Hoa sen xanh – hơn cả một cuốn ngôn tình xuất sắc

Hoa sen xanh không tràn đầy tình yêu, những cảm giác bi ai, khắc khoải, đau đớn hay dạt dào yêu thương như Đức Phật và Nàng. Cũng không có 1 tình yêu khắc cốt ghi tâm như Rajiva và Ngải Tình. Đọc Đức Phật và Nàng tôi khóc nhưng khi đọc kết thúc tôi thấy mãn nguyện. Nhưng khi gấp Hoa sen xanh lại, tôi buồn và xót xa tới thắt lòng về số phận bể dâu đầy đau thương của Bát Tư Ba, của Kháp Na, của Tiểu Lam, của Mukaton, của Chân Kim….

Tôi thương tất cả những người vợ của Kháp Na và Dharma. Là phụ nữ ai chẳng muốn chồng quan tâm, yêu thương mình hết mực. Nên khi Kháp Na và Dharma hờ hững hoặc quan tâm tới người khác, họ phát đên lên, tìm đủ mọi cách để gây sự chú ý là điều có thể hiểu được. Đàn bà một khi đã ghen và ra tay thì rất khủng khiếp, mặc dù không bằng đàn ông nhưng cũng chả kém phần khốc liệt. Thế nhưng cuối cùng họ cũng phải trả một cái giá quá đắt. Tất cả chỉ bởi  vì đó là những cuộc hôn nhân chính trị, họ chỉ là những nạn nhân của chế độ, của những suy nghĩ áp chế thời đó. Họ đâu có quyền lựa chọn hạnh phúc cho mình, họ chỉ biết giãy giụa cho tới lúc chết giữa những rào cản, bi kịch và uất ức.

Còn Kháp Na – chàng cũng tiếp tục là một nạn nhân của thời đại, cuộc đời chàng quá đỗi bi thảm. 3 cuộc hôn nhân chính trị, mà cuộc hôn nhân đầu tiên với Mukaton là một nỗi ám ảnh sợ sệt suốt thời thơ bé đã khiến chàng kiệt quệ tinh thần lẫn thể xác. Chàng vùng vẫy chới với giữa những bi kịch của bản thân, của sức nặng phải có con nối dõi  của giáo phái đè lên đôi vai mình. Trong cuộc đời Kháp Na, có lẽ chỉ có 3 khoảnh khắc vui nhất đó là lúc chàng ôm hồ ly Tiểu Lam từ tay Bát Tư Ba vào lòng khi còn bé, là lúc chàng quay lại căn phòng cũ ở Sakya – nơi mẹ chàng đã nuôi chàng và Bát Tư Ba hồi còn bé tí, nhìn lại những kỉ vật thời thơ ấu êm đềm và lúc chàng cưới được Tiểu Lam.  Tưởng Tiểu Lam là ánh sáng duy nhất trong cuộc đời chàng nhưng ánh sáng đó cũng chỉ tồn tại được gần 2 năm và chàng bị chính người thân nhất của mình từ bé tới lớn đầu độc. Kháp Na ra đi khi chưa biết mặt con, khi không kịp gặp Bát Tư Ba lần cuối, khi không thể thực hiện lời hứa rời xa nhân tình thế thái đưa Tiểu Lam nới một nơi xa xôi hẻo lánh sống một cuộc đời bình dị và hạnh phúc. Cuối cùng chàng cũng ra đi kết thúc cuộc đời đầy đau khổ của mình.

Tiểu Lam – nàng yêu Bát Tư Ba suốt bao nhiêu năm. Chầm chậm từng bước tu luyện chỉ mong có thể hóa thành người. Ngày Bát Tư Ba thọ giới Tỷ Khâu, chỉ vì cứu một bàn thua trông thấy cho Bát Tư Ba mà nàng không đủ linh khí biến thành người. Có lẽ từ lúc đó Tiểu Lam biết nàng chẳng thể tranh nổi Bát Tư Ba với Đức Phật. Càng về sau, Tiểu Lam càng dần tuyệt vọng với mối tình này khi Bát Tư Ba trở nên xa lánh, cố gắng không đụng chạm vào nàng, gần như lờ nàng đi. Tiểu Lam trong sáng tới thánh thiện khi nàng không nhìn vào ánh mắt đau xót, khắc khoải, bất lực và thâm trầm sâu hun hút của Bát Tư Ba. Và khi đã mệt mỏi với mối tình này, có lẽ hồ ly Lam Kha Mai Đóa đã dần học được những đức tính của con người là hãy trân trọng những hạnh phúc ở ngay bên cạnh mình. Vì thế, Tiểu Lam đã nhận ra nàng đã yêu Kháp Na từ lúc nào không hay. Những cảm giác ấm áp, được chia sẻ, được quan tâm, được nâng niu và chiều chuộng mà Bát Tư Ba không thể đem tới cho nàng, thì nàng có thể tìm thấy trong vòng tay của Kháp Na. Đó cũng là điều dễ hiểu. Và cũng là niềm an ủi duy nhất mà Chương Xuân Di dành cho Kháp Na. Nhưng Tiểu Lam cũng đau tới xé lòng, cũng đã nếm trải mọi cay đắng và đau khổ khi chứng kiến Kháp Na chết trên tay mình, khi chứng kiến Bát Tư Ba ra đi sau khi yêu chàng thiết tha và sâu sắc, khi chết lặng và đau buốt tim khi không về kịp lúc con trai nàng – Dharma trút hơi thở cuối cùng. Tiểu Lam hối hận khôn nguôi vì nàng đã không dành thời gian cho con từ lúc nó còn bé. Cuộc đời của một người phụ nữ, còn gì thống khổ và bi thương hơn lần lượt nhìn chồng và con mình ra đi ngay trước mắt mình?

Bát Tư Ba – trên vai chàng là gánh nặng gây dựng lại cả giáo phái và đưa Sakya trở thành giáo phái mạnh nhất Tây Tạng thời hỗn loạn chia năm sẻ 7 đó. Chàng cống hiến cả cuộc đời mình vì lý tưởng đó, hi sinh hạnh phúc của bản thân. Công lao của Bát Tư Ba đối với lịch sử Tây Tạng, với phái Sakya và bản đồ TQ lớn hơn bất cứ nhà sư nào trước đó. Chàng yêu Tiểu Lam đâu có kém gì Kháp Na nhưng chàng không thể chạm được vào người nàng vì bùa chú của Ban Trí Đạt. Còn  gì đau khổ hơn khi chính tay chàng phải đẩy Tiểu Lam đến với Kháp Na, nhìn thấy nàng hạnh phúc. Bát Tư Ba đâu tiếc 10 năm dương thọ, đồng ý ngay lập tức chỉ một lòng cầu cho Tiểu Lam có thể hồi phục mặc dù 10 năm đối với một vị đế sư như chàng quan trọng biết nhường nào. Cả cuộc đời chàng là chuỗi ngày mệt mỏi cố gắng tới kiệt sức vì lý tưởng, vì kiến thức, vì xây dựng và cũng cố sức mạnh giáo phái, vì làm vừa lòng vị quân vương Hốt Tất Liệt. Lúc nào chàng cũng phải đè nén tình cảm của mình xuống tận đáy lòng, không thể nói cho ai biết, âm thầm và lặng lẽ giấu nỗi đau và nỗi buồn vào tim. Lúc nào chàng cũng bị dằn vặt  giằng xé mãnh liệt giữa một bên là gia tộc, một bên là tình yêu của cả đời mình.  Hình như từ khi nhỏ tới khi lớn Bát Tư Ba chưa được một giây phút nghỉ ngơi, thanh thản thực sự nào.Chàng không yêu và cũng không cảm nhận cảm giác được yêu nó như thế nào. Cho đến vài năm cuối đời, khi thân xác đã héo mòn, tàn tạ, nỗi mệt mỏi đã lên tới cùng cực thì chàng mới được ở bên Tiểu Lam. Nhưng lại không thể chạm vào nàng, vì mỗi lần chạm  vào là một lần chàng đau đớn như bị thiêu cháy. Tôi cũng cảm thấy hoảng hốt khi  chàng dần dần chịu đựng được những đau đớn của cơ thể khi gần gũi Tiểu Lam, vì như vậy có nghĩa sinh lực của chàng đang cạn dần, chàng đang cận kề với cái chết. Yêu Tiểu Lam ngần ấy năm tháng vậy mà chàng chỉ được hôn người yêu khi chuẩn bị ra đi. Tình yêu này nghiệt ngã biết chừng nào.

Tôi tin rằng Tiểu Lam yêu cả Kháp Na và Bát Tư Ba. Một người con gái có thể yêu đơn phương, đó cũng là một mối tình sâu sắc. Rồi cô gái đó gặp được một người yêu mình thật sự, cô yêu và được yêu lại, cô đắm chìm trong hạnh phúc của mối tình đầu viên mãn. Tình đầu thường dang dở mặc dù đẹp. Và khi người ta đã trưởng thành, đã có đầy đủ những kinh nghiệm, va vấp về nhân tình thế thái thì mối tình cuối cùng là mối tình thiết tha nhất. Tiểu Lam là cô gái đó, càng may mắn cho Tiểu Lam khi mối tình đơn phương và mối tình cuối cùng của cô là một người và cô được cả Bát Tư Ba và KHáp Na yêu thương chân tình như thế.

Khi đọc tới kết cục, tôi cảm thấy có đôi chút giống kết thúc của Liệt Hỏa Như Ca khi Tuyết và Ngọc tự hàn cùng nhập làm một. Thì ở đây, chàng trai trẻ cũng không nói hẳn là ai, thậm chí có thể là hai người Kháp Na và Bát Tư Ba vì xá lợi của hai người đã từng nhập chung vào viên ngọc Tiểu Lam đeo trên cổ. Hoặc cũng có thể chắc chắn chàng trai đó là Bát Tư Ba khi ở cuối truyện chiếc vòng tay hoa sen lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời khi chàng trai và Tiểu Lam giơ cao đôi bàn tay siết chặt. Kết cục sẽ do mỗi người tự định đoạt đó là Kháp Na, là Bát Tư Ba hay là cả hai người họ.

Trong Đức Phật và Nàng chủ yếu là chuyện tình của Rajiva và Ngải Tình vì Rajiva có đất diễn, sử sách cũng đã ghi chép lại việc lấy vợ của ngài và rất nhiều những thông tin liên quan tới việc đó. Nhưng Bát Tư Ba khác, sử sách không ghi chép lại bất cứ một sự tồn tại của bóng hồng nào trong cuộc đời của ngài. Chương Xuân Di cũng không thể bịa ra một chuyện tình long trời lở đất vì cô ấy tôn trọng lich sử. Thế nên nụ hôn đầu tiên và cũng là cuối cùng trước khi Bát Tư Ba ra đi là cực hạn tối đa mà tác giả có thể cho phép mình viết về chuyện tình ái của ngài.

Tôi thực sự khâm phục Chương Xuân Di khi cô đã truyển tải một lượng kiến thức đồ sộ và cực kì dầy công sưu tập thông qua Hoa sen xanh. Tôi cũng cám ơn luôn bạn Lương Hiền đã dịch cuốn thứ 2 này mượt mà và sinh động không kém gì quyển trước. Tôi có thể hình dung ra cảnh cô ấy đi khắp nơi ở Tây Tạng, đặc biệt sẽ nghiên cứu tỉ mỉ tu viện Sakya hàng tuần liền để sưu tầm, cóp nhặt những thông tin để  cuốn tiểu thuyết tuy viết về lịch sử dưới dạng ngôn tình trở nên hấp dẫn, chân thực, có hồn và cực kì sinh động. Đối với một người đã đi và cuồng Tây Tạng như tôi, nó càng hấp dẫn hơn gấp tỉ lần vì tôi có thể hiểu được rất nhiều về lịch sử của vùng đất đó. 700 năm sau tôi đã đi qua những nơi mà Bát Tư Ba và Kháp Na đã đi như Lhasa, Shalu, Namtso, Shigatse, đặc biệt tôi đã đứng trên tu viện Sakya mà Bát Tư Ba đã dầy công xây dựng. Đó không phải là một điều tuyệt vời hay sao?

Little Princess

Link đọc trực tuyến:

Quyển 1:

http://alobooks.vn/doc-sach-truc-tuyen/58108/duc-phat-va-nang-hoa-sen-xa...

Quyển 2:

http://alobooks.vn/gioi-thieu-sach/58410/duc-phat-va-nang-hoa-sen-xanh-q...

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3