[Cảm nhận] Bắt trẻ đồng xanh - Ẩn sau những con chữ

Holden Caufield, 17 tuổi, bắt đầu kể lảm nhảm với tôi bằng cái giọng rề rà và sặc mùi chán đời không hề che giấu. Đây là lần thứ tư cậu ta bị đuổi khỏi trường với lí do không có gì mới hơn chuyện trượt môn hay bị kêu ca là lười học. Suốt hơn 300 trang sách giở đi cậu ta chỉ nói về mấy ngày sau đó, chẳng có lấy một đồng kịch tính, vậy mà vẫn khiến tôi mê như điếu đổ.

Nhiều khi tôi thấy rầu đời bỏ mẹ. Bạn cũng sẽ rầu thôi nếu tự dưng có một thằng chết dẫm vác cái giàn khoan mắc dịch nào sang nhà bạn mà cứ gân cổ lên rằng là bạn cướp nhà nó; hay lúc gặp chuyện dở mà cứ phải nhe răng ra cười niềm nở; hay cả vạn năm mới tóm được một cuốn sách khiến bạn khoái điên lên nhưng đến lúc khởi sự viết về nó thì lại chả nghĩ ra cái thổ tả gì sất! Ối giời, tôi đến chết được! Chắc tôi hơi bị thằng cha Holden Caufield ám ảnh chút đỉnh. Ý không phải là tôi đổ chả các thứ, mà là chả cứ làm tôi nhớ đến mấy lời dịch hạch của chả suốt và không làm sao mà suy nghĩ cho ra hồn.

Tôi vừa thử bắt chước cái giọng tỉnh rụi của Holden, nó làm tôi chết mệt. Holden có cái vẻ ngổ ngáo không mấy xa lạ của đám thiếu niên mới lớn. Cậu ta hút thuốc như cái ống khói. Cậu nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ phớt đời và tục tĩu - nếu là người không chịu được nói bậy thì bạn đến xé toạc quyển sách ra quăng xó trước khi đọc xong mất, bằng không thì bạn có lẽ sẽ kiếm được một câu nói mà cậu ta không dùng từ tục trong chừng một vạn câu nói cả thảy của cậu. Tôi chút nữa thì rơi vào trường hợp đầu, nhưng hình như tôi hơi tào lao rồi thì phải. Dù sao thì, bọn thiếu niên mới lớn đều có cái kiểu ngáo thế, nhưng ở cậu có sự khác biệt. Sâu bên dưới lớp vỏ bọc như loại "mất dạy" kia là một trái tim lương thiện và đa cảm.

Ở cái tuổi 17 vừa bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời, đáng ra phải phơi phới yêu đời và tràn đầy sức sống thì cậu ta đã nhìn mọi thứ bằng con mắt hết sức tiêu cực. Cậu chừng như ghét tất thảy: mấy thằng bạn hôi hám hoặc chỉ trực khoe mẽ ở trường, những đứa con gái luôn làm bộ duyên dáng tiểu thư, những môn học chán ốm, những bộ phim nhét đầy sự kệch cỡm giả dối, cái xã hội xám xịt bốc mùi và rặt những thứ bộ tịch phát tởm... Với cái đầu chứa đầy sự thù ghét mà hẳn rằng đã hình thành từ rất lâu đó, tôi ngạc nhiên thấy cậu có thể chịu đựng được suốt bao năm qua.

Suốt 325 trang sách kể lại 4 ngày lang thang sau khi bị đuổi học, bằng những con chữ như được phù phép, J. D. Salinger trong vai cậu trẻ Holden đã khiến tôi phải cùng khóc, cùng cười. Tôi cứ tủm tỉm suốt vì cậu không ngừng thắc mắc xem những con vịt đi đâu vào mùa đông khi cái hồ bị đóng băng, y hệt một đứa trẻ. Có một cuộc đối thoại rất buồn cười giữa cậu và gã tài xế, tôi phải nói vậy.
"Anh biết những con vịt lội quanh quẩn trong ao ấy chứ? Về mùa xuân các thứ? Anh có chẳng may biết về đông chúng đi đâu không?"
"Về mùa đông ai đi đâu?"
"Những con vịt, anh biết không? Nghĩa là tôi muốn hỏi, có ai đem xe hay gì ấy đến chở chúng đi, hay chúng tự bay đi, một mình - bay về Nam hay một nơi nào chẳng hạn?"
[...]
"Biết quái thế nào được? Mà biết làm cái quỷ gì ấy?"

Và:
"Được rồi, thế thì bọn cá các thứ, chúng làm gì khi cả cái hồ là một khối đông cứng và người ta trượt băng trên ấy các thứ?"
[...]
"Chúng cứ sống trong khối nước đá ấy. Trời sinh chúng như vậy, quỷ thần ạ. Chúng đông nguyên chỗ suốt mùa đông.[...] Cơ thể chúng tự ngấm chất nuôi sống các thứ, ngay qua những rong rêu các thứ ở trong nước đá. Lỗ chân lông chúng mở ra suốt mùa."

Haha, "chúng đông nguyên một chỗ suốt mùa đông" với lại "lỗ chân lông chúng mở ra suốt mùa", tôi cười đến chảy nước mắt mất.
Thế rồi tôi lại chảy nước mắt thật. Khi cậu muốn tâm sự với ả gái giang hồ thay vì chơi ả và đến cuối cùng lại bị ả với lão già giữ thang máy giở trò lưu manh trấn lột của cậu mấy đồng tiền, tôi cứ lẩm nhẩm với cậu, "đừng khóc, mạnh mẽ lên nào ông mãnh," nhưng cố nhiên là cậu ta cứ khóc như thường và khiến tôi không khỏi bắt chước theo một tẹo. Tôi lại chảy thêm một giọt nước mắt khác khi nghĩ về ông thầy dạy sử Spencer với bộ ngực già nua hom hem và mùi thuốc nghe muốn bệnh trong phòng ổng, nhưng ổng đã rất thật lòng và tốt bụng với Holden. Thêm một giọt nữa khi nghĩ đến cảnh thằng bé James Castle tự tử vì không thể chịu thêm cảnh bị tra tấn tinh thần bởi những thằng bạn mất dạy xung quanh, mà tất cả những gì lũ lĩ bẩn thỉu ấy phải chịu chỉ là bị đuổi cổ khỏi trường học. Và thêm một giọt nữa khi tưởng tượng ra cảnh Holden hung hăng chạy ra đường dùng tay không để đập nát hết mấy cái cửa kính của bất cứ cái xe nào cậu gặp, trong cái đêm bé Allie - em trai cậu - mất vì ung thư máu. Mà cũng có khi là có một giọt cuối cùng xen lẫn với một cái bật cười khi nghĩ đến cảnh cậu ngồi cặm cụi lau những chữ "Đù má" bẩn thỉu trên tường có thể ảnh hưởng xấu đến bọn trẻ và chửi thằng phải gió nào đã làm ra chúng trong khi bình thường cậu chửi tục nhiều bỏ mẹ ra. Ối giời, tôi đến chết được! Làm như tôi dễ khóc lắm ấy.

Nhưng khoan đã, sẽ thật thiếu sót nếu tôi bận khóc lóc và làm bộ làm tịch các thứ mà quên nhắc đến thiên thần Phoebe, em gái Holden. Cậu ta cứ luôn miệng rằng cô bé rất đáng yêu và thông minh, bạn phải gặp em mới được... Giời ạ, tôi khá là không cần: tôi có thể cảm nhận được qua trang sách. Cô bé cứ nói luôn rằng "Bố sẽ giết anh!" khi biết Holden bị đuổi học, cô bé vừa giận dỗi phút trước và rồi phút sau lại đã sẵn sàng cho anh mượn tất cả số tiền tích cóp được, cô bé hồn nhiên xách va li đòi đi theo anh khi cậu ta cho rằng mình sẽ đi xa để bắt đầu một cuộc đời mới và rồi cô bé bằng chính cách đó để giữ chân Holden... "Anh không đi đâu nữa." Xong, tôi đã thở phào một cái nhẹ nhõm, bạn biết đấy, khi ông mãnh chịu phun câu nói ấy ra.

Nói thật sự thì mấy đoạn cuốn sách khiến tôi khóc không nhiều. Nó khiến tôi thấy hoang mang, ngơ ngác nhiều hơn. Tôi tuyệt đối không nhìn đời xám xịt như Holden, phòng khi bạn lo sợ thì có thể yên tâm. Nhưng không hiểu sao tôi cứ có cảm giác mình đồng cảm với cậu. Tôi cũng không dưới vài lần trong đời thấy chán ngán cái thế giới náo loạn này, cũng mất đi những giá trị và niềm tin, băn khoăn về các hướng đi, về con đường mình chọn, muốn gào thét muốn nổi loạn, hay hối hận hay khao khát muốn thoát khỏi sự bế tắc cùng cực. Để thấy rằng ồ, hóa ra mình vẫn đang sống đây, vẫn còn trẻ chán. Tôi tìm thấy một chút tôi ở Holden, rất thật và sống động. Bởi thế lần này khi thử đặt mình vào để nhìn bằng con mắt của cậu ấy và sống bằng trái tim của cậu ấy, tôi thấy cuốn sách mang một dáng vẻ hoàn toàn mới so với lần đọc đầu tiên năm 18 tuổi - cảm động, chân thực và lấp lánh.

Tôi muốn nói về những cái hiếm hoi mà Holden cảm thấy thích trong đời trước khi kết thúc cái mớ cảm xúc lộn xộn tùm lum này. Ấy là cậu thích Allie, cậu em trai bé nhỏ đã mất. Ấy là cậu thích những lúc cà riềng cà tỏi với Phoebe, nói những chuyện tào lao từ chấy chí mén. Ấy là một ý thích rất dị thường và cũng rất đẹp đẽ khác: Holden ước được làm người "bắt trẻ đồng xanh", đứng ở một mỏm đá chỗ vực thẳm cheo leo ngoài rìa cánh đồng mạch xanh thẫm và hơi u tối, nơi lũ trẻ cả nghìn đứa miệt mài chơi đuổi bắt chẳng màng gì đến xung quanh và có thể rơi xuống vực bất cứ lúc nào mà ở đó chẳng có ai là người lớn ngoài cậu. Cậu sẽ cứ đứng ở đấy, làm một kẻ bảo hộ kì quặc cần mẫn, dang tay ra che chở. Và gió thì cứ thổi mãi trên đồng mạch xanh rì vang vang tiếng hát ca.

Bắt trẻ đồng xanh của J. D. Salinger là cái tên quen thuộc có mặt trong danh sách các tác phẩm gây tranh cãi của thế kỉ XX. Vì sao ư? Vì sự tồn tại của không gian tù túng, u tối, bất cần bao trùm suy nghĩ của một cậu bé 17 tuổi suốt mạch truyện; những từ lóng, từ bậy, từ tục tràn lan. Suốt nhiều năm tác phẩm bị cấm vì lo sợ ảnh hưởng xấu nó có thể gây ra cho giới trẻ. Nhưng đến cuối cùng, chúng ta vẫn thấy cuốn sách này trong một bộ dạng tinh tươm và tính giáo dục được người ta ca ngợi. Để tôi nói rằng đừng đánh giá điều gì chỉ qua vẻ bề ngoài. Bên dưới dáng vẻ xù xì kia, bên dưới những ngôn từ toát lên toàn một vẻ giang hồ khó nghe kia là một vốc đầy những khát khao của một tâm hồn cao đẹp. Tuy nông nổi nhưng cao đẹp.

Tôi không nghĩ Bắt trẻ đồng xanh thuộc dạng dễ đọc - kiểu như nếu tôi thích cao trào kịch tính hoặc mọi chuyện cứ phải phơi rành rành các thứ ra thì rõ là cuốn sách không phải cái dành cho tôi. Nhưng tôi nghĩ Bắt trẻ đồng xanh là cuốn sách nên đọc! Bạn có thể thấy là tôi không tha lôi ra bất cứ một bài học nào được rút ra sau khi đọc xong cuốn sách. Thực tình tôi cũng có nhưng nó chỉ mang tính chất cá nhân thôi, và nữa tôi không muốn trở nên bộ tịch quá, kiểu kiểu thế. Nhưng nếu bạn đủ kiên nhẫn đọc đến trang sách cuối, hi vọng bạn có thể thấy được điều tốt đẹp nào ẩn đằng sau những con chữ như trêu ngươi đó.

Đôi lúc tôi nghĩ tôi cũng muốn làm một kẻ bắt trẻ đồng xanh, mặc xác các thứ linh tinh khác!

_____________
Mời các bạn vào bài đăng trên diễn đàn
để giao lưu với bạn Fuju
- tác giả của bài viết đạt giải nhất, mảng Văn học phương Tây

cuộc thi Viết cảm nhận - Số 1/2014: Tuổi học trò qua trang sách.