[Cảm nhận] Tottochan, cô bé ngồi bên cửa sổ: Cho phép được là chính mình.
“Tất cả những gì con người đã làm, nghĩ hoặc trở thành: được bảo tồn một cách kì diệu trên những trang sách”
Tôi còn nhớ Thomas Carlyle đã nói như vậy, về điều kì diệu mà mỗi quyển sách mang đến cho chúng ta để khi lật giở, ta tìm thấy những gì mình đã làm, đã từng suy nghĩ hay từng khát khao được trở thành; về một vùng đất mới nào đó sẽ mở ra, khi tâm hồn mỗi người được phép trượt dài trong ánh sáng của những con chữ nối nhau kéo dài hằng thế kỉ, và sẽ dẫn dắt con người ta đến với một thế giới mới - nơi trí tuệ và tâm hồn hòa làm một. Dĩ nhiên tôi không hề mảy may nghi ngờ điều đó. Một quyển sách, đến vào đúng thời điểm, có thể làm cho cuộc sống của bạn rẽ sang hướng khác.
Tôi còn nhớ vào một chiều không nắng, vài gợn mây lững lờ trôi gợi nhắc đến cái “mạn mạn độ thiên không” trong thơ Bác, trên tay tôi là quyển sách của ba tặng cho vào dịp sinh nhật thứ 14, với bìa sách không thể ngọt ngào hơn: Tottochan, cô bé ngồi bên cửa sổ. Một cô bé, theo trí nhớ của tôi, đầu đội mũ vành sẫm màu, quần áo và cả tất (vớ) đều trắng tinh, gương mặt mũm mỉm và hai má ửng hồng. Một cô bé đáng yêu ngay cả trong trí tưởng tượng của những người thiết kế.
Kuroyanagi Tetsuko, tác giả của cuốn sách này, cũng chính là nhân vật bé Totto tự kể chuyện mình, là một người mà theo tôi nghĩ là hiểu trẻ con còn hơn cả hiểu chính bản thân mình. Với phong cách đặc biệt dành riêng cho thiếu nhi, Tottochan cùng Tetsuko là những cái tên được đặc biệt nhắc đến tại Nhật Bản.
Có một điều chắc chắn rằng, bất cứ cuốn sách nào cũng đều hàm chứa một điều kì diệu nào đó cần được khám phá. Riêng đối với tôi, Tottochan, cô bé ngồi bên cửa sổ không chỉ là một cuốn sách khơi gợi sự khám phá, mà còn là một cuốn sách làm thay đổi nhận thức, thay đổi suy nghĩ và đi theo tôi mãi đến tận bây giờ, tôi mới dám cầm bút viết về nó. Tôi thực sự đã cảm thấy như thế, bởi ngay sau đó, chuỗi ngày Tottochan đã sống cứ như thoát khỏi trang sách và hiện hữu trong cuộc đời tôi. Có lúc tôi còn tưởng rằng mình và cô bé đã hòa làm một.
Tottochan, nghĩa là bé Totto, là một cô bé nghịch ngợm, hoạt bát và đam mê khám phá. Sở dĩ hình ảnh cô bé bên cửa sổ thu hút tôi bởi nét ngây ngô, đáng yêu mà bây giờ thật hiếm thấy ở các trẻ nhỏ khi bị lý thuyết và khuôn mẫu chèn ép. Chỉ riêng việc đóng-mở nắp bàn liên tục, vẽ cờ tổ quốc lan ra cả bàn học vì thiếu giấy, gọi những người hát rong đến và nói chuyện hay hỏi một chú chim nhạn đang làm gì ngay trong giờ học cũng đều cho tôi thấy một điều duy nhất: Totto là một cô bé không giống ai và điều đó đã làm nên nét đáng yêu mà cũng không ai có thể bắt chước được. Và cũng vì lẽ đó cô bé bị thôi học ngay từ cấp 1. Có thể ai đó sẽ cho rằng thật ngớ ngẩn hay quá sức hư đốn, tôi sẽ cho rằng đó là lãng mạn. Lãng là sóng, mạn là bờ, một con sóng tràn bờ, vượt khỏi bờ cát là hình ảnh thiên nhiên tuyệt vời nhất tôi từng được biết, cũng giống như Totto, vượt qua cả những khuôn mẫu về một đứa trẻ luôn làm theo những gì người lớn chỉ bảo cho chúng, để từ đó ta có thể tiếp cận với hình tượng một cô bé bay bổng có tâm hồn hết sức trẻ thơ, trong sáng, đáng yêu. Và tôi nhận ra được một điều rằng, dù trong xã hội đương thời chúng ta đang sống, với những quy định nghiêm ngặt, những điều cấm kị, những định kiến hay giáo dục khô cứng, thì sâu trong tâm hồn mỗi người, ở một góc nhỏ nào đó trong trái tim, một ngọn lửa nhỏ của niềm khát khao được thoát khỏi thực tại, được tự do trong thế giới của chính mình để theo đuổi đam mê mà không một vướng bận nào có thể cản đường, vẫn luôn được nhen nhóm, chờ một ngày nào đó bừng lên, đốt cháy những điều vô nghĩa còn tồn tại. Tôi cho rằng trẻ con nên đọc Tottochan, người lớn lại càng phải đọc Tottochan.
Lại nói đến Thomas Carlyle với những câu danh ngôn tiểu biểu, tôi có: “Chúng ta sẽ trở thành gì phụ thuộc vào điều chúng ta đọc sau khi tất cả các thầy cô giáo đã xong việc với chúng ta. Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở.” Và điều này làm tôi ngay lập tức nhớ đến người thầy giáo tuyệt nhất trên đời, thầy Kobayashi Sosaku cùng với ngôi trường có một không hai của người, trường Tomoe. Thầy và ngôi trường của mình, không giống những người thầy khác hay những ngôi trường khác. Sự khác biệt lớn đên nỗi ta dường như tin rằng giấc mơ thần tiên bỗng chốc hóa thành sự thật. Trường Tomoe có lớp học là những toa tàu cũ, cả trường chỉ có năm mươi học sinh, ai cũng đặc biệt như Totto-chan và thậm chí có cả những em bị khuyết tật. Nhưng vượt qua những trở ngại và khác biệt tính cách, các học sinh ở Tomoe đều hoà hợp với nhau như anh em một nhà. Thầy hiệu trưởng Kobayashi tôn trọng học sinh của mình, luôn để chúng tự do phát huy cá tính, khả năng bẩm sinh. Thầy là người thầy hiệu trưởng đầu tiên mà tôi biết, có thể ngồi chăm chú lắng nghe Totto kể chuyện suốt bốn tiếng đồng hồ. Một câu nói làm nên hình ảnh thầy Kobayashi mà ta nên biết: “Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa.”Người thầy hiệu trưởng vĩ đại trong tim các học sinh Tomoe, hẳn không phải một người chỉ “chăm chút cho ngôi trường của mình” mà còn biết “chăm chút cho ngôi trường của mình theo đúng ý thích của các em.” Và luôn làm mọi thứ vì ước mơ của các em. Ở Tomoe không có thời khoá biểu nhất định, học sinh thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước và những môn không thích thì học sau cùng. Các thầy cô chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn các em khi cần và cho bài tập. Nhà trường còn tổ chức cắm trại, đi du lịch cho các em được mở mang tầm mắt, gần gũi với thiên nhiên. Suy cho cùng, tất cả những điều trên đều hướng đến một mục đích duy nhất: tạo ra một môi trường lành mạnh và tự do, để các học sinh có thể thoải mái làm những gì chúng muốn và phát triển theo đúng năng lực mà chúng có. Tôi thật ra chẳng biết làm gì hơn ngoài việc mong muốn một môi trường như thế. Trong tiềm thức tôi còn tưởng kiếp trước đã có một ngôi trường như thế tồn tại. Tôi say mê với điều đó. Tôi từng tìm kiếm một nền giáo dục như thế, như thể học sinh và giáo viên chẳng khác gì những người bạn, chỉ có điều người đi trước sẽ dẫn bước người phía sau, không khoảng cách, không e dè. Như thể nếu được, mỗi ngày đến trường luôn thực sự là một ngày vui. Và thêm một điều tôi cần nói, đời thực không thiếu những điều diệu kì như vậy, chỉ là sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi mới hiểu ra rằng không nên đánh giá một vấn đề chỉ qua sách vở. Nền giáo dục có thật sự tốt đẹp hay không, còn tùy thuộc vào cách ta nhìn nhận nó, và hiểu được nó.
Nhờ sự giáo dục của thầy hiệu trưởng Kobayashi, học sinh Tomoe đều trở thành những người tốt và thành đạt trong xã hội. Mặc dù trường Tomoe chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi rồi bị bom đạn của thế chiến thứ hai phá sập, toàn bộ học sinh luôn luôn khắc ghi ngôi trường trong kí ức của họ, đặc biệt là Totto-chan. Cô bé vẫn nhớ mãi lời thầy Kobayashi nói: "Em thật là một cô bé ngoan". Nhà văn Tetsuko từng tâm sự: "Nếu không học ở Tomoe, nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác ‘đứa bé hư’ mà mọi người gán cho". Có lẽ, sau tất cả thì điều duy nhất mà sách không dạy ta, chính là sự biết ơn sâu sắc đối với những người như thế. Đó là cha, là mẹ, là thầy cô, là bạn bè. Tôi tin trong con người nào cũng vậy, thực sự nhận ra điều kì diệu mà cuộc sống ban tặng: những người thân xung quanh, không phải qua chỉ dạy của sách vở, mà là khi ta không còn được bên họ hay đã thực sự mất họ. Duy có một điều, đó là đừng bao giờ đánh mất bản thân và hãy luôn tin tưởng vào những điều kì diệu, một ngày nào đó ta sẽ phải cảm ơn chúng vì chúng đã mang những con người như thế đến với cuộc đời mình.
Không phải là những giáo lý khô cứng, không phải sách triết học, càng không phải là những cuốn sách trau dồi kiến thức hay dạy ta cách làm giàu. Với tôi, cuốn sách ý nghĩa nhất đời mình chính là cuốn sách dạy ta sống đúng với bản thân, cho phép ta được là chính mình. Tottochan đã giống như một người bạn, trò chuyện cùng tôi vào thời điểm tôi thấy chán ghét bản thân nhất. Dù bạn đã biết hay chưa từng nghe qua, hãy bỏ thời gian để đọc nó. Rồi bạn sẽ thấy dù có tính bằng giờ đồng hồ, chẳng có gì là lãng phí thời gian cả. Cuốn sách xứng đáng bởi một điều nó mang lại: thay đổi hoàn toàn con người bạn. Tôi khẳng định như thể bởi, khi gấp lại cuổn sách cũng vào một chiều “cô vân mạn mạn”, tôi tìm lại được chính mình với niềm đam mê nghệ thuật đã chực tắt, bỗng bừng nắng như lý tưởng cao đẹp mà Tố Hữu từng nói. Nếu được phép chọn một món quà, tôi luôn chọn sách, nếu được chọn một người bạn đời tri kỉ cùng chia sẻ tâm tư, tôi cũng vẫn sẵn sàng chọn sách. Đúng như Robertson Davies đã nói: “Cuốn sách tốt nhất cho bạn là cuốn sách nói nhiều nhất với bạn vào lúc bạn đọc nó.”
Nếu bạn muốn tặng ai đó một món quà, tôi xin đưa ra một đề nghị nho nhỏ: bạn hãy tặng họ 1 quyển sách. Có thể nó không tạo ra một bước ngoặt, không thay đổi cuộc đời họ, mà chỉ đơn giản là làm họ thêm yêu đời là đã đủ rồi. Sẽ chẳng bao giờ là quá muộn để bắt đầu sống thực sự, và đôi khi quá trình ấy được khởi đầu, hoặc thúc đẩy nhờ vào một quyển sách đến đúng thời điểm.
Bài viết tại Diễn đàn Gác Sách.
Người viết: Min Hyerin