[Cảm nhận] Người đàn bà trong cồn cát - Hành trình tìm lấy chính mình
“Đời người, chỉ có một cuộc hành trình mà thôi. Hãy đi vào trong chính mình” – Rilke
Hôm sang nhà chị Tám đọc bài “Going, going, gone” tôi cười tủm tỉm khi thấy lối so sánh “văn chương là tình đầu, còn điện ảnh là tình cuối” rất duyên của chị. Nếu bắt lấy ý so sánh đó, thì với tôi, đến giờ sách vẫn là mối tình đầu và chưa có mối tình nào lớn hơn đáng để gọi là tình cuối dù với một người sanh ra đã trót đam mê lắm thứ như tôi thì “chung thủy” chỉ là một khái niệm tình cảm mang tính thời điểm. Biết đâu, một lúc nào đó tôi sẽ chọn cho mình thú vui khác; phim ảnh như chị chẳng hạn, hoặc làm vườn, trồng lan, nấu ăn, chụp ảnh hay một thứ phù phiếm rồ dại bộc phát nào đó chưa biết chừng.
Có điều, tình yêu “ngày em 20 tuổi” của tôi với sách là tình yêu tuổi trẻ, đầy nội lực, đầy hoan ca, đầy khát khao và sẵn sàng lao vào khám phá còn vài ba năm trở lại đây tình yêu ấy đang dần chững lại. Vẫn yêu, nhưng thôi da diết nồng nàn. Vẫn mê, nhưng không lao xao hay cuồng loạn nữa. Yêu kiểu 40 mà, chỉ liu riu như một mạch ngầm nhưng lâu bền, dai dẳng mãi không dứt. Đã vậy, lại chuộng sự ấm áp, mềm mại làm dịu lòng mình nên trong việc tìm và đọc sách tôi dần có khuynh hướng chọn những gì uyển chuyển, âm trầm như Tùy bút, Hồi ký, Bút ký hay ưu tiên tìm lại những tác phẩm đã từng hiện hữu trong tủ sách gia đình giờ vì nhiều duyên cớ nên đà thất lạc, mất mát. Thi thoảng, để thay đổi tôi chọn đọc vài ba đầu sách mới được bạn bè cùng sở thích đánh giá cao. Thế thôi. Còn thì Heinrich Boll, Orhan Pamuk, Vargas Llosa hay các đầu sách đạt giải Nobel, Goncourt, Renanudot, Pulitzer gì gì đó tôi chỉ lướt cho biết thông tin rồi để qua một bên chứ ít ôm về đào sâu đọc kỹ. Vẫn biết làm như thế là tự đánh mất đi một kho sách quý nhưng thú thật tôi e ngại chạm vào. Một phần, sức đọc của tôi đã có dấu hiệu ì ra, đọc những gì gai góc, khó khăn quá là đầu óc tự lên tiếng đòi dừng lại. Phần khác, tôi chỉ muốn dành những phút thư thả ít ỏi còn lại trong ngày đọc vài ba trang sách một cách thảnh thơi, và nếu được thì hạnh phúc với những rung động đã từng có (và mất đi) trong trang sách cũ mà ở đó đa phần có bóng dáng ba tôi và một thời tuổi trẻ đầy hoài niệm.
Ấy thế rồi một ngày đẹp trời, sau khi chia sẻ bao điều về giá trị sống của ánh sáng và bóng tối bao quanh “Đèn không hắt bóng” của Watanabe, chị Mắt nắng – một người chị thân thiết, một người bạn đọc sách có gu mà tôi luôn nể phục – nhắn nhỏ với tôi “CF đọc Người đàn bà trong cồn cát chưa? Nếu đọc rồi thì cho chị cái cảm của em đi… *mong chờ *”. Có một dòng nhỏ xíu và 2 dấu hoa thị thay đôi bàn tay ấm áp mở ra đón chờ đó thôi mà chị đã khiến con gấu lười ôm giấc mộng ngủ đông trong tôi thức dậy. Thế là tôi lò dò vô Tiki đặt sách rồi đi ra đi vô ngóng cổ đợi. Một tuần trôi qua mà sách chả thấy đâu. Thêm 3 ngày nữa Tiki mới báo hàng đã chuyển nhưng không có người nhận, chờ hoàn lại kho, xác nhận rồi mới chuyển đi lần nữa..! Không kìm được sốt ruột tôi lên Google Search tra thông tin về “Người đàn bà trong cồn cát” hầu mong sẽ được đọc thêm cái gì đó có giá trị. Kiểu tìm thông tin trước khi đọc sách luôn có cái hay là giúp mình định hướng trước những gì sẽ đọc, đồng thời biết nhiều điều thú vị khác có liên quan như tác giả, giải thưởng, sự thăng trầm của tác phẩm, các ý kiến đánh giá trái chiều, sự phát triển thêm của nhân vật từ sách chuyển sang phim, nhạc, kịch hoặc bước hẳn ra đời sống thế nào. Nhưng kiểu tìm thông tin này cũng có cái dở là mình rất dễ bị “dắt mũi” đi theo con đường chưa mới đã mòn mà những người đọc trước đi qua. Sự thăng hoa khi tự mình khám phá cái đẹp văn chương đã mất đi ít nhiều. Điều này càng đặc biệt đúng với Người đàn bà trong cồn cát – một trong những tác phẩm kinh điển góp phần đưa nền văn học Nhật Bản trở nên sáng chói, kiêu hãnh đứng ngang tầm với trái núi văn học phương Tây bao lâu nay sừng sững một mình chiếm ngự hầu hết các giải thưởng Nobel. Chỉ một từ khóa Abe Kobo, tôi tìm ra ít nhất 465.000 kết quả trong vòng 25 giây! Mọi cái đẹp lấp lánh, hư ảo và những hình ảnh ẩn dụ đầy trắc ẩn, ưu thương mang tính định mệnh của Abe Kobo khiến độc giả thổn thức, trăn trở, tụng ca, bình luận không ngừng.
Lọc bớt những dẫn dụ chồng chéo, trùng lập và nhiều bài viết lắp ghép mang tính thương mại tôi tập trung vào một số chi tiết tiêu biểu về Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo rồi nhắm mắt lại để mặc cho các hình ảnh tự do chạy trong tâm tưởng… Người đàn bà ẩn nhẫn dịu dàng hay ngước đôi mắt to đen nhìn lên đợi chờ hạnh phúc. Người đàn ông điên cuồng giận dữ luôn mưu toan trốn thoát khỏi ngôi nhà ngập lún trong hố cát nhưng bất lực. Những đụn cát thẳng đứng đang dịch chuyển mỗi ngày như một thực thể sống, từ từ trườn qua, bao phủ và lấp kín khu làng chài nghèo xơ xác… Tất cả chầm chậm trôi qua như một cuốn phim đơn sắc nhưng rõ nét. Giọng nói nhỏ nhẹ cam chịu của người đàn bà… Tiếng đấm đá gào thét vô vọng của người đàn ông… Âm thanh hỗn loạn đầy chủ ý của dân làng trên miệng hố… Sự vang vọng buồn tẻ của những xẻng cát cắm sâu vào đêm và một khoảng trời xanh chật hẹp trên đầu mỗi khi người ta ngước lên… Tất cả những điều đó cuộn vào nhau làm tôi nôn nao, choáng váng…
Tôi không thể tưởng tưởng nổi mấy mươi năm về trước, tôi và những đứa bé khác đã từng chơi trò “Bẫy cát” của Abe Kobo một cách nhiệt tình và vô tâm đến mức ác độc mà không biết. Những đứa trẻ con (trong đó có tôi) hồi ấy rất thích lèn đầy cát ẩm vào một chiếc hộp bích quy bằng sắt tây, sau đó đào một cái hố ở góc hộp làm “nhà”, đặt thêm vài ngọn cỏ, rưới một ít nước rồi tóm cánh cam, bọ muỗm, bươm bướm, chuồn chuồn… nhốt vào hộp, đậy kín bằng bao nilon sau đó mê mải chụm đầu vào nhìn con bọ khốn khổ điên cuồng bò quanh thành hộp tìm lối thoát. Chúng tôi mong con vật ấy xem cái hộp sắt tây là nhà nên chẳng bao giờ nghe ra tiếng chân bấu cào vào hộp sắt tây rin rít suốt đêm của chúng là âm thanh của sự hoảng loạn và tuyệt vọng; cho đến khi con vật nằm im chẳng còn động cựa gì được nữa thì chúng tôi vẫn tin nó “đang sống” tốt!
Kinh khủng thay, trò chơi tuổi thơ đó được Abe Kobo thiết lập cho chính con người!
Không biết “anh” – đại từ dùng để chỉ Niki Jumpei, người đàn ông bị mất tích – có cảm giác thế nào khi từ một người say mê săn côn trùng, khao khát tìm thấy một loại côn trùng lạ để được ghi tên mình lên giải Nobel bỗng chốc biến thành một kiểu côn trùng bị người ta chăn dắt, đánh bẫy, cưỡng đoạt tự do cá nhân rồi dần dần mất luôn cả cái tôi của chính mình?
Không biết “chị” – đại từ dùng để nói về người đàn bà trong cồn cát – có cảm giác thế nào khi người đàn ông mà chị đơn thuần nghĩ tất nhiên rồi sẽ thuộc về mình luôn tìm cách lừa dối, trốn chạy và làm chị tổn thương?
Không biết “họ” – đại từ dùng để chỉ người dân làng chài khốn khổ nọ – có cảm giác thế nào khi đem phần bản năng nguyên sơ nhất của con người ra làm thú vui man dại: hứa hẹn cho người ta một hi vọng thoát thân bằng cách bắt người ta trần trụi làm tình trước mắt tất cả dân làng?
Cái khốc liệt của hiện thực khiến người ta phải tàn nhẫn để sống ư?
Cái nghiệt ngã của thiên nhiên khiến người ta dần nghiệt ngã trong tâm hồn ư?
Nhiều người nói cuốn tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát mang một cốt truyện có tính ngụ ngôn, nó không thực đến mức có nhiều người coi đó là truyện viễn tưởng. Những dồn ép tới tận cùng của sự tuyệt vọng chỉ là cái bẫy mà tác giả đặt ra để trắc nghiệm tâm lý con người. Và Kobo Abe là bậc thầy trong việc bắt người ta nhìn nhận lý thuyết về sự thích nghi là tính tất yếu của nhân loại của Descartes. Nhưng, tôi luôn tự hỏi sự tồn tại ấy liệu có ý nghĩ gì? Ở cái nơi mà người ta phải ăn dưới một cái ô trên đầu để che cát, ngủ với một tấm khăn trên mặt để che cát, cả đời thức dậy chỉ để dọn cát và lên giường cùng nhau với những lớp cát dấp dính bám đầy trên da thịt thì vì cần tồn tại mà người ta phải thích nghi hay vì người ta vẫn có thể thích nghi nên người ta vẫn còn tồn tại?
Trong phần cảm nhận của mình, chị Mắt nắng cũng đã đặt câu hỏi“Cát không mục nát cho nên con người phải tập thích nghi bởi thích nghi là tồn tại, liệu đó có phải là điều Kobo Abe muốn nói đến trong Người đàn bà trong cồn cát?”. Tôi chưa thật sự chạm vào sách, nên khi chị hỏi tôi không biết câu trả lời, nhưng cũng giống chị, tôi không chấp nhận lý thuyết cho rằng vì đã thích nghi mà người đàn ông ấy lựa chọn cách vĩnh viễn ở lại cồn cát. Thế nên tôi đành chờ đợi đến lúc được tự cầm cuốn sách trên tay. Và tôi thỏa nguyện, dù đôi chút muộn màng!
Có điều, như khi người ta đã chuẩn bị quá kỹ trước một cuộc hẹn hò gặp mặt, đến lúc được thấy nhau, người ta dễ mang hình ảnh lý tưởng mình đã vẽ nên so sánh với cái hiện tiền trước mắt. Và thật không may nếu thực tế không bằng mong đợi! Tôi đã biết trước cuốn Người đàn bà trong cồn cát do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành nhìn không có chút hấp dẫn nào, nếu không muốn nói thẳng ra là xấu nhưng vì trót xem những thước phim đen trắng “Woman in the dunes” đẹp tuyệt của đạo diễn Hiroshi Teshigahara và ngắm đến no mắt cuốn “The woman in the dunes” do nhà xuất bản Alfred A Knopf phát hành nên khi tận mắt thấy hình ảnh người đàn bà vốn chỉ vận cái quần lưng rút, áo xắn tới khuỷu tay, luôn đội nón lá và bịt mặt khi đào cát của Kobo Abe nay “mặc” cái váy bảy tầng vàng rực ỏng ẹo bên cồn cát; tôi không khỏi nhíu mắt. Nhẽ nào chỉ vì nội dung viết về một cồn cát hư cấu đâu đó mà phải mang bằng được đồi cát Ninh Thuận vào đây, và chỉ vì trong cồn cát đó có một người đàn bà sinh sống mà bìa sách được vận nguyên cái váy xòe? Vẫn biết “cái áo không làm nên danh nghĩa thầy tu” nhưng giá bìa sách được chăm chút cẩn thận hơn để xứng đáng với những giá trị được chuyển tải bên trong…
Nhưng, như đã nói, vì đã mong chờ quá lâu mới được gặp nhau nên sau phút giây lấn cấn ban đầu người ta cũng rất dễ cảm thông để đến với nhau trọn vẹn. Tôi nhanh chóng bỏ qua cái bìa, rồi bỏ qua luôn cả những lỗi in ấn, trích dẫn rất ẩu nằm ngay trong phần giới thiệu để đắm chìm vào hành trình kỳ lạ của Jumpei. Mỗi trang sách lật qua là một lần tôi bỡ ngỡ. Quên cả việc tìm hiểu xem vì đâu người ta thích nghi, vì đâu người ta tồn tại… tôi bị hút dần vào những vòng xoay số phận được Kobo Abe đánh dấu bằng thông tin “Vào một ngày tháng Tám, một người đàn ông biến mất. Anh ta đi về phía bờ biển, cách thành phố độ nửa ngày xe lửa và từ đó không ai hay biết gì về anh ta nữa…” rồi kết thúc bằng một bản Quyết định của tòa án, với nội dung rằng “Do không có thông tin xác minh nào về sự sống cũng như sự chết của đương sự nên sau bảy năm, chiểu theo điều 30 của Bộ luật Dân sự, Niki Jumpei được tuyên bố là đã mất tích.”
Thật ra Jumpei có chết hay mất tích không, chắc chắn những ai đã đọc Người đàn bà trong cồn cát đều có câu trả lời. Nhưng nếu anh sống, thì anh sẽ sống ra sao sau tất cả những vật vã mà anh đã trải qua để quyết liệt chạy trốn? Tôi nhớ rõ cái ngắt lời thô bạo của anh khi nghe chị ngô nghê giải thích rằng ở xứ sở này cát có khả năng làm cho mọi thứ mục nát. Tôi nhớ rõ hình ảnh anh nhìn chị bật cười thương hại khi chị giải thích rằng chị và những người dân đang còn bám trụ tại làng cát này là vì một thứ tình yêu rất hiển nhiên và thiện lương: tình yêu dành cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi cũng nhớ rõ anh đã chối bỏ những ham muốn đàn ông của anh trước sự khỏa thân của chị bằng sự tự chế giễu và kìm chế nội tâm như thế nào, tiếng thét lạc lõng điên dại của anh như thế nào, giọt nước mắt nóng bỏng bất lực của anh rớt xuống cát như thế nào, sự từ bỏ dần dần những tự tôn kiêu ngạo của một người có học như anh để gào xin dân làng sự sống thế nào. Thậm chí, tôi nhớ rõ những cú đấm bằng tất cả tự trọng, tổn thương và đau đớn mà chị giáng xuống anh, lúc anh tính lôi chị ra làm trò thỏa mãn thị hiếu của dân làng và khuôn mặt đầy máu của anh từ từ gục xuống như thế nào…
Tất cả thái độ, niềm tin và hành động của chị là sự đại diện cho việc chấp nhận thực tại còn tất cả khát vọng trốn thoát của anh là đại diện cho hy vọng xóa bỏ thực tại. Hai thái cực ấy có thể dung hòa giữa đồi cát ư? Nếu không thì vì điều gì mà anh lại chần chừ và quay về hố cát khi cuối cùng sự giải thoát cũng đến với anh? Chẳng nhẽ vì sống mãi trong cát cùng chị nên anh đã ngộ ra rằng “sự thay đổi của cát phù hợp với sự thay đổi trong chính con người anh…” hay vì “sự ân cần, chu đáo, chân thành của chị đã làm anh cảm động và gắn bó với chị từ lúc nào anh cũng không hay biết…” như nhiều người đọc cảm nhận?
"Anh đã thất bại! – Thưa vâng.
Anh đã thực sự thất bại rồi!
Nhưng xưa nay đã có ai làm được như anh… Chưa có ai hết.”
Lý giải cho diễn biến phức tạp trong tâm thức của Jumpei, nhà thơ Vũ Quần Phương, người viết lời tựa cho bản dịch cuốn Người đàn bà trong cồn cát, cho rằng “Anh nấn ná ở lại chính là vì cái bẫy nước. Anh đã phát hiện ra cách lấy nước giữa vùng khô khát này. Anh phải trao cái phát minh đó cho một ai đó. Cái phát minh đó, ác thay, chỉ có ý nghĩa với dân sở tại. Trước kia anh chạy trốn họ, còn bây giờ anh đợi gặp họ”. Còn tác giả Mộc Các trong bài viết “Người đàn bà trong cồn cát và thảm kịch nhân sinh” đã lý giải bằng cách đi sâu vào phân tích ý nghĩa sự sáng tạo của con người thông qua cái bẫy nước mà Jumpei tạo được. Vận lời nói mở đầu của Thánh Kinh: Khởi thủy là hành động, tác giả Mộc Các viết “Sáng tạo là sự chiến thắng của con người trước nghịch cảnh đau thương của tự nhiên và của giới hạn trong vòng da máu của thân xác vật. Nên cuối cùng Jumpei đã ở lại hố cát, dù có cơ hội thoát đi. Anh nhủ thầm chờ đến lần sau sẽ thoát nhưng chúng ta ai cũng biết rằng sẽ không có lần sau nào nữa. Jumpei đã đi qua cái bẫy nước để làm lễ tuyên thệ, kết hôn với đời sống này, với hy vọng vào một niềm tin mai hậu về sự chiến thắng của con người. Thế là quá đủ cho một kiếp sống hoang vu và bé nhỏ giữa lòng hố thẳm nhân gian.”
Tôi không thích nhìn Jumpei ở lại cồn cát với một tinh thần “giác ngộ cách mạng” như cách mà nhà thơ VQP đã nhìn vì theo tôi nó hơi khiên cưỡng. Vì tồn tại, Jumpei cần phải thích nghi, nhưng khi đã thích nghi, Jumpei vẫn luôn khát khao được tồn tại theo một cách khác, cao hơn, nhân bản hơn. Chính vì thế mà anh sáng tạo ra cái bẫy nước, một công trình đánh dấu giá trị sống của chính anh chứ không phải để anh mang đi truyền thụ cho dân làng như Alexandre de Rhodes đi truyền quốc ngữ, rồi vì công cuộc khai phá văn minh, truyền thụ tri thức đó mà anh cam tâm tình nguyện suốt đời ở lại cồn cát với họ! Tôi cũng không đủ trí lực để có thể tìm hiểu sâu về kinh thánh, về Heidegger hay về Albert Camus như tác giả Mộc Các để từ đó có thể thông đạt đến tận tầng đáy sâu nhất những thông điệp mà Koko Abe đã truyền tải.
Với rất nhiều cảm xúc thuần túy cá nhân và sự đa mang của đàn bà, tôi tin rằng vì quyền tự do, Jumpei tìm mọi cách chạy trốn. Vì tồn tại, Jumpei buộc phải thỏa hiệp với thực tại. Vì giá trị bản thân, Jumpei đã tạo ra cái bẫy nước. Vì hoàn cảnh trái ngang, Jumpei chấp nhận ở với người phụ nữ anh không mong đợi sống cùng. Và, vì tình thương và trách nhiệm của một con người mà Jumpei đã ở lại cồn cát. Giữa anh và người phụ nữ ấy không có cái gọi là tình yêu níu kéo đời người. Hoặc nếu có, nó sẽ xảy ra rất lâu sau đó, chứ không phải chỉ vỏn vẹn trong vòng vài tháng kể từ khi anh hiểu mình chỉ có một cách để sống tiếp, đó là cách buộc phải ở bên chị. Nhưng cuối cùng, khi đã có tự do Jumpei lại lựa chọn ở lại cồn cát suốt 7 năm ròng chỉ để đợi chờ người phụ nữ ấy trở về. Nếu không phải vì tình người, với tôi, sẽ không thể có một cách giải thích nào khác nữa. Tôi không thể tưởng tượng được sẽ có một người đàn ông mang tên Jumpei nào đó sau khi vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã của số phận, đánh dấu được giá trị của chính mình và chấp nhận ở với một người phụ nữ, có con với người ấy, để rồi khi người phụ nữ vì đứa con đang mang trong bụng của mình phải lên xe cấp cứu do chửa ngoài dạ con thì người đàn ông đó có thể vội vàng sung sướng bỏ chạy khỏi cồn cát vì giờ đây chẳng ai cần níu giữ anh ta lại. Anh ta đã được tự do tuyệt đối. Một người biết làm người như Jumpei sẽ không bao giờ bỏ chạy như thế. Chắc chắn. Cho dù biết đâu sau 5 năm, 10 năm nữa hay “vào một ngày nào đó” như chị Tám nói, Jumpei sẽ trở về. Cho dù là vậy, thì lúc này, khi chị chưa về, anh sẽ vẫn chọn cách sống đơn độc một mình trong ngôi nhà kỳ dị nằm nghiêng trong cồn cát, đợi chị. Như chị đã từng miệt mài ở đó, đợi chờ hy vọng của mình…
“Có một vật gì di động dưới đáy hố. Thì ra đó là chiếc bóng của chính anh.
Chiếc bóng ấy đứng gần sát ngay chiếc bẫy nước…”
Với tất cả sự quý mến, em dành tặng riêng bài viết này đến chị Mắt nắng yêu quý.