[Tản văn] Tết Trung Thu
Dù là tết thiếu nhi hay tết Trung Thu thì giảng đường vẫn mở cửa sinh viên vẫn phải lên lớp. Chiều thứ sáu, tôi đồ rằng có không thiếu sinh viên trốn học về quê trước để ăn tết Trung Thu với gia đình vì vậy mà chuẩn bị lịch để “đi học hộ”.
Chiều thứ sáu ca học của tôi kết thúc lúc ba rưỡi, trên đoạn cầu thang dẫn xuống tầng một tôi vỗ vai hai cô bạn học cùng lớp hỏi:
- Hai bà có về quê ăn tết không? – Một trong hai người nhìn tôi nghi hoặc như tôi vừa hỏi vấn đề gì đó kì lạ lắm.
- Cái gì?... Tết á… À, Trung Thu hả. Tôi không về.
- Ừ, tết đoàn viên mà bà không về à. Mấy khi Trung Thu vào cuối tuần đâu, từ khi lên đại học đây là Trung Thu đầu tiên mà có thể về nhà ăn với bố mẹ đấy.
Đúng vậy, hai Trung Thu trước tôi chẳng thể về nhà ăn miếng bánh nướng, quả hồng ngâm nào với bố và hai em chỉ vì trùng lịch học mà tôi lại bị say xe, đi đi về về trong một ngày thì sau đó tôi chỉ có nước lăn ra ốm thôi.
- Trung Thu là tết thiếu nhi, tôi với bà đã là cựu thiếu nhi rồi còn ham hố chi nữa! – Cô bạn vỗ vai tôi cười nói, - Lại nói, tết thiếu nhi mà ra đường chỉ thấy người lớn thôi.
Mấy đứa tôi lại quay ra nói đùa nhau: tết thiếu nhi người lớn đi chơi thì thiếu nhi mới ra đời.
Chúng tôi chia tay nhau ở cổng trường, đứa thì đến sạp bánh Trung Thu bán hàng, đứa lại về quán cà phê làm tiếp, còn tôi, tôi về căn phòng trọ với cái ban công nhỏ.
Trung Thu năm nay của tôi cũng sẽ không khác Trung Thu của hai năm qua ở Hà Nội, vẫn ngồi nhà bật máy tính xem phim, nghe nhạc hay đọc truyện gì đó. Ngoài cửa trăng sáng hiền hòa, bên tai thi thoảng vọng vào tiếng trống tiếng nhạc mừng Trung Thu từ nơi nào đó. Chỉ là trong lòng tự thầm rằng: thu nay đã khác thu xưa nhiều rồi.
Thu xưa…
Nhớ ngày tôi còn là một cô bé trên đầu tết hai bím tóc, háo hức giục mẹ mau thay quần áo cho, đầu thì nghển ra ngoài cổng hóng xem đám trẻ con trong xóm đã bắt đầu đi rước đèn chưa.
Hồi đó, tôi không nhớ về tết thiếu nhi mùng một tháng sáu mà chỉ nhớ tết Trung Thu rằm tháng tám mà thôi. Với đám trẻ chúng tôi ngày đó, tết Trung Thu cũng là tết Nguyên Đán, có rất nhiều thứ phải chuẩn bị.
Vòng hạt bưởi. Dù chưa đến Trung Thu nhưng tôi rất tích cực ăn bưởi, đòi mẹ bổ bưởi chỉ để lấy hạt bưởi để xâu thành vòng, nếu nhà không đủ tôi sẽ chạy ra nhà các bác các bá quanh đó hỏi xin. Tôi còn không quên dặn mọi người ăn bưởi xong thì đừng vứt hạt đi mà gom lại cho tôi. Vòng hạt bưởi phơi dưới nắng dần quắt lại, nhăn nhúm và trắng bệch, thế nhưng mùi hương nó tỏa ra lại mềm mại hơn vẻ ngoài của nó nhiều, dìu dịu, thơm thơm, mùi hương làm đầu óc người ta tỉnh táo ra. Tôi nhớ mãi cái màu xanh lè mỗi khi vòng hạt bưởi được đốt lên, phát sáng, những ánh sáng đẹp đẽ và mê hoặc.
Mũ Hàm Hương. Ngày tôi còn nhỏ từng được mẹ mua cho chiếc mũ Hàm Hương, tôi thích nó lắm, thi thoảng vẫn lôi ra đội mỗi khi Trung Thu. Sau vài lần đội tôi bỗng nhận ra nó chẳng hợp với những bộ quần áo tôi mặc hàng ngày gì cả. Thế là tôi lôi thêm chiếc váy công chúa may bằng vải tuyn trắng muốt bồng bềnh bố mua cho ra mặc. Nhưng khi bố mua nó về cho tôi đã giao kèo: tôi muốn mặc chiếc váy đó thì phải ăn hết ba bát cơm, đó là bài toán còn khó hơn cả cô giáo cho trên lớp. Tôi hết nhìn chiếc váy trong tay lại nhìn chiếc mũ trên giường thầm quyết tâm cố ăn hết ba bát cơm kia.
Mặt nạ. Ngày tôi còn nhỏ, hình mặt nạ bán chạy nhất là hình Tôn Ngộ Không đầu đội chiếc mũ có hai râu dài. Tôi từng được mua cho một cái như vậy nhưng từ khi có chiếc mũ Hàm Hương kia thì tôi đã quẳng nó đi tận đẩu tận đâu rồi. Mấy đứa trẻ trong xóm, năm đứa thì có đến ba đứa đeo chiếc mặt nạ Tôn Ngộ Không, tay cầm một chiếc gậy giả gậy Như Ý, chạy qua chạy lại múa tưởng như mình là Tôn Ngộ Không thật vậy.
Đèn lồng. Tôi không thích đèn ông sao năm cánh với cán sơn hồng. Tôi chỉ thích đèn lồng ống bơ mà bố và tôi cùng làm. Thực ra không phải năm nào đèn lồng của tôi cũng làm từ ống bơ, có lần nó được làm từ hộp xà phòng giặt đã dùng hết của mẹ. Bố tôi dùng que sắt nung đỏ đục lỗ quanh thành hộp để ánh sáng có thể thoát ra ngoài nhảy múa khi tôi đi. Ban đầu là đục lỗ chẳng theo quy tắc nào, chỉ cốt phủ đều lên thành hộp, sau này tôi ý kiến với bố, yêu cầu ông đục theo hình ngôi sao, cánh hoa… chiếc đèn đẹp lên trông thấy. Sau khi đục lỗ xong, bố tôi dùng dây dù bện thành sợ dài, chia thành bốn đầu buộc vào miệng hộp, sau đó buộc đoạn giao nhau với một đoạn tre nhỏ làm cán. Giữa đáy họp tôi làm một cái giá nến, ghim vào đó một mẩu nến đã cháy hết một nửa đợi khi đi rước đèn thì sẽ thắp nó lên. Lúc đi tôi còn không quên mang theo vào mẩu nến nữa phòng khi cháy hết.
Xóm tôi khi đó không có đèn đường, con đê dài ôm lấy dẻo nhà dân bên bờ sông Hồng chỉ trông chờ ánh trăng chiếu rọi soi đường, đôi khi là đèn pha của những chiếc ô tô tải chạy qua trên con đường nhựa bên dưới.
Tuy bất tiện ngày thường ở con đê này lại là điều kiện lý tưởng cho hội rước đèn chúng tôi. Một đám trẻ con vừa đi vừa hát: tùng dinh dinh, tùng tùng dinh dinh… miệng cười vang, trên tay cầm đủ kiểu đèn lồng tự chế khác nhau. Ánh sáng từ những ngọn nến hắt lên nền đất qua những lỗ nhỏ li ti mờ mờ ảo ảo. Chúng tôi thích thú với việc nâng lên hạ xuống những chiếc đèn lồng, chỉ cho nhau thấy những vòng sáng lớn lên rồi lại thu nhỏ lại và sáng hơn như thế nào. Rồi đôi khi một cơn gió tinh nghịch thổi qua làm tắt mất nến, mấy đứa chúng tôi lại túm tụm lại thắp lại ngọn nến, chia lửa vòng quanh. Đám trẻ con chúng tôi rồng rắn nhau dọc con đê dài rồi vòng qua từng nhà từng nhà trong xóm, vừa rủ thêm những đứa trẻ khác vừa mới ăn cơm tối xong nhập hội, vừa đi vừa hát vui vẻ và ầm ĩ.
Đến khi đám trẻ trong xóm đã tụ tập đầy đủ thì màn đốt vòng bưởi bắt đầu. Tiếng hạt bưởi cháy nổ tanh tách làm chúng tôi thích thú, mùi hạt bưởi cháy khen khét thơm nồng theo từng làn khói mỏng bay lên rồi tan ra hòa vào không khí cho đến khi chỉ còn lại chút hương nhàn nhạt đọng lại trong tiếng cười giòn tan cả đám trẻ.
Múa lân. Khi tôi còn bé, xóm tôi chẳng có đội múa lân nào cả. Tôi chỉ đành xem múa lân trên ti vi sau khi đi rước đèn về và ngồi phá cỗ cùng với bố mẹ. Họa chăng có năm tôi được bố đưa ra phố chơi, xem người ta múa lân, xem ông Địa vác cái bụng tròn chạy quanh, tay cầm chiếc quạt mo múa tít.
Thu nay.
Tôi chẳng còn thấy bóng dáng của chiếc vòng hạt bưởi nữa, đám trẻ không biết những hạt bưởi kia có thể xâu lại với nhau, có thể đốt lên làm trò chơi trong đêm trăng rằm. Chúng không biết hay người lớn đã quên chỉ cho chúng thấy?
Ngoài đường giờ có rất nhiều mặt nạ, mặt nạ quỷ, mặt nạ siêu nhân… và hình như mặt nạ hình Tôn Ngộ Không đã lẫn dưới đáy hòm của những người bán? Những chiếc gậy Như Ý ngày xưa đã thay bằng những chiếc kiếm ánh sáng của chiến binh ngân hà, rực rỡ xinh đẹp.
Thu nay đã chẳng còn thấy bóng dáng của những chiếc đèn lồng tự chế nữa, chỉ thấy những chiếc đèn lồng bằng giấy in màu dập khung cầu kỳ, những chiếc đèn nhựa chạy bằng pin có cả tiếng nhạc phát ra thật vui tai mỗi khi bật sáng. Chúng thật xinh đẹp nhưng lại chẳng tỏa ra được thứ ánh sáng diệu kì như những chiếc đèn lồng bố làm cho tôi khi xưa.
Đèn đường sáng chưng, những ngõ nhỏ cũng thắp đèn, cái thú rước đèn còn mấy vui khi bọn trẻ không còn cảm nhận được chiếc đèn của mình đang sáng, khi ánh sáng của ông trăng cũng bớt tỏ?
Nhưng dù thế nào thì tôi vẫn nhìn thấy sự háo hức trên gương mặt đám trẻ mỗi khi Trung Thu về, chúng vô tư nô đùa, chạy quanh đoàn múa lân, trên tay đứa nào cũng cầm một chiếc đèn bật sáng, tiếng nhạc vang lên không ngừng. Chúng vừa chạy vừa cười vừa hát.
Với đám trẻ, Trung Thu là tết thiếu nhi, còn với những cựu thiếu nhi như tôi thì Trung Thu là tết đoàn viên. Về bên gia đình, ăn miếng bánh nướng, bóc từng múi bưởi mà quên đi những công việc thường ngày, chỉ hưởng thụ tình thân ấm áp mà thôi.
Trích Tiên