[Cảm nhận] Con đường Hồi giáo - Bao giờ Trung Đông thôi hoang tàn?

"Ở thế hệ Facebook và Youtube này, chẳng mấy ai còn có thì giờ để đọc, để cân nhắc, chưa nói đến để suy ngẫm. Đập vào mặt một cái ảnh hay một cái clip thì lập tức tình cảm dồn lên đè bẹp tư duy, chân tay như bị chập điện rùng rùng trở thành vũ khí cho anh hùng bàn phím. Ai cũng có thể ngồi xuống để viết, dù có thể chưa bao giờ dám đứng lên để sống."

Trích "Con đường Hồi giáo - Phương Mai"


Tôi từng là một anh hùng bàn phím giữa thế giới ảo. Trung Đông trong mắt tôi lúc ấy chỉ là đất nước thánh địa của khủng bố và của chiến tranh loạn lạc vì dầu mỏ. Đối với tôi, nó không có gì thú vị như ngồi phía sau máy tính, đánh giá và bình luận về sex, sến và shock.
Nó nhạt nhẽo!

Cho đến khi gập lại những trang cuối cùng của "Con đường Hồi giáo", tôi thấy lòng mình rối bời. Những nhận định trước kia của tôi về Trung Đông là cái nhìn đầy phiến diện và thiển cận, những băn khoăn về tôn giáo trong tôi trở nên nghẹt thở hơn bao giờ hết.

Qua lăng kính của cô gái trong chuyến hành trình chín tháng với cánh cung từ Saudi tỏa về hướng Tây mà Tây Ban Nha là chặng cuối, tôi cồn cào muốn biết nhiều hơn thế!
"Con đường Hồi giáo" là lời kể ở ngôi thứ nhất. Ngôi thứ nhất ấy là Phương Mai, mang cái nhìn cảm tính nhưng cũng đầy cá tính. Chín tháng mòn gót lê mười ba đất nước Trung Đông hiện diện chân thực và rõ nét hơn bao giờ hết trong ngòi bút của chị.


Tôi nhìn thấy một Trung Đông khác hơn - "một đất nước nội chiến, hai đất nước trong tình trạng vô chính phủ, mười đất nước còn lại biểu tình hàng ngày".

Tôi biết đến Saudi - nơi mà người phụ nữ cần giấy phép của đàn ông để đi làm, người phụ nữ giờ chỉ là cái tên đính kèm trên chứng minh thư của đàn ông.

Tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy một Dubai hoàn toàn khác - xa hoa trụy lạc nhưng lại thiếu vắng một độ dày văn hóa gốc rễ, họ bám vào Hồi giáo như một phương tiện cứu cánh để tạo lập danh tính cho một đất nước.

Tối biết đến một Oman thần tiên trong tựa hồ truyện cổ tích – ở đó có Vua Sultan đức độ, những con người Oman thân thiện nhưng tiềm ẩn đâu đó lại là mầm mống của Hồi giáo cực đoan đang nhen nhóm.

Tôi giật mình ở với một Yemen "văn hóa súng ống" - nơi mà nhiều ông bố nghe tin vợ đẻ con trai là liền mừng rỡ ra chợ mua "một khẩu súng làm quà cho baby ".

Tôi lần đầu giác ngộ ra rằng "tình dục bao giờ cũng là một vũ khí chính trị thần kì". Đặc biệt hơn khi "Hi" và hay "Hello" là phương thức trao đổi sex ngắn gọn và hữu hiệu nhất ở Jordan.
....

Nếu những đất nước Trung Đông hiện lên bàng hoàng bao nhiêu, thì Hồi giáo trong mắt tôi trở nên kì bí bấy nhiêu!

Với tôi Jerusalem không còn là vùng đất Thánh của Thiên Chúa giáo như hồi bé xíu nữa, - vùng đất chật hẹp chưa trọn một kilomet vuông bỗng hóa thành địa chỉ hành hương quan trọng cho cả ba tôn giáo độc thần lớn nhất thế giới - ba anh em cùng chung nguồn cội, đồng thời cũng là ba kẻ thù lớn nhất của nhau. Một Jerusalem đắm chìm trong ba nhịp đập khác nhau, thứ sáu là ngày lễ của người Hồi, thứ bảy là ngày lễ người Do Thái và chủ nhật là của người Thiên Chúa.

Tôi biết thế nào là Độc thần giáo – nền tín ngưỡng chỉ tôn thờ một Thượng Đế duy nhất. Có đến bốn hệ tôn giáo độc thần ở Trung Đông bắt rễ ra toàn thế giới. Và rủi thay, hệ tôn giáo nào cũng quyết liệt truy cầu sự thật, nhằm khẳng định mình là đúng và duy nhất. Tất nhiên, sự ôn hòa giữa các tôn giáo chỉ còn là điều xa xỉ không tưởng.

Đây – nơi nuôi dưỡng mầm mống của cực đoan!

Tôi thảng thốt nhận ra, niềm tin tôn giáo ở nơi đây còn thiêng liêng hơn huyết thống tình thân. Người ta sẵn sàng tử vì đạo, sẵn sàng trút bỏ trinh tiết để minh chứng đức tin tôn giáo, sẵn sàng giết chóc đồng loại chỉ bởi tôn giáo của họ là nguồn sáng duy nhất cần thiết được bảo vệ. Chính trị - Tôn giáo - Tình dục - Tín ngưỡng chồng chéo, lợi dụng lẫn nhau khiến Trung Đông huyền bí càng thêm huyễn hoặc với những mảng màu tối sang đan xen đối lập hơn bất cứ vùng đất nào trên thế giới.

Chẳng hiểu tự bao giờ, tôi chợt khao khát được nhìn rõ hơn về Hồi Giáo, về những con người Trung Đông xa lạ mà đầy sức hút.

Tôi muốn, còn muốn nhiều hơn, trần trụi hơn, vượt ra khỏi biên giới mà những cảm xúc từ "Con đường Hồi giáo" đã thổi vào hồn tôi, không đơn thuần chỉ là những góc nhìn trực quan bằng ngôi kể thứ nhất như tác phẩm đã thể hiện.

…..
Vì đâu? Vì tôi không muốn bản thân mình cảm tính trước vấn đề tôn giáo!
Người viết: Nhocmuavn