[Cảm nhận] [CSTCCT] Chó xanh lông dài: Khi bình yên là chốn quay về
BÀI THAM GIA TRÒ CHƠI "CẢM SÁCH THEO CÁCH CỦA TÔI" - SỐ 1/2015
Người viết CF-S - Thành viên đội bị thách đố
Tiêu đề bài viết: Khi bình yên là chốn quay về
Trong một lần ghé vào Gác Trịnh, tôi đọc được những dòng tâm sự cuối cùng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về Huế, quê hương yêu dấu của ông thế này:“Khi bạn có một xứ sở tuổi thơ để trở về hoặc để thỉnh thoảng trở về thì bạn còn có hạnh phúc nhiều lắm. Ở đó bạn có một dòng sông, một ngọn núi, và bạn tìm lại được những đứa bạn một thời tóc xanh nay đã lốm đốm bạc đầu...”
Quả thật khi chúng ta đã đi qua thời trẻ thơ, lớn dần lên để thấy cuộc đời này hoặc sao quá chật hẹp hoặc quá thênh thang, đến nỗi mỗi bước chân đi - dù đi bằng sự chuyển dịch hay bằng tâm tưởng - đều phải gánh thêm một gánh hoài vọng thì có một chốn tuổi thơ để quay về như Trịnh nói thật vô cùng hạnh phúc. Nhưng, chúng ta lấy chi để quay về khi cuộc sống luôn làm ta vơi cạn từng ngày những ánh nhìn trong trẻo hay nhịp rung động hồn nhiên xưa?
Vậy mà có. Với người nhạc sĩ tài hoa nặng lòng với Huế, sự trở về đó xảy ra thật hữu duyên và thơ mộng, y như cái cách ông hỏi thăm một cô gái Huế trên đường rằng "Huế bây giờ có gì lạ không em?" thì nghe nàng nhỏ nhẹ "Dạ thưa xứ Huế bây giờ, vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương..." Với bạn, biết đâu sự trở về lại là một buổi sáng nào đó bạn đăng nhập Facebook và vỡ òa hạnh phúc khi thấy dòng nhắn gửi kiếm tìm của người bạn thân thiết xưa kia. Còn với tôi khoảnh khắc trở về là khi được nắm lấy bàn tay non mềm của con, đưa con đi chơi trong một buổi chiều yên ả, hoặc khi cùng con ngồi trong khu vườn nho nhỏ phía sau trường học lật từng trang sách, đọc cho con nghe và ngắm nhìn những rung động trong veo trên khuôn mặt phơn phớt măng tơ thơ trẻ ấy.
Đêm qua, tôi lại có dịp “trở về xứ sở tuổi thơ” khi cùng con ngồi đọc “Chó xanh lông dài” trong tiếng mưa rơi đều đều trên mái ngói. Nếu ai từng yêu thích “Cô gà mái xổng chuồng”của nữ tác giả Hwang Sun-mi thì “Chó xanh lông dài” là cuốn sách không thể thiếu trên kệ sách. Còn nếu ai đã từng là thiếu nhi, và bây giờ làm mẹ, hoặc sẽ làm mẹ thì câu chuyện về Lông Dài, con chó nhỏ có bộ lông dài biêng biếc xanh mỗi khi đứng dưới ánh trăng trong cuốn “Chó xanh lông dài” của Sun-mi sẽ là câu chuyện làm rung động đến từng tế bào nhỏ trong tim.
Lông Dài được Vàng Lớn, tức là chó mẹ, sinh ra cùng một lứa với Đốm trắng - con đầu đàn nhưng yếu ớt; Vàng anh, Vàng em – hai con vàng khỏe mạnh nhất bầy, và Đốm út. Năm anh chị em Lông Dài sống trong mảnh sân nhỏ nhà lão To Giọng, một ông lão sống bằng nghề hàn sắt cục mịch nhưng tốt bụng và bà vợ ít nói sáng sáng thường đi bán cá trong làng. Chia sẻ tình yêu thương, sự chăm sóc của hai ông bà già; chia sẻ cả mảnh sân con, luống cải, mái bếp, cây hồng và một góc bờ tường với gia đình Lông Dài là con mèo già tinh ranh nhà hàng xóm và sau này có thêm con gà mái lắm lời đành hanh mỏ đỏ được đặc biệt danh “Em chồng”. Lông Dài quá khác biệt so với các anh em của mình, bộ lông đen kịt cứ dài mãi ra, phủ cả mắt mũi và "chẳng gọn gàng, cũng chẳng giống cha tí nào" như nhận xét của Vàng mẹ nên bị Vàng mẹ và đàn chó nhỏ hắt hủi, dọa nạt. Mà, phàm những đứa trẻ “khác người” như Lông Dài thường để tồn tại rất thông minh và nhạy cảm. Lông Dài luôn biết khi nào có nguy hiểm rình rập để tránh xa, khi nào được yêu thương để lại gần, khi nào cần dữ tợn để bảo vệ mình thì dứt khoát lao vào không khoan nhượng.
Cũng như bao nhiêu đàn chó khác, số phận của các anh em Lông Dài là được mẹ sinh ra để rồi bị ông bà chủ bán đi, từng con, từng con một. Xin đừng cho rằng lão To Giọng, chủ của Lông Dài, là một con người độc ác hoặc không có tình thương, dù rằng lão là người luôn làm Lông Dài cảnh giác và tránh né vì đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra hầu hết sự mất mát chia lìa tình thân của Lông Dài với các anh em, và sau này là với đàn con của nó. Mỗi chúng ta, khi nuôi một con vật, dù có yêu thương chúng đến đâu chúng ta cũng không thoát khỏi sự áp đặt và lấy quyền quyết định của mình cư xử với chúng. Bạn có bao giờ xách tai một con mèo ném ra khỏi cửa hay dùng cán chổi bốp cho con chó vài roi vì chúng làm bạn phát cáu? Bạn có bao giờ càm ràm hay nổi khùng vì tiếng chó nhà hàng xóm cứ tru lên trong đêm vắng hoặc hồ hởi mang nơ ra cột cho một con mèo rồi bế nó đi tặng như một món quà?
Buồn làm sao, hầu như chúng ta đều phải thừa nhận là có. Và vì không hiểu được bao nhiêu những tình cảm của con vật ta nuôi nên nhiều khi chúng ta đẩy chúng vào thế tấn công hoặc làm chúng bỏ ta, tự bươn bả tìm lấy chốn bình yên. Lông Dài biết bao nhiêu lần phải gào góc đến kiệt cùng sức lực hay chống trả điên cuồng mỗi khi anh chị em nó, đứa bị mèo cắn chết, đứa bị bán, đứa bị bắt đi. Lông Dài biết bao nhiêu lần trốn theo tiếng chuông nhà thờ để mong tìm lại gia đình. Lông Dài biết bao nhiêu lần lần mò đến tận phía sau trường tiểu học để rồi thất thểu trở về vì chẳng thấy bóng dáng của những đứa con. Và khi cả đàn con nhỏ của nó bị lão To Giọng bán đi để lấy tiền chữa lại mái nhà bị bão phá tan hay khi Gori - đứa con cuối cùng nó yêu thương nhất - bị ông chủ bán để lấy tiền chữa bệnh thì trái tim Lông Dài hầu như tan vỡ. Nó không còn muốn ăn, nó không còn muốn sống, nó thù hằn sợi dây xích đã thít chặt cổ nó, không cho nó nhảy đến cứu con. Nó cũng không còn chút sức lực nào để đứng lên hay đến gần nhìn vào mắt lão To Giọng mà hỏi lão "Vì sao lại đối xử với chúng tôi như vậy, không lẽ chỉ vì là thú vật nên không biết đau khổ hay sao?"
Tôi đã nghèn nghẹn quay đi lau nước mắt khi con trai nắm lấy tay tôi, hỏi rằng “Mẹ ơi, Lông Dài có tìm lại được con không mẹ?”
Tìm được hay không, đó là cả một khái niệm mơ hồ mà sau này lớn lên con mới hiểu. Vì, có đôi lúc dù không tìm được nhưng ta biết hình bóng của người thân luôn hiện diện trong tim. Và, có những lúc dù ta đã tìm được song chỉ có thể âm thầm đi theo người mình thương yêu thêm một đoạn đường, như Lông Dài đã âm thầm đi theo Trắng con và cầu mong con mình hạnh phúc.
Có thể bạn sẽ cho rằng nội dung cuốn sách buồn quá, liệu để con trẻ đọc cùng có hợp không? Thật ra, trong từng đoạn đời được đánh dấu theo mỗi mùa đông của Lông Dài không phải lúc nào cũng buồn thảm biệt ly như thế. Như bất kỳ một cuộc đời nào khác, Lông Dài cũng có tuổi thơ hồn nhiên vui đùa, cũng biết tò mò học hỏi thế giới xung quanh, cũng lớn dần lên để biết yêu, biết mong đợi và biết mình đang làm mẹ. Có nhiều lúc tôi và thằng bé phải bật cười khúc khích khi đọc những đoạn triết lý của Mèo già, sự nanh nọc của Em Chồng hay thấy lòng mềm lại khi nghe đối thoại rất đáng yêu của Gori với Lông Dài như thế này:
Gori nhấp nháy mắt nhìn Lông Dài.
“Mẹ ơi, em chồng là gì vậy mẹ?”
“Em chồng? Cái đó là gì thì, ừm...”
Lông Dài nghiêng đầu, chớp chớp mắt bối rối. Đây là lần đầu tiên trong đời Lông Dài nghe thấy từ đó nên nó không biết giải thích cho Gori thế nào.
“À, là vậy đó. Là thứ hay lắm. Đúng rồi, là thứ hay lắm đó.”
Nhưng rồi nó nghe tiếng con mèo già cười rúc rích trên bờ tường. Không biết mụ leo lên đấy từ lúc nào mà giờ đã nằm gối đầu lên chân trước.
“Mày nói em chồng hay ấy à? Khừ khừ khừ. Ja Ang, thà mày cứ nói là không biết cho xong. Là thứ rất hay cơ đấy? Khịch khịch khịch.”
“Gâu gâu. Nghe lén là xấu lắm!”
Gori nhanh chóng đáp lời mỉa mai của con mèo già. Lông Dài hài lòng khi thấy Gori rất giống nó. Tuy thật sự Gori tuyệt hơn nó nhiều nhờ bộ lông ngắn mượt mà trơn tru, nhưng Lông Dài tin rằng ít nhất sự tinh tươm và tính hiếu kỳ của Gori cũng từ nó mà ra.
“Xí! Coi cái kiểu nói chuyện lịch sự chưa kìa. Tai thính cũng là cái tội hả? Mấy đứa thời nay thật ấu trĩ. Này, cái đồ hư đốn kia, coi chừng bị tao đét vào mông đấy nhá.”
“Gâu gâu! Cứ thử đến đây xem!”
“Chậc chậc. Bó tay với mấy đứa chỉ biết nhìn mặt đất mà sống luôn.”
Có lẽ cơn buồn ngủ quay lại nên con mèo già ngoác miệng ngáp một cái rõ to...
(Trích chương Gori quậy phá)
Chân thành, ngây thơ, hồn nhiên, hiểu biết, tha thứ luôn hòa quyện vào nhau trong mỗi cái lắc đầu hay nhướn mày, bĩu môi của từng nhân vật. Và sự hóa thân trọn vẹn mà Hwang Sun-mi dành tặng cho độc giả của cô là món quà tuyệt vời mà tôi tìm lại được kể từ khi thôi miệt mài đọc “Cái tết của mèo con” hay “Nanh Trắng” xưa xửa xừa xưa.
Khi giới thiệu “Chó xanh lông dài” nhà xuất bản Nhã Nam đã viết rằng:“Chia ly rồi gặp gỡ, sum vầy lại lìa xa, Lông Dài hết lần này đến lần khác đương đầu với những trải nghiệm bắt buộc của cuộc sống. Song Lông Dài không bao giờ bỏ cuộc, vẫn kiên cường bước tiếp để cuối cùng tìm ra câu trả lời rất đỗi giản dị về nơi chốn lý tưởng ấy.”
“Nơi chốn lý tưởng” mà Nhã Nam đề cập đến chính là nơi ta gọi là Nhà, nơi ta được sống an toàn và không phải lo rằng mình sẽ bị dồn ép, bị tổn thương hay mất mát thêm bất kỳ ai đó mình đã yêu thương. Với một cuốn sách dành cho thiếu nhi thì thông điệp lớn lao mà Hwang Sun-mi thiết tha tạo dựng có lẽ phải được trẻ em lớn dần lên thành người lớn để cảm nhận. Nhưng sự rung động rất tự nhiên từ trái tim, sự hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp và những hình ảnh minh họa sinh động trong sách sẽ là một bức tranh ghi nhiều dấu ấn đẹp trong tâm hồn con trẻ. Điều đó, tôi đã cảm thấu khi nghe tiếng con cười tinh khôi sau trang sách hoặc khi nhẹ nhàng áp tay vào đôi má còn đọng giọt nước mắt trong veo của con để con luôn tin rằng dù có thế nào thì gia đình và tình thương yêu vẫn là điều lớn lao nhất mà chúng ta có thể chia sẻ cho nhau trong suốt cuộc đời.
Người viết: CF-S