[Cảm nhận] Jinđô: Đường từ khung thành về trái tim
--- o0o ---
Hôm nay có một nỗi buồn bóng đá. Cứ mỗi bốn năm là lại có một cơn hồi hộp, có khi vui sướng chảy nước miếng, có khi thất vọng đến đau tim. Một đội bóng thi đấu ở đấu trường quốc tế, nếu không chiến thắng thì vài năm sau lại có cơ hội mới. Với những cầu thủ thì không như thế, có khi bốn năm trôi qua thì họ đã hết thời, đỉnh cao sự nghiệp bắt đầu lụi tàn nhường chỗ lại cho những người trẻ hơn. Giống như nỗi buồn của những cầu thủ sắp hết thời chơi trận đấu cuối cùng của giải lớn, nỗi buồn bóng đá khi thua chung kết cuộc thi đấu cuối cấp như lớp mình năm ấy, mãi mãi không bao giờ có cơ hội để phục thù. Bóng đá dường như gắn bó với lớp chúng ta qua từng năm tháng, do đó truyện tranh về bóng đá đương nhiên là thứ không thể thiếu của lớp mình.
Lớp cấp hai bọn mình bình thường cả đám không ưa gì nhau. Mở miệng toàn nói xấu, xỉa xói, chia bè chia phái, chí chóe đủ thứ chuyện trẻ con giờ nghĩ lại chả biết là vì cái chuyện quái gì mà cãi nhau um sùm, có lẽ chỉ vì lúc đó… bị khùng vì rối loạn hóc-môn tuổi dậy thì. Thế nhưng mỗi lần nhóc K. đem truyện Đường Dẫn Đến Khung Thành (ĐDĐKT) vào thì đám bọn mình… còn cãi nhau nhiều hơn vì tranh nhau đọc truyện giữa giờ chuyển lớp hay giờ ra chơi (nhiều khi đọc trong cả giờ nghe giảng môn Giáo Dục Công Dân nữa). Bởi vậy, cứ mỗi mùa có giải đấu lớn, tao lại hay lên mạng đọc lại bộ truyện này, nhớ lại một thời xem tụi bay đá bóng ở sân Phú Thọ, một thời cùng nhau bàn luận những trận đấu trên truyền hình lẫn trong truyện, và một thời hồi hộp chờ truyện ra mỗi tuần, nhất là những tập cuối vào trận chung kết. Nhiều khi càng nghĩ càng thấy lớp mình trường mình cũng có nhiều nhân vật như trong truyện ĐDĐKT, và càng thấy truyện ĐDĐKT cũng như một thế giới thu nhỏ của đám học trò cấp hai nhí nhố chúng ta.
Tao với mày hay ngồi rủa thầm, không biết truyện tranh ngày nay bọn chúng viết cái gì mà đến nỗi một phụ huynh của em thần đồng nào đó đã phán một câu “Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn.” Nhưng nghĩ lại có lẽ bố mẹ ở thời đại nào đọc được những câu nói kinh hoàng, hay những trò nghịch phá của tên nhóc Lùn mã tử Jinđô (Itto) cũng sẽ phán một câu y chang trên. Hầu như cầu thủ của đội bạn nào sắp sửa thi đấu với đội Suya (Seiga) cũng bị cậu lùn này vô tình hay cố ý chơi cho một mẻ, người hiền lành đến mấy cũng phải nổi điên. Thế nhưng thời học sinh nào không đọc truyện tranh, không có vài trò ma mãnh để đời thì còn gì vui, còn đâu tâm hồn tuổi trẻ (để cho sâu nó đục khoét).
Xem hình trên kia thì ai cũng biết cậu Jinđô này cá biệt cỡ nào rồi. Từ một kẻ chỉ biết múa võ, cậu đã đem “tài năng” trời đánh của mình vào sân cỏ, để rồi mỗi trận lội ngược dòng thi đấu với đối thủ xuất sắc hơn, cậu luôn đem về bất ngờ cho các fan của đội Suya. Bất ngờ cho fan trong truyện thôi, chứ còn độc giả thì ai lại chả biết trước trận nào đội cũng sẽ thắng (trừ trận chung kết lần thứ nhất vì tác giả còn phải kéo dài truyện ra năm cuối cấp để câu khách). Nhưng có lẽ độc giả cũng bất ngờ thật vì những chiêu ghi bàn bằng chân, bằng bụng, bằng đầu, bằng lưỡi, thậm chí bằng… mông của cậu chàng. Những đoạn hài hước trong truyện Jinđô đã làm cả bọn chúng mình không biết bao nhiêu lần nhịn cười khục khịch trong giờ học.
Lớp mình cũng có cậu bạn cá biệt nhất trường, nhưng không có nghĩa là đám… nít quỷ còn lại là ngoan hiền là không biết quậy phá. Bọn mình không ghê gớm đến nỗi cắt tóc người khác đến cụt lủn đến nỗi họ ra đường không dám gặp ai như Jinđô, nhưng bọn mình cũng tranh thủ lúc đứng lên chào cô là vẽ phấn đầy ghế của đứa ngồi bàn trước, để đến lúc tan học đi hết cả đoạn đường về đến nhà tụi nó mới phát hiện ra trên mông quần mình có mấy trái tim rướm máu nhiễu.. tạch… tạch… tạch… Bọn mình hay gây thù chuốc oán nhưng cũng không đánh dập mặt bọn A3 kế bên như Jinđô đánh bầm dập bọn cầu thủ đội bạn hay chơi xấu, cùng lắm chỉ là đồng tâm hiệp lực mỗi giờ trực nhật cuối tuần đợi đến bọn nó về rồi thì quét rác sang sân nó để giám thị trừ điểm thi đua của lớp nó mà thôi.
Lớp mình cũng có một lớp trưởng rất chững chạc như đội trưởng Máy ủi Yara (Yura) của đội Suya, luôn luôn vì đồng đội dù bản thân cũng đã thương tích đầy mình. Lớp trưởng rất chính trực, không để cho lớp gây sự với lớp khác, cho nên bọn mình phải chơi trò.. méc cô (Thật nhục nhã, nhưng kết quả cũng khá lý tưởng! Hê hê!). Lớp trưởng cũng rất gương mẫu, luôn học thuộc bài để mỗi lần có bạn nào lên bảng trả bài mà có mùi chưa thuộc bài là cậu sẽ … ngồi dưới nhép miệng nhắc. Nhưng dù thế nào, mỗi khi nghĩ về lớp trưởng là đứa nào cũng thấy có một niềm tự hào vì được "chăn dắt" và "che chở" bởi một bạn đỉnh đỉnh nam nhi như thế. Tinh thần của lớp cũng như tinh thần của một đội bóng, là do đội trưởng thổi vào.
Thật ra ngoài đội trưởng Yura thì cả Jinđô cũng có đức tính tốt là rất kiên trì, không bao giờ bỏ cuộc trong trận đấu nào. Tinh thần chiến đấu đến cùng (điếc không sợ súng) của cậu luôn làm cho đồng đội yên tâm dựa dẫm tiếp tục thi đấu. Đó là bài học kiên trì mà bọn mình học hỏi được từ nhân vật cá biệt này. Nhưng thôi không nói đến cậu này nữa, vì (tao) đang viết để nộp dự thi nên xin giới thiệu một nhân vật khác mà mình yêu thích (chuyển giọng ngọt ngào để câu "lai" ). Trong truyện có một hậu vệ quét mang áo số 8, trong bản cũ của Nhà xuất bản Kim Đồng được đặt tên là Iosha, sang bộ mới thì đổi thành Miyake. Có lẽ bản thân mình thích phá đám đội bạn, nhưng lại không có kế sách để ghi bàn nên cũng chỉ chơi được ở hàng hậu vệ, cho nên lúc nào mình cũng thích những cầu thủ hậu vệ hơn những cầu thủ ở vị trí khác. Nhưng Ioshayake thì không phá đám đội bạn như thế. Nhìn cậu chơi bóng trong truyện, mình luôn nghĩ đến hậu vệ trứ danh Maldini, đầy kỹ thuật và không chơi xấu. Và nghe nói là hình ảnh của Ioshayake được vẽ như hình tự họa của tác giả Motoki Monma với “tóc đuôi ngựa thần thánh,” cho nên mình càng yêu thích nhân vật này hơn.
Ban đầu khi đọc bộ mới của truyện ra đời, được NXB Kim Đồng dịch lại, thì bọn mình đã ỉ ôi là không hay bằng bộ cũ, dù bộ mới “nghe đồn” là được dịch sát nghĩa hơn. Nhưng đọc đi đọc lại vài lần thì nhận thấy bộ nào cũng có nét hay của nó, và không bộ nào bị mất đi tình bạn chân thành giữa các đồng đội với nhau. Iosha hay Miyake thì cũng vẫn là một chàng trai Ioshayake có niềm đam mê, vượt trở ngại vì chấn thương và vì tình bạn, vì tinh thần đồng đội mà chiến đấu. Xem thử hai lối dịch từ bản cũ và bản mới sau đây, các bạn thấy có đúng không?
Và đương nhiên, trường nào cũng có một hai anh chàng “xấu mà khoái đóng dấu,” học không lo học, mới lớp tám lớp chín mà đã lo cua gái. Lớp mày thì mày cứ cua đi chớ ai cho mày sang lớp tao để cua? Đã thế thì ta nói xấu mày tràn lan cho chết nhé, vì nhìn bản mặt mày thấy cũng giống tên cầu thủ tóc dài điệu đà (đáng ghét quá nên đã quên béng mất tên) trong hình dưới này quá đi chứ. Thế mới nói, truyện tranh đôi khi phản ánh cuộc sống thật: mấy tên cà chớn mắc dịch càng khó ưa bao nhiêu thì càng hay được lên ti-di bấy nhiêu.
Những chuyện nhỏ tuổi học trò là như thế, nhanh đến cũng nhanh đi, như những năm học thoắt vụt trôi mất. Không mấy ai vẫn gắn bó sau nhiều năm, và tình cảnh mỗi người mỗi ngả của năm học cuối cấp không ai chưa trải qua. Đội Suya cũng vậy, cùng tiến cùng lui, rồi cũng đến lúc chia tay cuối cấp sau trận chung kết đoạt được chức vô địch sau khi thất bại lần đầu. Chỗ này thì có lẽ truyện chưa sát với thực tế cho lắm: Đôi khi cơ hội không đến lại lần thứ hai.
Nhưng, điều đó không có nghĩa là khi cơ hội đến lần đầu, ta đã thất bại vì chưa hết mình. Có lẽ số phận mỗi đội bóng mãi là như thế, nhưng nếu họ đã chơi hết mình rồi lỡ có thất bại cũng không có hối hận gì. Bọn mình cũng vậy, dù có nuối tiếc bao nhiêu thì bọn mình cũng không có hối hận gì vì những quãng thời gian tươi đẹp đó. Quãng thời gian cùng học cùng chơi, là những quãng thời gian chúng ta đã sống hết mình, và đã dành cho nhau những tình cảm chân thật nhất, dù yêu hay ghét. Và dù có mỗi người một ngả thì mãi mãi những kỉ niệm đã cùng chia sẻ trên sân bóng hay trên ghế ngồi (đầy bụi phấn) của nhà trường vẫn đã xảy ra không gì xóa đi được, và vẫn mãi đọng lại đâu đây... từ khung thành về trái tim.
______________
Mời các bạn vào bài đăng trên diễn đàn để giao lưu với bạn conruoinho
- tác giả của bài viết đạt giải nhì, mảng Văn học phương Đông
cuộc thi Viết cảm nhận - Số 1/2014: Tuổi học trò qua trang sách.