[Cảm nhận] Kitchen: Câu chuyện về căn Bếp và hạt hạnh phúc nảy mầm

Một cái tựa đơn giản, cộng với một cái bìa đơn giản. Bạn thử đọc Kitchen chưa?

Độ dài của Kitchen chắc chỉ vừa vặn một truyện dài, thế nhưng những điều nó khiến tôi phải động não thì nhiều vô kể. Kể cả là đã đọc tới lần thứ hai, thứ ba, tôi vẫn cảm thấy còn nhiều mơ hồ chưa thể hiểu ngay được. Cái cảm giác sâu xa và khó chạm tới như đi giữa trời sương mù ấy. Hay một phần cái hay của nó nằm ở chỗ này nhỉ, bởi lẽ người ta cứ luôn hướng về và tìm hiểu những điều mình còn chưa rõ ràng?

Đừng hiểu lầm ý tôi, cốt truyện của Kitchen không có gì phức tạp cả (cũng giống như hầu hết những tiểu thuyết Nhật tôi đã đọc qua). Mikage, một cô gái mồ côi cha mẹ sống với bà trong một căn hộ cho thuê nhỏ. Một thời gian sau, bà cô cũng mất, để lại cô một mình trên đời và có những dấu hiệu suy sụp. Nhờ sự giúp đỡ của Yuichi, một cậu bạn học cùng trường kém một tuổi, chưa từng tiếp xúc với cô nhưng lại thân quen với bà, cô chuyển qua sống với cậu cùng mẹ cậu - Eriko - và bắt đầu một cuộc sống mới. Kitchen được Banana tách thành hai phần lớn, phần I là trước và trong khi Mikage sống cùng mẹ con Yuichi, phần II bắt đầu khi cô chuyển ra ở riêng và xuất hiện một biến cố. Phải không - một câu chuyện không nặng về tình tiết!

Nhưng cũng như những tiểu thuyết khác của Banana, bạn đừng mong nó sẽ trôi qua một cách quá thông thường và yên ả. Tôi đồ rằng có lẽ một chút cái quái dị khác người cô thường “đính kèm” trong những tác phẩm của mình đã góp phần làm nên phong cách độc đáo cộp mác Yoshimoto đó. Nói thế nào nhỉ? Cảm giác liêu trai ấy làm tôi thấy sởn gai ốc, nhưng cũng chính bản thân nó lại là chất kích thích khiến tôi cứ muốn đâm đầu vào.

Lần này, lại là sự có mặt của những cái chết. Cái chết của bố mẹ khiến Mikage trở thành trẻ mồ côi, cái chết của ông, và đặc biệt là của bà đẩy cô vào cảnh không còn người thân nào để nương tựa. Căn phòng chỉ vắng đi một người đã thấy rộng thênh thang, cô gái nhỏ bé lại càng thêm nhỏ bé. Thế nên thật may, ừ, tôi nói thật may vì còn có một con người tên là Yuichi, chưa từng tiếp xúc với cô nhưng lại sẵn sàng làm cầu nối kéo cô về với cuộc sống. Chà, sao tôi thấy giống Tarzan và Jane gì đâu. :D Chỉ một cái nhấn chuông, một lời mời mọc, và mấy phút sau với quyết định trong cơn mơ hồ, cuộc sống của Mikage dường như đã rẽ sang lối khác, sáng sủa hơn, vui tươi hơn nhiều lắm.

Chúng ta có một Mikage “thời kỳ Yuichi và Eriko” không phải đã thôi nghĩ về những mất mát được ngay, nhưng đã quen dần với chúng và thoải mái với hiện tại. Căn nhà của người bạn đó không thể bằng được với căn hộ cũ bởi lẽ nó không có cha mẹ hay có ông bà - những người thân yêu nhất của cô, nhưng tôi khá chắc về việc Mikage yêu nó, theo kiểu người ta yêu gia đình mình ấy. Một căn bếp khiến cô phải lòng ngay từ cái nhìn đầu tiên; cái sofa êm ái cho cô những giấc ngủ ngon không mộng mị; người mẹ thích mua sắm, đẹp và rất gần gũi; cậu bạn tốt bụng, đôi khi khó hiểu và tĩnh lặng như mặt hồ! Một nơi cô có thể sống và sinh hoạt tự nhiên không cần phải câu nệ, có thể thả sức mình trong niềm đam mê với việc bếp núc, lại có hai con người sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với cô mọi điều, kể cả việc… ăn mọi món cô nấu. Thế đấy! Không phải một gia đình đúng theo định nghĩa, nhưng cảm giác giống như thế có lúc còn hay ho hơn!

Tôi muốn nói về Eriko, người mẹ có lẽ là độc nhất vô nhị trên thế gian này. Trong vô vàn những nhân vật tôi đã tiếp xúc, đây sẽ là nhân vật tôi không bao giờ quên được. Người mẹ đó là một người đàn ông cải giới, nhưng không phải vì ở ông ta có sự sai khác giữa tâm hồn và thể xác, mà bởi từ khi “người mẹ thật” của Yuichi mất khá lâu về trước, ông đã cảm thấy rằng đời này sẽ chẳng còn có thể yêu được một người phụ nữ nào khác nữa! Tôi đã phải sững sờ vì độ quái dị của chi tiết này, thế và rồi khi đã có thể vượt qua sự choáng ngợp nó gây ra, tôi lại thích nó đến điên lên được. Người đàn ông phải yêu vợ mình tới mức nào mới có đủ can đảm từ bỏ giới tính thật của mình để hướng về hình bóng sẽ chẳng bao giờ còn được gặp lại? Một quyết định đầy ích kỷ đối với Yuichi nhưng cũng thần thánh vô cùng trong suy nghĩ của tôi.

Một cái lốt phụ nữ xinh đẹp khiến Mikage cũng phải ngơ ngẩn lại chứa đựng tâm hồn của một người đàn ông. Theo năm tháng, có lẽ tâm hồn ấy cũng đã ít nhiều nghe theo tiếng gọi đồng nhất của thể xác, bởi vậy cô mới luôn xuất hiện trong một bộ dạng xinh đẹp nữ tính, làm việc ở gay-bar và khiến gã đàn ông điên đó chú ý. Rồi cũng vì một phần nào đó trong cô luôn tự nhắc nhở mình là một người đàn ông nên Eriko mới bị chính kẻ điên kia sát hại. Ai chà, rắc rối thật.

Nhưng thật ra chúng ta có thể không cần mấy bận tâm tới búi tơ vò đó. Dù đó có là người đàn ông, hay người đàn ông trong lốt đàn bà, hay là người đàn bà; dù Yuichi có coi người đó là cha hay là mẹ thì Eriko vẫn luôn dành tình yêu thương vô hạn cho đứa con Yuichi của mình - một tình yêu được thể hiện rất tự nhiên và bản năng, không vướng víu mắc mớ gì với hình thức. Bởi vậy, dù vẫn chưa rõ sự tồn tại của cô trong thiên truyện này chỉ là một sự xuất hiện ngẫu hứng đơn thuần hay còn là nơi chứa đựng cho một ý đồ, một sự gửi gắm nào khác của tác giả nữa, Eriko vẫn trở thành một trong những nhân vật tôi yêu thích nhất.

Thế và, ban đầu tôi cảm thấy rất khó hiểu khi Yuichi, khi nhắc tới Eriko với tư cách là người thứ ba trong câu chuyện của mình, không bao giờ gọi cô là mẹ mà chỉ gọi bằng một đại từ phiếm chỉ “người đó”. Cảm giác thật xa lạ và lạnh nhạt. Tôi đoán rằng có lẽ bởi trong sâu thẳm cậu vẫn còn chưa chấp nhận hoàn toàn chuyện một người đàn ông trước đó là cha của mình, sau khi cải giới lại trở thành mẹ. Chuyện này đúng là không dễ thỏa hiệp chút nào, bạn thử nghĩ mà xem! Và lúc nhận thấy Yuichi đau khổ và suy sụp tới thế nào khi Eriko bị sát hại, tôi lại nhận ra thật sự Yuichi rất yêu Eriko, bất chấp tính bốc đồng đôi khi của cô, hay thậm chí là những lằng nhằng xung quanh chuyện cải giới. Vậy mới thấy rằng, một cậu chàng tốt bụng, đĩnh đạc, có cái vẻ hơi khó hiểu, cô đơn và lặng lẽ như thế cũng có lúc rất cần những vòng tay.

Có một ý nghĩ rất lạ lùng nảy ra trong tôi khi Kitchen khép lại: những cái chết là kết thúc của một cuộc đời, nhưng lại là khởi đầu đầy tươi sáng cho nhiều câu chuyện tuyệt vời khác. Cái chết của bà Mikage đưa cô đến với gia đình Yuichi, giúp cô gặp được những con người tốt bụng mà một trong số đó sau này sẽ trở thành “người đặc biệt”, cho cô cơ hội thử sức với niềm đam mê nấu ăn của mình trong căn bếp cô rất đỗi yêu quý, từ bỏ cả trường học... mà nếu còn quẩn quanh trong cuộc sống cũ chắc cô sẽ chẳng khi nào đủ can đảm làm điều tương tự. Cái chết của Eriko là hoàn cảnh, là nơi cho tình yêu giữa Mikage và Yuichi nảy mầm. Không phải là ngay lập tức, nhưng cũng không xa hơn cái ngay lập tức là bao. Nếu không có biến cố đó, có lẽ mối quan hệ giữa Mikage và Yuichi sẽ cứ mãi dừng lại ở tình bạn, cho dù họ đã từng đồng điệu tới mức mơ cùng một giấc mơ. Có lẽ sự đồng cảm về những mất mát có sức mạnh lớn lao quá chăng? Hai người họ cứ mãi băn khoăn về mối quan hệ của họ, mệt mỏi vì những mất mát mình phải trải qua tới mức có lúc muốn rời xa nhau, rồi cũng chính mất mát đó lại là sợi dây kéo hai tâm hồn về lại. Hạnh phúc, nghĩa là một cuộc đời không bao giờ phải cảm thấy rằng, thực ra ta chỉ có một mình. Ồ, vậy thì họ hẳn đã hạnh phúc rồi!


“Kitchen” nghĩa là “cái bếp”, nhưng Kitchen không chỉ là câu chuyện về cái bếp. Có chút cảm giác kì quặc đầu tiên khi tôi thấy một cô gái có sở thích đặc biệt đối với những căn bếp, dù là một căn bếp bóng bẩy, gọn gàng hay một căn bếp bẩn thỉu dính đầy dầu mỡ. Thích tới nỗi sau khi bà mất, nơi Mikage ngủ ngon nhất không phải là trên giường chăn ấm đệm êm mà lại là trên sàn phòng bếp cạnh chiếc tủ lạnh, thật lạ đời nhỉ? Rồi tôi cũng hiểu ra, căn bếp mới là nơi cho Mikage cảm giác bình yên, nơi ngọn lửa mang hơi thở gia đình, hơi người, nơi cô được làm công việc mình yêu thích. Bởi vậy!

Giữa những cái chết và nỗi cô đơn lạnh lẽo vẫn còn những hơi ấm. Giữa những cuộc chia li, có những người ở lại, sẻ chia. Thế và chúng ta có một kết thúc hậu hĩnh và ngọt ngào sau tất cả những buồn bã của ngày qua. Đoạn này, lúc Mikage quyết định rằng cô và Yuichi nên ở bên nhau sau khi lặn lội từ thành phố này sang thành phố khác trong đêm khuya và phải mình tự leo lên cửa sổ phòng Yuichi chỉ để mang cho cậu một tô mì nóng:

[…] Buông đũa xuống, Yuichi nhìn thẳng vào mắt tôi và nói:
- Có lẽ trong đời, mình chưa được ăn một tô katsudon nào như thế này… Ngon quá đi mất.
- Ừ. - Tôi cười.
- Lần này thật là mất mặt quá. Lần tới, mình sẽ tỏ ra đàn ông hơn, sẽ cho cậu thấy mình mạnh mẽ như thế nào. - Yuichi cũng cười.
- Cậu sẽ thử xé nát cuốn danh bạ điện thoại trước mặt mình chứ?
- À phải rồi, mình sẽ nhấc bổng chiếc xe đạp lên và ném nó văng đi thật xa.
- Rồi đẩy cho chiếc xe tải đâm dúi vào tường nữa chứ.
- Ồ không, như thế chỉ ra dáng một kẻ vai u thịt bắp mà thôi.
Nụ cười của Yuichi bỗng ngời lên lấp lánh, và tôi nhận ra rằng, mình vừa đẩy “cái gì đó” dịch chuyển đi thì phải, tất nhiên là chỉ một vài xăng-ti-mét thôi. […]


Một lời tỏ tình đáng yêu. Con gái cũng có lúc cần chủ động quá đi chứ! Còn “cái gì đó” kia, theo tài đoán mò của tôi thì nó là một vật ngáng đường, có thể là ở trong tâm trí hai người, hoặc là vật cản giữa hai người họ, mà cũng có thể là Mikage đụng phải thứ gì đó làm nó di chuyển đi theo đúng nghĩa đen. Cái đó, tùy bạn tưởng tượng. :P



Tìm đọc Kitchen tại Gác Sách: http://gacsach.com/gioi-thieu-sach/23423/kitchen.html

Bài viết tại Diễn đàn.

Người viết: Fuju.


Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3