên, ông nào sống ở cái vùng này lâu thì cũng đều thành thầy, mà lắm thầy thì… Trong khi đó ông cụ vẫn nằm với dáng nằm co quắp.

Thằng Ngố nhìn người nào người nấy đỏ mặt tía tai, hùng hùng hổ hổ mặc cho tang gia nhìn người này, nhìn người kia, nghe kẻ kia, nghe kẻ nọ. Nó cười ngớ ngẩn:

- Ông ơi, họ cãi nhau.

Cuối cùng, cãi nhau mệt, họ dung hòa ý kiến, thật đúng là dung hòa. Họ dùng nước trà, nước đun sôi để nguội, đặt lên bàn thờ Phật, thắp hương, rồi hạ xuống, tiếp tục đặt lên, tiếp tục thắp hương, tiếp tục hạ xuống. Đến tối, lão đủ nước để lau mình. Đến lúc đủ nước, các ông con, bà con mới nhận ra, việc này ai làm?

- Anh Hai, anh lớn nhất, anh làm đi. - Cô Sáu nói dứt khoát.

- Dẹp, tao là con dễ thường bọn mày không phải.

Lại cãi nhau, người ngoài hết cãi, người trong cãi, người ngoài cãi mệt biết dung hòa, người trong cãi mệt cũng dung hòa. Cuối cùng, mỗi người lau một chút, sau sáu chút, lão Lung được lau xong.

Thằng Ngố nhìn các cô chú của nó lấy khăn nhúng nước quệt lên người ông nó, cười ngây ngô:

- Ông ơi, họ lau ông.

Họ mặc lên cho lão bộ quần áo trắng mới tinh, loại quần áo mà lão chả bao giờ mặc, vì lão bảo, mau bẩn. Cái kẻ đặc sệt chất nông dân suốt ngày lăn lộn với đất với vườn như lão, màu trắng đích thực là màu cấm kị. Đôi chân quắp của lão được người ta thoa rượu để duỗi ra. Kể ra tướng chết của lão cũng đẹp, ngoài đôi chân bị co phải duỗi ra thì mọi thứ rất là đúng chuẩn của một cái xác đẹp cần có.

- Ông ơi, họ bẻ chân ông. - Thằng Ngố lại ngờ nghệch cười.

Rồi, lão được nhập quan. Sau một bài kệ, một bài cúng, vài động tác đưa lên hạ xuống theo đúng lễ nghi, lão chính thức vào quan.

Thằng Ngố ló cái đầu nó ra hẳn ngoài cửa phòng, nhìn vào cái giường mới của ông nó, cái giường sơn son thếp vàng, đẹp hơn hẳn cái phản có lớp véc ni loang lổ tróc mà ông nó vẫn hay ôm nó lăn cù trên đó. Nó nhìn thấy họ đổ vào quan từng bao từng bao đủ thứ gì gì đó mà nó không biết, rồi đậy nắp quan lại, nó chép miệng:

- Ông ơi, họ đè ông.

Rồi cúng, rồi lạy. Thế là họ có áo mới mà thằng Ngố không có. Thằng Ngố nhìn lại bộ đồ thể thao lão Lung thay cho nó giờ đã thành màu đất, mếu máo:

- Ông ơi, Ngố không có đồ mới.

Rồi như sực nhớ ra điều gì cái miệng đang mếu của nó ngưng ngay, hai tay nó kéo hai mép miệng nó lên thành hình một nụ cười đúng tiêu chuẩn, nó chớp chớp đôi mắt mới ướt tí chút:

- Ông ơi, Ngố không khóc, Ngố ngoan.

Những ngày viếng tang, nó tiếp tục trốn trong phòng, nghe bên ngoài người đến người đi, nghe tiếng cắn hạt dưa, tiếng trò chuyện, tiếng cười đùa. Nó nằm ngáp trong phòng với gói mì tôm ăn dở khi bên ngoài mùi thức ăn nấu cúng ông nó thi nhau bay vào qua kẹt cửa:

- Ông ơi, họ mừng ông. - Nó nói khi chìm vào giấc ngủ.

Nó ngủ cho đến khi tiếng chiêng đánh thức nó dậy. Nó biết đã đến giờ mà những người áo vàng với những vòng hạt đen đen lại đến hát, và cô chú của nó với những bộ áo trắng mới tinh cùng các cậu nhóc mà nó không biết là ai với màu áo trắng, áo vàng, áo đỏ phải quỳ trước cái giường mới của ông nó, nghe hát, nghe lệnh những người đứng bên ngoài để đứng lên, để quỳ xuống hay rạp người xuống nền. Nó nghe tiếng của cái ông trẻ trẻ suốt ngày hỏi nó, ông mày đâu:

- Trưởng nam lên trước, đích tôn vào giữa, dâu cả đâu, không phải chỗ đó...

Nó có lần thử bắt chước những người bên ngoài quỳ bái, mặc dù nó không có áo mới mặc, để rồi nó nhận ra, đau chân, thật đau chân.

Nó chớp chớp mắt nhìn ra:

- Ông ơi, họ quỳ ông.

Rồi có lúc nó nghe tiếng cãi nhau, giữa lúc trời tối khuya tối khoắt và nó thì đang thiêm thiếp giấc nồng, trở lại những ngày mà ông nó ép nó ăn cá ăn tôm.

Tiếng chú Hai của nó vang lên ông ổng, cùng cái giọng đã đe nó không được ra ngoài:

- Tôi bận lắm, chẳng có thời gian theo mấy cái nghi lễ này đến cùng đâu, xong đám thì thôi, không có chuyện năm mươi ngày hay giáp năm phải làm theo lời mấy ông cụ ở làng đâu. Tổ chức thì tổ chức trên tỉnh, trên đó có bạn có bè, có ân qua nghĩa lại, làm ở đây ai dự?

- Thế thì mặt mũi bọn mình ở đâu? - Tiếng chú Ba e dè.

- Mặt mũi gì nữa, đám như vầy chưa đủ mặt mũi hả, tưng bừng hơn một tuần rồi còn gì. - Tiếng một ai đó mà nó không nhận ra. - Nếu các cô, các chú muốn về ở đây thì khác, ai muốn về ở thì cứ về đây lo giáp năm ông già. Không rồi chẳng sống nổi ở đây đâu.

- Ai không biết chứ tôi là tôi không nhận về cái chốn chó ăn đá gà ăn sỏi này đâu đó, tôi còn cơ ngơi ở tỉnh kia kìa. Cái vườn này ai muốn ở thì ở, ở đây riết thành mấy ông cụ non suốt ngày lễ cái này lễ cái kia.

- Chuyện đó khó gì, bán chia nhau là được.

Ừ, họ bàn nhau. Ừ, họ cãi nhau.

Thằng Ngố nhập nhèm trong cơn thức thức ngủ ngủ:

- Ông ơi, họ bán ông.

Ngày đưa tang, quan tài lão Lung được đặt trên cán rồng phượng, một đám người vây quanh quan nghe một ông cầm trịch gõ trắc gõ bùm, thằng Ngố nhìn không chớp mắt. Mấy li nước trên quan thế mà không bị đổ. Tài thật!

Nó len lén ra ngoài đi theo đoàn đám, nhìn một đám người áo trắng, áo đỏ, áo vàng đi bên quan, nhìn những ông lớn mang chuỗi hạt đen ngồi trên ô tô đen, nhìn những chiếc xe lớn chậm chậm theo sau. Đông vui thật!

Rồi nó nhìn thấy giường mới của ông nó bị hạ xuống, lấp đất lên, nhìn một đám người khóc quằn khóc quại trước mồ ông nó. Náo nhiệt thật!

- Ông ơi, họ khóc ông. - Thằng Ngố ló đầu ra lẩm bẩm.

Thằng Ngố lấm la lấm lét bước ra từ sau một lăng mộ, sau khi những người đưa tang đã về hết và những người lạ hoắc nào đó đã cuỗm hết các vòng hoa cùng dải phướn đặt trên mộ lão Lung, nó ngồi xuống vốc một nắm đất mới từ mộ lão, cười ngờ nghệch:

- Ông ơi, họ chôn ông.

Giọt nước từ mắt nó rơi xuống thấm vào nắm đất trên tay nó.

- Ông ơi, Ngố ngoan thì ông sẽ về cho Ngố ăn ông nhỉ?

Giọt nước lăn xuống một khuôn miệng đang cười ngơ cười ngẩn. Đấy, ai bảo Ngố khóc. Ông ơi...

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay